Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Ngô Đình Nhu: Lễ Lập Xuân ở Hà Nội về thời Hậu Lê

HTN: Bài khảo cứu về lễ Lập Xuân của Ngô Đình Nhu, đăng trên tờ Thanh Nghị, số 14, ngày 1er Juin 1942. Ngô Đình Nhu tốt nghiệp École Nationale des Chartes (Paris) năm 1938 với luận văn “Les moeurs et les coutumes des Annamites du Tonkin au xviie siècle” (Những phong tục và tập quán của người An Nam ở Đằng Ngoài thế kỷ XVII). Về nước, Ngô Đình Nhu làm nhân viên Nha văn khố trung ương Hà Nội từ năm 1938 đến 1943. Bài khảo cứu khá thú vị và đặc sắc dù tiếng Việt của tác giả hơi vụng về,  đôi chỗ diễn đạt tối nghĩa, lại dùng nhiều từ cũ nay không còn thông dụng. Học Thế Nào  giới thiệu bài khảo cứu đặc sắc này đến bạn đọc thay cho lời chúc mừng xuân mới.

Lễ Lập Xuân chắc là một trong những tế tự nước Nam mượn trước nhất của Tàu. Vì lễ này thuộc về loại lễ có định kỳ và theo như sách Lễ Ký, có thể gieo nhiều tai họa thảm khốc cho nhân gian nến vị quốc chủ cử hành không hợp lệ. Nhưng ta không biết lễ ấy vào xứ này từ hồi nào và tiên tổ ta theo những nghi thức nào để cử hành lễ này là một lễ có dính dáng đến khoa chiêm tinh và nghề nông phố.
Ngoài tập Việt Điện U Linh (ở đầu thế kỷ XIII) nhân khi nói đến một vị thần ở thành Thăng Long (thần Quảng Lợi Vương) có bàn một vài câu; ngoài bộ An Nam Chí Lược (đầu thế kỷ XIV) của Lê Tắc có ghi qua (xem bản dịch của Sainson xuất bản năm 1896, trang 93-94) ta phải công nhận với Phan Huy Chú rằng giở lên trước nhà Hậu Lê (1428-1788), ta không có tài liệu đích xác về lễ này tuy là một trong những quốc lễ và có tính cách bắt buộc ở nước Nam.
Tài liệu chính để làm bài khảo cứu này là tập thủ-thảo bằng chữ la tinh số 11.114 của Quốc Gia Thư Viện Paris, nhan đề là: Opusculum de Sectis apud Simenses et Tunkinenses (Petit traité des sectes religieuses chez les Chinois et les Tonkinois) (1750) của cố Adriano di Santa Tecla (Adriende Sainte Thècle), người thuộc về dòng Augrestins (chỉ đi dép không, không dùng tất). Truyền Giáo Thánh Hội (Propagande de la foi), sai sang Bắc Kỳ năm 1738, mất năm 1765 tháng một.
Tôi có tra cứu thêm chương Lễ Nghi chí, quyển XXII bộ Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú (1821), với thiên Quảng Lợi Vương ở tập Việt điện U linh như đã nói trên.
Tập Petit traité des sectes religieuses chez les Chinois et les Tonkinois đã được phác tả ra trong tạp chí Journal Asiatique, năm 1823-1824 (có đem đại lược bàn qua và trích đăng nhiều đoạn) và trong bộ Bibiotheca Indosinica của H. Cordier, quyển III, cột 1887.
Bản sách của Quốc Gia Thư Viện (Ban lưu giữ những thủ-thảo) – Thư viện Pierre Pasquier có một bản sách này bằng ảnh chụp – có chứng cớ rõ ràng là đã được giám mục Louis Néez (1680-1764), coi địa phận Bắc kỳ Tây từ năm 1738, tự tay đối chiếu cẩn thận với bản chính vì cố Adrien de Sainte Thècle đã ở cạnh ngài ba năm (1762-1764).
Cố Adrien de Sainte Thècle, tên ta là Cụ Tri, về dòng O.R.S.A., đến xứ Bắc năm 1738. Được bổ làm quản sự (procureur) địa phận Bắc kỳ Đông năm 1761; người cùng các bạn đồng tông, vì lời xúi giục của các cố Dominicains, bị trục xuất ra khỏi xứ Bắc; đến trú ẩn nhờ giám mục Nèez năm 1762 và mất tại địa phận này vào quãng tháng một năm 1765.

*
Muốn hiểu rõ những lễ thuộc về « nông nghiệp tuần hoàn » (cycle agraire) của người Nam, ta cũng nên ôn lại những điều chính của thiên văn học và vũ trụ quan của Trung Quốc.
Người Trung Quốc chia bầu trời ra làm năm cung: Cung giữa (trung cung) là vòm trời bao bọc « bắc cực » lúc nào ta cũng nom thấy và bốn cung đặt theo xích đạo tuyến (quatre palais équatoriaux) lần lượt lặn xuống dưới chân trời và so đúng với bốn mùa. Bởi vì xích đạo tuyến (équateur céleste) đem ghép đúng với tứ phương, nên « bắc cực » không phải ở miền bắc như của người Tây phương đâu nhưng ở vùng giữa (Trung cung) và bốn cung kia bao bọc lấy trung cung đều đúng với tứ phương xếp theo chân trời.
Cho nên cung mùa đông gọi là Bắc cung vì về mùa đông, mặt trời thuộc về một vùng mà tí ngọ tuyến (méridien céleste) gặp chân trời ở phương Bắc; cung mùa hè gọi là Nam Cung vì lúc bấy giờ mặt trời thuộc về một vùng ở về đầu kia mà gặp tí ngọ tuyến gặp chân trời ở phương Nam của chúng ta. Về hai cung kia cũng vậy: ta thấy tuần trăng tròn về mùa xuân và mùa thu, một cung ở về phương đông, một cung về phương tây nếu ta cứ theo lối tìm phương hướng kể trên.
Muốn giảng cách chuyển vận của năm cung và bốn tiết, người Tàu dẫn ra hai lẽ âm dương thuộc về vật lý và ngũ hành thuộc về thổ hóa chất là : mộc (xuân); kim (hạ); hỏa (thu); thủy (đông) và thổ (trung cung). Năm hành ấy lần lượt thắng nhau: kim chặt gỗ thắng mộc, hỏa làm chảy sắt thắng kim, thủy làm tắt lửa thắng hỏa, thổ hút nước thắng thủy ; mộc tiêu hóa được đất thắng thổ và cứ lần lượt như vậy làm bốn mùa đều chuyển vận.
Và chẳng bao lâu người ta đem ghép vào chủ nghĩa có tính cách hoàn toàn lý hóa ấy sự tin tưởng rằng có một đấng Thượng đế ngự vị tại Trung Cung và sai khiến được hai lẽ âm dương và ngũ hành.
Cái óc cân đối của người Tàu đã làm cho họ sớm tìm thấy một hình thể tương đương với Thượng đế là Trung Hoa Hoàng Đế thống trị ở Trung Quốc. Trung Quốc, cũng như trung cung, ở giữa, chung quanh là man di ở rải rác bốn phương; đế đô, cũng như sao bắc cực, ở vào giữa bốn vùng Bắc, đông, nam, tây đối với tứ thời; so với Thượng đế thì Trung Hoa Hoàng Đế là con (thiên tử) ; nhờ có tiên tổ là ngũ đế sánh được với ngũ hành và được năm vị thần phò tá, Trung Hoa hoàng đế có thể và cần phải lập trên địa cầu một trật tự tương đương với trật tự của Thượng đế. Vì giữa trời và đất, giữa vũ trụ và nhân sinh có một dây liên lạc mật thiết, nên chỉ cần rằng Thiên tử, là vị giúp việc Thượng đế trên nhân gian, đúng vào những thời kỳ đã định trong lịch, truyền lệnh cho các phương hướng ở trong không gian chuyển vận theo thứ tự, là tự nhiên tứ thời đều đều kế tiếp.
Đó là tóm tắt quan niệm Tàu về thiên văn sinh lý học, trái hẳn với luật tam thế (loi des trois ages) của Auguste Comte. Khởi thủy từ sự nhận xét và những thuyết tuyệt nhiên không pha mảy may thuần lý học và thần nhân đồng hình thuyết, để sau cùng thành một giáo lý chủ trương thuyết định mệnh, quan niệm này về vũ trụ nhân sinh đã làm khung cảnh cho văn minh Đông Á hơn bốn mươi thế kỷ và đã tìm được hình thức hoàn toàn trong những nguyệt lệnh sách Lễ Ký.
Để theo cho đúng nghi lễ đã ghi trong Lễ Ký, muốn cho tiết điệu của thế gian khỏi bị đình trệ và những hiện tượng của vũ trụ được luân lưu và tránh được sự hỗn tạp, vua Lê, mỗi năm lúc đổi mùa lại dâng lễ cho bốn vị hoàng đế thuộc về thời thần thoại của Trung hoa và bốn vị thần bộ hạ. Tế ở đâu ? Tại « Giao đàn » (loco Giao) theo như lời Adrien de Sainte Thècle :có lẽ là đàn Nam Giao ở miền Nam ngoại ô Thăng Long. (Đàn Nam Giao, rìa đường Chợ Hôm Bạch Mai, lối ngày xưa vào Huế) Route de Huê, gần làng Phong Vân, bây giờ chỉ còn một tấm bia làm từ đời Vĩnh Trị tứ niên, 1680 và giữ ở Bảo tàng Louis Finot).
Đàn Nam Giao hình chữ nhật, cửa chính mở về phía nam, cũng chia ra làm năm phần hợp với vũ trụ quan của Trung Quốc.
Ở giữa một phần là chiêu sư điện để riêng tế trời và do vua ra hành lễ ; và bốn phần bên đúng với tứ phương : đến kỳ có quan đại thần thay vua ra tế các mùa.
Cuối mùa đông, tế vua Phục Hy và thần Câu Mang tại đàn đông để lập xuân vì mùa xuân đúng với phương đông;
Cuối mùa xuân, tế vua Thần Nông và thần Chúc Dung tại đàn nam để lập hạ vì mùa hạ đúng với phương nam;
Cuối mùa hạ, tế vua Thiếu Hiệu và thần Nhục Thu tại đàn tây để lập thu;
Cuối mùa thu, tế vua Chuyên Húc và thần Huyền Minh để đàn bắc để lập đông.
Nhưng ngoài lẽ chính này, một nghi tiết đặc biệt đã được đem ra cử hành một cách long trọng hơn trong dịp lễ Lập xuân để mở đầu năm mới cho nông gia và dân chúng.
Để tả tế này, cố Adrien de Sainte-Thècle  dựa vào hai bức thư của cố Francisco Gile De Federich, người Tây ban nha, thuộc dòng Dominicains (tên ta là cụ Tê); đến Bắc kỳ năm 1737, cố Gil de Federich, bị giam từ 1737 tại Ngục Đông ở Thăng Long cho đến ngày 22 tháng giêng 1745 là ngày cố bị hành hình. Cố biết chữ nho và tiếng Nam, trong lúc bị giam cầm nhờ có tiền cho ngục tốt nên cố được thảnh thơi, tự do ra phố và thư tín với cố Adrien de Sainte Thècle. Vì một phần lễ đã cử hành tại nơi cố phải miễn cưỡng ở, nên cố được dịp quan sát cẩn thận.
« Mỗi một năm, theo Phan Huy Chú, vào dạo tháng một, đúng vào ngày đông chí (mà người Tàu lấy làm chừng để đặt âm lịch), quan Chánh tòa Khâm thiên giám kính tâu để Chúa Trịnh biết hôm nào lập xuân và thể dâng trình Ngài kiểu mẫu nhỏ một đoàn người vật nặn phác ra, trong có tượng một mục đồng dắt trâu tức là thần Câu Mang. Mẫu nặn mỗi năm nhuộm một màu để cho đúng với năm và hợp với ngày lập xuân. Theo mẫu ấy, bộ Công sai thường ban đắp một con trâu to và tượng Mang thần. (Ở Huế bây giờ cũng làm từa tựa như vậy[1]). Nhưng theo cố Gil de Federich, ngoài trâu to và tượng Mang Thần, người ta đắp luôn 1300 con nghé cao chừng 5,6 ngón tay và 1300 mục đồng. Tất cả những tượng lớn nhỏ ấy đem chứa tại Nha môn ngưu. Người ta còn dựng một cái quán « tứ bề gió lọt được » ở ngõ Hàng Chiếu (gần cửa phố Jean Dupuis bây giờ), tại phường Đông Hà, nghĩa là ở phía đông kinh thanh, đúng với hướng cổ của mùa xuân.
Trước hôm lễ, lúc chập tối, nhân viên thường ban rước tượng trâu và Mang Thần đến đàn thờ ở quán lợp ngõ Hàng Chiếu và bày ở đấy đến nửa đêm. (Dân gian đi xem có câu hát :
Bây giờ Mang hiện đến ngày
Cày bừa cho chín mạ này đem gieo.)
Còn 1300 nghé và 1300 mục đồng thì đã có lính canh Ngục Đông (chừng 50 người, cứ 15 ngày lại đổi phiên cho nhau) đem từ Nha môn Ngưu về đặt trong sân Ngục Đông. Ngục Đông Môn ở tại cửa đông kinh thành.
Đến nửa đêm thì quan Phủ doãn là quan đầu tỉnh Thăng Long, có hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức đi hầu và có dân các phường buôn bán đi theo, đến rước tượng trâu to và Mang Thần lại đền Bạch Mã, ở Đông Hà Phường, thờ thần Long Đỗ Vương, vừa là thành hoàng Thăng Long lại là vị thần vẫn chứng giám lễ này từ đời Lý Thái Tôn (1028-1054). Đến đền thì trâu để ngoài, người ta rước tượng Mang Thần vào giữa tiền đường rồi quan Phủ doãn dâng lễ. Lễ xong, nha môn quấn Mang Thần vào một chiếc chiếu rồi đem chôn.
Sáng sớm hôm sau, rước xuân ngưu đến trình vua: ấy là lễ tiến xuân ngưu. Theo Phan Huy Chú: « quan Phủ Doãn và hai quan huyện, mỗi người cầm một cành dâu, giả làm roi mây, dẫn trâu vào điện đình. Theo lệnh chúa Trịnh, các công, hầu, bá, văn võ triều thần, bận phẩm phục vào triều giúp vua hành lễ. Xong rồi thì ngục tốt rước trâu thần về Ngục đông, còn cái ngai đã dùng để rước trâu đến trình vua thì được quan tham chi bộ Lễ đem rinh vào trong cung ». Đoạn, người ta đem phân phát trâu và nghé cho các quan chức để tống tiễn mùa đông : ngục tốt ở Ngục Đông chặt một miếng thủ, một khúc chân, và một khấu đuôi con trâu to, chọn 300 con nghé, lấy 55 con đặt vào một chiếc mâm, mỗi mâm 5 con, trên có phủ lụa, đem dâng vua. Vua đem ban cho các đền thờ (trong kinh thành), còn bao nhiêu thưởng cho các quan đã đứng tế, 1000 nghé còn lại cũng vẫn những ngục tốt ấy, rước bằng ngai đến phủ đường chúa Trịnh. Chúa truyền lệnh gọi nha môn sáu hiệu, và hiệu nào phần nấy lấy trâu về cho tướng mình. Lễ Lập Xuân thế là xong.
Ta nên nhận rằng lễ Lập Xuân này thật ra có hai phần khác nhau : một là lễ tống tiễn mùa đông, hai là lễ lập xuân. Khởi thủy, tế trâu đất rồi lấy roi mây quất đuổi đi có nghĩa là người ta tiễn đuổi mùa đông. Theo sách Lễ Ký, thiên nguyệt lệnh, đến tháng cuối mùa đông vua ra lệnh cho người ta dẫn ra đồng một con bò bằng đất sét, cốt để áp giải và tống tiễn tiết lạnh đi ; tháng chạp thuộc về chi sửu hợp với con bò (ở ta là trâu), hành thổ (đông) lại khắc hành thủy (đất hút nước) đúng với thuyết ngũ hành tương khắc. Về sau, trâu được đem sáp nhập vào lễ Lập Xuân và dùng roi quất trâu dần dần có nghĩa là khuyến khích nông nghiệp.
Ngô Đình Nhu


[1] Vua Nguyễn hành lễ ở kinh đô Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét