“Một con én một đoạn đường lay lất

Một đêm dài nghe thác đổ trên cao

Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao 

Bóng ma gọi tên người mỗi sáng
Từng ngày qua từng tiếng vu vơ
Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ 

Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa? 

Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng
Người vẫn đi như nước chảy xa nguồn
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ nghìn năm 

Đó là bài thơ Mưa Cao Nguyên của Tuệ Sỹ mà kẻ lang thang này đã ngâm nga biết bao lần trên khắp dặm ngàn phiêu bạt.“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” là một câu thơ ám ảnh, cứ đọc đi đọc lại mãi như đọc thần chú, trên những chuyến giang hồ xuôi ngược sương gió đó đây. Ngày đi, tháng đi, năm đi và đời mình cũng đang chuyển dịch đi qua. Đi trên nhịp bước bềnh bồng sông núi lặng: “Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng. Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.”* Phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương, theo cách điệu tiêu dao du chơi giữa vô thường:

“Bước đi nghe cỏ động
Đi mãi thành tâm không
Hun hút rừng như mộng
Tồn sinh rụng cánh hồng”**

Bồng phiêu tựa cánh chim trời vút bay giữa muôn trùng cuộc lữ, như Nguyễn Du tung vó ngựa băng qua những ngọn núi chập chùng Hồng Lĩnh, còn nghe văng vẳng vọng lại khúc Đoạn Trường Tân Thanh, như Basho bộ hành, du tử ca trên Con Đường Sâu Thẳm khắp xứ hoa Anh đào Nhật Bản, như Lý Hạ lê la trong bóng đêm dài sinh tử, trỗi khúc quỷ ma ca với những âm hồn lênh đênh,  như Rimbaud sầu bi ca quá rùng rợn vượt qua Một Mùa Địa Ngục trần gian, như Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng lưu đày tận những vùng băng tuyết tuyệt mù xa ở Trung Hoa, như Tuệ Sỹ đi và đi theo cuộc Thiên Lý Độc Hành giữa ngày tháng ngao du suốt Mười Năm Trong Cuộc Lữ:

“Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô 

Vì lêu lổng mười năm trời nói mộng
Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn
Một sớm nọ nghe chim rừng đổi giọng
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần 

Đất đỏ thắm nên lòng người hớn hở
Đá chưa mòn sao lòng dạ trơ vơ
Thành phố nọ bởi sương mù nắng quái
Nên mười năm quên bẵng mộng giang hồ” 

Bước tiêu dao qua khắp mười phương trời Đông Tây kim cổ, từ Nguồn Gốc Của Một Thế Giới Quan Vô Tận đến Triết Học Về Tánh Không, từ Tư Tưởng  Là Gì? đến Sự Huỷ Diệt Của Một Trào Lưu Tư Tưởng**…Thi nhân lên tận núi rừng mênh mông để Tổng Thuyết Vũ Trụ Luận về các nền văn minh tối cổ của nhân loạilặn lội sâu xuống biển cả Hoa Nghiêm mở tung cánh cửa Mười Huyền Môn rồi Dẫn Vào Duy Thức Học,Truy Tìm Tự Ngã và Ý Hướng Triết Lý Của Trung Quán**… Hát ca hoà tâm khúc từ Huyền Thoại Duy Ma Cật đến Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, từ Giấc Mơ Trường Sơn đến Thiên Lý Độc Hành… 

Hành viễn xứ đẫm phong trần dấn bước, vượt qua vô số khổ luỵ đoạn trường, giáp mặt tử thần, cận kề quỷ sứ ma vương trong tù ngục đoạ đày, vượt qua, băng qua những thành trì ngã chấp điên đảo, những vọng tưởng cuồng si của một thứ hư vô chủ nghĩa thật khủng khiếp kinh hồn….

Rồi cuộc Thiên Lý Độc Hành ấy rời núi rừng cao Đamri, Bảo Lộc, xuống đèo non dốc núi, lội qua ồn ào phố thị, xuôi dọc dòng sông nước Cửu Long và trôi dạt ra đại dương, tận Ngoài Hải Đảo Lại Sơn ngút ngàn lồng lộng, rạt rào bao sóng biển Kiên Giang:

Mù xa ra giữa mênh mang
Trùng khơi hải đảo ngút ngàn Lại Sơn
Trên đồi cao nhịp võng vờn
Thoảng nghe hương vị cô đơn tuyệt cùng 

Cô liêu một bóng thung dung
Từ tâm loang thấm chập chùng cỏ cây
Rừng hoang lau lách mọc đầy
Trèo non lội suối sương bay ngát trời 

Kể từ cuộc lữ rong chơi
Đã qua mấy triệu năm rồi phải không?
Từng đau rợn máu lệ hồng
Từng thương vô hạn xót trong tim sầu 

Chừ đây giữa biển lòng sâu
Lặng nghe tận đáy địa cầu nói chi
Tịch nhiên chẳng một lời gì
Mà vô lượng nghĩa hoà vi diệu huyền 

Huyền hoà vi diệu cái chi, khi dừng chân Trên Đồi Cao Vô Trú Am tận ngoài hải đảo xa xôi, heo hút giữa ngàn khơi bát ngát?:

Ven triền đảo nhấp nhô gành đá tảng
Ngát rừng cao hoa lá trổ bao dung
Lòng như đại hải mênh mông chứa
Cả vô biên vô lượng cái tuyệt cùng 

Trùng khơi hỡi bao la hòa sóng vỗ
Vỗ huyền ngân cung bậc đại dương cầm
Âm ba có lúc rung thần khí
Lúc im lìm nín bặt lặng hồn câm 

Trầm nhịp võng đong đưa vầng nhật nguyệt
Lặng nghìn năm nghi ngút khói vô vi
Thái hư tự tại cười rỗng suốt
Cánh chim qua dấu vết chẳng lưu gì 

Bước đi của thi sỹ giống như một cánh chim nhạn bay qua dòng sông, chim đâu cố ý lưu ảnh hình dưới dòng nước chảy, dòng nước kia cũng vô tư không cố giữ hình bóng chim lại làm chi. Chim vẫn bay, nước vẫn chảy tự bao giờ giữa thiên địa hoang lương.

Đường lên dốc đá qua bãi cát xanh quanh triền núi nhấp nhô, Vô Trú Am nằm trên ghềnh đá chập chùng, nhìn xuống muôn trùng đại hải bao la. Nơi đây, nhà thơ cảm hứng theo cuộc lữ về mắc võng đong đưa giữa hai đầu biển núi, sớm chiều tiêu sái trong cõi tịch mặc, uyên tư trên Đồi Đá Tảng Hoang Sơ:

Về đây vất hết danh từ
Trút đi khái niệm toàn hư huyễn rồi
Ý nào chưa nói trên môi
Đã vang sóng vỗ thành lời thơ bay 

Bay tan theo bọt sóng này
Chỉ còn điệu thở ở ngay bây giờ
Trên đồi đá tảng hoang sơ
Giữa ngàn khơi lộng không chờ đợi chi 

Ơi trời xanh quá xanh rì
Tận cùng cuộc lữ là tri kiến mình
Tịch nhiên im vắng lặng thinh
Tịnh hồn sâu thẳm nghe tình tự ca 

Nghe ra trong sâu thẳm tâm tình những niềm ý chi không biết. Chỉ hay rằng, thanh thản nụ cười mây trắng, an nhiên ánh mắt mưa xanh, thi nhân trút xuống muôn ngàn giọt từ tâm thâm thiết tuôn tràn khắp cõi bụi phù trần, gội mát vô lường, khơi mở cho đời xiết bao thông lộ yêu thương.

Thưởng thức nguồn xanh thanh khí, tiêu dung năng lượng thanh cao, bổ dưỡng tâm hồn. Còn gì thi vị hơn, khi du sỹ được ngồi đối diện, uống trà với thi nhân trên đồi cao, bên ghềnh đá tảng chập chùng ven triền biển, như uống từng giọt cam lồ hay sương huyền nguyên trinh, tịch lặng, lắng nghe Hương Vị Một Tách Trà: 

Sớm tinh mơ đốt trầm ngồi đối ẩm
Rót giọt sương vào ly gió muôn trùng
Trộn lẫn nắng nghìn thu trong một cốc
Trà thi ca cùng thưởng thức vài chung 

Nghe lý sự tan trong niềm im lặng
Chén trà xanh thanh đạm tỏa vờn hương
Hương vị đó có trời cao đất rộng
Hòa quyện nhau thành diệu nghĩa vô lường 

Một tách trà chứa càn khôn vũ trụ
Đủ tương phùng sông suối biển ngàn khơi
Mời toàn thể mười phương cùng nhau uống
Nguồn sơ nguyên uyên mặc vốn không lời

Tuy không lời nhưng vẫn nghe đồng vọng trong lòng xiết bao niềm thâm thiết, truyền âm nhập mật qua từng cung bậc thi ca, hòa chan dạt dào Vô Lượng Tình Thương: 

Chén trà chứa cả đại dương
Ôi tình thơ đó vô lường vô biên
Nâng ly sạch hết ưu phiền
Tan nghìn u tối bừng nguyên sơ này 

Hương trà thoảng ngát đồi cây
Ấm lòng tỏa quyện hiển bày thanh tâm
Lời thơ trên mắt lặng trầm
Thầm nghe trực tiếp niềm thâm cảm nào 

Tưởng chừng như lạc chiêm bao
Bàng hoàng ánh nguyệt chiếu vào sâu xa
Mới hay trong một chung trà
Hòa vi diệu pháp reo ca giữa hồn 

Chén trà vi diệu tâm pháp từ bàn tay gầy của thi sỹ rót xuống giữa đêm trăng rằm hay sớm tinh sương kia bỗng hóa thành thơ nhạc, rộn ràng qua từng nét chữ linh độngtài hoa:

“Sương mai lịm khói trà
Gió lạnh vút tờ hoa
Nhè nhẹ tay nâng bút
Nghe lòng rộn âm ba”*

Cũng rộn ràng như vậy, cây lá, hoa vàng, cát sỏi ven triền dốc đồi đá tảng hoang vu, nghiêng xuống biển trời hải đảovô cùng hân hoan, khi thi nhân bất ngờ vân du đến chơi và dừng gót phiêu bồng lại trên đồi cao gió lộng, ngồi thong dong giữa đại hải mênh mông, lắng nghe hòa khúc Đại Dương Cầm âm vang rào rạt:

Đại dương như một cung đàn
Ngày đêm vỗ nhịp mênh mang sớm chiều
Dị thường hương vị cô liêu
Thoảng quanh gành đá hải triều âm dư 

Lẫn trong khói sóng bay mù
Trên đồi cao bóng hoang vu chạm trời
Thênh thang giữa cuộc lữ chơi
Đến đi như vậy thấy rồi như nhiên 

Thấy chi cũng tuyệt diệu huyền
Miên man sáng tạo cõi uyên nguyên nào
Cung cầm âm khúc tiêu dao
Cảm rung cùng tận nghe rào rạt ngân 

Rạt rào bao âm thanh vi diệu nên mọi tiếng nói, diễn giải lý đạo lẽ đời xin im lặng, chẳng thể miêu tả được thành lời. Ngôn ngữ trở thành không cần thiết khi chống gậy trúc cùng song hành Lên Núi Ma Thiên Lãnh, một ngọn núi cao nhất ngoài hải đảo, vang vọng sóng mây ngàn vần vũ giữa thanh thiên:

Suối truông ngập lá ven triền
Trèo lên dốc đứng giữa thiên nhiên này
Gậy thiền động cánh chim bay
Lượn phong quang ngợp trắng đầy mây trôi 

Dừng chân bên thạch động ngồi
Màu rêu xanh lặng nghe hơi núi trầm
Thoáng vèo qua mấy nghìn năm
Mà rừng sâu vẫn còn thầm ngát hương 

Hương chi thi vị lạ thường
Quyện vào hương tích hoà tương cảm cùng
Đường sương nắng trải mông lung
Dấu chân tiền kiếp trên vùng hoang sơ

Hoang sơ là thuở trời đất mới phôi dựng còn thanh tânnhật nguyệt còn chiếu diệu một làn ánh sáng mông lung, huyền mộng. Màu ánh sáng ban sơ ấy, bây giờ vẫn còn hiện ngời rực rỡ trên ánh mắt toả hào quang đầy thần thái an lạc với nụ cười trầm tịnh, trinh tuyền trong nắng sớm bình minh. Tinh sương, tinh tútinh anh, tinh tuý đều dồn lại lấp lánh thành tuệ nhãn, biểu hiện rực ngời trên Đôi Mắt Tuệ Sỹ: 

Như Long Tượng mắt mở trừng sáng rực
Một hôm gầm sấm dậy khắp nhân gian
Làm chấn động khắp sơn hà đại địa
Rền ngân vang tận rú thẳm non ngàn 

Đôi mắt ấy cháy ngời xanh ánh lửa
Thiêu rụi tàn ngàn bóng tối u minh
Vô lượng quang sáng bừng lên trí tuệ
Đại bi tâm hàm dung chứa bao tình 

Đôi mắt đó trầm sâu màu đáy biển
Hoà chan nhau máu lệ nỗi đau đời
Từ nhãn thị chúng sinh đầy thương cảm
Mà đoạ đày trong cuộc lữ chao ơi! 

Ôi đôi mắt lặng nhìn xuyên tam thế
Cõi tồn lưu huyễn mộng khói sương lồng
Lòng trăng hiện giữa đêm dài sinh tử
Thõng tay vào phố chợ bước dung thông 

Bước dung thông là thõng tay vào chợ, bước đi như thị, biết khế lý, khế cơ, không vướng kẹt vào bên này hay bên kia, chẳng mắc dính vào cao thấp, lớn nhỏ, trí ngu, đúng sai, phải trái, hơn thua, tốt xấu, giàu nghèo, thiện ác, sang hèn, ghét thương, sướng khổ, có không, mộng thực, mê ngộđạo đời, được mất, chân giả…chi chi cả.

Phải chăng, đó là bước đi tuỳ duyêntuỳ thuận chúng sinh, dùng nghệ thuật để chuyển mê khai ngộ một cách diệu dụng của hàng Bồ tát thị hiện giữa dòng đời? Không rõ nữa, chỉ biết rằng, bước chân vân thuỷ đó đang rong chơi, mở ra bất tuyệt miền không xứ trên vạn nèo đường Nước Chảy Mây Trôi: 

Muôn dòng nhập cuộc rong chơi
Hoà chan cát bụi ngút vời phiêu nhiên
Lên núi ẩn xuống chợ triền
Bước chân vân thuỷ theo duyên thuận tuỳ 

Như nước chảy chẳng dính chi
Như mây bay chẳng mắc gì thế gian
Dù rực rỡ hay điêu tàn
Vui lòng chấp nhận hân hoan như thường 

Dù trăm thảm hoạ tai ương
Cũng không than oán can trường đến đi
Xem như chẳng xảy ra gì
Gốc từ vô ngã nên chi mỉm cười 

Vô ngã là nhận biết “cái tôi” hay “cái ta” chỉ là giả danh, tạm gọi để xưng hô trong sinh hoạttiếp xúc với mọi người giữa cuộc sống thường nhật, chứ không thực có một “cái tôi, cái bản ngã” nào cả. Biết rõ như vậy thì mình không chấp chặt, mắc dính vào ngôn ngữ, lợi danh, tránh được mọi phiền nãoVô ngã là một thái độ không chấp giữ vào bất cứ một điều chi cả, cứ thanh thảnan nhiên qua lại với cái đang là.

Nhà thơ Tuệ Sỹ ngồi đó mỉm cười, một nụ cười vô ngã và đọc thơ chơi: “Một cõi Vĩnh Hằng thu giọt nắng. Nghe tình du tử chợt xôn xao.” Xôn xao khi ngắm biển trăng ngần, rạt rào bao sóng vỗ âm ba và lúc leo lên tận ngọn Đề Thơ Mờ Sương Khói Núi, ngồi thưởng thức những cụm mây trời vạn cổ bay bềnh bồng trong gió nắng reo vui:

Núi Đề Thơ gập ghềnh lên tận đỉnh
Nhìn xuống sâu hun hút ngút đồi nghiêng
Hương trời biển lâng lâng vờn lan tỏa
Lồng trong mây trắng lượn khói sương huyền 

Những tảng đá lạ lùng cao sừng sững
Đứng uy hùng xem lịch sử trôi qua
Gậy Thiền sư gõ trên đầu sử lịch
Mấy nghìn năm vang dội khắp sơn hà 

Đá nhập định chuyển rung hồn xuất cốt
Bỗng nhiên nghe tiếng vỗ một bàn tay
Một tiếng vỗ vô thanh mà chấn động
Bùng vỡ ra cả vũ trụ phơi bày 

Hiển lộ bày ra cái tinh khôi mới mẻ trên từng cái thấy, từng ngón tay gầy sáng tạo, qua ánh mắt thần lực rực ngời, trong giọng nói tiếng cười thân thiện, truyền cảm, tự nhiên gây sự chú tâmChú tâm mới nghe ra trong tiếng cười, giọng nói kia, bỗng dội rền lên một tiếng gầm sấm sét Rúng Động Tiếng Sư Tử Hống: 

Lên đỉnh Ông Rồng nhìn mây trắng
Bát ngát ngàn sương giữa muôn trùng
Cây Thiên tuế lặng trầm tịch mịch
Cuộn tròn như lý sự viên dung 

Thiên tuế nghìn năm nằm chờ đợi
Bừng lên sinh khí hạo nhiên tràn
Tiếng sư tử hống làm rúng động
Khiếp vía kinh hồn cáo chồn hoang 

Tháo chốt nhổ đinh rời tù ngục
Mở dây ràng buộc trói cột mình
Bước tiêu dao dạo vô sở trú
Đùa chơi hý lộng với tồn sinh 

Sinh tử có không trò huyễn mộng
Sống chơi chết cũng vậy chơi thôi
Chơi không dính mắc vào đâu hết
Nên tự do đi cảm hóa đời 

Tự dotự tại, vô quái ngại là phong thái của Thiền sư thi sỹ đi về mặt đất, trần gian này. Chỉ cần ngồi lắng nghe sự im lặng hay giọng nói thôi là cũng đủ hiểu ra lẽ thật của bao nghĩa đời, lý đạo cao siêu. Đạo và Thơ cùng hoà chung trên tiết nhịp thư thả hoà hài:

“Cái ảo diệu không phải là cái ảo ảnh. Muốn cho lời thơ tuyệt diệu thì phải là đừng gò ép, vừa Không và vừa Tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động. Không cho nên bao hàm vạn cảnhNgắm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời mà thấy mình như nằm trên chóp đỉnh mây cao. Đủ hết các thứ mặn nồng, chua chát, trong đó có cái hương vị tuyệt vời… 

Người học Thiền, học từ cái khổ đau, hư ảo, học cho thân tâm ra là thứ tro tàn nguội lạnh. Học như thế là học để mà đoạ đày. Sở đạt của sở học đó là buông thả, hoá thành cái Không và trở thành cái Tĩnh. Buông thả thì không câu chấp, không còn bị ràng buộc. Cũng tiêu dao như hồn thơ thoát sái và lãng mạn. Tâm Tĩnh thì trầm lặng như mặt nước không gợn sóng, phản chiếu trọn vẹn ngoại cảnhTâm Không thì Tâm rộng như mặt biển bao ladung nạp tất cả ngân hà tinh đẩu. 

Người học Thiền chịu đoạ đày cho thân mình gầy, cho tâm mình nguội, trong đó có cái diệu dụng phi thường của nó. Người làm thơ, cuộc đời bị đày ải truân chuyên, trong đó cũng có cái ảo diệu của vị chua vị mặn. Suốt đời học Thiền, suốt đời vẫn đày đoạ thân tâm, đày đoạ trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đoạ đó mà kỳ thực không là đày đoạ. Cũng vậy, suốt đời làm thơ thì suốt đời khổ luỵ, lao đao nhưng không là khổ luỵ, lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi?… 

Thi sỹ và Thiền sư cũng lao đao và cùng tiêu sái trong cùng một cõi trầm mặc phiêu bồng, vừa Không vừa Tĩnh…Đạt tới cõi thượng thừa của Thơ, như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Dạo, cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm, ba mươi năm đày đoạ thân tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra…”*** 

Thật không ngờ, mới 26 tuổi mà Tuệ Sỹ đã viết một tác phâm thâm trầm, thâm thuý, kỳ tuyệt như thế. Mở ra Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, mở ra Ý Nghĩa Đề Kinh Kim Cang hay Những Giá Trị Phổ Quát Của Bồ Tát Hạnh** rồi mở ra những cảnh giới Thi Ca Và Tư Tưởng để Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo** cùng giao hoà trên cung bậc Chân Thiện Mỹ ngân nga mà nghe vang lên tiết nhịp đồng thanh tương ứng trong một niềm chi Im Lặng Sấm Sét không lời:

Những phương trời viễn mộng đi
Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua
Đọa đày một thuở ta bà
Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng 

Ôi! Giấc Mơ Trường Sơn rung
Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ
Kinh thiên động địa sững sờ
Đâu chân diện mục của Thơ với Thiền? 

Mặc như lôi ngồi tịch nhiên
Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm
Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm
Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm 

Niềm chi mà thâm thiết vang âm, ý gì mà từ vô tận ngân dội về? Để cho Giấc Mơ Trường Sơn và Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm vẫn còn nghe đồng vọng lại, khi du sỹ đang rong chơi với nhà thơ cùng lội suối trèo non, leo lên trên tuyệt đỉnh cô phong, ngút ngàn ngoài ven trời vạn dặm giữa trùng khơi, hoang đảo rào rạt sóng, để nghe ra Diệu Dụng Cung Đàn vang ngân vi vút: 

Ngút tận mù khơi trời hoang đảo
Trèo lên tuyệt đỉnh núi lặng im
Im lặng lắng nghe mây ngàn hát
Vang vọng nghìn năm biết bao niềm 

Nghìn năm sóng vỗ trào vô ngã
Rạt rào trên biển lớn mênh mông
Mộng huyễn phù du bèo bọt nổi
Sóng tan thành nước chảy theo dòng 

Sóng nước tuy hai mà vốn một
Nên sinh hay diệt vắng lặng rồi
Cũng ngay ngũ uẩn thân mình đó
Chân tánh nhiệm huyền hiện hữu thôi 

Trùng trùng duyên khởi muôn vạn pháp
Đủ duyên thì hiện hết thì tan
Không có cái chi là tự ngã
Hòa chung vũ trụ trỗi cung đàn 

Cung đàn vang dậy trỗi khúc vô ngã bồng tênh, lênh láng trên lớp lớp sóng trào, ngoài viễn xứ xa xăm cùng hòa âm theo Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm du dương, thánh thót. Một thi phẩm trầm tư, ảo diệu mà Tuệ Sỹ hát ca quá mộng dưới vầng nguyệt thiên thu u huyền, thoảng ngát hương trời sương giăng vắng lặng: 

“Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt
Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng
Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc
Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên”****

Vô biên vô lượng tuy hoằng viễn thiên hà mà thực ra vẫn gần gũi quanh đây, ngay nơi đáy lòng bi mẫn, ngân dài khúc điệu vô ngônVô ngôn một cách thâm thúy, diệu kỳ trong ý vị sâu xa. Vì lẽ: “Người thi sỹ xuất chúng, xuất thần, hay có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay là chẳng nghe.”

Bùi Giáng nhận xét về Tuệ Sỹ như thế trong Đi Vào Cõi Thơ và thi nhân cũng lai rai hồi đáp lại: “Bởi vì, cách điệu của Thi ca vốn dĩ phiêu hốt, khơi vơi, lãng đãng, nên bờ biếc bích ngạn chiêu hoa như một nơi chốn thong dong thánh thót. Thảm kịch khốn cùng dù có đổ ào lên Thi ca đến mấy đi nữa, Thi ca vẫn như điềm nhiênngao du theo ngày tháng, trong ngày tháng ngao du.”** Ngao du trên phong vận tài hoa, nhập cuộc cùng buồn vui, thương nhớ chút cảm hoài:

“Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao”**** 

“Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao” hay “Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao” là điệp khúc Đại bi tâm mà một lần gần gũi chợt thầm cảm nghe được từ giọng nói và cái nhìn sâu thẳm của Tuệ Sỹ, khi ngồi trên tuyệt đỉnh ngàn cao giữa đại dươngNhìn Xuống Cõi Phù Du chập chùng trùng khơi biển nước: 

Trèo lên tuyệt đỉnh núi cao
Ồ mây sóng lượn cuộn trào bay lên
Nhấp nhô trắng xoá đầu ghềnh
Mênh mang trời biển lặng mênh mang đầy 

Ngó nhìn xuống cõi đời say
Dưới kia nhỏ bé đang dày xéo nhau
Lô nhô lúc nhúc loạn nhầu
Cứ tranh giành giật cứ xâu xé hoài 

Chạnh niềm thương kiếp trần ai
Mãi còn hỗn độn đêm dài vô minh
Sao chưa thức dậy vươn mình
Ca bài giải thoát điêu linh phận người?

Phận người điêu linh, trầm thống không phải mới ngày hôm nay mà xảy ra từ vô lượng kiếp rồi. “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển đại dương”. Đức Phật đã từng thấy như thế. Kể làm sao cho hết nỗi ngậm ngùi, xiết bao khổ lụy…Khi mình nhận thấy sự thống khổđảo điên vô cùng tận thì mới phát khởi Đại bi tâm hay Bồ đề tâm:

“Bồ đề tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng, không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọaáp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. 

Bồ đề tâm, đó là ý chí kiên cường, bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. “Vui sướng gì, thích thú gì giữa ngọn lửa không ngừng thiêu đốt?Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm ngọn đuốc?” 

Không có tâm nguyện đó, không có ý chí đó, Bồ tát đạo chỉ là một  con đường xa xôi, không tưởngthần thoại hoang đường. Và Phật thừa không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày…”***** Tuệ Sỹ khơi mở cho chúng ta một sinh lộ hướng thượng, vượt lên trên thân phận trầm kha, đắm chìm trong mịt mùng u tối, rồi lặng lẽ đi về, lắng nghe giữa hun hút thẳm sâu lòng:

“Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya”**

Giữa khuya trầm giá lạnh mù sương, khúc cung cầm tâm cảm lại hòa âm theo từng bước chân của người thi sỹ dị thường“Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu. Bản tình ca vô tận của Đông phương.”* Từ bản tình ca đó, có ai như du sỹ nghe rưng rưng dư vang kéo dài bất tận qua khắp rừng cao lũng thấp, trên mặt đất hư vô, khô cằn sa mạc, vang dội xuống tuyệt cùng hố thẳm tư tưởng, rồi vút bay theo cánh đại bàng ra biển cả ngàn trùng, tung lượn trên sóng vỗ nghe tiếng Cười Giữa Tịch Không:

Cánh đại bàng bay qua đại dương
Lượn vờn chao trào bọt sóng dị thường
Bên ghềnh biển tiền thân về thấp thoáng
Ngát hồn xanh lấp lánh thanh lương 

Chợt cơn mưa vừa đổ ngoài hiên
Mà nghe vang pháp vũ mát rượi liền
Đồi hoang dại cỏ cây đều mới lạ
Đá tảng ngồi thanh thản an nhiên 

Trăng ngàn soi dọi chiếu vào trong
Nghìn xưa nay thấy hiện giữa lòng
Mặt mũi đó ồ vô ngôn thuyết
Huyền gặp huyền cười giữa Tịch Không 

Không Tịch minh nhiên giữa biển ngàn hoang vắngtịch liêu, chìm sâu trong nín thinh, tịnh khẩu. Bàng bạc dưới vầng trăng vĩnh hằng, lắng nghe những lời vô thanh văng vẳng bên đồi, kẻ viết những dòng khói sương này mường tượng, bằng con mắt Hoa Nghiêm, thi nhân nhìn thấy toàn thể cuộc đời trùng trùng duyên khởi, đầy ắp giọt lệ và nụ cười trộn lẫn viên dung, rúng động cả hồn vạn cổ. Cho nên tâm từ rải xuống thành Bi Tráng Một Hồn Thơ: 

Bừng hiện sơ nguyên ngời ánh nguyệt
Biển tâm sóng gió lặng u trầm
Con mắt Hoa Nghiêm im ắng thấy
Toàn thể cuộc đời giữa diệu thâm 

Từ ái hoài rung nguồn xúc cảm
Khi chúng sinh đầy nước mắt rơi
Thiên lý độc hành từng chứng kiến
Máu lệ thế gian thấm tận lời 

Lời thơ bi tráng còn âm vọng
Trong cõi tồn sinh khiến giật mình
Vô thanh mà động hồn nhân thế
Nguyện kiếp người ta thoát u minh

Nguyện kiếp người ta thoát u minhPhải chăng đó là tâm nguyện Đại bi phi thường, như  trong“Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện nhắc nhở lý tưởng ấy rằng:“Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng”. Hư không còn có thể có chỗ tận cùng, nhưng tâm nguyện Đai bi của ta thì không bao giờ cùng tận…”** 

Thật vậy, lòng thương vĩ đại của thi nhân trải dài trên vô lượng đường thơ. Từ bụi hồng phố thị đi vào tù ngục đoạ đày, từ trên cao nguyên rừng núi qua khắp những nẻo đèo truông, heo hút gió sơn khê. Về ngang xô bồ phố thị qua châu thổ đồng bằng, hoà âm điền dã cùng hoa ngàn cỏ nội, rồi ra tận trùng khơi hải đảo xa mù…Đến đâu thì suối nguồn yêu thương ấy cũng chảy tràn đầy đến đó, mang lại cho đời xiết bao Nguồn Sáng Tạo Vô Biên: 

Trùng trùng sóng bên triền non biển núi
Đảo ngàn khơi rờn xanh ngát hoang mờ
Những tâm khúc không lời trầm bổng lướt
Dưới trăng vàng thoáng hiện cõi nguyên sơ 

Bờ dương liễu phất phơ chờ sương đọng
Giọt man thiên huyền diệu quá thâm trầm
Niềm bí mật tận lòng sâu u ẩn
Dâng trào lên vang dội hải triều âm 

Tình vạn đại yêu người không bờ bến
Nên lời thơ ngân bất tuyệt thiên thu
Thi nhân mở suối nguồn thương ảo diệu
Cho trần gian tàn rụng bóng sa mù 

Bóng mù sa tan hết liền hiện ra luồng ánh sáng triêu dương. Thương yêu diệu kỳ xanh ngát cả bầu trời thiên thanh vĩnh thuý, sâu lắng lặng nghe tiếng thơ đồng vọng lại từ thuở nào Cô Hành Độc Lữ ngoài vạn dặm xa xăm:

Dặm trường Thiên Lý Độc Hành
Qua ngàn lau trắng đồi tranh cỏ vàng
Bụi đời nhẹ gót rỗng rang
Dọc đường tạm trú khi hoàng hôn buông 

Bàn chân dẫm nắng mưa nguồn
Bước rừng núi vượt qua truông suối ghềnh
Hết rồi những chuyện tuổi tên
Đã buông xuống giữa khói bềnh bồng sương

Cô hành độc lữ trên đường
Nghìn phương rốt lại một phương tâm này
Thấy rồi muôn thuở xưa nay
Cũng từ tự tánh mà bày hiện thôi 

Tự tánhtự tâm là gì? Đâu là thể tính siêu việt của Thơ và Thiền? Đâu là vầng trăng Không Tịch chiếu nguyên sơ? Không biết nữa, chỉ biết rõ ràng“Hương vị của Chánh pháp vẫn là hương vị cô liêu của sự sống.”** Hương vị cô liêu thoảng ngát chung quanh gành đá tảng, trên đồi cao Vô Trú Am, nằm cạnh một mé triền đồi nhô ra phía biển mênh mông. Tịnh yên, miên mật để cho thần trí thi nhân nhập cảnh giới Thiền:

“Ngã cư không xứ nhất trùng thiên
Ngã giới hư vô chân cá thiền
Vô vật vô nhơn vô thậm sự
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên”
Ta ở tầng trời thứ nhất trong cõi không
Cảnh giới của ta thật là cõi thiền
Không vật không người không lắm chuyện
Ngồi xem thiên nữ rải thiên hoa** 

Vô Trú Am, trên đồi hoang vắng tịch liêu ấy, chỉ có cây lá, đá tảng, sóng trào, mưa xanh, nắng vàng và gió ngàn khơi lồng lộng thổi suốt ngày đêm. Thiền sư ngồi nhập định giữa thiên nhiên“Thiền, cốt yếu nhất là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta, nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. Đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn. Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sinh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ luỵ trong thế gian này…” Trang mở đầu Thiền Luận, một tác phẩm đồ sộ của Suzuki cả mấy nghìn trang đã viết như thế.

Thiền là ngộ. Ngộ là giải thoát. Mình chưa giải thoát, chưa ngộ thì nên im lặng, dù có nói thao thao bất tuyệt về Thiền cũng chỉ hý luận mà thôi. Cho nên, Thiền sư cứ chiêm nghiệm cái cốt tuỷ, cái uyên nguyên tinh tuý, đi sâu vào cảnh giới diệu tuyệt huyền hòa giữa Tịch Mịch Núi Biển Ngàn: 

Một mình tịnh khẩu sâu xa
Trên đồi cô tịch căn nhà pháp không
Dựa lưng vào núi mây lồng
Trùng dương trước mặt ngắm mông mênh trời 

Mỗi ngày một bữa cơm thôi
Đủ cho điệu thở nhẹ vời rỗng rang
An bình tịnh hạnh thanh nhàn
Trang kinh vô tự thành trang thơ này 

Viết lên dòng nước biển mây
Lời chi vi diệu hiển bày nhất nguyên
Sáng bừng thực tại hiện tiền
Yên tâm là nụ cười viên dung hoà 

“Cười với nắng một ngày sao chóng thế”* để nghe ra giây phút dội miên trường. Đó là phút giây bây giờ và ở đây, hoàn toàn mới lạ từng sát na giữa thực tại hiện tiền. Một ngày thong dong cùng thi nhân cất bước rong chơi, leo lên tận đỉnh núi Ông Rồng, ngồi giữa vòng tròn cây Thiên tuế ngàn năm mà cảm nhận Trùng Ngộ Ở Nơi Này: 

Ngoài hải đảo ngút ngàn vạn dặm
Giữa muôn trùng sóng vỗ mênh mông
Sớm mai bát ngát nhìn vũ trụ
Thấy càn khôn trong một giọt sương lồng 

Trên tuyệt đỉnh ngàn cao hùng vĩ
Thật không ngờ xuất hiện bóng Thiền sư
Hùng tâm tráng khí vang đầu gậy
Dội huyền âm rền khúc hát đại từ 

Đại hỷ xả hoà vô công dụng hạnh
Rúng ngân dài tận góc bể chân mây
Biển núi bừng reo theo sỏi cát
Hát mừng vui trùng ngộ ở nơi này 

Khong hân hoan làm sao được khi kỳ ngộ, trùng ngộ một bậc Thiền sư có tâm hồn thi sỹ dị thường như thế. Một con người diệu tuyệt thiên tài, chẳng khác đoá hoa Ưu đàm, nghìn năm mới xuất hiện một lần trên mặt đất như vậy.

Như vậy, như thế, như thịnhư như trên bước đi đại hỷ xả hoà vô công dụng hạnh, rúng ngân dài tận góc bể chân mây. Vô công dụng hạnh là hành động không cần dụng công, không cần tác ý mà vẫn đem lại hữu ích, tốt đẹp cho người khác. Thiền sư tự tạiđại bivô uý, là những vị đã kiến tánh, sự sự viên dung vô ngại, còn Bồ tát là ai? Như Lai là ai?:

“Như Lai tức là đến như vậy và đi như vậy. Đây mới thiệt là lý tưởng hành động của Bồ tát đạoCông nghiệp đó sẽ được mô tả như là những dấu chân của con chim trong bầu trời. Bồ tát đến với thế gian cũng vậy. Tất cả mọi công trình đã từng thực hiện và đã để lại cho thế gian chẳng khác nào như sự tích luỹ của bao nhiêu dấu chân của cánh chim bay giữa bầu trời. Lối diễn tả này quả thực mang một khí vị văn chương đặc biệt. Theo thuật ngữ, hành động này được mệnh danh là Vô công dụng hạnh: Hành động không cần dụng côngví như hư không…”** 

Không thể nghĩ bàn chi về các vị thượng sỹ làm mà như không làm, làm một cách “vô công dụng hạnh” như vậy. Thôi thì, hãy trở lại nơi đây ngoài hải đảo, chỗ cao nhất trên đỉnh ngàn hoang vu chỉ có cây lá đã thay màu, xào xạc “hồn ai trong khóm lau” và những bước chân nhà thơ “xao xuyến từng hơi thở” khi đưa tay chạm bóng mây trời vần vũ:

“Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau”**

Ngút ngàn giữa đại dương bát ngát, lạc chốn hoang sơ không một bóng người, chỉ có truông rừng chim suối, chập chùng đồi mây trắng lẫn khói trời hoa nắng trên cao. Ồ! Bỗng nhiên hiện ra một cảnh giới:

“Lô Sơn hùng vĩ, phiêu bồng nhưng u ẩn. Lòng núi giấu kín những tâm sự nghìn năm không nói, lòng núi ủ kín những cuộc đời trầm mặc, những thân thể khô gầy như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm cho gió ngàn gào thét, cho mây trời vần vũ và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù đổ ào xuống. Lô Sơn đồng vọng một cõi thi ca bát ngát.Cõi thi ca trùng trùng điệp điệp những ẩn ngữ kỳ diệu…”*****

Diệu kỳ là khi cùng thi nhân ngẩn mặt nhìn lên trời cao xanh bát ngát giữa đại dương. Đứng trên tuyệt đỉnh Ông Rồng hay đỉnh Lô Sơn đó, có thể nhìn xuyên suốt mười phương, thấy toàn cảnh ba nghìn thế giới thấp thoáng trong sương khói bồng bềnh, thưởng thức được hương vị cô liêu và vẻ đẹp tuyệt mỹ Trên Đỉnh Núi Ông Rồng mông mênh trầm tịnh: 

Lên Ông Rồng hay lên Lô Sơn đỉnh
Núi rừng ơi! Chạm bóng mây trời
Gió lồng lộng thổi bừng vắng lặng
Mắt tuệ ngời tỏa chiếu nghìn nơi 

Trên chót vót ngàn cao nhìn xuống
Muôn trùng xanh bát ngát đại dương
Hương Chánh pháp cảm từ thiên địa
Từ sơ nguyên chơn mỹ đẹp dị thường 

Hương vị đó cô liêu diệu tuyệt
Từng tế bào mạch máu trổ bông
Sớm nay hít thở đầy buồng phổi
Đồi diêu mang thể nhập khói sương lồng

Sương lồng bay mênh mang hòa quyện, huyền đồng cùng thanh khí bao la, hòa chan giữa thiên nhiên hùng vĩ. Tuyệt hồn nghe biển rừng mênh mông đồng vọng tiếng gầm của Thiền sư Không Lộ, từ đèo cao heo hút, muôn thuở xa xôi vọng về. Rồi bồi hồi quay mặt lại, thấy thi nhân đang đứng trên đỉnh núi, viết lên bầu trời những vần thơ vô ngôn biếu tặng cho mây trắng, trùng dương, sương ngàn, nắng gió, rồi thung dung xuống núi Hòa Cát Bụi Đời Với Tỉnh Mê: 

Xưa kia có lão Thiền sư nọ
Phiêu hốt một ngày lên núi chơi
Tuyệt đỉnh cô phong gầm một tiếng
Lạnh cả không gian chấn động trời 

Còn nay có bậc trượng phu ấy
Cũng bỏ lên rừng ngắm đồi hoang
Lấy mây khói quyện làm bút viết
Bài thơ biếu tặng nắng sương ngàn 

Biếu tự do cho cây lá cỏ
Cho suối nguồn trôi tự tại kia
Tặng hết mênh mông tam giới mộng
Không còn chi giữ chẳng chi lìa 

Xuống núi lại qua cùng thế sự
Hòa cát bụi đời với tỉnh mê
Huyễn hóa mà thôi cười thương hết
Nên cứ tùy duyên bước đi về

Kề cận, thân mậthoan hỷtùy duyên theo nhịp thở khơi vơi với từng ngọn cỏ, lá cây, với mỗi viên sỏi, cục đá lăn lóc dọc đường. Bước đi kỳ cùng cuộc lữ, Tuệ Sỹ thi nhân đã từng mở cuộc Thiên Lý Độc Hành bằng hai bàn chân đi bộ và đi bộ như Basho hay Rimbaud, dãi nắng dầm mưa suốt gần cả năm trời, băng qua khắp đỉnh đèo heo hút gió, bạt ngàn cát bụi, ruổi rong trên cao nguyên, rừng hoang rú rậm Lâm Đồng:

“Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông
Rừng mây xanh ngất tạnh vô cùng
Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không”**

Bến không nào mà tiền thân thấp thoáng? Vạn dặm nào mà thi sỹ trải áo thơ? Để cho: “Từ tâm tình đến cuộc tình, từ cuộc tình đến cuộc chơi, rồi từ cuộc chơi đến cuộc hẹn. Thế là, đang lân la bỗng đột ngột phát hiện một phương trời viễn mộng xa xôi. 

Trong cõi đó, lữ khách bao giờ cũng thấy mình đang bươn bã ra đi, đi biền biệt, đi triền miên, tưởng như không bao giờ có bến bờ để đỗ lại, nhưng đi là đi mất, trong từng khoảnh khắc, cái đến và nơi đến đã đến tự bao giờ. 

Cuộc tình chia phôi từ độ đó. Bên này là những dòng tuế nguyệt cứ mãi trôi đi và bên kia là một chân trời đồng vọng không có đến. Bóng chiều rủ lên tảng đá ven đường, đọng trong mắt của người một mối sầu cô lữ…”*** 

Phải chăng, đó là mối sầu vạn đại của một khách lữ thiên thu, đi và đi mãi dưới cơn “mưa rừng tuôn thác đổ” đi như một bóng ma qua sáu cõi luân hồi…Cho nên lữ khách ấy đã thấm thía nỗi đời bên ngoài và thấu thị niềm đạo bên trong:

 “Bóng tối sập mưa rừng tuôn thác đổ
Đường chênh vênh vách đá doạ nghiêng trời
Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ
Rủ nhau đi cùng tận cõi luân hồi 

Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa
Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy
Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ
Dẫm bàn chân lăn cát sỏi cùng trôi 

Rồi ngồi xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi”**

“Chờ mưa tạnh ta lấy trăng làm chiếu. Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi” Hình ảnh thật ấn tượng, đep lạ kỳ, chỉ có tâm hồn thơ mộng đó mới vẽ lên được như thế mà thôi. Tâm hồn thơ mộng mà cũng huyền mộng lạ lùng. Không ngờ, lúc mới 25 tuổi, nhà thơ đã viết Triết Học Về Tánh Không rồi. Bây giờ đọc lại, hỏi vu vơ – Tánh Không luận là gì? “Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đoá hoa, khép lại đôi cánh và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn…”:

Đọc Triết Học Về Tánh Không
Là xem những chữ trên dòng suối kia
Trôi qua luôn mới lạ kìa
Ngữ ngôn rực rỡ như tia chớp lòe 

Ừ nghe lại cái tánh nghe
Thấy lại cái tánh thấy nè tuệ minh
Lật qua nếp gấp hồn mình
Chạm trời tuyệt đối nên thinh lặng cười 

Lý và sự rỗng rang chơi
Không tâm không cảnh không người không ta
Chơn Không Diệu Hữu chan hòa
Có mà chẳng kẹt vào ta hay người 

Lý sựtánh tướngchân vọnghữu vô, ngộ mê…đều viên dung trong nụ cười Chơn Không Diệu Hữu. Sống chẳng kẹt vướng, không  cố chấpxa lìa mọi đua tranh, giành giật với người khác là một thái độ thanh thảnan nhiên. Biết buông xả hết những thứ danh lợi, hơn thua, được mất, lại còn biết phát đại nguyện hiến dâng tất cả. Đó là đại nguyện thượng thừa của Thắng Man, phu nhân của vua Hữu Xứng. Phu nhân tin tưởng tuyệt đối trong mình có sẵn Như Lai tạng, nên thực hành Bốn nhiếp sự: Bố thíÁi ngữ, Lợi hành, Đồng sự:

“Thắng Man phu nhân điển hình cho phụ nữ thực hành Bồ tát đạo bằng cung cách trang nhãtừ ái, khiêm cung. Môi trường thực hành bao gồm từ giới hạn thân thuộc với bổn phận tôn kính bậc trưởng thượng, yêu mến những người thấp hơn, cho đến những sinh hoạt trong cộng đồng xã hội, biết săn sóc những người côi cút, biết làm vơi nỗi khổ và tăng niềm vui cho mọi người. Như trong lời phát thệ của phu nhân đã nói rõ: “Không vì riêng mình mà thực hành bốn nhiếp sự.”***** Thư thả lắng nghe những lời giảng luận mạch lạc, khúc chiết của Thiền sư mà Cảm Tác Thắng Man Giảng Luận: 

Bờ Nhất thừa bến muôn chiều
Làm cho tất cả cùng tiêu dao hòa
Về nương tựa Phật Thích Ca
Là nương tựa chính ruột rà Tâm linh 

Pháp thân thường trụ trong mình
Từ vô lượng kiếp vốn minh mẫn rồi
Bồ tát đạo vào muôn nơi
Tùy duyên hóa độ chuyển hồi phục nhanh 

Bố thí Ái ngữ Lợi hành
Và Đồng sự nữa là thanh thoát lòng
Bốn nhiếp sự như nước trong
Làm tươi nhuận mát bao hồng hào xinh 

Thắng Man hiểu chính nơi mình
Sẵn Như Lai tạng chẳng sinh diệt gì
Pháp thân không đến không đi
Vượt ngoài sinh tử ồ kỳ tuyệt thay! 

Kỳ diệutuyệt vời hơn nữa là mỗi sớm tinh sương hay lúc chiều tà lãng đãng, nằm võng đong đưa trên đồi cao lồng lộng gió trùng dương, chú tâm đọc, thưởng thức và Cảm Tác Huyền Thoại Duy Ma Cật, một tác phẩm thâm huyềnuyên áo mà Phạm Công Thiện, khi giới thiệu bên Mỹ đã ca ngợi Tuệ Sỹ hết lời về tác phẩm này.

Vậy Duy Ma Cật là ai mà gây nguồn cảm hứng xuất thần như thế? – “Duy Ma Cật điển hình cho cư sỹ lão thành, thể hiện Bồ tát đạo bằng Du hý tam muội với đời sống phóng khoángthong dong không hề câu nệ vào hình danh sắc tướng…”*****:

Duy Ma Cật vẫn thung dung bước
Chốn trà đình tửu điếm chẳng ngại chi
Thõng tay vào chợ đời rong dạo
Chẳng cần tu hay chứng đắc gì 

Vì đã thấy ra rồi Tánh giác
Nên hòa chơi với kẻ mê lầm
Bước chân Bất nhị vô phân biệt
Khiến mọi người ai cũng sáng tuệ tâm 

Tự do hát bài ca tự tại
Giữa chập chùng sắc tướng âm thanh
Thanh sắc vốn không như huyễn mộng
Pháp là đây ngay đó thực hành 

Hiện hóa pháp rỗng rang đi đến
Thênh thang về chuyển hóa phù vân
Mang lại nguồn vui cho thiên hạ
Thượng thừa chơi tuyệt hảo vô ngần 

Tuyệt hảo vô ngần trên bước thượng thừa của thi ca và tư tưởngThiền sư như một đại nghệ sỹ  đi về mặt đất, chân không lưu dấu mà vẫn còn dư vang bát ngát trong những tác phẩm thâm trầm đầy huy hoàng sáng tạo. Những tác phẩm thơ văn, luận triết tuyệt trù nằm rải rác đó đây trên khắp dặm trường gió bụi hơn nửa thế kỷ nay, được Hạnh Viên sưu tập lại thành Tuệ Sỹ Văn Tuyển:

“Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
Tôi về phố thị bởi tình chung
Trao đời hương nhuỵ phơi hồn đá
Thăm thẳm mù khơi sương mấy từng”** 

Trao cho đời chút nhuỵ hương lòng của một con người đã thưởng thức được huong vị cô liêu của cuộc sống. Nói một chút là cách nói khiêm hạ, nhưng thực ra là cả một vũ trụ bao la đầy hương trời đất, nhật nguyệt mà chúng ta tha hồ thưởng thức Tuệ Sỹ Văn Tuyển Quá Tuyệt Vời: 

Đời như hoa đốm phải không?
Đi mà không đến nên bồng tênh chơi
Giữa khuya chợt thấy mặt trời
Sáng bừng tâm khảm chạm hơi thở này 

Là vi diệu pháp xưa nay
Đã âm thầm uống suốt ngày tháng năm
Giọt sương thanh khiết nguyệt rằm
Thấm sâu huyền nghĩa tận thăm thẳm lòng 

Bừng lên ngôn ngữ huyền không
Tuệ Sỹ Văn Tuyển muôn dòng thái hư
Lửa tim rực chiếu đại từ
Thấy ra toàn cảnh cười như nhiên về 

Về đâu cũng là chốn quê
Ngay đây cố quận vẫn kề cận luôn
Chẳng đâu xa ấy cội nguồn
Là tâm ý thức từ muôn thuở rồi 

Là tâm ý thức từ muôn thuở rồi. Tâm ý thức là chi? Trừ cái Tâm Phật bất khả tư nghì, cái Tâm tuệ giác Bát Nhã, hiểu theo nghĩa Chơn đế ra, chúng ta có thể tìm hiểu tâm theo nghĩa Tục đế:

“ Tâm là cái tâm có tác dụng ý niệm hoá, cái tâm kiến thức ý niệm, cái ý thức biện biệt, cái lý trí phán xét, cái trực giác nhận thức, sự tự tri nhận, cái ý thức về bản thân, sự tự ý thứcý tưởngtư tưởngsuy tưởngcảm xúccảm giáctư duytinh thầntâm linhthần thức, linh thức, thông minhthông tuệlý luậndiễn dịch, quy nạp, linh hồntâm hồn, tâm trạng, tất cả những gì mình có thể nghĩ, có thể ý niệm, có thể cảm biết, có thể định đoạt, có thể cảm thông và thông cảm, tất cả những gì mình có thể suy tư và trầm tư, có thể lãnh hội, thấu đạt, tất cả những gì mình có thể hiểu biếtý thức và chính cái ý thứcvô thứctiềm thức ấy…đều thuộc về Tâm…” Phạm Công Thiện đã giải thích như thế trong Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng.

Còn Tuệ Sỹ thì: “Tâm là kinh nghiệm đời sống, tất cả những gì đã từng trải bằng hành động và nhận thức, tích luỹ lại thành tâm. Nếu diễn tả ra trong cuộc đời con người, từ khi biết suy nghĩ, biết hành động và có ghi nhớ cho đến khi chết, tất cả những ghi nhớ trong óc não còn lại đó là tâm. Chính những ghi nhớ đó tác thành một con người, hoặc thiện hoặc ác, tuỳ theo kinh nghiệm, môi trường, hoàn cảnh. Vì thế, ta nói tâm hướng dẫn đời sống con người. 

Như vậy, tâm đó chính là nghiệp, là hành vi của con người…Nếu nhận thức được thực tại, thấy được thực tạihiểu rõ được chân lý thì có thể biến đổi được thế gian này. Làm cho nó tồn tại hay làm cho nó huỷ diệt, đó chính là nói rằng ma hay Phật cũng đều do tâm, ba cõi duy chỉ một tâm, là nói theo ý nghĩa này.”**

Vậy đó, Phật hay ma cũng đều do tâm mình tạo ra cả. Hoa Nghiêm kinh nhấn mạnh“Nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm mê muội là ma, tâm giác ngộ là Phật, tuy hai mà vốn thật chẳng khác, vì khi mình tỉnh thức, biết mê thì ngay đó, lập tức ngộ liền xuất hiện với một nụ cười:

Khi mê thì chấp chặt đời
Ngộ rồi trôi chảy như chơi thôi mà
Thánh phàm Phật Chúa quỷ ma
Danh từ khái niệm chỉ là giả danh 

Khi mê thì tập tu hành
Ngộ rồi đối nghịch tan nhanh chóng liền
Hết mâu thuẫn thuận tùy duyên
Thõng tay vào giữa chợ triền dạo rong 

Khi mê thì dính kẹt vòng
Ngộ rồi cởi trói cười thong dong về
Thực ra đâu có ngộ mê
Tuệ đăng xóa hết trò hề thế gian 

Trên sân khấu cuộc đời, mọi sinh hoạt cá nhân hay tập thể, tầm cỡ quốc gia hay quốc tế đi chăng nữa thì cũng chỉ là trò hề múa rối “mua vui cũng được một vài trống canh” giữa cuộc đại huyễn hoá mà thôi. Trừ khi trí tuệ Bát Nhã bùng vỡ ra ánh sáng tuệ giác “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…” mới có thể thấy được toàn diện cái Nhất nguyên tuyệt đối. Trên tinh thần tìm hiều về Tâm về Thức đó, du sỹ lắng nghe Tuệ Sỹ Giảng Kinh Kim Cang: 

Chuyện sướng khổ buồn vui đều vắng lặng
Ghét hay thương được mất tựa mây trời
Phiền não bồ đề thiên đường địa ngục
Cũng đều do mê vọng khởi lên thôi 

Vì ảo giác tưởng có này có nọ
Có tài năng tốt xấu những khen chê
Nên dốc lòng ra chạy theo đeo bám
Tham sân si tác hại mãi ê chề 

Cứ nhiễm vướng lo âu đầy sợ hãi
Giật giành nhau khổ lụy quá chất chồng
Bỗng nhiên xuất hiện cây tuệ kiếm
Chém sạch làu hoa đốm rụng hư không 

Mộng huyễn cả hơn thua trò danh lợi
Rơi tàn tro dưới gươm báu Kim Cang
Tâm không dính vào đâu cười như thị
Thì tự nhiên mặt đất trổ hoa ngàn 

Tâm không dính vào đâu cười như thị. Thì tự nhiên mặt đất trổ hoa ngàn…Mở ra cuộc lữ tân kỳ hy hữu theo nhịp bước vô úy, đại hoan hỷtuỳ thuận nhập cuộc rong chơi khắp sáu cõi mười phương. Phương này hay chốn nọ cũng chính là vườn tâm hay cõi tâm mình chứ chẳng ở đâu xa. Dù có phiêu lưu đi khắp cả ba nghìn thế giới, thì cũng không ngoài cõi tâm của mình đây thôi, như đại văn hào Henry Miller đã phát biểu:

“Chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất mà thôi, đó là đi vào bên trong tâm hồn sâu kín, thăm thẳm trong lòng mình và đi vào giữa lòng mình thì thời giankhông gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả. Một thi nhân chân chính, một kẻ sáng tạo đích thực thì luôn luôn độc hành, tự do tự tại. Cái mà người thi sỹ cần, chính là sự cô độccô đơn, cô liêu…”

Cho nên, cuộc Thiên Lý Độc Hành của Tuệ Sỹ cũng là một cách điệu phiêu bồng, ngao du, chơi rong trong cảnh giới tâm linh của mình vậy. Ở đây, tâm và cảnh, ngoài và trong, mộng và thực, có và không, sống và chết… đều dung thôngvô ngại giữa Cuộc Lữ Thiên Thu ngay từng giây phút thực tại đang là, ngắm trăng ngoài đại hải mênh mông:

Ngợp lòng xanh ánh trăng lồng
Mông mênh trên biển lặng trông huyền hòa
Nghìn năm trong một sát na
Hiện sờ sờ giữa đang là đây thôi 

Cười theo lãng đãng sương trời
Thấy mình như khói nên chơi rong hoài
Khói sương thường trụ không phai
Bụi đời là cuộc đi dài thiên thu 

Đến đi vô đích tuyệt trù
Như cơn gió lạ thoảng vu vơ cùng
Từ vô thủy tới vô chung
Chưa từng sinh diệt trên vùng tâm uyên 

Sinh diệt là cõi Tục đế, cứ mãi lặn hụp, nổi chìm trong dòng sinh tử luân hồi từ vô lượng kiếp, còn không sinh không diệt là cõi Chân đế, miền Không xứ của những bậc Thiền sư tự tri tự ngộ, đã giải thoát khỏi vòng sinh tử trầm kha. Tuy nhiên, Chân hay Tục thì cũng không ngoài cái thực tại Nhất nguyên tuyệt đối này:

“Ngay trong phiền não tức là Bồ đề, ngay trong những nguy hiểm đáng sợ hãi của sinh tử cũng chính là Niết bàn an ổn. Sợi dây bị tưởng lầm là con rắn, nhưng không phải hủy diệt sợi dây để diệt trừ ảo giác gây nên sợ hãi. Ngoài những gì vô thường được thấy, được kinh nghiệm bằng chính mắt, tai, mũi, lưỡi này, không tồn tại một thế giới chân thườngđại lạc hay đại ngã nào khác. Đó chính là thực tại Nhất nguyên tuyệt đối.”******

Thực tại hiện tiền đó chẳng đâu xa mà ở ngay liền trước mắt, đương xứ tức chân. Cho nên họ tự do tự tạirong chơi trong tam giới với phong thái phiêu bồng, thong dong Thõng Tay Vào Chợ, hoà cùng giọt lệ và nụ cười của thập loại chúng sinhtuỳ duyên mà hoá độ muôn loài vạn vật: 

“Làm trai dốc chí xông trời đất
Chớ dẫm Như Lai bước đã qua”
Quảng Nghiêm bỗng hét lên như thế
Ồ nghe chấn động cõi ta bà

“Đỉnh non có buổi leo lên thẳng
Gầm dài một tiếng lạnh hư không”
Không Lộ gầm chi mà sấm sét
Dội vang rúng chuyển khắp bụi hồng

“Đi cũng thiền ngồi cũng thiền
Nói im động tịnh thảy an nhiên”
Huyền Giác phát ngôn như vậy đó
Cho nên dứt tuyệt hết ưu phiền

“Một cõi Vĩnh Hằng thu giọt nắng
Nghe tình du tử chợt xôn xao”
Tuệ Sỹ đi về trên cuộc lữ
Tự do qua lại ngát phương nào…

 Tâm Nhiên
(Vô Trú Am 28. 8. 2018)


* Tuệ Sỹ. Giấc Mơ Trường Sơn (thơ). An Tiêm, Paris 2002
** Tuệ Sỹ Văn Tuyển. Hạnh Viên sưu tập. Phương Đông, Sài Gòn 2015
*** Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Ca Dao, Sài Gòn 1973
**** Tuệ Sỹ. Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm (thơ). Phương Đông, Sài Gòn 2009
***** Tuệ Sỹ. Thắng Man Giảng Luận. Phương Đông, Sài Gòn 2012
****** Tuệ Sỹ. Huyền Thoại Duy Ma Cật. Phương Đông, Sài Gòn 2007