"Siêu đại hiệp" Kim Dung đã ra đi ở tuổi 94.
Gọi "siêu đại hiệp" vì chính ông là cha đẻ của rất nhiều đại hiệp nghĩa khí giang hồ.
Và dù ít dù nhiều, muốn hay không, tuổi thơ tại hạ từng được Kim đại hiệp truyền cho cái khí chất nghĩa hiệp đó từ các nhân vật của mình.
Dù khi đó chưa biết yêu là gì nhưng kẻ tiểu bối trong làng kiếm hiệp như tôi cũng đã cảm nhận sâu sắc yêu thích sự lãng mạn của cái tinh thần rũ bỏ tất cả giấc mơ bá chủ chốn giang hồ hiểm ác chỉ để được thong dong nơi chân trời góc biển mà "kẽ lông mài cho Triệu Minh tiểu muội".
Khi nghe đám thuộc hạ sụp lạy tung hô "Tham kiến giáo chủ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, trung hưng thánh giáo, bái thúc giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ", lúc Nhậm Ngã Hành đoạt lại ngôi vị từ Đông Phương Bất Bại, tại hạ cũng đã thấy được sự khôi hài tới lố bịch...
Bá chủ võ lâm, thiên hạ vô địch luôn là giấc mơ của nhiều kẻ hành tẩu giang hồ nhiều tham vọng. Không từ bất kỳ thủ đoạn nào kể cả ngụy quân tử để giành hay cướp địa vị độc tôn.
Nhưng không phải cao nhân hành hiệp nào cũng mơ về nó và đôi khi võ công càng cao cường người ta lại càng không màng tới ngôi vị độc tôn.
Tuy nhiên, việc tìm ra đệ nhất cao thủ trong kho võ hiệp Kim Dung từng là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất.
Nhân vật được nhiều người sùng bái nhất có vẻ như là Kiếm khách Độc Cô Cầu Bại. Nhân vật này thực chất không hề xuất hiện cụ thể trong truyện, cũng chưa hề được mô tả có võ nghệ ra sao.
Tất cả những gì người ta biết về ông chỉ là giai thoại "cả đời không có đối thủ" và bộ kiếm thuật Độc Cô Cửu Kiếm.
Nhưng vẫn có một nhân vật được nhiều ý kiến cho rằng xứng đáng nhất với danh hiệu này, một nhân vật... không hề có tên hay ngoại hiệu!
"Vô danh thần tăng", là cách gọi của nhiều người dành cho nhân vật xuất hiện trong Thiên Long Bát Bộ ngắn ngủi một vài đoạn, nhưng ấn tượng mà "đệ nhất cao thủ" này để lại mãnh liệt tới mức không mấy người mê truyện không nhớ tới.
Mô tả của Kim Dung về Vô danh thần tăng khá đặc biệt, chỉ là một vị sư quét chùa, mặc tăng bào màu xám, địa vị thuộc hàng thấp kém nhất trong Thiếu Lâm Tự.
Nhưng ẩn giấu dưới lớp vỏ bọc bình thường ấy lại là một đại cao thủ đích thực, thậm chí vượt qua phạm trù võ học thông thường.
Vị lão tăng vô danh đó đã làm được một việc không tưởng: Đánh chết cùng lúc 2 danh gia võ học Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn, chỉ bằng một chiêu thức nhẹ nhàng.
Nhưng đó không phải là lý do chính khiến người ta công nhận ông là "đệ nhất cao thủ" trong truyện Kim Dung.
Sức mạnh của vị thần tăng này còn nằm ở những hành động ngay sau đó: Cứu sống hai kẻ từng bị mình đánh chết và hoá giải cả ân oán trong lòng họ.
Giết người không khó, nhưng giết được những đau khổ, oán thù trong lòng họ mới là điều không tưởng. Vị lão tăng này đã làm được điều đó không chỉ bằng võ công, mà còn bằng trí tuệ và sự bác ái của mình.
Việc lần lượt đánh chết những kẻ mang mối hận truyền kiếp với nhau rồi lại cứu sống họ, để họ nhận ra sự vô nghĩa của việc báo thù mới xứng đáng làm nên một đệ nhất cao thủ trong truyện Kim Dung.
Võ công không chỉ để giết người hay chiến thắng kẻ khác.
Vị cao thủ thật sự phải là người dùng sở học của mình làm được những điều phi thường nhất, giống như vị lão tăng quét lá ở Thiếu Lâm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét