Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Loại thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương rà soát để đưa dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi các quy hoạch được duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


 Việc loại bỏ 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã cứu Ramsar Bàu Sấu trong Vườn Quốc gia Cát Tiên khỏi bị ảnh hưởng trầm trọng hoặc có thể biến mất

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT), Bộ Công Thương về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

Văn bản nêu rõ xét đề nghị của Bộ TN-MT (công văn số 142 ngày 30-8-2013) về việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến: Đồng ý với kiến nghị của Bộ TN-MT tại công văn số 142, giao Bộ Công Thương rà soát để đưa các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ra khỏi các quy hoạch được duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Trước đó, Bộ TN-MT đã có văn bản số 142/BC-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Theo đó, Bộ TN-MT cho rằng 2 dự án thủy điện sẽ làm mất vĩnh viễn 372,23 ha đất rừng, trong đó có 128,37 ha đất ở khu Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên; đồng thời sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và tiềm ẩn nhiều bất lợi khác.

Bộ TN-MT cho rằng việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hòa các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên.

Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với 2 dự án thủy điện này nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở bày tỏ sự vui mừng rất lớn trước sự quyết liệt của Chính phủ đối với 1 dự án có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường, đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và vùng hạ lưu sông Đồng Nai. 

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Về truyền thuyết Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt

Nên nhớ rằng, ngày nay, Việt Nam và Giang Nam bị ngăn cách bởi biên giới quốc gia, nhưng 2000 năm trước, đó là giang sơn của người Việt, cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ. Thậm chí, tới năm 43 sau Công nguyên, theo lời hịch của Hai Bà Trưng, cả vùng rộng lớn Lưỡng Quảng cùng nổi lên khởi nghĩa! Người xưa có cái nhìn rộng, tâm thức bao trùm cả cõi Lĩnh Nam. Vì lẽ đó, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian Lĩnh Nam cũng là chuyện của người Việt! Và đó chính là “sử trong truyện.” Bỏ qua nguồn tư liệu này sẽ làm sử gia lạc đường và làm nghèo gia tài văn hóa dân tộc.


Kinh Dương Vương thủy tổ của người Việt là có thật. Nhưng nơi sinh và hoạt động của Cụ là vùng Núi Thái, Sông Nguồn, Ngũ Lĩnh. Dân Bắc Ninh xưa lập mộ Cụ để thờ là thờ vọng, tỏ lòng hiếu thảo.


Bàn thêm về gốc tích Kinh Dương vương



Hà Văn Thùy


Ở bài trước, chúng tôi khẳng định Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt. Tuy nhiên, do vấn đề quá lớn, nên một bài báo ngắn khó trình bày được đầy đủ. Để làm rõ hơn sự việc, chúng tôi xin viết tiếp.

Do nước ta có chữ muộn, văn tự lại là chữ Nho được người Hán mang tới nên để tìm hiểu những sự kiện của quá khứ phần nhiều ta phải dựa vào cổ thư Trung Hoa. Nhưng dù có chữ sớm thì chữ tượng hình cũng xuất hiện rất muộn trong lịch sử. Khi ghi lại những sự kiện thời chưa có chữ, người Trung Hoa cũng chỉ có thể dựa vào những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Những truyền thuyết về Tam Hoàng, Ngũ Đế, Phục Hy, Nữ Oa… từ dân gian, được đưa vào Thượng thư nên trở thành chính sử.

Khi giành được tự chủ, trong việc viết cuốn sử của dân tộc, một phần quan trọng, sử gia Việt Nam lấy lại những tư liệu được ghi trong cổ thư Trung Hoa. Với những vấn đề quá xa xôi mà cổ thư không đề cập, sử gia người Việt cũng theo cách của mọi người viết sử trên thế giới là gom nhặt những truyền thuyết trong dân gian. Bằng con đường đó, sử gia đời Trần, đời Lê đã đưa câu chuyện về Kinh Dương Vương vào phần ngoại sử. Thiết nghĩ, đấy là việc làm thận trọng, nhưng cũng đầy trách nhiệm của người trước. Ít ra cho chúng ta hôm nay một phương hướng tìm về nguồn cội.

Hôm nay, cũng như mọi thế hệ, việc phân định tính xác thực của những dòng sử do tiền nhân để lại là điều cần thiết. Tuy nhiên, đó là việc không hề đơn giản, phải xét theo nhiều khía cạnh, nhiều hệ quy chiếu khác nhau, mà thư tịch Trung Hoa chỉ là một trong những tài liệu tham khảo.
Ở đây, chúng tôi xin trình bày vấn đề dưới cái nhìn đa chiều đó.

I. Những cách tiếp cận khác nhau

1. Về mặt thư tịch.

Đúng là trong Toàn thư, Ngô Sĩ Liên có nhắc tới truyện Kinh Xuyên ở sách Đường kỷ. Nhưng câu chuyện này đã được ghi trong Lĩnh Nam chích quái. Trên thực tế, sử gia họ Ngô gần như ghi nguyên văn của sách này. Điều đó cho thấy, Ngô Sĩ Liên dẫn Đường kỷ chỉ với ý nghĩa một chứng cứ bổ sung chứ không chủ yếu dựa vào sách đó. Thêm nữa, như trong bài Tựa, Vũ Quỳnh cho hay: sách được “Viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng ở đời Lý, Trần.” Có nghĩa là cuốn sách được chắp nối bởi nhiều người trong thời gian dài nhiều thế kỷ mà ông, “Kẻ ngu này xin đem ngọn nguồn ra mà suy xét lại cho sáng tỏ ý người viết truyện.” Bài Tựa cũng là văn liệu cho thấy người xưa rất ý thức được công việc của mình: “Ôi! Truyện lạ đất Lĩnh Nam thật là nhiều, không đợi khắc vào đá, viết vào tre mà đã khắc sâu vào bia miệng, vào lòng người? Từ đứa bé hôi sữa đến cụ già tóc bạc đều làu thông, đều yêu thích, lấy đó để noi gương thì tất là phải có liên quan đến cương thường, phong tục tập quán. Đâu có phải là những chuyện nhỏ bé tầm thường được.” Thiển nghĩ, mấy lời trên tỏ rõ tinh thần khoa học, thực chứng, độc lập của tác giả: không chỉ tôn trọng những gì được ghi trong kinh sử mà còn trân trọng những điều “đã khắc sâu vào bia miệng, vào lòng người.”

Không biết từ khi nào, giới khoa bảng Việt sùng tín đến mê muội kinh sử Trung Hoa, như tin vào những điều bịa tạc dị đoan của Khổng An Quốc cho rằng “thánh nhân thấy con long mã hiện trên sông Hà mà làm ra Hà đồ, thấy con thần quy hiện ở sông Lạc mà làm nên Lạc thư”! Trong khi đó, những điều lưu truyền trong dân gian, được ghi lại thì bị nghi ngờ, coi rẻ?! 
[Tham khảo thêm về phát hiện mới "Tìm thấy Hà Đồ, Kinh Dịch trên trống đồng Đông Sơn" của tác giả Viên Như] 

Cũng nên nhớ rằng, ngày nay, Việt Nam và Giang Nam bị ngăn cách bởi biên giới quốc gia, nhưng 2000 năm trước, đó là giang sơn của người Việt, cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ. Thậm chí, tới năm 43 sau Công nguyên, theo lời hịch của Hai Bà Trưng, cả vùng rộng lớn Lưỡng Quảng cùng nổi lên khởi nghĩa! Người xưa có cái nhìn rộng, tâm thức bao trùm cả cõi Lĩnh Nam. Vì lẽ đó, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian Lĩnh Nam cũng là chuyện của người Việt! Và đó chính là “sử trong truyện.” Bỏ qua nguồn tư liệu này sẽ làm sử gia lạc đường và làm nghèo gia tài văn hóa dân tộc.

Cũng về thư tịch, nếu đọc kỹ những dị bản của Lĩnh Nam chích quái, ta thấy những tư liệu lịch sử bổ ích:

“Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc. Truyền ngôi đến đời Du Võng, đánh nhau với Hoàng Đế ở đất Bản Tuyền, đánh không nổi mà chết. Đời Thần Nông tới đây thì hết.”

“Lúc đó Xi Vưu ở phương Bắc làm loạn. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên Hoàng Đế đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Xi Vưu mình thú mặt người, sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hoàng Đế dùng trống da thú làm lệnh, Xi Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Hoàng Đế chiếm được nước, lên làm vua. Đế Lai nghe biết bèn trở về phương Bắc đánh với Hoàng Đế 3 lần, đều thua, bị giáng phong ở đất Lạc Ấp. Đời Thần Nông tới đây thì hết.” (Lĩnh Nam Chích Quái, bản VHV 1473).

“Long Quân ở lâu dưới thủy phủ, vợ con sống một mình, nay muốn về đất Bắc. Âu Cơ về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được.”

Như vậy, về thư tịch, ta thấy câu chuyện Kinh Dương Vương không phải là sự kiện đơn nhất mà nó có liên hệ rộng hơn trong bối cảnh chính trị toàn vùng với những nhân vật, địa danh như Hiên Viên Hoàng Đế, Phản Tuyền, Trác Lộc…

Nếu kết nối tất cả những chi tiết trên, ta có thể hình dung ra quang cảnh rộng lớn hơn: vào thời đó, trên địa bàn Trung Hoa có việc Đế Minh phong vương, chia đất cho con, việc thành lập nước Xích Quỷ. Tiếp đó là cuộc chiến tại Phản Tuyền, Trác Lộc giữa Hoàng Đế và Đế Lai… Nếu liên kết với Ngọc phả Hùng Vương, sẽ thấy dường như có mối liên quan nào đó giữa cuộc chiến bên Hoàng Hà với những người từ biển đổ bộ vào vùng Rào Rum-Ngàn Hống…


Từ đó, có thể suy đoán ra tình huống là, vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ III TCN, tại duyên hải phía đông Trung Quốc diễn ra việc Đế Minh chia đất, phong vương cho con. Tiếp đó là cuộc xâm lăng của Hiên Viên vào Nam Hoàng Hà cùng cuộc di tản của Lạc Long Quân tới Việt Nam dựng triều đại Hùng Vương…

Tuy nhiên, đó là những suy đoán không thể nghiệm chứng!

2. Theo chứng cứ khảo cổ và cổ nhân chủng học.

Những tư liệu khảo cổ học và cổ nhân chủng cho biết:

a. Khoảng vài ba thế kỷ đầu thiên niên kỷ III TCN, người Mongoloid xuất hiện trên đất Việt Nam và Đông Nam Á, dần thay thế người Australoid, làm chủ thể dân cư khu vực.

b. Xét bản đồ dân cư Đông Á, người Mongoloid phương Nam xuất hiện sớm nhất tại văn hóa Hà Mẫu Độ vùng của sông Dương Tử và vùng Thái Sơn. Từ đó suy ra, chính người Mongoloid phương Nam từ khu vực này di cư xuống Việt Nam và Đông Nam Á, tạo nên sự kiện mà nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á.

c. Tại nhiều di chỉ văn hóa thời kim khí trên đất Việt Nam mà tiêu biểu là Mán Bạc tỉnh Ninh Bình, một khu mộ cổ với 30 di hài người Australoid và người Mongoloid phương Nam được chôn chung. Khảo cổ học cho rằng, có sự chung sống, hòa huyết giữa hai dòng người này trên đất Việt Nam, cho tới 2000 năm TCN, quá trình Mongoloid hóa dân cư Việt Nam được hoàn thành.

Như vậy, những chứng cứ khảo cổ học và cổ nhân chủng học cho thấy có cuộc di cư của người Mongoloid tới Việt Nam và hòa huyết với người bản địa chủng Australoid, làm nên dân cư Việt Nam hiện đại ở thiên niên kỷ thứ III TCN.

3.  Bằng chứng ngôn ngữ học:

Từ khảo sát ngôn ngữ Trung Hoa cho thấy, 8 phương ngữ trên đất Trung Hoa hiện nay không hề có cái gọi là ngôn ngữ Hán. 


Ngoài tiếng quan thoại được gọi là tiếng phổ thông, là ngôn ngữ của Thủ đô Bắc Kinh, tiếng nói chính thống dùng cho vua quan công quyền từ thời Thanh, các phương ngữ còn lại như Việt ngữ, Mân ngữ, Cống ngữ, Ngô ngữ, Tráng ngữ… đều là tiếng Việt. Những phương ngữ này đều phát sinh từ một gốc là tiếng Việt.

Điều này cho thấy, những người từ đất Trung Hoa di cư về Việt Nam trong thiên niên kỷ III TCN là người Việt.


4. Theo hệ quy chiếu di truyền học.

Sang thế kỷ XXI, từ những nghiên cứu di truyền học mới nhất, ta biết, người Việt được hình thành theo hai thời kỳ: thời kỳ đầu, khoảng 40.000 năm trước, người Australoid từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Thời kỳ thứ hai: vào thiên niên kỷ III TCN, người Mongoloid được sinh ra tại Trung Hoa rồi di cư trở lại Việt Nam, hòa huyết với người bản địa làm nên tổ tiên người Việt Nam hiện đại.

II. Nhận định

Từ bốn cách tiếp cận trên, có thể nhận định:

1. Vào thiên niên kỷ III TCN, tại lưu vực Hoàng Hà, người Việt chủng Mongoloid phương Nam đã đông đảo, có nền văn hóa phát triển và bước đầu thành lập nhà nước. Lúc này xuất hiện những nhân vật huyền thoại Đế Minh, Đế Nghi, Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, Đế Lai trị vì phương Bắc…

2. Khoảng 2700 năm TCN, người Mông Cổ xâm lăng đất của người Việt. Đế Lai thất bại ở trận Phản Tuyền. Sau đó có sự liên minh giữa Đế Lai và Lạc Long Quân để chống Hiên Viên tại Trác Lộc. Trong trận này, Đế Lai tử trận, Lạc Long Quân đưa đoàn quân dân Việt vùng Núi Thái Sông Nguồn dùng thuyền theo Hoàng Hà ra biển, đi xuống Việt Nam, đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống.

3. Tại Nghệ Tĩnh, Lạc Long Quân thu phục được người bản địa, lập nước Văn Lang và đưa Hùng Vương lên ngôi.

4. Ở phía nam Hoàng Hà, tại vùng Trong Nguồn (Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây hiện nay) Hiên Viên lập vương triều Hoàng Đế. Do nhân số ít và văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ học nghề nông cùng văn hóa của người Việt. Nhờ sự chung sống tương đối hòa bình này, những người lai Mông-Việt ra đời, nằm trong thành phần lãnh đạo xã hội, tự nhận là Hoa Hạ. Sau vài ba đời (Hoàng Đế, Chuyên Húc, Thiếu Hạo), người Mông Cổ thuần chủng không còn. Đế Khốc, cháu ba đời của Hoàng Đế, một người mang dòng máu Việt và tên Việt giữ vai trò lãnh đạo vương triều. Do lai giống nhiều lần nên dân cư của vương triều, được Thượng thư gọi là trung quốc dân với nghĩa người dân trong nước (lúc này, Trung Quốc với nghĩa quốc gia chưa ra đời) tất cả đều là Mongoloid phương Nam. Tiếp đó là Đế Nghiêu, Đế Thuấn rồi truyền tới Thương, Chu… Các vương triều Trung Hoa ý thức được nguồn gốc “cao quý” của mình nên gọi nhau là Hoa Hạ, còn người ở ngoài nước bị gọi khinh miệt là Man, Di. Người vùng Sơn Đông, vốn cùng tộc với những người bị xâm chiếm ngày trước, bây giờ biến thành Đông Di. Ý thức được cội nguồn xa xưa của mình, người của vương triều nhận những vị Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông mà thực ra cũng chỉ được lưu truyền trong dân gian, làm tổ. Sau này, khi có chữ, vào thời Chu, đã ghi tên những vị Tam Hoàng, Ngũ Đế vào trong kinh. Những sự kiện và nhân vật thứ yếu hơn được ghi vào sử. Những gì thứ yếu nữa được chép vào truyện… Cũng do vậy nên những truyền thuyết của người bản địa, người tứ di hoặc bị bỏ qua, hoặc chỉ được ghi vào truyện. Theo cách đó, những sự kiện diễn ra trong xã hội Đông Di với Đế Minh, Đế Nghi, Kinh Dương Vương… không được ghi vào kinh sử mà chỉ được chép thành truyện. Không chỉ vậy, nhân vật chống trả quyết liệt Hoàng Đế là Đế Lai bị gọi là Si Vưu với nghĩa xấu xa khinh bỉ! Hàng vạn năm, người Việt là chủ nhân Hoa lục nhưng rồi bị mất đất, mất chữ nên mất luôn lịch sử. Những sự kiện lịch sử của người Việt bị kẻ chiếm đóng hoặc bỏ qua, hoặc xuyên tạc hoặc ghi thành truyện truyền kỳ... Tiền nhân đã chắt lọc từ những mảnh vụn đó phục dựng cuốn sử nước nhà. Nay lẽ nào vô tâm, coi đó là “sản phẩm văn hóa Tàu” rồi vứt bỏ?

III. Kết luận

Từ phân tích trên, có thể kết luận:

1. Vào thiên niên kỷ III TCN, tại lưu vực sông Hoàng Hà, người Việt chủng Mongoloid phương Nam đã đông đảo nhân số, trưởng thành về xã hội và lập ra nhà nước của mình.

2. Khoảng 2700 năm TCN, xảy ra cuộc xâm lăng mãnh liệt của người Mông Cổ vào đất Việt. Người Việt đã chống trả kiên cường nhưng rồi thất bại.

3. Sau thất bại ở Trác Lộc, có những đoàn thuyền nhân xuôi Hoàng Hà ra Biển Đông, đổ bộ vào miền Trung Việt Nam. Đoàn di tản mang gen Mongoloid phương Nam tới hòa huyết với người bản địa, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, là tổ tiên của người Việt Nam.

4. Những sự kiện trên được tìm thấy dấu vết trong khảo cổ học, cổ nhân chủng học, ngôn ngữ học và được kiểm định bằng di truyền học.

5. Nhờ truyền thuyết, ta biết được những nhân vật xuất hiện trong thời điểm lịch sử đó và mang những sứ mệnh lịch sử đó là Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân…. Vì vậy không thể không chấp nhận vai trò của họ trong lịch sử.

Từ đó, ta có thể nói rằng, việc sử gia Lê Văn Hưu ghi câu chuyện về Kinh Dương Vương từ truyền thuyết vào chính sử là việc làm hoàn toàn đúng đắn. Điều này thể hiện cái tâm cùng cái tầm của sử gia thiên tài, giúp hậu thế không bị lạc đường khi tìm về quá khứ. Những vấn đề về cổ sử là vô cùng khó, không chỉ với hôm nay mà cả với người xưa. Mỗi điều được ghi trong sách sử tồn tại hàng trăm năm đều có nguyên do của nó mà không phải việc làm tùy tiện. Vì vậy, bất cứ ý định nào “xét lại” tiền nhân đều phải hết sức thận trọng nếu không sẽ làm rối lòng người và mắc tội báng bổ tiền nhân.

Kinh Dương Vương thủy tổ của người Việt là có thật. Nhưng nơi sinh và hoạt động của Cụ là vùng Núi Thái, Sông Nguồn, Ngũ Lĩnh. Dân Bắc Ninh xưa lập mộ Cụ để thờ là thờ vọng, tỏ lòng hiếu thảo. Tuy nhiên, chủ trương xây đền đài hoành tráng tốn kém tới 500 tỷ đồng, trong khi đất nước đang khó khăn, nhiều người dân còn đói khổ là điều không được phép.
                                                             
Tháng 9 năm 2013
HVT


Ngyồn trannhuong.com

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Có dân tộc nào bất hạnh như dân tộc Việt Nam không?

Có dân tộc nào bất hạnh như dân tộc Việt Nam không? Triền miên khói lửa chiến tranh. Sau 40 năm hoà bình, chưa xử lý hết hậu quả của nó, chất độc màu da cam vẫn là nỗi ám ảnh, thì ngay lập tức phải đối mặt với vô vàn hoá chất độc hại khác. Từ Trung Quốc. Từ lối làm ăn bất lương. Nửa thế kỷ này sẽ là hậu quả của "cuộc chiến" thời bình.
Từ Agent Orange tới Isoprothiolane

Lê Diễn Đức
Hoá chât chôn trong lòng đất - Ảnh: GDVN
Agent Orange và chiến tranh
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã sử dụng chất diệt cỏ, làm rụng lá cây rừng trong khuôn khổ Chiến dịch Ranch Hand nhằm làm cho quân đội của Việt Cộng không còn nơi trốn tránh.
Hoá chất màu da cam (Agent Orange) là một chất lỏng trong và tên "da cam" xuất phát từ màu của những sọc vẽ trên các thùng phuy dùng để vận chuyển. Thực chất bao gồm "chất xanh" (Agent Blue, cacodylic acid), "chất trắng" (Agent White, hỗn hợp 4:1 của 2,4-D và picloram), "chất tím" (Agent Purple) và "chất hồng" (Agent Pink).
Ví mục đich quân sự nên chất độc da cam chỉ được rải xuống các khu rừng, không sử dụng những nơi con người có cuộc sống bình thường ở vùng hạ lưu, đồng bằng.
Agent Orange được dùng trong những năm từ 1961 đến 1971. Đến năm 1971 Agent Orange không còn được dùng để làm rụng lá nữa, nhưng loại 2,4-D vẫn còn được sử dụng để làm diệt cỏ, còn  2,4,5-T bị cấm dùng tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.
Con số của các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính khoảng 400 ngàn người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500 ngàn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam.
Liên quan đến chất độc này đã có những vụ kiện tụng đòi bồi thường thiệt hại, của các cựu chiến binh Mỹ và của cả nạn nhân Việt Nam.
Năm 1984, phiên tòa của quan tòa Jack Weinstein đã phán quyết 7 công ty hóa chất Mỹ bồi thường 180 triệu đôla cho các cựu chiến binh Mỹ, nhưng bác bỏ trách nhiệm về tác hại của chất diệt cỏ mà họ đã cung cấp cho quân đội.
Ngày 31/01/2004, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (The Vietnam Association of Victims of Agent Orange/Dioxin) đã kiện hơn 30 công ty Mỹ, đòi bồi thường hậu quả do chất hóa học này gây ra.
Ngày 10/03/2005, quan tòa Jack Weinstein (thuộc Tòa án Liên bang tại quận Brooklyn) đã bác đơn kiện, phán quyết rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Agent Orange đã không được xem là một chất độc dưới luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ dùng nó, Hoa Kỳ cũng không bị cấm dùng để diệt cỏ và những công ty sản xuất hoá chất không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền.
Ngày 7/04/005 phía Việt Nam gửi đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm của Mỹ đòi thay đổi quyết định của tòa sơ thẩm. Tòa Phúc thẩm Khu vực 2 tại Manhattan vào tháng 2/2007 đã giữ nguyên phán quyết của Tòa sơ thẩm.
Hậu quả của chất độc da cam vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ-Việt. Tuy nhiên phía Mỹ đã thông qua viện trợ nhân đạo để giúp đỡ trẻ em Việt Nam khuyết tật và dành hàng chục triệu đôla hỗ trợ những người được cho là nạn nhân.
Hoá chất độc hại tràn ngập lãnh thổ
Từ khoảng hơn một thập niên nay, thực phẩm nhiễm độc có nguồn gốc Trung Quốc tràn ngập cả nước, từ thành thị tới nông thôn.
Không có gì liên đới tới đồ ăn, thức uống mà không có nguy cơ bị dính dáng tới hoá chất độc hại. Ngay tại nông thôn là nơi sản xuất cũng bị thao túng. Nông dân trồng cây, nuôi súc vật mà không dám dùng vì được nuôi trồng, chăm bón bằng các loại hoá chất từ Trung Quốc.
Trên báo chí nhan nhản các báo động đỏ về thực phẩm. Dân Việt Nam dẫu biết vậy, nhưng khuất mắt trông coi, biết dùng cái gì khi bất khả kháng, không còn sự lựa chọn nào khác, mặc nhiên chấp nhận đưa bệnh tật vào cơ thể.
Với bài viết khá cụ thể, tờ Giáo Dục Việt Nam còn "điểm lại những vụ thực phẩm đầu độc người tiêu dùng".
Hàng hoá và hoá chất được đưa qua Việt Nam từ Trung Quốc đã lọt dễ dàng qua các cửa khẩu bằng đường buôn bán tiểu ngạch và nạn hối lộ. Trong xã hội Việt Nam giờ đây đạo đức là thứ quá xa xỉ. Chạy theo đồng tiền, con người đã nhắm mắt làm liều, bất chấp mọi chuẩn mực lương thiện, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Có ngờ đâu rằng, ý thức nông cạn và thất đức này sẽ huỷ hoại nòi giống, tiêu diệt tiềm năng sức khoẻ của cả dân tộc.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Việt Nam cho hay, mỗi năm số bệnh nhân mới mắc ung thư là 150 ngàn người, trong đó có 75 ngàn người tử vong! Tỷ lệ ung thư ở Việt Nam hiện nay cao nhất thế giới. "Hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị tẩm độc bởi những loại hóa chất độc hại từ Trung Quốc", báo cáo viết.
Hôm nay: Cypermethrin và Isoprothiolane
Các dự án, quy hoạch không ngừng phát triển. Nơi nào có các chung cư siêu sang, khách sạn, siêu thị, casino mọc lên là nơi đó có vấn đề với môi trường, đặc biệt các nhà máy. Nước thải của nhà máy cứ thế xả thẳng ra sông, tạo nên những dòng sông chết, như sông Thị Vải, sông Nhuệ, sông Lô, sông Vàm Cỏ Đông, v.v... Ngay cả sông Đồng Nai, nguồn nước cung cấp cho đô thị Sài Gòn hay sông Hồng, nguồn nước của Hà Nội, cũng chẳng thoát.
Vì mục đich làm ăn trục lợi, chạy theo lợi ích trước mắt, bỏ qua bài toán hoạch định lâu dài về môi sinh, đang là vấn nạn lớn của cả nước Việt Nam. Điển hình nhất có lẽ là CP Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hoá. Công ty này với đầy đủ ý thức về sự độc hại của hoá chất công nghiệp, vẫn cố ý giết người bằng cái chết từ từ, ngắc ngoải, đau đớn, ngay trên địa bàn hoạt động của mình.
"Theo kết quả kiểm định tại Trung tâm kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) tại mẫu chất thải, phát hiện chất Cypermethrin là thuốc trừ sâu độc nhóm II vượt tiêu chuẩn cho phép 9.276 lần so với quy định tại QCVN 15: 2008. Cũng trong mẫu chất thải còn phát hiện chất Cypermethrin vượt tiêu chuẩn 7.719 lần. Trong các mẫu đất cũng phát hiện chất Cypermethrin vượt 63,2 lần cho phép; chất Isoprothiolane là thuốc trừ sâu độc nhóm III vượt tiêu chuẩn 37,8 lần", theo VnExpress.
Núi hoá chất gần 5 tấn này đã được chôn xuống lòng đất, thẩm thấu vào đất và mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng một thời gian dài cho các khu vực xung quanh, số người mắc bệnh và chết do ung thư tăng lên chóng mặt.
"Theo tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát tương đối đầy đủ, người bị mắc bệnh hiểm nghèo trong địa phương từ tháng 7/1997 đến nay tại 10 thôn, toàn xã Yên Lâm đã có 957 trường hợp mắc các loại bệnh khác nhau. Trong đó: 142 người mắc bệnh ung thư, 160 người mắc các bệnh viêm đường hô hấp, 223 người mắc bệnh thần kinh, 127 người mắc bệnh liên quan đến thai nghén, 115 người mắc bệnh tiêu hóa, 56 người mắc bệnh về mắt… Trong đó có 162 người đã chết".
Ngày 30/8, công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định đình chỉ hoạt động của CP Nicotex Thanh Thái 30 ngày kể từ ngày 30/8 đến hết ngày 29/9/2013 để xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Ủy ban Nhân dân tỉng Thanh Hoá cũng có quyết định xử phạt CP Nicotex trên 421 triệu đồng, nhưng không thấy nói số tiền này có được sử dụng vào việc bồi thường thiêt hại hay không. Dù thế nào chăng nữa thì cũng chỉ khoảng trên 20 ngàn đôla, quá ư nhỏ bé so với sự mất mát của người dân và hiểm hoạ còn tiếp tục.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nói: “Vụ việc phải được xử lý nghiêm để làm bài học cho những đơn vị khác, chứ không thể chỉ phạt hành chính 421 triệu đồng là xong!”.
Tôi cũng tin rằng, việc làm của CP Nicotex Thanh Thái phải được xem xét dưới góc độ hình sự. Đây không đơn thuần chỉ là sự tắc trách mà là tội ác. Hy vọng nó sẽ được đưa ra toà án xét xử một cách minh bạch và thoả đáng.
Kết luận
Có dân tộc nào bất hạnh như dân tộc Việt Nam không? Triền miên khói lửa chiến tranh. Sau 40 năm hoà bình, chưa xử lý hết hậu quả của nó, chất độc màu da cam vẫn là nỗi ám ảnh, thì ngay lập tức phải đối mặt với vô vàn hoá chất độc hại khác. Từ Trung Quốc. Từ lối làm ăn bất lương. Nửa thế kỷ này sẽ là hậu quả của "cuộc chiến" thời bình.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Không bộ nào có 4 thứ trưởng như quy định

Tính tổng số 22 bộ và cơ quan ngang bộ hiện có 135 cấp phó, gồm các thứ trưởng và các vị trí có hàm tương đương. Trong khi đó theo quy định, tối đa mỗi bộ chỉ có 4 thứ trưởng.
Thường vụ Quốc hội phải kêu trời vì số lượng Thứ trưởng quá nhiều.
Các hàm ngang thứ trưởng gồm có phó chủ nhiệm, phó thống đốc, phó tổng thanh tra v.v.. Thống kê qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cũng như Cổng thông tin điện tử của các bộ và cơ quan ngang bộ, hiện có tới 135 thứ trưởng, đông nhất hiện nay là Bộ Tài chính với 9 người.
 
6 bộ có 7 thứ trưởng gồm: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. Bộ Công an có Thứ trưởng mới bổ nhiệm cách đây không lâu là Trung tướng Bùi Văn Nam. Các ông Trần Quốc Khánh và Nguyễn Cao Lục vừa được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vài ngày trước.
 
8 bộ có 6 thứ trưởng gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước.
 
7 bộ có 5 thứ trưởng gồm: Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong số này, cổng thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ liệt kê 4, còn một tân thứ trưởng là ông Trần Thanh Nam.
 
Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/4/2012 quy định: Số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người. Riêng những bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn và do Thủ tướng quyết định.
 
Tuy nhiên, trong số các bộ kể trên, không bộ nào có 4 thứ trưởng. Tính trung bình, mỗi bộ có tới 6 thứ trưởng, tức là gấp rưỡi quy định.
 
STT
Bộ
Số thứ trưởng
1
Quốc phòng
6
2
Bộ Công an
7
3
Bộ Ngoại giao
6
4
Bộ Nội vụ
6
5
Bộ Tư pháp
6
6
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
5
7
Bộ Tài chính
9
8
Bộ Công Thương
5
9
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
6
10
Bộ Giao thông Vận tải
7
11
Bộ Xây dựng
7
12
Bộ Tài nguyên và Môi trường
7
13
Bộ Thông tin và Truyền thông
5
14
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
6
15
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
5
16
Bộ Khoa học và Công nghệ
5
17
Bộ Giáo dục và Đào tạo
5
18
Bộ Y tế
5
19
Ủy ban Dân tộc
6
20
Thanh tra Chính phủ
7
21
Văn phòng Chính phủ
7
22
Ngân hàng Nhà nước
6
 
 

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Văn minh Việt cổ từng bị đánh cắp như thế nào?

Tác giả Viên Như từng có nhiều nghiên cứu nhằm góp phần làm sáng tỏ các nghi án nghìn năm liên quan tới việc các triều đình phương Bắc thực thi nhiều âm mưu thâm độc nhằm xóa sổ văn hóa Việt. Trong đó có các thủ đoạn cướp đoạt, bóp méo, xuyên tạc nhiều công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng, văn hóa, thể hiện một trình độ văn minh vượt trội của người Việt cổ. Gần đây nhất, tác giả Viên Như đã cho công bố một số phát hiện của ông  kèm theo các bằng chứng cụ thể vể các nội dung của Hà Đồ, Kinh Dịch, Chữ Vuông… được ghi trên trồng đồng Đông Sơn có niên đại hơn 4000 năm của người Việt cổ (xin xem ở đây).


 Việc phát hiện Hà Đồ trên trống đồng Việt Nam là một sự kiện vô cùng quan trọng, nó là gạch nối giữa huyền sử với lịch sử Việt Nam, đồng thời là cơ sở để giải quyết nguồn gốc kinh dịch, nó tạo một liên thông giữa người Việt với mảnh đất mà họ đã sống tại vùng sông Hoàng Hà, điều mà trước đây có nhiều người, bằng cách này cách khác, đã cho rằng đó là sự thật, mặc dù chịu không ít chỉ trích. 

 

Gần đây bắt đầu có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm tới đề tài này. Sự quan tâm nghiên cứu đã bắt đầu có kết quả từ các phát hiện hết sức cụ thể với bằng chứng lịch sử rõ ràng như các phát hiện của tác giả Viên Như rất  đáng trân trọng. Có thể đó sẽ là một hướng nghiên cứu lý thú, hứa hẹn sẽ mở ra một giai đoạn mới để người Việt bắt đầu thời kỳ phục hưng, tìm lại chính nền văn hóa đích thực của mình từng có nhiều phát minh vĩ đại còn ứng dụng cho tới tận ngày nay. Các thông điệp dẫn đường về nguồn, may mắn thay đã từng được cha ông ngàn đời qua cất giữ và gởi gắm  trong rất nhiều cổ vật, chứng tỏ năng lực tư duy,  trình độ thông minh và kể cả khả năng tiên tri của những người sáng tạo ra nó.

 

GS-TSKH. Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Unesco, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa phương Đông – mới đây cũng có một bài ciết về chủ đề này:

 

Văn minh Việt cổ “bị đánh cắp” như thế nào?

 

Những cứ liệu trong lịch sử Trung Quốc chứng tỏ người Việt có nhiều phát minh vĩ đại, trong đó, lịch rùa chứng minh Việt Nam ra đời trước Trung Quốc. 

GS.TSKH Hoàng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Unesco, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa phương Đông đã tìm ra những chứng cứ chứng minh về những phát minh lý thú của người Việt trong thời kỳ dựng nước bị kẻ xâm lược cố tình xóa bỏ và đánh tráo. Đó là nền văn hóa nhân bản - là nền văn minh "Lịch toán - Nông nghiệp"...

Nước Việt có trước thời Hùng Vương

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu sau này được Ngô Sĩ Liên đời Lê biên soạn lại cho đến cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thời Pháp thuộc và các bộ Lịch Sử Việt Nam của nhiều tác giả Viện Sử Học thời hiện đại thì: Nước ta được thành lập từ thời Hồng Bàng, với vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương vào năm Nhâm Tuất, tức năm 2879 trước Công nguyên, tính đến năm 2013 này thì đã 4.892 năm.

Sau Kinh Dương Vương là 18 đời các Vua Hùng nối tiếp, với tên nước là Văn Lang. Nước Văn Lang thời đó rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng phì nhiêu thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp Hồ Động Đình, phía Nam giáp Lâm ấp (Chiêm Thành cũ), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Ngay tên Kinh Dương Vương cũng đã mang ý nghĩa rõ ràng về "vua của hai vùng đất rộng lớn là châu Kinh và châu Dương cổ" - nay đã thuộc Trung Quốc.

Nhiều người còn nghi ngờ về thời kỳ lập nước xa xôi trên với lý do duy nhất là 18 đời vua Hùng không thể kéo dài đến hàng ngàn năm (mỗi đời vua trong các Triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn sau này cũng chỉ từ 15 - 30 năm). Thời các vua Hùng nếu mỗi đời kéo dài đến 50 năm thì 18 đời Hùng Vương cũng chỉ là 900 năm. Như vậy, thời Hùng Vương kéo dài đến hàng ngàn năm là hoang đường!

Tuy nhiên, nếu xét thời gian chỉ ngắn ngủi như trên thì không phù hợp với nhiều hiện tượng lịch sử bành trướng xâm lược của Đế quốc Hán Mông xưa. Vì vậy, 18 đời vua Hùng chỉ là 18 chi họ Hùng Vương, mỗi chi gồm nhiều vị nối tiếp nhau cai trị đất nước, đều gọi là đời Hùng Vương thứ nhất, hoặc thứ hai... Nếu chi họ đó không có con trai hay người tài nối vị thì dòng họ gần kề sẽ lên nối ngôi và được gọi là đời Hùng Vương thứ ba hay thứ tư...

Điều này phù hợp với thời đại Thái cổ của Tổ tiên xưa: Người đứng đầu các bộ lạc thời "săn bắn và thuần hóa súc vật" đều được gọi là Phục Hy; người đứng đầu các bộ lạc thời "nông nghiệp đầu tiên" đều được gọi là Thần Nông. Vì vậy, thời Phục Hy và Thần Nông, mỗi thời kỳ đều có nhiều vị đứng đầu cùng tên nối tiếp nhau.

Tiếp đến thời Hùng Vương cũng thế: Thời Hùng Vương thứ nhất hay thứ hai, thứ ba... cho đến thứ 18, mỗi đời đều gồm nhiều vị vua Hùng. Thời gian như thế mới phù hợp với nhiều hiện tượng lịch sử liên quan đến dân tộc Việt cổ mà các sử gia Trung Quốc sau này cũng đã ghi.

Nước Văn Lang được thành lập dưới thời Kinh Dương Vương chắc chắn là vào thời kỳ nền nông nghiệp đã phát triển khá mạnh vì thời đó đã có nền lịch toán vững chắc để phục vụ nghề nông.

Tuy nhiên, đất nước rộng lớn của cư dân Bách Việt xưa - từ khi lập nước - đã liên tục suốt hàng ngàn năm bị dân du mục Hán - Mông thiện chiến, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, ở phía Bắc sông Hoàng Hà xâm chiếm và bị thu hẹp cho đến khi chỉ còn lại phần đất phía Nam bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và đồng bằng Bắc bộ cho đến Đèo Ngang xưa và cả vùng đất còn lại này lại bị dân Hán - Mông đô hộ thêm một ngàn năm nữa.

Trong suốt nhiều ngàn năm liên tục bị đánh phá và bị đô hộ, nền văn hóa nông nghiệp xưa cũng bị xóa sạch vết tích. Tuy nhiên, những tinh hoa của nền văn hóa nông nghiệp đó thì không thể xóa hết và được kẻ xâm lược trị vì tiếp thu và biến thành nền văn hóa chính quốc. Nền văn hóa Khoa Đẩu xưa - mà lịch sử cổ còn ghi - cùng nền văn hóa kế thừa Khoa Đẩu là nền văn hóa Việt Nho cũng bị xóa bỏ. Phần tinh hoa không xóa nổi thì biến thành nền văn hóa Hán Nho của chính quốc.

Người Việt nghiên cứu Vũ trụ từ khi ra đời

Những cứ liệu còn ghi trong lịch sử Trung Quốc chứng tỏ lịch sử lâu đời của Việt Nam và chính người Việt là người có nhiều phát minh vĩ đại: Nghiên cứu vũ trụ, lịch số... trong đó, lịch rùa chứng minh Việt Nam ra đời trước Trung Quốc. Cổ sử Trung Quốc viết: "Vào thời vua Nghiêu (năm 2357 trước CN - tức trước khi nước Trung Hoa ra đời rất lâu; sau khi nước Văn Lang được thành lập 522 năm), có sứ giả Việt Thường (1) đến Kinh đô tại Bình Dương (phía Bắc sông Hoàng Hà - tỉnh Sơn Tây ngày nay) để dâng hai con Thần Quy, vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ Khoa Đẩu (tác giả Viên Như gọi là Chữ Nòng Nọc) ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau...".

Vua Nghiêu sai người chép lại và lưu vào "tàng thư" gọi là "Lịch Rùa" (2). Sách "Thông Chí" của Trịnh Tiều xưa cũng đã ghi rõ về việc Thị tộc Việt Thường tặng lịch Rùa cho vua Nghiêu. Nếu tính từ năm thành lập nước Văn Lang đến nay thì lịch rùa chắc chắn cũng đã có từ gần 5.000 năm trước. Tại sao vào thời xa xưa đó mà người Việt Thường lại có thể giải thích được "việc trời đất từ khi mới mở đến sau này"? Rõ ràng họ đã có một nền văn minh "lịch toán" rất phát triển. Vì sao? Vì đó là yêu cầu của nền nông nghiệp đã được hình thành từ lâu đời (nghề canh tác lúa nước). Để dự báo thời tiết cho nông nghiệp bắt buộc họ phải phát triển lịch toán.

Và cơ sở của "Lịch Toán" này chắc chắn đã được khắc trên mai rùa đem sang tặng vua Nghiêu để cầu bang giao. Vì thế mà cổ sử Trung Quốc mới ghi lại là "... trên lưng rùa khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc trời đất từ khi mới mở trở về sau này". Như vậy là người Việt Thường đã nghiên cứu vũ trụ rất sớm, đã đi sâu tìm hiểu vũ trụ từ khi mới sinh thành và đã đem những hiểu biết đó để làm lịch phục vụ nông nghiệp.

(1) Việt Thường: Ngay tên Việt Thường mà thời vua Nghiêu gọi tên nước Văn Lang xưa cũng thể hiện "dân tộc trồng lúa nước". Theo cụ Nguyễn văn Tố (trong Sử ta so với sử Tầu) thì Việt Thường là tên để chỉ cái "xiêm" của người Việt cổ trồng lúa nước, vì chưa có bang giao, người Tầu xưa (dân Hán - Mông) chưa hiểu rõ nên gọi luôn tên dân mặc "xiêm" là tên nước. Tên Việt Thường xuất hiện từ đó. Về sau khi đã có chữ viết, các nhà chép sử buổi sơ khai cứ theo cách gọi cũ ghi tên Việt Thường để chỉ vùng đất phát triển nhất của dân Bách Việt.

(2) Lịch rùa: Lịch đã được khắc trên mai rùa mang sang cống vua Nghiêu chỉ có thể là hai bảng Âu Đồ và Lạc Thư - cơ sở của Lịch toán xưa - mà sau này người Trung Quốc đã đổi tên gọi là Hà Đồ và Lạc Thư cho hợp với sự giải thích hoang đường và thần bí của họ. Hai bảng Âu Đồ và Lạc Thư chính là cơ sở của Lịch Toán Can Chi đã được hình thành từ thời cổ đại và đã được sử dụng trong các nước Á Đông cho đến tận ngày nay.

GS.TSKH Hoàng Tuấn (Giám đốc Trung tâm Unesco, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa phương Đông)


Chuyện Nicotex Thái Bình bây giờ mới kể

Vũ Ngọc Tiến

Cách đây mấy ngày, anh bạn TS Nguyễn Văn Khải gọi điện dựng tôi dậy từ rất sớm. Anh hỏi: “Đã đọc các bài của Khải về vụ chôn thuốc trừ sâu của Nicotex Thanh Thái chưa? Tội chứng rành rành mà chúng nó vẫn được bưng bít, bênh che thì nước loạn, dân khổ là phải rồi, khốn nạn quá!” Tôi đáp: “Bận vài việc giúp anh Huệ Chi trong buổi tọa đàm ở Trung tâm văn hóa Pháp nên mình chưa đọc bài của cậu, nhưng cái công ty này mình biết từ tổ chấy của nó hơn 20 năm trước ở Thái Bình cơ. Ghê thật, không khéo lại dính với âm mưu bọn giặc Tàu chứ không đơn giản đâu…” Tôi hứa sẽ kể cho ông già “Ô Zôn” Nguyễn Văn Khải và mọi người cùng nghe về sự ra đời, quá trình biến tướng của công ty Nicotex Thái Bình, tiền thân của Nicotex Thanh Thái.

Tháng 12/1990, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh rất long trọng, có cả ông Nguyễn Văn An lúc đó là Trưởng BTCTW về dự. Chào mừng ngày lễ trọng đại này có hai sự kiện lớn: thứ nhất là khánh thành cây cầu hiện đại bắc qua sông Trà Lý, thứ hai là khánh thành dây chuyền sản xuất thuốc trừ sâu sinh học Nicotex, được giới truyền thông quảng bá nhằm bảo vệ môi trường, phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh nhà. Công trình nhà máy thuốc trừ sâu Nicotex vì thế được coi là biểu trưng và nhân tố mới về sự hợp tác giữa Tỉnh đội Thái Bình với GS Nguyễn Đức Khảm- nhà khoa học về côn trùng khá nổi tiếng trong Tổng cục lâm nghiệp. Giám đốc công ty là thiếu tá trẻ tên Nam, con một vị lãnh đạo của tỉnh, được Tỉnh đội biệt phái sang lãnh đạo sản xuất kinh doanh. 

Tôi về dự khánh thành nhà máy với tư cách khách mời danh dự của GS Nguyễn Đức Khảm. Từ lâu, tôi rất quý trọng, sẵn lòng giúp đỡ anh Khảm cả về tinh thần lẫn tiền bạc bởi anh là nhà khoa học chân chính, đam mê nghiên cứu nhiều đề tài hữu ích cho ngành trồng trọt của nước nhà. Hồi ấy có khá nhiều nhà khoa học đứng ra lập công ty chuyển giao công nghệ theo nghị định 238 của Chính phủ. Anh Khảm cũng nằm trong số ấy. Để có tiền triển khai nghiên cứu thuốc trừ sâu Nicotex, công ty anh phải kinh doanh thêm các mặt hàng tinh dầu và hương liệu, nhưng vì anh quá ngây thơ trong nghiệp buôn bán nên thua lỗ triền miên. 

Ý tưởng về thuốc trừ sâu Nicotex của GS Khảm hình thành sau một chuyến tham quan nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh của Ấn Độ. Họ có một loại thuốc dùng cho vùng trồng cây trà rất hữu hiệu, chỉ sau 24 giờ phun thuốc là các độc tố bị phân giã dưới nắng mặt trời, nhưng loại thuốc này giá thành rất đắt. Về nước, anh Khảm chợt liên tưởng đến hình ảnh ngày xưa các cụ ta chơi cây cảnh thường dùng nước điếu để diệt sâu vẽ bùa trên lá. Anh lao vào nghiên cứu và đã chứng minh chất nicotin trong rễ và gốc cây hoặc lá úa, bỏ đi của cây thuốc lào, thuốc lá diệt được nhiều loại sâu, phân hủy rất nhanh trong nắng mặt trời, có thể dùng tốt cho nông dân trồng rau, trồng trà. Ngặt vì không có kinh phí nghiên cứu từ ngân sách nên anh phải bỏ tiền túi ra làm. Nay có thể liên doanh với Tỉnh đội Thái Bình thì quả là một tin mừng lớn. Tôi thành thật chúc mừng anh, nhưng bẵng đi vài năm không gặp, tôi được tin anh Khảm bị hất văng ra khỏi liên doanh Nicotex. Công ty lo buôn bán thuốc trừ sâu với Trung Quốc kiếm lời, cái mác nghiên cứu thuốc trừ sâu vi sinh chỉ lợi dụng trưng ra để được miễn thuế, nhận nhiều ưu tiên khác của Nhà nước mà thôi. 

Một lần đến thăm anh đang ốm nặng ở tổ 21, làng Ngọc Hà, tôi được biết thêm công ty Nicotex buôn hàng thuốc trừ sâu từ một nhân vật đáng ngờ là Trương Lợi Sinh. Ông ta người tỉnh Sơn Đông, nhưng về Nam Ninh- Quảng Tây làm ăn lại rất thân thiết với quan chức địa phương, được ngân hàng TW Trung Quốc đóng tại địa bàn đặc biệt ưu tiên cho vay vốn. Theo GS Khảm cho tôi biết, thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa đặc biệt, Nhà nước thông qua Bộ NN&PTNT hàng năm phải dựa trên nghiên cứu thời tiết, dự báo tình hình sâu bệnh để nhập về, nếu nhập ít không đủ dùng cũng nguy, nhưng nếu nhập nhiều, hàng bị tồn kho thì đến lúc quá đát sẽ rất khó khăn trong việc tiêu hủy. Đó là chưa kể đến việc nhà cung cấp lợi dụng bên mua kém hiểu biết, hám lợi đã bán loại thuốc giá rẻ như cho, nhưng sắp hết hoặc đã quá đát thì vô tình ta trở thành người tiêu hủy giúp họ vì có những loại thuốc quy trình tiêu hủy vô cùng phức tạp, chi phí còn lớn hơn chi phí sản xuất ra nó. Nghe anh Khảm nói, tôi chợt giật mình nếu Trương Lợi Sinh là đặc tình của Trung Quốc thông qua các công ty nhỏ, kém hiểu biết của Việt Nam để làm chuyện đó vừa lợi cho nhà máy của họ, vừa gây ô nhiễm môi trường, đầu độc giống nòi người Việt ta thì sao?...

Bẵng đi rất lâu, câu chuyên buồn về thuốc trừ sâu Nicotex đã theo GS Nguyễn Đức Khảm về bên kia thế giới. Năm 2010, tôi cùng bạn văn Minh Chuyên về Thái Bình làm phim kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh. Tại bữa cơm ở nhà hàng bên sông Trà Lý, do Tỉnh ủy chiêu đãi đoàn làm phim, tôi có hỏi thăm anh Nguyễn Hạnh Phúc (lúc đó đang làm Bí thư tỉnh ủy, chưa về TW nhận công tác Chánh văn phòng Quốc Hội), cả bàn tiệc hơn 10 người đều ngơ ngác, không ai biết đến công ty Nicotex Thái Bình nữa. 

Đêm ở nhà khách của tỉnh, tôi không ngủ được, lang thang ra phố, gặp một cụ già, từng làm cán bộ ở Tỉnh đội những năm 80- 90 thế kỷ trước. Qua câu chuyện, tôi biết công ty Nicotex treo đầu dê bán thịt chó ấy đã bán xới khỏi tỉnh nhà từ lâu, vào liên doanh với một công ty tận nơi rừng núi heo hút ở tỉnh Thanh, đổi tên thành công ty Nicotex Thanh Thái gì đó, còn họ làm ăn kiểu gì có trời mới biết. Nhớ lại kỷ niệm buồn với cố GS Nguyễn Đức Khảm, tôi chợt lạnh toát người vì có lẽ điều lo lắng năm xưa của mình đã thành hiện thực. Gần đây, trong chuyến đi cùng các anh GS. Huệ Chi, GS. Chu Hảo và một số nhà khoa học vào huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa để nghiệm thu việc phục dựng một tấm bia đá cổ ở chùa Sùng Ngiêm, nhằm lúc công luân xôn xao về vụ việc công ty Thanh Thái ở huyện Cẩm Thủy gần đó, tôi cứ thấy nôn nao trong người. Biết anh GS Chu Hảo khi còn làm Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đã từng có lần tiếp chuyện thương nhân Trương Lợi Sinh, tôi hỏi anh nhận xét về đối tượng này. Anh Hảo cho biết, gặp con người đó thấy có nhiều điểm khó tin, trán bóp, cặp mắt gian xảo nên anh rất cảnh giác, nghi là đặc tình TQ nên chỉ tiếp xúc một lần rồi thôi…

Tôi kể lại câu chuyện về công ty Nicotex Thái Bình chẳng nhằm tố cáo hay quy kết trách nhiệm về ai. Nó chỉ gợi mở cho công luận và các nhà quản lý tỉnh Thanh, thậm chí cao hơn nữa hãy nghiêm túc điều tra toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này trong suốt 23 năm tồn tại mà tiền thân của nó là công ty nicotex Thái Bình. Mỉa mai thay, nó lại ra đời từ một ý tưởng bảo vệ môi trường của một nhà khoa học chân chính!…

Hà Nội 22/9/2013
VNT