Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Hồ sơ chống tham nhũng ở Việt Nam và bài học vay nợ Trung Quốc

Phương Thơ

Có lẽ đây là câu chuyện khá bi kịch và có thể nói là bi hài kịch về câu chuyện chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng hiện tại là Chủ tịch kiêm Tổng bí thư nước CHXHCN VN. Và cũng có thể nói là về chức vụ lãnh đạo quốc gia thì ông Nguyễn Phú Trọng này có lẽ đang là nhân vật lãnh đạo có quyền lực nhất thế giới, tính cho từng quốc gia đó, thậm chí là còn quyền lực hơn cả ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc. Tức là tôi tính cho chức vụ giới hạn quyền hành trong một quốc gia đối nội đó.
Vì ông Trọng này đang giữ chức vụ ngoài Chủ tịch và Tổng bí thư thì còn lãnh đạo các chức vụ, nhiệm vụ khác như là Bí thư Quân ủy Trung ương (lãnh đạo quân đội nhân dân, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, vì giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, và đứng trên chỉ huy cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất đối với Quân đội), rồi kế đến là chức Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, và rất nhiều chức vụ khác,… có nghĩa là bao hàm mọi chức vụ ở VN, thì quả nhiên ông Trọng này có quyền lực bất tận.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà những công việc chống tham nhũng của ông Trọng này hầu như không đả động gì đến các vụ án tham nhũng, các dự án kinh tế thua lỗ và đội vốn hàng tỷ USD, tàn phá đất nước VN do TQ tham gia ở VN, thì người ta chưa thể dám đụng đến. Đó là chuyện khó tin, nhưng nó có thật ở VN.
Chuyện khó tin hơn nữa là các dự án đầu tư kinh tế của VN đi vay nợ và chỉ định nhà thầu do TQ làm chủ đầu tư, thì VN đi vay TQ với lãi suất cao gấp nhiều lần khi vay Hàn Quốc, Nhật, hoặc WB. Ví dụ như ODA và vốn vay ưu đãi có mức vay có lãi suất tới 3%/năm mà còn phải đi kèm điều kiện như phí cam kết, phí quản lý mà hai cái phí này cộng lại cũng chiếm tới 1% lãi suất vay rồi, nghĩa là khoản vay này áp dụng ở kỳ hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm,… đã thế TQ còn đòi được chỉ định thầu và thậm chí đưa nhiều nhân công lao động đủ thành phần của họ vào làm dự án đầu tư ở VN.
Trong khi VN đi vay các quốc gia khác thì lãi suất khá thấp gần như cho không, là chỉ có 0,2%, như việc Hàn Quốc có lãi suất dao động từ 0% đến 2%. Nếu Hàn Quốc cho vay 2% thì có thể gói điều kiện đấu thầu, và liên doanh do công ty Hàn Quốc và VN cùng tham gia làm dự án để chia đôi phí tổn lời lãi lợi ích cho kinh tế, như Hàn Quốc có thể đưa người và thiết bị của họ tuồn vào dự án.
Phía VN cũng được hưởng lợi là tạo ra lao động và có thể chỉ định các công ty trong nước tham gia cung cấp nguyên liệu vật liệu, công nghệ cho xây cất dự án,… trong khi mức lãi suất cao cho vay của TQ mà họ còn bao thầu thiết bị nhân công nhiều thứ, thì các nước kia cấp các khoản vay cho VN như từ Nhật Bản (chỉ cỡ 0,35% – 1,2%), Hàn Quốc (0% – 2%). Thậm chí là Ấn Độ: 1,75%… thì ta tự hỏi ai là kẻ rước dự án đầu tư vay nợ và còn làm hao tổn nền kinh tế với các dự án đầu tư của TQ dìm chết kinh tế VN.
Hãy nói về một ví dụ kinh điển mà TQ không bao giờ muốn VN lớn, cũng như kinh nghiệm một số dự án đầu tư của TQ tại nước khác. Đối với VN thì TQ luôn có chính sách kiềm chế không cho VN lớn mạnh lên nổi để họ dễ bề khống chế VN, đó là dự án Gang thép Thái Nguyên được khởi động (giai đoạn 1) năm 2007, cách đây hơn 1 thập kỷ, do TQ làm chủ thầu đầu tư và bao thầu nhiều thứ, và các giai đoạn sau này thì tôi không nhắc và chỉ gói gọn kết quả và hậu quả sau này nó là đống sắt vụn ki một tập đoàn thép TQ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà tôi ví von là “nhiệm vụ gián điệp phá hoại kinh tế VN”.
Đó là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc -Metallurgical Corporation of China (MCC), nó niêm yết tại Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông với mã chứng khoán ở Thượng Hải có ký tự số (SHA: 601618); ở Hồng Kông có mã là 1618. Nói về thành tích công ty MCC tàn phá VN này thì nó cũng có thành tích phá hoại đất nước Afghanistan. Và công ty TQ này còn nhòm ngó 1-3 ngàn tỷ $ tài sản khoáng sản, chủ yếu quặng đồng và quặng sắt ở Afghanistan và cũng có thành tích đấu thầu giá rẻ trước đây vào năm 2007, khi họ trả thầu thấp để loại các đối thủ như công ty Strikeforce – một phần của Tập đoàn nguyên tố cơ bản của Nga, Tập đoàn Kazakhstan, Hunter Dickinson của Canada, và công ty khai thác đồng của Mỹ, Phelps Dodge,…với chi phí trào thầu thấp hơn 2 tỷ USD thì rất lấy làm kinh ngạc, và dự án khai thác quặng đồng và quặng sắt, niken mấy trăm triệu tấn này, thì chế độ nhà nước Bắc Kinh đã đi đêm đàm phán với phe Taliban cầm quyền.
Thực tế, dự án béo bở đó cũng khó nuốt trôi cho TQ, bởi chính quyền Bắc Kinh có thành tích đàn áp người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương, người Hồi giáo Uighur và đi đêm đàm phán với những kẻ khủng bố Taliban, khi đó Taliban phá hoại hai bức tượng Phật cổ đại khổng lồ vào năm 2001 tại Bamiyan, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, với sự nghi ngờ ủng hộ ngầm của TQ để TQ muốn phá hủy địa điểm Mes Aynak để tạo điều kiện cho họ khai thác đồng dồn dập nhanh chóng.
Đó là cái chế độ mọi rợ mà man rợ của Bắc Kinh thì các phe phái Hồi giáo chủ chiến và thánh chiến ở Afghanistan, Pakistan, và nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda họ cũng chẳng dễ dàng gì để yên cho TQ tự tung khai thác khoáng sản ở Afghanistan, có giá trị cả 100 tỷ USD. Dự án này và các dự án nhiều lần trì hoãn vì rủi ro an ninh khi các dự án đầu tư của TQ này thường xuyên bị các nhóm thánh chiến nã tên lửa và đánh bom, thậm chí thuộc hạ của Osama bin Laden, trùm khủng bố quốc tế, là lãnh đạo al-Qaeda kình chống phe Taliban cũng đã cho nổ bom tự sát làm sập nhiều mỏ đồng và đánh bom nhắm vào các chuyên gia, kỹ sư TQ và cũng giết chết nhiều nhân mạng kỹ sư TQ, khiến Bắc Kinh ngậm nhiều đau đớn.
Và sau này vẫn thế, Osama bin Laden bị Mỹ giết thì các tay chân khác lên là họ cứ truy sát đánh đuổi người TQ ở TQ, khiến cho TQ bỏ ra khá nhiều tiền và chỉ mong khai thác nhanh để gỡ vốn mà bỏ của chạy lấy người về TQ, vì thực lực an ninh của TQ quá kém, cũng như TQ không có các đồng minh và các căn cứ quân sự ở Trung Đông như Mỹ…
Trở lại hồ sơ của các dự án đầu tư TQ đội vốn và phá hoại kinh tế VN, thì tôi cũng lấy làm ngạc nhiên là làm thế nào mà quan chức VN lại chỉ định công ty MCC của TQ trúng thầu dự án Gang thép Thái Nguyên vào năm 2007 như vậy, khi mà công ty MCC của TQ này phải dồn tiền và công nghệ gần như hết tiềm năng để đầu tư vào Afghanistan với các mỏ quặng đồng và quặng sắt, niken, với giá trị tài sản khai thác 40 có giá tới 1-3 ngàn tỷ USD và TQ phải bỏ ra số tiền đầu tư khai thác dần dần như xây cất hạ tầng, đầu tư nhà máy điện,… với số tiền lớn gấp 4 lần vốn hóa thị trường niêm yết cổ phiếu hiện tại của công ty Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc MCC này. Đó là kinh nghiệm về đầu tư mà tôi không nói về rủi ro yếu tố chính trị vào thời gian đó, năm 2007.
Tức là trong đầu tư ta cần phải thẩm định phân tích rủi ro dự án đầu tư dàn trải của một công ty nào đó khi mời thầu. Nếu thấy rằng công ty đó đang đầu tư quá nhiều dự án quá lớn, mà còn có rủi ro về chính trị, bất ổn an ninh, thì cần loại công ty đó ra, bất kể lý do đó là công ty gì, vì chắc chắn công ty đó sẽ thiếu tiền mặt, thiết bị công nghệ, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia của họ, vì họ phải đang dồn quá nhiều nhân lực tiền bạc để đầu tư ở dự án khác và chắc chắn vốn vay nợ đòn bẩy tài chính công ty đó rất cao và dễ gặp rủi ro phá sản.
Nhất là công ty MCC của TQ khi đó đang tham gia quá nhiều dự án đầu tư lớn ở nước ngoài, và họ đang gặp rủi ro vay nợ bảo lãnh của chính quyền Bắc Kinh quá cao, thì làm sao mà đầu tư vào dự án Gang thép Thái Nguyên vào năm 2007 đó được. Kể cả sau này TQ rút khỏi dự án thép này của VN, nó cũng trùng hợp các vụ nổ bom tự sát ở Trung Đông khi bị các nhóm Hồi giáo chủ chiến đánh bom vào các công ty TQ,…thì tất nhiên rủi ro nhân gấp bội cho phía VN, bởi vì khi đó cổ phiếu công ty MCC hay bất cứ công ty nào dính vào vụ đánh bom đó đều sụt giá mạnh.
Đối với công ty MCC này của TQ, thì hiện nay giá cổ phiếu nó sụt giá rất mạnh là cần phải cầu viện chính quyền Bắc Kinh bơm vốn. Đó là Metallurgical Corporation of China thì giá chứng khoán của nó tính từ đầu năm 2018 cho tới nay niêm yết trên thị trường Thượng Hải tính bằng đồng ¥ thì mất giá gần -37% giá trị. Ở thị trường Hồng Kông thì sụt giá -15%.
Với VN, vào những năm 2007 họ phát triển ngành công nghiệp thép để làm trụ cột đốt xương sống cho phát triển kinh tế VN, dù hơi muộn nhưng đó là hướng đi đúng, nếu họ biết cách đầu tư vào ngành công nghiệp thép để xây dựng một thương hiệu “công ty thép quốc doanh” thì nó là ý tưởng cực kỳ tốt. Và nhà nước VN làm chủ đầu tư sở hữu nó thì rất hoàn hảo nếu có chiến lược chấp nhận hao tổn tài chính và nhân lực để thành lập công ty thép có khả năng đáp ứng cho ngành công nghiệp thép chế tạo như đúc khuôn, kim loại màu, thép cho ngành công nghiệp xây cất đường xe lửa như đường ray. Và cần bảo hộ nó cũng không có gì quá đáng mà cần làm thì nếu nó được đầu tư hoàn hảo thì kinh tế VN sẽ kiếm được mối lợi rất lớn là sau này có thể bao thầu cho các dự án xây cất lợi ích quốc gia để làm giảm tất cả các chi phí xây cất khổng lồ tốn kém xuống.
Tuy nhiên qua việc dự án Gang thép Thái Nguyên phá sản và nhiều dự án thép khác thất bại tan tành mà còn tốn kém thời gian, tiền bạc, rồi nhân lực mà còn chất lên một núi nợ quá lớn, và nó cũng rút luôn cái đốt xương sống sắt thép để phát triển ngành công nghiệp này của VN thì quá đau đớn và ở VN họ cần truy tố những ai đứng đằng sau các dự án gang thép do TQ gây ra này. Vì hậu quả của nó quá lớn như việc hiện nay VN không thể có ngành công nghiệp thép và luyện kim để làm các dự án đường sắt, kể cả nâng cấp đường sắt cũ kỹ, lạc hậu, mà mọi thứ phải lệ thuộc bên ngoài, mà có thể lệ thuộc từ TQ cung ứng, thì quả là chuyện bi kịch cho VN.
Làm thép không hẳn là xấu mà nó rất cần thiết là bất cứ quốc gia nào muốn đi lên thành con hổ kinh tế đều trải qua nó. Ví dụ, Hàn Quốc, dù bây giờ là cái nôi của điện tử, công nghệ ở Á châu, nhưng cái đốt xương sống nuôi dưỡng nền kinh tế Hàn Quốc xưa kia là họ dựa vào nó để xây dựng công nghiệp đất nước, đó là Tập đoàn thép POSCO, do chính quyền tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee nắm quyền và quyết định xây dựng một nhà máy thép tự thân đi lên vào những năm 1960 rồi thành lập năm 1968, nay đã nửa thế kỷ.
Tập đoàn thép POSCO ban đầu là công ty quốc doanh do nhà nước nắm quyền chỉ huy để đầu tư xây đựng đất nước không vì tư lợi mà dùng nó để phát triển kinh tế. POSCO hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ 5 của thế giới. Năm 2017, chỉ xếp sau tập đoàn thép ArcelorMittal (Luxembourg và các nước Âu châu), China Baowu Group (TQ), Nippon Steel and Sumitomo Metal Corporation (Nhật), HBIS Group (TQ),…
Với VN thì chiến lược của họ xây dựng các dự án xương sống cho kinh tế như dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTEX) để tự cung về ngành công nghiệp may mặc, thì dự án này bị phá hoại tan hoang do hậu quả công nghệ TQ và cái bóng của TQ thò bàn tay vào. Có lẽ những kẻ thân TQ và cả TQ không muốn VN làm chủ lĩnh vực này và họ bắt VN tiếp tục lệ thuộc TQ và dự án này người ta đổ lỗi và đem thí tốt vài kẻ chứ không dám đụng đến yếu tố TQ.
Rồi những dự án sản xuất xăng sinh học Ethanol thua lỗ ngàn tỷ VND, phá hoại kinh tế VN mà người ta chỉ chiết xuất sản xuất xăng E5 (hỗn hợp nhiên liệu ethanol 5%, còn lại là 95% xăng hoặc hydrocacbon) là cấp thấp thì dự án này nó cũng có bàn tay TQ thò vào, giật sập luôn giấc mơ hoang dại này của VN. Nghĩa là tôi rất sốc và lấy làm ngạc nhiên là TQ họ không có bất cứ kinh nghiệm làm xăng sinh học, vì quốc gia này lương thực và thực phẩm còn không đủ ăn vì dân số quá lớn và phải đi nhập khẩu lương thực bên ngoài, thì lấy đâu dư dả để có kinh nghiệm làm xăng sinh học này. Vậy mà người ta cũng mời chào, rước TQ vào đầu tư, rồi khi nó phá sản tan tành thì yếu tố TQ vô can, và ở VN người ta chỉ lo đốt củi lửa nội bộ chính họ.
Nói chung, kể ra không hết như các dự án chiến lược Bauxite ở Việt Nam, rồi bất cứ dự án nào cũng có yếu tố TQ vào, kể cả Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện) và mấy cái nhà máy nhiệt điện to lớn nhất khác do TQ chi phối và hiện nay nó đang gây gánh nặng và bất ổn cho quốc gia này. Vậy mà cũng không ai dám kiện cáo hay xử phát các công ty TQ cả.
Thậm chí trước đây việc xây Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình một biểu tượng quốc gia về thể thao, thì ở VN người ta cũng rước nhà thầu TQ làm dự án, dù rằng TQ không hề có nhiều kinh nghiệm xây cất sân vận động, và hậu quả cái sân vận động quốc gia Mỹ Đình rất thô kệch và xấu xí, tốn kém…
Ôi thôi, tính ra không hết các dự án phá hoại kinh tế của TQ đối với VN, mà toàn những dự án bóp yết hầu trọng yếu mà TQ đã thành công kiềm chế VN, và bắt quốc gia này buộc phải lệ thuộc TQ. Và những câu chuyện khó tin hơn nữa là TQ nắm giữ trọng yếu các dự án đầu tư vào ngành than thép, Bauxite ở VN và xuất khẩu ngược từ VN qua TQ phần thô với giá rẻ mạt, rồi sau đó TQ bán lại cho VN phần sơ chế với giá đắt đỏ nhất thế giới. Và họ như thể cho VN ăn phải thứ thuốc phiện gây nghiện, để trôi vào vòng xoáy nợ nần và bào mòn tài nguyên không lối thoát.
Ở VN thì người ta đang đau đầu 12 đại án mà, còn dự án đổ nợ do cái Bộ Công thương gây ra thì hầu như đều có cái bàn tay TQ thò vào phá hoại, mà người ta cũng không dám truy cứu trách nhiệm hay kiện cáo TQ, thì quả là chuyện hài kịch khó tin nổi.
Nói về kinh nghiệm bên ngoài của TQ đầu tư thì ngoài cái vùng đất Châu Phi hiện nay TQ phá nát nó, mà nạn nhân điển hình Zambia với cục nợ từ các dự án đầu tư của TQ gây ra. Rồi thảm họa lạm phát và vỡ nợ của xứ dầu, tài nguyên dầu mỏ khí đốt Venezuela cũng do TQ gây ra. Xa hơn nữa là Cộng hòa Congo cũng do TQ tạo ra sổ nợ siết cổ quốc gia này, chỉ còn cách bán tài nguyên nhượng đất cho TQ. Rồi bài học Sri Lanka với các dự án đầu tư của TQ tạo ra cái sổ nợ và buộc Sri Lanka phải cho TQ thuê cảng chiến lược Hambantota vì không thể trả được khoản nợ quá lớn và các dự án đầu tư đội vốn của TQ gây ra.
Trước đây tôi hay dự báo các dự án vĩ cuồng như dự án “Nhất Đới Nhất Lộ”, rồi “Con Đường Tơ Lụa Mới”, gọi chung là sáng kiến One Belt One Road, mà tôi hay gọi là dự án “con đường tơ lụa vỡ nợ của thế kỷ 21″. Tức là tôi hay nhắc về cụm từ “’Silk Road Economic Belt” (Con đường tơ lụa Kinh tế), “One belt, one road” (một vành đai, một con đương), rồi khẩu hiệu khác nữa “21st Century Maritime Silk Road” (Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21),… thì hiện nay có 12 quốc gia đã lâm nguy hoặc gần như vỡ nợ, đó là Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan,… Gần đây là quốc gia nhỏ bé Vanuatu đã vẫy cờ trắng vì sổ nợ của TQ siết cổ quốc gia này.
TQ là quốc gia đầu tư rất kém, nhưng họ luôn làm các dự án đầu tư có lời rất lớn là cách duy nhất các dự án đầu tư đó là “rút ruột công trình” và ban đầu trả thầu thấp rồi dùng thủ đoạn cho vay để cho những kẻ lãnh đạo quốc gia bất tài đó hoa mắt mà đặt bút ký dự án đầu tư đó, rồi sau đó dùng thủ đoạn “bẫy nợ”, hoặc đàm phán áp đặt, sửa lại dự án đầu tư ban đầu, khiến dự án đầu tư ban đầu tưởng rẻ, chứ thật ra sau này nó đội vốn đắt gấp đôi dự án đầu tư các nước Âu châu, Mỹ họ trả giá đấu thầu.
Tuy nhiên dự dự án đầu tư bẫy nợ của TQ nó cũng có những cái rủi ro mắc nợ, như việc các chế độ ở các nước độc tài bị dân chúng hay phe đối lập lật đổ chế độ thân Bắc Kinh đó, thì người ta sẽ đàm phán lại nợ và dự án đầu tư của TQ, hoặc sử dụng pháp lý xù nợ như các chính quyền mới, họ viện dẫn các khoản nợ và dự án đầu tư của TQ cho chế độ bất tài bị lật đổ đó nó không chảy vào sự đóng góp quốc gia cho người dân, mà nó chảy vào túi quan chức tham lam bất tài tham nhũng và không có lý do gì để người dân quốc gia đó phải è cổ trả nợ cả.
Những trường hợp mắc nợ và bị hủy dự án đầu tư này thì TQ cũng đã chuốc nhiều cay đắng rồi, chứ không phải các dự án đầu tư nào họ cũng thành công cả. Ở Châu Phi hiện nay có lẽ cũng đang xẩy ra nhiều bất lợi cho TQ, như các chính phủ độc tài và bất tài quy đầu ngả về phía người dân là họ hủy nhiều dự án đầu tư của TQ và đàm phán lại nợ, buộc TQ phải nhượng bộ, thậm chí người ta kỳ thị người TQ, ra đường hễ thấy ai giống người TQ thì bị tấn công, khá bất ổn…

Nguồn: FB Phương Thơ

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Bá Tân: Hoan hô báo “cánh tả” Đại Đoàn Kết

Bá Tân

Đương kim tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết hiên ngang khẳng định (bằng văn bản): Báo Đại Đoàn Kết là báo cánh tả.
Ít nhất kể từ năm 1975, sau khi cả nước thành một khối dưới mái nhà XHCN, có một tờ báo chính thống do đảng lãnh đạo, đưa ra tuyên bố: là báo cánh tả.
Việt Nam hiện thời có báo cánh tả hay không, câu trả lời xin nhường cho cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí cũng như dư luận xã hội.
Báo Đại Đoàn Kết là báo cánh tả, khẳng định của tổng biên tập Hồng Thanh Quang, nếu đúng, số đầu báo còn lại, chiếm đại bộ phận, thuộc loại hình báo cánh hữu.
Hai trường phái báo chí, cánh tả và cánh hữu, đương nhiên cách làm báo sẽ rất khác nhau. Nếu không đối lập, cánh tả và cánh hữu sẽ luôn không cùng âm điệu, không cùng cách nhìn … Sự khác biệt không chỉ là phương pháp, mà chính là nội dung được chuyển tải, gam màu chính trị của thông tin.
Nói được làm được, đã nói là làm. Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết hiện thời thể hiện mạnh mẽ báo “cánh tả” bằng những việc làm cụ thể, tạo ra những dấu ấn vô cùng đặc biệt. Về khoản này mà nói, trong làng báo chí quốc doanh hiện thời, ngoài Hồng Thanh Quang, không có người nào dám làm như vậy.
Cách đây chưa lâu, thông qua trang tin điện tử, ấn phẩm của báo Đại Đoàn Kết, cơ quan báo chí này, do Hồng Thanh Quang đứng đầu, mượn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra tuyên bố rùng rợn: Việt Nam xâm lược Campuchia. Đây là “quả bom thông tin” đối với mặt trận tư tưởng và báo chí của Việt Nam.
Nhiều lão thành cách mạng, kể cả một số tử tù thời chống Mỹ, lên tiếng phản đối dữ dội, họ coi đó là bịa dặt trắng trợn, xúc phạm danh dự các thế hệ “anh bộ đội cụ Hồ”. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí vẫn làm thinh. Phải chăng các cơ quan đầu não ấy có vấn đề về tư tưởng, phải chăng họ đồng điệu “cùng thuyền” về chính trị với báo Đại Đoàn Kết.
Lại thêm dẫn chứng mới toanh về bản chất “cánh tả” của báo Đại Đoàn Kết. Trong ấn phẩm Đại đoàn Kết Tinh Hoa Việt, số 85/2018, tại trang 9, bài viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, có những khẳng định vô cùng… cánh tả.
Vụ “nhân văn giai phẩm” đang từng bước được làm sáng tỏ, hậu thế được tiếp cận đúng sự thật, minh oan cho những người bị oan sai, cho dù việc làm ấy quá muộn. Báo Đại Đoàn Kết, trong số báo nói trên, dõng dạc đánh giá: “So sánh phong cách ứng xử quân tử ấy (của tướng Nguyễn Sơn) với cung cách đối xử tiểu nhân đối với giáo sư Trương Tửu và các giáo sư danh tiếng khác như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo… trong vụ nhân văn giai phẩm sau này”. Đoạn văn tiếp theo nhấn mạnh thêm: “Nguyễn Sơn là tướng nhưng tướng văn, trong khi không ít vị phụ trách văn nhưng lại cư xử thiếu chất văn”.
Đáng cộng sản Việt Nam, người đứng đầu là GS.TS Nguyễn Phú Trọng, đang quyết liệt thực hiện chiến dịch chống suy thoái tư tưởng bằng luận thuyết chống “tự chuyển hóa, tự diễn biến”. Báo Đại Đoàn Kết chứng tỏ bản chất “cánh tả” bằng cách, chẳng khác nào giáng trả nảy lửa với luận thuyết nói trên, khi mượn lời của tướng Nguyễn Sơn nói rằng: “Đảng ta, về mặt triết học, thừa nhận mọi hiện tượng vật thể cùng các ý thức xã hội luôn vận động phát triển, không hề có bất biến cố hữu. Ai cứ khư khư tự tôn vinh là “muôn năm”, là “vạn tuế” là “duy tâm siêu hình”. Chẳng biết câu này của tướng Nguyễn Sơn (được báo Đại Đoàn Kết trích dẫn) xuất xứ từ tác phẩm nào.
Cả nước hiện có hơn 800 tổng biên tập, kể cả báo và tạp chí. Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết làm được những việc “đại vĩ đại” như vậy, tại sao số đông các tổng biên tập không dám làm. Làm thế khác chi tự treo cổ, nhiều tổng biên tập sẽ phân bua như vậy. Các quan làm báo quốc doanh đã nhầm to, tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết chứng tỏ bản chất “cánh tả” ngang nhiên như vậy nhưng, không những vẫn sống, mà còn sống khỏe.
Ai rồi cũng phủi tay giã biệt chức tước, rời cõi tạm để về với chốn vĩnh hằng. Cái để lại là sức nặng nhân cách, nền tảng phẩm hạnh và chút ít hiệu quả công việc (nếu có). Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết hiện thời, cái để lại không phải nhân cách, không phải phẩm hạnh, mà là thể hiện, kể cả lời nói và việc làm, bản chất “cánh tả” của báo Đại Đoàn Kết.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Dữ liệu riêng tư phải là quyền cơ bản của con người

Trường Sơn


TTCT - Các nền tảng và thuật toán được hứa hẹn sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta thực tế có thể khuếch đại các khuynh hướng tồi tệ nhất trong mỗi con người...

minh họa
CEO của Apple Tim Cook vừa lên tiếng cảnh báo nạn mua bán dữ liệu người dùng của các đại gia công nghệ và kêu gọi một đạo luật liên bang để bảo vệ riêng tư dữ liệu cá nhân cho người dùng Internet Mỹ, theo hình mẫu đạo luật GDPR của châu Âu.
Trong bài diễn văn cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng năm 1961, cựu tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã nhắc đến cụm từ “tổ hợp công nghiệp quốc phòng” (military-industrial complex) để cảnh báo quốc dân về nguy cơ của liên minh giữa các nhà thầu quân sự và lực lượng vũ trang. 57 năm sau, một người Mỹ khác, “tổng tư lệnh” của một đế chế hùng mạnh có mức vốn hóa 1.000 tỉ USD, cũng mượn lời cựu tổng thống để nêu lên một cảnh báo khác về cái gọi là “tổ hợp công nghiệp dữ liệu” (data-industrial complex).
Lời cảnh báo của Tim Cook
Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về bảo vệ và quyền riêng tư dữ liệu ở Brussels (Bỉ) ngày 24-10, ông Cook cảnh báo công nghệ có thể gây hại thay vì mang lại điều tốt đẹp cho con người.
Các nền tảng và thuật toán được hứa hẹn sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta thực tế có thể khuếch đại các khuynh hướng tồi tệ nhất trong mỗi con người - Cook nói - Những “kẻ xấu” và thậm chí các chính phủ đã lợi dụng lòng tin của người dùng để làm sâu sắc hơn sự chia rẽ, kích động bạo lực và thậm chí làm sai lệch trực giác của chúng ta về giả - thật”.
Cook cho rằng nền kinh tế phụ thuộc vào ngành công nghiệp công nghệ, vốn dựa trên dữ liệu người dùng, đang đặt ra thách thức gọi là “tổ hợp công nghiệp dữ liệu” - tức một nhóm nhỏ các đại gia công nghệ đang mua bán dữ liệu người dùng.
“Thông tin về chính chúng ta, từ những thứ diễn ra hằng ngày đến những điều riêng tư nhất, đang bị biến thành vũ khí chống lại chính chúng ta với hiệu quả quân sự”.
Những điều CEO Apple nói không có gì mới. Ai cũng biết chuyện mỗi cái like ta để lại trên Facebook, mỗi lệnh tìm kiếm trên Google, mỗi lần tra cứu địa điểm trên Google Maps đều tạo ra dữ liệu. Và từng đơn vị dữ liệu tưởng không có gì quan trọng khi được tổng hợp, tinh luyện và xử lý sẽ trở nên có giá trị, mà theo lời Tim Cook, thậm chí được “vũ khí hóa” cho các mục đích nguy hiểm hơn là chỉ để bán quảng cáo.
Theo Tim Cook, mỗi mẩu dữ liệu riêng lẻ thì vô hại, khi được thu thập, tổng hợp, mua bán và trao đổi sẽ trở thành “hồ sơ số” về mỗi cá nhân, cho phép các công ty “hiểu bạn hơn chính bạn”. “Hồ sơ của bạn là một loạt thuật toán phục vụ các nội dung ngày càng cực đoan và biến những sở thích vô hại của ta thành thứ nguy hiểm”.
CEO của Apple nhấn mạnh dữ liệu riêng tư phải là một quyền con người cơ bản, và cho dù là người dùng đang sống ở đâu, họ cũng phải được bảo vệ theo bốn nguyên tắc cơ bản: quyền hạn chế dữ liệu của mình bị thu thập đến mức tối thiểu, quyền được biết dữ liệu nào về mình đã được thu thập, quyền được tiếp cận các dữ liệu đó, và quyền yêu cầu các dữ liệu đó được lưu trữ an toàn, bảo mật.
Sau phần trình bày, Cook khẳng định Apple “ủng hộ hoàn toàn một đạo luật liên bang toàn diện về quyền riêng tư ở Hoa Kỳ”, phát ngôn được cho là rõ ràng nhất từ trước đến nay của nhà sản xuất iPhone về việc ra luật bảo vệ dữ liệu người dùng ở Mỹ.
Và trong bối cảnh mà đạo luật GDPR vừa đi vào hiệu lực ở EU hồi tháng 5, Cook ca ngợi nỗ lực tiên phong này của châu Âu và các động thái quản lý dữ liệu người dùng tương tự ở Singapore, Japan, Brazil, New Zealand và chốt lại rằng “đã đến lúc phần còn lại của thế giới, bao gồm cả đất nước tôi, theo dấu các bạn”.
minh họa
Rồi sau đó...
Tim Cook không nhắc đến cái tên nào trong diễn từ của mình, nhưng ai cũng rõ ông nhằm vào ai. Có ai nổi tai tiếng về thu thập và làm giàu từ dữ liệu người dùng như Facebook và Google?
Ví dụ gần nhất cho chuyện “vũ khí hóa dữ liệu” chính là bê bối Cambridge Analytica hồi tháng 3, khi dữ liệu hàng chục triệu người dùng Facebook bị sử dụng vào mục đích thay đổi quan điểm chính trị của họ.
Dữ liệu bị biến thành vũ khí theo cách Hãng Cambridge Analytica sẽ phân loại người dùng theo sở thích, thông tin có được về họ và dựa vào đó để “giội bom” họ với các thông điệp, thông tin sai lệch được “đo ni đóng giày” cẩn thận.
Đạo luật GDPR là “cú đấm” thực sự với các hãng công nghệ chuyên thu thập và khai thác dữ liệu người dùng như Facebook, Google hay các công ty trung gian chuyên làm việc này (data broker). GDPR trao thêm quyền để người dùng quản lý thông tin cá nhân của họ tốt hơn và buộc các công ty phải minh bạch hơn trong việc thu thập dữ liệu người dùng nếu không muốn bị phạt nặng.
Khi GDPR có hiệu lực hồi tháng 5, phe phản đối cho rằng đó sẽ là thảm họa cho Internet. Nhưng thực tế là bang California (Mỹ) mới đây đã thông qua đạo luật xây dựng từ hình mẫu của GDPR, cho phép người dùng được quyền yêu cầu các hãng công nghệ nói rõ đang lưu trữ dữ liệu gì về mình, tại sao lại lưu và đã chia sẻ nó với ai. Người dùng cũng có quyền yêu cầu bên thu thập xóa các dữ liệu về mình.
Thế giới có thể nhìn vào ngọn cờ đầu EU, và nếu Mỹ, trong hình dung của Tim Cook, cũng gia nhập, thì “phong trào” dùng luật pháp để quản lý thị trường dữ liệu người dùng hẳn sẽ lan rộng.
Cook cũng thẳng thắn vỗ mặt luận điểm thường được nêu ra rằng công nghệ sẽ không phát huy hết tiềm năng thực sự của nó nếu bị đặt dưới các quy định về quyền riêng tư ngày càng ngặt nghèo. “Quan niệm này không chỉ sai mà còn gây hại, do lẽ tiềm năng của công nghệ phải luôn bắt nguồn từ niềm tin mọi người đặt vào nó”.
Đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật: chúng ta sẽ không bao giờ thực sự khai phá hết tiềm năng của công nghệ nếu không có lòng tin và sự tín nhiệm của những người sử dụng chúng.
Tim Cook
 
Nghịch lý “nạn nhân”
Theo đánh giá của tạp chí chuyên về bảo mật thông tin CPO Magazine, các đại gia công nghệ ở Thung lũng Silicon đã buộc phải thừa nhận “tình hình rất chi là tình hình”, nghĩa là không tránh được việc chuyện thu thập dữ liệu sẽ sớm bị cho vào khuôn phép.
Vì thế mục tiêu hàng đầu của họ bây giờ là làm sao để đạo luật liên bang mà Tim Cook đang kêu gọi nếu được ban hành thì cũng “dễ thở” một chút.
Một trong những cách để làm thế là định hướng dư luận, chẳng hạn như thuyết phục người dùng tin rằng một đạo luật liên bang về quyền riêng tư dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của họ hoặc ngăn trở sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ.
Nhưng dựa vào đâu mà các công ty công nghệ tin rằng họ có thể lôi kéo người dùng - người đang bị chính các công ty này lợi dụng - về phe của mình? Câu trả lời chính là một kiểu “nghịch lý thời đại số”: người dùng vừa muốn phơi bày thông tin để đổi lấy dịch vụ, sản phẩm miễn phí, vừa muốn che giấu chúng.
Chính người dùng chứ không ai khác đang làm “kho vũ khí” rồi sẽ nhắm vào chính mình to và đầy hơn mỗi ngày bằng mỗi cú click, cái like trên Internet.
Người dùng đâu phải không biết họ sẽ phải đánh đổi thông tin cho nhà cung cấp dịch vụ, nhưng vì tiện ích, họ vẫn chấp nhận. Lấy ví dụ Google hiển thị quảng cáo dựa trên hoạt động online của ta. Nhưng ta có vì thế mà ngưng dùng Google?
Facebook cũng thế, chính ta tình nguyện chia sẻ, like, theo dõi các nhãn hàng, tự khai báo thông tin cá nhân chi tiết đó thôi. Và thực sự có tồn tại quan niệm: đằng nào cũng phải xem quảng cáo, thôi thì được xem quảng cáo có liên quan, mình có thể quan tâm vẫn tốt hơn.
Thực tế này mở ra một hướng mới trong việc hạn chế các “tổ hợp công nghiệp dữ liệu” tiếp tục lợi dụng, làm hại người dùng: thay vì buộc các công ty công nghệ tuân thủ luật về bảo vệ dữ liệu, cần làm sao để họ sử dụng chỗ thông tin thu thập được một cách có đạo đức và trách nhiệm, để tạo ra các sản phẩm có lợi cho nhân loại, theo bình luận của TechCrunch.
Chính Giovanni Buttarelli, giám sát viên bảo vệ dữ liệu của EU, trong phát biểu khai mạc sự kiện ở Brussels, cũng nhấn mạnh việc cần phát triển “một bộ quy tắc đạo đức bền vững cho xã hội được số hóa” ngày nay.■

"Nam Tiến" và cái bẫy địa lý của người Việt

"Nam tiến", quá trình các nhóm người Việt tiến về phía nam, mở mang lãnh thổ từ Quảng Bình đến Hà Tiên giữa các thế kỷ XIV-XIX được coi là một trang sử lớn và quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Chính quá trình xác lập nhà nước, xây dựng xóm làng, cảng thị, dinh trấn, thúc đẩy tương tác văn hóa, pha trộn tộc người… đưa lãnh thổ của Việt Nam năm 1840 ít nhất gấp ba lần so với năm 1400.
Bài viết này không thách thức diễn ngôn trên, mà chỉ đưa ra một góc nhìn khác của "Nam Tiến" đối với lịch sử người Việt, và lập luận rằng: việc di cư về phía nam quá nhanh, trong những khung cảnh tự nhiên biệt lập chính là một cái bẫy địa lý mà người Việt gặp phải. Cái bẫy này là nguyên nhân giải thích cho tình trạng hỗn loạn của lịch sử Việt Nam ở các thế kỷ XVII-XIX. Cụ thể là lãnh thổ lan ra quá nhanh, "nhà nước" chạy theo không kịp, vì thế gây ra tình trạng phân tán, hỗn loạn, vô chính phủ tại các vùng biên, nơi các nhóm địa phương xây dựng lực lượng, nổi dậy, và dùng chính sức mạnh của vùng biên để lật đổ quyền lực "già cỗi" và suy yếu của vùng trung tâm. Tất cả nội chiến, xung đột vùng miền, cát cứ đều từ cái bẫy này mà ra.

Nam tiến "nhử" người Việt vào các khung cảnh xa lạ và biệt lập

Nam Tiến đã "dẫn dụ" người Việt vào các khung cảnh tự nhiên mới, không gian văn hóa, kinh tế mới, tách họ ra khỏi các mối quan hệ quyền lực cũ, và sau đó đẩy các các nhóm này vào cuộc xung đột lẫn nhau. Mỗi khi một nhóm người Việt nào đó vượt qua những chướng ngại địa hình, và đi sâu về phía Nam, thì đồng thời họ bị "cắt rời" ra khỏi trung tâm quyền lực cũ của nhà nước ở phía Bắc. Với các nhóm đi sau và vào xa hơn thì hầu như nhà nước không thể làm được gì khác là "đứng nhìn một cách bất lực" những người này tự tổ chức ra các xã hội mới, và thậm chí là tạo dựng ra hạt nhân của nhà nước mới. Điều này thúc đẩy sức mạnh của các vùng biên trong việc thách thức các trung tâm nhà nước "cũ" ở phía bắc.
Khi bạn vượt qua đèo Ngang, từ Hà Tĩnh sang Quảng Bình, ngay lập tức gặp sông Gianh (cách 25 km về phía nam), bờ nam của con sông được "gia cố" bởi phần kéo dài ra biển của hệ thống núi Phong Nha Kẻ Bàng. Qua khỏi các chướng ngại này là khi bạn bước vào một thế giới khác, xa khỏi tầm tay của Thăng Long. Đó chính là ý tưởng địa chính trị mà Nguyễn Bình Khiêm tuyên bố, "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dải Hoàng Sơn dung thân muôn đời) vào giữa thế kỷ XVI. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đúng. Từ 1627 đến 1672, sau bảy cuộc chiến tranh, nhà Lê-Trịnh với lực lượng áp đảo và súng của người Hà Lan đã không thể gây ra một thất bại đáng kể nào cho chúa Nguyễn.
Tương tự, từ Huế đến Quy Nhơn, từ Quy Nhơn đến Gia Định, từ Gia Định tới Hà Tiên, từ Châu Đốc đến Phnom Penh là cả một câu chuyện dài. Mỗi bước đi kéo dài 50-70 năm. Mỗi trở ngại địa lý là "điểm cuối của một thế giới" để mở ra một thế giới khác. Mỗi khi một nhóm Việt nào đó bước qua cánh cổng vào thế giới mới, họ không có đường quay trở lại (và cũng không có nhu cầu quay trở lại). Điều này ngay lập tức làm xáo trộn các trật tự quyền hiện hành, và gây ra xung đột vì sau 50 năm xác lập ở một vùng, một nhóm tiếp theo sẽ vượt qua vùng đất cũ để đến với không gian mới, và tạo ra một cấu trúc kinh tế-chính trị mới, sau đó quay lại đe dọa trật tự của hệ thống quyền lực cũ.
Các trở ngại địa lý làm cho việc liên hệ/ kiểm soát của nhà nước với đường biên mới khai mở không hề dễ dàng. Nhà Tây Sơn có thể áp đảo trong các chiến dịch quân sự vào hạ lưu Mekong, nhưng không thể kiểm soát vùng biên này một cách hữu hiệu. Vào thế kỷ XVIII, di chuyển đường bộ từ Quy Nhơn vào đến Gia Định là điều không tưởng, trong khi thủy quân Tây Sơn bắt đầu bị Nguyễn Ánh áp đảo từ đầu những năm 1790s (Vũ Đức Liêm 2017). Chính điều này làm nên thất bại của họ.
Mặt tích cực của quá trình này là tạo ra các không gian Việt khác nhau, tạo ra các cách thức khác nhau để trở thành Việt Nam. Sự đa dạng này là một thành quả của Nam Tiến. Tuy nhiên, trước khi hưởng thành quả này là ba thế kỷ mà người Việt trở thành "nạn nhân" của cái bẫy địa lý và dịch chuyển vùng miền. Nguyễn Hữu Chỉnh là một ví dụ. Ông là một người tài năng, nhưng mắc kẹt giữa các không gian địa lý, chính trị, và quyền lực vương triều. Ông sinh ra ở Nghệ An, "đầu quân" cho Bắc Hà, sau đó rời bỏ để theo Tây Sơn, cuối cùng trở thành "nạn nhân" của Bắc Hà và Tây Sơn. Sau đó, cũng chính Tây Sơn và nhà Nguyễn lúng túng trong quản trị không gian "Việt Nam", và bị tổn thương bởi bẫy địa lý này.

Thay đổi cấu trúc địa chính trị và quyền lực ở Việt Nam

Sự mở rộng đất đai và lãnh thổ để lộ ra những thay đổi "chết người" của cấu trúc quyền lực theo phân vùng địa lý ở Việt Nam. Nó làm đứt gãy trật tự truyền thống của không gian "Đại Việt" để thai nghén không gian "Việt Nam". Sự thai nghén này kéo dài ba thế kỷ với những cơn đau dữ dội, mà điển hình là các cuộc chiến tranh kéo dài giữa vùng biên mới nổi, năng động và các vùng trung tâm "già cả".
Bắc Hà, vùng đất trải qua khai thác hàng nghìn năm. Các con đê làm đất đai nghèo dinh dưỡng, sức ép dân cư làm cho không gian cư trú trở nên chặt chội, và nhà nước quy củ làm xã hội "ngột ngạt". Các học giả Pháp và Nhật tính toán đã có 3,12 triệu người chạy khỏi miền bắc Việt Nam đầu thế kỷ XV. Điều này còn tiếp diễn với nạn mất mát nông dân vào thế kỷ XVIII và XIX (Yumio Sakurai 1997), và giải thích cho sự sụp đổ không thể phục hồi của của nhà Lê-Trịnh.
Đối lập với nó là tính năng động của các vùng biên mà càng vào trong thì sự đa dạng tộc người, khả năng tiếp thu kỹ thuật và sôi động kinh tế càng lớn hơn. Cuộc hành quân của Tây Sơn năm 1786, chỉ một tháng, với hạm thuyền, súng đại bác mới, và thuốc súng đã hạ bệ di sản 300 năm của vua Lê-chúa Trịnh. Trong trận đánh ở Huế, quân Trịnh sau hai giờ giao chiến đã hết thuốc súng, và bị đánh tan. Trong trận thủy chiến trên sông Luộc (6/1786), pháo của của quân Trịnh khai hỏa, nhưng không thể nào đến được phía thuyền Tây Sơn. Đổi lại, một phát đại bác của Tây Sơn có "tiếng nổ như sét, làm nứt đôi ngọn cây" bên bờ sông, quân Trịnh bỏ lên bờ tháo chạy (Hoàng Lê Nhất Thống Chí). Cửa ngõ Bắc Hà mở toang.
Theo những cách tương tự mà Thuận-Quảng thách thức Bắc Hà. Quy Nhơn thách thức Thuận-Quảng, và cuối cùng hạ lưu Mekong cho thấy sức mạnh của vùng biên giàu có và đa dạng này, vùng đất đến tận ngày nay vẫn là khu vực trù phú nhất nước.

Chính cái bẫy địa lý đã làm trật tự không gian "Đại Việt" đã bị thách thức. Quyền lực của châu thổ sông Hồng đã không thể kiểm soát được các vùng đất xa cách cả nghìn km. Các vùng này sau đó trải qua chiến tranh gần 300 năm để xác lập nên trật tự quyền lực lãnh thổ mới của "Việt Nam". Sự xáo trộn và chuyển dịch từ "Đại Việt" thành "Việt Nam" chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất của lịch sử người Việt sơ kỳ hiện đại.

Nam tiến thách thức quản trị nhà nước của người Việt

Bằng cách kéo dài một thực thể chính trị 550 km (Lạng Sơn-Hà Tĩnh) ra một không gian dài 2000 km (đến Hà Tiên), người Việt đã bị địa lý "nhử" để tham gia vào một cuộc hành hương "hỗn loạn". Vì đoạn đường quá dài, khi tốp dẫn đầu đến nơi, thì những nhóm sau đã bị "thất lạc", tản mát, chia ra thành những phân vùng khác nhau. Cai trị một đoàn người như thế là nỗi ám ảnh của nhà nước vì quyền lực trung tâm "chạy theo" các nhóm người này không kịp, và không có khả năng kiểm soát các xã hội vùng biên.
Hệ thống thông tin liên lạc dọc theo 2000 km này là một thách thức. Di chuyển từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào đến Quảng Bình là một thách thức giữa các thế kỷ XI-XVII. Các cuộc hành quân từ Lê Hoàn đến Lê Thánh Tông vào vùng đất của Champa là không hề dễ dàng. Bản thân cuộc hành quân vào nam của Nguyễn Hoàng cũng phải kết hợp cả đường thủy và đường bộ, men theo các cửa sông và đồng bằng duyên hải hẹp bị núi chia cắt.
Việc Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn loay hoay trong nhiều thập kỷ mới tìm được đất đặt trị sở lâu dài ở Phú Xuân/ Huế chính là một phép thử của sự phức tạp địa lý. Thực tế, càng đi sâu về phía nam, người Việt càng gặp phải những thách thức mới. Nam tiến "dẫn dụ" người Việt vào các khung cảnh xa lạ, nơi mà kinh nghiệm thực hành văn hóa và cai trị của người Việt hạn chế.
Paul Mus, học giả Pháp nói rằng người Việt đi dọc theo bán đảo Đông Dương như một cơn lũ, mang theo lúa nước và xác lập bất cứ đâu có thể lập làng xóm (Paul Mus 1952). Tuy nhiên, thực tế trải nghiệm của người Việt là "phũ phàng" hơn nhiều. Nam tiến biến một "Việt Nam" làng xóm thành các "Việt Nam" khác nhau: lên núi, vào thung lũng, buôn bán thương mại theo cửa sông, lênh đênh theo con nước lũ… Chính điều này làm các nhà nước phải một phen "lao đao" để tìm cách quản lí dân cư, nhân khẩu, thuế khóa, bởi đơn giản là ở vùng biên, các nhà nước không ra đời, xác lập một cách dễ dàng. Minh Mệnh than phiền rằng sao dân Nam Kỳ không ở một chỗ, làm nông nghiệp mà đi lại khắp nơi theo mùa? Phải mất hơn ba thập kỷ, hai triều vua nhà Nguyễn mới tiến hành xong thống kê địa bạ.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là màn dạo đầu. Theo sau đó là buôn lậu lúa gạo, di cư bất hợp pháp, các hội kín, xung đột sắc tộc, thổ phỉ, nổi loạn… - những nỗi ám ảnh khác mà nhà nước phải đối mặt với các vùng biên. Nổi dậy Đá Vách của cư dân vùng cao Quãng Ngãi là một ví dụ cho thấy nỗi ám ảnh vùng biên đã rình rập nhà Nguyễn trong gần hai thế kỷ: từ Nguyễn Cư Trinh đến Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tấn với bình định, đàn áp, đến xây Trường Lũy.
Quản lí lãnh thổ và đặt kinh đô cũng là một vấn đề đau đầu khác mà Nam Tiến thách thức nền quản trị của người Việt. Khi các vùng lãnh thổ cách nhau quá xa mà thông tin liên lạc gặp bất lợi do địa hình khó khăn, cai trị hành chính không hề dễ dàng. Đến tận 1748 mới có các tuyến giao thương liên lạc đường bộ kết nối Gia Định với các khu vực xung quanh. Liên lạc giữa Gia Định và Hà Tiên còn phải tiến hành bằng thuyền, dọc theo duyên hải, mất nhiều ngày. Tận 1804, nhà Nguyễn mới bắt đầu kết nối các hệ thống liên lạc và giao thông bắc nam, được biết đến là đường Thiên Lý, hay đường Cái Quan. Tuy nhiên, đến tận những năm 1830, Đại Nam Thực lục vẫn chép về việc hổ đi lang thang hay thổ phỉ khắp nơi, dọc theo các tuyến đường này. Phải mất nhiều thập kỷ để đường xá, kênh đào, hệ thống liên lạc được xác lập, nhằm giải thoát các nhóm người Việt khỏi cái bẫy địa hình.
Chợ Lớn dBản quyền hình ảnhPRINT COLLECTOR/GETTY IMAGES
Image captionChợ Lớn dưới thời Pháp thuộc.
Việc Tây Sơn chia ba Việt Nam, một phần từ những xung đột quyền lợi, nhưng một phần khác do lần đầu tiên có một chính quyền "thống nhất" ở Việt Nam, mà họ gặp trở ngại lớn về thông tin liên lạc, và đặc biệt là đã trở thành nạn nhân của chính dự án lãnh thổ mà họ triển khai. Khi nghe tin Nguyễn Huệ ra bắc, Nguyễn Nhạc đã phải cưỡi ngựa chạy ra theo:
"Khi ở dọc đường, không dám ngủ ở nhà dân, tới đâu dương màn ra giữa cánh đồng mà nằm ở đó, quân sĩ đều ngủ lộ thiên. Bời vậy, khi tới kinh sư [Thăng Long], đám quân chỉ là đoàn người mặt mũi hốc hác, coi không ra bộ quân của vua chúa." (Hoàng Lê Nhất Thống chí, 1969: 113).
Sau sự kiện này, chiến tranh giữa hai anh em đã nổ ra. Việc chia hạ lưu Mekong cho Nguyễn Lữ cũng là một dấu hiệu khác của việc bế tắc tổ chức hệ thống cai trị. Sau 1786, cả Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ hoàn toàn không có "phương án B" cho Gia Định trong trường hợp vùng này bị đe dọa, và chính điều này là "tử huyệt" của Tây Sơn khi Nguyễn Ánh xác lập tại đây. Chính Nguyễn Ánh đã dùng sự giàu có của một vùng biên mới để đánh lại sự lúng túng về địa lý, cai trị lãnh thổ và nhà nước của Tây Sơn. Thất bại lớn nhất của Tây Sơn không phải là chiến thuật quân sự, vũ khí, hay chia rẽ mà là chưa có một "bản đồ tác chiến" và "bản đồ hành chính" cho Việt Nam, vì thế hoàn toàn lúng túng trước việc triển khai quân đội, yểm trợ, hậu cần, vận tải trên khu vực hành chính mới này.
Nguyễn Ánh cũng không thể làm hơn, dù ông là người chiến thắng. Ông biết tình thế nan giải về địa chính trị của mình, và dung hòa bằng cách cử hai vị tướng giỏi nhất án ngữ hai vùng châu thổ đông dân, giàu có, còn bản thân ông cai trị một khu vực nghèo nàn ở miền Trung. Di sản này buộc con trai ông, Minh Mệnh phải trả giá 15 năm để tìm cách thống nhất, theo sau một thập kỷ của biến loạn và xung đột khắp cả nước, từ Nông Văn Vân ở Cao Bằng đến Lê Văn Khôi ở Gia Định (1826-1836). Cũng chính việc Nguyễn Ánh lựa chọn Huế làm kinh đô là một điểm yếu khác khi vùng đất nhỏ hẹp, ít dân này luôn phải tìm cách tạo thế cận bằng và hoạch định chính sách cho hai đồng bằng lớn. Riêng việc vận tải lúa gạo, lương thực, quân lính, tiền đúc… hàng năm giữa Gia Định, Huế, Hà Nội đã là một công việc khổng lồ so với nhân lực thời bấy giờ.
Sẽ mất ít nhất ba thế kỷ để người Việt giải quyết xong các vấn đề về mở rộng lãnh thổ và xung đột phe nhóm gây ra. Họ đã "dấn thân" vào cái bẫy của địa lý và phải tìm cách hóa giải nó bằng việc tái định hình lại cấu trúc quyền lực vùng, đặc biệt là phát triển bản sắc chung Việt Nam, củng cố thông tin liên lạc, giao thương, và tạo ra một trung tâm quyền lực có khả năng vừa giữ được quyền kiểm soát, nhưng cũng vừa phải tạo ra sự cân bằng ở cả hai đầu đất nước.
Cuối cùng, những điều trên đây không phải nói rằng việc mở rộng đất đai về phía nam là một "tai họa" đối với người Việt, hay người Việt là nạn nhân bị động của quá trình này. Những đóng góp của diễn trình này vào lịch sử Việt Nam, sự đa dạng văn hóa, vùng miền, tộc người, giàu có kinh tế mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Người Việt chắc chắn cũng không phải là nhóm cư dân duy nhất chịu thách thức trước tự nhiên và mở rộng lãnh thổ. Cũng không nên quên rằng có những nhóm cư dân, tộc người, nền văn minh bản địa mà số phận của họ gắn liền với công cuộc Nam tiến của người Việt.
Bài viết chỉ đơn giản lưu ý rằng để có một hình hài Việt Nam như ngày nay, đã có những lúc mà quá trình mở rộng lãnh thổ và thay đổi cấu trúc địa chính trị đã làm người Việt phải trả giá với xung đột, chiến tranh, nội chiến, và nổi loạn. Cái giá của mấy thế kỷ bạo lực đó là không hề nhỏ.

Tham khảo

  • Ngô gia văn phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Sài Gòn: PhongTrào Văn Hóa Tái Bản, 1969.
  • Paul Mus, Socioloie d''une Guerre (Paris: Éditions du Seuil, 1952).
  • Sakurai. Yumio, "Peasant Drain and Abandoned Villages in the Red River Delta between 1750 and 1850," in The Last Stand of Asian Autonomies: Responses to Modernity in the Diverse States of Southeast Asia and Korea, 1750-1900, ed. Anthony Reid (Basingstoke: Macmillan, 1997), 133-52.
  • Taylor, Keith Weller. "Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region." The Journal of Asian Studies 57, no. 4 (1998): 949-78. doi:10.2307/2659300.
  • Vũ Đức Liêm. "Các Dự Án Nhà Nước 'Thiết Kế' Vùng Hạ Lưu Mekong." Tia Sáng, 2018. http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Cac-du-an-nha-nuoc-"thiet-ke"--vung-ha-luu-Mekong-11061.
  • ———. "The Age of Sea Falcons: Naval Warfare in Vietnam, 1771-1802." In Warring Societies of Pre-Colonial Southeast Asia: Local Cultures of Conflict Within a Regional Context, edited by Kathryn Wellen and Michael Charney, 103-29. Copenhagen: Nordic Institute of Asian Studies, 2017.
  • ———. "Việt Nam: Lịch Sử Một dân Tộc 'Dễ Bị Tổn Thương.'" Tia Sáng, 2018. http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Viet-Nam-Lich-su-mot-dan-toc-"de-bi-ton-thuong"-12721.
  • ----------. "Borderlands (Border Making in Vietnamese-Cambodian Frontier, 1802-1847)." Mekong Review 2, no. 2 (2017): 13-14.
  • ----------. "Lịch Sử Khai Thác Tự Nhiên ở Châu Thổ Sông Hồng." Tia Sáng, Http://Tiasang.Com.vn/-Khoa-Hoc-Cong-Nghe/Lich-Su-Khai-Thac-Tu-Nhien-o-Chau-Tho-Song-Hong-11118, 2018.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang là Nghiên cứu sinh ngành Lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á tại Đại học Hamburg (CHLB Đức).

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ước nguyện "lá rụng về cội"

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bày tỏ ý nguyện được sống những ngày cuối đời trên quê hương Việt Nam, trang nhà của Đạo Tràng Mai Thôn (Làng Mai) tại Pháp hôm thứ Sáu ngày 2/11vừa ra thông bạch bằng tiếng Anh cho biết.
Trước đó đúng một tuần, vào ngày 26/10, Thiền sư Nhất Hạnh đã đáp chuyến bay từ Bangkok, Thái Lan, nơi ông đã tĩnh dưỡng kể từ tháng 12 năm 2016, về Đà Nẵng.
Sau đó, vào chiều ngày 28/10, xe chở Thiền sư Nhất Hạnh từ Đà Nẵng đã về đến tổ đình Từ Hiếu ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế, nơi ông đã thọ giới xuất gia năm 16 tuổi, tức là cách nay 76 năm, truyền thông trong nước đưa tin.
‘Lần về quê cuối cùng’
“Kể từ lễ mừng thọ lần thứ 92 vào tháng trước, Sư Ông đã bày tỏ ý nguyện sâu thẳm là muốn về ở tại ngôi chùa tổ, Tổ đình Từ Hiếu ở Huế, Việt Nam, để sống những ngày còn lại,” thông bạch của Làng Mai viết.
Thông bạch gọi chuyến trở về Việt Nam lần này của Thiền sư là ‘lần về quê hương cuối cùng’. Cho nên, nhiều khả năng, ông sẽ ở lại Tổ đình Từ Hiếu luôn cho đến ngày ông viên tịch.
Từ Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân được báo mạng VnExpress dẫn lời cho biết ‘Ngài dự định ở lại chùa Từ Hiếu trong một thời gian rất dài’.
“Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn luôn xem những điều mà ông thuyết giảng có cội nguồn từ cuộc sống tâm linh dấn thân của lịch đại Tổ sư Phật giáo Việt Nam từ thời Lý và thời Trần,” thông bạch viết. “Gìn giữ được sự kết nối sâu sắc và vững bền với cội rễ tâm linh ở Việt Nam là điều hết sức quý giá cho cộng đồng đông đảo những người tu học theo pháp môn của Thiền sư trên toàn thế giới.”
Thông bạch cho biết hôm 24/10, khi còn ở Làng Mai Thái Lan, Thiền sư đã triệu tập các môn đồ thân cận để truyền đạt ‘một cách rõ ràng’ ý nguyện của ông muốn về lại Việt Nam bằng cử chỉ, gật đầu hay lắc đầu trước các câu hỏi.
Kể từ khi bị tai biến bốn năm trước, Thiền sư Nhất Hạnh vẫn chưa thể nói chuyện được mặc dù ‘tinh thần của ông vẫn rất tỉnh táo’, theo thông bạch.
Ngay sau đó, các vị đồ đệ của ông đã sắp xếp cho chuyến đi về quê hương cuối cùng của ông ngay sau khi hoàn mãn mùa An cư kiết hạ vào ngày 25/10.
Theo trang nhà của Làng Mai thì Thiền sư Nhất Hạnh đã đi trên một chuyến chuyên cơ có sự tháp tùng của năm thị giả và một bác sĩ người Thái là đệ tử của ông cùng hai phi công.
Hôm 26/10, khi đến sân bay Đà Nẵng, ông đã được chào đón bởi chư vị tôn túc, chư tăng ni và hàng Phật tử. Ông đã ở Đà Nẵng hai ngày tĩnh dưỡng bên bờ biển để hồi phục sức khỏe sau chuyến bay.
Khi về đến Tổ đình Từ Hiếu, Thiền sư được tiếp đón trong lễ rước theo nghi thức Phật giáo truyền thống có chiêng trống bát nhã, cũng theo thông bạch.
“Khi bước vào chùa, Sư Ông ngừng một chút để với tay chạm vào phiến đá lạnh của chiếc cổng tam quan cũ để đánh dấu Sư Ông đã đến và đã trở về. Mọi người có mặt đều im lặng khi Sư Ông ngồi lặng nhìn Hồ Bán Nguyệt, nơi Sư Ông đã có nhiều kỷ niệm khi còn là một sa di, sau đó Sư Ông đi vào chánh điện để đảnh lễ trước bàn thờ Phật và thắp hương trên bàn thờ Tổ,” thông bạch viết.
Theo trang nhà Làng Mai thì kể từ khi về lại Tổ đình Từ Hiếu, sức khỏe của Thiền sư ‘vẫn còn yếu nhưng ổn định’. Ông đã ‘tham gia thiền hành cùng tăng chúng vào lúc rạng sáng’ và ‘thăm lại từng ngõ ngách của ngôi tổ đình nơi Sư Ông đã trải qua thời niên thiếu, nơi Sư Ông đã nuôi dưỡng hoài bão và bước vào con đường tâm linh’.
‘Nhập diệt tại chốn Tổ’
Thiền sư Nhất Hạnh thắp nhang tại chánh điện Tổ đình Từ Hiếu.
​Làng Mai cũng cho biết là khi vừa về đến Việt Nam, vào tối ngày 26/10 ở Đà Nẵng, với tư cách là đương kim trụ trì và là người đứng đầu dòng Từ Hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ thị cho chúng đệ tử thảo một lá thư mời tất cả các vị tôn túc, chư huynh đệ, chư tăng ni của dòng Từ Hiếu, tức là tất cả môn đồ, đệ tử của Thiền sư Thanh Quý, sư phụ của Thiền sư Nhất Hạnh, tham dự một buổi ‘họp mặt gia đình vui vẻ’ và mừng trở về nhà tại Tổ đình Từ Hiếu vào Thứ Bảy ngày 3/11.
Thiền sư Nhất Hạnh cũng là vị tổ thứ tám của dòng Từ Hiếu.
Trong buổi sáng ngày 2/11, ông Bùi Thanh Hà, phó Ban Tôn giáo Chính phủ, đã ghé Tổ đình Từ Hiếu vấn an Thiền sư Nhất Hạnh, theo VnExpress. Cuộc gặp đã diễn ra trong ‘khoảng 10 phút’.
Cũng theo VnExpress, sau khi về đến Việt Nam, Thiền sư đã gửi tâm thư đến chư tăng ni trong dòng Từ Hiếu để nói rõ nguyện vọng của ông được ‘lá rụng về cội’.
Trong thư viết rằng trong hơn 70 năm qua kể từ khi rời Phật học đường Bảo Quốc ở Huế, ông đã ‘chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư tổ đã tin tưởng và phó thác’.
“Giờ đây, dòng pháp nhũ của Tổ đình Từ Hiếu, Phật giáo Việt Nam đã lan tỏa khắp nơi trên thế giới,” lá thư viết. “Tôi thấy rằng đã đến lúc cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này.”
“Giờ đây, chúng ta có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu của nhiều quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai đó, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa,” thiền sư viết.
Ông nói ông vui mừng được trở về Việt Nam và tham gia tảo tháp của các vị Tổ sư Tổ đình Từ Hiếu.
“Chào mừng Ngài đã trở về với đường xưa đầy mây trắng,” một độc giả đề tên là ‘xudoaimaytrang2005’ bình luận trên diễn đàn VnExpress với ngụ ý nhắc đến tác phẩm nổi tiếng ‘Đường Xưa Mây Trắng’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng thế giới đã đề ra khái niệm ‘Phật giáo Dấn thân’, tiếp nối chủ trương nhập thế của Phật giáo Việt Nam có từ thời các Thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ông chủ trương đem Phật giáo để giúp các cá nhân và xã hội trên thế giới giải quyết các thách thức trong cuộc sống và của thời đại.
Ông sáng lập ra Đạo Tràng Mai Thôn ở Pháp vào năm 1982 (hiện nay có bốn tu viện và thiền đường) và sau đó mở rộng thêm các trung tâm Làng Mai khác ở Mỹ, Đức, Việt Nam, Úc, Hong Kong và Thái Lan. Riêng ở Mỹ, Làng Mai có ba tu viện là Lộc Uyển (bang California), Bích Nham (bang New York) và Mộc Lan (bang Mississipi). Các tu viện này là nơi tu tập của cả ngàn vi xuất sỹ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới và đều đặn tổ chức các khóa tu cho các vị cư sĩ.
Ông đã từng đi thuyết giảng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó các trường đại học ở Mỹ và đã xuất bản hơn 100 đầu sách, trong đó có 40 cuốn viết bằng tiếng Anh.
Lần về Việt Nam ‘cuối cùng’ này của Thiền sư là lần trở về thứ 5 của ông kể từ khi ông rời Việt Nam vào năm 40 tuổi để hoằng pháp ở nước ngoài.
Ông về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005. Sau đó, ông tiếp tục về trong các năm 2007, 2008 và 2017. Năm 2008, ông về Việt Nam để làm diễn giả chính cho Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc.

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Võ lâm đệ nhất cao thủ để làm gì?

"Siêu đại hiệp" Kim Dung đã ra đi ở tuổi 94.
Gọi "siêu đại hiệp" vì chính ông là cha đẻ của rất nhiều đại hiệp nghĩa khí giang hồ.
Và dù ít dù nhiều, muốn hay không, tuổi thơ tại hạ từng được Kim đại hiệp truyền cho cái khí chất nghĩa hiệp đó từ các nhân vật của mình.
Dù khi đó chưa biết yêu là gì nhưng kẻ tiểu bối trong làng kiếm hiệp như tôi cũng đã cảm nhận sâu sắc yêu thích sự lãng mạn của cái tinh thần rũ bỏ tất cả giấc mơ bá chủ chốn giang hồ hiểm ác chỉ để được thong dong nơi chân trời góc biển mà "kẽ lông mài cho Triệu Minh tiểu muội".
Khi nghe đám thuộc hạ sụp lạy tung hô "Tham kiến giáo chủ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, trung hưng thánh giáo, bái thúc giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ", lúc Nhậm Ngã Hành đoạt lại ngôi vị từ Đông Phương Bất Bại, tại hạ cũng đã thấy được sự khôi hài tới lố bịch...
Bá chủ võ lâm, thiên hạ vô địch luôn là giấc mơ của nhiều kẻ hành tẩu giang hồ nhiều tham vọng. Không từ bất kỳ thủ đoạn nào kể cả ngụy quân tử để giành hay cướp địa vị độc tôn.
Nhưng không phải cao nhân hành hiệp nào cũng mơ về nó và đôi khi võ công càng cao cường người ta lại càng không màng tới ngôi vị độc tôn.
Tuy nhiên, việc tìm ra đệ nhất cao thủ trong kho võ hiệp Kim Dung từng là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất.
Nhân vật được nhiều người sùng bái nhất có vẻ như là Kiếm khách Độc Cô Cầu Bại. Nhân vật này thực chất không hề xuất hiện cụ thể trong truyện, cũng chưa hề được mô tả có võ nghệ ra sao.
Tất cả những gì người ta biết về ông chỉ là giai thoại "cả đời không có đối thủ" và bộ kiếm thuật Độc Cô Cửu Kiếm.
Nhưng vẫn có một nhân vật được nhiều ý kiến cho rằng xứng đáng nhất với danh hiệu này, một nhân vật... không hề có tên hay ngoại hiệu!
"Vô danh thần tăng", là cách gọi của nhiều người dành cho nhân vật xuất hiện trong Thiên Long Bát Bộ ngắn ngủi một vài đoạn, nhưng ấn tượng mà "đệ nhất cao thủ" này để lại mãnh liệt tới mức không mấy người mê truyện không nhớ tới.
Mô tả của Kim Dung về Vô danh thần tăng khá đặc biệt, chỉ là một vị sư quét chùa, mặc tăng bào màu xám, địa vị thuộc hàng thấp kém nhất trong Thiếu Lâm Tự.
Nhưng ẩn giấu dưới lớp vỏ bọc bình thường ấy lại là một đại cao thủ đích thực, thậm chí vượt qua phạm trù võ học thông thường.
Vị lão tăng vô danh đó đã làm được một việc không tưởng: Đánh chết cùng lúc 2 danh gia võ học Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn, chỉ bằng một chiêu thức nhẹ nhàng.
Nhưng đó không phải là lý do chính khiến người ta công nhận ông là "đệ nhất cao thủ" trong truyện Kim Dung.
Sức mạnh của vị thần tăng này còn nằm ở những hành động ngay sau đó: Cứu sống hai kẻ từng bị mình đánh chết và hoá giải cả ân oán trong lòng họ.
Giết người không khó, nhưng giết được những đau khổ, oán thù trong lòng họ mới là điều không tưởng. Vị lão tăng này đã làm được điều đó không chỉ bằng võ công, mà còn bằng trí tuệ và sự bác ái của mình.
Việc lần lượt đánh chết những kẻ mang mối hận truyền kiếp với nhau rồi lại cứu sống họ, để họ nhận ra sự vô nghĩa của việc báo thù mới xứng đáng làm nên một đệ nhất cao thủ trong truyện Kim Dung.
Võ công không chỉ để giết người hay chiến thắng kẻ khác.
Vị cao thủ thật sự phải là người dùng sở học của mình làm được những điều phi thường nhất, giống như vị lão tăng quét lá ở Thiếu Lâm...