Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Bá Tân: Hoan hô báo “cánh tả” Đại Đoàn Kết

Bá Tân

Đương kim tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết hiên ngang khẳng định (bằng văn bản): Báo Đại Đoàn Kết là báo cánh tả.
Ít nhất kể từ năm 1975, sau khi cả nước thành một khối dưới mái nhà XHCN, có một tờ báo chính thống do đảng lãnh đạo, đưa ra tuyên bố: là báo cánh tả.
Việt Nam hiện thời có báo cánh tả hay không, câu trả lời xin nhường cho cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí cũng như dư luận xã hội.
Báo Đại Đoàn Kết là báo cánh tả, khẳng định của tổng biên tập Hồng Thanh Quang, nếu đúng, số đầu báo còn lại, chiếm đại bộ phận, thuộc loại hình báo cánh hữu.
Hai trường phái báo chí, cánh tả và cánh hữu, đương nhiên cách làm báo sẽ rất khác nhau. Nếu không đối lập, cánh tả và cánh hữu sẽ luôn không cùng âm điệu, không cùng cách nhìn … Sự khác biệt không chỉ là phương pháp, mà chính là nội dung được chuyển tải, gam màu chính trị của thông tin.
Nói được làm được, đã nói là làm. Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết hiện thời thể hiện mạnh mẽ báo “cánh tả” bằng những việc làm cụ thể, tạo ra những dấu ấn vô cùng đặc biệt. Về khoản này mà nói, trong làng báo chí quốc doanh hiện thời, ngoài Hồng Thanh Quang, không có người nào dám làm như vậy.
Cách đây chưa lâu, thông qua trang tin điện tử, ấn phẩm của báo Đại Đoàn Kết, cơ quan báo chí này, do Hồng Thanh Quang đứng đầu, mượn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra tuyên bố rùng rợn: Việt Nam xâm lược Campuchia. Đây là “quả bom thông tin” đối với mặt trận tư tưởng và báo chí của Việt Nam.
Nhiều lão thành cách mạng, kể cả một số tử tù thời chống Mỹ, lên tiếng phản đối dữ dội, họ coi đó là bịa dặt trắng trợn, xúc phạm danh dự các thế hệ “anh bộ đội cụ Hồ”. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí vẫn làm thinh. Phải chăng các cơ quan đầu não ấy có vấn đề về tư tưởng, phải chăng họ đồng điệu “cùng thuyền” về chính trị với báo Đại Đoàn Kết.
Lại thêm dẫn chứng mới toanh về bản chất “cánh tả” của báo Đại Đoàn Kết. Trong ấn phẩm Đại đoàn Kết Tinh Hoa Việt, số 85/2018, tại trang 9, bài viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, có những khẳng định vô cùng… cánh tả.
Vụ “nhân văn giai phẩm” đang từng bước được làm sáng tỏ, hậu thế được tiếp cận đúng sự thật, minh oan cho những người bị oan sai, cho dù việc làm ấy quá muộn. Báo Đại Đoàn Kết, trong số báo nói trên, dõng dạc đánh giá: “So sánh phong cách ứng xử quân tử ấy (của tướng Nguyễn Sơn) với cung cách đối xử tiểu nhân đối với giáo sư Trương Tửu và các giáo sư danh tiếng khác như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo… trong vụ nhân văn giai phẩm sau này”. Đoạn văn tiếp theo nhấn mạnh thêm: “Nguyễn Sơn là tướng nhưng tướng văn, trong khi không ít vị phụ trách văn nhưng lại cư xử thiếu chất văn”.
Đáng cộng sản Việt Nam, người đứng đầu là GS.TS Nguyễn Phú Trọng, đang quyết liệt thực hiện chiến dịch chống suy thoái tư tưởng bằng luận thuyết chống “tự chuyển hóa, tự diễn biến”. Báo Đại Đoàn Kết chứng tỏ bản chất “cánh tả” bằng cách, chẳng khác nào giáng trả nảy lửa với luận thuyết nói trên, khi mượn lời của tướng Nguyễn Sơn nói rằng: “Đảng ta, về mặt triết học, thừa nhận mọi hiện tượng vật thể cùng các ý thức xã hội luôn vận động phát triển, không hề có bất biến cố hữu. Ai cứ khư khư tự tôn vinh là “muôn năm”, là “vạn tuế” là “duy tâm siêu hình”. Chẳng biết câu này của tướng Nguyễn Sơn (được báo Đại Đoàn Kết trích dẫn) xuất xứ từ tác phẩm nào.
Cả nước hiện có hơn 800 tổng biên tập, kể cả báo và tạp chí. Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết làm được những việc “đại vĩ đại” như vậy, tại sao số đông các tổng biên tập không dám làm. Làm thế khác chi tự treo cổ, nhiều tổng biên tập sẽ phân bua như vậy. Các quan làm báo quốc doanh đã nhầm to, tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết chứng tỏ bản chất “cánh tả” ngang nhiên như vậy nhưng, không những vẫn sống, mà còn sống khỏe.
Ai rồi cũng phủi tay giã biệt chức tước, rời cõi tạm để về với chốn vĩnh hằng. Cái để lại là sức nặng nhân cách, nền tảng phẩm hạnh và chút ít hiệu quả công việc (nếu có). Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết hiện thời, cái để lại không phải nhân cách, không phải phẩm hạnh, mà là thể hiện, kể cả lời nói và việc làm, bản chất “cánh tả” của báo Đại Đoàn Kết.

1 nhận xét:

  1. sao ông Bá Tân không nêu rõ các số báo và ngày đăng các bài viết? nếu a Hữu Nguyên biết thì có thể nêu?

    Trả lờiXóa