Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thương tiếc phi trường Tân Sơn Nhất!

Mai Bá Kiếm

Từ tháng 6 -10/1973, tôi học ở Trường Sinh ngữ Quân đội Gò vấp, rồi sang Mỹ học bay. Lúc đó, Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - MACV (The US Military Assistance Command, Vietnam) đã rút về nước, giao doanh trại cho Không quân VN, SVSQ tụi tôi được vào ở các barrack của MACV, mỗi thằng nằm một giường nệm 2 tấm dày 2 tấc rưỡi, ngủ máy lạnh sướng rên. Khu MACV rộng lớn, nằm giữa 2 đường Bạch Đằng và Phạm Văn Đồng bây giờ, chạy dài từ sân golf Gò Vấp vào gần đến ga hàng không, bên phải đường Bạch Đằng là doanh trại của Tiểu đoàn 2 công vụ (gác vòng đai phi trường). Dạo đó, tụi tôi thường chạy xe máy sang trại Davis Camp (nằm trên đường Cộng Hòa bây giờ - đối diện với Sư đoàn Dù) của Mỹ bàn giao lại VNCH, là nơi ở của hai phái đoàn đại biểu quân sự Bắc Việt (VNDCCH) và Việt Cộng (CHMNVN) để xem. Có 2 bộ đội mặc quân phục mới toanh mà rộng thùng thình, bồng súng AK đứng nghiêm ở 2 bên cổng, mắt liếc nhìn tụi tôi trong khi cái đầu không cử động. Tôi thấy rất lạ là 2 phái đoàn này dù ở doanh trại Mỹ quá tiện nghi và ăn uống phủ phê, thế mà ở các dãy sân trống giữa 2 barrack, quân Mỹ trồng cỏ nhung xanh mượt, vậy mà họ cuốc lên giồng, trồng khoai lang, khoai mì, rau xanh và bụi chuối. Tôi nghĩ màn diễn “tăng gia sản xuất” trong lòng đất địch này phải do các tướng tá chỉ huy 2 phái đoàn này chỉ đạo, chứ không xuất phát từ thói quen “nông dân cải thiện” của bộ đội.
Rồi 30/4/1975, tôi - một tân phi công mới về nước, trở thành bên thua cuộc. Và, những anh bộ đội tạm cư trồng trọt ngày nào đã trở thành chủ nhân phi trường Tân Sơn Nhất, với 1.530 ha đất, như là một chiến lợi phẩm, nên việc tăng gia sản xuất trên mãnh đất nhỏ Davis Camp trở thành màn diễn ước lệ lỗi thời! Rồi, 42 năm sau, diện tích phi trường bị chiến thuật “lấn gia cư da beo”, nên chỉ còn 850 ha. Cuối cùng, phần đất trống ở phía bắc phi trường, rộng 157 ha, được giao nốt cho Him Lam để trồng cỏ nhung làm sân golf và biệt thự, nhà hàng…Sân golf chỉ là giọt nước tràn ly, chứ không phải nguyên nhân làm Tân Sơn Nhất quá tải và ngập lụt. Trước năm 1975, ngoài tường rào phi trường là vùng đệm cách ly, ở phía Tây Nam phi trường là Bộ tư lệnh và trường huấn luyện Sư đoàn dù (ranh giới là đường Cộng Hòa bây giờ). Phía Tây Bắc là ruộng lúa chạy ra sát quốc lộ 22 (Trường Chinh). Phía Đông phi trường là vùng đất rẫy chạy ra gần sát đường Quang Trung. Hệ thống thoát nước mưa trong phi trường toàn là các mương hở dẫn ra các ruộng lúa phía Tây Bắc, dẫn về các ao trữ nước trong Sư đoàn dù (đường Hoàng Hoa Thám), dẫn ra cầu Hoàng Văn Thụ (gần BV ĐK Tân Bình, bây giờ đã lắp bít) để đổ ra kênh Nhiêu Lộc. Từ cổng Phi Long, mương hở dẫn ra đến trước Bệnh viện 3 Dã chiến Hoa Kỳ (đường Công lý). Mương hở trong phi trường cũng dẫn về các kinh hở bê tông ở Gò Vấp. Thế mà, đất vành đai vừa trữ nước, vừa thoát nước đã bị “đô thị hóa” nhanh chóng bởi 3 quận Tân bình, Gò vấp, 12, với những hãng xe hơi rộng bát ngát, siêu thị, vựa kiểng, siêu thị, khu dân cư.…Bên trong tường rào Tân Sơn Nhất, quân đội phân lô cấp nền cho nội bộ, hoặc cho tư nhân thuê dài hạn làm nhà hàng, khách sạn, sân bóng. Khu dân cư xây dựng vô sâu trong 2 cổng phía Nam là Phi Long và Huỳnh Hữu Bạc. Vùng đệm ở phía Tây là Sư đoàn Dù trở thành khu dân cư lấn qua khỏi đường Cộng Hòa (ranh giới của phi trường) vô sát khu vực nhà ga trực thăng, thậm chí một sân tập golf nằm sát với taxiway (đường lăn) ở P.15 Tân Bình. Phi trường bị các khu dân cư bao vây khép kín đã chặn bớt hệ thống thoát nước phi trường và làm các cửa vào phi trường bế tắc giao thông.

                                                          Tân Sơn Nhất 1968

                                                          Tân Sơn Nhất hiện tại

Nhưng điều khốn nạn nhất khiến không còn đất để mở thêm nhà ga quốc tế và nội địa là quân đội cho “dân cư hóa” ở dọc đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Cống (là đường vành đai phi đạo và nhà ga hàng không trước 1975). Khu MACV của Mỹ, khu Trường huấn luyện Sư đoàn 5 Không quân nằm cận kề với khu nhà ga cũ, nay đã biến thành “Liên hiệp quán nhậu chó chặt và bia hơi Hà nội”. Quán Cây Sung, Bún đậu Hồng Hà, Làng nướng BBQ, Công ty Pepsico Sài gòn 2… đáng lẽ là nơi xây nhà ga mới thuận tiện nhất (hẽm A75 và B22 Bạch Đằng). Nếu thu hồi được 157 ha sân golf thì chỉ mở thêm được phi đạo thứ ba (tăng công suất cất hạ cánh) và mở thêm parking lot (máy bay đậu chờ), chứ ở phía bắc phi đạo không thể mở thêm nhà ga (vì rất khó nối kết với nhà ga hiện ở phía nam phi đạo – nếu bằng sky-train thì vướng máy bay cất hạ cánh, nếu bằng metro ngầm thì vướng nền hạ của 3 phi đạo). Các phi trường quốc tế đều có 4 nhà ga (terminal) gồm 2 ga nội địa (domestic) và 2 ga quốc tế (international) đến (arrival) và đi (departure). Ở Hongkong, Tokyo… mỗi nhà ga có tối thiểu 60 cửa lên (xuống) máy bay (boarding gate). Tổng cộng 160 cửa, nhưng ở Tân Sơn Nhất chỉ có 19 cửa đến và đi nội địa và 12 cửa và 8 cầu lồng đôi đến và đi quốc tế. Lý do, Tân Sơn Nhất không còn đất xây thêm nhà ga, vì các quán thịt chó chặt đã chiếm hết!
Dù có đòi được sân golf, thì Tân Sơn Nhất cũng què quặt, chẳng bao giờ thành phi trường tầm cỡ quốc tế. Vì vậy, tôi tiếc thương cho thực dân Pháp từ thập niên 1920 đã bỏ công chọn vùng đất cao nhất Sài gòn (cao độ 33ft = 10 mét) để xây phi trường mà bây giờ phải chịu ngập nước! Tôi tiếc, Tân Sơn Nhất không bị đồi núi cản trở, không gió lớn, không mây mù kéo dài, không mưa dầm, không bão tuyết, mật độ không khí và áp khí lý tưởng cho máy bay cất cánh và hạ cánh (29,92 inches thủy ngân). Một năm có 10 tháng gió thổi từ Tân bình sang Gò vấp, máy bay phải đáp và cất cánh từ Gò vấp, chỉ có 2 tháng trước sau Tết nguyên đán là gió ngược lại, thành ra phi công không khó khăn gì khi đi và đến điểm entry và exit!
Sân bay có hai phi đạo song song, gồm phi đạo 07L/25R dài 3.048 m rộng 45m và phi đạo 07R/25L dài 3.800m rộng 50m là hard –runway (100% bê tông) bằng tiêu chuẩn của phi trường Mỹ. Từ năm 1945, Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế - IATA (International Air Transport Association) đặt mã danh (tện miền) cho phi trường Tân Sơn Nhất là SGN căn cứ vào nơi nó tọa lạc là Sài gòn (giống mã phi trường Suvarnabhumi (Bangkok) là BKK, mã phi trường Hongkong là HKG, mã phi trường Ninoy Aquino (Manila) là MNL). Sau 1975, Sài gòn đổi thành Hồ Chí Minh, nhưng IATA không đổi mã danh SGN. Nếu Tân Sơn Nhất bị xóa sổ khi phi trường Long Thành xây xong giai đoạn 3 vào năm 2050, thì IATA phải cấp cho Long Thành mã danh mới bắt đầu bằng LT… và xóa mã SGN sau 105 năm thân quen trong ngành hàng không quốc tế. Buồn không?

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

CHỮ “TIN” CÒN MỘT CHÚT NÀY!

Thời luận ĐĐK 2/3/2007



Trong quan hệ xã hội bình thường cũng như trong đời sống chính trị, chữ Tín bao giờ cũng là nhân tố quan trọng để đi đến sự tin cậy, đồng thuận và cùng nhau hợp tác bền vững. Người xưa coi trọng danh dự và uy tín còn hơn cả tính mạng chứ đừng nói là tài sản.

Ngày nay, chữ Tín cũng được không ít người coi trọng và hầu hết những người trọng Tín đều thành công trong cuộc sống, tạo dựng được uy tín và sự nghiệp lớn trong cộng đồng.

Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long nổi tiếng ở Bình Dương là một ví dụ rất điển hình về sự coi trọng chữ Tín trong làm ăn kinh doanh. Theo ông, có chữ Tín là có tất cả. Chữ Tín đáng giá “ngàn vàng”. Vì có chữ Tín không cần vốn người ta vẫn giao hàng cho ông bán mà không đòi hỏi điều kiện gì khác. Chữ Tín là vốn liếng quý giá nhất mà ông đã mang theo suốt cuộc đời mình và truyền lại cho con cháu.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, do những biến động trong lịch sử, rất nhiều năm qua chữ Tín hầu như không còn là một trong những thuộc tính nổi bật của người Việt. Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học đã đưa ra một nhận xét đáng buồn nhưng được khá nhiều người đồng tình: “Bối cảnh và môi trường kinh tế ở Việt Nam” hiện nay thuộc vào lọai “low trust society” (xã hội thiếu chữ tín)”.

Trong nền kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng tới phạm vi tòan cầu, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng hơn. Điều này thể hiện ở tầm vĩ mô là việc các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi và khi thay đổi thì không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Đây là một khiếm khuyết quan trọng làm môi trường kinh doanh ở Việt Nam kém tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài

Sự bất tín không chỉ tồn tại trong lĩnh vực doanh thương mà hầu như đang trở thành tệ nạn phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Từ bao lâu nay, không hiểu sao có một thứ “văn hóa” tệ hại là nạn nói dối vẫn cứ nghiễm nhiên tồn tại trong mọi ngóc ngách của đời sống. Kể cả trong những lĩnh vực đòi hỏi nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp như giáo dục, y tế và truyền thông đại chúng.

Lạ lùng nhất là ai cũng coi chuyện nói dối là bình thường, thậm chí có những trường hợp nói dối, làm dối như gian lận thi cử, khai man trốn thuế…còn được coi là hành động của những người khôn ngoan, thức thời và có…bản lĩnh. Dư luận xã hội, cái cơ cấu đạo đức tự thân, cái sức mạnh tự điều chỉnh của cộng đồng đã bị tê liệt tự lúc nào không biết khiến cho lương tri chân chính bị xơ cứng trước sự bùng phát những thói hư tật xấu.

Phân tích về những nguyên nhân hình thành sự bất tín trong quan hệ xã hội hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những lý do căn bản là do “thượng bất chính hạ tắc lọan”. Phân tích trong phạm vi gia đình cũng thấy được điều đó. Nếu cha mẹ không biết giữ chữ Tín với con cái thì khó có thể làm gương sáng cho con cái giữ chữ Tín với những người khác.

Trong phạm vi cộng đồng, nếu những người lãnh đạo không giữ chữ tín với dân thì cũng khó làm gương sáng cho dân noi theo. Huống chi, một khi lãnh đạo đã “nhúng chàm” bất tín, thì các hành vi của cấp dưới nếu muốn được lòng cấp trên thì phải “nói leo, làm theo”. Như một căn bệnh truyền nhiễm, bệnh nói dối, sự bất tín lan truyền mau chóng trên mảnh đất màu mỡ được chính những người có trách nhiệm bỏ ngỏ. Một khi nói dối và bất tín có lợi hơn sự trung thực và chữ Tín thì phần đông dân chúng sẽ lựa chọn con đường lầm lạc hơn là trở thành “người cổ hủ, không thức thời”.

Với những người được dân tín nhiệm bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho nhân dân quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh, chữ Tín càng được coi trọng muôn phần. Quốc Hội khóa XII được lịch sử lựa chọn giao cho một sứ mạng lớn lao thay mặt nhân dân lãnh đạo đất nước vượt qua đói nghèo chậm tiến biến Việt Nam trở thành một đất nước phát triển, xứng đáng và bình đẳng trên sân chơi tòan cầu. Người Việt có nở mày, nở mặt với năm châu hay không phần lớn đặt niềm tin và hy vọng vào nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XII này.

Cơ hội lịch sử, nếu để trôi qua, cả dân tộc sẽ phải trả giá bằng hàng trăm năm lạc hậu và tủi nhục. Muốn dân tin không còn cách nào khác là các nhà cầm quyền phải biết giữ chữ Tín trong từng lời nói và hành động như giữ gìn con ngươi trong mắt của mình.

02-3-2007



Ai dạy trẻ nói dối?

NGUYỄN QUANG THÂN

TT - Công bố mới đây của một trung tâm xã hội học cho kết quả sững sờ: “Tỉ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%”.


Nếu đúng như thế thì chỉ còn biết kêu trời. Bởi ở tuổi ngọc, mới rời nôi “nhân chi sơ” chưa được mấy năm mà các em đánh mất “tính bản thiện”, nghĩa là đã biết nói dối! Và tỉ lệ này tăng phi mã, càng học lên cao càng thạo nói dối.

Thật ra, thống kê xã hội học trên đây chỉ là dịp để chúng ta có một khái niệm cụ thể hơn về một thực trạng có thật về đạo đức, chất lượng sống của cây cối trong vườn ươm chủ nhân ông đất nước tương lai.

Lớp người kế cận luôn là sản phẩm trực tiếp của gia đình, trường học, và tất nhiên là của môi trường xã hội mà con em được sinh ra, nuôi dạy và trưởng thành. Dù câu trả lời đã có sẵn nhưng trong nỗi ngạc nhiên đến xót xa mỗi người vẫn muốn tự vấn: cái thói trẻ con nói dối này từ đâu ra vậy?

Các bậc cha mẹ, từ người ít học đến học vấn cao siêu, từ dân thường đến người có chức phận xã hội, dù thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào, không ai dạy trẻ con hoặc người lớn nói dối. Nhà trường lại càng không. Các đoàn thể thì luôn “nâng cao phẩm chất thành viên”, tổ chức học tập, trau dồi đợt này qua đợt khác, năm này qua năm khác.

Nói dối luôn bị lên án trên nguyên tắc, văn bản, giấy tờ, giáo lý và đương nhiên cả trong sách giáo khoa các cấp. Dối trá chạm vạch nguy hiểm còn bị pháp luật trừng phạt.

Chúng ta không dạy con nói dối, dạy con sống lương thiện bằng sức lao động của mình, đối xử tử tế với đồng loại, thương yêu người nghèo khổ. Bằng khen, huân chương ta khuân về treo chật tường. Nhưng con cái biết ta xài bằng giả vì chúng chưa bao giờ thấy ta đi học.

Ta nói với con ta là người lương thiện với lương tháng mươi triệu đồng. Vậy mà ta có ba bốn ngôi nhà, sắm ôtô siêu hạng, mỗi năm bỏ hàng trăm triệu chơi gôn và khi nổi nóng có thể đánh ngất một người giúp việc trên sân “để trêu đùa”.

Nhà trường không dạy học sinh nói dối nhưng dùng mọi cách để có tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất đến mức chính học sinh của trường cũng biết là chuyện khôi hài. Đài báo luôn đề cao lòng trung thực, nhưng chỉ các bà nội trợ mới biết đích xác cái thứ giá cả đang được coi là hạ giá đang lên phi mã như thế nào ngoài chợ.

Chúng ta vẫn có thói quen rón rén đi trên tấm thảm được trải sẵn dưới chân, tai luôn được nghe lời ca bất tận về một ảo tưởng sẽ không bao giờ thành sự thật, nhưng vẫn không ai muốn hoặc dám chỉ ra những vết bẩn của tấm thảm và bài ca dối trá.

Con cái và ngay cả chúng ta vẫn được nghe những lời hứa hẹn chung chung, hoa mỹ nhưng ngay người nói ra cũng biết chắc là sẽ không được thực hiện. Hệ lụy là cuộc sống thiếu minh bạch, thật và giả lẫn lộn không biết đâu mà lần.

Trẻ con được lớn lên trong cái ma hồn trận hư hư thực thực, đến lượt chúng nó học được cách nói dối cha mẹ để yên thân hoặc tự do quậy phá từ hành vi của chính chúng ta!

Điều tệ hại nhất của thói dối trá xảy ra khi nó bị đẩy đi xa tới mức phá vỡ niềm tin, gây ra nỗi hoài nghi thường trực. Muốn sống phải biết nghi ngờ, triết lý có tính hủy diệt ấy là con đẻ của thói dối trá. Rõ ràng là không thể chấp nhận nói dối đã và đang trở thành một kỹ năng sống trong học sinh sinh viên cũng như trong xã hội.

Thay đổi tình trạng đáng lo ngại này không thể trong một đêm. Không ai có thể giết chết sự thật. Nhưng để có sự thật không phải dễ.

Văn hào Shakespeare có đặt vào mồm một nhân vật tiêu cực của ông câu nói đầy ảo tưởng mật thám hạ đẳng: “Hãy dùng cái mồi giả dối để câu lấy con cá chân lý”.

Người nói câu đó là một gian thần của thời Hamlet khi sự thật bị âm mưu và mông muội bủa vây. Ngày nay, với công nghệ thông tin, công cụ tuyệt vời của sự minh bạch và nền dân chủ, cái mồi giả dối chỉ có thể câu được những con cá giả và những ai tưởng có thể sống và hưởng lợi từ thói giả dối sẽ có ngày nếm luật nhân quả mà không phải đợi kiếp sau.

Trước đây khá lâu, cảnh báo thói nói dối bị coi là cấm kỵ vì “trên nguyên tắc” xã hội chúng ta không thể có chuyện nói dối. Nhưng bàn tay không che nổi mặt trời, dù muốn hay không sự thật phũ phàng đang được công nhận một cách chính thức trên các diễn đàn quan trọng nhất.

Đó là một tiến bộ về mặt đạo đức và đáng mừng bởi vì, dù chưa triệt tiêu được thói nói dối nhưng thấy được nguy cơ nó đang tiếp tục làm băng hoại mọi thứ cũng là điều tích cực.

27-9-2013

Nguồn Tuổi Trẻ




Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

TẢN MẠN VỀ TRANH LUẬN

Nguyễn Thị Hậu

Vài năm gần đây nhiều công trình của các học giả nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh… đã được xuất bản trở lại sau thời gian dài không được phổ biến, kể cả trong môi trường học thuật. Những tác phẩm báo chí, khảo cứu văn hóa, tùy bút ghi chép của các nhà văn hóa này đã mang lại cho người đọc nhiều hiểu biết mới về xã hội Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ XX đến 1945, khoảng thời gian mà trước đây chúng ta chỉ thường được biết một phần nhỏ từ dòng văn học “hiện thực phê phán” được “chọn lọc” giảng dạy trong nhà trường (ở miền Bắc).
Xã hội Việt Nam trước 1945 qua những gì được học và đọc qua văn học, hiện ra khung cảnh nông thôn thì nghèo đói bần cùng tăm tối những chị Dậu, anh Pha, lão Hạc, Chí Phèo…; thành thị thì đầy rẫy lưu manh đĩ điếm, thị dân tiểu tư sản những Xuân tóc đỏ, Năm Sài Gòn, cụ Cố Hồng, bà Phán, cô Kếu tân thời… Đâu đó thấp thoáng bóng dáng thầy giáo nghèo, dân buôn gánh bán bưng, mấy cô tiểu thư lãng mạn, vài thanh niên sống với “lý tưởng” xa vời nào đó. Kiến thức môn lịch sử cho biết thêm về phong trào dân chủ 1936 – 1939 với tên một số tờ báo, vài nhà báo… nhưng cũng chỉ vậy. Hầu như các tác phẩm báo chí hay những cuộc tranh luận mà tác giả không phải là người hoạt động trong phong trào cách mạng… thì không có trong chương trình giảng dạy. Vì vậy đã có những thế hệ học sinh, sinh viên không hề biết đến những học giả trên, hoặc chỉ biết về họ chưa dưới một cái lý lịch “phản động”.
Nay qua các tác phẩm của những học giả, những nhà văn hóa nổi tiếng trước 1945 hiện lên hoạt động tinh thần của tầng lớp trí thức và thị dân ở đô thị khá đa dạng. Ở đó, như trường hợp sưu tập tác phẩm của Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm và chỉnh lý, ta thấy rõ một điều, thực sự đó là những tác giả và tác phẩm chống lại chế độ áp bức con người, đấu tranh cho tự do và nhân quyền.
Khi lý giải vì sao ông Phan Khôi có thể viết những bài báo phản biện, đấu tranh thậm chí chống đối nhà cầm quyết Pháp một cách mạnh mẽ, có thể lên tiếng về những vấn đề xã hội trên nhiều lĩnh vực như thế… nhiều người đã nêu ra những lý do như, mặc dù là thời thuộc Pháp nhưng chính quyền thực dân Pháp vẫn thực hiện tự do báo chí, dân chủ ở mức độ nhất định, do bản lĩnh, sự dũng cảm “dám nói” của Phan Khôi, kiến thức uyên bác và tri thức vững chắc của ông trên nhiều lĩnh vực…
Nhưng đồng thời không thể không nhận thấy không khí tranh luận trao đổi của ông và các bậc thức giả thời đó rất lành mạnh, nội dung có khi rất gay cấn, có thể đối lập, lời lẽ tranh biện rất sắc sảo nhưng giọng điệu ôn tồn, đúng mực, không gay gắt không ám chỉ hay phê phán cá nhân, không xúc phạm đời tư của nhau, không miệt thị kiểu như “ông biết gì về lĩnh vực này mà nói”, không đả kích kiểu “cái ông này chỗ nào cũng xía vô”… Những vấn đề từ văn hóa đến chính trị, từ kinh tế đến xã hội… các học giả trong vai trò người trí thức đã lên tiếng trước thời cuộc, với trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
Qua những cuộc tranh luận hay trao đổi, không chỉ tầng lớp trí thức hiểu nhau hơn, có thể đi đến đồng thuận với nhau, mà quan trọng hơn xã hội được thêm những tri thức từ họ, dân trí được nâng cao cũng từ đó chứ không chỉ từ giáo dục trong trường học. Sự dân chủ được họ “thực hành” với đúng tinh thần dân chủ, đó là đối thoại trong tinh thần tôn trọng con người.
Tự do bày tỏ chính kiến còn là nhân cách người trí thức. Khi quan điểm, cách nhìn khác nhau thì tôn trọng sự khác biệt, tranh luận vì mục đích tìm chân lý chứ không hơn thua “lấy ngôn đè người”, không bao giờ cố có tiếng nói cuối để làm “người thắng cuộc” trong sự hãnh tiến. Không nấp vào số đông để đàn áp ý kiến thiểu số theo kiểu “ném đá”, cũng không dựa vào địa vị để “độc quyền chân lý”.
Trong cuộc sống cũng như trong học thuật, tranh luận, phản biện, đối thoại là chuyện cần làm và phải được coi là bình thường. Mỗi người có quyền tự do bày tỏ chủ kiến của mình và để người khác tự do “mở miệng”. Ai cũng vậy, có nói ra mới biết mình đúng sai thế nào. Có một môi trường “văn hoá tranh luận” có sự tôn trọng thì người ta có thể và dám nói. Bằng không, người ta ngại, sợ hoặc không muốn nói! Tệ hơn nữa, hễ “mở miệng” là chỉ xếch mé mỉa mai hay chửi bới nhục mạ lẫn nhau. Cứ thế sẽ không còn sự trao đổi, đối thoại, tranh luận… Khi không ai nói gì thì có vẻ như yên ổn, nhưng là sự yên ổn của mặt ao tù nước đọng.
Và chỉ khi bản thân giữ được một tinh thần tự do, con người mới biết tôn trọng những khác biệt, đối thoại bình tĩnh và khoan hòa, nhận biết đúng sai với sự cầu tiến. Đồng thời luôn xác định một chỗ đứng độc lập để bày tỏ chú kiến chứ không ẩn mình trong một đám đông để ảo tưởng về “sức mạnh” hay né tránh trách nhiệm.
Sài Gòn 12.4.2016 (theo Tia Sáng)

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Làm từ thiện là để tạ ơn đời

Trần Trọng Thức

Anh bạn thân của tôi là một nhà giáo nghỉ hưu, sống hồn nhiên, tính tình hiền lành dễ mến, hễ thấy chuyện gì giúp ích được cho người khác mà trong khả năng của mình anh đều không nề hà.
Mấy năm nay những lúc rảnh rỗi, anh theo các đoàn phát chẩn của nhà chùa đến với bà con thiếu cơm ăn áo mặc ở các vùng sâu vùng xa. Gần đây anh tìm đến các quán cơm 2.000 đồng dành cho người lao động nghèo với tâm thế một tình nguyện viên như tôi và cảm thấy rất yêu thích những nơi thế này.
Trong câu chuyện thân tình, chưa khi nào tôi nghe anh nói rằng mình đang làm “từ thiện”, có thể với một người khiêm tốn thì hai tiếng này quả là quá tầm so với những gì anh làm lâu nay. Vậy mà hôm Chủ nhật vừa rồi anh lại quan tâm đến nó sau khi tình cờ được nghe “Chương trình 60’ mở” của Đài Truyền hình VTV 6 có chủ đề “Món quà từ thiện bị từ chối” nói về 3.600 phần quà Tết của Nhóm từ thiện Xây nhà vùng cao bị một địa phương làm khó phải đưa đi nơi khác. Câu hỏi mà những người làm chương trình đặt ra một cách gay gắt: “Làm từ thiện vì ai, và để làm gì” là quá lạnh lùng và thiếu thiện ý với hoạt động vốn là nét đẹp đời thường ở một đất nước còn quá nhiều người nghèo trong khi Nhà nước thì không thể lo cho hết.
Cư dân mạng những ngày qua không ngớt “ném đá” vào tiết mục này là điều dễ hiểu bởi ngay cả một người hiền lành như anh bạn tôi cũng bày tỏ sự hoang mang rằng phải chăng đây là nội dung định hướng dư luận của một đài truyền hình quốc gia? Tôi hoàn toàn chia sẻ suy nghĩ của anh và tìm cách lý giải ý nghĩa sâu xa của một công việc mình yêu thích.
Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu, “Từ thiện” là kết hợp giữa “Từ” nghĩa là thương yêu và “Thiện” có nghĩa là tốt lành. Vậy thì “từ thiện” đơn giản là làm việc tốt từ lòng yêu thương người. Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương thì không được gọi là từ thiện.
Bởi suy cho cùng thì làm việc tốt là để tạ ơn đời đã cho mình một cuộc sống may mắn hơn số đông người khác mà thôi.
Ngay từ thuở xa xưa từ thiện được xem là căn bản của đạo đức và tình nhân đạo, cũng như là một đức tính hay đức hạnh cần thiết trong nhiều tôn giáo, chính vì vậy mà các tín đồ được khuyến khích thực hiện việc này.
Vì làm từ thiện là tự nguyện nên không có những ràng buộc nào về thời gian và không gian, không nhất thiết phải theo một mô hình nào. Tuy nhiên, theo quan điểm chung từ thiện là hành vi giúp người, nhưng không phải hành động nào giúp người cũng được gọi là từ thiện. Từ thiện phải đi chung với bất vụ lợi (làm không vì lợi ích riêng) và thiện nguyện (tự nguyện làm vì điều tốt).
Phạm trù đạo đức này được hình thành bẩm sinh từ khi có xã hội loài người (nhân chi sơ tánh bổn thiện - Khổng Tử). Khi con người hình thành cộng đồng, xây dựng nên xã hội thì từ thiện trở thành ý thức tương trợ lẫn nhau, tạo thành động lực để cộng đồng phát triển lớn mạnh. Càng về sau này, khi con người nhận thức một cách sâu xa các yếu tố cộng hưởng tạo nên sự bền vững của một cộng đồng thì từ thiện không chỉ là phạm trù đạo đức mà trở thành trách nhiệm xã hội.
Dài dòng với chữ nghĩa như thế chẳng qua là để trả lời cho câu hỏi trong chừng mực rất ngớ ngẩn và bề trên “làm từ thiện vì ai và để làm gì?” khi mà hoạt động này hiện nay đan chen những điều được và chưa được, khi mà ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức tham gia với mức độ và hoàn cảnh khác nhau.
Nước ta không có những Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg đem phần lớn tài sản lên đến hàng tỉ đô la cống hiến cho sự nghiệp từ thiện, nhưng cũng có không ít người như doanh nhân Phạm Văn Bên ở Đồng Tháp bỏ ra 40 tỉ đồng xây dựng nơi ăn chốn ở miễn phí cho sinh viên Đại học Nông lâm TPHCM. Nói chung là hiện nay có một số đông những người làm kinh doanh thuận lợi trong xã hội chúng ta đã không quên nghĩ đến việc chia sẻ lộc trời với những số phận khó khăn qua các hoạt động từ thiện. Chúng ta cũng có ngày càng nhiều những nhà hảo tâm đủ các thành phần xã hội tự nguyện đến với người nghèo bằng những khoản đóng góp tiền bạc hoặc công sức. Nhờ đó các tổ chức từ thiện không ngừng phát triển và qua đó mới có những bữa “cơm có thịt” để trẻ em ở vùng cao được ăn ngon hơn, mặc ấm hơn; mới có những “suất cơm 2.000 đồng” đủ chất bổ dưỡng giúp cho người lao động nghèo ngược xuôi ở các đô thị lớn giảm bớt gánh nặng mưu sinh, và còn nhiều nữa...
Một vài anh chị nhà báo đến tìm hiểu các hoạt động từ thiện thường hỏi thăm về những khó khăn gặp phải. Câu hỏi xuất phát từ một thực tế không phải lúc nào mọi chuyện cũng đều dễ dàng. Lớp học tình thương lo bữa cơm chiều và buổi học đêm miễn phí cho hàng trăm đứa trẻ ban ngày phải quần quật giúp cha mẹ kiếm sống, là từ tâm của hai vợ chồng chủ quán cơm chay, vậy mà có đơn giản đâu. Địa phương không vui khi phóng sự về lớp học này được đưa lên truyền hình, chẳng qua là vì “đã báo cáo với cấp trên phường này không còn hộ nghèo và 100% trẻ em trong lứa tuổi đã được đi học”. Một vài Việt kiều gom góp tiền bạc của bạn bè đem về nước xây trường học cho trẻ em vùng núi, nhưng lại bị hoài nghi từ cả hai phía bên trong lẫn bên ngoài. Làm từ thiện mà chính quyền không vui là xem như... “hết cửa”.
Làm việc gì mà chẳng khó, nhưng đừng bao giờ đòi hỏi hễ cứ làm từ thiện thì sẽ được mọi người giúp đỡ. Không đâu, ngoài việc tuân thủ luật pháp là chuyện đương nhiên còn phải chịu sự giám sát thầm lặng của xã hội, đó là chưa kể đôi khi gặp những bộ óc siêu đẳng lấy chuyện vạch lá tìm sâu làm niềm vui thì cũng dễ nản lòng.
Thế cho nên đã làm từ thiện thì phải chấp nhận tất cả, biết giữ mình để đừng sai sót, công khai minh bạch thường xuyên mới tạo được lòng tin của xã hội, mới có thêm ngày càng nhiều bạn đồng hành.
Chưa hết, làm từ thiện không phải là ban phát mà là chia sẻ bằng tấm lòng thành, đó chính là sự tôn trọng người không may cần đến sự giúp đỡ. Nhưng nếu có ai đó làm từ thiện để tìm chút ít hư danh thì cũng chẳng sao, như anh bạn tôi lâu nay làm từ thiện một cách hồn nhiên từng nói, “cho đi cái mình có vì mục đích gì đi nữa thì cũng giúp được chút nào đó cho người khó khăn, còn hơn là ném đồng tiền vào nơi vô bổ”.
Thật đáng quý với những tấm lòng nhân hậu làm từ thiện một cách hồn nhiên như anh, không tính toán thiệt hơn, không để chuyện đơn giản trở nên phức tạp. Bởi suy cho cùng thì làm việc tốt là để tạ ơn đời đã cho mình một cuộc sống may mắn hơn số đông người khác mà thôi.

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Lỗ hổng nhân sự trong lĩnh vực công

Lê Ngọc Sơn



Những biểu hiện của hiện tượng “giải cứu lợn”, “cấp phép ca khúc”, và mới đây là “luật sư tố thân chủ” vén lên bức màn đáng báo động về mặt chất lượng của nhân sự trong khu vực công.


Những phát biểu dậy sóng mới đây tại nghị trường đã hé lộ sự thật về việc thiếu chuẩn tắc, thiếu chuẩn mực để hình thành nên một xã hội văn minh. Và thật buồn cho nền công lý nếu một tiến sĩ luật (mà lại là dân biểu) đề nghị luật sư phải tố cáo thân chủ trong hoạt động hành nghề của mình.

Nó đi trái ngược hoàn toàn với các tiến bộ về mặt chuẩn tắc nghề nghiệp của nghề luật trên thế giới văn minh.

Thật buồn khi có ông Cục trưởng đòi cấp cho người dân được phép thay vì dân được làm thứ pháp luật không cấm.

Đòi luật sư tố giác thân chủ của mình là kết quả của việc thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nghề luật.

Phát ngôn ngô nghê đến buồn cười của một tiến sĩ luật, ngoài là trách nhiệm của cá nhân người phát biểu, nó còn là hệ quả gây nên bởi nền giáo dục luật học nặng giáo điều, ít các luận lý về săn tìm công lý.

Ở góc độ này, giáo dục đã khuyết thiếu trong việc thực hiện chức năng lan toả các chuẩn mực tiến bộ và khó tạo ra những con người có phẩm chất tiến bộ tương xứng với tấm bằng.

Việc thiếu vắng chuẩn tắc chẳng khác nào tham vọng xây một toà nhà chọc trời trên nền đất sụt lún. Nó khó có thể đóng vai trò là giá đỡ căn cơ cho sự thiên biến vạn hoá của những thử thách tiềm tàng của xã hội.

Nhìn xa hơn, đó là kết quả của một hiện thực xã hội, theo ý chí chủ quan. Mà thường cái gì theo ý chí chủ quan, không tuân thủ chuẩn tắc thì sẽ khó nên đầu nên đũa.

Hệ quả của việc thiếu vắng chất lượng và chuẩn mực trong đội ngũ nhân sự ở lĩnh vực công là người dân phải đối mặt với mớ bòng bong mà nhẽ ra họ đã thuê các “đầy tớ” giải quyết, thông qua việc đóng thuế trả lương.

Biểu hiện rõ nhất của việc này là cả xã hội phải liên tục lao vào các cuộc “giải cứu”: Giải cứu lợn, giải cứu ớt, giải cứu trứng gà, giải cứu bài hát, giải cứu Sơn Trà, và giải cứu... luật sư.

Một xã hội cứ chạy theo việc “giải cứu” thì còn thời gian và năng lượng nào để phát triển?
Thêm nữa, về mặt quan hệ công chúng, những cuộc “giải cứu” này xét về lâu về dài sẽ không tốt cho hình ảnh của tổ chức công; về mặt hiệu quả bộ máy, đây là hệ quả của việc “lấy đá ghè chân”, khi trao các trọng trách cho những nhân sự không đủ năng lực.

Suy cho cùng, bài toán mà chúng ta cần phải giải quyết trước mắt, khẩn cấp không kém việc chống tham nhũng, đó là giải quyết vấn đề chất lượng nhân sự của lĩnh vực công!

Chống tham nhũng để loại bỏ sâu mọt, nâng cao chất lượng đội ngũ để gia cường cho bộ máy.

Một bộ máy chỉ được gia cường về mặt phẩm chất, khi các thành tố làm nên bộ máy đó đủ chuẩn về mặt chất lượng.

Nhưng để mưu tìm chất lượng, người ta cần có những bộ chuẩn tắc tiến bộ (đạt giá trị tổng quát của nhân loại) mà các cá nhân, tổ chức, thực thể phải tuân thủ. Còn nếu không làm được, mọi viễn tượng sẽ khó sáng sủa!