Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Bàn thêm về mặt trận Việt Minh

Khổng Đức Thêm

I. Đi tìm Việt Minh theo các dòng chỉ dẫn
1.1. Hồ Chí Minh
Tháng 7-1940, đứng trước những chuyển biến mới của tình hình trong nước và trên thế giới, Hồ Chí Minh trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản đã nhận định: từ ngày nước Pháp buộc phải đầu hàng Đức thì uy tín của người Pháp đã bay lên quá chín tầng mây, còn người Việt Nam trong lòng không ai là không mừng rỡ. Không hiếm người muốn lợi dụng cơ hội này đánh đổ ách thống trị của người Pháp. Chính quyền Pháp ở Đông Dương tuy tuyên bố không thừa nhận Chính phủ Pêtanh, phục tùng Ủy hội Quốc gia Pháp ở Luân Đôn và kháng chiến đến cùng nhưng đối với Nhật Bản thì răm rắp nghe theo; cho phép máy bay Nhật được quyền lên xuống ở sân bay Hà Nội, được quyền sử dụng máy bay Pháp. Cơ sở của chủ nghĩa đế quốc Pháp đã tan rã. Chúng không còn lực lượng giải quyết công việc Việt Nam. Lực lượng vũ trang của Pháp ở Việt Nam, phần lớn là binh lính người Việt, nếu chúng ta biết khéo léo kêu gọi họ, thì họ – ít nhất một bộ phận – có khả năng quay súng chống lại Pháp (hoặc chống lại Nhật). Nhật tuy hung hăng nhưng đại bộ phận thực hiện của nó bị kiềm chế do cuộc kháng chiến của Trung Quốc, cũng không thể dốc toàn lực ra để chinh phục Việt Nam”.
Người cũng khẳng định ngay rằng, nếu mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức, lợi dụng các nước đế quốc, lập ra và phát triển một căn cứ địa chống Pháp – chống Nhật thì tiền đồ tươi sáng có thể nhìn thấy được(1). Không bao lâu sau đó, chính Hồ Chí Minh tự thân bắt tay vào thực thi quyết sách do chính mình đề ra.
Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào xây dựng, Người thấy rõ được khó khăn trong việc tập hợp quần chúng vào trong một mặt trận với lời giải đáp được rút ra từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam khi đó: “Vì sao Đảng Cộng sản không tổ chức lãnh đạo họ? Vì tám, chín phần mười số cán bộ cũ đã bị bắt. Cán bộ mới thì còn thiếu kinh nghiệm và chưa đủ lực lượng. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa, muốn kêu gọi toàn dân đứng lên phải có người đủ uy tín danh vọng, nói được, làm được đi tiên phong thì mới kết quả”(2). Xuất phát từ ý tưởng trên, Người cho rằng, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc càng quan trọng; phải nghĩ đến việc lập một hình thức mặt trận thật rộng rãi, có tên gọi cho thích hợp”(3).
Từ ý tưởng đến hình thành một tổ chức thực tế đã được Người đúc rút như sau:
  1. “Dưới hai ách áp bức Pháp – Nhật, nhân dân Việt Nam đấu tranh càng kiên quyết và có phương pháp hơn.
Năm 1941, Mặt trận dân tộc thống nhất – Việt Minh đã được thành lập.
Việt Nam độc lập đồng minh (hoặc Việt Minh) có nghĩa là liên minh vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Mặt trận bao gồm tất cả những người yêu nước, không phân biệt khuynh hướng chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, giai cấp xã hội, nam nữ và tuổi tác”(4).
  1. “Tháng 5-1941, Trung ương họp Hội nghị lần thứ tám. Vấn đề chính là nhận định cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Lập Mặt trận Việt Minh, khẩu hiệu chính là: đoàn kết toàn dân, chống Nhật, chống Pháp, tranh lại độc lập, hoãn cách mạng ruộng đất.
Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng toàn dân. Thêm vào đó, chương trình giản đơn, thiết thực mà đầy đủ […]. Vì mặt trận phát triển mạnh mà Đảng phát triển cũng khá”(5).
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấy rất rõ sự tổn thất của Đảng chưa kịp bù đắp, phần được bù đắp không đáng kể và quan trọng hơn là Đảng vẫn còn thiếu kinh nghiệm lãnh đạo. Từ hệ quả trên, Người đã đúc kết ra một công thức như sau:
a) Muốn kêu gọi toàn dân đứng dậy, tức là lập một mặt trận hiệu triệu thì phải có ngọn cờ. Ngọn cờ ấy là người có đủ uy tín, danh vọng, nói được [có lý luận vững chắc dẫn đạo], làm được [tính thực tiễn cao] đi tiên phong [đứng mũi chịu sào trong tất cả các quan hệ đối nội và đối ngoại].
Đủ uy tín danh vọng, nói được, làm được đi tiên phong, chính là con người mà cách mạng Việt Nam đang cần và không ai khác, chính là Nguyễn Ái Quốc mà tên tuổi từ Pháp đã vọng về trời Nam từ những năm 1919.
b) Hình thức mặt trận để đoàn kết toàn dân hướng vào mục tiêu giải phóng dân tộc phải thật cởi mở, rộng rãi, tên gọi phải thích hợp, thiết thực để có thể bao gồm tất cả những người yêu nước, không phân biệt khuynh hướng chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, giai cấp xã hội, nam nữ và tuổi tác; chương trình hành động cũng phải giản đơn, thiết thực.
c) Việt Nam độc lập đồng minh (hoặc Việt Minh) có nghĩa là một liên minh tranh đấu vì một nền độc lập của dân tộc Việt Nam – một biểu hiện của tính kiên quyết cách mạng nhưng cũng là một biểu hiện việc lãnh đạo đấu tranh cách mạng của Đảng đã có phương pháp hơn.
d) Vấn đề cốt tử lúc này là chỉ ra một cách chính xác nhiệm vụ trước mắt của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam chỉ còn khẩu hiệu chính là: đoàn kết toàn dân, chống Nhật, chống Pháp, tranh lại độc lập, hoãn cách mạng ruộng đất. Nhờ sự kịp thời phát triển mạnh mà Đảng cũng phát triển khá.
Công thức đúng đã giúp Đảng tìm nhanh được đáp số. Qua công thức trên, ta thấy một cách rõ ràng nhãn quan của một nhà cách mạng lão luyện từng trải và hết sức sáng tạo đã giúp Đảng giản ước tối đa các điều kiện không còn thích hợp để xây dựng nên định đề Việt Minh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) như sau:
“Mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại; vậy mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh hay nói vắn tắt là Việt Minh”(6).
1.2. Trường Chinh
Những quan điểm và nhận thức về Mặt trận Việt Minh của Trường Chinh được tìm thấy sớm nhất là bài Chính sách mới của Đảng (9.1941), Để thực hiện tổ chức mới (Tạp chí Cộng sản, số 1, tháng 10-1941). Sau đó một thời gian, trên tờ Cứu quốc, số 1 (15-1-1942), tờ báo của Đảng nhưng được dành để nói về mặt trận nhiều hơn, nói về Đảng ít hơn, Trường Chinh có bài Chính sách Việt Minh, hợp quần cứu nước đã khẳng định 3 điều:
a) Các đoàn thể trong Việt Minh vẫn riêng rẽ, vẫn có quyền làm theo chủ nghĩa của mình nhưng nhất định phải tuân theo Chương trình, Điều lệ của Việt Minh, nhất định không được hành động điều gì trái ngược với chủ trương của Việt Minh, có hại cho giải phóng dân tộc.
b) Đứng trước hai kẻ quốc thù Pháp, Nhật toàn quốc đồng bào phải hợp sức cùng lòng. Đó là thứ vũ khí mãnh liệt nhất đánh đuổi kẻ cướp nước ta ra khỏi bờ cõi Việt Nam.
c) Vận động toàn quốc đồng bào liên hiệp lại, đó là một điểm quan trọng trong chính sách của Việt Nam độc lập đồng minh.
Trên tờ Cứu quốc – đặc san về vấn đề hải ngoại, xuất bản hồi mùa xuân năm 1944 Trường Chinh cho rằng, nhược điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam từ khi mất nước đến nay là các đoàn thể cách mạng thường chia rẽ, đặt quyền lợi ích kỷ nhỏ nhen của bè phái hay cá nhân lên trên mục đích cứu nước, không chịu tìm kiếm nhau, nhân nhượng nhau; có khi bị kẻ xâm lược khiêu khích mà chia rẽ, thù hằn nhau. Tình hình quốc tế chung, phong trào đòi độc lập dân tộc, bài học lịch sử của dân tộc ta và đòi hỏi bức thiết của dân tộc ta lúc này là các phái cách mạng Việt Nam phải thống nhất chống Nhật, Pháp. Ở trong nước, lá cờ Việt Minh ngày càng tập hợp được đông đảo các dân tộc, các giai cấp và tầng lớp xã hội, ảnh hưởng cả đến hàng ngũ các đảng phái có khuynh hướng làm tay sai cho kẻ thù xâm lược. Thời cuộc đòi hỏi phải mau thống nhất các lực lượng cách mạng trong ngoài nước dưới một danh hiệu chung để kêu gọi nhân dân chiến đấu theo một kế hoạch thống nhất, phối hợp với quân Đồng minh ở Viễn Đông. Sau khi quét sạch quân thù, cần thống nhất chương trình xây dựng đất nước hùng cường, tiến bộ và góp phần vào sự nghiệp vì hòa bình, an ninh chung cho loài người.
Hơn ai hết, Trường Chinh là người kiểm nghiệm được sức công phá của Việt Minh vào dinh lũy của kẻ thù. Ông cho rằng, trước sức mạnh của Việt Minh, giới cầm quyền Pháp đã phải dự định lập lại các Hội đồng dân cử như các Viện Dân biểu trước kia để tranh thủ đại biểu tư sản, địa chủ hoặc đề ra chủ trương kỹ nghệ hóa Đông Dương để lừa bịp một số phú hào ảo tưởng trở thành các nhà đại kỹ nghệ nhờ chiến tranh, nhưng tình hình đã thay đổi như Trường Chinh khẳng định trên Cờ giải phóng số 1 (10.10.1942): “Từ khi chiến tranh đế quốc Pháp đã làm nhiều điều mất cảm tình với nhân dân Đông Dương, với cả tầng lớp tư sản, địa chủ tư sản, địa chủ bản xứ. Chúng đã giải tán các Viện Dân biểu, chỉ giữ lại Ban trị sự và biến nó thành Hội đồng tư vấn hẹp hòi. Chúng đã bãi bỏ Hội nghị Kinh tế và Lý tài Đông Dương;hơn nữa, chúng giải tán cả Hội đồng làng. Đồng bào tư sản, địa chủ và tiểu tư sản  giàu trước kia còn có chỗ ăn, chỗ nói đôi chút thì nay tự cảm thấy bị gạt bỏ. Họ mất tin Pháp từ khi Pháp bại trận bao nhiêu thì nay họ chán ghét chính sách chuyên chế của phát xít Nhật bấy nhiêu. Nên một phần họ đã ngả về phe cách mạng, một phần do dự, còn một số ít quay sang thân Nhật”.
Vào năm 1946, tức là sau 5 năm Việt Minh ra đời và hoàn thành sứ mệnh của mình một cách oanh liệt, Trường Chinh đã tổng kết lại chính sách giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và nhiệm vụ chiến thuật của nó. Ông cho rằng Chương trình của Việt Minh đã đạt tới những chuẩn mực về bảo vệ nhân quyền, dân quyền và tài quyền, tôn trọng các quyền tư hữu về tài sản, tự do tín ngưỡng, dân tộc bình đẳng và nam nữ bình quyền nhằm thực hiện đoàn kết toàn dân, chống phát xít Nhật – Pháp. Đứng trước những điều kiện cụ thể của tình hình, Đảng Cộng sản Đông Dương – kẻ thủ xướng ra và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh – tuyên bố gác khẩu hiệu điền thổ cách mạng cốt để phân hóa giai cấp địa chủ và giúp cho một số địa chủ  dịch lại lập trường phản đế đặng mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất giành độc lập bao gồm từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị cho đến tư sản dân tộc và những nhân sĩ yêu nước xuất thân từ giai cấp địa chủ. Bên cạnh tính chất phản đế Việt Minh còn mang tính chất dân chủ chống phát xít xuất phát từ việc kẻ thù Nhật – Pháp không những chỉ đàn áp những người cách mạng Việt Nam mà cả những người Pháp dân chủ tự do. Đây cũng là hệ quả của sức mạnh của Việt Minh công phá vào chính nội bộ kẻ thù do đó Đảng đã kịp thời đề ra chủ trương lôi kéo hay ít nhất cũng trung lập những người Pháp dân chủ tự do ấy để giúp Đảng tìm kiếm thêm lực lượng đánh đổ phát xít Nhật – Pháp. Đến khi Nhật đánh đổ Pháp và Pháp không còn là đối tượng trực tiếp nguy hiểm nữa của cách mạng Việt Nam thì Đảng lại thực hiện việc thống nhất hành động với bất cứ phần tử Pháp nào thành thực chống Nhật.
Nếu Việt Minh là một biến thể sinh động trong chính sách giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương thì trong quá trình hiện hữu và hoạt động, Việt Minh còn có nhiều biến thể uyển chuyển và mềm mại hơn. Khi sức hút của Việt Minh với mọi tầng lớp đồng bào của mình càng mạnh thì sức công phá của nó với kẻ thù càng trở nên hết sức lớn lao. Có lẽ không gì khác hơn khi nghiên cứu và bàn về Mặt trận Việt Minh, ta nên căn cứ vào các chỉ dẫn của cha đẻ – người sáng lập ra nó và người thực thi chiến thuật cách mạng đó hơn là sai áp tư duy theo lối hiện đại hóa lịch sử.
II. Phạm vi ảnh hưởng và hệ thống tổ chức
2.1. Sự lan tỏa của Việt Minh
Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập tới ảnh hưởng của Việt Minh bên ngoài phạm vi Bắc Kỳ – tức là khu vực Bắc Trung Kỳ liền kề, vốn là trung tâm đấu tranh cách mạng những năm 1930-1940. Như đã biết, do việc hai đại biểu Xứ ủy Trung Kỳ sau khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8, trên đường từ Cao Bằng trở về, sa vào tay giặc tại ga Cầu Giát (Nghệ An) nên Nghị quyết của Hội nghị và Chương trình Việt Minh không được kịp thời triển khai đến các Đảng bộ. Ngày 16-8-1941, cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ đặt tại Nghệ An bị phá vỡ. Từ tháng 8 đến tháng 10-1941, chiến khu Ngọc Trạo của Thanh Hóa nằm trong tổng Trạc Nhật, huyện Thạch Thành liên tiếp bị địch tấn công và chịu nhiều tổn thất.
Mãi tới đầu năm 1942, trên địa bàn Quảng Trị mới lập ra các Ủy ban Việt Minh, Ủy ban vận động Việt Minh, chuyển các hội phản đế thành hội cứu quốc, tổ chức in Tuyên ngôn Việt Minh và thư của Nguyễn Ái Quốc để phân phát xuống các phủ, huyện hoặc gửi tới một số nhân sĩ trong tỉnh.
Cuối năm 1942, Tỉnh ủy Thanh Hóa mới nhận được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 vàChương trình Việt Minh, chuyển Thanh Hóa ái quốc hội sang đoàn thể cứu quốc. Sau đó, nhờ liên hệ trực tiếp được với Trung ương Đảng, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa được lập ra và có trách nhiệm liên lạc với các Đảng bộ để nhanh chóng khôi phục Xứ ủy Trung Kỳ. Cũng nhờ được khai thông, Hội cứu quốc Hà Tĩnh chuyển thành mặt trận cứu quốc phát triển cơ sở tới Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê, xây dựng cơ quan ấn loát tại Trại Hồng (Can Lộc) cùng nhiều căn cứ du kích ở Ngàn Trươi, Truông Bát (Hương Khê).
Tuy nhiên, phong trào cách mạng ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sau một thời gian được vực dậy, lại tiếp tục bị khủng bố đàn áp, mãi tới giữa năm 1944 mới có dấu hiệu phục hồi.
Bước vào năm 1945, phong trào cách mạng ở Bắc Trung Bộ gặp muôn vàn khó khăn. Hàng vạn quân Nhật được đưa vào Nghệ An, rải quân xây dựng tuyến đường phòng thủ Cửa Lò, đóng chốt trên quốc lộ 1A, đường số 7, số 8, đường sắt xuyên Việt; khẩn trương xây dựng xưởng cưa, đóng tàu thủy ở Cửa Hội, sửa chữa cảng Bến Thủy và sân bay Vinh, nạo vét kênh nhà Lê, mở rộng quy mô khai thác gỗ và khoáng sản, bắt nhổ lúa trồng đay, trưng thu và trưng mua thóc, ngô, vừng, lạc, thầu dầu. Tại Huế, ngoài 4.500 quân có sẵn, chúng còn đưa hơn 60 hiến binh đóng gần tòa Công sứ, đặt thêm tòa Lãnh sự và thiết lập hệ thống liên lạc nối với Quảng Nam, Quảng Trị, Đông Hà, Đồng Hới, Lào.
Nạn đói nghiêm trọng đã xảy ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số nơi khác thuộc Thừa Thiên.
Sau khi đảo chính Pháp, Nhật cho lập ra tổ chức ủng hộ Việt Nam độc lập, Tân dân đoàn, Thanh niên ái quốc đoàn. Cha con Ngô Đình Khôi hoạt động mạnh ở Quảng Bình, Thừa Thiên để tìm cách đưa Cường Để về thay thế Bảo Đại. Chúng còn cho bỏ lệ thu thóc tạ để tô son trát phấn cho Chính phủ Trần Trọng Kim.
Đây cũng là dịp các địa phương được đón hàng trăm tù chính trị thoát khỏi lao tù hoặc những người trước đây tạm lánh sang Thái Lan, Lào trở về tiếp tục hoạt động. Tháng 4-1945, Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta về đến Thanh Hóa và tháng 6-1945 về đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Kể từ thời điểm cuối tháng 7-1945, Đảng bộ Trung Kỳ được củng cố thì Việt Minh mới phát triển mạnh mẽ trong khu vực.
Vậy là, ngay trên mảnh đất phía Bắc Trung Kỳ, Việt Minh lan tỏa và phát huy ảnh hưởng cũng khá muộn. Sau khi dừng chân ở Ninh Bình, Việt Minh có bước “nhảy cóc” vào Quảng Trị với ít nhiều thay đổi về quan niệm và hình thức tổ chức. Sự biến thể này cũng xảy ra ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh vào cuối năm 1942 và cứ âm ỉ như vậy cho đến khi Xứ ủy Trung Kỳ được củng cố. Nếu nhìn trong phạm vi cả nước, có lẽ chỉ có 6 tỉnh trong khu giải phóng và một số tỉnh Bắc Kỳ giữ được nguyên vẹn mô hình Mặt trận Việt Minh do Hội nghị Trung ương 8 vạch ra, còn lại được hình thành và xây dựng theo cách hiểu riêng của mỗi Đảng bộ, ít nhất là trong tên gọi và hình thức tổ chức.
2.2. Hệ thống tổ chức
Theo Điều lệ Việt Minh, Việt Minh toàn quốc được đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ. Việt Minh ở các tổng, huyện (phủ, châu, quận), tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo của Chấp ủy. Việt Minh ở các làng, xã, đặt dưới quyền Ban Chấp hành. Trước tháng 5-1942, trên các giấy tờ, văn bản phần lớn được gọi là Việt Minh, Thường trực Việt Minh. Sau thời điểm đó, trên nhiều văn bản đã thấy xuất hiện danh xưng Tổng bộ Việt Minh.
Báo Cứu quốc, số 1, ra ngày 15-1-1942 là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách, giúp việc biên tập có Lê Quang Đạo – Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên. Khi đó tòa soạn báo Cứu quốc đặt tại làng Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, huyện Yên Lãng (Phúc Yên).
Tháng 1-1944, Trung ương giao Ban Biên tập báo Cứu quốc cho Xứ ủy Bắc Kỳ đảm nhiệm, trực tiếp là hai Xứ ủy viên Lê Quang Đạo, Nguyễn Khang. Đến giữa năm 1944, Xuân Thủy được giao làm Tổng Biên tập.
Nếu căn cứ vào lộ trình của báo Cứu quốc thì ít nhất từ trước năm 1944, Tổng bộ Việt Minh và Trung ương Đảng là một. Vấn đề còn lại là ở chỗ, từ năm 1944, báo do Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách nhưng vẫn là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh.
Vậy thì, trên thực tế Tổng bộ Việt Minh chỉ có trên danh nghĩa và cũng là một cách gọi. Ngay cả khi ông Nguyễn Lương Bằng được gọi là Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh, chúng tôi cũng cho rằng đứng về mặt danh nghĩa mà thôi. Vì đã gọi là Tổng bộ, ngoài Chủ nhiệm còn phải có Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Nhưng trong tay chúng ta không có tài liệu nào ghi nhận về vấn đề này.
Tương tự như vậy, Kỳ bộ Việt Minh (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) cũng như các Tỉnh bộ, Thành bộ Việt Minh chỉ là một cách gọi, không có trong thực tế.
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tuy đã có nhiều cố gắng trong việc phân biệt rạch ròi hệ thống tổ chức của Đảng và Mặt trận Việt Minh nhưng những nỗ lực ấy cũng không thành – nhất là sau khi Đảng tuyên bố tự giải tán. Đó là một thực tế cần phải được nhìn nhận lại về một thời kỳ khá đặc biệt này của cách mạng Việt Nam.
Trên đây, chỉ là một vài điều đặt lại nhân kỷ niệm 65 năm ra đời của Việt Minh (5-1941 – 5-2006) để chúng ta cùng xem xét và thảo luận, và cũng để ôn lại một thời mà Việt Minh đã từng là đại diện cho linh hồn hiện tại của Đông Dương, của Việt Nam như Hetơrích đã viết trong cuốn Độc lập vào năm 1946 – hơn nửa thế kỷ trước đây.

K.Đ.T
  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr.171-174.
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.171.
  3. Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Văn học, Hà Nội, 1997, tr.37.
  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.25.
  5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, tr.158.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.121.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét