Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Truyện O CƠ

Huyền Cơ

Những ngày này, ai đi qua làng tôi, làng Lệ Đoài, xa xa, từ ngoài đàng cái đã thấy thấp thoáng đầu làng, một mái ngói nhô lên từ sau lũy tre, tới gần thì thấy cái cổng to đùng được thiết kế nửa tây nửa ta. Đó là nhà anh Tự, tên đầy đủ là Phan Quốc Tự. Trước đây, nơi ấy là nhà Từ đường của mẹ anh, tuy xây to lớn như vậy nhưng anh chẳng mấy khi về, giờ anh sống trên thành phố, mấy người có bà con trên tỉnh nói anh làm cái chức gì to lắm.
Bây giờ người ta thường gọi anh bằng cái tên khai sinh ấy, chứ trước đây tên thường gọi của anh là Cà rốt. Cái tên chẳng có gì hay, nếu không nói là xa lạ với làng tôi. Bởi vì thuở ấy, tụi tôi có biết Cà Rốt là cái gì đâu, về sau, khi làng tôi đổi một số đất ruộng sang trồng rau, củ, người ta mới đem cái loại cây có củ màu đỏ ấy về trồng.
Sở dĩ anh có cái tên Cà Rốt là có lý do. Hồi mẹ anh có bầu, gần ngày sanh nở, sợ khó sanh vì cái thai to quá nên phải lên ở nhờ nhà người bà con trên Phủ, chờ ngày vào nhà bảo sanh. Nhà này tây học, nên khi học trường Tây, họ đặt cho cái tên Tây gì đó, rồi nhiểm theo Tây, nghe đâu cái tên Cà Rốt là mấy người bà con đó đặt cho. Từ đó anh có tên Cà Rốt. Về sau lớn lên chúng tôi mới biết vì sao họ đặt cho anh cái tên đó, anh cũng biết điều đó. Bởi vì anh lai Tây.
                Tôi nhỏ hơn anh hai tuổi, nhưng hồi ấy tôi cứ gọi anh, hoặc là thằng Cà Rốt hay là thằng Tây lai, vì ảnh hưởng mấy bà hàng xóm, đa số đều có lời không mấy tốt đẹp về anh và mẹ anh, từ đó lũ nhỏ tụi tôi cũng nghiễm nhiên cho mình cái quyền xem thường anh ấy. Nhưng một hôm, ba tôi gọi tôi lại rồi nói.
                Tại sao con gọi Cà Rốt bằng thằng?
                Tôi thản nhiên trả lời.
                Tại vì nó lai Tây, nó không có cha.
Tôi không ngờ câu nói của tôi lại khiến ba tôi nỗi giận đến vậy. Ông bật đứng dậy, chạy ra ngoài giếng, nơi mẹ tôi đang rửa chén, giật vội một cây nè. Thấy thái độ của ông, mẹ tôi biết chuyện chẳng lành. Bà níu áo ông lại.
Thôi! Tôi can ông. Ông đừng đánh con. Con nó có tội gì đâu mà đánh nó.
Ba tôi hằn hộc.
Bà biết cái gì! Để tôi trị cho thằng này một trận. Nhà này không có cái thằng mất dạy như nó.
Mẹ tôi cố níu, ba tôi thì cương quyết, ông vung tay, mẹ tôi vì đứng nơi ảng nước, nên nhào tới trượt té xuống đất. Thế mà ba tôi vẫn một mực trị tội tôi. Bữa đó tôi bị một trận đòn mà đời tôi nhớ mãi.
Mẹ tôi vì bị té, đau nằm cả tuần lễ. Sau này lớn lên, tôi biết không phải vì té mà mẹ tôi nằm lâu như vậy. Bà buồn ba tôi và cả tôi nữa. Sau trận đòn đó, thoạt đầu tôi giận Cà Rốt vô cùng, tôi nghĩ rằng vì anh mà tôi bị đòn, tôi quyết không chơi với anh nữa, nhưng rồi quyết tâm ấy cũng là một quyết định của trẻ con mà thôi.
Cà Rốt lớn như thổi, thoáng mấy năm mà anh đã cao to hơn bọn cùng trang lứa, kể cả mấy đứa lớn hơn anh mấy tuổi. Có lẽ vì vậy mà giờ đây chẳng có đứa nào dám trêu chọc anh như trước nữa, không phải vì chúng có ý thức văn hóa gì, đơn giản là vì chúng sợ nếu có đánh nhau, nhất định chúng sẽ bị thua, mà thói thường bọn trẻ con thì chỉ thích người thắng thôi. Cái chuyện kiêng dè anh bắt đầu từ cái hôm lũ tụi tôi chơi trò Cờ Lau tập trận. Tụi tôi thì nhất định nói anh làm Đinh Bộ Lĩnh, nhưng thằng Long cuối xóm thì không chịu. Hai đứa dùng dằn, cuối cùng Long nhảy vào đánh Cà Rốt. Không như những năm trước, giờ đây Cà Rốt quá mạnh. Cà Rốt đè Long xuống, bọn chúng tôi, thay vì can ra, lại reo hò.
Đánh đi, đánh đi.
Mấy đứa con gái thì khóc, chạy về nhà. Chắc Cà Rốt sợ mẹ biết, vội thả Long ra. Long bẽn lẻn biết mình không ăn hiếp được nữa. Từ đó tụi tôi chơi với nhau thân thiết, vui vẽ. Bọn con gái, dường như có bản chất muốn được kẻ mạnh che chở, luôn miệng.
Anh Cờ Rốt, anh Cờ Rốt.
Một năm sau, có người về làng đem Cà Rốt đi, nghe đâu lên phố học chữ Tây.

                                                    XXXXXXXXXXX

Quê tôi, một làng quê, trước cánh đồng là con sông, sau là dãy độn cát, người dân quanh năm chân lấm, tay bùn. Thời đó, khi Pháp xâm lăng nước ta, chủ yếu họ chỉ mới còn ở trên Phố, thỉnh thoảng mới về trên Tổng, làng quê vẫn còn chút thanh bình. Lâu lâu mới có người ở Phủ hay Tổng về, rành việc nói:
- Pháp giết quân địch, đem xác ra để giữa đường, bắt mọi người đi qua ai nhận ra được tên họ quê quán thì được thưởng. Khi mấy người đó đi rồi, người lớn trong làng thì thầm với nhau.
- Thằng đó là Việt gian, đó là quân ta chống Pháp chứ lấy đâu ra mà là địch.
Sau lũy tre làng ngày ấy, những thông tin lui tới chỉ mấy chuyện tang môn hiếu hỷ hay mùa màng, nhưng từ ngày o Cơ, sau mấy năm xa quê hương làng xóm trở về, thì các bà mới có chuyện bàn tán nhỏ to gần cả mấy năm trời.
Thoạt tiên, người ta nói:
- Con ấy lên phố làm vợ lẻ người ta, bị bà lớn đuổi rồi, tội nghiệp thằng Châu.
- Ôi làm gì có chồng, có chồng sao không thấy cưới hỏi.
- Có bà, bà con xa với gia đình o Cơ biết chuyện hơn nói:
- Nó đi giúp việc cho nhà ông bác ở tận ở .. ờ mà tôi quên cái tên làng ấy rồi.
Rồi việc gì đến phải đến, o Cơ có chửa, không chồng mà có chửa.
Ở quê tôi, chuyện con gái không chồng mà chửa, người ta gọi là chửa hoang, trước đây nghe nói chuyện này gia đình bị làng phạt nặng lắm, vì tội hủ bại thuần phong mỹ tục của làng, mấy ông Tiên chỉ trong làng đem lên đình, họp dân, bắt phải khai cha đứa bé là ai. Bây giờ lệ ấy bỏ rồi, nhưng chuyện chửa hoang là chuyện tày đình, không chấp nhận được.
Từ ngày o Cơ về làng, rồi chuyện o không chồng mà có chửa, ban đầu trong xóm các bà thì thầm, sau rồi chẳng thấy ai nói gì mà cả làng ai cũng biết. Bảy tám tháng trời người ta không thấy o Cơ bước ra khỏi nhà, rồi một hôm, người ta nghe tiếng ru con vọng ra từ chái nhà tranh sau hàng tre. O Cơ vẫn sống lặng lẽ, chỉ khi giúp việc cho ba mẹ đi cấy lúa hay làm cỏ thì mới xuất hiện mà thôi.
Ở quê thông tin nhanh nhạy lắm. O Cơ làm me Tây, giờ đẻ ra một thằng lai Tây, da nó đỏ như mồng gà, mắt nó xanh lè, ghê lắm. Người ta thi nhau thêu dệt. Cà Rốt là một con người chứ có ma đâu mà muốn vẽ sao thì vẽ. Tiếng ru con rồi cũng hết, o Cơ rồi cũng quen dần với nhịp sống làng quê như thuở o còn ở làng. Từ đó có một đứa màu da nhìn khác chúng tôi xuất hiện trong làng, người lớn cũng quên đi chuyện cũ, người ta thấy một thằng bé chạy lon ton theo mẹ ra đồng. Thỉnh thoảng nó không nghe theo mẹ, thấy lũ chúng tôi chơi đùa, nó đứng lại, ngập ngừng như muốn chơi cùng. Mẹ nó đi một khoảng thấy con đứng lại nhìn chúng tôi, bà kêu:
Cà Rốt, Cà r r … ốt, lại đây mẹ biểu.
Từ ấy chúng tôi biết anh tên là Cà Rốt và rồi chúng tôi là bạn của nhau.

                                                            XXXXXXXXXX

Cà Rốt đi khỏi làng độ ba năm, tôi cũng theo ông chú lên phố học nghề thuốc. Ba tôi là một nhà Nho lỗi thời, nhưng vẫn ngày ngày đọc sách, viết chữ Thánh hiền. Tôi cũng được ông dạy cho ít chữ, thuở ấy ở làng quê chúng tôi làm gì có trường, chỉ rất ít người biết chữ, mà là chữ Nho thôi. Có cái lạ tuy không biết chữ nhưng làm cái gì họ cũng phải coi ngày, từ việc gieo mạ, đặt bếp, cưới hỏi, ma chay hay làm nhà, ngay cả việc đào cái giếng mà họ cũng phải đến nhờ ba tôi xem ngày tốt. Nhờ biết được lịch xưa mà ba tôi cũng có chút ít đồng ra, đồng vào, tôi cũng được thơm lây khi người ta gọi là con ông Tú.  Tôi đi độ hơn mười năm, mẹ tôi mất, cha tôi côi cút một mình, cuối cùng cũng lên phố ở với tôi. Sau mười mấy năm học nghề với chú, tôi mở một tiệm thuốc bắc, không đắc lắm, vì ở đây có tiệm thuốc của Các Chú tức là người Tàu, dân họ tin hơn. Đó cái lạ của dân ta, họ cứ nghĩ thuốc viết bằng chữ Nho, có nghĩa của Tàu nhất định có uy tín hơn người Việt. Tuy thế cuộc sống của tôi cũng tạm đắp đổi qua ngày.

Một hôm, độ lúc xế chiều, một chiếc xe hơi sang trọng đỗ trước cửa tiệm tôi. Từ ngày lên phố tới giờ, chuyện có xe qua lại trong con phố này thỉnh thoảng vẫn có, nhưng chưa bao giờ có chiếc xe nào lại dừng ngay trước cửa tiệm tôi. Tôi đang hoang mang, ngạc nhiên, thì một người đàn ông to lớn, râu ria bước ra khỏi xe đi vào. Tôi vội vã mời vào, nghĩ chắc có chuyện gì, vì tôi nghĩ Tây mà hốt thuốc Bắc làm gì. Tôi nói.
Dạ thưa ông cần gì ạ.
Ông Tây nhìn tôi. Bổng dưng tôi thấy sờ sợ, bởi vì ông nhìn tôi rất lâu. Ban đầu có vẽ nghiêm nghị, sau rồi dường như có gì quen quen.
Ông chợt nói: Ông là…
Tôi vội trả lời: Dạ, dạ thưa tôi là chủ tiệm này.
Ông Tây không hỏi chuyện thuốc mà lại nhìn tôi.
Ông là..... là ... Thâm phải không?
Người tôi không dưng thấy lạnh, cái ớn lạnh chạy trong thịt da.
Dạ đúng rồi, thưa ông, tôi là....
Ông là Thâm ở làng Lệ Đoài phải không?
Dạ dạ, thưa ông, dạ tôi là Thâm, người làng Lệ Đoài ạ.
Rồi như lúc đang râm, mặt trời bỗng nhiên ló dạng.
Tôi đây mà, Thâm không nhớ tôi à.
Lúc này tôi đã ngờ ngợ, một cái tên đã rất lâu rồi tôi chưa từng gọi lại. Cà Rốt, nhưng tôi không dám nói ra.
Mình đây mà, mình là Phan Quốc Tự đây.
Tôi như hẩng hụt, may chút nữa thì...
Như chợt hiểu ra rằng tôi chưa từng biết ông ta tên là Phan Quốc Tự, ông nói.
Mình là ... là Cà Rốt đây mà, Thâm không nhớ à.
Ôi. Mọi lo lắng của tôi chỉ trong phút chốc tan biến, nhưng tôi vẫn cố giữ khoảng cách.
Mình là Cà Rốt ở xóm Đông đây mà.
À cậu là à  à  Cà cà Rốt.
Ừ tôi đây.
Thế là chúng tôi nhận ra nhau. Tôi mời anh vào nhà nhưng anh từ chối, biểu hôm khác sẽ ghé thăm. Tôi hỏi thăm qua loa rồi nói:
Vậy anh đến chổ tôi có việc gì ?
À Mẹ mình đau nặng lắm, mình có cho đốc tờ về thăm bệnh rồi, nhưng mẹ bảo chỉ uống thuốc Nam thôi, mình có biết thuốc Nam là cái gì đâu, hỏi mấy đứa lính của mình, nó bảo thuốc Nam cũng như thuốc Bắc thôi, nên vội vã chạy tới đây. Ở đây có mấy tiệm Tàu nhưng nghe mẹ mình đòi thuốc Nam, nên mấy đứa lính nói ông bốc thuốc, ông là người Việt chắc thuốc của ông là thuốc Nam. Thôi ông bốc cho mình vài thang thuốc bổ, chỉ để cho bà an lòng thôi mà. Chuyện chửa bịnh để mấy tay đốc tờ lo. Hôm nào chủ nhật mình sẽ thăm ông.
Tối lại tôi đem câu chuyện gặp anh Cà Rốt, cái anh, vì cái chữ Thằng mà tôi đã bị một trần đòn nhừ tử ngày ấy, kể cho ba tôi nghe. Tôi nói bây là anh tên là Phan Quốc Tự, ba tôi chỉ ừ ừ cho qua chuyện, nhưng khi nghe nói o Cơ xóm mình bịnh nặng lắm, chắc không qua khỏi, ba tôi mới nhớ ra rồi nói. Tội nghiệp bà ấy. Nghe chuyện, dì út tôi, mới dưới quê lên giúp chăm mấy đứa con nhỏ của tôi nói.
- Vậy chớ anh không chuyện biết à. Chuyện to lắm. Bây giờ dưới quê không ai không biết ông Tự. Chẳng còn ai dám nói ông là Tây lai nữa, cái tên Cà Rốt cũng không dám nhắc tới, sợ nói ra bọn trẻ biết, lỡ miệng biết đâu tai họa. Bây giờ ông làm lớn lắm trên Tỉnh. Mấy năm trước ông về xây cho bà một cái nhà to đùng, anh bà, ông Tẻo đi đâu mất tích lâu lắm rồi. Cha mẹ bà Cơ cũng mất rồi, giờ chỉ còn mình bà, thỉnh thoảng ông Tự đem mấy đứa con về thăm, rồi đem cái máy gì, có mấy người ở trong đó, khi nào ông biểu thì hát cả xóm nghe, nói là để bà Cơ giải trí. Nhưng chuyện xảy ra trước Tết mới lớn.

                                                       XXXXXXXXXX

Thì ra cái tên Cà Rốt vậy mà chẳng sao đối với anh, cái tên đó như một kỷ niệm đẹp, bằng chứng là anh vẫn nhắc tôi về cái tên ấy, nhưng cái âm vang Mầy là thằng không cha mới là vấn đề lớn. Cái âm vang ấy như một mũi tên, cứ cắm sâu sau mãi vào tâm trí anh. Trước đây đã nhiều lần anh cố hỏi mẹ cha anh là ai. Mẹ anh chỉ cười, tuy nhiên trong nụ cười cho qua ấy là một nỗi buồn mênh mông. Thỉnh thoảng anh thành thật quá, mẹ anh cũng nói với anh đôi điều về câu hỏi của anh, nhưng những gì mà mẹ anh trả lời chẳng ăn nhập gì vào câu hỏi của anh cả.
Tưởng chừng như mọi việc đã đi vào quên lãng, nhưng mấy năm gần đây, khi được giao phó chức Đổng Lý văn phòng, mấy lần công du nước Pháp. Ở đó người ta hỏi anh về con lai của các quan lớn trước đây, khi họ còn ở An Nam, họ muốn tìm con rơi của mình. Bỗng nhiên anh thấy cần phải hỏi lại mẹ vấn đề này một lần cho rõ. Bởi vì với tư cách của anh hiện nay, anh có thừa khả năng để tìm cha mình thay vì ông phải tìm anh. Hơn nữa, giờ đây mẹ cũng gần sáu mươi rồi, còn gì nữa mà ngại. Anh suy luận, cái tên Cà Rốt không phải bỗng dưng mà có, nhất định phải có ngọn nguồn. Nhất là anh mới xây cho mẹ cái nhà Từ đường to nhất Quận, hai năm nay, lần hiệp kỵ Tổ tiên năm nào anh cũng mời cả giòng họ của mẹ, ai cũng vui vẽ, ca tụng anh hết lời. Điều đó càng làm anh tự tin hơn. Anh nghĩ chuyện mình là con lai thì giờ đây là hiển nhiên rồi, chẳng có gì phải biện minh nữa, chỉ còn vấn đề cha anh là ai. Anh chợt nghĩ biết đâu cha mình là một trong những ông quan lớn Pháp thời ấy cũng nên. Vì vậy mà mẹ anh không giám nói ra chăng. Tuy nhiên anh nghĩ nếu mình hỏi mẹ như mấy lần trước thì chắc rồi mẹ cũng trả lời như bao lần anh hỏi mà thôi, cho nên anh tính lần này anh phải sắp đặt sao cho mẹ phải nói ra. Nghĩ là làm.
Lần hiệp kỵ giòng họ năm nay anh mời tất cả bà con trong xóm, đích thân anh có lễ đến nhà các Trưởng tộc trong làng mời họ tới dự buổi hiệp kỵ. Mẹ anh rất vui. Ai cũng nói bà có con lai vậy mà có hiếu quá. Anh lại đưa mẹ lên phố may mấy bộ đồ mới, tính hôm hiệp kỵ mẹ anh sẽ mặc. Người ta kháo với nhau rằng hiệp kỵ nhà anh còn lớn hơn lễ tế Xuân, Thu của làng nữa .
Hôm hiệp kỵ, anh còn mời cả bạn bè trong giới của anh về dự, các ông thôn trưởng, xã trưởng, quận trưởng đủ cả. Anh bận bộ đồ vét mới toanh. Đích thị là dáng của ông quan lớn. Anh nói.
Kính thưa ông Quận trưởng, Kính thưa các vị trưởng Tộc, Thưa tất cả các bằng hữu, làng xóm. Kính thưa mẹ.
Hôm nay, ngày kỵ của ông ngoại tôi, cũng là ngày hiệp kỵ tất cả các vị tiền hiền của dòng họ Hùng. Đây là lần thứ ba kể từ khi nhà thờ Họ chúng tôi khánh thành và tổ chức hiệp kỵ, Họ chúng tôi vô cùng hân hạnh được quý vị quan lâm, theo lời mời của mẹ tôi đã tới dự buổi lễ hiệp kỵ, hai năm trước và hôm nay. Thay mặt mẹ tôi, xin tri ân quý vị. Tôi nghĩ rằng nghĩa cử của quý vị càng làm cho tình làng nghĩa xóm của chúng ta mỗi ngày mỗi đậm đà hơn. Kính chúc ông Quận trưởng sức khỏe, quý vị Trưởng Tộc, trường thọ, an vui, con cháu sum vầy, ngoan hiền, hiếu thảo. Tôi cũng chân thành kính chúc toàn thể bà con làng mình được nhiều sức khỏe, vạn sự như ý.
 Thưa quý vị, mẹ tôi nay cũng già rồi, tuổi tác càng ngày chồng chất, chẳng biết mẹ con tôi còn có bao nhiêu tháng ngày để ở bên nhau nữa. Tôi thì công việc xã hội lôi cuốn ràng buộc, vợ tôi, một mình chăm sóc mấy đứa con, các cháu thì đang tuổi ăn, tuổi học, nên không thể về thăm mẹ tôi, bà nội các cháu thường xuyên được. Vì vậy, nhân hôm nay, trước sự chứng kiến của quý vị và bà con xóm làng, cho phép tôi được tâm sự đôi điều với mẹ tôi.
Kính thưa Mẹ, Kính thưa quý vị.
Như quý vị đã biết, tôi sinh ra là một đứa con lai, chuyện này ở đây, kể cả những người mới gặp, ai cũng biết, vì ngoại hình của tôi đã nói lên điều đó. Tuy nhiên, tôi đã lớn lên những năm tháng tuổi thơ trong ngôi làng này. Ở đây, những người lớn tuổi, ai cũng biết tôi là thằng Cà Rốt ngày nào. Cái ngày mà những đứa trẻ trong làng cứ chọc tôi là thằng tây lai, ngày ấy tôi buồn lắm, nhưng giờ đây tôi lại thấy hãnh diện vô cùng. Bởi vì cho dù là lai tây, nhưng tôi đã có được những gì mà quý vị đã thấy, đã biết. Tất cả điều đó là nhờ công ơn nuôi dưỡng của mẹ tôi, ông bà ngoại che chở, và cả quý vị nữa.
Kính thưa mẹ.
Con biết công lao của mẹ là vô cùng lớn lao, làm sao con có thể không biết được điều đó, như nhiều lần mẹ dạy con. Con là người Việt Nam, con nói tiếng Việt Nam. Tuy nhiên như con đã nói, cái câu thằng con lai hay thằng lai Tây ngày nay đối với con quá quen rồi, nên bây giờ nghe cũng vui tai. Nhưng con đau nhất là câu Thằng không cha. Vì đau buồn như vậy, nên nhiều lần con đã hỏi mẹ, thậm chí cật vấn mẹ, nhưng cho đến nay, chưa một lần mẹ trả lời trực tiếp câu hỏi của con. Con biết có thể vì một lý do nào đó khiến mẹ sợ chăng. Bởi vì cả làng này ai cũng biết con do mẹ đẻ ra, mà đã có mẹ thì phải có cha.
Kính thưa mẹ,
Mẹ nay đã  gần sáu mươi tuổi rồi, mẹ còn giữ bí mật đến bao giờ nữa. Tôi xin quý vị hãy giúp đở tôi, khuyên mẹ tôi, hãy nói ra ba tôi là ai, dù ở góc bể chân trời nào, dù ông không còn trên đời này nữa, con cũng quyết đi tìm. Xin mẹ hãy vui lòng đừng im lặng nữa, hãy chia sẻ với con. Một mối tình oan trái, một phút lỡ dại, có gì mà phải giữ mãi trong lòng. Con tha thiết xin mẹ hãy vì con mà nói ra điều đó. Ba con là ai? dù một ông quan lớn hay một anh lính quèn, điều ấy cũng vô cùng hạnh phúc cho con. Con biết mẹ vẫn còn yêu cha con lắm, vì sao, bởi vì khi con mới ra đời mẹ đã đặt tên cho là Cà Rốt, sao không là Cu Tý, Cu Tèo, không là thằng Vá mà lại là Cà Rốt, rất nhiều lần mẹ gọi con là Cà Rốt với một tình thương yêu vô bờ, mà chính bà ngoại cũng nghi ngờ điều đó và cũng mấy lần biểu mẹ cứ nói ra. Xin quý vị hãy giúp đở tôi, hãy nói vô cho tôi một tiếng. Xin cám ơn mẹ, xin cám ơn quý vị. Con mong mẹ vui lòng trả lời cho con.
Cả nhà Họ im phăng phắt. Rồi các ông Trưởng tộc, các vị cao tuổi trong làng nhìn o Cơ.
Thôi chị nói ra cho rồi, cháu nó tha thiết lắm.
Thôi bà Cơ ơi, nói ra đi cho nhẹ dạ.
Từ khi Phan Quốc Tự bắt đầu, o Cơ càng lúc càng xúc động, o tính đứng dậy đi vào phòng, nhưng chân o như cứng lại, o dựa vào lưng ghế, tưởng như chừng không còn sức lực gì nữa. Nhưng rồi bỗng dưng  như một cây khô sau những ngày nắng hạn gặp trận mưa rào, o thấy trong người mình khỏe như mười năm trước, o đứng lên.
Thưa bà con làng xóm.
Hôm nay là ngày kỵ cha tôi, đáng lý ra không nên có chuyện như thế này mới phải. Nhưng thôi, cháu nó nói ra điều đó cũng phải, vì ai mà lại không muốn có đủ cha đủ mẹ. Đây không phải lần đầu tiên nó hỏi tôi điều này, nó đã hỏi tôi quá nhiều lần, đến nỗi tôi cũng không nhớ hết. Hôm nay, trước mặt bà con làng xóm, một lần nữa, nó lại hỏi tôi điều này, nó còn nhờ các ông bà nói vô cho nó; chắc là buổi lễ linh đình này cũng nằm trong dự tính của nó. Tuy nhiên nó có làm gì thì tôi cũng thương nó vô cùng, vì nó là con tôi, tôi rứt ruột đẻ ra, làm sao không thương được, có lẽ tôi còn sống đến ngày nay cũng vì nó, vì không có tôi, ai chăm sóc con mình.
Con đã nói vậy thì mẹ cũng phải nói lại cho con thỏa mãn, để con, dù góc bể chân trời con cũng quyết đi tìm cha mình. Như mẹ đã nói, đây không phải lần đầu con hỏi mẹ câu này, các lần trước con hỏi mẹ, có khi mẹ đang vỗ về cho con ngủ, lúc trong bếp, khi ngoài cươi, và cả trong chiếc xe sang trọng của con nữa. Nhưng lần này thì khác, không phải là chuyện giữa hai mẹ con nữa rồi. Con đã công khai, thì làm sao mẹ dấu con được nữa. Tuy nhiên, trước hết mẹ cũng muốn nhắc lại những lời mà mẹ đã nói với con nhiều lần. Con là từ bụng mẹ mà ra, mẹ nuôi con khôn lớn, trong mảnh đất này đã bao đêm mẹ khóc thầm, mẹ khóc cho con mà cũng là khóc cho mẹ, cả con và mẹ đều là kẻ bất hạnh con ạ. Ở nơi này mẹ đã ru con bằng những câu ca dao của Tổ tiên, ông bà để lại, trong căn nhà củ nát mà con đã phá đi, mỗi liếp phên đều còn ghi dấu tiếng khóc của con, tiếng thở dài của mẹ, tiếng hai mẹ con cười đùa trong khi bên ngoài biết bao đàm tiếu. Trong căn nhà củ đó, ông ngoại đã biết bao lần làm ngựa cho con cỡi, bà ngoại phải dọn cứt cho con khi con ị ra bộ phản trước bàn thờ. Ông bà ngoại cũng đau khổ như mẹ, có lẽ những nỗi đắng cay đã dày xéo khiến cho ông ngoại, một người đang khỏe mạnh mà suy sụp quá nhanh như vậy. Con đã bịt miệng mẹ, bịt miệng ông bà ngoại trước những việc làm, những lời nói cạnh khóe của những kẻ thiếu sự thông cảm. Không phải là ông bà không đủ sức để trả lời những kẻ có những câu móc méo ấy, nhưng vì mẹ, vì con, ông bà phải im lặng, im lặng riết rồi khô da héo thịt, cuối cùng về với Tổ tiên, ông bà mà không biết vì sao mình khổ thế này. Tất cả là vì mẹ, vì con. Cái ngõ cũ mà ngày nay thay bằng gạch đỏ chói ấy là nơi mà con chập chững bước vào đời, con đường làng vẫn còn giữ dấu chân con, mẹ đã nuôi con bằng máu thịt của mẹ, dòng sửa con bú là nguồn nước trong lành của ngôi làng hiu quạnh này. Quê hương làng xóm đã che chở bảo bọc con. Cái ngày con đi, mấy đứa nhỏ trong làng ngẩn ngơ, có đứa quệt nước mắt. Cái ngày mà con quyết định xây ngôi nhà này, cái nhà mà con hãnh diện là to nhất làng, nhất Quận là lòng mẹ tan hoang. Mẹ đã khuyên con, nếu con muốn, hãy kiếm miếng đất khác, với địa vị của con, con thừa sức làm chuyện đó, nhưng con cứ quyết không nghe, mẹ đành ngậm thinh mà lòng quặn thắt. Bởi vì con giỡ cái nhà ấy rồi là hết, mẹ không còn thấy ông bà ngoại đâu nữa, mẹ ở trong ngôi nhà này như một kẻ xa lạ mà thôi. Đau đớn lắm con ạ. Nhưng rồi, cái lý do mà con đưa ra rằng địa vị của con không thể để cho người ta thấy con đã sinh ra trong ngôi nhà lụp xụp như vậy. Thương con mẹ đành cam chịu. Con nói con xây nhà cho mẹ, không đâu con ạ. Ngày ông bà còn sống, Tổ tiên bao đời dành dụm mua được ba mẫu ruộng nhất đẳng điền, giờ còn lại mấy sào trưa, một mình mẹ ăn đâu cho hết, con đó, mẹ phải bán dần, bán hồi tài sản của ông bà để lại nuôi con ăn học, để cho con có được ngày nay. Mỗi lần con hỏi mẹ cha con là ai là một lần mấy đêm mẹ không ngủ được. Như thế thì sá gì cái lổ mũi cao, con mắt hai mí mà con cứ ray rứt mãi, con có học sao không biết điều đó. Nhưng thôi, bây giờ, nói như con, biết mẹ còn sống bao lâu nữa mà không nói cho con biết cha con là ai. Bây giờ mẹ nói.
O im lặng một hồi, như lấy thêm sinh lực, nén cảm động, rồi bắt đầu kể.
                Năm ấy tôi 17 tuổi, đáng ra cuối năm đó tôi đã lấy chồng, nhưng rồi bác tôi, người làng An Tuyền, gần kinh đô về thăm. Chẳng biết cha mẹ tôi bàn bạc với bác những gì mà vài ngày sau, mẹ tôi, nhân lúc nấu cơm chiều, nhẹ nhàng nói với tôi rằng.
Con ạ, cái làng mình xưa nay chỉ có mỗi một việc làm ruộng, quanh năm chân lấm tay bùn, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, từ đời ông cố, ông sơ tới giờ cũng chỉ chừng ấy. Mẹ thấy bác Thu nói cũng phải, con nên học lấy cái nghề, sau này còn có ngày mở mặt mở mày với người ta. Nhà ấy là nhà gia giáo, có nghề hàng mấy trăm năm may quan phục cho triều đình, mẹ thấy con nên theo bác ấy để học lấy cái nghề. Bây giờ mà không có nghề, lấy chồng sau chỉ khổ thôi con ạ.
Tôi đã thức suốt cả đêm đó, khóc một mình, vì tôi biết ra đi thì tương lai thế nào chưa biết, nhưng trước mắt là phải xa cha mẹ, làng xóm và nhất là anh Châu, người mà ba mẹ tôi đã dự tính sẽ làm đám cưới trong năm đó. Nhưng rồi mọi việc nhanh quá, tôi không kịp nói với ai, anh Châu cũng không biết gì về việc ấy. Anh Châu thì quý vị biết rồi, ngày tôi đi, rồi anh cũng đi, cuối cùng bị bọn mắt xanh mũi lõ ấy bắt sang làm phu tận xứ nào, gần bốn mươi năm rồi, bặt vô âm tín. Chắc cũng đã bỏ thân nơi đất khách quê người rồi.
Tôi theo bà bác lên làng An Tuyền, một ngôi làng nửa kinh kỳ nửa thôn dã. Một năm trời chỉ ngồi đơm khuy, thắt nút. Không như mẹ tôi nói, ăn được miếng cơm nhà người ta là đắng cay muôn phần. Ngày ấy, tôi mới vừa 18 tuổi, tuổi mà tôi xây dựng bao nhiêu những mơ ước cho mình, tôi vẽ ra cái tương lai sáng lạng cho mình, nhưng tất cả càng ngày càng nhạt phai đi trước sự vô cảm của những con người gọi là bà con. Ba năm, ba năm tôi chưa biết cầm đến cái kéo, hết thắt nút rồi luông kim. Nhiều lần tôi muốn về với cha mẹ tôi, nhưng một người con gái, từ thuở lọt lòng chưa ra khỏi ngôi làng thì biết đường, biết xá đâu mà lần, hơn nữa, mấy năm trời, tôi không có một đồng xu cắt bạc, hai năm được một bộ đồ, mà chỉ là bộ đồ cũ con của họ bỏ đi mà thôi.
Mấy năm sau, làng An Tuyền bắt đầu có những điều lạ. Thỉnh thoảng, ban đêm một số thanh niên trạc tuổi hay hơn tôi vài tuổi về làng, họ đi chân đất, áo quần chẳng mấy cái lành lặn. Có khi bác tôi biểu tôi phải vá áo đến khuya để họ kịp ra đi trước khi trời sáng. Người ta nói rằng các anh ấy là người làng bên, trốn sang đây vì sợ bị Pháp ruồng, bắt đi làm phu mỏ ở tận mấy cái nước của mấy ông tây đen. Tôi chỉ biết thế, nhưng mỗi lần họ về là người làng thầm lặng góp gạo, góp khoai. Tôi không biết họ là ai, nhưng trông thâm tâm tôi nghĩ nhất định họ là người tử tế.
Rồi một đêm, khi mọi người đang an giấc, có tiếng xe, tiếng la hét ồn ào từ đâu xuất hiện, tây có, ta có. Họ bắt mọi người ra đứng ngoài đường, tra vấn, rồi có tiếng súng nổ. Họ hỏi dân làng hầm bí mật đâu. Tôi không biết hầm bí mật là gì. Họ nói rằng làng này có giặc, dân làng này nuôi giặc. Họ bảo không khai họ đốt hết.
Họ đốt thật, cả mấy chục căn nhà, lửa bốc lên ngùn ngụt, bà bác tôi lo cho mấy đứa con, còn hơi sức đâu mà nghĩ tới tôi. Tôi chạy ra bụi tre núp trong đó. Chẳng hiểu sao, có một thằng người Việt thấy được, nó hô lên.
Đây rồi, hầm bí mật đây rồi.
Nó lôi tôi ra. Rồi cả chục thằng tây xúm lại, nói xí lô xí la cái gì đó.
Tôi bị một thằng tây lôi đi, rồi mấy thằng nữa, chúng nói với nhau gì đó rồi cười. Chúng kéo tôi ra ngoài thửa ruộng đầu làng. Rồi thi nhau hiếp, tôi vùng vẩy, nhưng chân yếu tay mềm lấy sức đâu ra mà thoát khỏi. Tôi ngất đi giữa cánh đồng. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong căn phòng xây như ngôi nhà này đây. Mấy ngày liền sau đó, tôi bị chúng thay nhau hiếp, mấy ngày mà như mấy chục năm, tôi chỉ muốn chết khuất mắt cho rồi. Một hôm, độ lúc trời mờ sáng, một thằng tây râu ria xồm xoằm, sặc mùi rượu, mở cửa vào. Tôi giờ đây như con bún muốn bẻ ra sao thì bẻ, uốn sao thì uốn, đang lúc nó hiếp tôi, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ đâu đó xa xa. Rồi có tiếng bước chân đi, tiếng nói cười ồn ào bên ngoài, nó vội vã bận áo quần rồi đi ra, chỉ khép cửa lại. Một lúc tôi thấy chẳng có tiếng động nào, tôi đánh bạo mở cửa ra, thẹ thẹ men theo cái hành lang, rồi thoát ra ngoài. Việc đầu tiên là tôi muốn kiếm chổ nào có sông, nhảy xuống cho hết đời mình. Tôi đi, đi mãi ra tới mấy nhà xa ngoài đồng, bây giờ gặp ai tôi cũng sợ, nghe tiếng người gọi nhau to tiếng là tôi chẳng còn hồn vía nào. Rồi đói quá, tôi mò vào một nhà dân xin ăn, thấy tôi lạ, họ hỏi mãi, rồi tôi cũng nói ra, dường như ở đây chuyện ấy người ta nghe nhiều rồi nên chỉ chép miệng.
Tội nghiệp.
Tôi nói tôi là người làng Lệ Đoài nhưng chẳng ai biết làng Lệ Đoài ấy ở đâu. Sau mấy ngày, rồi tôi cũng hoàn hồn, nhưng biết đi đâu bây giờ. Không ai biết làng xóm tôi nơi nào mà chỉ. Tôi quyết định ra con sông trước làng, nhảy xuống kết liễu đời mình.
Tôi đi, trời xui đất khiến, trên đường ra sông tôi gặp một người đàn ông đứng tuổi, thấy tôi đi thất thểu, ông biết dường như có chuyện chẳng lành, vì ở đây chuyện con gái trầm mình xuống sông để tự tử không phải là chưa từng xảy ra. Ông hỏi chuyện, tôi nói tôi người làng Lệ Đoài thất lạc tới đây.
Ông nói: Làng Lệ Đoài hả, bà lớn nhà tôi cũng là người làng Lệ Đoài, bà ấy mất rồi.
Tôi mừng khôn xiết, bỗng dưng tôi nhớ tới cha mẹ tôi, chẳng biết giờ này ra sao. Tôi quên mất chuyện chết. Ông hỏi tôi xuống đây làm gì ? Tôi đành phải nói thật hoàn cảnh của mình và mong tìm được đường về nhà. Ông nói:
Từ đây tới đó cũng cả ngày đường, nhưng mà đi ghe, lâu lâu mới có, vì người ta chở lu, thạp xuống đó bán.
Tôi vừa mừng, rồi lại lo, mừng vì có người biết làng tôi ở đâu, lo là vì lâu lâu thì biết bao giờ mới có. Rồi ông đi, một chút ánh sáng lóe lên rồi lại tắt lịm. Ông đi một đổi xa, bổng nhiên quay lại, nói:
 Bác không phải người làng này, làng bác bên kia sông, thôi con theo bác về nhà rồi bác hỏi cho.
Tôi thấy sờ sợ, nhưng đến nước này thì còn biết trông cậy vào ai. Tôi theo ông về nhà. Vài hôm sau, ông dẩn tôi ra sông cùng với một gói trà. Tôi thấy một chiếc ghe lớn mà đời tôi chưa thấy bao giờ. Ông xuống nói gì đó với người chủ ghe, rồi đưa tôi xuống. Một ngày sau tôi về tới làng và giờ đây đang ở trong căn nhà to lớn này đây.
Thưa bà con làng xóm. Cuộc đời tôi từ trước đến giờ này chưa có một cái gì tự quyết định được cho đời mình. Ngay cả cái tên Cà Rốt cũng do mấy người có Tây học đặt cho, chứ tôi nào biết cà rốt cà chua là gì? Còn cái tên Phan Quốc Tự. Tôi họ Hùng lấy đâu ra mà đặt cho nó họ Phan, làng mình từ thuở nào làm gì có khai sinh khai siết gì đâu. Đi học, họ nói bây giờ văn minh rồi, Pháp sang đây dạy cho An Nam biết có giấy có tờ mà làm bằng. Rồi họ đặt cho cái tên Phan Quốc Tự, cái tên mà con tôi hãnh diện ngày nay. Ngay cả nó, cái giọt máu trong bụng ngày ấy, chính tôi có muốn đâu, nhưng phận đàn bà chân yếu, tay mềm, biết làm sao được. Rồi tôi chấp nhận số phận, tuy bị cưỡng bức nhưng đằng nào nó cũng lớn lên trong bụng mình rồi, số phận tôi là vậy.  Nhưng rồi thiên chức làm mẹ trời cho, có nó tôi trở nên khác, con cần mẹ, mẹ cũng cần con, có như vậy mới có hôm nay.
Đó, con muốn biết thì giờ mẹ nói ra cho con biết. Ai là cha con trong những thằng hiếp mẹ mà con cứ nằn nặc đòi mẹ phải nói ra cha con là ai, để con đi tìm. Không có thằng cà rốt, cà chua nào là cha con cả. Con là con của mẹ, biết bao nhiêu lần mẹ đã nói rồi. Tuy khuông mặt con đôi chút giống với những kẻ giết người ấy, nhưng họ tên con là Việt, tâm hồn con là Việt. Ai sinh con ra? Ai nuôi con lớn? Ai bảo bọc con? Ai dạy con nên người? Ai đã vì con mà héo mòn, chết dần trong tủi nhục? Ai đã vì con mà mất đi mảnh đất hương hỏa của giòng họ mình? Con có học sao con lại vô tâm đến vậy? Sao con cứ khư khư muốn làm con của những tên cướp nước mẹ, giết cậu con, bọn giả nhân, giả nghĩa, sát nhân nấp dưới cái tên tiến bộ, văn minh. Thôi tôi mệt quá rồi, cho tôi nằm nghỉ một chút. Xin bà con thông cảm cho tôi.

                                                                 XXXXXXXXX


Mấy ngày sau khi Phan Quốc Tự gặp tôi, o Cơ mất, nghe nói ông Tự không về chịu tang, viện lý do là đi công cán nước ngoài rồi không về kịp, làng xóm xúm nhau lại lo cho o. Từ đó tới nay, ngôi nhà ấy vắng vẽ, nhưng vẫn là ngôi nhà to nhất làng tôi. 


(Tác giả gởi bài tới blog Hữu Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét