Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Vụ Trịnh Vĩnh Bình: Thủ tục tố tụng ra sao?


Bài trên báo Pháp Luật TP.HCM:

(PL)- Theo khoản 2 Điều 1 Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại quốc tế ICC 2017 thì Tòa Trọng tài Quốc tế ICC không đưa ra phán quyết chính thức về các vấn đề tranh chấp.
Tòa Trọng tài Quốc tế ICC không đưa ra phán quyết chính thức
LTS: Từ việc ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt, khởi kiện chính phủ Việt Nam tại Tòa Trọng tài Quốc tế ICC, Paris (Pháp) đòi bồi thường khoảng 1,25 tỉ USD, nhiều bạn đọc thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến công việc của trọng tài quốc tế.
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của TS Trần Thăng Long, khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM.
Các tranh chấp thương mại quốc tế, gồm tranh chấp về hợp đồng và tranh chấp giữa nhà đầu tư là cá nhân với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, có thể được đưa ra phân xử tại một tòa trọng tài (không phải tòa án). Cơ sở là theo quy định tại hợp đồng hoặc hiệp định quốc tế giữa các quốc gia (như hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư). Đây là trường hợp từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Không ra phán quyết chính thức
Thông thường các hiệp định trên sẽ quy định tranh chấp được giải quyết bằng cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư giữa các quốc gia và công dân quốc gia khác. Đây gọi là cơ chế ICSID (International Centre for Settlement of Investment Disputes) theo Công ước Washington năm 1965. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa tham gia cơ chế này.
Nếu các bên không phải là thành viên của công ước này thì các tranh chấp liên quan sẽ được giải quyết bằng hòa giải. Nếu biện pháp hòa giải không đạt được thì tranh chấp này được giải quyết bằng một trọng tài theo vụ việc (ad hoc) hoặc trọng tài thường trực (trọng tài quy chế).
Cơ sở pháp lý để các tòa trọng tài nói trên phân xử là các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa công dân của một bên ký kết với chính phủ tại các hiệp định liên quan. Ngoài ra, vụ kiện có thể được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên trong trường hợp chính phủ của nước bị kiện đồng ý chấp nhận vụ kiện được giải quyết bằng một cơ chế như vậy.
Tòa Trọng tài Thương mại quốc tế (the International Court of Arbitration - ICC) là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ICC. Nhưng theo khoản 2 Điều 1 Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại quốc tế ICC năm 2017 thì tòa này có chức năng quản lý đối với việc giải quyết tranh chấp được áp dụng theo quy tắc tố tụng của ICC nên sẽ không đưa ra phán quyết chính thức về các vấn đề tranh chấp. ICC chỉ thực hiện việc giám sát tư pháp đối với các thủ tục tố tụng trọng tài, gồm việc xác nhận, chỉ định và thay thế các trọng tài viên. Ngoài ra là đưa ra quyết định về các phản đối đối với các trọng tài viên này, giám sát tiến trình tố tụng trọng tài đảm bảo theo thời hạn, xem xét và chuẩn y các phán quyết trọng tài để đảm bảo chất lượng và tính khả thi…
Được yêu cầu hủy phán quyết
Hiện có nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về thương mại và đầu tư, tùy thuộc vào cơ chế giải quyết được các bên chọn lựa là gì mà phạm vi phân xử và việc thi hành phán quyết sẽ căn cứ vào cơ chế đó. Nội dung của phán quyết sẽ được thể hiện trong phán quyết của tòa trọng tài được thành lập để phân xử vụ tranh chấp.
Thứ nhất, trong trường hợp việc giải quyết bằng trọng tài thì quy tắc tố tụng sẽ tùy thuộc vào cơ chế cụ thể. Chẳng hạn, nếu vụ việc giải quyết bằng cơ chế trọng tài ad hoc thì quy tắc tố tụng có thể do các bên chọn lựa. Lúc này, theo một trong các quy tắc tố tụng trọng tài thương mại quốc tế phổ biến như quy tắc trọng tài của Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) hoặc quy tắc trọng tài của ICC. Nếu vụ việc được giải quyết bằng cơ chế Tòa Trọng tài Thường trực thì có thể áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức trọng tài đó, chẳng hạn như quy tắc tố tụng riêng của ICSID.
Thứ hai, giá trị pháp lý và việc thi hành phán quyết thường được xác định trong phán quyết của tòa trọng tài đó. Về cơ bản các phán quyết này sẽ có giá trị chung thẩm, không có thủ tục phúc thẩm và yêu cầu các bên thực thi bằng việc công nhận và cho thi hành tại các nước liên quan. Mặc dù vậy, phán quyết này có thể bị bên phải thi hành yêu cầu tòa án nơi diễn ra phiên xử trọng tài hủy (set aside) và không công nhận, cho thi hành tại nước phải có nghĩa vụ thực thi phán quyết.
Điều này dẫn đến khả năng làm vô hiệu hóa phán quyết trọng tài. Đối với cơ chế của ICSID, theo đề nghị của một bên, phán quyết này cũng có thể được hủy bỏ (annulment) bằng cơ chế xem xét riêng của ICSID.
Có thể từ chối thi hành
Các phán quyết của trọng tài nước ngoài, gồm các phán quyết được tuyên ở trong hay ngoài lãnh thổ của nước liên quan, sẽ cần được công nhận và cho thi hành tại nước liên quan đó. Nếu nước phải thi hành là thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận các phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958), nước này sẽ công nhận phán quyết là có giá trị ràng buộc và sẽ thi hành. Việc thi hành này sẽ tuân theo quy tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi quyết định được thi hành.
Mặc dù vậy, theo điểm b khoản 2 Điều 5 của Công ước New York 1958 thì việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ chối dựa trên lý do là việc này sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó. Do đó, việc thi hành các phán quyết chống lại quốc gia thường bị vô hiệu hóa hoặc bị cản trở bằng việc áp dụng nguyên tắc về quyền miễn trừ quốc gia (state immunity). Trong đó có thể viện dẫn yếu tố lợi ích công, việc bảo vệ tài sản quốc gia không sử dụng vào các mục đích thương mại hoặc những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (diplomatic privilege).
Trường hợp phán quyết không được thực thi thì các cơ chế giải quyết bằng trọng tài hiện không có chế tài cụ thể để buộc phải thực thi. Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa thương mại có thể được các nước liên quan áp dụng nhằm đảm bảo việc thi hành phán quyết cho công dân của mình. Ngoài ra, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nước phải thực thi phán quyết trong quan hệ quốc tế.
Một vấn đề khác là các tòa trọng tài quốc tế về thương mại chỉ giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế hoặc đầu tư quốc tế. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chứng minh được vụ kiện có thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài hay không; nguyên đơn có phải là nhà đầu tư hay không; khoản đầu tư của nhà đầu tư có hợp pháp không và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư đã vi phạm như thế nào.
Do đó, các phán quyết không thể đi ra ngoài các nội dung tranh chấp nêu trên. Ngoài ra, phía nguyên đơn có thể đưa ra yêu cầu về bồi thường nhưng việc xác định mức bồi thường cụ thể sẽ do trọng tài quyết định trong phán quyết trên cơ sở xem xét về thiệt hại, sự hợp lý... Điều đó không có nghĩa bên nguyên đơn đòi bồi thường bao nhiêu thì sẽ được tuyên bồi thường bấy nhiêu.

Bài trên BBC:

Về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện VN hơn 1 tỷ USD

Phiên xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris đã bắt đầu từ hôm 21/8/2017 và được dự trù sẽ kéo dài tới ngày 31/8 nhưng dường như đã kết thúc sớm hơn vào hôm Chủ nhật ngày 27/8.
Video được đăng tải trên YouTube cho thấy ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Kiều mang quốc tịch Hà Lan, bước ra khỏi Tòa Trọng tài tại Pháp, với vẻ mặt tươi cười và hai tay giơ cao, nhưng ông từ chối không trả lời báo chí.
Số tiền mà một số nguồn tin cho hay ông Bình đang đòi chính phủ Việt Nam phải bồi thường lên tới 1,25 tỷ đô la.
Đây là lần thứ nhì ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế, khởi đầu từ tháng 1/2015 với lý do chính phủ Việt Nam đã không thực hiện các cam kết mà hai bên đã thỏa thuận ngoài tòa năm 2005 trong vụ kiện lần đầu.

Khởi nguồn vụ kiện

Vụ việc có nguồn gốc từ những năm 1990-1996 khi ông Bình mang số tiền được cho là ba triệu đô la về đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai của Việt Nam.
Nhưng sau đó ông đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết án tù vì vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đất đai, đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn kiện phía Việt Nam ra một Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặt tại Stockholm (Thụy Điển) mà theo đơn kiện khi đó, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu USD.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt năm 2005, ông Trịnh Vĩnh Bình nói ông đã bị bỏ tù oan và tài sản của ông mang về đầu tư ở Việt Nam đã bị tịch thu trái phép trong những năm 90 vì những hành động mà ông nói là sai trái ở tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, cáo buộc doanh nghiệp của ông trốn thuế và đầu tư bất động sản trái phép.
Vụ kiện lần đầu này dự kiến sẽ được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Stockholm xét xử vào tháng 12 năm 2006 nhưng phía nhà nước Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình ngoài tòa để ký một thỏa thuận tại Singapore năm 2006.
Theo một số tin tức cho hay thì nhà nước Việt Nam đã chấp thuận bồi thường các chi phí phát sinh việc theo đuổi phiên tòa, miễn án cho ông Trịnh Vĩnh Bình, hứa trả lại toàn bộ tài sản của ông và tạo điều kiện cho ông trở lại Việt Nam đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Vĩnh Bình trả lời truyền thông, vì phía Việt Nam đã không thực hiện cam kết trả lại tài sản cho ông, đã buộc ông phải khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai này.
Không ràng buộc nên không thực thi?
Vì Thỏa thuận giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và Việt Nam được dàn xếp tại Singpapore là không ràng buộc nên có lẽ vì thế phía Việt Nam đã không thực thi các cam kết này kể từ năm 2006 dẫn tới việc ông Bình phải đưa Việt Nam ra Tòa trọng tài quốc tế lần hai này.
Lần này, vụ việc thu hút một số sự chú ý của các nhà báo tại Việt Nam, những người còn nhớ về vụ việc xảy ra đã khá lâu này.
Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế có viết trên Facebook cá nhân:
"Vụ này nhiều người thấy trước, đã cảnh báo, nhưng không ăn thua. Bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh, Chủ Tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng bị "vạ lây" vì đã viết một tâm thư gởi Bộ Chính Trị nói về vụ này."
Ông Nguyễn Công Khế đăng lại một bài của nhà báo Hoàng Hải Vân 'Nhớ lại vụ Trịnh Vĩnh Bình', trong đó có nội dung rằng:
"Hồi diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình, các báo khác tôi không theo dõi kỹ nên không dám bình luận, nhưng riêng Thanh Niên là tờ báo trước sau không đồng tình với bản án."
Còn blogger Phạm Lê Vương Các viết trên trang Facebook của ông:
"Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản "hợp lý" cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài Singapore, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài.
"Nói dễ hiểu sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn "tiền tố tụng" - tức tòa trọng tài chuẩn bị xử, hai bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử.
"Vì vậy, thỏa thuận này sẽ không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba.
"Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ "lơ là" không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành Thỏa thuận đã ký ở Singapore.
"Vì vậy không còn cách nào khác ông Bình phải đi kiện lại ra Tòa trọng tài nhằm có một bản án chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba."
Blogger Phạm Lê Vương Các cũng trích dẫn Điều 6, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan, đã nêu rõ: "Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia" và cho rằng đây là cơ sở để cho rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có nhiều khả năng sẽ thắng trong vụ kiện này.
Và một khi Tòa Trọng tài ở Paris đã ra phán quyết, chứ không phải dàn xếp ngoài tòa như thỏa thuận tại Singapore, thể theo đúng các thủ tục tố tụng, "nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài".
Trong trường hợp nếu thua kiện, và bên thua không tự nguyện thi hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật sư của bên thắng kiện sẽ có quyền yêu cầu Tòa án ở các quốc gia tham gia Công ước phong tỏa tài sản của bên thua kiện trên lãnh thổ nước họ và thi hành bản án của Tòa trọng tài.
Khác biệt giữa Tòa án và Tòa Trọng tài
Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài cũng có những đặc thù khác với Tòa án truyền thống và luôn đảm bảo yếu tố bí mật của vụ việc vì thế thường xử trong phòng kín, những người không liên quan vụ việc sẽ không được phép tham dự và đặc biệt trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí.
Ông Nguyễn Đình Cống, một người từng là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế của Việt Nam, trên trang Facebook của mình đã chỉ ra một số điểm giống và khác nhau giữa xử tại Tòa án và tại Tòa Trọng tài Quốc tế.
Theo ông Cống, tuy cũng được gọi là vụ kiện, có nguyên đơn và bị đơn, và mỗi bên đều có thể tự bảo vệ hoặc thuê luật sư nhưng có khác biệt như với Tòa án, thì các bên không được chọn chánh án và thẩm phản và luật do Tòa chọn, trong khi ở Tòa Trọng tài thì các bên có quyền chọn Trọng tài viên và chọn luật của các quốc gia.
"Nhưng khác biệt quan trọng nhất có lẽ là không giống tòa truyền thống, bản án thường được công bố công khai trong khi quyết định của Tòa Trọng Tài không được công bố ngay vào cuối phiên xét xử mà chỉ được công bố cho 2 bên sau một thời gian, được gọi là Phán quyết Trọng tài (không công khai)."
Đồng thời với bản án của Tòa án cấp dưới thì có thể được khiếu nại lên Tòa án cấp trên để được xét xử phúc thẩm trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài là quyết định cuối cùng, theo ý kiến này.
Việc giữ bí mật này còn được áp dụng cả khi thi hành quyết định của Tòa Trọng tài vì thế khó có thể nói được liệu công chúng cuối cùng có được biết chính xác khi nào có Phán quyết Trọng tài và phán quyết này sẽ là như thế nào trong những ngày tới.

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

VN "đóng cửa tự thắng"



CHÍNH PHỦ VN "TỰ ĐÓNG CỬA THẮNG" TRONG VỤ TRỊNH VĨNH BÌNH


Phạm Lê Vương Các

Với hình ảnh phấn kích giơ hai cánh tay lên và IM LẶNG không tiết lộ nội dung xét xử sau khi rời khỏi Tòa Trọng Tài Quốc tế tại Paris, dường như cho thấy sẽ có một chiến thắng cho ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ được tuyên vào ngày 31/8 tới.
Sự im lặng không tiết lộ nội dung vụ việc như là một phần nghĩa vụ theo thông lệ dành cho bên thắng kiện khi xử ở Tòa Trọng Tài để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến uy tín của bên thua kiện. Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài rất khác với Tòa án truyền thống, nó luôn đảm bảo được đến yếu tố bí mật vụ việc, những người không liên quan vụ việc sẽ không được phép tham dự, trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí. Thậm chí là phải giữ bí mật về bản án thi hành sau đó. Đó là lý do suốt một tuần qua khi vụ kiện bắt đầu, cộng đồng rất quan tâm đến vụ kiện nhưng báo chí cũng không thể có được một thông tin về diễn biến phiên tòa.
Trước khi đi vào đánh giá vụ án của ông Bình, tôi xin cung cấp thông tin 2 vụ kiện trước đây liên quan đến các cơ quan Chính Phủ Việt Nam, đó là vụ HLV trưởng đội bóng đá Việt Nam Letard kiện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, và vụ ông Liberati kiện Hãng Hàng Không Vietnam Arlines (VNA). Cả 2 vụ này phía Việt Nam đều thua kiện vì những "nhận định ngây ngô" từ phía lãnh đạo, và đến vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, Chính Phủ cũng không rút ra kinh nghiệm mà còn tiếp tục đi vào vết xe đổ của Liên đoàn bóng đá và VNA.
Vụ Liên Đoàn Bóng đá VN thua vì "thiếu hiểu biết" luật quốc tế:
Vụ việc bắt đầu khi Liên Đoàn Bóng đá VN sa thải ông Letard vào năm 2002. Ban đầu ông Letard đã khiếu nại vụ việc lên Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) để yêu cầu Việt Nam bồi thường vì đã vi phạm hợp đồng. FIFA ra quyết định giải quyết khiếu nại với kết luận nghiên về phía Việt Nam, xử thua ông Letard.
Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA, ông Letard đã khởi kiện ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy sĩ. Tòa Trọng tài Thể thao thụ lý vụ việc và thông báo cho Liên Đoàn Bóng Đá VN biết và yêu cầu Liên đoàn bóng đá VN cung cấp thông tin vụ việc, cũng như phản hồi các cáo buộc của ông Letard. Nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam không chịu cung cấp thông tin theo yêu cầu của tòa. Thậm chí khi được triệu tập đến phiên tòa để xét xử nhưng Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam cũng chẳng thèm tham dự.
Lý do của việc “không quan tâm đến vụ kiện” là do các quan chức lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá VN khi đó cho rằng đã có kết quả giải quyết cuối cùng của FIFA, kiện ra Tòa Trọng tài Thể Thao ở Thụy sĩ không phải là phương phức để giải quyết tranh chấp theo như hợp đồng ký kết, nên nó không có giá trị. Với lại kiện ra tòa Thụy Sỹ, nếu thua “mà ở Việt Nam ta không chấp hành thì làm gì được nhau”.
Phiên tòa vụ này được mở ra mà không có bị đơn là Liên Đoàn Bóng đá VN. Thế là nguyên đơn đươc dịp tha hồ vạch tội. Kết quả là Tòa trọng tài Thể thao xử ông Letard thắng kiện, yêu cầu Liên Đoàn Bóng đá VN bồi thường hợp đồng cho ông Letard với số tiền gần 200 ngàn đô ( 3 tỷ đồng Việt Nam thời đó). Áp dụng hình thức chế tài nếu không thi hành án thì Liên Đoàn Bóng đá VN sẽ bị cấm tham gia tất cả các giải đấu bóng đá theo hệ thống FIFA trong 2 năm.
Lúc này các quan chức Liên đoàn bóng đá VN mới “té ngửa” ra, là phán quyết của tòa này lại có hiệu lực pháp lý cao hơn phán quyết của FIFA, mà FIFA cũng phải thi hành bản án của Tòa Trọng tài Thể thao.
Thật ra việc khởi kiện cũng rất đơn giản, khi trong Quy chế giải quyết khiếu nại của FIFA nêu rõ, khi tranh chấp xảy ra nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA thì các bên có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy Sỹ, và các phán xử của Tòa án này là có hiệu lực cuối cùng mà FIFA cũng phải đảm bảo thi hành.
Thế là Liên đoàn Bóng đá VN mới chịu báo cáo lên chính phủ và cầu cứu. Ngân sách nhà nước cấp cho Liên đoàn bóng đá VN vào năm đó được 3,7 tỷ, đã bị ông Letard "xơi" mất 3 tỉ. Quá đau! Vụ này thua vì ra cuộc chơi quốc tế mà thiếu hiểu biết luật quốc tế.
Đến vụ thứ 2, Vietnam Arlines (VNA) thua vì xem thường tòa án nước ngoài
Vụ việc bắt đầu với một ông người Ý mang tên Liberati kiện Vietnam Arlines (VNA) ra Tòa án Roma ở Ý, yêu cầu VNA trả tiền chi chí phí cho ổng vì VNA đã Ủy quyền cho một Đại lý VNA thuê ổng làm việc. Đại lý này bị phá sản, ổng đành nắm đầu VNA đòi tiền. Phiên tòa mở ra, tòa triệu tập nhưng Vietnam Arlines cũng không cử người tham dự, theo kiểu "ta chả liên quan". Sự vắng mặt của bị đơn làm Tòa án Ý nhanh chóng tuyên Liberati thắng kiện, buộc Vietnam Arlines phải thanh toán cho bên nguyên đơn 1,3 triệu euro.
Đứng trước phán quyết này lãnh đạo Vietnam Arlines đánh giá phán quyết ở Tòa án nước Ý dễ gì thi hành được ở Việt Nam khi Vietnam Arlines là “con cưng” của nhà nước, Vietnam Arlines cũng chẳng có tài sản ở Ý thì… “làm gì được nhau”.
Đúng là suốt gần 7 năm sau đó án này không thi hành được, vì ở Ý không có gì để chế tài được VNA. Rồi bỗng một ngày của năm 2002, luật sư Liberati phát hiện VNA đang có một tài khoản triệu đô ở nước Pháp, đây là cơ hội ngàn vàng, đảm bảo cho việc thi hành án của VNA. Thi hành ở Ý không được thì nhờ Pháp “thi hành hộ”, đó là cách làm của luật sư đại diện cho ông Liberati.
Giữa Ý và Pháp đều thuộc khối Liên minh Châu âu. Đây là một Liên minh gần như nhất thể hóa về chính trị, ngoại giao và tương trợ tư pháp rất chặt chẽ với nhau. Thế là tòa án ở Pháp nhanh chóng ra quyết định phong tỏa tài khoản triệu đô của VNA tại Pháp để đảm bảo thi hành án.
Điều buồn cười trong vụ này, lúc đầu VNA chỉ bị yêu cầu thanh toán là 1,3 triệu euro, nhưng không chịu thi hành ngay, mà đi thuê mấy luật sư để “gỡ” vụ phong tỏa tài sản ở Pháp. Kết quả cuối sau một thời gian kiện cáo của VNA, gỡ đâu không thấy mà cuối cùng cũng thành “gỡ ghẻ”. Kết quả cuối cùng là VNA phải thanh toán bồi thường cho ông Liberati 5,2 triệu euro, vì phải thanh toán cho bên nguyên đơn thêm tiền lãi suất của nhiều năm và thanh toán luôn chi phí luật sư cho bên họ, vì VNA là bên thua kiện.
Vụ này VNA thua đau vì đã xem thường thẩm quyền và khả năng thi hành bản án của Tòa án quốc gia Ý.
Hai bài học trên đã có, đến vụ thứ 3, trở lại vụ án Trịnh Vĩnh Bình, Chính phủ đã đi vào vết xe đổ của Liên Đoàn Bóng đá và VNA dù hiểu biết luật chơi của quốc tế nhiều hơn, nhưng vẫn còn mang tư duy thiếu tôn trọng luật chơi quốc tế.
Có thể kể ra một số lỗi của Chính Phủ trong vụ này như sau:
Thứ nhất, Chính phủ đã không thi hành đầy đủ các cam kết với ông Bình theo như Thỏa thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006, đó là việc trả lại tài sản đất đai và nhà xưởng đã tịch thu của ông Bình. Nếu vào thời điểm này Chính Phủ quyết tâm thực hiện thỏa thuận tại Tòa trọng tài Singapore thì có thể chỉ phải bỏ ra khoảng 20-30 triệu đô thu hồi đất đai để trả lại hoặc có thể tìm kiếm sự thỏa thuận riêng với ông Bình nhận tiền thay cho nhận đất đai. Tuy nhiên, chính phủ đã làm ngơ, không tiến hành thực hiện cam kết này, để rồi sau mười năm dẫn đến việc ông Bình tái khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường đến ít nhất 1,25 tỷ đô.
Ông Bình đòi đến ít nhất 1,25 tỷ đô nghe có vẻ như là bất hợp lý. Nhưng vào tay các luật sư quốc tế là đều có cở sở. Luật sư cũng chẳng khó khăn gì để chứng minh cho việc giá thành đất đai tại Việt Nam của ông Bình từ lúc bị tịch thu đến nay đã tăng lên hàng trăm lần. Hay đòi những thứ mà trong Thỏa thuận ở Singapore trước đây không có như: đòi tiền bồi thường thiệt hại khi bị giam giữ bất hợp pháp theo án lệ quốc tế, và các tài sản có thể đem lại lợi nhuận sau 20 năm của ông Bình, bồi thường tổn thất về tinh thần sau hàng chục năm, chi phí thuê luật sư v.v..
Cái này gọi là "không chịu đền 1 theo cam kết ban đầu, cuối cùng tòa xử phải đi đền 10".
Lỗi thứ hai, Chính phủ đã thúc đẩy ông Bình đi kiện.
Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản “hợp lý” cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài Singapore, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài. Nói dễ hiểu sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn “tiền tố tụng” – tức tòa trọng tài chuẩn bị xử, 2 bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử. Vì vậy, thỏa thuận này sẽ không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba. Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ "lơ là" không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành cái Thỏa thuận đã ký ở Singapore. Vì vậy không còn cách nào khác ông Bình phải đi kiện lại ra Tòa trọng tàinhằm có một bản án chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba.
Rõ ràng việc ông Bình là một công dân Hà Lan khởi kiện chính phủ VN ra tòa, tòa thụ lý xét xử theo thủ tục tố tụng là một bất lợi rất lớn cho chính phủ VN vì Chính phủ hầu như không có cửa thắng kiện trong vụ việc này.
Thắng sao được khi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan, tại điều 6 nêu rõ: "không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia". Gỡ sao được khi có sự vi phạm lộ liễu và quá rõ ràng như vậy.
Lẽ ra, nếu Chính phủ nhận định sáng suốt hơn thì thấy rõ cửa thắng duy nhất cho Chính phủ trong vụ này là nằm ở giai đoạn Hòa giải với ông Bình, để qua hình thức này thể có thương lượng hạn chế thấp nhất số tiền phải bồi thường. Nhưng việc không thực hiện đầy đủ các cam kết ở giai đoạn Hòa giải với ông Bình trước đây, đã làm cho cửa thắng của Chính Phủ tự khép lại, khi ông BÌnh yêu cầu mở phiên tòa và xử theo tố tụng.
Khi bản án được xét xử theo thủ tục tố tụng được Tòa Trọng tài ở Paris đưa ra, nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài. Khi thua kiện, mà Chính phủ không tự nguyện thi hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật sư của ông Bình sẽ canh me tiền và tài sản của Chính phủ VN nằm trên lãnh thổ của 150 quốc gia này, là họ có quyền yêu cầu Tòa án ở quốc gia ấy phong tỏa tài sản và nhờ thi hành bản án của Tòa trọng tài.
Luật sư của ông Bình không dại gì nhờ mấy tòa án quốc gia đã tham gia Công ước như Trung Quốc, Lào hay Cambodia thi hành án mà chắc chắn họ sẽ chọn các quốc gia có nền pháp quyền, tòa án hoàn toàn độc lập với thể chế chính trị như tòa án ở các quốc gia thuộc EU, Mỹ, Úc, hay Canada... Tòa án ở các quốc gia này họ sẽ "đè ra vặt" không thiếu một xu.
Hết cứu!
Thử hỏi một quốc gia đang trên đường hội nhập quốc tế, mà để xảy ra những vụ việc như vậy có đáng trách và đáng xấu hổ không? Nếu ông bà lãnh đạo nào đã làm ẩu trong vụ này tự bỏ tiền túi ra đền thì cũng chẳng có gì đáng trách, đằng này họ cứ moi tiền từ ngân sách nhà nước - là tiền do người dân đóng góp để bồi thường. Thế mới đau!
Ảnh: Ông Trịnh Vĩnh Bình vừa bước ra khỏi cổng Tòa trọng tài quốc tế ở Paris.

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Cuộc chiến Đà Nẵng 1858 trong góc nhìn của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer

Trong hồi ký “Xứ Đông Dương” viết vào khoảng năm 1903, một năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm giữ chức vụ Tòan Quyền Đông Dương (1897-1902), Paul Doumer có đưa ra một số nhận xét về cuộc chiến đánh chiếm vịnh Đà Nẵng của liên quân Pháp – Tây Ban Nha  năm 1858.

Vịnh Đà Nẵng mà Paul Doumer nói tới trong hồi ký nay chính là bán đảo Sơn Chà, hiện vẫn còn một số di tích liên quan tới nghĩa trang của những người lính trong đội quân viễn chinh ở gần cảng Tiên Sa.




Năm 1858, một lực lượng viễn chinh nhỏ liên quân Pháp – Tây Ban Nha được phái tới Đà Nẵng để trừng phạt Hoàng Đế An Nam đã tàn sát các giáo dân và giáo sĩ đạo Gia tô.

Không may là đội quân này không có thông tin gì về đất nước mà họ sẽ tới. Điểm duy nhất bên bờ biển gần kinh đô Huế là vịnh Đà Nẵng, hạm đội có thể vào trú ẩn và cho quân đổ bộ. VỊnh này  nằm trong một vùng núi cao bao quanh chỉ có một số ít dân sống ven bờ; có thể bị chiếm đóng lâu dài mà triều đình An Nam  không cảm thấy có phiền phức hoặc bị mất thể diện. 

Để tới được Huế, quân viễn chinh phải vượt qua một chặng đường dài khoảng 100 cây số, nhưng chẳng có con đường thực sự nào. Trước hết phải vượt qua khối núi sừng sững, con đường mòn qua đèo Hải Vân,  nơi thấp nhất cũng đã tới 500 mét trên mực nước biển. Lại thêm khí hậu nóng như thiếu đốt và ¾ chặng đường này phải vượt qua những cánh rừng rậm, hay đụn cát không có gì để ăn uống và trú ẩn. Chưa kể những người lính An Nam trong các pháo đài đặt ngay đèo Hải Vân chắc không có nhiệm vụ chìa tay ra với những kẻ xâm lược.

Cố gắng hành quân bằng đường bộ từ vịnh Đà Nẵng để tấn công kinh đô Huế là thật sự một hành động điên rồ. Phải chiếm vịnh Đà Nẵng và chờ đối phương tấn công. Nhưng cuộc tấn công đã không diễn ra. Những người lính của Hoàng Đế An Nam không ngu tới mức rời bỏ vị trí mà tại đó họ không bị nguy hiểm và thời gian lại đang ủng hộ họ.

Đội quân nhỏ bé của liên quân Pháp – Tây Ban Nha bị tơi tả bởi các bệnh nhiệt đới khủng khiếp. Sốt, kiết lỵ, dịch tả tàn phá đội quân. Mỗi ngày, quân triều đình An Nam đều đánh thắng một trận mà không cần ra quân.

Nghĩa trang trong trại quân mà chúng ta thấy ngày nay (Nghĩa trang nằm trên một quả đồi nhỏ gần cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Chà ngày nay) đủ nói lên những tổn thất của liên quân. Nghĩa trang đó là kỷ niệm duy nhất còn lại của cuộc viễn chinh.




Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Sử Ký: Tây Nam Di Liệt Truyện

Người dịch: Trương Thái Du
Nguồn: 西南夷列傳
Ghi chú: Dạ Lang là một liên minh các bộ lạc lớn ở Hoa Nam, địa bàn phía bắc vào khoảng từ huyện Nguyên Lăng, Hồ Nam đến huyện Đồng Nhân, Quý Châu, Trung Quốc. Trung tâm nước Điền chính là thành phố Côn Minh ngày nay. Nhiễm Mang là miền đông Tây Tạng. Sông Tang Kha là sông Tây giang đổ ra biển tại Phiên Ngu, theo mô tả trong các ngữ cảnh phía dưới, phần thượng lưu của nó có thể là Mông giang chảy vào Tây giang tại Mông Giang trấn.
Figure-5-Tomb-M24-at-the-Dian-site-of-Lijiashan-richly-furnished-with-bronze-musical
Ảnh: Sơ đồ mộ táng một thủ lĩnh Điền Việt – Vân Nam tại Thạch Trại Sơn, trong đó có trống đồng tiền Heger I, thủy tổ trống đồng Đông Sơn.
Người Di ở phía tây nam có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Dạ Lang; phía tây Dạ Lang lại có hàng chục tù trưởng người Mi Mạc, lớn nhất là Điền; từ Điền đi về phía bắc cũng có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Cung Đô: Tất cả họ đều búi tóc, làm ruộng và tụ hợp thành làng mạc. Phía tây khu vực này từ Đồng Sư đi về phía đông, phía bắc đến Diệp Du, có người Tây và Côn Minh, họ đều tết tóc, du cư theo đàn gia súc, không ở cố định một chỗ, không có tù trưởng, khu vực sinh sống hoạt động trải dài hàng ngàn dặm. Từ đó đến vùng đông bắc có hàng chục tù trưởng, Tỉ và Tạc Đô lớn nhất. Từ Tạc Đô đi lên phía đông bắc, có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Nhiễm Mang. Phong tục tập quán sinh hoạt ở đây nửa du cư, nửa định cư, đây là phía tây đất Thục. Từ Nhiễm Mang đi lên đông bắc, có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Bạch Mã, đều là người Đê. Tất cả đều là người Man và người Di phía ngoài tây nam đất Ba và đất Thục.
Bắt đầu từ thời Sở Uy Vương (339 BC – 329 BC), đã sai tướng quân Trang Kiểu theo thượng lưu Trường giang chiếm các vùng phía tây đất Ba và Kiềm Trung. Trang Kiểu là hậu duệ của Sở Trang Vương ( 613 BC – 591 BC). Kiểu đến hồ Điền, rộng ba trăm dặm, xung quanh đất đai bằng phẳng phì nhiêu trải dài cả ngàn dặm, dùng binh lính trấn áp rồi gộp vào nước Sở. Kiểu muốn quay về Sở báo tin, nhằm lúc Tần đang đánh Sở để chiếm Ba quận và Kiềm Trung quận (316 BC), đường bị chặn, bèn quay lại xưng vương xứ Điền, đổi cách ăn mặc, sinh hoạt bằng tập quán bản địa như tù trưởng. Thời Tần thường làm những trục lộ chính năm thước8, đặt quan nhỏ tại một số nơi. Hơn mười năm Tần bị diệt. Đến Hán hưng, những khu vực này bị quên lãng, triều đình chỉ quán xuyến đến đất Thục cũ mà thôi. Dân Ba Thục có kẻ lén ra ngoài buôn bán, thu mua ngựa của nước Tạc, nô tì và mao ngưu (bò lông dài, bò Tây Tạng) của người Bặc, nhờ vậy Ba Thục phú thịnh.
Năm Kiến nguyên thứ sáu (135 BC), đại hành tướng Vương Khôi đánh Đông Việt, dân Đông Việt giết vương tên Dĩnh để đầu hàng. Khôi dựa vào uy binh sai quan huyện Phiên Dương là Đường Mông đến báo tin cho Nam Việt. Vua Nam Việt đãi Mông món tương làm bằng quả cẩu (Lycium barbarum) của nước Thục, Mông hỏi nguồn gốc, vua đáp: “Phía tây bắc sông Tang Kha, sông Tang Kha rộng mấy dặm, chảy ra biển phía dưới thành Phiên Ngu”. Mông về Trường An, hỏi thương nhân người Thục, người ấy bảo: “Chỉ đất Thục mới có tương cẩu, nhiều người lén mang bán ở Dạ Lang. Dạ Lang nằm kề sông Tang Kha, sông rộng hơn trăm bộ (một bộ sáu thước ~ 1.98m), đủ để đi thuyền. Nam Việt dùng của cải mong sát nhập Dạ Lang, để phía tây đến tận Đồng Sư, nhưng họ không chịu lệ thuộc”. Mông bèn viết thư thuyết phục hoàng thượng: “Nam Việt Vương ngồi xe mui vàng, trên xe cắm cờ tả đạo (như thiên tử), đất đai đông tây hơn vạn dặm, danh là ngoại thần, nhưng làm chủ hẳn một châu. Nay từ Trường Sa và Dự Chương đi xuống, đường thủy đứt đoạn, khó đi. Nghe nói Dạ Lang có tinh binh, có thể đến hơn mười vạn, xuôi thuyền dọc sông Tang Kha, bất ngờ xuất quân, là cách hay khống chế Nam Việt vậy. Quân Hán lớn mạnh, đất Ba Thục giàu có, thông con đường Dạ Lang, đặt quan trấn nhậm, rất dễ thực hiện.” Vũ đế đồng ý. Bèn bái Đường Mông làm trung lang tướng, giúp cho một ngàn quân, thêm hơn một vạn phu vận chuyển lương thảo, theo lối cửa ải Tạc của Ba Thục đi vào, gặp Dạ Lang hầu Đa Đồng. Mông ban phát cho Đa Đồng rất hậu, dùng uy đức nhà Hán dụ dỗ, hứa bổ nhiệm làm quan, cho con Đồng chức huyện lệnh. Các ấp nhỏ cạnh Dạ Lang đều tham tơ lụa của người Hán, cho rằng đường từ Hán vào hiểm trở, khó bề chiếm đóng nơi này, bèn nghe lời hứa hẹn của Mông. Vũ đế được tin báo, liền thành lập quận Kiền Vi. Bắt đầu cho lính Ba Thục sửa sang đường, từ lối đất Bặc đến Tang Kha giang. Tư Mã Tương Như người đất Thục cũng nói đất Cung đất Tạc miền tây Di cũng có thể lập quận. Lại sai Tương Như làm lang trung tướng đi đến hiểu dụ, giống miền nam Di, đặt một đô úy, hơn mười huyện, nhập vào đất Thục.
Tại thời điểm này, bốn quận của Ba Thục (Ba, Thục, Quảng Hán, Hán Trung) mở đường đến tây nam Di, cần rất nhiều lính thú cũng như nhân lực vận chuyển lương thảo. Sau vài năm, đường không thông, quân lính mệt mỏi đói khát trong khí hậu ẩm thấp nên chết rất nhiều; người Di tây nam một số làm phản, phát binh nổi dậy đánh đuổi, hao phí mà chẳng được gì. Vua lo lắng, sai Công Tôn Hoằng đi đến xem xét. Hoằng về thưa rằng không thuận tiện. Sẵn dịp Hoằng làm ngự sử đại phu, lúc này đúng thời điểm đang đắp đất sửa thành Sóc Phương dựa vào Hoàng Hà để đuổi giặc Hồ, nhân đó bảo rằng khai phá tây nam Di không có lợi, nên dừng, tập trung sức lực chống Hung Nô. Vua bãi tây Di, chỉ đặt ở hai huyện nam Di mỗi một đô úy, ra lệnh quận Kiền Vi tự thân vận động.
Đến năm Nguyên thú thứ nhất (122 BC), bác vọng hầu Trương Khiên đi sứ Đại Hạ về, nói rằng lúc ở đó có thấy vải đất Thục, gậy trúc xứ Cung Đô, hỏi xuất xứ họ nói: “Ở phía đông nam là nước Thân Độc, cách khoảng vài ngàn dặm, mua được từ nhà buôn Thục”. Có kẻ nghe nói phía tây Cung Đô khoảng hai ngàn dặm có nước Thân Độc. Khiên nhân đó nhấn mạnh Đại Hạ ở về phía tây nam Đại Hán, rất hâm mộ Trung Quốc, bị Hung Nô ngăn trở, nếu mở lối thông với Thục, đường đến nước Thân Độc kế bên thuận tiện, hữu lợi vô hại. Do vậy vua bèn sai Vương Nhiên Vu, Bách Thủy Xương, Lữ Việt Nhân cùng nhau đi sứ về phía tây của tây Di, hướng về nước Thân Độc. Khi đến nước Điền, Điền vương là Thường Khương bèn lưu lại, rồi phái hơn mười nhóm người hỗ trợ tìm đường đi về phía tây. Hơn một năm, tất cả đều bị người Côn Minh cản trở, chẳng ai đến được nước Thân Độc.
Điền vương hỏi sứ giả Hán: “Hán và Điền nước nào lớn hơn?” Dạ Lang hầu cũng hỏi như thế. Vì đường không thông, bọn họ làm chúa một châu, không biết rằng nước Hán rộng lớn. Sứ giả trở về, liền nhấn mạnh Điền là một nước lớn, đủ điều kiện để kết giao. Hán Vũ đế rất lưu tâm.
Đến lúc Nam Việt làm phản, (Năm 112 BC) Hán Vũ đế sai Trì Nghĩa Hầu dựa vào quận Kiền Vi tập hợp quân lính nam Di. Tù trưởng Thả Lan sợ đi xa, các bộ tộc bên cạnh vào bắt những người già cả yếu đuối ở nhà, liền tập hợp dân chúng làm phản, giết sứ giả và thái thú quận Kiền Vi. Nhà Hán bèn đem những tội nhân Ba Thục định dùng đánh Nam Việt, dưới quyền tám viên hiệu úy, bình định Thả Lan. (Năm 111 BC) Khi Nam Việt đã bị diệt, tám viên hiệu úy ấy (theo đường sông Tang Kha) vẫn chưa đến Phiên Ngu, liền dẫn quân quay ngược lại, trừ khử bộ tộc Đầu Lan. Đầu Lan vốn thường ngăn cách con đường đi đến nước Điền. Sau khi diệt Đầu Lan, đánh dẹp hết người nam Di, đặt Tang Kha quận. Dạ Lang hầu đầu tiên ỷ thế Nam Việt, Nam Việt mất, quân Hán quay về diệt phản, Dạ Lang bèn vào triều chầu kiến. Hán Vũ đế cho làm Dạ Lang vương.
Sau khi diệt Nam Việt, tiếp tục truy sát tù trưởng Thả Lan, tù trưởng bộ tộc Cung, đuổi giết Tạc hầu, các bộ tộc Nhiễm và Mang sợ hãi xin được làm bầy tôi và đặt quan lại trấn nhậm. Bèn lấy Cung Đô làm Việt Tây quận, Tạc Đô làm Trầm Lê quận, Nhiễm Mang thành Vấn Sơn quận, đất Bạch Mã phía tây Quảng Hán trở thành quận Vũ Đô.
Hán Vũ đế sai Vương Nhiên Vu lấy uy phong phá Nam Việt và diệt người nam Di để dụ Điền vương nhập triều thần phục. Điền Vương có mấy vạn người, phía đông bắc có Lao Tẩm và Mi Mạc đều cùng họ tộc hỗ trợ, cho nên chưa chịu nghe. Lao Tẩm và Mi Mạc nhiều lần xâm phạm sứ giả và quân lính nhà vua. Năm nguyên phong thứ hai (109 BC), Hán Vũ đế điều động quân đội Ba và Thục tiêu diệt Lao Tẩm và Mi Mạc, quân tới sát nước Điền. Điền vương lúc này mới bắt đầu nhún nhịn, để khỏi bị giết. Điền vương li khai với người Di tây nam, đầu hàng nhà Hán, xin được đặt quan trấn nhậm và vào triều chầu bái. Hán Vũ đế lấy đất Điền lập quận Ích châu, ban cho Điền vương ấn tín để trở về chăm lo cho dân.
Các tù trưởng miền tây nam Di có đến hàng trăm người, chỉ riêng Dạ Lang và Điền nhận được ấn vương. Điền chỉ là một ấp nhỏ bé, lại được sủng ái nhất.
Thái sử công nhận xét: Tổ tiên nước Sở nhận được lộc trời chăng? Đầu thời Chu thì làm thầy Văn Vương, rồi được phong đất Sở. Đến ngày Chu suy tàn, nước Sở đất đai rộng năm ngàn dặm. Sau khi Tần diệt (sáu nước), chỉ có hậu duệ nước Sở vẫn ở trên ngôi vương tại xứ Điền. Nhà Hán sát diệt tây nam Di, bao nhiêu tiểu quốc bị xóa sổ, chỉ có Điền vẫn là vị vương được quí mến. Việc bình định tây nam Di, bắt đầu từ món tương Cẩu mà Nam Việt vương đãi Đường Mông ở Phiên Ngu, gậy chống ở nước Đại Hạ có nguồn gốc từ cây trúc xứ Cung. Tây Di sau đó lại bị chia làm hai phương, cuối cùng mới được Hán Vũ đế thiết trí thành bảy quận.

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Trịnh Vĩnh Bình mắc bẫy

Nguyễn Đình Cống

Một trong những nguy hiểm của cuộc đời là bị lừa; hoặc nói cách khác là bị mắc bẫy. Trong cuộc đời, trong lịch sử đã có hàng triệu triệu chiếc bẫy như vậy. Chỉ xin phân tích một trong những cái bẫy mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã mắc phải.

Trong quá trình thương lượng về điều khoản của thỏa thuận Singapore , ông Bình đòi được trả lại toàn bộ tài sản đã bị tịch thu. Hai bên nhất trí. Thế nhưng trong văn bản ký kết có câu sau: ”Chính phủ VN sẽ trả lại cho ông Bình toàn bộ tài sản hợp pháp”.

Cái bẫy ở đây là đã thay cụm từ “Toàn bộ tài sản bị tịch thu” bằng cụm từ “toàn bộ tài sản hợp pháp”. Vì không tinh ý và thiếu kinh nghiệm trong việc tránh bị lừa, tránh mắc bẫy nên ông Bình đã ký văn bản. Phía CP VN đã không trả lại cho ông Bình bất kỳ một thứ gì đã tịch thu, viện cớ là ông Bình chưa chứng minh tài sản đó là hợp pháp. Xin đọc một đoạn trong lời tường trình của ông Bình:

“Khi họ đến công ty tôi thì họ ập vào phòng riêng của tôi. Trong đó có mấy cái két sắt, trong đó tôi giữ những đồ cổ do tàu Âu châu chở đồ sành sứ của Trung quốc bị chìm ở hòn Cao, đồ sành sứ do tàu chìm, trong đó họ lấy đi 394 món của tôi. Bên Bộ Tư pháp Việt Nam nói: phần này có thể trả lại nhưng với điều kiện ông phải chứng minh đây là tài sản hợp pháp. Tôi không biết họ có còn nhân tính hay không nữa? Trước khi anh vào nhà tôi, anh muốn lấy một cái chén, một cái ly, một món đồ nào đó thì anh phải chứng minh đó là món đồ phạm pháp, đồ ăn cắp. Còn một khi anh đã lấy đi rồi anh bắt tôi chứng minh là đồ hợp pháp? Đồ trong nhà tôi là đồ hợp pháp. Chứng minh đó là đồ phạm pháp để lấy đi là trách nhiệm của quý anh. Muốn lấy đồ của người khác đi thì cơ quan công quyền phải chứng minh đó là đồ phạm pháp. Tôi không có trách nhiệm phải chứng minh đó là hợp pháp. Quý vị đã thấy lòng tham lam của quan chức Việt Nam như thế nào. Sự vô nhân tính của họ như vậy. Nói đến đây tôi rất là bức xúc. Từ một chuyện nhỏ quý vị suy ra chuyện lớn, họ chiếm đất đai, nhà cửa. Từ đây tôi là một móc xích để tôi cảm thấy là phải kiện chính phủ Việt Nam lần thứ 2!”.

Biết mình đã bị lừa, bị mắc bẫy cài sẵn, không tự gỡ ra được nên ông Bình phải bỏ ra hàng chục triệu đô la thuê luật sư giỏi nhờ gỡ hộ. CP VN cũng phải bỏ ra nhiều chục triệu đô la để thuê luật sư giỏi bảo vệ cái bẫy đã cài. Tòa Trọng tài Quốc tế họp ở Paris lần này là để hai đoàn luật sư thuộc loại giỏi nhất thế giới tranh tụng. Một cái bẫy chỉ có 2 chữ HỢP PHÁP đã làm tiêu tốn của 2 bên nhiều chục triệu đô la và có giá trên một tỷ đô.


N.Đ.C.