Trang tin điện tử VietnamPlus của
TTXVN ngày 28/3/2012 đưa tin mạng Tin tức Trung Quốc ngày 27/3 dẫn lời Phó Cục
trưởng Cục Ngư chính Nam Hải (Biển Đông) Lưu Thiêm Vinh cho biết phía Trung
Quốc thừa nhận đã bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân cùng 2 tàu cá của Việt
Nam mang số hiệu QNg 66101TS và QNg 66074TS, đồng thời quyết định xử phạt mỗi
ngư dân Việt Nam 70.000 nhân dân tệ (khoảng 200 triệu đồng).
Việc Trung Quốc bắt giữ 21 ngư
dân và 2 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá hợp pháp trong ngư trường Hoàng Sa
ngày 3/3/2012 là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và không có cơ sở pháp
lý quốc tế nào có thể lý giải cho hành vi bắt người sai trái đó. Quần đảo Hoàng
Sa được Việt Nam
tuyên bố chủ quyền ít nhất từ thế kỷ thứ XVII và được sự thừa nhận của cộng
đồng quốc tế tại rất nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị San
Francisco 1951, Hội nghị Geneve 1954… Năm 1974, Trung
Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 Trung Quốc
lại tiếp tục dùng vũ lực cưỡng chiếm một phần quần đảo Trường Sa thuộc chủ
quyền của Việt Nam. Theo luật quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội đồng
Liên Hợp Quốc ngày 24/10/1970, các hành động bằng vũ lực trái ngược với luật
pháp quốc tế không mang lại cho nước này danh nghĩa pháp lý về chủ quyền tại
quần đảo Hoàng Sa cũng như một phần quần đảo Trường Sa mà họ đang chiếm đóng
trái phép. Trên cơ sở luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, Việt Nam
hoàn toàn có đầy đủ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Việt Nam có “các quyền thuộc chủ
quyền về thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, sinh
vật hoặc không sinh vật của vùng nước trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển, cũng như những hoạt động khác về mục đích thăm dò và khai thác vùng
này vì mục đích kinh tế”…Do vậy, ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển
thuộc quần đảo Hoàng Sa là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của UNCLOS. Việc
Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân và hai tàu cá của Việt Nam, khi những người này
đang tiến hành đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, là trái với luật pháp quốc tế.
Hơn nữa, việc bắt giữ này cũng trái với Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển
Đông được ký kết giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
Mặc dù Trung Quốc đã cưỡng chiếm
trái phép quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, tuy nhiên như đã dẫn chứng, luật pháp
quốc tế không thừa nhận chủ quyền của các vùng lãnh thổ có được do sử dụng vũ
lực. Do đó chủ quyền của Việt Nam
tại quần đảo Hoàng Sa là không thể tranh cãi. Việc bắt giữ ngư dân Việt Nam
đánh bắt cá hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của quốc gia mình của Trung Quốc
là vi phạm luật pháp quốc tế. Điều 73, khoản 3 của UNCLOS quy định: “Các chế
tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định
về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt
tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm
một hình phạt thân thể nào khác”. Điều luật nói trên được áp dụng đối với tàu
của nước này hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác. Nếu ngư
dân của Việt Nam đánh bắt vào vùng biển hoàn toàn và rõ ràng thuộc vùng đặc
quyền kinh tế của Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng không được quyền tống giam
hay áp dụng một hình phạt thân thể đối với ngư dân Việt Nam. Do vậy, trong một
vùng biển rõ ràng thuộc về mình mà Trung Quốc còn không có quyền làm vậy, thì
Trung Quốc càng không thể làm như thế trong vùng biển Hoàng Sa vốn thuộc quyền
chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa, việc
Trung Quốc xác nhận hành vi “bắt người đòi tiền chuộc” của các cơ quan chức năng
nước này càng làm cho hành vi vi phạm của họ trở nên nghiêm trọng hơn. Các hành
xử này không phù hợp với một quốc gia là thành viên của tổ chức Liên Hợp Quốc, đã
phê chuẩn và cam kết tôn trọng Công ước về luật Biển quốc tế cũng như tôn trọng
các giá trị văn minh khác của nhân loại. Điều đáng nói là hành vi “bắt người đòi
tiền chuộc” của Trung Quốc diễn ra khá thường xuyên và các giao dịch để thoả
thuận “nộp tiền thả người” thường diễn
ra trong bóng tối. Nay lần đầu tiên mới thấy có xác nhận của một quan chức
Trung Quốc rằng đây là cách xử lý của cơ quan chức năng nước này. Điều này hoàn
toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế nào và mang tính chất “triệt buộc” làm phá
sản và tiêu hủy khả năng đi biển của ngư dân bị bắt một cách vô nhân đạo.
Câu chuyện “bắt người đòi tiền
chuộc” còn chưa giải quyết xong, mới đây trang mạng của Nhân dân Nhật báo Trung
Quốc ngày 27/3/2012 lại dẫn lời Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế,
Tổng thư ký Hiệp hội điều khiển quân sự và giải trừ quân bị Trung Quốc Khúc
Tinh (nhân sự kiện đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân tại Hàn
Quốc) tuyên bố: “Trừ phi Trung Quốc bị đánh trước bằng vũ khí hạt nhân và Trung
Quốc phải tiến hành tự vệ bằng vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ
khí hạt nhân trong quan hệ quốc tế, trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông)”. Lời tuyên
bố tưởng chừng như rất “thiện chí”, rất phù hợp với khẩu hiệu yêu chuộng hòa bình
của một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ từng gây nhiều quan ngại cho không ít quốc
gia trên thế giới về một mối “đe dọa” mới. Thế nhưng, lời tuyên bố đầy “thiện
chí” này lại khiến các quốc gia ven Biển Đông hết sức lo ngại vì nó hàm chứa
nhiều thông điệp mang tính đe dọa hơn là sự cam kết hòa bình.
Thông điệp được đưa ra bởi ông Viện
trưởng Khúc Tinh cho thấy phía Trung Quốc đã có sự bàn bạc, chuẩn bị để sử dụng
vũ khí hạt nhân tại Nam Hải (Biển Đông). Trong khi, tất cả các quốc gia ven Biển
Đông đều không có vũ khí hạt nhân. Không thể có chuyện giáng trả tự vệ bằng vũ
khí hạt nhân với các quốc gia hoàn toàn không sở hữu loại vũ khí này. Như vậy,
lời cam kết không giáng trả tự vệ bằng vũ khí hạt nhân tại Nam Hải của ông Khúc
Tinh liệu có cần thiết hay không? Rõ ràng, đây chỉ là thông điệp của Trung Quốc
nhằm cảnh cáo các quốc gia ven Biển Đông có tuyên bố chủ quyền, đã và đang phản
đối quyết liệt yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc bao chiếm hầu
như gần trọn Biển Đông.
Tuyên bố của Viện trưởng người
Trung Quốc Khúc Tinh dù xét theo phương diện nào đi chăng nữa cũng là một sự ngầm
hiểu hết sức nguy hiểm về một kế hoạch tấn công bằng vũ khí hạt nhân đã được nhà
nước này dự trù, toan tính đối với các quốc gia ven Biển Đông. Sự “trỗi dậy hoà
bình” của Trung Quốc mặc dù được nước này ra sức giải thích, “đánh bóng” rằng sẽ
không gây ra nguy hiểm cho bất kỳ quốc gia nào, nay đã bắt đầu lộ diện sự đe dọa
bằng vũ khí hạt nhân. Như vậy “mối lo ngại Trung Quốc’ đương nhiên không phải là
chuyện tưởng tượng nữa rồi, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực.