Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Chùa Ngọa Vân và Am Ngọa Vân


Am Ngọa Vân nay là chùa Ngọa Vân, nằm cách chùa Ngọa Vân khoảng 200m về phía Bắc, lấy ngọn Ngọa Vân làm tay ngai phải (hữu bạch hổ) và cánh núi phía Đông của núi Bảo Đài làm tay ngai trái (tả thanh long).


1. Chùa Ngọa Vân



Dấu tích chùa Ngọa Vân, kiến trúc đầu thế kỷ XX. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Chùa nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài (Vây Rồng), ở độ cao trung bình 588m – 644m so với mặt nước biển, tựa lưng vào núi Bảo Đài, mặt trước có Ngọn Bút là tiền án. Chùa là một cụm các công trình phân bố từ chân lên đỉnh của ngọn Ngọa Vân (Ngọa Vân Phong), nơi nhân dân hiện nay quen gọi là khu Chùa đổ hay Nhà Mẫu và Bàn Cờ tiên.


Những nghiên cứu khảo cổ học tại đây đã cho thấy, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, Pháp Loa đã cho xây dựng và mở rộng khu vực này thành trung tâm của Ngọa Vân. Bằng chứng về việc này là khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều gạch ngói, chân tảng và các loại hình vật liệu kiến trúc khác nhau của thời Trần, các di vật tìm được cho thấy, chùa Ngọa Vân thời Trần có quy mô lớn. Đặc biệt, dựa vào vào những chân tảng có kích thước lớn với phần u tròn nổi cao có đường kính trung bình từ 60- 70cm chúng ta có thể hình dung các kiến trúc ở đây là kiến trúc có kết cấu cột gỗ, đường kính cột trung bình 50-60cm, mái lợp ngói mũi sen hoặc mũi lá.

Ngói mũi sen thời Lê Trung hưng có in nổi hai chữ Vân Phong. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Thời Lê Trung hưng, sau thời gian dài bị xuống cấp, năm 1707 Ngọa Vân được trùng tu và xây dựng mở rộng. Năm 2009, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu vết nền móng của chùa Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng.



Chân bát hương, gốm men thời Lê Trung hưng. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng có mặt bằng hình chữ Nhị (二), trong đó kiến trúc thứ nhất (nằm phía trước) chỉ còn lại phần bó nền phía Đông; Kiến trúc thứ hai liền sát với kiến trúc thứ nhất về phía Bắc và gần sát với chân núi. Dấu vết còn lại của kiến trúc này gồm có: 16 chân tảng và gia cố chân tảng, bó nền phía Bắc, một phần bó nền phía Nam và dấu vết gia cố của bó nền phía Đông. 16 chân tảng và gia cố chân tảng xếp thành 6 hàng, theo chiều Bắc – Nam ghé Đông khoảng 10 độ.

Căn cứ vào các chân tảng, gia cố chân tảng và dấu vết bó nền còn lại các nhà khảo cổ học đã xác định kiến trúc thứ hai có mặt bằng hình chữ nhật, với kết cấu 3 gian, 2 chái, 6 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, trong đó 3 gian giữa rộng 3,5m, hai chái rộng 1,7m, khoảng cách giữa hai cột cái trong một hàng là 3,5m; giữa cột cái và cột quân là 1,7m. Bên cạnh các di tích còn lại, tại đây cũng tìm thấy nhiều ngói mũi sen thời Lê Trung hưng cùng nhiều đồ gốm sứ, trong đó có những mảnh bát hương là những đồ gốm men chất lượng cao và có giá trị của đương thời. Trong số ngói mũi sen tìm được ở đây, đáng lưu ý có nhiều viên có in nổi hai chữ Vân Phong (雲 峯) ở mặt trên của ngói. Như đã trình bày, Vân Phong là tên gọi khác hay chính là cách gọi tắt của Ngọa Vân Phong.




Dấu vết mặt bằng hai tòa bảo điện chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVIII Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Bản vẽ cấu trúc mặt bằng tòa bảo điện thứ hai chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng


Bát, sứ thời Minh thế kỷ XVI. Ảnh: Nguyễn Văn Anh



Như vậy, dưới thời Lê Trung hưng, chùa Ngọa Vân có mặt bằng hình chữ nhị gồm hai tòa nhà bằng gỗ, nằm song song và liền sát nhau với cấu trúc 3 gian 2 chái, mái lợp ngói mũi sen, trên ngói có in nổi hai chữ Vân Phong là tên gọi khác của chùa, đây cũng chính là hai tòa bảo điện được nhắc tới trong bia Trùng tu chùa Ngọa Vân.



Tượng, đất nung, thời Lê Trung hưng Ảnh: Nguyễn Văn Anh



Ngoài dấu vết chùa chính, khảo cổ học cũng đã tìm thấy khu nhà ở dành cho tăng/ni ở phía dưới và đặc biệt, trên đỉnh Ngọa Vân, nơi thường được gọi là Bàn cờ tiên, tại đó có 1 nền kiến trúc kích thước 9,6x8,6m. Đó chính là dấu vết còn lạicủa Tịnh thất nơi các vị cao tăng/nhà sư trụ trì thiền định.

Như vậy, với những di tích, di vật đã được phát hiện, nghiên cứu có thể thấy chùaNgọa Vân thời Lê Trung hưng gồm 3 khu: Khu nhà tăng ở phía dưới, khu chùa nằm ở trung tâm và trên cùng là tịnh thất, trong đó Chùa, Tịnh thất và ngọn Tháp Bút nằm trên một đường thẳng, đó chính là trục Thần đạo của chùa Ngọa Vân.


Các ghi chép của thời Nguyễn không thấy nhắc tới các công trình đã được xâydựng từ thời Lê Trung hưng. Bản họa đồ giới hạn chùa Ngọa Vân trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí đều không nhắc đến các công trình kiến trúc ở đây. Như vậy, đến thời Nguyễn, tức là sau hơn 100 năm các công trình được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng có lẽ đã bị phá hủy.


Đầu thế kỷ 20, nhân dân làng Đốc Trại (nay là làng Trại Lốc), làng được nhàNguyễn giao cho trông coi và thờ phụng lăng tẩm của các vua Trần và chùa NgọaVân đã xây dựng một số kiến trúc nhỏ để làm nơi thờ phụng, công trình kiến trúcxây bằng đá nằm dịch về phía Tây hiện còn chính là chùa Ngọa Vân do dân làngĐốc Trại xây dựng vào đầu thế kỷ XX.

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển, nằm dọc theo chiềuTây Nam – Đông Bắc, đầu hồi phía Tây – Nam mở 3 cửa vòm và là mặt trước của chùa. Phần mái kiến trúc đã mất, chỉ còn 4 bức tường, trên tường có trổ các cửa.Trên cửa chính đắp nổi một bức hoành phi hình chữ nhật, trong đề ba chữ Ngoạ Vân tự (卧雲寺), tức là chùa Ngoạ Vân. Như vậy, đến thời Nguyễn, mặc dù quy mô có bị thu hẹp lại nhưng đây vẫn là vị trí của chùa. Sau này, tại đây người ta không chỉ thờ Phật mà còn phối thờ Mẫu nên nó còn được gọi là Nhà Mẫu.
2. Am Ngọa Vân



Toàn cảnh khu Am Ngọa Vân Ảnh: Bùi Minh Trí


Am Ngọa Vân nay là chùa Ngọa Vân, nằm cách chùa Ngọa Vân khoảng 200m về phía Bắc, lấy ngọn Ngọa Vân làm tay ngai phải (hữu bạch hổ) và cánh núi phía Đông của núi Bảo Đài làm tay ngai trái (tả thanh long). Tháng 5 năm 1307, sau một thời gian tu hành, giảng pháp và vân du khắp nơi để dạy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, Trúc Lâm đại sĩ đã lên tu tại một am nhỏ trên Ngọa Vân, am nhỏ đó được gọi tên theo tên của ngọn núi nơi dựng am tức là am Ngọa Vân.


Các ghi chép về hành trạng tu hành của Trúc Lâm đại sĩ và các di tích, di vật mà khảo cổ học tìm được tại Ngọa Vân cho thấy, ban đầu khi Trúc Lâm đại sĩ đếnNgọa Vân ngài chỉ cho dựng một am nhỏ gọi là am Ngọa Vân để tu hành. Giờ Tý,ngày 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tửnằm, Ngọa Vân đã trở thành điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Sau khi Trúc Lâm đại sĩ hóa Phật, đệ tử của Ngài tiến hành hỏa thiêu Ngài ngaytại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng một tòa bảo tháp để lưu giữ một phầnxá lỵ của Ngài tại đây. Ngọc cốt và xá lỵ còn lại được chuyển về kinh đô ThăngLong rồi sau đó được phân chia đi an trí ở nhiều nơi.

Là nơi Phật hoàng tu hành và đắc đạo, Ngọa Vân trở thành thánh địa của Thiềnphái Trúc Lâm, nên ngay sau khi Ngài mất, người nối dòng của Ngài là tổ Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Đến đây, Ngọa Vân không chỉ là amnhỏ nữa mà đã trở thành một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn trên dãy Yên Tử.Trong đó am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trải qua một thời gian dài suy vong của Phật giáo nói chung, Phật giáo Trúc Lâmnói riêng, các công trình kiến trúc ở Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Trầnkhông còn nữa. Đầu thế kỷ XVIII, thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng lại Ngọa Vân. Tại khu vực am Ngọa Vân, ông cho xây dựng lại Phật Hoàng tháp, nhà tổ làm nơi thờ tam tổ Trúc Lâm và một số công trình khác.

Bản vẽ mặt bằng chùa Ngọa Vân trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ




Ngày nay, nhà tổ đã bị phá hủy, nhưng các dấu vết nền móng còn lại và ba bệ hoa sen cho phép chúng ta hình dung phần nào diện mạo cũng như công năng của công trình nhà tổ ở đây. Một số công trình được xây dựng tại đây hiện còn đã minh chứng rõ cho một giai đoạn phục hưng và phát triển của Ngọa Vân thế kỷ XVIII, các công trình đó gồm:










- Dấu vết bó nền móng kè đá: Nửa phía Bắc có dấu tích nền móng được kè xếp đá rất cẩn thận với hai cấp nền: (1) cấp nền thứ nhất rộng hơn cấp nền hai, mặt phía nam của cấp nền này được kè xếp bằng đá theo kiểu tà luy, cao khoảng 7m, chính giữa có kê xếp bậc lên xuống; (2) cấp nền thứ hai cao hơn cấp nền thứ nhất khoảng 3m, mặt phía nam của cấp nền này được kè xếp bằng đá giống như ở cấp nền thứ nhất. Các cấp nền này đều đã được tu sửa nhiều lần.


- Tháp đá: Tại cấp nền thứ nhất hiện còn hai tháp được xây dựng bằng đá gạovà đá bán laterit.

Bệ tượng tam tổ, đá, thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVIII. Ảnh: Nguyễn Văn Anh



+ Tháp thứ nhất: nằm ở phía đông của cấp nền 1, có tên là tháp Đoan Nghiêm (端嚴塔). Tháp có mặt bằng hình vuông, có một tầng bệ, hai tầng thân và phần chóp tháp. Bệ tháp gồm hai tầng không trang trí hoa văn. Tầng thứ nhất cao 1,25m, mặt phía Nam mở 1 cửa, cửa cao 72cm, rộng 42cm, cánh cửa làm bằng đá (hiện đã vỡ); chính gữa mặt phía Nam của tầng hai chạm bức đại tự hình chữ nhật gồm 3 chữ Hán Đoan Nghiêm tháp (端嚴塔); Chóp tháp hình búp sen; Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị chạm nổi mười bảy chữ Hán “Nam mô Thiền Lâm thích tử ma ha tì kheo Đức Hưng thiền sư an tọa hạ” - (Nam mô a di đà Phật. Bài vị thờ ma ha tì kheo đệ tử phái Thiền Lâm, thiền sư Đức Hưng). Bài vị đặt trong tháp cho chúng ta biết, Đoan Nghiêm tháp là tháp mộ của thiền sư Đức Hưng.
Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân cho biết năm 1707 nhà sư chủ trì chùa Ngọa Vân là thiền sư hiệu Đức Hưng, tự là Viên Minh đứng ra trùng tu Ngọa Vân, đệ nhất cung tần Dương Thị Trinh và bà Dương Thị Phương người dạy hát trong ty Thị Nội làm thí chủ. Như vậy, người được an trí trong tháp Đoan Nghiêm chính là Thiền sư Đức Hưng, người đã chủ trì trùng tu, xây dựng và mở rộng Ngọa Vân thế kỷ XVIII. Điều đó có nghĩa là, tháp Đoan Nghiêm cũng được xây dựng vào thời gian này.

Voi đá và ngựa đá chầu trước tháp Phật Hoàng Ảnh: Nguyễn Văn Anh



+ Tháp thứ hai nằm ở phía tây của cấp nền 1, có tên là tháp Phật Hoàng (佛皇塔). Về cấu trúc, tháp Phật Hoàng không khác biệt nhiều so với Đoan Nghiêm tháp. Chính giữa mặt Nam tầng thứ hai chạm nổi ba chữ Hán Phật Hoàng Tháp (佛皇塔) trong khung hình chữ nhật. Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị ghi “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương Phật” - (Nam mô a di đà Phật. Bài vị thờ Điều ngự vương Phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần, Hoàng đế Nhân Tông). Nội dung chữ khắc trên bài vị cho biết đây là tháp chứa xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Bài vị đặt trong tháp Phật Hoàng. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Trước mặt tháp có một tấm bia đá hình chữ nhật, được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), nội dung bia ghi “Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng, Trần triều Nhân Tông hoàng đế lăng sắc tạo”. (Nghĩa là: Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), phụng sắc tạo (bia) lăng hoàng đế Trần Nhân Tông.).


Bên cạnh bia đá, ở đây còn một tượng voi và một tượng ngựa. Tượng voi còn khánguyên và được tạc ở tư thế phủ phục. Tượng ngựa đã bị đập vỡ chỉ còn nửa phía sau. Trong quy định về chế độ táng thức của các triều đại phong kiến, chỉ có tầng lớp quý tộc như vua quan mới được dựng tượng voi, tượng ngựa ở trước lăngtẩm. Ở đây, Phật Hoàng tháp là nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tôngmột nhà vua đi tu và đắc đạo vì vậy mới có ngựa đá, voi đá phủ phục, trong khi đó ở Đoan Nghiêm tháp không có điều đó.

- Bia đá: Có hai bia, bia thứ nhất nay được dựng ở phía trước am Sơn Thần thuộc cấp nền thứ hai. Bia có tên Trùng tu Ngoạ Vân tự (bia ghi chép về việc trùng tu chùa Ngoạ Vân). Bia làm bằng đá xanh gồm 2 phần đế và thân, đế bia hình chữ nhật, cao 20cm, dài 129cm, rộng 52cm; thân bia rộng 91cm, cao 125cm, diềm thân trang trí văn mây, trán bia hình bán nguyệt trang trí mặt nguyệt ở gữa, hai bên văn mây hóa rồng. Bia được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707). Hai mặt chính khắc chữ (xem thêm phụ lục phiên âm, dịch nghĩa văn bia hiện còn tại Ngọa Vân), mặt trước của bia ghi chép về việc trùng tu chùa Ngọa Vân (重修卧雲寺碑記), nội dung bài văn ở mặt này có thể vắn tắt như sau:

Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Ngọa Vân là nơi cảnh Phật cõi thiêng, cách đây hơn 400 năm vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để dựng am tu hành. Trải qua thời gian bị quên lãng, nay nhà sư trụ trì chùa Ngọa Vân là Thiền sư Đức Hưng, tự là Viên Minh với sự phát tâm công đức của tín chủ Diệu Tín, một người dạy hát ở cung Thị Nội và bà Dương Thị Trinh, đệ nhất cung tần của ty Thị Nội đã trùng tu và xây dựng “gác chuông và tăng phòng, tổng cộng là 25 gian, làm hai tòa bảo điện, dựng một tấm bia đá, làm thêm Kim am, Hương Vân am, Giải Thoát am, tất thảy đều kiên cố, thâm nghiêm”.


Mặt sau của bia ghi chép họ tên những người phát tâm công đức với tựa đề Công đức bi ký (功德碑記). Ngoài ra, đáng lưu ý ở mặt này còn khắc thêm Sắc chỉ của chúa Trịnh ban hành ngày 24 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 10 (1689). Trong sắclệnh này, chúa Trịnh đã giao cho xã An Sinh trông nom, thờ phụng lăng tẩm các vua Trần tại đền An Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Tư Phúc và hàng năm dân xã An Sinh được miễn trừ sưu sai, tạp dịch.


Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân là một nguồn tư liệu rất quý của chùa, nó không chỉ cung cấp những tư liệu về việc trùng tu chùa Ngọa Vân dưới thời Lê Trung hưng mà còn cho biết vị trí của Ngọa Vân trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử. Nó góp thêm những bằng chứng quan trọng minh chứng rõ ràng rằng Ngọa Vân là một quần thể di tích lớn khác của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử nằm ngoài khu di tích danh thắng Yên Tử ngày nay. Hay nói cách khác, khái niệm Yên Tử xưa là một không gian rộng lớn chạy dài từ Uông Bí qua Đông Triều đến một phần của Chí Linh ngày nay, đó là một không gian văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm, trong không gian đó Ngọa Vân là trung tâm và là thánh địa của thiền phái Trúc Lâm.

- Các kiến trúc xây dựng đầu thế kỷ XX: Các dấu vết kiến trúc còn lại tập trung ở cấp nền thứ hai, gồm chùa hiện nay, am Sơn Thần và am Ngọa Vân. Các công trình này được nhân dân làng Đốc Trại (nay là làng Trại Lốc)12 tổ chức xây dựng làm nơi thờ tự.

+ Nhà Tổ: Đến thời Nguyễn các kiến trúc tại am Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng phần lớn đã bị phá hủy hoặc xuống cấp. Trước bối cảnh đó, dân

1. Xem thêm Nguyễn Văn Anh, Đền Thái, đình Đốc Trại và lịch sử hình thànhcác trại ở An Sinh. tạp chí Khảo cổ học, số 5/2011, tr 48-52.
làng Đốc Trại đã tổ chức xây dựng một số công trình mới để làm nơi thờ cúng. Tại vị trí trước đây là Nhà Tổ, dân làng đã cho xây dựng một kiến trúc để thờ Phật và thờ Tam tổ (Nhà Tổ). Nhà Tổ có mặt bằng hình chữ nhật có diện tích 50m2 (dài Đông - Tây 7,3m, rộng Bắc - Nam 6,4m), 3 gian lợp ngói, tường xây bằng đá, trước năm 2000 Nhà Tổ cũng bị đổ nát, năm 2000 Nhà Tổ được sửa chữa, lợp lại mái, đặt tượng,...Nhà Tổ trở thành chùa chính của Ngọa Vân như hiện nay.


+ Am thờ Sơn Thần: nằm ở phía đông của cấp nền hai, cách Nhà Tổ khoảng 10mvề phía Đông. Nhà tổ là một kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 9,2m2 (dài Bắc - Nam 3,46m, rộng Đông - Tây 2,67m) mái cuốn vòm bằng gạch, hồi phíaNam mở 1 cửa, trên cửa đắp nổi 1 cuốn thư trong đắp nổi ba chữ Hán “Thiên Sơn Từ” (千山祠)

tức là nơi thờ các vị thần. Hai cột bên có đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi vùngđất nơi cảnh Phật cõi tiên bốn mùa cảnh sắc tươi tốt. “Tứ thời cảnh sắc tân; Vạn cổ anh linh tự” - (Muôn thuở chùa linh ứng; Bốn mùa cảnh sắc tươi).

+ Am Ngọa Vân: nằm ở phía tây của cấp nền hai, hơi lui về phía bắc, cao hơn cấp nền 2 khoảng 3m. Am xây bằng gạch, mái cuốn vòm bằng gạch giống như am Sơn Thần. Hồi phía Nam mở một cửa ra vào, trên đề 3 chữ Hán Ngoạ Vân Am (卧雲庵) tức là am Ngọa Vân. Theo truyền thuyết, khi Phật Hoàng nhập niết bàn, Ngài nằm ở tư thế sư tử nằm trên một tảng đá lớn. Theo mô tả của sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ thì tảng đá nơi Phật Hoàng nhập niết bàn được gọi là Đá Niết bàn, nó nằm cách tháp Phật Hoàng 23,5m; Đá Niết bàn có chiều dài 4,40m; chiều rộng 3,65m và cao 2,44m.

Am Ngọa Vân, kiến trúc đầu thế kỷ XX Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Điều đáng lưu ý là, bản vẽ mặt bằng chùa Ngọa Vân trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ có vẽ hình tảng Niết bàn, chùa Ngọa Vân, hai tòa tháp, bia đá với kích thước cụ thể nhưng không có Am Ngọa Vân. Chi tiết này cho phép chúng ta suy đoán rằng, đến đầu thế kỷ XX, người ta đã xây dựng am Ngọa Vân lên vị trí vốn là tảng đá mà tương truyền là nơi Phật Hoàng nhập niết bàn.


Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét