Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Vụ báo Giao Thông "đánh" hãng xe Thành Bưởi: Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là đúng thẩm quyền, hợp lý

Ls. Trần Hồng Phong

Mấy ngày nay, trên báo chí và mạng xã hội khá ồn ào về việc Tòa án nhân dân quận 5 (TP. HCM) ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nội dung không cho báo Giao Thông tiếp tục đăng bài có nội dung xấu về hãng xe khách Thành Bưởi (những nội dung "lách luật, né thuế, trốn thuế ..."). Xung quanh quyết định này, dư luận chia làm hai phe rất rõ. Trong khi không ít người cho rằng Tòa án đã sai, thì cũng không ít người nói tòa đã đúng. Cá nhân tôi cho rằng việc Tòa án quận 5 ra quyết định như vậy không những là hợp pháp, đúng thẩm quyền, mà còn là cần thiết, hợp lý. 


Cũng cần phải nói sở dĩ có chuyện tranh luận ở trên, xuất phát từ việc gần đây trên báo Giao Thông có một vệt bài lớn, nội dung tập trung "đánh" hãng xe Thành Bưởi rất "mạnh mẽ". Qua các bài viết này, người ta thấy hình ảnh một hãng xe Thành Bưởi thật tệ hại và xấu xa! Thậm chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng (như trốn thuế, ...).

Thành Bưởi là hãng xe vận chuyển khách khách rất nổi tiếng từ hàng chục năm qua, hoạt động chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Vì cho rằng báo Giao Thông đăng tin như vậy là không đúng sự thật, nên hãng xe Thành Bưởi đã kiện báo Giao Thông ra tòa. Tòa án nhân dân quận 5 đã thụ lý đơn kiện của Thành Bưởi và đang giải quyết giai đoạn sơ thẩm. Tức đang có một vụ án dân sự, nguyên đơn là Thành Bưởi, bị đơn là báo Giao Thông.

Trong khi đang bị kiện như vậy, báo Giao Thông vẫn tiếp tục đăng nhiều bài viết "vạch trần" những điều "xấu xa" của Thành Bưởi. Trước tình thế như vậy, Thành Bưởi đã có đơn gửi Tòa, yêu cầu áp dụng "biện pháp khẩn cấp tạm thời", cụ thể là yêu cầu tòa buộc không cho báo Giao Thông tiếp tục đăng bài về các nội dung trốn thuế, lách luật ... liên quan đến Thành Bưởi.

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, ngày 23/3/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân quận 5, mà cụ thể là thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án, đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) đối với báo Giáo Thông. (Xem ảnh bên dưới).

(Ghi chú: Ngay sau khi có quyết định trên, phía báo Giao Thông đã có văn bản phản đối, khiếu nại rất mạnh mẽ trên báo. Đồng thời chỉ vài ngày sau, phía nguyên đơn lại có đơn đề nghị Tòa hủy Quyết định này, với lý do báo Giao Thông chỉ cần đăng ý kiến phản hồi của Thành Bưởi - theo quy định của luật báo chí là được rồi, không cần thiết phải áp dụng BPKCTT nữa. Và Tòa đã chấp nhận, ra quyết định hủy QĐ áp dụng BPKCTT đã ban hành vào ngày 29/3/2017. Đây là một vấn đề khác, không có gì sai và tôi cũng không bàn luận trong bài viết này).


Quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án quận 5 (TP. HCM) ngày 23/3/2017 
(nguồn: Facebook nhà báo Nguyễn Đức Hiển)

Xung quanh việc Tòa ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT nói trên (dù đã hủy), vấn đề đặt ra - thuần túy về mặt khoa học pháp lý, tố tụng dân sự - đang tạo ra sự tranh cãi khá gay cấn - là "đúng" hay "sai"?

Trên mạng xã hội, tôi thấy có khá nhiều nhà báo, luật sư đồng nghiệp (đều là những người mà tôi quen biết), nêu quan điểm phản đối quyết định của Tòa. Các vị này cho rằng Tòa ra quyết định cấm báo Giao Thông như vậy là vi phạm luật báo chí, cản trở quyền tự do ngôn luận. Vì báo là cơ quan báo chí, hoàn toàn có quyền đăng và chịu trách nhiệm về nội dung các bài báo của mình. Vả lại nếu báo Giao Thông không đăng, thì các báo khác vẫn có thể đăng cơ mà. Không thể bưng bít thông tin chống tiêu cực. Việc cấm đoán như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong hoạt động tố tụng, ảnh hưởng đến hoạt động báo chí tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi thì khác. Tôi cho rằng quyết định của Tòa là đúng thẩm quyền và hợp lý, cần thiết, để ổn định tình hình trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng" đối với Thành Bưởi.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên một tờ báo lớn xung quanh tính hợp pháp, hợp lý của Quyết định của Tòa án quận 5 vào sáng ngày 28/3/2017, tôi đã trả lời nguyên văn như sau:

(Ghi chú: Theo phản hồi, thì ý kiến này không được báo sử dụng vì Quyết định của Tòa đã bị hủy trước khi đăng, nên không còn tính thời sự nữa. Đăng hay không hoàn toàn là quyền của báo, đây là điều rất bình thường).
...........

Quyết định của toà là cần thiết, giúp ổn định tình hình

Trước hết, đây là vụ kiện, chưa biết ai đúng, sai. Nên việc báo tiếp tục đăng bài, trong khi đang là bị đơn, theo hướng "tranh cãi" lại, về những nội dung đang tranh chấp (bị kiện) trên mặt báo của mình, mà không thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh, cung cấp chứng cứ cho toà là không phù hợp, thiếu công bằng, chủ quan và có thể làm cho sự việc thêm trầm trọng, thiệt hại cho phía nguyên đơn càng lớn hơn.


Việc Toà ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này là theo yêu cầu của nguyên đơn, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, tránh sự "sụp đổ" shock, có thể dẫn đến phá sản vì tin đồn, ảnh hưởng đến việc làm, nguồn thu ngân sách... Xét về thẩm quyền, tôi cho rằng quyết định của Toà là hợp pháp, hợp lý và tôi ủng hộ. Tất nhiên tôi không bênh vực cho những sai phạm của doanh nghiệp. Tôi cho rằng nếu trong quyết định, toà giải thích rõ hơn về những nguyên nhân, hậu quả có thể ... thì sẽ thuyết phục và ít gây tranh cãi hơn.


Theo luật, biện pháp mà Toà nêu trong quyết định chỉ là khẩn cấp và tạm thời, hoàn toàn có thể được thay đổi, huỷ bỏ nếu các bên đưa ra được lý lẽ chứng minh mình đúng. Quyết định này không có nghĩa là hạn chế hoạt động báo chí. Mà mục đích mang tính nhân văn, công bằng. Hãy thử hình dung nếu báo viết sai thì cũng chỉ là xin lỗi, đính chính. Trong khi uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp là cả một quá trình, với bao mồ hôi, công sức. Báo có đền được không?
..............

Tôi muốn nói thêm, sở dĩ tôi có quan điểm như trên xuất phát từ những lý do sau đây:

- Bản thân tôi nhiều năm trước đây đã từng là luật sư cho phía nguyên đơn, trong vụ kiện hai tờ báo (báo lớn, không cần thiết nêu tên) về việc đăng bài có nội dung không đúng sự thật, ảnh hưởng uy tín, danh dự và gây thiệt hại cho nguyên đơn. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía báo đã tiếp tục đăng thêm nhiều bài báo (một tờ đăng thêm khoảng 5 bài, một tờ đăng thêm khoảng 13 bài) có nội dung tương tự hoặc liên quan. (Hai vụ kiện độc lập với nhau). Mặc dù không hề mong muốn, phía nguyên đơn đành phải bổ sung yêu cầu khởi kiện. Kết quả giải quyết của tòa cả hai báo đều "thua be bét", bị buộc phải đăng bài đính chính, xin lỗi (Tất nhiên thôi, đăng không đúng sự thật, thì làm sao chứng minh được?). Trong quá trình thi hành án, một tờ đính chính xin lỗi lớt phớt, không đầy đủ như án tuyên. Một tờ thì đánh bài chuồn, cương quyết không chịu thi hành án! (Nói thật, nếu thi hành đúng thì đúng là phải "ôm mặt mo" - vì án tuyên phải đính chính xin lỗi tới 7 kỳ, đăng cả lên trang nhất, vị trí tương ứng với bài bị kiện).

- Thứ nữa, tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, kinh doanh báo chí có đăng thì cần phải thận trọng, chính xác. Vì thực tế cho thấy không có gì bảo đảm chắc chắn rằng những nội dung báo đăng trong quá trình đang bị kiện là chính xác, công bằng. Đó là chưa kể thậm chí có thể báo đã bị lôi kéo từ những mục đích xấu xa như cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm ...vv - từ những thế lực nào đó đằng sau.

- Mặt khác, tôi có nhiều người quen từng đi xe Thành Bưởi, qua phản ánh, thì thấy với tư cách là hành khách, họ khen hơn là chê về chất lượng và cung cách phục vụ của xe Thành Bưởi .

- Xét về mặt pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời - ở đây là "cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định" - theo quy định tại Khoản 12 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự (2015). Cho nên không thể nói là Quyết định đó sai về mặt thủ tục tố tụng hay thẩm quyền. Cho dù về nội dung quyết định có thể gây tranh cãi, nhưng như tôi đã nêu quan điểm - là cần thiết, hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp đang bị "dội bom thông tin xấu". (Xin tham khảo điều luật bên dưới).

- Cuối cùng, tôi cho rằng chúng ta cần phải tôn trọng Tòa án, mà ý nghĩa cao hơn là tôn trọng pháp luật. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là văn minh, dân chủ, pháp luật đã quy định - tại sao không tôn trọng? Hãy thử nhìn qua bên Mỹ, ngay cả tổng thống Trump, khi ban hành dự luật về hạn chế nhập cư (tháng 2/2017 vừa qua), đã liên tục bị nhiều Tòa án cấp liên bang (khu vực) ra quyết định "chặn" vì cho rằng dự luật có dấu hiệu vi hiến, phân biệt đối xử.

Bản thân tôi không và chưa bao giờ bênh vực cái xấu, sự sai trái. Trong vụ việc này, nếu Thành Bưởi có sai, thì về nguyên tắc cần bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng cần phải công bằng, bình đẳng và hợp lý. Tôi vẫn luôn cho rằng pháp luật, và cả báo chí, không phải là "con dao" để "giết" một chủ thể nào đó. Mà phải bảo đảm sự công bằng, khách quan, đúng sự thật.

Bất kỳ một quốc gia nào, cũng cần phải có một nền kinh tế ổn định, vững mạnh. Thể hiện ở việc các doanh nghiệp kinh doanh ổn định. Không bị cạnh tranh không lành mạnh, chơi bẩn ... Suy cho cùng, doanh nghiệp chính là "nguồn sữa" của ngân sách nhà nước, tạo ra của cải xã hội, công ăn việc làm. Giết doanh nghiệp là giết nguồn sữa ngân sách, tăng thất nghiệp ...vv.

Ps. Tôi hoàn toàn không liên quan và sẽ không liên quan đến bên nào trong vụ kiện này. Chưa kể tôi có quen biết một vài vị lãnh đạo của báo Giao Thông hiện nay từ rất lâu.

................

Quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự (2015):

Điều 111. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

3. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này.

Điều 114. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

5. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.

10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

12. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

13. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.

14. Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

15. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.

16. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

17. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.


Nguồn Bình Luận Án

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét