Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Quan ngại sâu sắc về an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông

[Loạt bài này đã gởi cho báo ĐĐK một tuần trước, đã được lên trang, sau đó bị bóc ra, không đăng. Chẳng hiểu sao?]

Bài 1

Trung Quốc xây đảo nhân tạo quy mô chưa từng có trên Biển Đông

"Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa", báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 13, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn nói Trung Quốc đang công khai và ráo riết thực hiện các hoạt động lấn biển, thi công công trình với quy mô rất lớn ở trên tất cả cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa, đặc biệt ở 5 điểm Ga Ven, Huy Gơ, Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập.


Tài liệu cập nhật cuối tháng 5-2015 của Bộ Quốc phòng Philippines cho thấy Trung Quốc đang khẩn trương xây dựng rầm rộ trên tất cả là 7 vị trí nguyên là các quần thể đá chìm, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ngoài 5 điểm nói trên còn có thêm đá Su Bi và rạn san hô Vành Khăn). Các bức ảnh vệ tinh kèm theo tài liệu ghi nhận nhiều đá chìm và rạn san hô đã bị Trung Quốc “làm nở” thêm ra từ hơn vài chục đến vài trăm lần so với hiện trạng ban đầu chỉ trong vòng vài năm. Chẳng hạn như ở vị trí đá Chữ Thập, diện tích ban đầu khoảng 1.000m2 nay đã có diện tích tới 100.000m2, với  tổ hợp sân bay, cảng biển dài 3.000m; đá Subi với diện tích ban đầu cũng khoảng 1.000m2, nay Trung Quốc xây dựng thêm tới 740.000m2, gấp 760 lần diện tích ban đầu, bao gồm hạ tầng cảng biển; đá Gạc Ma có diện tích xây dựng năm 2012 là 4.128m2, nay Trung Quốc đã xây dựng lên 109.000m2, bao gồm 4.128m2 mặt sàn và 6 công trình khác nhau với một khu vực cảng có thể cho tàu có chiều dài 130m đỗ; đá Châu Viên phần mới xây dựng thêm là 246.000m2 trên diện tích 4.128m2; đá Ga Ven xây dựng mới 135.000m2 trên diện tích năm 2012 là 4.128m2; bãi Vành Khăn từ diện tích xây dựng ban đầu khoảng 1.000m2 nay Trung Quốc đã xây mới thành 270.000m2…
Một tài liệu khác, Báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cuối tháng 4/2015 với mục Chuyên đề đặc biệt dành cho vấn đề xây dựng và cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông có đoạn: “Trong năm 2014, Trung Quốc nỗ lực cải tạo trong diện tích rộng tại quần đảo Trường Sa. Tính đến cuối tháng 12-2014, Trung Quốc đã mở rộng khoảng 202.343 héc-ta trong chiến dịch cải tạo này. Ít nhất tại bốn điểm, Trung Quốc chuyển từ hoạt động cải tạo để phát triển cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng nặng. Mặc dù chưa có kết luận rõ ràng, có thể thấy các công trình xây dựng bao gồm bến cảng, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống giám sát, hỗ trợ hậu cần, và ít nhất một phi trường. Tại các điểm cải tạo, Trung Quốc đào kênh sâu và xây dựng các khu vực đỗ mới cho phép các tàu lớn cập bến. Mục đích cuối cùng của dự án mở rộng vẫn chưa rõ ràng và Trung Quốc đã tuyên bố các dự án này chủ yếu là để cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của những người đóng quân trên đảo. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc tin rằng Trung Quốc đang cố gắng thay đổi tình hình thực địa bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng quốc phòng của mình ở Biển Đông”. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la, Singapore mới đây nhận định: “Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng hơn 8km2 đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhiều hơn tất cả các nước từ trước tới nay gộp lại chỉ trong vòng 18 tháng”. Cũng theo ông Carter, hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ còn tiến xa tới bao nhiêu nữa? Điều đó đang làm xói mòn  an ninh khu vực và gây quan ngại sâu sắc tới cộng đồng quốc tế.
Cần lưu ý là các hoạt động cải tạo, xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc đang được tiến hành khẩn trương trên tất cả 7 vị trí quần thể đá chìm, rạn san hô không hề có điều kiện cho sự sống của con người. Những quần thể đá chìm, rạn san hô nói trên đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực từ năm 1988.  Đừng quên rằng trước năm 1988, Trung Quốc chưa từng có một hòn đá chìm hay một rạn san hô nào chứ chưa nói tới đảo nổi có đủ điều kiện cho con người sinh sống trong phạm vi quần đảo Trường Sa. Để bảo vệ chủ quyền của mình trên các đảo đá chìm, bãi san hô mà Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực, 64 chiến sĩ công binh Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong một cuộc chiến đấu không cân sức với các chiến hạm trang bị vũ khí  hạng nặng của Trung Quốc.
Có thể nói, với việc thực hiện kế hoạch cải tạo, mở rộng trên quy mô lớn và tốc độ nhanh tại các điểm chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, kể từ đầu năm 2014 Trung Quốc đã đẩy mâu thuẫn và tranh chấp trên Biển Đông lên một giai đoạn mới, phức tạp và khó lường hơn. Nhiều học giả cho rằng với tầm quan trọng của Biển Đông và những gì Trung Quốc đã thể hiện, có thể khẳng định mục tiêu thật sự của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông bằng cách từng bước quân sự hóa vùng biển này. Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng, trong hàng nghìn năm, hàng triệu năm lịch sử tự nhiên ở Trường Sa, lần đầu tiên mới có sự cải tạo tự nhiên khủng khiếp như thế do Trung Quốc tiến hành, biến bãi đá chìm chiếm của Việt Nam thành căn cứ quân sự bao gồm sân bay, tàu chiến... Việc làm đó của Trung Quốc không những đã vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại cam kết của họ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông mà còn đe dọa an ninh, an toàn hàng hải quốc tế.
Theo Jon Hemmings, chuyên gia từ Diễn đàn Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Thái Bình Dương, ý đồ của Trung Quốc mang ý nghĩa về địa chính trị. Tiềm năng năng lượng và nguồn cá dồi dào là những yếu tố quan trọng khiến Trung Quốc muốn hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng về cơ bản, hành vi khiêu khích của Trung Quốc là nhằm kiểm soát một trong những tuyến thương mại biển sầm uất nhất nhất thế giới. Đây là thực chất là bước đầu tiên trong chiến lược ba mũi nhọn của nước này. Đầu tiên, Trung Quốc muốn thống trị Biển Đông với lực lượng quân sự nước mình. Thứ hai, Bắc Kinh muốn sử dụng sự kiểm soát này để thể hiện nguyên trạng khu vực đang thay đổi, và Trung Quốc chính là nguyên nhân, là trung tâm của sự thay đổi này, khiến các nước Đông Nam Á phải chấp nhận và điều chỉnh theo hướng đó. Thứ ba, Bắc Kinh muốn gây áp lực lên Seoul, Manila và Tokyo, các đồng minh của Mỹ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường biển đi qua Biển Đông.


Trước sự kiện ngày 26-5-2015, Trung Quốc công bố Sách Trắng đầu tiên về chiến lược quân sự, có nội dung cố tình bảo vệ việc xây dựng những đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng là một nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm cũng như xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới”. Về mặt luật pháp quốc tế nhiều học giả lưu ý, 7 rạn san hô, bãi đá ngầm mà Trung Quốc (xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ 1988, 1995 đến nay) đang xây dựng bồi lấp không được hưởng bất kỳ quy chế nào về vùng lãnh hải 12 hải lý chứ chưa nói tới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Một cách tự nhiên, chúng là những bãi đá chìm, rạn san hô nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Vì vậy theo Công ước, các quốc gia hoàn toàn có thể cho tàu hải quân, máy bay quân sự lưu thông không gây hại qua khu vực (12 hải lý) mà không bị giới hạn. Chưa kể, cũng theo luật pháp quốc tế, các vùng lãnh thổ, lãnh hải bị chiếm đoạt bằng vũ lực sẽ không bao giờ được cộng đồng quốc tế  thừa nhận việc tuyên bố chủ quyền của quốc gia đang chiếm giữ.
Hữu Nguyên
Box:
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sáng nhấn mạnh, trên diễn đàn quốc tế, các quốc gia đều nói tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực; Việt Nam mong muốn các quốc gia sẽ thực hiện như đã nói. Thái độ của Việt Nam là rất rõ ràng, phản đối mạnh mẽ các hành động làm thay đổi nguyên trạng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Chủ tịch nước khẳng định sự phi lý của đường đứt khúc chín đoạn đang làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam hoan nghênh tất cả các quốc gia ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp mới nảy sinh trên biển Đông.

Chú thích ảnh:
Ảnh 01: Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc chiếm bằng vũ lực năm 1988) có diện tích ban đầu là 1.000m2, nay Trung Quốc đã xây dựng thêm 100.000m2. Ảnh chụp ngày 7-5-2015 do Bộ QP Philippines cung cấp.
Ảnh 02: Ảnh chụp từ video của Hải quân Mỹ cho thấy rất nhiều tàu của Trung Quốc tập trung tại rạn san hô Vành Khăn thuộc Trường Sa (Ảnh: Los Angeles Times)

Bài 2:

Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh sự chuẩn bị cho các xung đột hàng hải
Tình hình Biển Đông đang nóng lên bởi sự gia tăng xây dựng “vạn lý trường thành” trên biển của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của cộng đồng quốc tế cùng với thái độ đáp lại ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh. Ngày 26-5-2015, Trung Quốc đã cho công bố Sách trắng Quốc phòng nói về chiến lược quân sự của nước này.  Sách trắng khẳng định, ưu tiên trước đây của Trung Quốc  đối với các lực lượng mặt đất sẽ thay đổi khi tập trung vào việc chuẩn bị cho những xung đột hàng hải. Sách này nói rằng, chính sách trục xoay của Mỹ hướng về châu Á - Thái Bình Dương và nỗ lực cải tổ quân đội của Nhật thời hậu chiến là mối đe dọa với Trung Quốc.
Bên cạnh việc lên giọng cáo buộc một số nước láng giềng có hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các đảo đá mà họ chiếm đóng, Bắc Kinh còn chỉ trích một số nước bên ngoài cũng can dự vào chuyện Biển Đông, duy trì việc giám sát trên không, trên biển và do thám chống lại Trung Quốc. Nội dung sách trắng này đồng thời bảo vệ hoạt động xây dựng những đảo nhân tạo trái phép của nước này tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong buổi họp báo công bố sách trắng quốc phòng, ông Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, còn tuyên bố cho rằng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông có thể được so sánh giống như xây nhà, làm đường trên đất liền và có lợi cho cộng đồng quốc tế, theo Reuters.  Điều nghịch lý là trong lúc ra sức kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới hợp tác khai thác, sử dụng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trện vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào mục đích cứu hộ, cứu nạn thì chính Trung Quốc lại nhẫn tâm xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam hỏng máy tấp vào gần đá Ga Ven (Trung Quốc chiếm của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988) 3 hải lý neo đậu, sửa chữa. Buộc tàu cá và 16 ngư dân Việt Nam phải thả trôi tự do trên biển nhiều ngày liền để khắc phục sự cố bất kể hiểm nguy đang rình rập.
Giới phân tích cho rằng, điểm nhấn quan trọng của Sách trắng Quốc phòng năm nay là việc Trung Quốc đề ra yêu cầu quân đội phải thay đổi tư duy "coi trọng lục quân, xem nhẹ hải quân". Theo đó, hải quân phải căn cứ theo yêu cầu chiến lược "phòng vệ cận hải, hộ vệ viễn dương", nâng cao năng lực uy hiếp và phản kích chiến lược, tác chiến cơ động trên biển, phối hợp tác chiến chung trên biển, từ đó đảm bảo an toàn lợi ích tại nước ngoài của Bắc Kinh. Chuyên gia phân tích quân sự Dennis Blasko bình luận rằng, Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc đã chính thức hóa xu thế chuyển đổi trong quân đội nước này trong những năm gần đây.Điều này về cơ bản đã xác nhận những điều mà phần lớn giới phân tích đã thấy, là xu hướng nhằm tới một lực lượng hải quân lớn hơn, lực lượng không quân mạnh hơn và lực lượng tên lửa tiên tiến hơn",  New York Times dẫn lời ông Blasko, cựu tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, cho biết.
Giáo sư Bernard Cole thuộc Học viện Chiến tranh Quốc gia tại Washington (Hoa Kỳ) nhận định rằng, Sách trắng Quốc phòng mới của Trung Quốc càng cho thấy rất ít khả năng nước này sẽ từ bỏ hành động xây đắp đảo để kiểm soát Biển Đông. "Tôi cho rằng Trung Quốc đang cảm thấy tự tin với việc đẩy mạnh về phía trước, cố tìm ra ngưỡng phản ứng của Mỹ", Giáo sư Cole bình luận. "Chúng ta hiện nay có thể thấy ngưỡng đó, nhưng tôi chắc chắn rằng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẽ chấm dứt hoạt động xây đảo".
Cùng ngày 26-5, truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng thời đưa tin Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng 2 ngọn hải đăng trên các đá Châu Viên và đá Gạc Ma ở Trường Sa (của Việt Nam). Tháng trước, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã gần như hoàn thành một sân bay trên đá Chữ Thập (của Việt Nam) trong khi họ cũng đang cải tạo đá Vành Khăn, đá Su Bi, đá Huy Gơ (của Việt Nam) thành các đảo nhân tạo. Nơi Trung Quốc tập trung xây dựng căn cứ quân sự mạnh nhất là đá Chữ Thập - một “hòn đảo” có chiều rộng 90m. Chính xác, đá Chữ Thập là một bãi san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá Chữ Thập cách Trung Quốc đến 1.190km nhưng rất gần Việt Nam, Philippines và Malaysia. Đầu năm 2015, Philippines đã cảnh báo việc Trung Quốc mở rộng đá Chữ Thập, mà theo IHS Jane's 360, giờ hòn đảo này có chiều rộng 200-300m với diện tích tổng cộng khoảng 100.000m2. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng chỉ có 3 tháng. Trung Quốc chiếm đá Chữ Thập của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988, sau đó họ chỉ dựng một pháo đài nhỏ, cầu cảng, bãi đáp trực thăng và vài khẩu phòng không. Năm 2011, quân đội Trung Quốc thiết kế đá Chữ Thập thành “căn cứ chỉ huy tiền trạm”. Từ lúc đó, đá Chữ Thập trở thành căn cứ quân sự thật sự. Hiện đá Chữ Thập đã được xây dựng khẩn trương đủ để chứa đường băng sân bay dài 3.000m đáp ứng hầu hết các nhu cầu của không quân nước này. Trung Quốc còn đang xây cảng biển tại đá Chữ Thập, có khả năng hỗ trợ tàu dầu, cung cấp nhiên liệu cho tàu hải quân và hệ thống vận chuyển xe cơ giới quân sự. Nơi này cũng có thể được sử dụng làm trung tâm điều khiển máy bay không người lái (UAV) cho mục đích do thám.
Cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc xây dựng hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông”. 
Trước sự kiện ngày 26-5-.2015, Trung Quốc công bố Sách Trắng đầu tiên về chiến lược quân sự, có nội dung cố tình bảo vệ xây dựng những đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng là một nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm cũng như xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới”.
"Các việc làm của Trung Quốc trên Biển Đông bất chấp phản đối của ta. Đó là bước đi chiến lược của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò, không loại trừ tiến tới khống chế và kiểm soát toàn bộ phía nam Biển Đông. Vừa rồi họ ra lệnh cấm đánh bắt cá là cũng không loại trừ sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không và chính hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng tuyên bố DOC, đe dọa an ninh trên Biển Đông", Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn nhận định. Ông thứ trưởng cũng cho biết các nước trên thế giới đã lên tiếng rất mạnh mẽ về điều này và Việt Nam cũng nhiều lần tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc, khẳng định lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, thềm lục địa, phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước Liên Hợp Quốc, Luật Biển 1982. Việt Nam tuyên bố bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Hữu Nguyên

  



Bài 3:

Quân sự hóa các đảo nhân tạo không thể là giải pháp hòa bình

Các động thái của Trung Quốc gần đây càng cho thấy họ sẽ không bao giờ từ bỏ cái gọi là “lợi ích quốc gia cốt lõi” trên Biển Đông. Mặc dù luôn vẽ ra bức tranh “sẵn sàng hợp tác”,  cùng nhau khai thác, vì hòa bình, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc luôn tỏ ra như là một quốc gia có trách nhiệm, thế nhưng những gì họ đang làm ở Biển Đông khiến người ta phải hiểu ngược lại. Hành động khẩn trương xây dựng, bồi lấp với quy mô chưa từng có tiền lệ  gần đây của Trung Quốc tại hàng loạt bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế càng khẳng định thêm điều đó.

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter mới đây đã cảnh báo việc Trung Quốc khẩn trương xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông làm xói mòn an ninh khu vực. Ông Ashton Carter bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về quy mô xây dựng của Trung Quốc cũng như khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo này trên Biển Đông. Phát biểu của ông Carter được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận Trung Quốc đã bố trí pháo hạng nặng trên hai trong các đảo mà nước này đang bồi đắp. Thông tin này càng gây thêm quan ngại cho an ninh khu vực, củng cố thêm các nghi ngờ về mục đích quân sự của Trung Quốc khi tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên Biền Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới đã  lên tiếng phản đối bất kỳ hình thức quân sự hóa nào đối với các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động cải tạo đảo. Những hành động tại Biển Đông cho thấy Trung Quốc  vi phạm các thỏa ước về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cũng như vi phạm công ước quốc tế về luật biển.
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la – Singapore (SLD) mới đây, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng: "Trung Quốc tiến hành xây dựng trên một số đá và rạn san hô ở Biển Đông là phù hợp các chuẩn mực quốc tế, là hợp pháp và hợp lý ". Ông Tôn còn cho biết ngoài việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cần thiết, thì những cơ sở này thiên về mục đích thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc như cứu hộ, cứu nạn, quan trắc khí tượng.  Theo ông Tôn, Trung Quốc đã kiềm chế rất nhiều trong tranh chấp Biển Đông và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông Tôn cũng cho biết Trung Quốc đang để ngỏ khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào việc “liệu an ninh hàng hải, hàng không của Trung Quốc có bị đe dọa hay không”, ông Tôn nói. Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh hôm 27-5-2015 cũng đã nêu khả năng lập ADIZ tại Biển Đông. Australia trước đó yêu cầu Trung Quốc không tiến hành động thái này và ưu tiên giảm căng thẳng, sau khi Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng rầm rộ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. ADIZ yêu cầu tất cả các phi cơ bay qua phải báo cáo về danh tính cho chính phủ kiểm soát.
Trong một động thái được dư luận quốc tế cho là chỉ trích thẳng vào Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc mới đây cho rằng:  "Mỹ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện quân sự và hệ thống đồng minh quân sự tại khu vực. Nhật Bản tích cực tìm cách thoát khỏi thể chế sau Thế chiến thứ 2, điều chỉnh mạnh chính sách an ninh quân sự"... Sách trắng lưu ý, "Một vài nước cá biệt có hành động khiêu khích trên vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc". Từ đó, Sách trắng nhấn mạnh tầm quan trọng “lợi ích và an ninh viễn dương” của Trung Quốc để định hướng xây dựng hải quân với tầm hoạt động vươn ra nước ngoài, với phạm vi toàn cầu. Mặc dù vẫn luôn nói tới mục tiêu duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, tuy nhiên các diễn biến trên thực tế lại cho thấy chính Bắc Kinh mới đang tích cực tiến hành các động thái khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, với việc bồi đắp trái phép các bãi đá mà nước này chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc  đã ngang nhiên khởi công xây dựng hai ngọn hải đăng ở đá Gạc Ma và đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam mà nước này chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1988.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen phát biểu tại SLD nói rằng nước Đức để có được sự phồn vinh cần 3 yếu tố: an ninh, tự do và trật tự. Tự do mà bà bộ trưởng đề cập ở đây bao gồm cả tự do thương mại, tự do hàng hải. Nhờ điều này mà người Đức có thể sang tận Thượng Hải hay California… để buôn bán. An ninh có nghĩa là phải giữ được hòa bình, môi trường thuận lợi cho phát triển và mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác. Còn trật tự chính là luật pháp phải được tôn trọng. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, điều đó rất đúng. Khu vực  Biển Đông, châu Á - Thái Bình Dương hay nói rộng ra toàn cầu cũng cần những yếu tố như vậy. Trong khi đó, các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông bị dư luận quốc tế cho rằng đang “lạc bước với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế vốn tăng cường kiến trúc an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sự đồng thuận trong khu vực về việc sử dụng ngoại giao để kiến tạo hòa bình, phản đối bắt nạt và đe dọa kiểu nước lớn”. Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, hàng không để tham gia thương mại toàn cầu không bị hạn chế hay cản trở. Các quốc gia cũng có quyền được lựa chọn, quyết định chính sách kinh tế và an ninh của riêng họ mà không bị cưỡng chế hay ép buộc bởi một quốc gia khác. Tự do hàng hải, hàng không hay tự do thương mại không phải là đặc quyền của bất kỳ một quốc gia nào để họ có thể tùy ý cấp cho hay thu hồi đối với các quốc gia khác.
Tình hình an ninh và tự do hàng hải, hàng không khu vực Biển Đông bắt đầu nóng lên kể từ khi Trung Quốc tuyền bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên diện tích chiếm hơn 80% Biển Đông, bởi “đường lưỡi bò” 9 đoạn.  Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, “tuyên bố đó phá bỏ mọi hệ thống luật pháp, chủ quyền, các giá trị mang tính lịch sử và truyền thống của thế giới. Chính điều đó làm nóng SLD. Và đến năm nay thì càng nóng hơn, khi mà ngay trước thềm lẫn trong khi diễn đàn diễn ra, Trung Quốc xây dựng dồn dập các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Luật pháp quốc tế không cho phép bất kỳ quốc gia nào được xây dựng, tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ hoặc lãnh hải có được do chiếm đoạt bằng sức mạnh quân sự. Càng không thể xây dựng và gia tăng niềm tin khi hàng loạt các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông càng lộ rõ mục tiêu quân sự của họ nhằm tiến tới việc kiểm soát toàn bộ khu vực này. Đặc biệt, theo Thứ Trưởng Nguyễn Chí Vịnh, “ngay khi diễn đàn (SLD) mở họp thì có tin Trung Quốc đưa vũ khí ra những đảo này. Rõ ràng, nếu ở đó mà có vũ khí thì ai cũng lo ngại là đúng. Mối lo đó được thể hiện trong tất cả các bài phát biểu của mọi diễn giả, kể cả trong phiên toàn thể lẫn các phiên họp chuyên đề song song. Tất cả các ý kiến đều xoay quanh 2 khía cạnh: một là lo ngại hành động phi pháp, vô hiệu hóa luật pháp quốc tế của Trung Quốc; hai là bày tỏ mong muốn rất chính đáng, rằng tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và đối thoại”.
Cần nhớ rằng trong nhiều năm qua, ngư dân cùng nhiều tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động hợp pháp trên Biển Đông thuộc chủ quyền nước mình liên tục bị các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc quấy rối, đe dọa, hành hung, phá hủy, tịch thu phương tiện, tài sản thậm chí bị bắt giữ, hành hạ, đòi tiền chuộc hay giết hại không thương xót. Năm ngoái, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa dàn khoan HD 981 xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng với hàng trăm tàu bè hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, gây bức xúc dư luận. Hành động khẩn trương xây dựng đảo nhân tạo với tốc độ vả quy mô chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc trên Biển Đông mới đây cùng với thái độ cảnh cáo, xua đuổi tàu bè, máy bay qua lại trong khu vực quốc tế mà Trung Quốc tự gọi là “vùng báo động quân sự”  của nước này càng cho thấy ý đồ, mục đích quân sự của họ. Điều đó thực sự gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế về an ninh, an toàn và tư do thương mại, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực./.
Hữu Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét