Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Đấu tranh giai cấp


Ba anh bần cố nông bỗng dưng lăn đùng ra chết. 

Lên đến Thiên Đường, họ được đưa vào gặp Các Mác vĩ đại đang làm quản lý nơi đây. Các Mác cặm cụi tra cứu một lô sổ sách, rồi tỏ vẻ bực bội, nói:

- Chưa đến lúc các anh lên đây! Cái bọn yêu tinh khu vực lại làm việc tắc trách! Chúng nó bắt người bừa bãi, chứ số các anh còn lâu lắm mới chết.

Trầm ngâm một lúc, Mác nói tiếp:

- Bây giờ tôi cho các anh quay về trần thế, và để đền bù lại lỗi lầm của bọn tiểu yêu khốn kiếp, các anh cứ cho tôi biết ước vọng của các anh cho đời sống mới ...

Anh bần cố nông đầu tiên thưa:

- Tôi xin làm người cực kỳ giàu có, cỡ đồng chí Bin Gết bên xứ Cờ Hoa. Hay thôi, cứ cho tôi làm Tổng Giám đốc một Tập đoàn kinh tế nhà nước nào đó cũng được.

Mác gật đầu:

- Duyệt!

Anh chàng tức tốc hý hửng quay về dương thế, trong khi anh bần cố nông thứ hai tiếp lời:

- Tôi thì muốn vừa giàu, vừa có nhiều quyền hành ... Kiểu như bộ trưởng chính phủ, chỗ nào nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều ... em, hehe.

Mác lại gật đầu:

-Duyệt!

Khi anh ta vừa vui vẻ lên đường, thì anh bần cố nông thứ ba mới phát biểu nguyện vọng:

- Tôi thì chỉ muốn hai thằng kia trở lại nghèo rớt mùng tơi như tôi!

Mác mỉm cười:

 - Duyệt luôn!

Thày Tư Bảy Núi kể sau khi trở dìa từ Thiên Đường 


Lời khuyên của Đức Dalai Lama dành cho Việt Nam


Lời khuyên của Đức Dalai Lama dành cho Việt Nam


Với tiêu đề "Dalai Lama nói về căng thẳng Việt-Trung" đài BBC tiếng Việt ngày 27 / 9/ 2012 có đưa một tin  đáng lưu ý. Đó là nôi dung  bài nói chuyện của nhà lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang lưu vong tại Ấn Độ với  một đoàn gồm 102 người thuộc Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Club)  tham dự buổi pháp thoại  hôm 24/9/2012 tại Ấn Độ. (Xem tin đầy đủ tại đây)

Được biết đây là lần thứ hai Đức Dalai Lama từng giảng bài cho đoàn đến từ Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, tại Tu viện Namgyal ở Dharamsala, Ấn Độ, Ngài cũng giảng bài cho hơn 120 người, trong đó có những sao Việt như diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ Thanh Lam.

Có thể coi đây là một dịp tiếp xúc "bán chính thức" hiếm hoi giữa Tây Tạng và Việt Nam mà trong đó Nhà lãnh đạo Tây Tạng đã nói lên viễn kiến của mình, gồm cả những lời khuyên đối với Việt Nam liên quan  vấn đề "nhậy cảm" là tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Thiết nghĩ đây là những ý kiến  khách quan vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính học thuật về triết lý và tôn giáo rất gần gũi đối với người Việt Nam để từ đó rút ra những bài học thiết thực trong bối cảnh  tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt trong đối sách với Trung Quốc  
Một là về việc xây đền chùa hay trung tâm nghiên cứu Phật giáo.   Khi có người hỏi Đức Dalai Lama về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời ngỏ  ý  muốn  mời Ngài ra xây đền ở một trong các đảo, Đức Dalai Lama trả lời: “Tôi không đặc biệt ủng hộ việc xây tu viện hay đền thờ, tôi muốn nhìn thấy một trung tâm học thuật, có thể làm trung tâm nghiên cứu triết học Phật giáo, Đạo giáo và đạo đức thế tục.” Ngài nói thêm :“Nếu một trung tâm như vậy có thể thành lập, có lẽ tốt hơn là đặt ở Sài Gòn hay Hà Nội thay vì trên một trong các đảo này.”

Đây là một cách nhìn đầy tính thực tế và thực dụng của Đức Dalai Lama dù đó là lĩnh vực tâm linh cao cả. Ngài không chỉ đề cao công tác đào tạo về Phật pháp mà còn gián tiếp phê phán sự kém hiệu quả của những ngôi chùa tốn kém mà Việt Nam đang xây lên ở Trường Sa. Phải chăng đó lại là sai lầm do lối tư duy "đền thờ miếu mão hoành tráng" từ đất liền nay lan ra biển đảo? Liệu quân xâm lược sẽ dừng bước trước những đền thờ ấy hay chỉ là một sự lãng phí?
    
Hai là về thái độ trong đấu tranh với người TQ. Theo Ngài, giận dữ không đem lại kết quả với người Trung Quốc.Tốt hơn là tìm cách gây ảnh hưởng bằng phương cách thân thiện, dĩ nhiên có thể làm điều này từ vị thế cứng cỏi. Ngài nhắc lại vào năm 1979, khi “Trung Quốc định dạy Việt Nam một bài học, họ đã gặp phải một quân đội thiện chiến, cứng cỏi”.

Ý kiến này rất bổ ích cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khi mà dân chúng rất căm giận, nhưng "một bộ phận không nhỏ" quan chức lo làm giàu hoặc lý do nào đó thường tỏ ra  thờ ơ, vô cảm, thậm chí yếu hèn  trước  hành động lấn lướt của đối phương . Kết cục là, đất nước thiếu vai trò của thủ lĩnh đủ sáng suốt và quả cảm để tập họp lực lượng đoàn kết dân tộc nhằm đối phó với TQ  trên  "một vị thế cứng cõi" như gợi ý của Dalai Lama.  Xin nhắc lại: cứng cõi, chứ không phải kéo léo và uốn éo!, vì không phải ngẫn nhiên mà Ngài đã nhắc lại hai lần từ "cứng cõi" khi nói ra ý này.  Thiết nghĩ nhân dân sẽ bớt căm giận theo cảm tính nếu lãnh đạo (thủ lĩnh) của họ cứng cõi lên. Đó là quy luật. Người lãnh đạo chớ nên bao giờ đổ lỗi nhân dân vì họ căm thù địch., trái lại nên coi đó là chỗ dựa để lãnh đạo thêm cứng cõi.     

Ba là về sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Trong buổi giảng, Đức Dalai Lama bày tỏ ngưỡng mộ dành cho kinh tế học Marxist, đặt biệt là tư tưởng phân chia của cải đồng đều. Ngài nhấn mạnh mình phản đối chủ nghĩa toàn trị. Ngài nói mặc dù mình có thể là một người Marxist, nhưng Ngài không đi theo chủ nghĩa cộng sản do Lenin áp đặt. Theo ngài, mặc dù chủ nghĩa Marx không nói về kiếp trước đời sau nhưng có chia sẻ với Phật giáo ở niềm tin rằng định mệnh do con người làm chủ. Một xã hội hạnh phúc phải do chính con người tạo dựng, không phải chỉ qua cầu nguyện mà bằng hành động.

Ý kiến này của  Ngài Dalai Lama cũng khá  phù hợp với hiện tình của Việt Nam khi mà sự khủng hoảng lòng tin  (vào CN Marx-Lenin)  "đang bị đe dọa sự tồn vong của chế độ" (theo tinh thần NQ TW4). Thực tế cho thấy ngày càng nhiều người Việt Nam, kể cả cán bộ đảng viên trở nên mê tín (chứ không phải tín ngưỡng lành mạnh)  chỉ lo cúng bái cầu may trong những cuộc làm ăn dối trá và tham nhũng. Đáng lẽ kịp thời rút kinh nghiệm và cắt nghĩa rõ ràng, minh bạch về mức độ đúng /sai trên lý thuyết và thực hành để cùng toàn dân tìm cách khắc phục thì các bậc thầy lý luận của đất nước vẫn bám chặt vào cái đã lỗi thời và để mặc nhân dân tự suy diễn, đoán non đoán già sinh ra chán nản, mất lòng tin... Thật oan uổng cho ông Carl Marx, nhưng lại càng đáng tiếc hơn cho sự luẩn quẩn của Việt Nam.

Không ngờ Đức Dalai Lama dù chưa tới Việt Nam bao giờ vẫn có thể nhìn thấu những vấn đề căn bản của đất nước này đến vậy!
   

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

DÂN HI SINH HẾT RỒI, CÁN BỘ SỐNG VỚI AI?


          Nhân dân cả nước nói chung đang khổ, đang méo mặt từng ngày vì lạm phát, giá cả tăng vọt. Nhưng, khổ nhất có lẽ là đồng bào ta ở Bắc Trà Mi, nơi ngày ngày có dăm bảy trận rung lắc vì động đất. 

        Đọc báo, xem ti vi mà thấy run, sợ thay cho họ. Theo Tuổi trẻ, đã có 119 nhà dân bị hư hỏng, dân tình hoảng hốt, thế mà ông cán bộ Trần Văn Hải, Trưởng ban quản lý dự án thủy điện 3, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ nói là nhà nứt chưa chắc đã phải do động đất, và lớn tiếng khuyên dụ dân rằng, “dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện”!

          Thì xưa nay, dù vào lúc nào, ở đâu thì đối tượng hi sinh vẫn chỉ là người dân thôi, còn ai khác vào đây hi sinh thay họ? Chống Trung Quốc xâm lược, chống Mĩ, chống Pháp… Bao nhiêu cái nghĩa trang đều chật xác dân đó thôi.

Nhưng thời này thì có hơi khác một tí, là vì như đảng ta vẫn luôn luôn khẳng định: Đảng viên là đầy tớ của dân, cán bộ là công bộc phục vụ dân. Có nghĩa là, vì dân nên mới có đảng có cán bộ. Cán bộ ở ta sinh ra chỉ có một nhiệm vụ duy nhất, một chức năng duy nhất là để phục vụ hầu hạ nhân dân.

Vì vậy, nếu như toàn thể nhân dân (nói giả sử thôi nhé, không mong xảy ra đâu) huyện Bắc Trà Mi nghe theo lời ông Hải mà cứ đinh ninh ngồi chờ đó, rồi bị nhấn chìm vì động đất, vì nước từ hồ thủy tràn xuống mà họ hi sinh hết cả, thì cán bộ, toàn thể cán bộ từ huyện đến xã sẽ sống với ai?

Hàng ngàn cán bộ từ huyện đến xã đến thôn, rất có thể họ cũng sẽ đâm đầu xuống hồ thủy điện mà tự vẫn. Bởi vì nếu sống mà như chết thì sống làm gì? Sống mà ăn không ngồi rồi thì sống làm gì? Chủ đã hi sinh thì đầy tớ, công bộc sống với ai?

Hay là thế này đi, khẩn cấp cho di dời dân đến một vùng an toàn, sau đó, lùa toàn thể cán bộ, đảng viên, những đầy tớ tận tụy của dân từ xã đến huyện đến tỉnh đến trung ương về đấy ở. Nếu lỡ có động đất, lỡ có vỡ đập thì chỉ chết các đồng chí đầy tớ thôi. Mà chết đầy tớ thì đơn giản lắm, chết 1 đứa ngay lập tức có 10 đứa khác xung phong vào thế chỗ.

Ở xứ ta, đầy tớ đông như quân Nguyên, mỗi ngày động đất dăm trận vẫn không hết, lo gì!
Chứ đừng để dân hi sinh hết, tội cán bộ lắm lắm!

                                 
 Bớ bà con, chạy đi, đừng hi sinh!


Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Báo động liên tiếp mất trộm thư tịch cổ ở các đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ


Báo Đại Đoàn Kết lại một lần nữa từ chối đăng bài của nhà báo Từ Khôi (Phó ban Văn hoá Nghệ thuật của báo này nhưng đang bị vô hiệu hoá bằng một quyết định điều chuyển công tác đầy khuất tất của ông tổng biên tập). Có lẽ vì anh đang có đơn tố cáo ông tổng biên tập Đinh Đức Lập thì phải?

Bài viết cảnh báo về hiện tượng nhiều ngôi đền thờ các danh nhân Việt có công gìn giữ cương thổ trước hoạ ngoại xâm từ phương Bắc trong lịch sử nước ta đang bị kẻ trộm xâm nhập lấy cắp nhiều cổ vật và thư tịch cổ. Đáng lưu ý là chuyện lấy cắp thư tịch cổ mới xảy ra gần đây, thời gian trước kẻ trộm chỉ chú tâm tới cổ vật.

Trong cuộc đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hải đảo của Tổ quốc, gần đây nhiều cá nhân, dòng họ, tổ chức của người Việt trong và ngoài nước đã tự nguyện hiến tặng nhiều tư liệu lịch sử quý giá mà họ xem như báu vật gia truyền trong nhiều đời. Các tư liệu lịch sử mà đặc biệt là các sắc phong, văn bản của triều đình phong kiến là một trong những chứng cứ lịch sử quan trọng có đầy đủ tính pháp lý để khẳng định chủ quyền cương thổ lâu đời và liên tục của đất nước.

Gần đây đột nhiên có hiện tượng nhièu người săn lùng, tìm mọi cách thu mua các loại thư tịch cổ này, chưa rõ ngoài mục tiêu sưu tập đồ cổ họ còn động cơ nào khác.

Và đồng tiền đã làm mờ mắt, bẻ gảy lương tâm của không ít người, họ sẵn sàng phá vở các giềng mối thiêng liêng gìn giữ tâm hồn Việt để lấy cắp cổ vật, thư tịch cổ trong các đền thờ đem bán linh hồn cho quỷ.

Câu chuyện mà nhà báo Từ Khôi phát hiện thật chỉ có kẻ vô cảm trước sự xúc phạm văn hoá và nguy cơ mất dần các chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của dân tộc ta mới có thể bàng quan, lạnh lùng từ chối chẳng thèm quan tâm.

Thật tiếc là báo Đại Đoàn Kết lại thêm lần nữa từ chối bài viết rất đáng trân trọng này của nhà báo Từ Khôi. 

Báo TT&VH sau khi nhận được bản thảo bị ĐĐK từ chối của nhà báo Từ Khôi ngay lập tức đã cho đăng trang trọng (xem ở đây).

Trân trọng giới thiệu tới quý vị bài viết đầy đủ của nhà báo Từ Khôi:

Báo động liên tiếp mất trộm thư tịch cổ ở các đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ

TỪ KHÔI

Thái sư Lê Văn Thịnh nổi lên trong lịch sử trung đại Việt Nam với những dấu ấn lớn: Vị Khoa bảng đầu tiên - năm 1075, tại kỳ thi Minh Kinh Bác học và Nho học tam trường ông đỗ đầu trong 10 người; Nhà ngoại giao kiệt xuất khi giành lại ba động sáu huyện phía Bắc của tổ quốc rơi vào tay nhà Tống qua đàm phán tại trại Vĩnh Bình năm 1084; Vị Thái sư có nhiều cải cách về điền địa, phân cấp và quản lý chùa chiền... Ghi nhớ công lao của danh nhân, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh quê hương ông nhiều đền thờ đã được xây dựng lên từ thời phong kiến. Nhiều cổ vật có giá trị đã và đang được lưu giữ tại các đền thờ này. Thế nhưng, gần đây, một số cổ vật có giá trị đã bị kẻ gian liên tiếp lấy trộm…


 Ông Nguyễn Quang Dương (trái) và ông Nguyễn Đình Xum kể chuyện mất trộm cổ vật ở đình Yên Việt.

Trong những cổ vật có giá trị của các khu di tích lịch sử văn hóa, sắc phong giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh tính chính thống công nhận của Nhà nước, sắc phong còn lưu giữ nhiều thông tin giá trị. Kiến trúc di tích có thể bị thay đổi qua các lần trùng tu nhưng sắc phong thì được gìn giữ, bảo quản cẩn mật. Có thể coi sắc phong như phần hồn của di tích. Thế nhưng, vừa qua, vào ngày 12/8 rạng sáng 13/8 (tức 26/6 âm lịch), tại đình đền Yên Việt, xã Đông Cứu huyện Gia Bình, Bắc Ninh, kẻ gian đã bẻ khóa vào lấy trộm toàn bộ 11 đạo sắc phong. Ông Nguyễn Quang Dương - Trưởng thôn Yên Việt - trưởng BQL di tích và ông Nguyễn Đình Xum - thủ từ đền cho biết: “Người phát hiện ra sự việc kẻ gian bẻ khóa đầu tiên là ông Nguyễn Văn Hướng khi ông ra đình thắp hương. Khi được báo, chúng tôi kiểm tra hậu cung thì phát hiện hòm sắc bị lật tung. 11 đạo sắc bị mất, kẻ gian để lại bản thần phả chữ Hán sao lại từ bản thần phả có niên đại Hồng Phúc nguyên niên (1572). Hai bình hương thờ ở hậu cung cũng đã bị kẻ gian vứt lại lỏng chỏng trên bàn thờ sau khi đã đổ hết tro và chân hương. Chắc có lẽ kẻ gian cho đó không phải là cổ vật. Mấy ngày hôm sau, ông Nguyễn Văn Thuận (thủ từ cũ) của đền vào thắp hương hậu cung phát hiện mất thêm mâm bồng bằng đồng thời Nguyễn và một be rượu thờ men lam thời Nguyễn”. Sự việc đã được báo cáo lên chính quyền xã Đông Cứu và công an huyện Gia Bình đã về lập biên bản, điều tra. Đến nay, công tác điều tra vẫn chưa có kết quả.


Hòm sắc trước ngai thờ đình Yên Việt đã mất hết 11 đạo sắc phong.


Ông Nguyễn Quang Dương cho biết: “Rất ít người dân vào thắp hương ở hậu cung. Bản thân tôi 5 năm rồi mới bước chân qua cửa hậu cung còn toàn thắp hương bên ngoài”. Không ít người dân Yên Việt suy đoán kẻ gian chắc phải biết rõ những cổ vật ở đình. Ông Dương cho biết thêm: “Năm 2009, kẻ gian cũng đã vào hậu cung, lục tung hòm sắc nhưng đổ ra đất không lấy đạo sắc nào”. Có thể khi đó kẻ gian chỉ tìm cổ vật? còn sau này được “đặt hàng” lấy cả sắc phong?. 11 đạo sắc phong của hai triều vua Lê – Nguyễn của đền Yên Việt được thống kê trong hồ sơ di tích với các niên đại: Cảnh Hưng nguyên niên (1740); Cảnh Hưng 28 (1767); Cảnh Hưng 44 (1783); Chiêu Thống nguyên niên (1787); Quang Trung 4 (1791); Cảnh Thịnh 4 (1796); Bảo Hưng 2 (1802); Thiệu Trị 3 (1843); Tự Đức 7 (1854); Tự Đức 33 (1880); Đồng Khánh 2 (1886); Khải Định 9 (1924).


2 trong số 11 sắc phong tại đình Yên Việt (chụp từ hồ sơ lưu tại di tích).


Đình Yên Việt là đình thứ hai trong 10 đình chính tổ chức lễ hội “thập đình” vào các năm có hàng chi Thân, Tý, Thìn. Khi tổ chức lễ hội, các đình “em” rước kiệu, long đình về Bảo Tháp. Cũng như đình cả - Đình đền Bảo Tháp, đình đền Yên Việt thờ thành hoàng “Lê Thái sư đại vương” tức Thái sư Lê Văn Thịnh và Đức Cao Huy chiếu đại vương (tức Doãn Công – vị tướng Hải Dương Đốc bộ xứ thời Hai Bà Trưng). Cả hai vị thành hoàng đều là những danh nhân lớn có công lao hiển hách với dân tộc.

Đình Yên Việt là công trình văn hóa tín ngưỡng gắn liền với bề dày lịch sử và văn hiến của cộng đồng làng xã nơi đây. Đình đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng với quy mô lớn, chạm khắc trang trí tinh xảo. Đến thời Nguyễn, Triều vua Tự Đức, niên đại năm thứ hai (1849), đình được trùng tu tôn tạo. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị phá hủy hai gian hậu cung. Năm 1992, dân làng phục dựng lại ba gian hậu cung này. Qua thời gian, và các đợt trùng tu, đình vẫn giữ được vẻ đẹp nghệ thuật với những chạm khắc nghệ thuật điêu luyện.


Một góc chạm lộng tinh xảo ở đình Yên Việt.

Giá trị nổi bật của đình đền Yên Việt được thể hiện ở vẻ đẹp kiến trúc điêu khắc mang phong cách nghệ thuật hai thời Lê - Nguyễn. Đó là tòa đại đình to lớn gồm: 5 gian tiền tế, và hai gian hậu cung. Trên tất cả các bộ phận kiến trúc như con rường, cốn bảy, đầu dư đều được chạm khắc trang trí theo các đề tài “Rồng ổ”, “rồng tiên”… và hoa lá cách điệu. Các đầu dư đều được chạm lộng rồng ngậm ngọc với nét chạm chau chuốt, nghệ thuật. Đặc biệt trên tất cả các bức cốn gian giữa và gian bên đều được chạm nổi kênh bong các đề tài rồng – tiên rồng ổ điêu luyện: Những rồng mẹ, rồng con, từng đàn từng lớp quấn quýt bên nhau; rồng mẹ đều có bờm tóc, nét mác bay ngược lên thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng; điểm xuyết trên những đầu rồng mẹ là những cảnh tiên cưỡi rồng, tiên múa, tiên đánh trống, thổi sáo, đàn nhị... đã toát lên một thế giới “rồng” và “tiên” linh thiêng huyền bí cho ngôi đình.


Tam quan đình Yên Việt


Trước đó, cùng trong “thập đình”, đình Cứu Sơn xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh (cách đình Yên Việt khoảng 2km) cũng đã bị kẻ gian khoét vách đột nhập lấy đi cổ vật. Khi chúng tôi về địa phương tìm hiểu, ông Nguyễn Đăng Vạn – Trưởng thôn Cứu Sơn không những từ chối cung cấp thông tin mà còn nói: “Mất trộm thì đã mất rồi. Công an còn chịu thì báo chí chẳng đăng để làm gì. Cứ để cho sự việc trôi đi là hơn”. 

Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Nguyễn Sĩ Bàng – thủ từ đình đền Cứu Sơn. Khác với thái độ của ông Vạn, ông Bàng kể lại rất tỷ mỉ chi tiết việc đình bị mất trộm. Ông Bàng nói: “Tôi nhớ đình bị kẻ gian đột nhập vào lấy trộm cổ vật là vào đêm 24, rạng sáng 25/4 âm lịch (tức 14 và 15/5 dương lịch). Kẻ gian phải là người thông thuộc di tích. Bởi lẽ, nơi bị khoét vách chính là cửa hậu trước đây đã bịt lại bằng vật liệu gạch vỡ, vữa đất. Đêm ấy, tôi và ông Đinh Bá Thuyết ngủ tại đình. Chúng tôi nằm trò chuyện và còn đi soi đèn kiểm tra các nơi trong đình lúc 2 giờ sáng. Đến tang tảng sáng chừng 5 giờ thì chúng tôi dậy và phát hiện ra đình đã bị kẻ gian đột nhập. Vì trời mưa, lại đột nhập từ phía sau vườn đất nên kẻ gian đã để lại dấu chân, dấu vân tay trên ban thờ và cột đình. Kẻ gian để lại hiện trường một con dao dài 30cm”. Khi kiểm tra, ông Bàng, ông Thuyết phát hiện kẻ gian đã lấy đi ba bình hương đồng thời Nguyễn, 1 bình hương sứ, 2 nậm rượu sứ, 2 chóe đựng nước cúng. Ông Bàng cho biết: Cách đây 3 năm, kẻ gian cũng đã đột nhập lấy đi đôi lục bình cổ và 1 bình hương sứ cổ.


Đình Cứu Sơn.


Ban Quản lý đình Cứu Sơn cũng đã báo cáo sự việc lên chính quyền xã Đông Cứu và công an huyện Gia Bình đã về lập biên bản. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan chức năng quản lý văn hóa của huyện Gia Bình và tỉnh Bắc Ninh vẫn “chưa biết” gì về sự việc này.

Không hiểu ngoài việc lấy trộm đồ cổ, kẻ gian còn có ý đồ nhằm vào ngôi đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ của đất nước không?.

[Bài tác giả gởi trực tiếp cho Blog Hữu Nguyên]


  

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Nỗi lo từ phương Bắc


Câu hỏi then chốt là: Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ biến chuyển như thế nào? Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào một thời điểm nào đó giữa thế kỷ 21 này có thể tránh được không?
Một buổi sáng đẹp trời nào đó Trung Quốc hy vọng dồn Hoa Kỳ vào thế bí để phải nhường vị trí siêu cường số một cho Trung Quốc mà không cần một lời tuyên bố nào. Trước viễn ảnh đó Hoa Kỳ phải làm gì? 

Thời thế tạo anh hùng.


Úc châu lo lắng nhìn về phương Bắc


Đó là một cách miêu tả tính chất cuốn sách nhan đề “The China Choice: Why America should share power” (Những Chọn Lựa Đối Với Trung Quốc: Tại sao Hoa Kỳ cần chia quyền lực với Trung Quốc) của ông Hugh White, một nhà nghiên cứu chiến lược người Úc mới xuất bản viết về quan hệ tương lai giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu khác trên thế giới cho cuốn “The China Choice” của ông White có tính độc lập, và tác giả phân tích mối quan hệ này qua những dữ kiện địa lý chính trị (geopolitics) thực tế trước mắt hơn là để cho tình cảm và ý muốn của mình chi phối kết luận. Tuy nhiên đặt dưới một góc nhìn gắt gao hơn độc giả không thể không thấy cuốn sách “The China Choice” phản ánh sự lo lắng của Úc châu khi nhìn về phương Bắc. Tại đó Trung Quốc đang phát triển sức mạnh của một tân siêu cường trong khi Hoa Kỳ đang yếu ớt tìm cách củng cố thế đứng – cũng của một siêu cường trong thế kỷ 20 – tại một vùng địa lý Hoa Kỳ có ảnh hưởng bao trùm trong suốt 60 năm qua. Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ của trong thế kỷ này có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của Úc châu, và điều này – dù muốn dù không – cũng đã ảnh hưởng đến lối phân tách của ông White.
Hoa Kỳ bỏ cuộc nhường Tây Thái Bình Dương cho Trung Quốc hay dồn lực lượng đến chận ảnh hưởng của Trung Quốc và chấp nhận chiến tranh đều là những viễn ảnh đen tối cho Úc châu. Úc châu không muốn bị Trung Quốc khống chế nếu Hoa Kỳ bỏ Tây Thái Binh Dương mà đi. Úc châu cũng không thể không đứng về phía Hoa Kỳ nếu có một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ mà hậu quả không thể lường trước được. Cho nên diễn biến an toàn nhất cho Úc châu là hai bên chia ảnh hưởng tại Tây Thái Bình Dương. Và đó là kết luận của cuốn “The China Choice: Why America should share power”.
Giải pháp cho hòa bình?
Ông Hugh White không nhìn nhận trong cuốn sách của ông đây là giải pháp an toàn nhất cho Úc châu mà lập luận rằng đây là giải pháp tốt nhất cho nền hòa bình lâu dài của thế giới. Và trong giải pháp “hòa” này ông White không đưa ra một kế hoạch cụ thể nào ngoại trừ đề nghị Hoa Kỳ nhường bán đảo Đông Dương (gồm 3 nước Việt, Miên và Lào) cho Trung Quốc. Ông không nói nhường như thế nào vì Việt Nam là một nước có chủ quyền và từng kiên cường giữ gìn nền độc lập của mình không phải ai đặt đâu ngồi đó. Ngoài ra tuy không nói ra ông White cũng hàm ý rằng trong giải pháp “chia ảnh hưởng” Hoa Kỳ sẽ phải để cho Trung Quốc thống nhất Đài Loan và làm chủ vùng biển trong vòng đai an toàn thứ nhất gồm Nhật Bản, Philippines và Malaysia.
Ông Hugh White lập luận rằng khó có một vị tổng thống Hoa Kỳ nào đủ can đảm chủ trương một giải pháp lẳng lặng bỏ đi dù điều kiện thực tế buộc như vậy. Còn chiến tranh chỉ có thể xảy ra khi hai hải lực hùng mạnh cùng hiện diện trên một vùng chiến lược mà không bên nào nhượng bộ bên nào.
Vùng biển chiến lược của Trung Quốc hiện nay là vòng đai thứ nhất choàng qua các nước Nhật Bản, Philippines và Malaysia trong đó có Đài Loan và Biển Đông. Nhưng vùng biển đó cũng là nơi Hoa Kỳ đang có quyền lợi sinh tử. Tuy nhiên sự phát triển vũ khí của Trung Quốc cho thấy trong một tương lai gần Trung Quốc có khả năng không cho các mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vòng đai thứ nhất một cách an toàn. Lúc đó, muốn bảo đảm an toàn cho Hạm đội 7 hoạt động trong vùng Hoa Kỳ phải trừ khử các căn cứ hỏa tiễn của Trung Quốc trên đất liền và điều này sẽ dẫn tới chiến tranh. Hậu quả sẽ vô cùng to lớn và Hoa Kỳ không có điều kiện tâm lý để đưa mình vào một sự chọn lựa như vậy.
Năm 1962, tổng thống Kennedy chấp nhận chiến tranh nguyên tử chọn giải pháp phong tỏa tàu bè Liên xô đến Cuba và ra tối hậu thư cho Liên Xô gỡ bỏ dàn nguyên tử đặt tại Cuba vì dàn hỏa tiễn Cuba đe dọa an ninh của Hoa Kỳ. Hôm nay nếu Trung Quốc không cho Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vòng đai an toàn của Trung Quốc thì nền an ninh của Hoa Kỳ cũng không trực tiếp bị đe dọa.
Trong chiến tranh lạnh với Liên Xô, Hoa Kỳ có nhiều ưu thế. Hoa Kỳ chỉ lo kho vũ khí nguyên tử của Liên xô, còn về các mặt khác như ảnh hưởng chính trị và kinh tế Hoa Kỳ đều vượt trội Liên Xô. Sinh hoạt kinh tế và tài chính giữa Hoa Kỳ và Liên xô cũng không lệ thuộc vào nhau và tròng tréo như hiện nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Triệt hạ nền kinh tế Liên Xô, Liên Xô sẽ sụp đổ. Nhưng nếu Hoa Kỳ triệt hạ được nền kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế Hoa Kỳ cũng sụp đổ theo.
Hai ví dụ
Ông Hugh White viện dẫn hai trường hợp lịch sử để khuyên Hoa Kỳ không nên vì sợ Trung Quốc lớn mạnh tranh giành ảnh hưởng với mình mà hành động nóng vội. Dẫn chứng cuộc chiến tranh Peloponnesian trong thế kỷ thứ năm trước Tây lịch (431-403 BC) giữa hai thị trấn Hy lạp Sparta (thuộc tỉnh Peloponnese) và Athene kéo dài 27 năm đưa đến sự sụp đổ của Athene mà ông White cho rằng do Sparta lo sợ sự lớn mạnh của Athene sau khi (Athene) đánh bại cuộc xâm lăng của Ba Tư trong một trận chiến kéo dài 49 năm (490 – 449 BC). Lịch sử sẽ không tái diễn nếu Hoa Kỳ hành động như Sparta vì Trung Quốc sẽ không sụp đổ như Athene. Sparta đã thắng nhưng giá phải trả quá đắt để sau đó cũng suy tàn.
Bài học thứ hai là bài học “Đa Quốc Liên Minh” (Congress System) thiết lập tại Âu châu từ năm 1815 sau khi Napoleon của Pháp bị đánh bại gồm các nước Anh, Áo , Đức, Phổ (sau sát nhập vào Đức) chia đều quyền lực giữ thế cân bằng và kềm chế Pháp. Hệ thống đa quốc sụp đổ sau đó do bất đồng quyền lợi và đánh nhau giữa các thành viên nhưng sáng kiến đa quốc này là tiền thân của Hội Vạn Quốc (League of Nations thành lập sau Thế chiến 2) và Liên Hiệp quốc (United Nations) sau này. Dựa vào khuôn khổ này ông White đề nghị Tứ Quốc Liên Minh chia đều ảnh hưởng và quyền lợi trong vùng Á châu Thái Bình Dương giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản. Việc đầu tiên là hóa giải khâu tranh chấp nóng đang tồn tại là Biển Đông bằng cách nhường Đông Dương cho Trung Quốc.
Ý của ông Hugh White đó là chuyện tương lai. Hiện tại Hoa Kỳ đang đẩy mạnh chính sách đương đầu. Và không có dấu hiệu gì Trung Quốc lo ngại toan tính của Hoa Kỳ. Từng bước một Trung Quốc xây dựng thế lực và nếu sự tiên đoán của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) là chính xác trong 5 năm nữa khi nền kinh tế Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ cũng phải tính toán lại xem khả năng mình có thể làm gì được tại cửa ngõ của Trung Quốc.
Cuốn sách của ông White tạo ra nhiều chú ý trên thế giới vì cho đến nay ít nhà nghiên cứu chiến lược đưa ra một cái nhìn bộc trực nhìn nhận vị thế của Trung Quốc và không còn xem Hoa Kỳ là thế lực vô địch trên thế giới. Ông Robert James Lee Hawke, nguyên thủ tướng Úc châu từ 1983 đến 1991 viết rằng: “Qua cuốn ‘Những chọn lựa đối với Trung Quốc’ học giả Hugh White không để trí tuệ bị vướng víu bởi các quan điểm đang thịnh hành để phân tích một vấn đề quan trọng có tính quyết định Úc châu sẽ được sống trong hòa bình hay không. Một cuốn sách cần đọc”.
Ông Robert D. Kaplan, tác giả của cuốn “The Revenge of Geography: What the Map tells us about coming conflicts and the battle against fate”, viết về cuốn ‘The China Choice’ như sau: “Cuốn sách của ông White đã làm một tổng hợp lý thú gây nhiều tranh luận về vấn nạn Đông Á Châu. Cuốn sách bàn về một vấn đề quốc tế quan trọng là sự biến chuyển trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kết luận của tác giả không làm cho Trung Quốc hay Hoa Kỳ hài lòng, nhưng sự thể chắc phải như vậy”. Trong khi đó giáo sư Anatol Lieven, người Anh thuộc đại học King ở Luân Đôn phê bình rằng: “Quan hệ trong tương lai giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất của thời đại chúng ta. Và qua cuốn The China Choice ông White đã phân tích chi ly mối quan hệ đó và đề ra giải pháp tránh chiến tranh và duy trì hòa bình. Các nhà làm chính sách trên thế giới cũng như sinh viên đang nghiên cứu các vấn đề đương thời trên thế giới đều cần đọc”.
Giáo sư kinh tế học Ross Gregory Garnaut thuộc Viện Đại học Melbourne, Úc viết: “Ông Hugh White không ngần ngại nêu ra các hệ lụy của sự phát triển kinh tế của Trung Quốc với một lối lý luận vững chắc giúp cho người Úc có thể vượt qua lối nhìn tình cảm và duy ý chí của mình để dọn đường cho tương lai đất nước”.
Câu hỏi then chốt là: Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ biến chuyển như thế nào? Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào một thời điểm nào đó giữa thế kỷ 21 này có thể tránh được không?
Hoa Kỳ không thể cuốn gói ra đi. Chiến tranh không lợi cho ai. Và nếu Hoa Kỳ bằng lòng chia đôi thiên hạ chưa chắc nhân dân Trung Quốc đã hài lòng. Qua bao nhiêu thế kỷ bị các nước Tây phương kềm chế và khinh bỉ, đây là cơ hội để Trung Quốc không chấp nhận một điều gì khác hơn là siêu cường duy nhất trên thế giới với tư thế tương đương với Anh quốc trong thế kỷ 19 và Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Và sách lược Trung Quốc có thể áp dụng để đạt kết quả này là một trong 13 binh pháp của Tôn Tử : Thắng một trận giặc mà không cần một trận đánh nào.
Trong những thập niên tới Trung Quốc và Hoa Kỳ kèn cựa nhau qua một trận giặc không ranh giới, với những đụng chạm vũ trang chiến thuật do tranh chấp đất, biển, kinh tế, tài chánh và khoa học. Và một buổi sáng đẹp trời nào đó Trung Quốc hy vọng dồn Hoa Kỳ vào thế bí để phải nhường vị trí siêu cường số một cho Trung Quốc mà không cần một lời tuyên bố nào.
Trước viễn ảnh đó Hoa Kỳ phải làm gì? Thời thế tạo anh hùng. Và lịch sử Hoa Kỳ tuy ngắn nhưng cũng không thiếu anh hùng.

Chiến sĩ thi đua toàn quốc, họ là ai?


Hôm trước đọc trên mạng thấy có tin nói về ông Thống đốc "dân trí thấp" có tên trong danh sách chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ngạc nhiên quá, vì danh hiệu cao quý này chẳng nhẽ lại trao lung tung vậy sao? Nên thử tìm hiểu thêm bằng cách tìm kiếm trên google và thấy được bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Duy Xuân trên Văn hóa Nghệ An. Hóa ra các "chiến sĩ" trong danh sách này hết 99% rơi vào tay giới "sĩ quan cao cấp" (tức là các quan chức ít nhất cũng từ đầu tỉnh trở lên)  cả. Chẳng thấy binh nhì nào được tặng danh hiệu cao quý này hết! Càng tiếc hơn, chả thấy danh hiệu cao quý này trao cho bất kỳ chiến sĩ nào (hoặc là sĩ quan cũng được) đang ngày đêm chống chọi với phong ba bão táp, thiên tai và địch họa trên vùng Biển Đông dậy sóng sống chết khó lường... 

Chiến sĩ thi đua toàn quốc, họ là ai? 
Đọc cái danh sách do Ban Thi đua-Khen thưởng trung ương đề nghị phong tặng CSTĐTQ, một danh hiệu cao quí đứng sau Anh hùng một chút của Nhà nước ta, mà không khỏi giật mình suy ngẫm. Họ là những con người ưu tú, kết tinh của phong trào thi đua yêu nước, chắc chắn thế vì đã vào đến cửa ải cuối cùng này thì ắt là những tấm gương sáng ngời cả về đạo đức lẫn tài năng và sự cống hiến cho tập thể rồi. Họ tiêu biểu cho đất nước, cho gần 90 triệu đồng bào. Tự hào thay !
Nhưng điểm qua 60 tên tuổi trong danh sách đề nghị phong tặng, bỗng thoáng nét buồn. Trong số 60 anh tài ấy thì có đến 59 vị có chức vụ (quan chức), nhỏ nhất là phó hiệu trưởng trường Mẫu giáo. Chỉ duy nhất có một vị đúng là “chiến sĩ”: ông Nguyễn Viết Đức, Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Trong số 59 vị quan chức thì phần lớn đang giữ trọng trách trưởng phó cấp trung ương, địa phương, ngành. To nhất ngang hàm bộ, thứ trưởng như ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hai ông phó tổng Thanh tra Chính phủ; ông thứ trưởng bộ Y tế; ông bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu… Chuyện các vị được phong tặng CSTĐTQ thì khỏi phải bàn, chúng ta tin ở sự quang minh chính đại của Ban TĐKTTƯ. Điều đáng suy ngẫm ở đây là sự vắng bóng của tầng lớp thường dân. Đó là những công nhân, nông dân đang lăn lộn trên công trường nhà máy, đồng ruộng làm ra những giá trị đích thực của cuộc sống. Đó là những chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc, giữa trùng khơi đại dương luôn luôn đối mặt với gian khổ, hiểm nguy, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Sao họ không có mặt trong đội ngũ ưu tú này ?
Hình như bây giờ có một thực tế là chúng ta đã và đang quan chức hóa những danh hiệu cao quí như Anh hùng, CSTĐ. Bóng dáng người trực tiếp lao động, chiến đấu đang thưa vắng dần. Bây giờ thật khó bắt gặp một anh hùng, CSTĐ như Hồ Giáo, Cù Thị Hậu, Ngô Thị Tuyển… Một thực tế đang diễn ra ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là hầu như các danh hiệu thi đua cao quí hoặc khen thưởng danh giá hàng năm đều “chia” cho lãnh đạo theo lệ đến hẹn lại lên, lần trước anh lần này tôi. Phải chăng trong bối cảnh hiện nay người lao động không còn có cơ hội để thể hiện mình ? Chả nhẽ chỉ có tầng lớp lãnh đạo mới là hạt nhân của phong trào thi đua yêu nước ? Khi người lao động đứng ngoài “cuộc chơi” thì liệu phong trào ấy còn có ý nghĩa, tác dụng gì ? Đấy là chưa nói đến lâu nay dư luận đặt vấn đề nghi vấn về sự thiếu minh bạch, nể nang, tiêu cực trong việc xét tặng, khen thưởng. Chuyện lùm xùm đối với các giải thưởng danh giá nhất nhì đất nước về văn học nghệ thuật vừa qua gây bức xúc dư luận là một thí dụ.
Danh hiệu phong tặng, khen thưởng phải đúng người, đúng việc thì mới phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua, tạo động lực phát triển cho xã hội./.

DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ PHONG TẶNG DANH HIỆU CHIẾN SỸ THI ĐUA TOÀN QUỐC
(Kèm theo Tờ trình số 1374 /BTĐKT-VI, ngày 29 / 8 /2012 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương)
 A. Khối Bộ, ngành:
1. Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Ông Đào Xuân Thế, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Ông Nguyễn Hồng Ngơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Đại tá Lê Văn Hùng, Chính ủy Nhà máy Z175, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
5. Ông Lê Kiên Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
6. Ông Hoàng Minh Chính, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
7. Bà Trần Thị Bạch Dương, Phó Chủ tịch công đoàn công thương Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
8. Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
9. Bà Trần Thị Ái Nhân, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Kiên Giang, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
10. Ông Lê Tiến Hào, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
11. Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
12. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
13. Ông Nông Văn Thới, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
14. Ông Lê Đình Khanh, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
15. Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
16. Ông Nguyễn Kiến Tường, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương chi nhánh Nam Sài Gòn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
17. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế.
18. Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
B. Khối Địa phương:
19. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
20. Ông Tô Đình Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông.
21. Ông Biện Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh Đắk Nông.
22. Ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Tài chính, tỉnh Đắk Nông.
23. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông.
24. Ông Huỳnh Văn Thiên, Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng.
25. Ông Hoàng Mạnh Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
26. Ông Trần Văn Dĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Trường An, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
27. Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thuộc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa.
28. Ông Lê Kim Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Định.
29. Ông Đặng Quang Linh, Trưởng phòng Nội chính, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.
30. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại Quảng Trị.
31. Bà Nguyễn Thị Như Thủy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh.
32. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.
33. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển công viên phần mềm Quang Trung, Sở Thông tin - Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.
34. Ông Thái Văn Lai, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận.
35. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
36. Ông Ngô Sâm, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến thủy sản xuất khẩu IV, thuộc Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
37. Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp.
38. Ông Lý Khôi Văn, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp nước và Môi trường Đô thị Đồng Tháp.
39. Ông Đinh Minh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
40. Ông Trần Văn Huyến, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy, tỉnh Hậu Giang.
41. Ông Nguyễn Văn Vị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La.
42. Ông Đặng Văn Ngự, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên.
43. Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang.
44. Bà Lê Thị Xiết, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Giang.
45. Ông Trần Đức Quý, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang.
46. Ông Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm Đại học tại chức thành phố Cần Thơ.
47. Ông Trần Bình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần in tổng hợp Cần Thơ.
48. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình đô thị thành phố Cần Thơ.
49. Ông Nguyễn Duy Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện cơ Thống Nhất, thành phố Hà Nội.
50. Bà Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt Triều - Hữu Nghị, thành phố Hà Nội.
51. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, thành phố Hà Nội.
52. Ông Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng Phòng Thanh tra 6, Thanh tra thành phố Hà Nội.
53. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thống Nhất, thành phố Hà Nội.
54. Ông Hà Anh Dũng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Phước.
55. Bà Trần Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quang Trung, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước.
56. Bà Hà Thị Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phú Riềng B, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
57. Ông Nguyễn Viết Đức, Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
58. Ông Vũ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
59. Ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Quảng Ngãi.
60. Ông Đỗ Đức Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh Quảng Ngãi kiêm trạm trưởng trạm giống cây trồng nông nghiệp Đức Hiệp.
(Theo Ban thi đua khen thưởng TƯ)

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Tuyên án nặng ba thành viên "CLB Nhà báo Tự do"


Ngày 24/9, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Nguyễn Văn Hải (SN 1952, ngụ TPHCM, còn gọi là Hoàng Hải, Hải Điếu Cày) mức án 12 năm tù, bà Tạ Phong Tần (SN 1968, quê Bạc Liêu) 10 năm tù và ông Phan Thanh Hải (SN 1969, ngụ TPHCM) 4 năm tù cùng tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên, sau khi chấp hành xong bản án, bị cáo Nguyễn Văn Hải còn bị quản chế tại địa phương 5 năm, bị cáo Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải bị quản chế 3 năm. 
Bản án được đưa ra hết sức chóng vánh sau phiên tòa diễn ra chỉ có vài giờ trong buổi sáng thứ Hai ngày 24/9.
Báo chí Việt Nam trong các bài trước phiên xử cho hay ông Phan Thanh Hải "nhận tội và xin khoan hồng" còn ông Nguyễn Văn Hải và bà Tạ Phong Tần đều "ngoan cố" không nhận tội.
Các bản tin quốc tế cũng nhắc tên ông Điếu Cày từng được Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama nhắc đến như một nhà hoạt động vì tự do báo chí ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hải cũng đã "chấp hành bản án 2 năm sáu tháng tù" cho tội mà nhà chức trách đưa ra là "trốn thuế". Như thế, tổng cộng thời gian tù đày của ông Hải trở nên cao chưa từng có từ nhiều năm qua trong các bản án mà chính quyền Việt Nam dành cho giới vận động dân chủ.
Theo BBC, trong ngày thứ Hai, ngay sau khi có tin về vụ xử kết thúc, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ra thông cáo báo chí yêu cầu "Chính phủ Việt Nam cần phải trả tự do cho Điếu Cày và các blogger Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần".
Phía Mỹ cũng nói: "Cách chính phủ xử lý Điếu Cày dường như không nhất quán với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các điều khoản của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu liên quan đến tự do ngôn luận và xét xử theo đúng trình tự pháp lý".
Liên tục trong nhiều ngày qua, các tổ chức bênh vực cho nhân quyền trên thế giời đã dồng thanh lên tiếng kêu gọi nhà nước Việt Nam hãy trả tự do cho các bloggers này, vì họ chỉ lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.
Một số người tham gia biểu tình trước phiên tòa nhằm ủng hộ các bị cáo cũng đã bị công an bắt giữ.


Nhà văn Siêu Hải: “Con tằm đã nhả hết tơ đâu”?


Nhà văn Siêu hải là Thầy của nhà báo Từ Khôi ở “Chiếu Văn”, đã qua đời vào ngày 21/9/2012. Thân là Phó Ban Văn hóa Văn nghệ của báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Từ Khối có bài viết tiễn đưa hương hồn người thầy văn của mình gởi báo Đại Đoàn Kết, song người ta đã lạnh lùng không cho đăng. 

Một nhà văn tâm huyết với nghề, vừa ra đi để lại một di sản đồ sộ các tác phẩm văn học từ thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cho tới thời kỳ hiện tại. Đặc biệt, ông còn nhiều tác phẩm mang dấu ấn lịch sử, những cuốn tiểu thuyết lịch sử văn hóa như là những pho tư liệu sống động để  tìm hiểu nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc. Báo Đại Đoàn Kết có thể lạnh lùng đến thế sao?

Ít ai ngờ một ông đại tá về hưu nhỏ thó gày gò lại có sức bền bỉ dẽo dai đến lạ khi cứ miệt mài cặm cụi viết như con tằm nhả tơ. Thế nhưng, "con tằm đã kịp nhả hết tơ đâu”, nay đã về cõi vĩnh hằng, để lại bao tiếc nuối, đau thương cho gia đình, bè bạn và những người học trò, những bạn đọc yêu qúy văn chương của ông.

Trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Từ Khôi như là nén hương đưa tiễn linh hồn người thầy “Chiếu Văn” của anh về nơi an nghỉ nghìn thu.

Nhà văn Siêu Hải: “Con tằm đã nhả hết tơ đâu”?

Từ Khôi

Nhà văn Siêu Hải đã ra đi ngày 21/9. Không ai cưỡng lại được quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” nhưng sao tôi vẫn cảm thấy hẫng hụt và tiếc nuối. Biết bao dự định còn dang dở với một người say mê sáng tác văn học như ông. Nhà văn Siêu Hải đã đem đến cho văn học Việt Nam những giá trị riêng, rất riêng. Đó là mảng tiểu thuyết ăm ắp những tư liệu lịch sử về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn vật; là những tư liệu phong phú và sống động của một người lính pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ tổ quốc.


Nhà văn Siêu Hải với bản chiếu Minh Mạng 12 gửi Hàn Lâm viện Thừa chỉ Phạm Đình Hổ.

Người lính – nhà văn

Cuộc đời sáng tác của người lính nhà văn Siêu Hải có thể thấy được hai mảng đề tài rõ rệt. Mảng sáng tác về đề tài chiến tranh, hẹp hơn là sáng tác về lực lượng pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Và mảng đề tài khác là về Thăng Long – Hà Nội từ thời Lê - Trịnh, Tây Sơn đến thời kỳ đầu thế kỷ 20. Tất nhiên là ngoài những mảng sáng tác này nhà văn Siêu Hải còn viết rất nhiều ký, tùy bút, tiểu thuyết về danh nhân…

Sinh vào cái năm đầu can và đầu chi của nửa đầu thế kỷ 20 (ngày 2/7/1924) trong một gia đình mà cụ thân sinh là Nguyễn Khắc Hanh - một nhà Nho, một trí thức Tây học nhưng không chịu thi thố làm quan mà chỉ ham dịch thuật, sáng tác và làm báo, nên nhà văn Siêu Hải sớm có nhiều ảnh hưởng. Cụ Nguyễn Khắc Hanh từng làm chủ bút báo Thực nghiệm của Bạch Thái Bưởi và báo Nông Công Thương của Phạm Chân Hưng. Cụ cũng là đồng sáng lập báo Đông Tây với Hoàng Tích Chu và Hà Thành Ngọ báo với Bùi Xuân Học. Cụ còn dịch gần ba mươi tiểu thuyết qua tiếng Hán và tiếng Pháp và làm giám đốc nhà in Chân Phương.

Nếu không có Cách mạng Tháng Tám 1945 có lẽ nhà văn Siêu Hải đã tiếp bước luôn theo con đường của cha. Nhưng chính ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, chàng Tú tài đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung” nhập ngũ, đi đánh phỉ ở Sơn La và tháng 5/1946 được cử đi đào tạo khoá I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Cuối năm 1946, ông được bổ sung về đơn vị pháo quân khu Mười và ngày 25/1/1947 tham gia sử dụng sơn pháo 75 ly bắn trực tiếp vào sân bay Gia Lâm phá hỏng hai máy bay Pháp. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đơn vị pháo binh rút về Việt Bắc.

Chiến thắng Sông Lô 1947 đã trở thành một mốc son trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ngày 21/10/2011, kỷ niệm 65 năm chiến thắng Ghềnh Khoan Bộ - Sông Lô Thu Đông 1947, nhà văn Siêu Hải đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam mời về tham dự hội thảo. Đây cũng là lần cuối cùng nhà văn Siêu Hải tham dự, kể lại chiến công của lực lượng pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam năm xưa. Trận đánh mang ý nghĩa lớn: Đập tan gọng kìm của giặc Pháp đánh lên Việt Bắc. Lúc đó, pháo binh ta vô cùng nghèo nàn, lạc hậu. Tàu chiến địch từ Hà Nội tăng viện lên Tuyên Quang qua đường sông Lô như “đi chợ” mà pháo binh bắn từ điểm cao không trúng. Trung đội trưởng Siêu Hải đã quả quyết phải đưa pháo xuống sát bờ sông, nòng pháo bắn thẳng vào ca nô địch ở cự ly vài trăm mét dù mệnh lệnh của trên xuống là “pháo chiến lược, vốn quốc gia”, “mất pháo là mất đầu”. Giặc Pháp đã bất ngờ vì cách đánh “giáp lá cà” táo bạo này và đã bỏ mạng 2 chiếc tàu chiến LCT. Tiếp theo cách đánh này, trận Đoan Hùng, rồi Khe Lau (sông Gâm) đều đưa pháo xuống sát bờ sông bắn chìm tàu chiến địch.

Tin chiến thắng nức lòng toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta. Nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Tố Hữu, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Dương Bích Liên... đã về thực tế chiến trường và được Trung đội trưởng sơn pháo 1 Siêu Hải tường thuật lại. Bản Trường ca Sông Lô được hình thành ngay sau đó. Nhạc sĩ Văn Cao vừa soạn giai điệu và sáng tác lời khi hát cho chính những người lính lập nên chiến công nghe.
Cuộc hành quân bộ với những người lính đã vất vả, nhưng vất vả hơn với những người lính sơn pháo. Họ phải tháo dời pháo ra rồi khiêng tay nếu không mượn được trâu của dân. Cho đến hôm nay, nhiều thế hệ bạn đọc biết đến bài ký “Voi đi” nổi tiếng nhưng ít người biết, nhà văn Siêu Hải còn ký họa trực tiếp cảnh vận chuyển pháo bằng sức người lính vất vả như thế nào.
Cảnh kéo pháo bằng sức người diễn ra suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Và cũng chính người lính, nhà văn Siêu Hải đã viết lại hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Chức – chiến sĩ Đại Đội pháo 806 lấy thân mình cứu pháo khi kéo vào trận Điện Biên Phủ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Chức hy sinh trước liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. Nhưng thật buồn là không hiểu vì lý do gì tấm gương hy sinh anh dũng này đã không được N.T – Chính ủy Trung đoàn lựu pháo 105 (trong đó có Đại đội pháo 806) báo cáo lên cho Chính ủy Đại đoàn pháo binh Phạm Ngọc Mậu biết.

Chiến thắng Sông Lô còn ám ảnh mãi với người lính – nhà văn Siêu Hải. Năm 1957, ông bắt tay viết tiểu thuyết Sông Lô. Cũng năm này, người lính Siêu Hải trở thành Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã nhận đỡ đầu cho cuốn tiểu thuyết này. Nhưng rồi năm 1960, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất, cuốn tiểu thuyết lại thăng trầm chìm nổi. Mãi đến năm 1978, khi nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu nhà văn Siêu Hải gia nhập “Chiếu Văn” thì với sự giúp đỡ của nhà văn Sơn Tùng – “chủ chiếu” tiểu thuyết Sông Lô đã được biên tập lại cho gọn. Năm 1981, tiểu thuyết Sông Lô được NXB Thanh niên ấn hành với bìa minh họa của nhạc sĩ Văn Cao.

Tham gia trận chiến đỉnh cao chống Pháp – Điện Biên Phủ, nhà văn Siêu Hải cũng đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết “Điện Biên Phủ”. Tiếc rằng, do điều kiện sinh hoạt chật chội ở 66 Hàng Chiếu, Hà Nội nên bản thảo viết bằng mực “dởm” trên giấy cũ nát, gặp nước mưa đã bị nhòe và bết thành từng cục.

Lịch sử pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã được nhà văn Siêu Hải viết trong nhiều ký sự lịch sử. Có thể kể: Đại đội sơn pháo 753; Pháo binh đánh địch phản kích ra sân bay Điện Biên Phủ (viết chung cùng Khắc Tính); Đoàn voi thép trong chiến dịch Hòa Bình; Trận đánh ba mươi năm tập I, tập II (viết chung); Voi đi đánh Mỹ; Tìm hiểu Pháo binh trong lịch sử dân tộc...


Nhà văn Siêu Hải và nhà báo Từ Khôi

Nhà tiểu thuyết lịch sử văn hóa

Sau một thời gian dài “trả nợ” mình, “trả nợ” đồng đội đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ tổ quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhà văn Siêu Hải bắt tay “trả nợ” tổ tiên. Ít ai ngờ một ông đại tá về hưu nhỏ thó gày gò lại có sức bền bỉ deo dai đến lạ khi cứ miệt mài cặm cụi viết như con tằm nhả tơ. Khi đã qua tuổi 65, nhà văn Siêu Hải bắt tay vào viết những tiểu thuyết lịch sử có bối cảnh Thăng Long thời vua Lê chúa Trịnh. Sở dĩ nói “trả nợ” tổ tiên vì như đã nêu ở trên, nhà văn Siêu Hải sinh ra trong một gia đình đại công thương gia kiêm trí thức đất kinh kỳ. Dòng họ Nguyễn Đình của nhà văn Siêu Hải có một truyền thống đẹp là ghi lại lại gia phả theo những câu chuyện đời sống, bán buôn, sinh hoạt nơi đô hội. Rất nhiều tư liệu lịch sử qúy giá này như những “cây gỗ tư liệu” để nhà văn chạm lộng, biến thành những sản phẩm tinh xảo, đồ dùng đẹp đẽ. Bộ ba tiểu thuyết về một gia đình đại công thương gia kiêm trí thức Hà thành kéo dài mấy trăm năm từ thời vua Lê chúa Trịnh, qua thời Tây Sơn, đến khi Pháp sang xâm lược như “Mảnh trăng Tô Lịch” (NXB Thanh niên 1992); Bóng chiều Thăng Long (NXB Thanh niên 1995); Nắng kinh thành (NXB Thanh niên 1997) đã đoạt Giải Văn học Thăng Long – Hà Nội 1998.

Viết văn như nghiệp nợ. Các nhà văn ở “Chiếu Văn” như nhà văn Sơn Tùng, Mạc Phi, Minh Giang... đều coi đó là cái nghiệp. Còn nhớ trước đây, nhà văn Mạc Phi trước cái chết ung thư di căn cận kề, trước khối u to đang chèn lấy phổi, lấy tim khó thở và đau đớn vẫn bình thản làm “kệ” rằng:

Nghiệp chướng theo nhau mãi mãi rồi
Tử sinh cùng một nhẽ mà thôi
Sắc sắc đó mà không không đó
Đầy trời hoa nở lá thơm rơi

Còn nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Minh Giang dù chịu bao “tai nạn nghề nghiệp” vẫn vững tin sáng tác. Với nhà văn Siêu Hải, sức khỏe tưởng dẻo dai nhưng ít ai ngờ khi viết xong “Mảnh trăng Tô Lịch”, ông phải nhập viện vì bục dạ dày. Tiếp tục viết ngày viết đêm, thị lực ông giảm nhanh rõ rệt dù con gái ông là bác sĩ Bệnh viện Việt Đức luôn khuyên can bố phải giữ gìn. Viết xong bộ ba tiểu thuyết gần 2000 trang sách thì thị lực nhà văn Siêu Hải chỉ còn 1/10. Vậy mà ông vẫn viết. Có điều ông chỉ viết ban ngày và khi viết phải bật thêm một ngọn đèn điện trăm oát bên cạnh. Rồi ông cũng chẳng nhìn rõ chữ nữa. Không bó tay, nhà văn Siêu Hải đọc văn miệng nhờ người chép, khi thì là con gái út, khi thì là một sinh viên đại học. Thậm chí lúc “cảm hứng sáng tác trỗi lên mà không có ai viết giúp, ông lại đọc vào chiếc máy ghi âm để sau đó nhờ chép lại. Những ai từng cầm bút viết văn chắc đều hiểu rõ sự tương tác cảm xúc khi nhìn những con chữ mình sáng tác trên giấy (hay cả bây giờ là trên máy tính”. Thế nên sáng tác “văn miệng” kiểu nhà văn Siêu Hải thật khó và yêu cầu sự bền bỉ, nhẫn nại cùng cực. Nhưng rồi, thấm thoắt thời gian trôi, thành quả lao động của nhà văn khiến những người viết văn trẻ phải kính nể. Ông tiếp tục cho ra mắt những ký sự lịch sử văn hóa quá giá như: Truyện Thăng Long Hà Nội (tản văn, NXB Thanh niên 2000); Người lính – nhà văn (ký ức, NXB Thanh niên 2007); Hà Nội trái tim của cả nước (Truyện 2009); Ngọn bút trong sương (ký ức, 2006, 2009);

Những tư liệu lịch sử, văn hóa trong các tiểu thuyết, truyện ký của nhà văn Siêu Hải về Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XVII cho đến những năm đầu thế kỷ XX là một tài sản vô giá mà ít có nhà nghiên cứu lịch sử nào ở nước ta có được. Chính tác giả bài viết từng chứng kiến nhà văn Siêu Hải trao lại cho hậu duệ dòng họ Phạm Đình Hổ ba bản chiếu nguyên bản của Vua Minh Mạng gửi cho Phạm Đình Hổ. Và những tư liệu khác như nguồn gốc phở ở Hà Nội; Những con đường thủy của Thăng Long xưa; Gác cổ diêm, gác chồng diêm; Đàn Nam Giao; Phủ chúa Trịnh; Triệu phú ta thế kỷ 18...

Với những tư liệu phong phú như thế được công bố trong các tiểu thuyết, ký sự lịch sử, từ lâu tác giả bài viết này đã nghĩ: Sao Hội khoa học lịch sử không vinh danh ông là Hội viên danh dự?. Lối viết tiểu thuyết lịch sử tư liệu văn hóa này cũng đã được GS. Phan Ngọc đánh giá rất cao và gọi là “tiểu thuyết văn hóa” còn Kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa – một trí thức Việt kiều Pháp đã từng viết thư tấm tắc ca ngợi và mong ước sẽ nhìn thấy bộ phim lịch sử về Thăng Long được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết này...

Mới ngày nào đến thăm nhà văn Siêu Hải, đọc cho ông nghe những trang bản thảo ông tự tay viết trên khổ giấy A4 mà chỉ được chừng dăm dòng, tôi đã bùi ngùi: “Bác mệt thế nên nghỉ đi, lúc khỏe hẵng viết hay nhờ “thư ký” viết cho”. Nhà văn Siêu Hải lại đọc một bài thơ ông sáng tác về cảnh lòa. Tôi nhớ hai câu kết thế này:

Mục hạ vô nhân xin đành chịu
Con tằm đã nhả hết tơ đâu

Chưa nhả hết “tơ”, chưa viết được những tư liệu còn ngồn ngộn về chiến thắng Điện Biên Phủ, về con người cảnh vật Thăng Long xưa... nhưng con tằm nhà văn Siêu Hải đành buông bút với mệnh trời. Để lại cho bạn bè “Chiếu Văn” một khoảng trống. Để lại cho bạn đọc sự tiếc nuối về những trang văn giàu tri thức lịch sử và văn hóa.

[Bài do tác giả gởi tới Blog Hữu Nguyên]