Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Phải điều tra và hoàn tất 'hồ sơ Formosa' làm cơ sở xử lý thảm họa

Cho rằng cần xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý về vi phạm và trách nhiệm của Formosa và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trao đổi với Người Đô Thị, luật sư - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhận định, đây là một trong những cơ sở cho việc ra quyết định “tồn vong” của Formosa.

Thưa ông, dự định tại Quốc hội khóa này, Chính phủ sẽ có báo cáo riêng về thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Hiện nay cũng đã có nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng về vụ việc này. Nhìn nhận từ góc độ là một đại biểu Quốc hội, theo ông, tại Quốc hội khóa XIV, cần tập trung thảo luận nhất vào vấn đề gì trong thảm họa môi trường này?

Ngày 30.6, Chính phủ thông báo đã điều tra xong và đã có kết luận về nguyên nhân của tình trạng cá chết hàng loạt ở vùng biển Vũng Áng và 4 tỉnh lân cận. Cùng ngày, Chính phủ đã tổ chức họp báo để Formosa công khai xin lỗi, nhận trách nhiệm, công bố các cam kết bồi thường và khắc phục thiệt hại của họ.
Việc chỉ đạo điều tra và hoàn tất kết luận về một thảm họa môi trường nghiêm trọng nhiều mặt, diễn ra trên một không gian rộng như vậy, lại vừa phải làm việc với Formosa để buộc họ công nhận các hành vi vi phạm, công khai nhận lỗi, xin lỗi, cam kết bồi thường và khắc phục, là một nhiệm vụ rất phức tạp và khó khăn. Hoàn tất nhiệm vụ này trong 3 tháng, các vị lãnh đạo mới của Chính phủ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phong cách làm việc nghiêm túc, giữ chữ tín. Kết quả làm việc của Chính phủ đã đáp ứng được sự chờ đợi khẩn thiết của nhân dân 4 tỉnh bị thiệt hại trực tiếp và nỗi bức xúc của hàng chục triệu người dân Việt trước môi trường biển vô giá của đất nước bị hủy hoại nghiêm trọng và có nguy cơ tiếp tục bị tàn phá nặng nề. Việc xử lý thảm họa môi trường ở Vũng Áng đã có những bước đi đúng hướng, tuy nhiên, dư luận rộng rãi trong nhân dân cho rằng, đó chỉ là những bước đầu tiên. Theo tôi, cả phía Nhà nước và Formosa vẫn còn nhiều việc phải làm.

Xin ông cho biết đó là những việc gì?

Công việc thứ nhất là hoàn tất công tác điều tra, xác minh và kết luận về thiệt hại bằng một bộ hồ sơ kinh tế - kỹ thuật về toàn bộ nguyên nhân, thực trạng và các giải pháp khắc phục (kèm theo các điều kiện và yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật và tài chính). Khối lượng công việc đã làm không nhỏ. Tuy nhiên, quy mô và tính chất của thiệt hại môi trường biển là rất lớn, nghiêm trọng, phức tạp, có tác động trực tiếp chẳng những đến việc sản xuất, kinh doanh, mà còn đến sức khỏe của hàng triệu dân ở 4 tỉnh bị thiệt hại trực tiếp và xa hơn. Cho đến nay, các kết quả điều tra về hành vi vi phạm của Formosa, các thiệt hại nhiều mặt của thảm họa này vẫn chưa được công bố. Báo cáo về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ tại kỳ họp này có nêu một vài con số thiệt hại về vụ này, nhưng quá sơ lược. Nhà máy, theo giấy phép, sẽ vận hành trong 70 năm. Do đó, cần phải có những kết luận và giải pháp toàn diện và chung cuộc, cả về kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ và pháp lý, cho thảm họa môi trường này. Những kết luận và giải pháp ấy, cùng với những tài liệu, số liệu, cứ liệu chứng minh hợp thành một bộ hồ sơ với những căn cứ khoa học, khách quan, cụ thể và vững chắc để dựa vào đó, Chính phủ sẽ tiến hành xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý về trách nhiệm của Formosa Hà Tĩnh trong việc bồi thường và khắc phục thiệt hại. 
Công việc thứ hai, như đã nói, cần xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý về vi phạm và trách nhiệm của Formosa Hà Tĩnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bộ hồ sơ pháp lý này phải thể hiện rõ: các hành vi, tính chất và hậu quả của các vi phạm của Formosa Hà Tĩnh; các quy định pháp lý bị vi phạm với Formosa Hà Tĩnh; các biện pháp xử lý trách nhiệm của Formosa Hà Tĩnh cả về tổ chức và cá nhân, cả về dân sự, hành chính và hình sự, nếu có, và các căn cứ pháp lý kèm theo; và các bước tiến hành xử lý và các cơ quan, tổ chức được phân công thực hiện việc truy cứu trách nhiệm của Formosa.
Công việc thứ ba là bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả. Công việc này mang tính khẩn cấp, bởi vì nhu cầu khôi phục nghề cá của ngư dân và trợ giúp cho người dân bị thiệt hại, nhu cầu khôi phục ngành kinh tế du lịch ở 4 tỉnh bị thiệt hại, yêu cầu hoàn tất điều tra, xác minh thiệt hại và khôi phục môi trường không cho phép chờ đợi lâu hơn.
Cả 3 loại công việc trên đây đòi hỏi những nỗ lực lớn của các cơ quan nhà nước hữu quan và sự hợp tác chặt chẽ, đầy trách nhiệm của Formosa.

Ông đã cho biết còn rất nhiều việc phải làm sau khi công bố Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết. Tuy nhiên nhìn tổng thể, Formosa có quá nhiều sai phạm, khuất tất, từ vấn đề giấy phép, công nghệ, thuế, năng lực tài chính, ô nhiễm môi trường đến nguy cơ an ninh quốc phòng, và hiện nay vẫn tiếp tục phát hiện nhiều vi phạm mới từ Formosa. Trong khi đó, thực tế hiện nay cá không bán được, ngư dân ngồi trong bờ nhìn ra biển chưa biết biển đã sạch hay chưa, và trong tương lai sẽ như thế nào nếu Formosa tiếp tục hoạt động. Cộng với những vết đen môi trường tai tiếng thế giới của tập đoàn Formosa, nếu để Formosa tiếp tục hoạt động trong vòng 70 năm tới, theo ông điều này có hợp lý?

Như tôi đã nêu, câu trả lời tùy thuộc vào các kết quả, kết luận, tình hình thực hiện của 3 công việc trên. Nguyên tắc chung trong chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không hy sinh, đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Đến Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm thấy những thuận lợi về chi phí lao động thấp, được ưu đãi về đất đai, về thuế má, nhưng chúng ta không “ưu đãi” cho họ cái quyền tàn phá thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường sống của chúng ta và con cháu mai sau. Từ những quan điểm, và cả những quy định pháp lý, mang tính nguyên tắc đó, theo tôi, Formosa phải chấp nhận thực hiện những yêu cầu sau: bồi thường thỏa đáng cho người dân, cho xã hội và cho Nhà nước Việt Nam, bao gồm cả việc khôi phục môi trường và kinh tế biển, kinh tế du lịch của Việt Nam như trước khi xảy ra thảm họa; tiến hành các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ để việc vận hành nhà máy đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các quy định của luật pháp Việt Nam, giám sát chặt chẽ, ngăn ngừa và kịp thời xử lý các vi phạm hay sự cố về môi trường trong tương lai trong quá trình xây dựng và vận hành dự án. Nếu thực hiện tốt hai yêu cầu trên, và tất nhiên là không vi phạm các luật pháp khác (như các quy định về tôn trọng chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội) của Việt Nam trong suốt vòng đời của dự án, Formosa có quyền tiếp tục vận hành dự án để thu hồi vốn và hưởng lợi nhuận như mọi nhà đầu tư khác.

Liên quan đến thời sự thảm họa môi trường hiện nay, ông đã có đề xuất Quốc hội thành lập đoàn giám sát lâm thời hoặc ủy ban lâm thời để xem xét các vấn đề về môi trường, trước mắt tập trung vào Formosa và một số dự án. Vậy ủy ban lâm thời này sẽ khác gì với Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội? Ông đánh giá như thế nào về vai trò và trách nhiệm của Ủy ban KHCN&MT trong thảm họa cá chết?

Tôi cho rằng, do thiệt hại của thảm họa là cực kỳ nghiêm trọng và việc khắc phục là hết sức phức tạp cả về kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ và pháp lý, do đó Quốc hội cần hỗ trợ, góp sức với Chính phủ cùng tìm kiếm các giải pháp và giám sát việc bồi thường, khắc phục hậu quả thảm họa của Formosa. Hơn nữa, qua sự cố này, Quốc hội cần tăng cường giám sát việc cấp phép, triển khai và vận hành các dự án khác, đồng thời rút ra những việc cần làm đối với cơ quan quyền lực cao nhất, trong đó có việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật có liên quan. Một ủy ban lâm thời, theo tôi, là thích hợp đối với yêu cầu này. Ủy ban này, tất nhiên, sẽ cơ cấu từ thành viên của những ủy ban của Quốc hội, như các ủy ban về kinh tế, về khoa học, công nghệ, môi trường, về xã hội và cả về tư pháp, cùng với những lực lượng của Chính phủ và các chuyên gia đầu ngành hữu quan. Nếu không có một ủy ban như vậy thì các ủy ban của Quốc hội cũng phải có trách nhiệm vào cuộc với tư cách cơ quan dân cử. Vừa qua, tôi chưa thấy ủy ban nào có ý kiến về vụ Formosa.

Từng là đại diện cho người dân bị thiệt hại Cần Giờ tại vụ Vedan, và nhìn từ tranh chấp môi trường ở những vụ ô nhiễm môi trường khác, ông đánh giá như thế nào về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân trong vụ Formosa hiện nay?

Thiệt hại của xã hội và người dân trong vụ Vedan là rất lớn về tính chất và quy mô, nhưng so với thảm họa này thì vẫn rất bé nhỏ. Vụ Vedan hủy hoại dòng sông Thị Vải, gây thiệt hại cho hàng vạn dân 3 tỉnh thành sống ở hai bờ. Còn ở đây, phạm vi thiệt hại là môi trường biển của nhiều tỉnh thành, cả mặt biển, đáy biển, sinh vật trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, thiệt hại về đánh cá và du lịch, về sức khỏe, về trật tự, an toàn xã hội, với những tác hại lâu dài và nghiêm trọng. Do đó, tôi muốn nhắc lại 3 công việc cần làm trên đây, đặc biệt lưu ý tính cấp thiết, hệ trọng và khối lượng đồ sộ của những việc phải làm.

Người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận hỗ trợ về pháp lý cũng như những hỗ trợ khác từ các tổ chức xã hội. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào? Quốc hội cần có hành động, tiếng nói gì hỗ trợ người dân trong vấn đề bồi thường thiệt hại?

Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các công việc cần thiết theo chức năng của mình. Theo tôi, để hỗ trợ Chính phủ, cần có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội cũng như các đoàn thể, tổ chức xã hội, dưới nhiều hình thức và mức độ. Tất nhiên, phải có sự chỉ đạo, phân công, điều phối khoa học, hợp lý. Đặc biệt, do tính chất nghiêm trọng và tác hại lâu dài của vụ việc, cử tri đang hết sức lo lắng về những hệ lụy sắp tới của sự tồn tại của dự án, nhất là đặt nhiều dấu hỏi về sự trung thực và thiện chí của Formosa. Do đó, việc thông tin kịp thời, minh bạch, đầy đủ cho công luận, phát huy đầy đủ vai trò của báo chí, truyền thông là hết sức cần thiết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét