Một số nhà nghiên cứu ví von Trung Quốc như một con gà trống, với bán đảo Triều Tiên là chiếc mỏ và Việt Nam là chân của con gà.
Hình ảnh so sánh này một mặt cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc, đặc biệt là về an ninh, một mặt ám chỉ tới một thực tế rằng Việt Nam từ hàng ngàn năm qua đã gánh trên vai mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sức nặng của Trung Quốc. Vấn đề là Việt Nam nếu muốn cũng không thể làm được gì để thay đổi thực tế này.
Vì vậy, cũng giống như Cuba đối với Mỹ hay Grudia đối với Nga, Việt Nam, như cách nói của giáo sư Carl Thayer, đã bị chi phối bởi một “lời nguyền địa lý” (tạm dịch từ “tyranny of geography”). Theo đó Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài học cách chia sẻ số phận của mình với người láng giềng Trung Quốc trong suốt từng bước đi lịch sử của mình.
Trong thực tế, một nước Trung Quốc mạnh hơn từ lâu đã là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Việt Nam. Việt Nam đã nằm dưới ách thống trị của các triều đại Trung Quốc suốt gần một ngàn năm cho đến năm 938 sau Công nguyên. Từ thời điểm đó cho tới khi Việt Nam bị Pháp biến thành thuộc địa vào nửa sau thế kỷ 19, Trung Quốc đã xâm lược và chiếm đóng Việt Nam một vài lần. Bằng chứng gần đây nhất cho thấy Trung Quốc là một nguồn đe dọa đối với Việt Nam chính là cuộc chiến tranh ngắn ngày nhưng đẫm máu mà Trung Quốc tiến hành dọc theo biên giới phía Bắc của Việt Nam vào năm 1979, và cuộc đụng độ hải quân do Trung Quốc châm ngòi ở Biển Đông tháng 3 năm 1988 .
Các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam không chỉ xuất phát từ sự gần gũi về mặt địa lý mà còn từ sự bất đối xứng về sức mạnh giữa hai nước. Ví dụ như Trung Quốc rộng gấp 29 lần so với Việt Nam, và dân số của Việt Nam, mặc dù đông thứ 14 thế giới, cũng chỉ tương đương với số dân một tỉnh tầm trung của Trung Quốc mà thôi.
Thành tích kinh tế ấn tượng của Việt Nam từ cuối những năm 1980 cũng không cho phép Việt Nam thu hẹp khoảng cách quyền lực với Trung Quốc. Ngược lại, cùng với quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, khoảng cách quyền lực giữa hai nước càng được nới rộng. Ví dụ, theo dữ liệu Ngân hàng Thế giới, GDP của Trung Quốc tính theo đô la Mỹ hiện hành đã tăng hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ 1985 đến 2009, từ 307 tỷ USD lên 4.985 tỷ USD. Tuy nhiên, trong cùng thời gian trên, GDP của Việt Nam chỉ tăng 7 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 1985 lên 97 tỷ USD trong năm 2009.
Nhờ kinh tế phát triển, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng được gia tăng mạnh mẽ, đặt ra một mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh Việt Nam. Trong năm 2011, theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, ngân sách quân sự của nước này là 91,5 tỷ USD, trong khi Việt Nam được cho là chỉ chi 2,6 tỷ USD cho quốc phòng (khoảng 2,5% GDP). Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Việt Nam là chi phí quân sự gia tăng của Trung Quốc được tập trung dành cho lực lượng không quân và hải quân, giúp nước này tăng cường khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc và Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế thị trường mở lại bổ sung thêm một khía cạnh khác cho “lời nguyền địa lý” mà Việt Nam phải gánh chịu, đó chính là khả năng bị tổn thương về kinh tế ngày càng gia tăng.
Kể từ khi Việt Nam nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc vào cuối những năm 1980, sản xuất trong nước của Việt Nam đã từ lâu bị đe dọa bởi hàng hóa Trung Quốc, tràn vào Việt Nam thông qua đường thương mại chính thức lẫn buôn lậu. Ví dụ như vào đầu những năm 1990, hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều và gây bất lợi cho sản xuất trong nước đến mức chính phủ Việt Nam đã phải áp đặt một lệnh cấm trên 17 chủng loại hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong những năm gần đây, bất chấp khả năng cạnh tranh ngày càng cao của sản phẩm Việt Nam và ấn tượng về tình trạng kém chất lượng của hàng hóa Trung Quốc, buôn lậu từ Trung Quốc vẫn còn phổ biến. Điều này không chỉ tạo nên tác động tiêu cực đối với sản xuất trong nước mà còn đe dọa người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là khi nhiều mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc có chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dùng.
Một điểm dễ bị tổn thương khác chính là tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên của Việt Nam với Trung Quốc, lên tới 5,4 tỷ USD trong tổng thâm hụt thương mại 7,5 tỷ USD của Việt Nam trong nửa đầu năm 2011. Hơn nữa, Trung Quốc đã nổi lên như là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một phần tư kim ngạch nhập khẩu trong năm 2010. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho một số ngành xuất khẩu chủ yếu của mình, chẳng hạn như giày dép, dệt may, hay đồ nội thất. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc quyết định ngưng trao đổi thương mại với Việt Nam vì lý do nào đó, thiệt hại cho nền kinh tế của Việt Nam sẽ là rất lớn.
Một mối quan ngại được nêu lên ở Việt Nam gần đây chính là việc các công ty Trung Quốc đã giành được đến 90% các hợp đồng EPC (Thiết kế/Mua sắm/Xây lắp) cho các dự án công nghiệp lớn của Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy điện đốt than. Nhà thầu Trung Quốc được ưa chuộng vì họ cung cấp công nghệ giá rẻ và hứa sẽ giúp đỡ bố trí vốn cho chủ đầu tư từ các ngân hàng Trung Quốc. Dù có vẻ là rẻ nhưng trong thực tế Việt Nam đang phải trả giá đắt cho các hợp đồng này.
Thứ nhất, công nghệ rẻ gây nên ô nhiễm. Các báo cáo cho thấy một số công nghệ được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc đã bị nước này đào thải hoặc cấm sử dụng từ năm 2005. Thứ hai, năng lực nhà thầu Trung Quốc hạn chế làm cho nhiều dự án bị chậm tiến độ, ngay cả khi dự án hoàn thành đúng thời hạn thì họ cũng để lại cho các chủ dự án những hóa đơn bảo dưỡng tốn kém. Thứ ba, do nhà thầu Trung Quốc từ chối sử dụng các sản phẩm sẵn có ở địa phương và thay vào đó nhập khẩu mọi thứ từ Trung Quốc, kể cả những chi tiết cơ bản như bù-loong, nên góp phần làm cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao. Nhà thầu Trung Quốc thậm chí không sử dụng lao động địa phương mà còn đưa lao động Trung Quốc vào làm việc bất hợp pháp, gây nên sự phản đối trong công luận Việt Nam.
Một điểm dễ bị tổn thương về kinh tế của Việt Nam xuất phát từ Trung Quốc được thể hiện trong thời gian gần đây liên quan đến việc các thương lái Trung Quốc mua ào ạt số lượng lớn nông sản Việt Nam, từ vải thiều, sắn đến hải sản hay thịt lợn. Điều này đã góp phần khiến giá thực phẩm tại Việt Nam tăng mạnh, khiến cho tới tháng Sáu lạm phát đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Những điểm dễ tổn thương về kinh tế hiện nay mang lại cho Việt Nam một mối đe dọa khác bên cạnh những mối đe dọa quân sự vốn rõ ràng hơn. Nếu Trung Quốc quyết định phát động một cuộc “chiến tranh kinh tế”, Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như có ít lựa chọn để xử lý tình trạng dễ bị tổn thương của mình trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Một mặt, các phản ứng nếu có sẽ bị hạn chế bởi thực tế rằng Việt Nam hiện phải tuân thủ các luật lệ thương mại và đầu tư quốc tế, như các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới mà Việt Nam đã là thành viên từ đầu năm 2007. Mặt khác Việt Nam cũng phải cảnh giác về khả năng trả đũa quy mô lớn nếu có động thái tiêu cực đối với Trung Quốc.
Xem thêm:
|
Tất nhiên, ở đây cũng không thể không kể tới các điểm tích cực. Việt Nam hy vọng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, cho dù không đối xứng, cũng sẽ giúp làm giảm khả năng Trung Quốc tấn công quân sự Việt Nam, đặc biệt là trên Biển Đông. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận thấy hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn ít tốn kém và thuận tiện hơn so với hợp tác với doanh nghiệp các nước khác.
Chính vì vậy, Việt Nam vẫn muốn kiên trì hợp tác kinh tế với Trung Quốc, tiếp tục cố gắng gặt hái càng nhiều lợi ích càng tốt từ nền kinh tế đang bùng nổ của người hàng xóm phương Bắc. Nhưng tục ngữ Việt Nam vẫn có câu “mật ngọt chết ruồi”. Việt Nam vì vậy cần phải luôn nhận thức đầy đủ về các mối đe dọa và tìm ra các chiến lược phù hợp để ít nhất có thể hóa giải được khía cạnh kinh tế mới nổi của “lời nguyền địa lý” mà Việt Nam đang phải gánh chịu.
LÊ HỒNG HIỆP (TUẦN VIỆT NAM)