Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Sự Sống, một Thiết kế Vĩ đại

Phạm Việt Hưng

DNA structure is an undisputable evidence to prove that life cannot be a random combination of inorganic molecules, but must be surely the result of a work which is designed purposedly to conform to the Axiom of Order. This is the most important conclusion which can be drawn from the work by Prof. Dr. Vũ Hữu Như, “The Axiom of Order and The Biological Space-Time”,…
Cấu trúc của DNA là bằng chứng không thể chối cãi chứng tỏ sự sống không thể là sự kết hợp ngẫu nhiên của các phân tử vô cơ, mà chắc chắn phải là kết quả của một công trình được thiết kế có chủ ý thích hợp với Tiên đề Thứ tự. Đó là kết luận quan trọng nhất có thể rút ra từ công trình “Tiên đề Thứ tự và Không Thời gian Sinh học” của GSTS Vũ Hữu Như,…
Muốn biết bản chất của một tư tưởng, nên biết bối cảnh ra đời của nó. Muốn biết tư tưởng cuốn sách của GS Vũ, nên biết cái không-thời-gian đã sinh ra nó. Nội dung cuốn sách này chứa đựng nhiều sự kiện khoa học trong một phạm vi rất rộng cả về không gian lẫn thời gian, từ Dịch học thời cổ đại cho đến những khám phá của sinh học phân tử vừa xảy ra trong thời đại chúng ta. Nhưng vì thời cổ đại chưa có lịch sử thành văn nên tôi xin lược duyệt phần lịch sử hiện đại chắp cánh cho cuốn sách của GS Vũ, tính từ giữa thế kỷ 19 cho tới nay.

1/ Lược sử tối giản của khoa học từ giữa thế kỷ 19 tới nay

Năm 1897, họa sĩ Paul Gauguin vẽ một bức tranh khổ lớn mô tả cảnh sinh hoạt của người thổ dân trên đảo Tahiti thuộc Pháp ở Thái Bình Dương, rồi ghi lên đó những câu hỏi tư lự về thân phận con người:
“Que sommes-nous? D’où venons-nous? Où allons-nous?” (Chúng ta là gì? Chúng ta từ đâu tới? Chúng đi về đâu?)
Đó là những câu hỏi triết học từng làm cho những tâm hồn đa cảm giàu suy tư phải day dứt. Xã hội càng xuống dốc về đạo lý, những câu hỏi ấy càng đòi hỏi được trả lời một cách nghiêm túc. Trong khi triết học loay hoay tìm câu trả lời thì khoa học hiện đại đã tự nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ triết học. Thật vậy, chưa bao giờ sinh học và khoa học về sự sống nói chung, bao gồm cả khoa học về nhận thức, dám đặt ra cho mình những câu hỏi tương tự như câu hỏi của Gauguin:
  • Bản chất sự sống là gì?
  • Sự sống đến từ đâu?
  • Có sự tiến hóa thật không, hay đó chỉ là một ngộ nhận?
  • Ý thức là gì?
  • Nhận thức có giới hạn không?
  • Nhận thức duy lý khác với nhận thức duy cảm và duy linh ở chỗ nào?…
Những câu hỏi ấy thôi thúc con người khám phá. Trong hai thế kỷ qua, hàng loạt bí mật đã dần dần được vén mở:
  • 1848, Louis Pasteur khám phá ra Định luật Bất Đối xứng của Sự Sống, để lộ cho thấy sự sống là một tác phẩm được thiết kế một cách có chủ ý
  • 1862, với Thí nghiệm Bình cổ cong Thiên nga nổi tiếng, Louis Pasteur khám phá ra Định luật Tạo sinh (Biogenesis), khẳng định sự sống chỉ ra đời từ sự sống.
  • 1865, Linh mục Công giáo Gregor Mendel công bố các Định luật Di truyền, dẫn tới cuộc cách mạng Di truyền học trong thế kỷ 20.
  • 1953, Francis Crick và James Watson khám phá ra DNA, khởi đầu cuộc tấn công của khoa học vào thế giới sâu kín nhất của sự sống. Các công trình giải mã DNA dẫn sinh học tới ranh giới giữa khoa học và siêu hình học bởi câu hỏi: Nguồn mã DNA là gì (Mã DNA từ đâu đến)? Đây có thể là điểm tận cùng của khoa học vật chất và là điểm khởi đầu cho một thứ khoa học mới ─ khoa học về thông tin của sự sống.
Theo một hướng khác hoàn toàn độc lập với sinh học nhưng ngẫu nhiên hỗ trợ đắc lực cho sinh học, một loạt khám phá của toán học và vật lý đã dần dần từng bước vén mở thế giới thông tin trong vũ trụ, giúp các nhà sinh học khám phá ra thế giới thông tin của sự sống, từng bước tiếp cận tới thế giới ý thức và tư duy của con người:
  • 1931, Kurt Gödel khám phá ra Định lý Bất toàn, chỉ ra rằng nhận thức duy lý có giới hạn, và tồn tại những sự thật vượt ra ngoài nhận thức duy lý.
  • 1936, Alan Turing phác thảo thiết kế Máy Turing, tiền thân của computers ngày nay, đồng thời khám phá ra Sự cố dừng như một biểu hiện cụ thể của Định lý Bất toàn trong khoa học tính toán theo chương trình.
  • 1948, Claude Shannon và Nobert Wiener cho ra đời những công trình nghiên cứu quan trọng được coi là tiền thân của Lý thuyết Thông tin, dẫn tới một cuộc cách mạng triệt để cả trong đời sống thực tế lẫn triết học nhận thức, bởi lần đầu tiên thừa nhận một hiện thực phi vật chất có tác động quyết định đến mọi cỗ máy trong vũ trụ, đặc biệt là những cỗ máy sinh học. Hiện thực ấy xưa nay đứng ngoài khoa học, bởi chủ nghĩa duy vật không thừa nhận bất kể cái gì không phải là vật chất. Nhưng những tiên đề của lý thuyết THÔNG TIN đã thách thức chủ nghĩa vật chất, buộc khoa học duy vật phải thay đổi cách nhìn về thế giới, nếu nó muốn tiếp tục tiến lên để nhận thức bản chất của thế giới!
  • 1949, chiếc computer EDVAC ra mắt tại “Viện nghiên cứu đạn đạo” (Ballistics Research Laboratory) của Mỹ. Đó là một trong những chiếc computer điện tử đầu tiên có bộ nhớ và hoạt động theo chương trình dựa trên hệ nhị phân. Khoa học computer ra đời, thừa hưởng những khám phá của toán học, vật lý, sinh học, và lý thuyết thông tin, giúp con người tiến gần tới những bí mật tận cùng của sự sống.
Nói một cách hình ảnh, những khám phá khoa học trong 150 năm qua đã lần lượt bóc những lớp vỏ của “củ hành nhận thức”, cho chúng ta tiếp cận tới phần lõi trắng tinh của nó. Điều này làm cho một số người lạc quan vui mừng cho rằng khoa học sắp trả lời được những câu hỏi của Gauguin. Nhưng những người có tư duy triết học sâu sắc lại nhận ra điều ngược lại: khoa học càng tiến gần tới cái lõi của nó thì giới hạn của nhận thức lại càng lộ ra ngày một rõ nét hơn.
Trong không khí tưng bừng của những khám phá đó, một công trình nghiên cứu của GSTS Vũ Hữu Như, một nhà vật lý từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, đã chỉ ra ranh giới phân biệt sự sống với cái không sống nằm ở đặc trưng thứ tự  sự sống là một hệ thứ tự trong khi thế giới vô cơ thì không. Nhận định này rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta trả lời được nhiều câu hỏi vẫn còn tranh cãi trong sinh học, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc sự sống. Hơn thế nữa, nó mở rộng tầm nhìn của khoa học tới một khu vực mà cho tới nay khoa học vẫn “kính nhi viễn chi”, ấy là khu vực phi thứ tự.
Những tư tưởng nói trên đã được GS Vũ trình bày trong cuốn sách của ông “Tiên đề Thứ tự và Không Thời gian Sinh học”, do NXB Đại học Quốc gia Hà-nội xuất bản năm 2014, và đã được tóm tắt trong một bài báo do chính ông viết, Thứ tự và Không thứ tự; Thứ tự và Quy luật Tư duy, vừa được công bố trên mạng ngày 13/08/2018.
Từ công trình nghiên cứu này, chúng ta có thể rút ra 2 kết luận quan trọng:
  • Một – Sự sống là một hệ thứ tự, do đó nó KHÔNG THỂ là kết quả của sự kết hợp ngẫu nhiên các phân tử vô cơ, như học thuyết Abiogenesis (lý thuyết nguồn gốc sự sống của Thuyết tiến hóa) đã nói. Sự sống ắt phải là kết quả của một công trình được thiết kế một cách có chủ ý, tuân thủ Tiên đề Thứ tự.
  • Hai – Khoa học là một hệ thống nhận thức duy lý dựa trên Tiên đề Thứ tự, do đó khoa học có giới hạn ─ Khoa học là công cụ hữu hiệu để nhận thức những hệ thứ tự, nhưng bất lực khi tiếp cận tới những hệ phi thứ tự. Điều này phù hợp với tư tưởng của Định lý Gödel.
Hai kết luận nói trên là điểm đến tất yếu khi tôi lần giở từng trang sách của GS Vũ và dò dẫm từng chữ trong bài báo của ông để liên tưởng tới những gì tôi từng suy nghĩ về bản chất sự sống. Trong hành trình tư tưởng đó, tôi khám phá ra những điểm tương đồng với cách nhìn vốn có của mình về thế giới. Đặc biệt, tôi khám phá ra những luận cứ ủng hộ Lý thuyết Thiết kế Thông minh, và điều đó làm tôi thích thú reo lên trong lòng: “Mọi con đường đều dẫn tới La Mã” (Tous les chemins mènent à Rome). Những thảo luận tiếp theo đây là tiếng reo mừng đó, như một chia sẻ chân thành với GS Vũ và độc giả.

2/ Đặc trưng thứ tự của sự sống

Mọi tư duy duy lý (rational thinking) hoặc tư duy lý lẽ (resoning thinking) xét cho cùng đều có thể quy về khái niệm so sánh lớn hơn / nhỏ hơn hoặc bằng. Nói cách khác, mọi tư duy duy lý và lý lẽ xét cho cùng đều là tư duy thứ tự, trong đó các đối tượng quan sát được xếp đặt sao cho cái nào đứng trước, cái nào đứng sau, cái nào có trước, cái nào có sau. Sự so sánh này hình thành một cách tự nhiên trong nhận thức của con người, nhưng dần dần, với sự phát triển của ngôn ngữ, quan hệ so sánh được biểu diễn rõ ràng và chính xác nhất dưới dạng toán học.
Toàn bộ toán học là một hệ thứ tự, hình ảnh tiêu biểu nhất của tính chất sắp thứ tự trong toán học là trục số thực, trên đó 2 điểm tương ứng với 2 số thực x và y sẽ được sắp xếp theo thứ tự “trước – sau” nếu x < y
Nói cách khác, tập hợp số thực là một hệ được sắp thứ tự, nói gọn là một hệ thứ tự. Hình ảnh trục số lập tức gợi ý cho chúng ta thấy một hệ thứ tự là một hệ được định hướng. Tập số thực là một hệ được định hướng từ nhỏ đến lớn ─ trục số thực được định hướng từ trái sang phải (hướng mũi tên là chiều tăng của số thực).
Nếu “đặc trưng thứ tự chỉ là đặc thù của các hệ sinh học, các hệ vô cơ không có đặc thù này”[1] như GS Vũ đã nói, thì điều đó có nghĩa là chỉ có sự sống mới được định hướng, trong khi các hệ vô cơ thì không. Câu hỏi lập tức được đặt ra: AI ĐÃ ĐỊNH HƯỚNG SỰ SỐNG?
Đây là một câu hỏi rất quan trọng, nhưng trước khi thảo luận câu hỏi đó, hãy hỏi: “Căn cứ vào đâu để kết luận sự sống là một hệ thứ tự?”. Để trả lời, xin hãy quay trở lại với trục số thực.
Nếu coi trục số là hình ảnh của không gian 1 chiều hoặc hình ảnh của trục thời gian thì ta có thể nói không-thời gian 1 chiều là một hệ thứ tự.
Có thể mở rộng khái niệm đó cho các không gian nhiều chiều hơn. Chẳng hạn:
Trong không gian 2 chiều, mỗi điểm sẽ là một cặp số thực được sắp xếp theo thứ tự, sao cho:
Nếu  b thì (a,b)  (b,a)  (O2)
Trong ký hiệu (O2) ở trên, chữ “O” là viết tắt của “Order” (thứ tự), còn số “2” ý nói đây là hệ thức thứ tự trong không gian 2 chiều.
Những bạn không làm toán có thể thấy mệnh đề (O2) có vẻ rắc rối quá, làm mệt óc, nhưng thực ra ý nghĩa thực tế của nó rất đơn giản: Trong hệ trục tọa độ Descartes 2 chiều, nếu hoành độ độ a không bằng tung độ b thì điểm có tọa độ (a,b) sẽ khác biệt với điểm (b,a).
Tóm lại, mệnh đề (O2) chính là một hệ thức thể hiện Tiên đề Thứ tự trong không gian 2 chiều. GS Vũ còn mở rộng ý nghĩa của (O2) cho Tích Đề-các (Cartesian Product) trong Lý thuyết Tập hợp, nhưng vì nhiều độc giả có thể bị mệt với toán học, nên chúng ta hãy làm một công việc nhẹ nhàng hơn, đó là mở rộng (O2) cho không gian 3 chiều. Khi đó ta sẽ có:
Nếu a  b  c  a thì (a, b, c)  (b, c, a)  (c, a, b) ≠ … (O3)
(O3) chính là hệ thức thứ tự trong không gian 3 chiều. Thật bất ngờ khi ta gặp hệ thức tương tự như (O3) trong Sinh học Phân tử:
“Hệ thức trật tự (AUG) ≠ (UGA) ≠ (UAG) trong mã di truyền sẽ làm tiền đề cho việc nghiên cứu thời gian trong sinh học của tác giả. Để hiểu được ý nghĩa quan trọng của hệ thức này cần phải nghiên cứu sâu về các dạng của Tiên đề Thứ tự”[2].
Có thể một số độc giả không nghiên cứu sinh học sẽ không hiểu câu nói trên. Vậy xin làm rõ: Mỗi bộ ba (AUG), (UGA),… là một nucleotide trong gene. Chúng đóng vai trò gì đối với sự sống? GS Vũ nói cho chúng ta biết:
“Mỗi bộ ba nucleotide nhất định trong gene  xác định vị trí gắn của một acid amin trong một chuỗi polypeptid”[3].
Có nghĩa là chuỗi polypeptide tuy bao gồm nhiều acid amin khác nhau, nhưng không phải các acid amin ấy được nối ghép với nhau một cách tùy tiện, ngẫu nhiên, vô trật tự, mà phải tuân thủ đặc trưng thứ tự. Đặc trưng ấy được thể hiện bởi hệ thức: (AUG) ≠ (UGA) ≠ (UAG)
Nói cách khác, mỗi bộ ba nucleotide sẽ xác định vị trí của một acid amin trong chuỗi polypeptide, và theo hệ thức (AUG) ≠ (UGA) ≠ (UAG), ta thấy mỗi acid amin sẽ có một vị trí riêng của nó, một vị trí hoàn toàn xác định trong thứ tự nối ghép các acid amin để tạo thành chuỗi polypeptide!
Đến đây ta không thể không lắc đầu thất vọng với ý kiến nhảm nhí cho rằng vật chất vô cơ có thể NGẪU NHIÊN và TÌNH CỜ tập hợp lại để tạo thành sự sống! Toán học xác suất đã tham gia vào việc này để khẳng định rằng sự kiện tình cờ đó là KHÔNG THỂ xảy ra! Chuyện này sẽ nói sau, còn bây giờ phải nói ngay điều cần nói:
Một người có hệ thần kinh lành mạnh ắt sẽ phải sửng sốt khi thấy hệ thức thứ tự của các nucleotide hoàn toàn giống hệ thức của Tiên đề Thứ tự trong không gian toán học 3 chiều! Nếu ai đó không ngạc nhiên và thán phục Tạo Hóa đã khéo xếp đặt như vậy thì người ấy thuộc loại người vô cảm đáng thất vọng mà Albert Einstein từng chê bai một cách lịch sự khi ông nói:
“Chỉ có hai cách sống cuộc sống của bạn. Một là sống như chẳng có cái gì là phép lạ. Hai là sống như mọi thứ đều là phép lạ” (There are only two ways to live your life. One is as though nothing is a miracle. The other is as though everything is a miracle)[4]
Chính tác giả bài báo “Thứ tự và Không Thứ tự” đã không thể cầm lòng mà phải thốt lên: “Số học đã ẩn chứa ngay trong các cơ thể sống!”[5]
Câu nói ấy hàm ý: Một thiết kế có chủ ý định hướng cho sự sống đã ẩn chứa ngay trong các cơ thể sống. GS Vũ giải thích:
“Các nhà sinh học quan niệm rằng một phân tử DNA là một dãy sắp thứ tự của hàng trăm hay hàng ngàn nucleotide. Sự thay đổi vị trí dù chỉ một nucleotide trong dãy thứ tự này đồng nghĩa với việc đã hoán đổi thành một vector khác”[6].
Và đó là lý do để ông kết luận:
“…đặc trưng quan trọng của các hệ sinh học đó là đặc thù thứ tự. Đặc thù này thể hiện qua việc điều hành các hệ thống sinh học được thực hiện qua các lệnh. Các lệnh này được thông báo bằng một ngôn ngữ thông qua các dãy ký tự, đó là các sâu thứ tự. Vì vậy các hệ sinh học là các hệ thứ tự”[7].

3/ Lý thuyết Thiết kế Thông minh

Toàn bộ công trình của GS Vũ không nhắc đến Lý thuyết Thiết kế Thông minh (Theory of Intelligent Design), nhưng tự thân công trình nghiên cứu của ông là một luận văn chứng minh cho sự đúng đắn của lý thuyết này.
Lý thuyết thiết kế thông minh là lý thuyết chỉ ra những cỗ máy tinh vi và phức tạp nhưng tài tình của tự nhiên để chứng minh rằng những cỗ máy ấy ắt phải được thiết kế một cách có chủ ý. Sự sống là cỗ máy vĩ đại và tiêu biểu nhất của tự nhiên nói lên vai trò tất yếu phải có của của Nhà Thiết kế Sự Sống.
Lý thuyết này tự động bác bỏ thuyết tiến hóa, và do đó các nhà tiến hóa ra sức lên án nó, coi nó như một cánh tay nối dài của Thuyết Sáng tạo (Creationism), từ đó đổ vấy cho nó những ý đồ tôn giáo. Đó là những hành vi thấp kém, sợ sự thật, đánh lạc sự chú ý của công chúng nhằm biến cuộc tranh luận về tính phản khoa học của Thuyết tiến hóa thành chuyện đấu khẩu về tôn giáo. Một số người đã bị mắc lừa bởi kiểu đánh lận con đen này, nhưng những người tỉnh táo và có bản lĩnh thì không.
Lý thuyết Thiết kế Thông minh dựa trên tư tưởng nền tảng do Thánh Thomas Acquinas phát biểu từ thế kỷ 13, như một Tiên đề:
Ở bất kỳ nơi nào tồn tại một bản thiết kế phức tạp ở đó ắt ĐÃ phải có một nhà thiết kế; Tự nhiên rất phức tạp, do đó tự nhiên ắt ĐÃ phải có một nhà thiết kế thông minh” (wherever complex design exists, there must have been a designer; nature is complex; therefore nature must have had an intelligent designer)[8]
Tất cả các nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại như Nicolas Copernicus, Galileo Galilei, René Descartes,  Blaise Pascal, Isaac Newton, Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin, Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Thomas Edison, Nicolas Tesla, Kurt Gödel,… đều thể hiện quan điểm tán thành Tiên đề nói trên. Chỉ có các nhà tiến hóa mới bác bỏ nó. Stephen Hawking từng tin tưởng vào tiên đề đó, nhưng cuối đời đã thay đổi quan điểm, có lẽ vì quá tự phụ.
Tuy nhiên, chúng ta không cần dựa vào uy tín của bất cứ một nhà khoa học lỗi lạc nào để khẳng định điều chúng ta thấy là hợp lẽ phải. Tiên đề do Thánh Thomas Acquinas là điều hiển nhiên đúng, giống như các tiên đề của Euclid trong hình học vậy.
Toàn bộ công trình nghiên cứu của GS Vũ Hữu Như về Tiên đề Thứ tự và ý nghĩa lớn lao của tiên đề này đối với sự sống chính là một luận văn chứng minh bản chất đã được thiết kế của sự sống ─ càng hiểu rõ những sự xếp đặt kỳ lạ và tài tính của những phân tử bé tí xíu, người ta càng khâm phục bàn tay khéo léo và KHÔN NGOAN của Tạo Hóa, để đi tới kết luận chắc chắn ràng sự sống đã được thiết kế, thay vì ngẫu nhiên hình thành.
Công trình của GS Vũ trước hết là một cuộc tìm kiếm dấu vết của Tiên đề Thứ tự trong khắp các lĩnh vực khoa học và nhận thức, từ toán học tới điều khiển học, thậm chí tới Dịch học, Lão học,… để rồi cuối cùng muốn gửi đi một bản thông điệp mà ông nung nấu trong tâm can mấy chục năm trời, rằng SỰ SỐNG TUÂN THỦ TIÊN ĐỀ THỨ TỰ, và đó là điều bạn nên biết và phải biết, bởi cái biết ấy không chỉ làm cho bạn trở nên thông thái hơn trong những nhận định về thế giới, mà còn ảnh hưởng tới thái độ của bạn đối với cuộc sống.
Tôi nhiệt liệt đón nhận bản thông điệp của GS Vũ, đơn giản vì công trình nghiên cứu của ông là một đóng góp lớn cho Lý thuyết Thiết kế Thông minh, một lý thuyết mà từ lâu tôi đã tin tưởng và ủng hộ, một lý thuyết vừa giàu tính khoa học vừa mang ý nghĩa triết học, trong đó khẳng định SỰ SỐNG LÀ MỘT CÔNG TRÌNH TUYỆT MỸ ĐÃ ĐƯỢC THIẾT KẾ MỘT CÁCH CÓ CHỦ Ý. Chủ đề này đã từng được thảo luận sôi nổi trên PVHg’s Home, như:
Ngoài đặc trưng thứ tự mà sự sống phải tuân thủ, Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống cũng là một bằng chứng rõ ràng cho thấy SỰ SỐNG ĐÃ ĐƯỢC THIẾT KẾ CÓ MỤC ĐÍCH.
Định luật này khẳng định rằng phân tử của sự sống là bất đối xứng, hầu hết đều thuận tay trái, chỉ có một số rất ít thuận tay phải, trong khi vật chất vô cơ thì bao gồm những phân tử đối xứng phải/trái ─ tỷ lệ xuất hiện phân tử thuận tay trái ngang bằng với phân tử thuận tay phải.
Chính Pasteur đã đặt câu hỏi tại sao sự sống bất đối xứng, và ông đã nêu lên giả thuyết cho rằng tồn tại một lực bí ẩn tác động vào các phân tử của sự sống để buộc chúng bất đối xứng. Nói cách khác, Pasteur cho rằng tính bất đối xứng có nguyên nhân sâu xa thuộc về vũ trụ, một căn tính của vũ trụ, rồi ông kết luận:
“Vũ trụ là bất đối xứng và tôi tin rằng sự sống, như chúng ta đã biết, là một kết quả trực tiếp của tính bất đối xứng của vũ trụ hoặc hệ quả gián tiếp của nó. Vũ trụ là bất đối xứng” (The universe is asymmetric and I am persuaded that life, as it is known to us, is a direct result of the asymmetry of the universe or of its indirect consequences. The universe is asymmetric)[9].
Vật lý học thế kỷ 20 đã chứng minh rằng Pasteur hoàn toàn đúng, tiên đoán của Pasteur là một lời tiên tri. Vũ trụ quả thật là bất đối xứng[10].
Ảnh bên: GSTS Vũ Hữu Như, tác giả công trình nghiên cứu về các hệ thứ tự và đặc trưng thứ tự của sự sống.
Nhưng các nhà tiến hóa không hiểu tại sao sự sống lại bất đối xứng, vì thế họ đã cố gắng chế tạo ra acid amin, một thành phần cơ bản của sự sống, để tuyên truyền với mọi người rằng các phân tử vô cơ có thể ngẫu nhiên tập hợp lại thành các phân tử của sự sống. Nhưng họ thật đáng thương. Mọi thí nghiệm của họ đều thất bại. Tập hợp acid amin do họ chế tạo ra luôn luôn đối xứng phải-trái, vi phạm tính bất đối xứng mà sự sống đòi hỏi.
Rốt cuộc, đặc trưng thứ tự và đặc trưng bất đối xứng đã đập tan ảo tưởng của các nhà tiến hóa hòng chế tạo ra phân tử của sự sống từ những phản ứng hóa học của các hợp chất vô cơ.
Theo Ken Funk, một Tiến sĩ hóa học hàng đầu về peptide từng có 3 bằng sáng kiến phát minh và nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín nhất, chúng ta có thể độ lượng với các nhà tiến hóa để giả định trong một cái ao đã có sẵn 20 loại acid amin thuận tay trái cần thiết cho sự sống. Khi đó xác suất để cho một loại protein hình thành từ 140 acid amin (mỗi acid amin chọn ngẫu nhiên trong số 20 acid amin đã có) kết nối với nhau đúng thứ tự (như GS Vũ đã nói) sẽ là một con số vô cùng nhỏ, P = (1/10)^182. Theo Émile Borel, một trong những nhà xác suất lớn nhất thế kỷ 20, mọi sự kiện có xác suất nhỏ hơn (1/10)^50 đều không thể xảy ra. Kết luận: Sự kiện một loại protein hình thành từ 140 acid amin (chọn ngẫu nhiên trong số 20 acid amin cần cho sự sống) kết nối với nhau đúng thứ tự là không thể xảy ra![11]
Thực ra 3 Định luật Di truyền do Mendel khám phá cũng đã cho thấy sự sống được thiết kế một cách rất toán học rồi, và điều này đã từng đe dọa làm sụp đổ Thuyết tiến hóa ngay từ đầu thế kỷ 20. Để cứu vãn Thuyết tiến hóa, các nhà tiến hóa đã nêu lên giả thuyết đột biến gene sẽ dẫn tới tiến hóa. Nội dung cốt lõi của nó là trong quá trình thích nghi với môi trường, gene có thể đột biến, và sự tích tụ vô số những đột biến trong một thời gian rất dài có thể dẫn tới sự thay đổi hệ gene làm cho một loài có thể biến thành loài khác. Đó là giả thuyết được khoác cho một tên gọi khoa học là Học thuyết Tân-Darwin (Neo-Darwinism).
Liệu đột biến gene có thể dẫn tới tiến hóa không?

4/ Đột biến gene dẫn tới tiến hóa?

Công nghệ biến đổi gene đang tạo ra các “phép lạ” ─ các nhà khoa học đang chủ động tác động vào các hệ gene của sinh vật để biến chúng thành những thứ theo ý muốn của họ. Liệu công nghệ biến đổi gene sẽ “sáng tạo” ra thiên thần hay quỹ dữ? Đột biến gene có dẫn tới tiến hóa như thuyết Tân-Darwin đã nói không? Sau đây là câu trả lời…
Trong công trình nghiên cứu của mình về Tiên đề Thứ tự, của GSTS Vũ Hữu Như cũng đã đề cập đến Công nghệ Biến đổi Gene (Genetic Mutation). Theo ông, công nghệ này giúp cho khoa học ngày nay nhìn thấy tận mắt sự biến đổi của gene dưới tác động của ngoại cảnh. Nhưng sự biến đổi ấy có thể dẫn tới đâu? GS Vũ nhận định:
“Dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như tia phóng xạ, tia vũ trụ, các hoá chất, v.v… phân tử DNA mới được tạo thành có thể có sự xắp xếp lại thứ tự của các cặp nucleotid, kết quả là tạo ra các đột biến, tạo ra nguyên liệu để hình thành các giống mới, ví dụ lắp thêm một gene mới vào một phân tử DNA của một giống cũ”[12].
Nhận định của GS Vũ hoàn toàn chính xác! Ông tỏ ra thận trọng trong nhận định này, rằng sự biến đổi gene chỉ tạo ra nguyên liệu để hình thành các giống mới, thay vì các loài mới!
Thiết tưởng, dù có nghiên cứu sinh học hay không, có lẽ ai cũng đã từng chứng kiến sự thay đổi của sinh vật thông qua việc lai tạp cây trồng hoặc động vật. Nhưng kinh nghiệm thực tế hàng ngàn năm nay cho thấy một kết quả RẤT RÕ RÀNG rằng sự thay đổi ấy là CÓ GIỚI HẠN ─ chưa hề có hiện tượng BIẾN ĐỔI LOÀI, chưa từng có một hiện tượng thực tế nào chứng tỏ một loài này biến thành một loài khác. Tất cả những câu chuyện nói về sự biến đổi LOÀI chỉ xuất hiện trong các sách giáo khoa và tuyên truyền của Thuyết tiến hóa. Tuyệt đối không có một thực tế nào chứng minh cho điều này! Tất cả mọi lý thuyết nói về điều này đều chỉ là GIẢ THUYẾT, đơn giản vì chính giả thuyết đó nhấn mạnh rằng phải có VÔ SỐ đột biến tích lũy lại trong một khoảng thời gian VÔ CÙNG DÀI, cỡ hàng trăm triệu năm hoặc hàng tỷ năm, thì mới dẫn tới sự biến đổi loài. Vì thế khoa học sẽ KHÔNG BAO GIỜ có thể kiểm chứng giả thuyết đó được.
Thực tế, những thí nghiệm bắn phá hàng triệu thế hệ ruồi giấm bằng tia X không hề biến ruồi giấm thành loài mới, mà chỉ sản xuất ra những thế hệ ruồi giấm bệnh hoạn và chết chóc.
Bằng chứng duy nhất của sự biến đổi loài nếu có, chỉ có thể tìm thấy ở kho HÓA THẠCH. Nhưng sau hơn 150 năm kể từ khi Darwin công bố cuốn “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species, 1859), hóa thạch vẫn luôn luôn nói KHÔNG đối với Thuyết tiến hóa. Tất cả các hóa thạch từng được trưng ra làm bằng chứng cho sự biến đổi loài đều đã được chứng minh là SAI LẦM hoặc GIẢ MẠO.
Xin lưu ý: Vì không có bằng chứng biến đổi loài nên các nhà tiến hóa đã nghĩ ra một “mẹo” để làm lú lẫn người đời. Đó là họ bịa ra các thuật ngữ mù mờ lần lộn là “vi tiến hóa” (micro-evolution) và “vĩ tiến hóa” (macro-evolution), trong đó vi tiến hóa là những thay đổi nhỏ, thí dụ như virus biến đổi để kháng thuốc, hoặc giống chó chân cao sau khi lai tạp biến thành giống chó chân thấp,… Còn vĩ tiến hóa là sự biến đổi loài, thí dụ vượn biến thành người, một chuyện tưởng tượng 100% đã được thuyết tiến hóa biến thành “sự thật”.
Thực tế chỉ có những biến đổi nhỏ (cái mà giới tiến hóa gọi là “vi tiến hóa”) nhưng không hề có biến đổi loài (cái mà họ gọi là “vĩ tiến hóa”). Nhưng một em bé ngây thơ được thầy giáo dạy là có vi tiến hóa (thầy chỉ rõ bằng chứng cho em thấy), để em tin là có tiến hóa. Khi “ĐỨC TIN” ấy đã ngấm vào xương tủy và máu, em bé đó sẽ lập tức tin là có “vĩ tiến hóa”, bởi vì “vi” hay “vĩ” chỉ khác nhau là nhỏ hay lớn mà thôi, nhưng có cùng một bản chất là “tiến hóa”. Đây là một trò đánh lận con đen, không chỉ lừa được các em bé, mà lừa được cả nhiều người lớn. Tôi đã từng gặp một số bài báo chống tiến hóa ở Mỹ cũng sử dụng thuật ngữ “vi tiến hóa” và “vĩ tiến hóa”, có nghĩa là ngay cả một số người chống thuyết tiến hóa mà vẫn bị thuyết tiến hóa lừa ! Có trường hợp tôi phải viết thư để nhắc tác giả biết rằng họ đã bị lừa.
Công nghệ GM (Gene Mutation), tức công nghệ biến đổi gene còn có khả năng đánh lừa lớn hơn nhiều! Nó đã làm cho nhiều học giả kinh hồn bạt vía về khả năng biến đổi của hệ gene, và nhờ đó, niềm tin vào Giả thuyết đột biến gene dẫn tới tiến hóa một lần nữa lại rộ lên như một “sự thật”. Vậy một lần nữa, chúng ta lại cần phải thảo luận xem sự thật là thế nào?
LIỆU CÓ THỂ CÓ SỰ BIẾN ĐỔI LOÀI KHÔNG?
Thuyết tiến hóa có hai bộ phận chủ yếu:
  • Một – Học thuyết về sự biến đổi loài, tức là sự tiến hóa từ loài này thành loài khác
  • Hai – Lý thuyết về nguồn gốc sự sống, tức Thuyết phi tạo sinh (Abiogenesis), trong đó cho rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách NGẪU NHIÊN từ vật chất không sống.
Như ta đã thấy ở các phần trên, đặc trưng thứ tự và đặc trưng bất đối xứng của sự sống đã tự động bác bỏ học thuyết Abiogenesis. Vậy còn vấn đề biến đổi loài thì sao?
Xin nhấn mạnh rằng học thuyết biến đổi loài là bộ phận cốt lõi của Thuyết tiến hóa. Tư tưởng này đã ra đời ngay trong ngày khai sinh của Thuyết Tiến hóa, tạo thành nội dung chủ yếu của cuốn “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species) của Charles Darwin, xuất bản lần đầu tiên năm 1859.
Khi Mendel công bố các Định luật Di truyền, 1865, cho thấy loài là cố định, không thể thay đổi, vì hệ di truyền tuân thủ các định luật xác định, người ta có thể thấy ngay rằng Thuyết tiến hóa là SAI, không thể có hiện tượng loài này biến thành loài khác.
Nhưng không may, công trình của Mendel bị chìm trong bóng tối, không ai biết. Rất may cho Darwin đã không hề biết công trình của Mendel nên ông đã có thể ăn ngon ngủ yên cho đến ngày rời khỏi thế gian (mặc dù Mendel thì biết rõ công trình của Darwin và đã phê phán nó)[13].
Vì thế, cuộc khủng hoảng của Thuyết tiến hóa do các Định luật Mendel về Di truyền gây ra chỉ thực sự xảy ra vào đầu thế kỷ 20, khi công trình của Mendel được tái khám phá. Khi ấy, Thuyết tiến hóa đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nhưng các nhà tiến hóa là những bậc thầy trong việc sáng chế ra những giả thuyết ngụy biện. Đó là lý do để học thuyết Tân-Darwin (Neo-Darwinism) ra đời, trong đó cho rằng những đột biến gene có thể làm cho hệ di truyền thay đổi, và tích lũy vô số những đột biến gene có thể dẫn tới một thay đổi lớn đến mức biến một loài này thành một loài khác!
Trong thời đại ngày nay, khi Công nghệ GM phát triển, mọi người chứng kiến các nhà khoa học biến đổi gene một cách chủ động, làm cho sinh vật biến dạng, thay đổi một cách rõ ràng trông thấy, làn sóng tin vào học thuyết đột biến dẫn tới tiến hóa bỗng nhiên như được sống lại, giống như sinh vật được tiêm thuốc tăng trọng hay tăng trưởng ào ạt, làm cho ngay cả những người có bản lĩnh khoa học cao cũng ngả nghiêng về phía tin vào thuyết tiến hóa nhiều hơn.
Một trong những thực tế làm rung chuyển tâm trí mạnh nhất là sự biến đổi của virus kháng thuốc. Sự biến đổi này nhanh đến mức làm cho người ta kinh ngạc. Một trong những người thể hiện sự kinh ngạc đó là Perry Marshall. Từ chỗ kinh ngạc, ông đã ngả về phía tin vào sự tiến hóa do đột biến đến nỗi ông cho rằng đã đến lúc phải kết hợp Thuyết Sáng tạo (tin rằng Chúa sáng tạo ra sự sống) với học thuyết về đột biến dẫn tới tiến hóa[14]. Tôi từng khen ngợi Marshall hết lời vì ông từng thuyết giảng rất hay về Định lý Gödel, nhưng khi biết quan điểm của Marshall về đột biến, tôi vô cùng thất vọng. Qua đó có thể thấy học thuyết về đột biến đã “chinh phục” các nhà khoa học ghê gớm tới mức nào. Vậy câu hỏi đặt ra là:
Liệu sinh vật có thể biến đổi gene đến mức có thể tiến hóa không? Tức là hiện tượng đột biến có thể dẫn tới tiến hóa không? Câu hỏi này đã được trả lời rõ ràng trong bài “EVOLUTION 2.0 PRIZE – Giải thưởng 5 triệu USD cho thuyết tiến hóa” trên PVHg’s Home ngày 08/08/2018. Xin nhắc lại và nhấn mạnh:
  • Đột biến gene là có thật, nhưng không hề có một bằng chứng nào chứng tỏ một loài đã bị biến đổi toàn bộ hệ gene của nó để trở thành một loài mới. Công nghệ GM chỉ biến bắp cải thành bắp cải dị dạng, ngô thành ngô dị dạng. Châu Âu chống thực phẩm biến đổi gene. Mỹ và Canada cũng bắt đầu xem xét lại thực phẩm này. Châu Phi là nơi có số dân nghèo đói đông nhất nhưng cũng từ chối thực phẩm biến đổi gene.
  • Toán học xác suất đã bác bỏ học thuyết đột biến dẫn tới tiến hóa. Điều này đã được nói rõ trong bài báo Mendel disproved Darwinism / Mendel bác bỏ học thuyết Darwin[15]trên PVHg’s Home ngày 28/08/2015. Trong đó cho biết Hội nghị chuyên đề tại Viện Wistar ở Philadelphia năm 1966 đã kết luận “Thuyết Tân Darwin không thể bảo vệ được bằng toán học”. Nói cách khác, hiện tượng vô số đột biến gene dẫn tới tiến hóa là một giấc mơ không tưởng!
  • Phần lớn đột biến đều dẫn tới bệnh hoạn và cái chết. Thực phẩm biến đổi gene đã bị tố cáo là có hại. Để thấy rõ điều này, xin đọc bài Did GM lead to Evolution? Đột biến Gene dẫn tới Tiến hóa?[16] trên PVHg’s Home ngày 15/02/2016. Bằng chứng rõ nhất là thí nghiệm gây đột biến gene ở ruồi giấm (fruit fly), kết quả cho thấy, sau hàng triệu tác động gây đột biến, ruồi giấm vẫn chỉ là ruồi giấm, và là ruồi giấm quái thai và chết chóc.
  • Mọi sự biến đổi đều có giới hạnVượt quá giới hạn ấy, sinh vật sẽ chết.
  • Hệ gene của loài chỉ có thể chấp nhận những biến đổi trong loài, bởi các Định luật Mendel về Di truyền đã chứng minh rằng LOÀI LÀ CỐ ĐỊNH. Đó là định luật của tự nhiên, mọi ý đồ chống lại tự nhiên sẽ thất bại!
  • Hệ gene có khả năng tự sửa chữa và điều chỉnh để đảm bảo bản thiết kế nguyên thủy, và khả năng này mạnh hơn khả năng thay đổi. Khám phá này đã đoạt Giải Nobel Sinh-lý-học năm 2015[17].
Tóm lại, lý thuyết đột biến dẫn tới tiến hóa mãi mãi chỉ là một giả thuyết. Giả thuyết này đem lại công ăn việc làm cho công nghệ biến đổi gene. Công nghệ này chứa đựng tiềm tàng những mối hiểm nguy chưa thể lường hết được. Có ai dám áp dụng công nghệ gene cho con người không? Một câu hỏi thật đáng sợ!

5/ Định lý Gödel và Hệ phi thứ tự

Theo GS Vũ, tính thứ tự là MỘT đăc trưng của sự sống, nhưng không phải là TẤT CẢ,  ý nói rằng sự sống tinh vi và kỳ diệu hơn nhiều so với những gì khoa học đã biết và tưởng rằng sẽ biết. Cụ thể hơn, sự sống có thể còn bao gồm những hệ phi thứ tự, và do đó về nguyên tắc, khoa học sẽ không thể tiếp cận được, đơn giản vì khoa học dựa trên Tiên đề Thứ tự. Đây là một THÔNG ĐIÊP TUYỆT VỜI, cho thấy tư tưởng của GS Vũ đã vượt xa những đồng nghiệp chỉ quen tư duy thứ tự và tưởng rằng tư duy thứ tự là phương pháp tư duy khoa học duy nhất.
Cá nhân tôi, một người say mê, ngưỡng mộ và thấm nhuần Định lý Gödel, không thể không nói lên lời tán thưởng bản thông điệp đó, vì đó chính là một trong những hệ quả triết học của Định lý Gödel.
Ảnh bên: Sự sống không chỉ được định hướng ở cấp độ phân tử, mà được định hướng ngay ở cấp độ đời sống thông thường. Hình bên trái cho thấy cây leo không leo tùy tiện bất phương hướng, mà được định hướng leo theo một chiều xác định. Đây là đặc trưng thứ tự biểu lộ ra ở cấp độ đời sống thông thường. 
Thông điệp ấy mang tính gợi mở rất bổ ích trong việc nhận thức bản chất sự sống, kích thích tư duy vươn tới những khu vực phi thứ tự, điển hình là thế giới ý thức ─ một thế giới bấy lâu này bị “gạt ra rìa” khoa học, bởi lẽ ý thức không tuân thủ bất kỳ một định luật khoa học nào, mặc dù nó là một hiện thực khách quan không thể chối cãi.
Nhưng gần đây, dưới ánh sáng của Lý thuyết Thông tin, người ta dù muốn hay không cũng phải chấp nhận sự tồn tại của những hiện thực phi vật chất, đó là THÔNG TIN!
Đặc biệt, từ khi DNA chứng tỏ những “phép lạ” của nó, mã DNA được coi là “Ngôn ngữ của Chúa” (Francis Collins) thì một người cứng đầu đến mấy cũng phải mở to mắt ra để chấp nhận một thực tế rằng thông tin, mặc dù là một thành phần hiện thực phi vật chất, nhưng lại đóng vai trò quyết định trong sự tác thành sự sống. Điều này lập tức làm nẩy sinh ý nghĩ cho rằng Ý THỨC CÓ THỂ LÀ MỘT DẠNG THÔNG TIN CỦA SỰ SỐNG!
Nếu sự sống là một CỖ MÁY TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ LƯU TRỮ THÔNG TIN thì mã DNA là thông tin đầu vào và ý thức là thông tin đầu ra! Tất nhiên, cỗ máy này vượt quá xa computers, vì chương trình của nó đạt tới trình độ của “phép lạ”!
Sự liên tưởng vô cùng thú vị đó là một trong những nguyên nhân làm cho bài toán ý thức SỐNG ĐỘNG TRỞ LẠI!
Tại sao lại nói “bài toán ý thức sống động trở lại”?  Vì thực ra nó đã từng được René Descartes nêu lên từ thế kỷ 17 trong “Luận đề về ý thức” (Thèse de la conscience), trong đó ông lập luận rằng ý thức là một hiện thực khách quan không thể chối cãi, nhưng nó không tuân thủ bất cứ định luật vật chất nào, vì thế ta buộc phải thừa nhận ý thức là một hiện thực phi vật chất do Chúa sáng tạo… Vì thế trong một thời gian dài, Descartes bị coi là một nhà triết học duy tâm (mặc dù ông là một ông tổ duy lý), và khoa học dựa trên nền tảng duy vật đã bác bỏ luận đề của Descartes. Nhưng “cái gì của Ceasar phải trả cho Ceasar” ─ ánh sáng khoa học thế kỷ 20 và hiện nay đang quay trở lại ủng hộ Descartes, đơn giản vì khoa học ngày nay bắt đầu thừa nhận sự tồn tại của những hiện thực phi vật chất.
Với con mắt hiện đại, DNA không phải là mã DNA, mặc dù mã DNA được biểu lộ thông qua DNA. Nobert Wiener, một trong những nhà tiên phong của Lý thuyết Thông tin, khẳng định điều này rõ hơn ai hết:
“Thông tin là thông tin, thông tin không phải là vật chất hay năng lượng. Không có chủ nghĩa vật chất nào không thừa nhận điều này mà có thể sống sót trong thời đại ngày nay” (Information is information, not matter or energy. No materialism which does not admit this can survive at the present day)[18].
Đó là một nhận định mang tính chất cách mạng về nhận thức! Càng ngày người ta càng nhận ra rằng ý thức mới thật sự là chìa khóa của sự sống. Thật bất ngờ, khoa học đến đây ĐÃ “vô tình” gặp gỡ thần học:
“Rồi Chúa nặn ra một người đàn ông từ bụi đất và thổi sinh khí qua lỗ mũi của nó, tức thì con người trở nên một vật sống động” (Then the Lord God formed a man from the dust of the ground and breathed into his nostrils the breath of life, and the man became a living being)(Kinh Thánh, Sách Sáng Thế, 2:7).
Phật giáo cũng coi ý thức mới là đặc trưng thật sự của con người. Điều này đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rõ trong cuốn sách của ngài: “Vũ trụ trong một nguyên tử”. Với cách nhìn này, thuyết tiến hóa không thể được xem là một lý thuyết về sự sống, bởi nó hoàn toàn làm ngơ trước vấn đề ý thức. Chính Darwin từng thú nhận ông không biết gì về sự hình thành của năng lực tinh thần.
Với những cách nhìn mới mẻ đó, vấn đề ý thức đang trở thành một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn nhất của nhiều lĩnh vực mũi nhọn trong khoa học hiện đại, từ khoa học thần kinh đến tâm lý học, từ vật lý lượng tử đến đạo học, từ logic toán học đến thần học,… Trong bối cảnh này, Định lý Gödel trở thành một nền tảng tư duy, bởi nó nói cho chúng ta biết rằng khoa học vật chất duy lý bị chặn lại ở hệ tiên đề của nó, trong khi khát vọng hiểu biết của con người muốn vượt ra khỏi hệ tiên đề đó. Vấn đề này đã được gợi ý ở nhiều đoạn trong bài báo “THỨ TỰ VÀ KHÔNG THỨ TỰ” của GS Vũ Hữu Như:
  • Theo Định lý Gödel, trong toán học tồn tại những sự thật không thể chứng minh và cũng không thể phủ nhận. Kết luận này được GS Vũ minh họa bằng một thí dụ rất đơn giản và dễ hiểu, đó là một định lý cơ bản mà mọi học sinh đều biết: Mọi số nguyên đều có thể phân tích thành tích của các thừa số nguyên tố.
  • Đinh lý Gödel cũng khẳng định rằng không tồn tại một hệ tiên đề nào vừa đầy đủ vừa phi mâu thuẫn. GS Vũ nhắc đến một “kẽ hở nhỏ” trong Lý thuyết Tập hợp nhưng dẫn tới “vết nứt lớn”, đó là sự thiếu vắng một định nghĩa rõ ràng về khái niệm “một phần tử THUỘC một tập hợp”, và điều này dẫn tới Nghịch lý Russell, một nghịch lý làm tiêu tan tham vọng của Siêu Toán học đầu thế kỷ 20[19].
Trong khi khẳng định sự sống có đặc trưng thứ tự, GS Vũ đã nêu lên một gợi ý thú vị rằng sự sống cũng có thể chứa đựng những hệ phi thứ tự mà khoa học sẽ phải “kính nhi viễn chi”, bởi khoa học dựa trên nền tảng tư duy thứ tự. Cụ thể, nếu tư duy của chúng ta là một thành phần của sự sống thì trong tư duy của chúng ta có bộ phận tuân thủ thứ tự, nhưng đồng thời cũng có bộ phận không tuân thủ thứ tự.
Thật vậy, khoa học thần kinh từ lâu đã khám phá ra rằng bộ não gồm hai bán cầu trái và phải, trong đó bán cầu não trái chuyên phụ trách tư duy tính toán, logic, bán cầu não phải chuyên phụ trách tư duy tổng hợp, tư duy tưởng tượng,… Thậm chí người ta còn gán cho phụ nữ thiên về tư duy não trái, nam thiên về não phải… Việc phân chia khu vực chuyên trách và xu hướng phát triển tư duy phụ thuộc theo giới tính có lẽ chỉ đúng một phần nào, nhưng thông qua thực tiễn, có thể thấy rõ sự tồn tại của hai dạng tư duy là có thật.
Hai dạng tư duy đó có thể ví như Âm và Dương là hai mặt đối lập, nhưng không loại trừ lẫn nhau, ngược lại chúng liên kết với nhau, bổ sung cho nhau để đạt tới một nhận thức phong phú hơn, đầy đủ hơn, gần với hiện thực hơn. Cụ thể, hai dạng tư duy đó là:
  • Tư duy duy lý và tư duy cảm thụ.
  • Tư duy logic và tư duy phi logic
  • Tư duy lý luận và tư duy trực giác
  • Tư duy theo chương trình và tư duy bất chợt
  • Tư duy thứ tự và tư duy phi thứ tự
Trong đời sống, nhiều khi chúng ta phê phán nhau: “Ý kiến của anh chẳng logic tí nào cả”, ý nói “ý kiến của anh là sai”. Theo cách hiểu này, logic được coi là đúng, phi logic là sai. Nhưng dưới ánh sáng của Định lý Gödel, cách hiểu đó trở thành ngây thơ, ấu trĩ. Vậy thực ra logic là gì?
Nhà toán học kiêm triết học toán học nổi tiếng người Mỹ, Reuben Hersh, trả lời trong cuốn sách đoạt giải năm 1998 của ông, “What is Mathematics, Really?” (Thực ra Toán học là gì?) rằng:
“Logic là gì? Phải chăng đó là những quy luật tư duy chính xác? Kinh nghiệm thường ngày và những nghiên cứu phong phú của các nhà tâm lý học cho thấy phần lớn tư duy của chúng ta không tuân theo logic. Từ đó suy ra rằng, hoặc phần lớn tư duy của con người là sai, hoặc logic chỉ tác động trong một phạm vi quá hẹp. Computers chính là những chiếc máy tuân thủ logic, đó chính là câu trả lời! Logic là những quy tắc của máy tính! Logic cũng áp dụng cho con người khi con người cố gắng biến mình thành những chiếc máy tính!”
Nói cách khác, tư duy logic chỉ là một bộ phận trong nhận thức của con người. Đó chính là tư duy duy lý, tư duy lý luận, tư duy khoa học và tư duy thứ tự. Trong thời đại ngày nay, computers đang trở thành một trợ thủ đắc lực của con người trong dạng tư duy này. Sẽ là phí phạm vô cùng nếu coi dạng tư duy này là thống soái, thậm chí là duy nhất đúng để gạt bỏ tư duy cảm thụ, tư duy trực giác, tư duy ngoài khoa học, tư duy phi thứ tự. Về điều này, GS Vũ đã có những kết luận rất thú vị trong bài báo “THỨ TỰ VÀ KHÔNG THỨ TỰ”, xin được trích nguyên văn dưới đây để thay cho KẾT LUẬN của bài viết này:
“Cuối cùng ta nói đến Định lý bất toàn của Gödel. Định lý này khẳng định rằng: mọi lý thuyết hình thức hoá nhất quán có chứa số học các số tự nhiên đều là không đầy đủ. Xin độc giả hãy suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc của điều khẳng định nói trên. Phải chăng tập hợp các số tự nhiên N, mô hình cơ bản của tư duy thứ tự chính là cội nguồn của nghịch lý kẻ nói dối : “I’m a liar” (Tôi là kẻ nói dối). Tư duy thứ tự tạo ra những khái niệm đối lập (“TRUE” and “FALSE”) và phải chăng tư duy thứ tự không thể thành công khi “mô tả” các biến hoá không thứ tự của tự nhiên. Chẳng hạn, ta không thể nói gì về thứ tự phân rã của các hạt nhân phóng xạ và cũng không thể nói gì về khái niệm vũ trụ. Tư tưởng của Lão Tử (500 TCN), Đạo khả đạo phi thường đạo, cho thấy giới hạn của tư duy thứ tự… Mỗi tế bào thần kinh hoàn toàn không đơn thuần là một cấu tử logic hai trạng thái. Cấu trúc của tế bào thần kinh là một hệ thống hết sức tinh vi và huyền diệu, nó càng kỳ ảo hơn ở não bộ con người, khiến bản thân con người cũng đã được xem là một vũ trụ thu nhỏ, nó tương tác với phần bù của nó và thể hiện những hiện tượng không thể giải thích được bằng khoa học thông thường.”
DJP, Sydney 20/08/2018
CHÚ THÍCH
[1] Bài báo đã dẫn, phần VI. Kết luận: Thứ tự và Không Thứ tự
[2] Sách đã dẫn, trang 12
[3] Sđd, t.144
[5] Bài báo đã dẫn, mục 1.3) Tập hợp các số tự nhiên N.
[6] Sđd, t.155
[7] Bài báo đã dẫn, phần VI. Kêt luận: Thứ tự và không thứ tự
[11] Xem “On the Law of Life Asymmetry / Về Định luật Sự sống Bất Đối Xứng” https://viethungpham.com/2016/07/04/on-the-law-of-life-asymmetry-ve-dinh-luat-su-song-bat-doi-xung/
[12] Bài báo đã dẫn, mục 4.2) Tái bản DNA.
[13] Xem “Mendel disproved Darwinism / Mendel bác bỏ học thuyết Darwin” https://viethungpham.com/2015/08/28/mendel-disproved-darwinism-mendel-bac-bo-hoc-thuyet-darwin/
[14] EVOLUTION 2.0 PRIZE – Giải thưởng 5 triệu USD cho thuyết tiến hóa https://viethungpham.com/2018/08/08/evolution-2-0-prize-giai-thuong-5-trieu-usd-cho-thuyet-tien-ho/
[17] LESSONS FROM NOBEL PRIZES 2015 / Những bài học từ Giải Nobel 2015 https://viethungpham.com/2015/10/08/lessons-from-nobel-prizes-2015-nhung-bai-hoc-tu-giai-nobel-2015/
[18] (Cybernetics, xuất bản lần thứ 2, trang 132) http://www.informationphilosopher.com/solutions/scientists/wiener/
[19] Để thấy Nghịch lý Russell nghiêm trong thế nào, xem ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN (3): LỜI SÁM HỐI của một nhà toán học hình thức https://viethungpham.com/2010/07/08/d%E1%BB%8Bnh-ly-b%E1%BA%A5t-toan-3-l%E1%BB%9Di-sam-h%E1%BB%91i-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%99t-nha-toan-h%E1%BB%8Dc-hinh-th%E1%BB%A9c/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét