Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

CHỮ “TIN” CÒN MỘT CHÚT NÀY!

Thời luận ĐĐK 2/3/2007



Trong quan hệ xã hội bình thường cũng như trong đời sống chính trị, chữ Tín bao giờ cũng là nhân tố quan trọng để đi đến sự tin cậy, đồng thuận và cùng nhau hợp tác bền vững. Người xưa coi trọng danh dự và uy tín còn hơn cả tính mạng chứ đừng nói là tài sản.

Ngày nay, chữ Tín cũng được không ít người coi trọng và hầu hết những người trọng Tín đều thành công trong cuộc sống, tạo dựng được uy tín và sự nghiệp lớn trong cộng đồng.

Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long nổi tiếng ở Bình Dương là một ví dụ rất điển hình về sự coi trọng chữ Tín trong làm ăn kinh doanh. Theo ông, có chữ Tín là có tất cả. Chữ Tín đáng giá “ngàn vàng”. Vì có chữ Tín không cần vốn người ta vẫn giao hàng cho ông bán mà không đòi hỏi điều kiện gì khác. Chữ Tín là vốn liếng quý giá nhất mà ông đã mang theo suốt cuộc đời mình và truyền lại cho con cháu.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, do những biến động trong lịch sử, rất nhiều năm qua chữ Tín hầu như không còn là một trong những thuộc tính nổi bật của người Việt. Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học đã đưa ra một nhận xét đáng buồn nhưng được khá nhiều người đồng tình: “Bối cảnh và môi trường kinh tế ở Việt Nam” hiện nay thuộc vào lọai “low trust society” (xã hội thiếu chữ tín)”.

Trong nền kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng tới phạm vi tòan cầu, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng hơn. Điều này thể hiện ở tầm vĩ mô là việc các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi và khi thay đổi thì không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Đây là một khiếm khuyết quan trọng làm môi trường kinh doanh ở Việt Nam kém tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài

Sự bất tín không chỉ tồn tại trong lĩnh vực doanh thương mà hầu như đang trở thành tệ nạn phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Từ bao lâu nay, không hiểu sao có một thứ “văn hóa” tệ hại là nạn nói dối vẫn cứ nghiễm nhiên tồn tại trong mọi ngóc ngách của đời sống. Kể cả trong những lĩnh vực đòi hỏi nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp như giáo dục, y tế và truyền thông đại chúng.

Lạ lùng nhất là ai cũng coi chuyện nói dối là bình thường, thậm chí có những trường hợp nói dối, làm dối như gian lận thi cử, khai man trốn thuế…còn được coi là hành động của những người khôn ngoan, thức thời và có…bản lĩnh. Dư luận xã hội, cái cơ cấu đạo đức tự thân, cái sức mạnh tự điều chỉnh của cộng đồng đã bị tê liệt tự lúc nào không biết khiến cho lương tri chân chính bị xơ cứng trước sự bùng phát những thói hư tật xấu.

Phân tích về những nguyên nhân hình thành sự bất tín trong quan hệ xã hội hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những lý do căn bản là do “thượng bất chính hạ tắc lọan”. Phân tích trong phạm vi gia đình cũng thấy được điều đó. Nếu cha mẹ không biết giữ chữ Tín với con cái thì khó có thể làm gương sáng cho con cái giữ chữ Tín với những người khác.

Trong phạm vi cộng đồng, nếu những người lãnh đạo không giữ chữ tín với dân thì cũng khó làm gương sáng cho dân noi theo. Huống chi, một khi lãnh đạo đã “nhúng chàm” bất tín, thì các hành vi của cấp dưới nếu muốn được lòng cấp trên thì phải “nói leo, làm theo”. Như một căn bệnh truyền nhiễm, bệnh nói dối, sự bất tín lan truyền mau chóng trên mảnh đất màu mỡ được chính những người có trách nhiệm bỏ ngỏ. Một khi nói dối và bất tín có lợi hơn sự trung thực và chữ Tín thì phần đông dân chúng sẽ lựa chọn con đường lầm lạc hơn là trở thành “người cổ hủ, không thức thời”.

Với những người được dân tín nhiệm bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho nhân dân quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh, chữ Tín càng được coi trọng muôn phần. Quốc Hội khóa XII được lịch sử lựa chọn giao cho một sứ mạng lớn lao thay mặt nhân dân lãnh đạo đất nước vượt qua đói nghèo chậm tiến biến Việt Nam trở thành một đất nước phát triển, xứng đáng và bình đẳng trên sân chơi tòan cầu. Người Việt có nở mày, nở mặt với năm châu hay không phần lớn đặt niềm tin và hy vọng vào nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XII này.

Cơ hội lịch sử, nếu để trôi qua, cả dân tộc sẽ phải trả giá bằng hàng trăm năm lạc hậu và tủi nhục. Muốn dân tin không còn cách nào khác là các nhà cầm quyền phải biết giữ chữ Tín trong từng lời nói và hành động như giữ gìn con ngươi trong mắt của mình.

02-3-2007



Ai dạy trẻ nói dối?

NGUYỄN QUANG THÂN

TT - Công bố mới đây của một trung tâm xã hội học cho kết quả sững sờ: “Tỉ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%”.


Nếu đúng như thế thì chỉ còn biết kêu trời. Bởi ở tuổi ngọc, mới rời nôi “nhân chi sơ” chưa được mấy năm mà các em đánh mất “tính bản thiện”, nghĩa là đã biết nói dối! Và tỉ lệ này tăng phi mã, càng học lên cao càng thạo nói dối.

Thật ra, thống kê xã hội học trên đây chỉ là dịp để chúng ta có một khái niệm cụ thể hơn về một thực trạng có thật về đạo đức, chất lượng sống của cây cối trong vườn ươm chủ nhân ông đất nước tương lai.

Lớp người kế cận luôn là sản phẩm trực tiếp của gia đình, trường học, và tất nhiên là của môi trường xã hội mà con em được sinh ra, nuôi dạy và trưởng thành. Dù câu trả lời đã có sẵn nhưng trong nỗi ngạc nhiên đến xót xa mỗi người vẫn muốn tự vấn: cái thói trẻ con nói dối này từ đâu ra vậy?

Các bậc cha mẹ, từ người ít học đến học vấn cao siêu, từ dân thường đến người có chức phận xã hội, dù thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào, không ai dạy trẻ con hoặc người lớn nói dối. Nhà trường lại càng không. Các đoàn thể thì luôn “nâng cao phẩm chất thành viên”, tổ chức học tập, trau dồi đợt này qua đợt khác, năm này qua năm khác.

Nói dối luôn bị lên án trên nguyên tắc, văn bản, giấy tờ, giáo lý và đương nhiên cả trong sách giáo khoa các cấp. Dối trá chạm vạch nguy hiểm còn bị pháp luật trừng phạt.

Chúng ta không dạy con nói dối, dạy con sống lương thiện bằng sức lao động của mình, đối xử tử tế với đồng loại, thương yêu người nghèo khổ. Bằng khen, huân chương ta khuân về treo chật tường. Nhưng con cái biết ta xài bằng giả vì chúng chưa bao giờ thấy ta đi học.

Ta nói với con ta là người lương thiện với lương tháng mươi triệu đồng. Vậy mà ta có ba bốn ngôi nhà, sắm ôtô siêu hạng, mỗi năm bỏ hàng trăm triệu chơi gôn và khi nổi nóng có thể đánh ngất một người giúp việc trên sân “để trêu đùa”.

Nhà trường không dạy học sinh nói dối nhưng dùng mọi cách để có tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất đến mức chính học sinh của trường cũng biết là chuyện khôi hài. Đài báo luôn đề cao lòng trung thực, nhưng chỉ các bà nội trợ mới biết đích xác cái thứ giá cả đang được coi là hạ giá đang lên phi mã như thế nào ngoài chợ.

Chúng ta vẫn có thói quen rón rén đi trên tấm thảm được trải sẵn dưới chân, tai luôn được nghe lời ca bất tận về một ảo tưởng sẽ không bao giờ thành sự thật, nhưng vẫn không ai muốn hoặc dám chỉ ra những vết bẩn của tấm thảm và bài ca dối trá.

Con cái và ngay cả chúng ta vẫn được nghe những lời hứa hẹn chung chung, hoa mỹ nhưng ngay người nói ra cũng biết chắc là sẽ không được thực hiện. Hệ lụy là cuộc sống thiếu minh bạch, thật và giả lẫn lộn không biết đâu mà lần.

Trẻ con được lớn lên trong cái ma hồn trận hư hư thực thực, đến lượt chúng nó học được cách nói dối cha mẹ để yên thân hoặc tự do quậy phá từ hành vi của chính chúng ta!

Điều tệ hại nhất của thói dối trá xảy ra khi nó bị đẩy đi xa tới mức phá vỡ niềm tin, gây ra nỗi hoài nghi thường trực. Muốn sống phải biết nghi ngờ, triết lý có tính hủy diệt ấy là con đẻ của thói dối trá. Rõ ràng là không thể chấp nhận nói dối đã và đang trở thành một kỹ năng sống trong học sinh sinh viên cũng như trong xã hội.

Thay đổi tình trạng đáng lo ngại này không thể trong một đêm. Không ai có thể giết chết sự thật. Nhưng để có sự thật không phải dễ.

Văn hào Shakespeare có đặt vào mồm một nhân vật tiêu cực của ông câu nói đầy ảo tưởng mật thám hạ đẳng: “Hãy dùng cái mồi giả dối để câu lấy con cá chân lý”.

Người nói câu đó là một gian thần của thời Hamlet khi sự thật bị âm mưu và mông muội bủa vây. Ngày nay, với công nghệ thông tin, công cụ tuyệt vời của sự minh bạch và nền dân chủ, cái mồi giả dối chỉ có thể câu được những con cá giả và những ai tưởng có thể sống và hưởng lợi từ thói giả dối sẽ có ngày nếm luật nhân quả mà không phải đợi kiếp sau.

Trước đây khá lâu, cảnh báo thói nói dối bị coi là cấm kỵ vì “trên nguyên tắc” xã hội chúng ta không thể có chuyện nói dối. Nhưng bàn tay không che nổi mặt trời, dù muốn hay không sự thật phũ phàng đang được công nhận một cách chính thức trên các diễn đàn quan trọng nhất.

Đó là một tiến bộ về mặt đạo đức và đáng mừng bởi vì, dù chưa triệt tiêu được thói nói dối nhưng thấy được nguy cơ nó đang tiếp tục làm băng hoại mọi thứ cũng là điều tích cực.

27-9-2013

Nguồn Tuổi Trẻ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét