Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Giới khảo cổ và quần thể di tích Ngọa Vân trên dãy Yên Tử*

Ngoài các điểm như chùa, am, xung quanh Ngọa Vân còn một số điểm di tích có quy mô nhỏ nằm ở phần phía đông của núi Bảo Đài, cách Am Ngọa Vân khoảng 300m về phía Đông.


     Dấu vết kiến trúc ở Ngọa Vân 1. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

Do chưa xác định được chức năng cũng như tên gọi của các điểm di tích này nên nó được tạm gọi là Ngọa Vân 1, Ngọa Vân 2 và Ngọa Vân 613.

- Ngoạ Vân 1: Ngọa Vân 1 nằm ở mỏm phía đông của núi Vây Rồng. Đây chính là điểm đầu của tay ngai phía Đông (đầu của tả thanh long). Tại khu vực này hiện  còn dấu vết kè xếp nền bằng đá cát kết (đá gạo) và cuội cùng một số di vật. Nền kiến trúc nằm ở mé tây của một khe suối nhỏ được kè xếp thành hai cấp: (1) Cấp nền dưới được kè xếp nương theo địa hình để tạo mặt phẳng. Cấp nền này hiện đã bị con đường dẫn vào chùa cắt ngang qua; (2) Cấp nền trên cao hơn cấp nền dưới trung bình 0,40m, nền có mặt bằng hình chữ nhật diện tích khoảng 70,5m2 (dài theo hướng Đông - Tây 18,1m; rộng Bắc  - Nam 3,9m), mặt trước nhìn về Nam ghé Tây, mặt sau tựa vào sườn núi.

Bên cạnh dấu vết kè xếp nền bằng đá, tại Ngọa Vân 1 cũng còn tìm thấy một số hiện vật có niên đại thời Trần và thời Lê Trung hưng. Các hiện vật tìm thấy ở đây chủ yếu là vật liệu kiến trúc và các loại hình đồ gốm sứ.

Dấu tích nền móng kè đá và các di vật gạch ngói còn lại tại Ngọa Vân 1 cho thấy, ngay từ thời Trần, Ngọa Vân 1 đã có những kiến trúc kiên cố, nền được kè xếp bằng đá, khung cột bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen. Đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII) Ngọa Vân 1 tiếp tục được xây dựng và sử dụng, điều đó cho thấy Ngọa Vân 1 là một điểm chùa/am quan trọng trong quần thể di tích Ngọa Vân.

- Ngọa Vân 2: Ngoạ Vân 2 nằm cách khu vực Ngoạ Vân 1 khoảng 20m về phía Tây Bắc. Tại đây hiện còn các dấu vết kè xếp nền móng kiến trúc và rất  nhiều di vật, trong đó chủ yếu là các loại hình vật liệu kiến trúc như tảng kê chân cột, gạch, ngói các loại.

Dấu vết kiến trúc còn lại ở đây bao gồm bó nền và nền móng của một công trình kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, mặt nhìn về hướng Tây Nam, phía sau tựa vào sườn núi. Nền được kè xếp thành ba cấp: Cấp nền dưới có diện tích lớn nhất, dài Đông - Tây 26m, rộng Bắc - Nam 9,5m; Cấp nền 2 cao hơn cấp nền thứ nhất trung bình 0,80m và giật lại 2m, nền rộng 3,8m; Cấp nền thứ 3 ở trên cùng cao hơn cấp nền hai 0,40m, nền rộng và giật lại so với cấp nền hai khoảng 3,8m.

Nửa phía Đông của khu Ngọa Vân 2 đã bị sạt lở do hiện tượng xói mòn của mưa lũ và tại vị trí sạt lở đã để lộ các lớp đất cho thấy quá trình hình thành của Ngọa Vân 2. Bao phủ lên bề mặt của cấp nền hai và cấp nền thứ ba là lớp ngói dày 20-30cm, trong đó đáng lưu ý là có một lớp ngói của thời Trần.

Bên cạnh các dấu vết nền móng được kè xếp bằng đá thì tại Ngọa Vân 2 cũng còn thấy nhiều loại hình di vật gồm: các loại vật liệu kiến trúc như gạch, ngói; các đồ gia dụng như gốm sứ, đồ sành, trong đó các loại gạch ngói có số lượng lớn tạo thành một lớp dày phủ lên trên mặt nền và các chân tảng kê cột bằng đá, kích thước 45cmx45cm, đường kính u tròn 36cm.

Với cấu trúc ba cấp nền và các di vật hiện còn trên bề mặt di tích có thể xác định, cấp nền thứ nhất chính là khuôn viên chung nằm ở phía trước, cấp nền thứ hai và cấp nền thứ 3 là phần nền kiến trúc, trên đó dựng các kiến trúc gỗ, mái lợp ngói giống như ở Ngọa Vân 1; phần giật lại giữa cấp nền thứ hai với cấp nền thứ nhất có thể là khoảng sân phía trước của các kiến trúc ở cấp nền 2 và 3. So với các điểm di tích khác, Ngọa Vân 2 là điểm di tích có quy mô lớn, dấu vết còn lại cho thấy nó được xây dựng từ thời Trần, thời Lê Trung hưng tiếp tục được trùng tu tôn tạo, điều này cho thấy Ngọa Vân 2 giữ một vai trò quan trọng trong khu vực Ngọa Vân, nó là những chùa/am liền kề với khu trung tâm Ngọa Vân.

- Ngọa Vân 6: Ngọa Vân 6 nằm cách khu vực Ngọa Vân 1 khoảng 500m về phía Đông, trên đường từ khu Đá Chồng vào chùa và cao hơn đường khoảng 20m về phía Bắc. Tại đây đã phát hiện thêm một dấu tích nền móng kiến trúc và hệ thống đá xếp bậc dẫn lên từ chân núi.

Ngọa Vân 6 là một khu vực bằng phẳng hình chữ nhật chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có diện tích khoảng hơn 42m2 (6x7m), mặt trước và hai bên được kè xếp bằng đá, mặt sau tựa vào sườn núi. Trên mặt bằng chung có hai nền kiến trúc có độ cao khác nhau, nền thứ nhất giật lại so với mặt bằng chung 1,2m ở mặt trước, chiều dài chồng khít lên chiều dài của mặt bằng chung, nền cao hơn mặt bằng chung 1m, nền thứ hai đè phủ nên nền thứ nhất ở phía Tây Bắc và cao hơn nền 1 khoảng 40cm. Trên mặt cả hai cấp nền còn lại một số tảng kê chân cột bằng đá, các tảng này là loại tảng có bệ vuông, u tròn nổi cao, kích thước 35x35cm; đường kính u tròn 30cm.

Ngoài các dấu vết kiến trúc ở đây cũng tìm thấy một số đồ gốm men, đồ sành nhưng không tìm thấy ngói, các di vật tìm thấy ở đây đều có niên đại thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII-XVIII.

Với các di tích, di vật hiện biết có thể suy đoán, khu vực Ngọa Vân 6 có thể được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lê Trung hưng, tức là thời kỳ Ngọa Vân được trùng tu và mở rộng vào đầu thế kỷ XVIII.

 Đ/c Ngô Quang Thiệu Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Triều và Nhà giáo Ưu tú Lưu Xuân Giới khảo sát và chỉ đạo việc chỉnh trang tại di tích Ngọa Vân. Ảnh: Nguyễn Văn Anh
 

Khu vực Đá Chồng

 Toàn cảnh khu Đá Chồng Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Khu Đá Chồng là một cụm công trình trong quần thể di tích nằm trên núi Bảo Đài vì vậy nó được cho là nằm trong quần thể di tích Ngọa Vân. Khu Đá Chồng nằm phía Đông Nam của khu Ngoạ Vân, cách chùa Ngọa Vân 4 khoảng 3km đi theo con đường mòn và nằm ở sườn đông nam của khu vực Đèo Voi.

Sở dĩ khu vực này được gọi là Đá Chồng là vì, tại đây, trên một đỉnh núi có các tảng đá nằm chồng lên nhau, cảm giác rất chênh vênh. Tại Đá Chồng, năm 2007 các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt các dấu vết nền móng kiến trúc và khu sản xuất nguyên vật liệu phục vụ việc xây dựng các công trình kiến trúc trong quần thể Ngọa Vân. Các dấu vết hiện còn phân bố thành hai khu và được gọi là Khu Đá Chồng 1 và Khu Đá Chồng 2.

- Khu Đá Chồng 1:

Khu Đá Chồng 1 được bao bọc bởi các ngọn núi thuộc khu vực Đèo Voi ở phía Đông Bắc và phía Tây Nam; phía Tây Bắc là dãy núi đá cao; ngọn Đá Chồng ở phía Đông Nam và xa xa là hồ Bến Châu.

 Trên ngọn Đá Chồng Ảnh: Trương Văn Luân

Các di tích còn lại tại đây gồm hệ thống kiến trúc phân bố dọc ở sườn Đông - Nam của ngọn núi ở phía Tây Bắc núi Đá Chồng (nay gọi là khu Chuồng Bò). Các dấu vết kiến trúc được bố cục thành một trục gồm nhiều lớp kiến trúc phân bố từ chân núi lên tới đỉnh núi (từ độ cao 474m so với mặt nước biển đến độ cao 621m). Trục kiến trúc này bao gồm: hồ nước, khu vườn tháp, khu trung tâm và tịnh thất. Hướng của kiến trúc là hướng Đông Nam.

+ Hồ nước: Nằm phía trước của trục kiến trúc có diện tích khoảng 2hécta. Hồ được bổ sung nước từ nhiều dòng suối chảy từ các triền núi cao đổ xuống trong đó dòng suối chảy qua khu vườn phía Tây Bắc là dòng chủ yếu. Cùng với dãy núi bao bọc ở ba mặt, hồ nước là nơi tụ thuỷ phía trước để hoàn thiện bức tranh phong thuỷ tuyệt đẹp tạo nên thế đắc địa của Khu Đá Chồng 1. Ngày nay hồ đang bị cạn dần do bị bồi lấp.

+ Khu vườn tháp: Nằm tiếp giáp bên bờ Tây Bắc của hồ nước, trên ngọn của một quả đồi thấp có độ cao trung bình 490m so với mặt nước biển, ngọn quả đồi được san gạt tạo mặt phẳng, bốn xung quanh được kè xếp đá tạo thành nhiều cấp theo kiểu hình tháp. Ở giữa khu vực này còn lại các cấu kiện tháp bằng đá bao gồm các cấu kiện bệ, thân, mái và chóp tháp. Các cấu kiện này cho thấy đây là khu vực có ngôi tháp đá quy mô khá lớn, và có cấu trúc hoàn toàn giống với tháp Phật Hoàng và tháp Đoan Nghiêm ở khu vực Am Ngọa Vân và tháp thờ Phật (Phụng Phật tháp) ở khu vực Thông Đàn 1.
 
Phía Đông Bắc của Tháp có một số chân tảng bằng đá cát và rất nhiều ngói mũi sen không trang trí thời Lê Trung hưng và khá nhiều đồ gốm men, đồ sành. Như vậy, khu vườn tháp có thể có một tổ hợp công trình kiến trúc gồm tháp ở giữa và các kiến trúc khác ở phía Đông Bắc.

 Cấu kiện tháp đá thời Lê Trung hưng ở khu vườn tháp thuộc khu Đá Chồng 1. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

+ Khu trung tâm: Nằm kế sau khu vườn tháp, cách khu vườn tháp một con suối nhỏ, suối rộng khoảng 5m, bờ suối được kè xếp thành tường kè nền của khu vực vườn tháp và sân của khu trung tâm. Khu trung tâm có mặt bằng tổng thể hình chữ nhật chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với bố cục chi tiết gồm: sân trước, kiến trúc thứ nhất, sân giữa và cụm kiến trúc thứ hai.

Sân trước thấp hơn kiến trúc thứ nhất 4m, từ sân lên nền kiến trúc thứ nhất có các bậc lên xuống xếp bằng đá; Kiến trúc thứ nhất có mặt bằng hình chữ nhật, qua các tảng kê chân cột còn lại chúng ta thấy kiến trúc này có kết cấu 3 gian 4 hàng cột, mỗi hàng 4 cột; Khoảng sân giữa kiến trúc thứ nhất và cụm kiến trúc thứ hai thấp hơn nền thứ nhất 1m; Cụm kiến trúc thứ hai chưa xác định rõ gồm bao nhiêu kiến trúc, tuy nhiên bước đầu ở đây có thể nhận diện được hai mặt bằng. Mặt bằng thứ nhất hình chữ nhật hiện còn một số tảng kê chân cột. Tiến hành nghiên cứu khảo cổ học cẩn thận chúng ta có thể làm rõ được cấu trúc của kiến trúc này. Mặt bằng kiến trúc thứ hai cũng có hình chữ nhật nhưng nhỏ hơn so với mặt bằng thứ nhất và cách mặt bằng thứ nhất 4m về phía Đông Bắc, khoảng cách này có thể là phần sân nằm giữa hai kiến trúc, phía sau mặt bằng này còn lại một không gian rộng hiện chưa rõ chức năng.
 
Như vậy, về tổng thể có thể xác định được mặt bằng khu vực trung tâm bao gồm cấu trúc các lớp nền, khoảng sân. Tuy nhiên, cấu trúc chi tiết của các kiến trúc này như thế nào còn đang chờ đợi kết quả khai quật, nghiên cứu của khảo cổ học trong tương lai.

+ Khu tịnh thất: Gồm 2 mặt bằng kiến trúc hình gần vuông có diện tích 25m2, một nằm ở lưng chừng sườn núi và một ở trên đỉnh núi. So sánh với các di tích ở Hồ Thiên và khu vực trung tâm của Ngọa Vân có thể thấy rất rõ đặc trưng của một cụm chùa ở Ngọa Vân luôn có một hoặc một khu tịnh thất ở phía sau, trên vị trí cao hơn chùa chính.

+ Khu vườn chùa: Nằm ở phía Đông Bắc của khu vực trung tâm. Khu vực này nay đã bị các cây rừng mọc kín song vẫn có thể nhận thấy dấu vết đường đi xếp cuội và một số cây cối được trồng ở đây.

- Khu Đá Chồng 2

Khu vực Đá Chồng 2 là khu đất tương đối bằng phẳng nằm ở sườn Tây Nam của núi Đá Chồng. Tại đây, đã tìm thấy 2 mặt bằng kiến trúc và dấu vết lò nung ngói thời Lê Trung hưng.

+ Mặt bằng kiến trúc:

Dấu vết kiến trúc thứ nhất: Nằm cách ngọn Đá Chồng 102m theo đường thẳng về phía Tây lệch Bắc. Dấu vết kiến trúc này đã bị đào phá nên không xác định rõ được mặt bằng của kiến trúc, tuy nhiên ở đây đã tìm thấy rất nhiều ngói mũi sen không trang trí thời Lê Trung hưng và các tảng kê chân cột bằng đá laterit. Bên cạnh đó có khá nhiều loại hình đồ sành và đồ gốm men thời Lê Trung hưng cũng được tìm thấy ở đây.

Dấu vết kiến trúc thứ hai: Nằm cách dấu vết kiến trúc thứ nhất 100m theo đường thẳng về phía Đông Nam. Mặt bằng nền móng của dấu vết kiến trúc có hình chữ nhật, diện tích 46m2  (dài Tây Bắc - Đông Nam 10m, rộng Tây Nam – Đông Bắc 4,6m), xung quanh nền được kè xếp bằng đá, mặt nhìn về phía Đèo Voi (Tây Nam).

+ Dấu vết lò nung ngói: Nằm tại khu vực đất bằng ở phía Tây Nam của hồ nước, dưới chân của dấu vết kiến trúc thứ nhất. Tại đây đã tìm thấy 1 lò nung ngói, lò có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 3,4x2,6m. Trong lòng lò còn sót lại một số mảnh ngói mũi sen thời Lê Trung hưng giống như các loại ngói đã được tìm thấy tại khu Ngọa Vân, Đá Chồng và chùa Ba Bậc.
 Dấu vết lò nung ngói thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVIII. Ảnh: Lê Đình Ngọc

Ngọa Vân là một quần thể kiến trúc lớn với nhiều công trình kiến trúc có quy mô khác nhau được xây dựng trên khu vực núi cao, đi lại hết sức khó khăn. Xây dựng các công trình này cần có nguồn lực rất lớn về con người cũng như vật chất. Vậy việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây được tổ chức như thế nào? Nguyên vật liệu được sản xuất tại chỗ hay được vận chuyển từ nơi khác đến? Trong điều kiện địa hình phức tạp và khó khăn như vậy, nếu vận chuyển lên thì vận chuyển bằng cách nào?, vv...

Để giải đáp những câu hỏi trên, các nhà khảo cổ học đã rất chú ý đến chất liệu của các loại vật liệu được sử dụng trong các công trình kiến trúc ở Ngọa Vân, đồng thời nghiên cứu điều kiện của từng khu vực, bằng việc nghiên cứu đó các nhà khảo cổ học đã cho rằng, Đèo Voi và Đá Chồng là khu vực có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc sản xuất nguyên vật liệu, đặc biệt là gạch ngói. Bởi lẽ, (1) đây là khu vực duy nhất có đất và đất sét, các khu vực khác đều là núi đá; (2) đây là nơi có mặt bằng tự nhiên rộng rãi thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất và (3) đây là nơi rất thuận tiện về nguồn nước lại khuất gió, tốt cho việc xây dựng và hoạt động của các lò nung. Ba điều kiện thuận lợi trên đây là điều kiện lý tưởng cho việc sản xuất các loại gạch ngói phục vụ cho việc xây dựng các kiến trúc của Ngọa Vân và dấu tích lò nung ngói nêu trên đã chứng minh cho điều đó.

Như vậy, khu vực Đá Chồng là một cụm các công trình chùa tháp nằm trong quần thể của khu di tích Ngọa Vân được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Trong đó, Đá Chồng 1 là khu vực trung tâm, được xây dựng trên một khu vực có địa thế đẹp về cả tự nhiên lẫn tâm linh (phong thuỷ) với dãy núi đá cao ở mặt Đông Nam, minh đường tụ thuỷ, hậu chẩm có núi cao. Đá Chồng 2 là nơi có các công trình kiến trúc nhỏ, đây cũng là nơi sản xuất các loại vật liệu kiến trúc như gạch, ngói phục vụ việc xây dựng quần thể chùa tháp Ngọa Vân nửa đầu thế kỷ XVIII.
 Đ/c Nguyễn Thị Huân, Bí thư huyện ủy và Đ/c Vũ Văn Học khảo sát tại di tích Đá Chồng. Ảnh: Lê Đình Ngọc

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đá Chồng còn là căn cứ của cách mạng, là nơi che chở cho Thành uỷ Hải Phòng trong những năm bị giặc Pháp càn quét, đó cũng là phần hậu cứ của Chiến khu Đông Triều. Vì lý do này, có thể gọi Đá Chồng là khu di tích lịch sử,
văn hoá và cách mạng.

KẾT LUẬN

rần Nhân Tông, vị vua văn võ song toàn, một nhà vua, một nhà quân sự đã lãnh đạo nhân dân hai lần đánh thắng đội quân xâm lược hung hãn nhất thời đại của mình, một nhà ngoại giao mềm mỏng nhưng cương quyết, một triết gia, một nhà thơ mà ngòi bút của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do của một nghệ sĩ. Ông là một trong những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc.

Đang ở đỉnh cao quyền lực, ông nhường ngôi cho con lui về làm Thái Thượng hoàng. Lui về làm Thái Thượng hoàng không phải để nghỉ ngơi mà là để “tập dượt” cho vua con gánh vác giang sơn xã tắc, khi yên việc nước, việc nhà, vua con tự mình đảm đương, gánh vác việc nước, ông rời lầu son, gác tía xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu trên núi Yên Tử. Sau thời gian tự mình tu hành, đắc đạo ông xuống núi đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo.

Trần Nhân Tông đi tu là để giữ nước và để lại đạo đức cho đời. Hành trình tu hành khổ hạnh, đắc đạo, thuyết pháp, độ tăng giáo hóa chúng sinh rồi an nhiên hóa Phật của Trần Nhân Tông là một chuỗi các sự kiện mô phỏng hành trình tu luyện, thành phật của Đức Phật Thích-Ca-mâu-ni, trong hành trình đó Yên Tử là nơi Phật hoàng tu hành, thuyết pháp, độ tăng và Ngọa Vân chính là điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành, thành Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Nói cách khác Ngọa Vân chính là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

Với vai trò là Thánh địa của Phật giáo Việt Nam, Ngọa Vân gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sau khi Phật hoàng mất, Ngọa Vân đã được xây dựng, mở rộng thành một quần thể chùa tháp với nhiều cụm chùa tháp khác nhau. Sau thời gian Phật giáo suy vong, cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII cùng với sự phục hưng của Phật giáo, Ngọa Vân đã được trùng tu, mở rộng thành một quần thể rộng lớn với nhiều công trình chùa tháp được xây mới. Các công trình hiện còn tại Ngọa Vân có nhiều công trình được xây dựng trong thời gian này.

Sau một thời gian bị quên lãng trong rừng sâu, Ngọa Vân đang được đánh thức. Với những giá trị to lớn của di tích, với cảnh quan tươi đẹp ở nơi đây. Việc trùng tu, tôn tạo lại Ngọa Vân không chỉ là việc bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà đó thực sự là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ và đông đảo khách thập phương về tư tưởng và tầm vóc của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời có thể truyền bá
tinh thần “Cư trần lạc đạo” - vui đạo giữa đời của Ngài.

PHỤ LỤC PHIÊN ÂM, DỊCH NGHĨA VĂN BIA HIỆN CÒN TẠI CHÙA NGỌA VÂN

1. Phiên âm, dịch nghĩa bia Trùng tu chùa Ngoạ Vân

1.1. Phiên âm

- Mặt trước: Trùng tu Ngọa Vân tự bi ký
 
Thường văn: Tịnh độ tịch trần khí kim do sắc tướng. Thử phạn vương… chi danh khu dã. Thị cố tào khê (- -) bảo lâm chi thắng tích, triệu sinh tích trượng phi không, chung  lĩnh  chu  u  thê  độc  chiếm… bạn đàn lâm tinh vũ đẳng, hạo sở trường tồn…Tư cư… phúc địa chi  chung  linh,…hữu  dĩ  bất  hủ kỳ truyền giả dư? Cố chiêm Hải Dương đạo, Kinh Môn phủ, Đông Triều huyện, An Sinh xã chi, Ngọa Vân tự, thực cổ tích danh lam dã… thiên tầm ta nga, vạn nhẫn ban ban, u nhã chủng chủng, thanh kỳ la nhi quần tụ… thị giám cửu thiên chi tinh thần khả trích, đệ nhất chi thế giới… kinh thiêu tạo địa chi thiết ngang…thủy phi nhân gian hữu giả động khởi.

Hoàng đế lý thắng vạn thặng chi tôn, tháp tằng ban chi hiểm di, nhi cấu tri lư, đỉnh hổ trường lưu tiên cảnh thần thượng vĩnh kết tịnh duyên.

Thời thiếu thượng chi, vĩnh hảo an bài… cố chung bát di thử dị. Bí khởi bất ký giá, tứ bách dư niên vu tư hĩ. Nhĩ chiêm viễn vọng, quốc thọ dân cầu… chung cổ thường tuyên, đăng hương cảm nhiếp.

Bảo Đài sơn Ngọa Vân thiền tự tỳ khưu tăng tự Đức Hưng hiệu Viên Minh, trùng tu các chung, tăng phòng, các cộng nhị thập ngũ gian, bảo điện nhị tòa, bi nhất điện, cập khai sáng Kim am, Hương Vân Am, Giải Thoát Am đẳng, kiên tháo giới hằng thâm nghệ uyên vi liễu… thâm sắc chi huyền ngộ, tâm phật phật tâm chi diệu… cổ chi trần duyên, tính thị giác thấu, tâm thị từ bi… giá bảo quyết đắc chi cửu, nhi tâm ích tín đạo ký cao nhi nhân tự tôn. Do thị quý tiện vô bất khâm kính, quy y, đỉnh lễ… nhất khai khẩn nhi tắc dục chi, lộ cốc vi thông cù, bách câu chi trọng, hốt nhược bất vũ bất lao nhi tự chí giả hĩ.

Thời hữu Từ Sơn phủ, Tiên Du huyện, Khắc Niệm xã Thị Nội ty quan. Giáo phường ty Dương Thị Phương hiệu Diệu Tín, Thị nội đệ nhất Cung tần Chiêu nghi Dương quý thị Vương húy Trinh, nãi tôn từ chức tước tôn thuộc dã. Lạc văn thiện đạo, khái mộ nhân phong, dĩ thần kỳ lũ hoạch hiển ứng, toại dĩ tu tạo chỉnh lý, tự nhậm cưu công, giản tài giả, lũy tế… cúng dường chi dư nhi bảo tướng hồng chung dữ kim đồng pháp khí, dĩ chiêu cửu viễn.

Ô hô! Khởi đồ nhiên tai!

Cái tư tự chi tinh binh, chước chư ứng nghiệm. Cố nhân niệm chi tôn tín, bất hạn tài lực, diệc duyên trụ trì chi thâm tinh, đạo giáo hữu dĩ khiết pháp vương chi tâm ấm sư tổ chi túc duyên, nhi năng chí thị da? Thời thị tâm dã, thông chi tam giới, thấu chi cửu tiêu, tư thế tư dân, đồng tê nhân thọ, cái hữu bất nan giả hĩ. Cộng ký vân, hoàn thả dục thọ kỳ truyền dã. Nãi chưng văn lặc chi trinh mân, yết vu vân hà chi biểu.

Thời, Hoàng Triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên, chi tam tuế, tại Đinh Hợi Qúy Đông cốc nhật.

- Mặt sau: Công đức chi bi ký

Đại Nguyên soái Thống quốc chánh thượng thánh phụ sư thịnh công nhân minh uy đức định vương lệnh cáo, Đông Triều huyện, tư lệ An Sinh xã, Nguyễn Diễn, Nguyễn Duy Cao, Nguyễn Gia Tương, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Quang Cơ, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Đức Độ, Nguyễn Công Trình, Nguyễn Đức Học, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Đức Nhật, Nguyễn Công Hán, Nguyễn Minh Đội, Nguyễn Huy Đỉnh, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Trí, Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Duy Lại, Nguyễn Đức Hào, Nguyễn Dật, Nguyễn Đức Chiếm, Nguyễn Như Mi, Nguyễn Đức Thịnh toàn xã đẳng. Tư chuyên ủy Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh kiêm chưởng chánh quyền Thái úy Tấn Quốc công tài quốc gia sự vụ nhậm binh dân trọng ký hậu sở.

Khải vị nguyên bản xã cung phụng các chỉ thị, chuẩn cấp vi tạo lệ phụng sự An Sinh điện Trần triều ngũ vị hoàng đế cập Ngọa Vân, Tư Phúc đẳng đệ. Kỳ đệ… cập hộ phân bài biểu tế khoán, sưu sai các dịch tịnh nhiêu trừ. Ư Nhâm Tuất niên… sự do dĩ kinh tra thực đẳng nhân ứng nhưng hứa vi tạo nhiêu trừ bị… Tiên hữu dĩ tiện phụng sự Thọ Quốc Mạch… cập các nha bất đắc nhiễu tróc vi giả hữu quốc pháp tại tư lệnh.

Chính Hòa thập niên, thập nguyệt, nhị thập tứ nhật.

Công đức Trung Cần quân doanh Trung… phủ Tả đô đốc phó… Thái Bảo Đông Quận công Trịnh… tự Viên Minh, quận phu nhân Lê Trang Ân hiệu Diệu Đoan.

Công đức Hậu Quốc doanh quân Đông…

Công đức An Sinh xã Nguyễn Như… tự Phúc Tín, Nguyễn Công, Nguyễn Phúc Cung, Nguyễn Đức Lượng thê Bùi Thị Ngôn, Nguyễn Phượng thê Nguyễn Thị Uyên, Nguyễn Đức Hà thê Đoàn Thị Tụ, Nguyễn Đức Vinh, Nguyễn… tự Phúc Hợp thê hiệu Từ Huệ.

Phúc Đa xã sở lại Phạm Trung Gián thê Nguyễn Thị... hiệu Diệu Tường. Đạm Thủy xã, Đinh Văn Quận tự Phúc Trường thê Phạm Thị Do. An Sinh xã Phạm Văn Cao tự Phúc Tín thê Nguyễn Thị… hiệu Diệu Thành. Phú Ninh xã Nguyễn… Viên Hương thê Nguyễn Thị hiệu Diệu… tự Viên Thực thê Nguyễn Thị Du hiệu Diệu Huệ, Chí Linh huyện, Lạc Sơn xã Nguyễn Thị Huệ hiệu Diệu Lộc nam tử Lê Quang Đăng tự Viên Thiệu, Nguyễn Thị Xướng, hiệu Diệu Năng. Gia Lâm huyện, Cổ…xã Nguyễn Thị Phóng hiệu Diệu Thành. Triều Dương xã Đoàn Thị… hiệu Diệu Quý Nguyễn Thị Xuyến hiệu Diệu Đắc.

1.2. Dịch nghĩa

- Mặt trước: Bia ghi việc trùng tu chùa Ngọa Vân

Thường nghe: Nhà chùa từ bỏ bụi trần, nhưng đồ thờ cúng vẫn luôn tồn tại. Nhà chùa là nơi danh tiếng, là di tích thắng cảnh, là chỗ ban bố ân đức, là nơi vắng vẻ thanh tịnh, có muôn loài cây cối xanh tốt, khí thiêng chung đúc, nhà chùa há chẳng là nơi làm nhiều việc tốt để lưu truyền lâu dài hay sao? Nay thấy chùa Ngọa Vân xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương, thực là nơi cổ tích danh lam núi cao sừng sững, ngàn dặm dăng dăng, thăm thẳm điệp trùng… đúng là nơi tinh túy của bầu trời, là chỗ đẹp nhất của thế giới… do trời đất chung đúc mà thành, có lẽ khởi đầu cũng do con người tác động thêm vào đó chăng?

Chùa này cũng là nơi Hoàng đế từ xa tới thăm viếng, vượt qua nguy hiểm của núi rừng… dựng nên nhà ở, kéo dài cơ nghiệp… cảnh Phật cõi tiên, kết duyên tu luyện. Nay có người mến cảnh Phật đã dựng ngôi chùa này, như đã sắp đặt từ trước… mãi mãi không thay đổi. Trải hơn 400 năm, chẳng lẽ chẳng còn ai ghi nhớ nữa chăng? … xa nhìn thấy nước vững dân yên… thường thường nghe tiếng chuông tiếng trống vang vọng, thấy đèn hương mà cảm động.

Nay nhà sư tự Đức Hưng hiệu Viên Minh trụ trì tại chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài đã trùng tu gác chuông và tăng phòng, cộng là 25 gian, làm hai tòa bảo điện, dựng một tấm bia đá, làm thêm Kim am, Hương Vân am, Giải Thoát am tất thảy đều kiên cố thâm nghiêm, tâm Phật Phật tâm huyền diệu, duyên phận trần gian, tính giác ngộ, tâm từ bi… Việc làm quý giá đó được tồn tại lâu dài, lòng người càng tin tưởng, đạo Phật càng cao quý, người người càng tôn sùng. Do vậy, người sang kẻ hèn không ai là không tôn kính, không ai là không tin theo, đem dâng lễ vật… hễ nói là toàn những lời chăm lo cho mọi người, biến hang sâu thành đường đi thông thoáng, truy tìm điều quý trọng… bỗng như thấy một chiếc lông vũ nhẹ nhàng tự nhiên bay tới.

Bấy giờ có bà Dương Thị Phương, hiệu Diệu Tín làm nghề dạy hát thuộc ty Thị Nội, người xã Đoài Niệm, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn; và bà Dương Thị Trinh là đệ nhất Cung tần Chiêu nghi ty Thị Nộ, là con cháu dòng dõi quyền quý , thích nghe điều hay, ngưỡng mộ lòng nhân hậu, thấy chùa này hiển ứng linh thiêng, đã tu sửa chùa, tự thuê thợ, mua vật liệu, qua vài năm… sắm sửa nhiều đồ thờ cúng, làm tượng đúc chuông, mua trống mua mõ, để lại lâu dài.

Hỡi ôi! Việc làm đó há lại dư thừa sao?

Có lẽ sự linh thiêng của ngôi chùa đã thể nghiệm rõ ràng. Do vậy người người tôn kính tin theo, không tiếc tiền của. Cũng vì nắm vững cái sâu kín của đạo Phật, giữ được cái tâm của Phật, lại thêm duyên may của thiền sư, nên mới làm được như vậy chăng? Tấm lòng tốt đến như vậy, đã cảm thông đến mọi người, thấu suốt đến trời cao, muôn dân trên trần thế, đều bước lên cõi thọ, có lẽ chẳng khó khăn chi? Cùng nhau viết bài ký, để lưu truyền lâu dài. Lại soạn bài văn, khắc vào bia đá, để phô bày cùng trời đất.

Thời. Ngày tốt tháng 12 năm Đinh Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh 3 (1707) triều Lê.

- Mặt sau: Ghi chép về việc công đức

Thượng Thánh phụ sư Thịnh Công Nhân Minh Uy Đức Đinh Vương Thống Suất Chánh Đại Nguyên soái, lệnh cho dân tư lệ xã An Sinh thuộc huyện Đông Triều gồm các ông có tên như sau: Nguyễn Diễn, Nguyễn Duy Cao, Nguyễn Gia Tương, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Quang Cơ, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Đức Độ, Nguyễn Công Trình, Nguyễn Đức Học, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Đức Nhật, Nguyễn Công Hán, Nguyễn Minh Đội, Nguyễn Duy Đỉnh, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Trí, Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Duy Lại, Nguyễn Đức Hào, Nguyễn Dật, Nguyễn Đức Chiếm, Nguyễn Như Mi, Nguyễn Đức Thịnh cùng toàn dân xã biết rõ:

Nay ủy nhậm cho Tấn Quốc công chuyên trách trông coi các doanh thủy bộ ở các xứ, kiêm Chưởng Chánh quyền Thái úy Khâm sai Tiết chế, nắm giữ công việc quốc gia, đảm nhiệm việc binh dân quan trọng ở các đồn sở.

Thường biết: Nguyên bản xã vâng chỉ chuẩn cho sai người thờ phụng năm vị hoàng đế triều Trần tại điện An Sinh, và chùa Ngọa Vân, chùa Tư Phúc. Hàng năm… các hộ phân chia thời gian chăm lo việc thờ cúng, được miễn trừ sưu sai tạp dịch. Vào năm Nhâm Tuất… đã kiểm tra xem xét việc thờ cúng, thấy đúng thực, vì vậy vẫn cho người chăm lo việc thờ cúng được tiếp tục miễn trừ sưu sai tạp dịch… Trước đây đã thờ phụng Thọ Quốc Mạch… nay các nha không được nhũng nhiễu bắt bớ. Ai vi phạm lệnh này, sẽ bị trừng phạt theo phép nước. Nay ban lệnh.

Ngày 24 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 10 (1689) triều Lê.

Công đức: Tả Đô Đốc... Trung Cần quân doanh, Thái Bảo Quận công, ông họ  Trịnh… tự Viên Minh, phu nhân là Lê Trang Ân hiệu Diệu Đoan.

Công đức: Hậu Quốc doanh…

Công đức: xã An Sinh gồm các ông bà Nguyễn Như tự Phúc Tín, Nguyễn Công, Nguyễn Phúc Cung, Nguyễn Đức Lượng vợ là Bùi Thị Ngôn, Nguyễn Phượng vợ là Nguyễn Thị Uyên, Nguyễn Đức Hà vợ là Đoàn Thị Tụ, Nguyễn Đức Vinh, Nguyễn… tự Phúc Hợp vợ hiệu Từ Huệ.

Công đức: xã Phúc Đa gồm các ông bà Sở lại Phạm Trung Gián vợ Nguyễn Thị… hiệu Diệu Tường. Ông Đinh Văn Quận tự Phúc Trường vợ là Phạm Thị Do người xã Đạm Thủy. Ông Phạm Văn Cao tự Phúc Tín vợ là Nguyễn Thị… hiệu Diệu Thành người xã An Vinh. Ông Nguyễn… Viên Hương vợ là Nguyễn Thị hiệu Diệu… ông họ … tự Viên Thực vợ là Nguyễn Thị Du hiệu Diệu Huệ người xã Phú Ninh. Xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh gồm các bà Nguyễn Thị Huệ hiệu Diệu Lộc, con trai là Lê Quang Đăng tự Viên Thiệu, bà Nguyễn Thị Xướng, hiệu Diệu Năng, Xã Cổ … huyện Gia Lâm có bà Nguyễn Thị Phóng hiệu Diệu Thành. Xã Triều Dương có bà Đoàn Thị… hiệu Diệu Qúy và bà Nguyễn Thị Xuyến hiệu Diệu Đắc.

2. Bài vị đặt trong tháp Đoan Nghiêm
 Bài vị đặt trong tháp Đoan Nghiêm

2.1 Phiên âm: Nam mô Thiền Lâm thích tử ma ha tỳ khưu Đức Hưng thiền sư an tọa hạ.

2.2. Dịch nghĩa:

Na mô A di đà Phật bài vị thờ ma ha tỳ khưu đệ tử phái Thiền Trúc Lâm, Thiền sư Đức Hưng.

3. Bài vị đặt trong tháp Phật Hoàng

 Bài vị đặt trong tháp Phật Hoàng

3.1. Phiên âm:

Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương Phật.

3.2. Dịch nghĩa:

Na mô A di đà Phật, bài vị thờ Điều ngự vương Phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vị vua thứ ba triều Trần, Nhân Tông Hoàng đế.

 Bia đá dựng trước tháp Phật Hoàng
4. Bia đá dựng trước tháp Phật Hoàng

4.1. Phiên âm: Minh Mệnh nhị  thập nhất  niên,  cửu  nguyệt,  sơ  lục  nhật phụng Trần triều Nhân Tông Hoàng đế lăng sắc kiến.

4.2. Dịch nghĩa: Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) phụng mệnh dựng (bia)  tại  lăng Hoàng đế Trần Nhân Tông triều Trần.

(Phiên âm, dịch nghĩa: Hoàng Giáp – Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013
Chú thích: * Tiêu đề kỳ cuối do BBT phatgiao.org.vn đặt

-

13: Trong quá trình điều tra, nghiên cứu quần thể di tích Ngọa Vân năm 2007-2008, các nhà khảo cổ học nhận thấy các di tích ở Ngọa Vân phân bố thành 4 cụm gồm Thông Đàn, Ngọa Vân, Đá Chồng và Ba Bậc, trong mỗi cụm có nhiều điểm di tích khác nhau. Cụm Ngọa Vân có 06 điểm di tích và được gọi tên là Ngọa Vận 1, Ngọa Vân 2, Ngọa Vân 3, Ngọa Vân 4, Ngọa Vân 5 và Ngọa Vân 6. Năm 2009, kết quả khai quật khảo cổ học đã 60 cho phép xác định Ngọa Vân 3, Ngọa Vân 4 và Ngọa Vân 5 là các bộ phận cấu thành chùa Ngọa Vân, trong đó Ngọa Vân 3 là vị trí của chùa chính, Ngọa Vân 4 là vị trí của Tịnh thất và Ngọa Vân 5 là khu vườn tháp và Nhà Tổ. Các vị trí còn lại như Ngọa Vân 1, Ngọa Vân 2 và Ngọa Vân 6 hiện chưa biết rõ công năng.

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Chùa Ngọa Vân và Am Ngọa Vân


Am Ngọa Vân nay là chùa Ngọa Vân, nằm cách chùa Ngọa Vân khoảng 200m về phía Bắc, lấy ngọn Ngọa Vân làm tay ngai phải (hữu bạch hổ) và cánh núi phía Đông của núi Bảo Đài làm tay ngai trái (tả thanh long).


1. Chùa Ngọa Vân



Dấu tích chùa Ngọa Vân, kiến trúc đầu thế kỷ XX. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Chùa nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài (Vây Rồng), ở độ cao trung bình 588m – 644m so với mặt nước biển, tựa lưng vào núi Bảo Đài, mặt trước có Ngọn Bút là tiền án. Chùa là một cụm các công trình phân bố từ chân lên đỉnh của ngọn Ngọa Vân (Ngọa Vân Phong), nơi nhân dân hiện nay quen gọi là khu Chùa đổ hay Nhà Mẫu và Bàn Cờ tiên.


Những nghiên cứu khảo cổ học tại đây đã cho thấy, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, Pháp Loa đã cho xây dựng và mở rộng khu vực này thành trung tâm của Ngọa Vân. Bằng chứng về việc này là khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều gạch ngói, chân tảng và các loại hình vật liệu kiến trúc khác nhau của thời Trần, các di vật tìm được cho thấy, chùa Ngọa Vân thời Trần có quy mô lớn. Đặc biệt, dựa vào vào những chân tảng có kích thước lớn với phần u tròn nổi cao có đường kính trung bình từ 60- 70cm chúng ta có thể hình dung các kiến trúc ở đây là kiến trúc có kết cấu cột gỗ, đường kính cột trung bình 50-60cm, mái lợp ngói mũi sen hoặc mũi lá.

Ngói mũi sen thời Lê Trung hưng có in nổi hai chữ Vân Phong. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Thời Lê Trung hưng, sau thời gian dài bị xuống cấp, năm 1707 Ngọa Vân được trùng tu và xây dựng mở rộng. Năm 2009, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu vết nền móng của chùa Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng.



Chân bát hương, gốm men thời Lê Trung hưng. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng có mặt bằng hình chữ Nhị (二), trong đó kiến trúc thứ nhất (nằm phía trước) chỉ còn lại phần bó nền phía Đông; Kiến trúc thứ hai liền sát với kiến trúc thứ nhất về phía Bắc và gần sát với chân núi. Dấu vết còn lại của kiến trúc này gồm có: 16 chân tảng và gia cố chân tảng, bó nền phía Bắc, một phần bó nền phía Nam và dấu vết gia cố của bó nền phía Đông. 16 chân tảng và gia cố chân tảng xếp thành 6 hàng, theo chiều Bắc – Nam ghé Đông khoảng 10 độ.

Căn cứ vào các chân tảng, gia cố chân tảng và dấu vết bó nền còn lại các nhà khảo cổ học đã xác định kiến trúc thứ hai có mặt bằng hình chữ nhật, với kết cấu 3 gian, 2 chái, 6 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, trong đó 3 gian giữa rộng 3,5m, hai chái rộng 1,7m, khoảng cách giữa hai cột cái trong một hàng là 3,5m; giữa cột cái và cột quân là 1,7m. Bên cạnh các di tích còn lại, tại đây cũng tìm thấy nhiều ngói mũi sen thời Lê Trung hưng cùng nhiều đồ gốm sứ, trong đó có những mảnh bát hương là những đồ gốm men chất lượng cao và có giá trị của đương thời. Trong số ngói mũi sen tìm được ở đây, đáng lưu ý có nhiều viên có in nổi hai chữ Vân Phong (雲 峯) ở mặt trên của ngói. Như đã trình bày, Vân Phong là tên gọi khác hay chính là cách gọi tắt của Ngọa Vân Phong.




Dấu vết mặt bằng hai tòa bảo điện chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVIII Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Bản vẽ cấu trúc mặt bằng tòa bảo điện thứ hai chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng


Bát, sứ thời Minh thế kỷ XVI. Ảnh: Nguyễn Văn Anh



Như vậy, dưới thời Lê Trung hưng, chùa Ngọa Vân có mặt bằng hình chữ nhị gồm hai tòa nhà bằng gỗ, nằm song song và liền sát nhau với cấu trúc 3 gian 2 chái, mái lợp ngói mũi sen, trên ngói có in nổi hai chữ Vân Phong là tên gọi khác của chùa, đây cũng chính là hai tòa bảo điện được nhắc tới trong bia Trùng tu chùa Ngọa Vân.



Tượng, đất nung, thời Lê Trung hưng Ảnh: Nguyễn Văn Anh



Ngoài dấu vết chùa chính, khảo cổ học cũng đã tìm thấy khu nhà ở dành cho tăng/ni ở phía dưới và đặc biệt, trên đỉnh Ngọa Vân, nơi thường được gọi là Bàn cờ tiên, tại đó có 1 nền kiến trúc kích thước 9,6x8,6m. Đó chính là dấu vết còn lạicủa Tịnh thất nơi các vị cao tăng/nhà sư trụ trì thiền định.

Như vậy, với những di tích, di vật đã được phát hiện, nghiên cứu có thể thấy chùaNgọa Vân thời Lê Trung hưng gồm 3 khu: Khu nhà tăng ở phía dưới, khu chùa nằm ở trung tâm và trên cùng là tịnh thất, trong đó Chùa, Tịnh thất và ngọn Tháp Bút nằm trên một đường thẳng, đó chính là trục Thần đạo của chùa Ngọa Vân.


Các ghi chép của thời Nguyễn không thấy nhắc tới các công trình đã được xâydựng từ thời Lê Trung hưng. Bản họa đồ giới hạn chùa Ngọa Vân trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí đều không nhắc đến các công trình kiến trúc ở đây. Như vậy, đến thời Nguyễn, tức là sau hơn 100 năm các công trình được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng có lẽ đã bị phá hủy.


Đầu thế kỷ 20, nhân dân làng Đốc Trại (nay là làng Trại Lốc), làng được nhàNguyễn giao cho trông coi và thờ phụng lăng tẩm của các vua Trần và chùa NgọaVân đã xây dựng một số kiến trúc nhỏ để làm nơi thờ phụng, công trình kiến trúcxây bằng đá nằm dịch về phía Tây hiện còn chính là chùa Ngọa Vân do dân làngĐốc Trại xây dựng vào đầu thế kỷ XX.

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển, nằm dọc theo chiềuTây Nam – Đông Bắc, đầu hồi phía Tây – Nam mở 3 cửa vòm và là mặt trước của chùa. Phần mái kiến trúc đã mất, chỉ còn 4 bức tường, trên tường có trổ các cửa.Trên cửa chính đắp nổi một bức hoành phi hình chữ nhật, trong đề ba chữ Ngoạ Vân tự (卧雲寺), tức là chùa Ngoạ Vân. Như vậy, đến thời Nguyễn, mặc dù quy mô có bị thu hẹp lại nhưng đây vẫn là vị trí của chùa. Sau này, tại đây người ta không chỉ thờ Phật mà còn phối thờ Mẫu nên nó còn được gọi là Nhà Mẫu.
2. Am Ngọa Vân



Toàn cảnh khu Am Ngọa Vân Ảnh: Bùi Minh Trí


Am Ngọa Vân nay là chùa Ngọa Vân, nằm cách chùa Ngọa Vân khoảng 200m về phía Bắc, lấy ngọn Ngọa Vân làm tay ngai phải (hữu bạch hổ) và cánh núi phía Đông của núi Bảo Đài làm tay ngai trái (tả thanh long). Tháng 5 năm 1307, sau một thời gian tu hành, giảng pháp và vân du khắp nơi để dạy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, Trúc Lâm đại sĩ đã lên tu tại một am nhỏ trên Ngọa Vân, am nhỏ đó được gọi tên theo tên của ngọn núi nơi dựng am tức là am Ngọa Vân.


Các ghi chép về hành trạng tu hành của Trúc Lâm đại sĩ và các di tích, di vật mà khảo cổ học tìm được tại Ngọa Vân cho thấy, ban đầu khi Trúc Lâm đại sĩ đếnNgọa Vân ngài chỉ cho dựng một am nhỏ gọi là am Ngọa Vân để tu hành. Giờ Tý,ngày 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tửnằm, Ngọa Vân đã trở thành điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Sau khi Trúc Lâm đại sĩ hóa Phật, đệ tử của Ngài tiến hành hỏa thiêu Ngài ngaytại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng một tòa bảo tháp để lưu giữ một phầnxá lỵ của Ngài tại đây. Ngọc cốt và xá lỵ còn lại được chuyển về kinh đô ThăngLong rồi sau đó được phân chia đi an trí ở nhiều nơi.

Là nơi Phật hoàng tu hành và đắc đạo, Ngọa Vân trở thành thánh địa của Thiềnphái Trúc Lâm, nên ngay sau khi Ngài mất, người nối dòng của Ngài là tổ Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Đến đây, Ngọa Vân không chỉ là amnhỏ nữa mà đã trở thành một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn trên dãy Yên Tử.Trong đó am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trải qua một thời gian dài suy vong của Phật giáo nói chung, Phật giáo Trúc Lâmnói riêng, các công trình kiến trúc ở Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Trầnkhông còn nữa. Đầu thế kỷ XVIII, thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng lại Ngọa Vân. Tại khu vực am Ngọa Vân, ông cho xây dựng lại Phật Hoàng tháp, nhà tổ làm nơi thờ tam tổ Trúc Lâm và một số công trình khác.

Bản vẽ mặt bằng chùa Ngọa Vân trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ




Ngày nay, nhà tổ đã bị phá hủy, nhưng các dấu vết nền móng còn lại và ba bệ hoa sen cho phép chúng ta hình dung phần nào diện mạo cũng như công năng của công trình nhà tổ ở đây. Một số công trình được xây dựng tại đây hiện còn đã minh chứng rõ cho một giai đoạn phục hưng và phát triển của Ngọa Vân thế kỷ XVIII, các công trình đó gồm:










- Dấu vết bó nền móng kè đá: Nửa phía Bắc có dấu tích nền móng được kè xếp đá rất cẩn thận với hai cấp nền: (1) cấp nền thứ nhất rộng hơn cấp nền hai, mặt phía nam của cấp nền này được kè xếp bằng đá theo kiểu tà luy, cao khoảng 7m, chính giữa có kê xếp bậc lên xuống; (2) cấp nền thứ hai cao hơn cấp nền thứ nhất khoảng 3m, mặt phía nam của cấp nền này được kè xếp bằng đá giống như ở cấp nền thứ nhất. Các cấp nền này đều đã được tu sửa nhiều lần.


- Tháp đá: Tại cấp nền thứ nhất hiện còn hai tháp được xây dựng bằng đá gạovà đá bán laterit.

Bệ tượng tam tổ, đá, thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVIII. Ảnh: Nguyễn Văn Anh



+ Tháp thứ nhất: nằm ở phía đông của cấp nền 1, có tên là tháp Đoan Nghiêm (端嚴塔). Tháp có mặt bằng hình vuông, có một tầng bệ, hai tầng thân và phần chóp tháp. Bệ tháp gồm hai tầng không trang trí hoa văn. Tầng thứ nhất cao 1,25m, mặt phía Nam mở 1 cửa, cửa cao 72cm, rộng 42cm, cánh cửa làm bằng đá (hiện đã vỡ); chính gữa mặt phía Nam của tầng hai chạm bức đại tự hình chữ nhật gồm 3 chữ Hán Đoan Nghiêm tháp (端嚴塔); Chóp tháp hình búp sen; Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị chạm nổi mười bảy chữ Hán “Nam mô Thiền Lâm thích tử ma ha tì kheo Đức Hưng thiền sư an tọa hạ” - (Nam mô a di đà Phật. Bài vị thờ ma ha tì kheo đệ tử phái Thiền Lâm, thiền sư Đức Hưng). Bài vị đặt trong tháp cho chúng ta biết, Đoan Nghiêm tháp là tháp mộ của thiền sư Đức Hưng.
Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân cho biết năm 1707 nhà sư chủ trì chùa Ngọa Vân là thiền sư hiệu Đức Hưng, tự là Viên Minh đứng ra trùng tu Ngọa Vân, đệ nhất cung tần Dương Thị Trinh và bà Dương Thị Phương người dạy hát trong ty Thị Nội làm thí chủ. Như vậy, người được an trí trong tháp Đoan Nghiêm chính là Thiền sư Đức Hưng, người đã chủ trì trùng tu, xây dựng và mở rộng Ngọa Vân thế kỷ XVIII. Điều đó có nghĩa là, tháp Đoan Nghiêm cũng được xây dựng vào thời gian này.

Voi đá và ngựa đá chầu trước tháp Phật Hoàng Ảnh: Nguyễn Văn Anh



+ Tháp thứ hai nằm ở phía tây của cấp nền 1, có tên là tháp Phật Hoàng (佛皇塔). Về cấu trúc, tháp Phật Hoàng không khác biệt nhiều so với Đoan Nghiêm tháp. Chính giữa mặt Nam tầng thứ hai chạm nổi ba chữ Hán Phật Hoàng Tháp (佛皇塔) trong khung hình chữ nhật. Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, bài vị ghi “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương Phật” - (Nam mô a di đà Phật. Bài vị thờ Điều ngự vương Phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần, Hoàng đế Nhân Tông). Nội dung chữ khắc trên bài vị cho biết đây là tháp chứa xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Bài vị đặt trong tháp Phật Hoàng. Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Trước mặt tháp có một tấm bia đá hình chữ nhật, được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), nội dung bia ghi “Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng, Trần triều Nhân Tông hoàng đế lăng sắc tạo”. (Nghĩa là: Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), phụng sắc tạo (bia) lăng hoàng đế Trần Nhân Tông.).


Bên cạnh bia đá, ở đây còn một tượng voi và một tượng ngựa. Tượng voi còn khánguyên và được tạc ở tư thế phủ phục. Tượng ngựa đã bị đập vỡ chỉ còn nửa phía sau. Trong quy định về chế độ táng thức của các triều đại phong kiến, chỉ có tầng lớp quý tộc như vua quan mới được dựng tượng voi, tượng ngựa ở trước lăngtẩm. Ở đây, Phật Hoàng tháp là nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tôngmột nhà vua đi tu và đắc đạo vì vậy mới có ngựa đá, voi đá phủ phục, trong khi đó ở Đoan Nghiêm tháp không có điều đó.

- Bia đá: Có hai bia, bia thứ nhất nay được dựng ở phía trước am Sơn Thần thuộc cấp nền thứ hai. Bia có tên Trùng tu Ngoạ Vân tự (bia ghi chép về việc trùng tu chùa Ngoạ Vân). Bia làm bằng đá xanh gồm 2 phần đế và thân, đế bia hình chữ nhật, cao 20cm, dài 129cm, rộng 52cm; thân bia rộng 91cm, cao 125cm, diềm thân trang trí văn mây, trán bia hình bán nguyệt trang trí mặt nguyệt ở gữa, hai bên văn mây hóa rồng. Bia được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707). Hai mặt chính khắc chữ (xem thêm phụ lục phiên âm, dịch nghĩa văn bia hiện còn tại Ngọa Vân), mặt trước của bia ghi chép về việc trùng tu chùa Ngọa Vân (重修卧雲寺碑記), nội dung bài văn ở mặt này có thể vắn tắt như sau:

Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Ngọa Vân là nơi cảnh Phật cõi thiêng, cách đây hơn 400 năm vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để dựng am tu hành. Trải qua thời gian bị quên lãng, nay nhà sư trụ trì chùa Ngọa Vân là Thiền sư Đức Hưng, tự là Viên Minh với sự phát tâm công đức của tín chủ Diệu Tín, một người dạy hát ở cung Thị Nội và bà Dương Thị Trinh, đệ nhất cung tần của ty Thị Nội đã trùng tu và xây dựng “gác chuông và tăng phòng, tổng cộng là 25 gian, làm hai tòa bảo điện, dựng một tấm bia đá, làm thêm Kim am, Hương Vân am, Giải Thoát am, tất thảy đều kiên cố, thâm nghiêm”.


Mặt sau của bia ghi chép họ tên những người phát tâm công đức với tựa đề Công đức bi ký (功德碑記). Ngoài ra, đáng lưu ý ở mặt này còn khắc thêm Sắc chỉ của chúa Trịnh ban hành ngày 24 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 10 (1689). Trong sắclệnh này, chúa Trịnh đã giao cho xã An Sinh trông nom, thờ phụng lăng tẩm các vua Trần tại đền An Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Tư Phúc và hàng năm dân xã An Sinh được miễn trừ sưu sai, tạp dịch.


Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân là một nguồn tư liệu rất quý của chùa, nó không chỉ cung cấp những tư liệu về việc trùng tu chùa Ngọa Vân dưới thời Lê Trung hưng mà còn cho biết vị trí của Ngọa Vân trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử. Nó góp thêm những bằng chứng quan trọng minh chứng rõ ràng rằng Ngọa Vân là một quần thể di tích lớn khác của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử nằm ngoài khu di tích danh thắng Yên Tử ngày nay. Hay nói cách khác, khái niệm Yên Tử xưa là một không gian rộng lớn chạy dài từ Uông Bí qua Đông Triều đến một phần của Chí Linh ngày nay, đó là một không gian văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm, trong không gian đó Ngọa Vân là trung tâm và là thánh địa của thiền phái Trúc Lâm.

- Các kiến trúc xây dựng đầu thế kỷ XX: Các dấu vết kiến trúc còn lại tập trung ở cấp nền thứ hai, gồm chùa hiện nay, am Sơn Thần và am Ngọa Vân. Các công trình này được nhân dân làng Đốc Trại (nay là làng Trại Lốc)12 tổ chức xây dựng làm nơi thờ tự.

+ Nhà Tổ: Đến thời Nguyễn các kiến trúc tại am Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng phần lớn đã bị phá hủy hoặc xuống cấp. Trước bối cảnh đó, dân

1. Xem thêm Nguyễn Văn Anh, Đền Thái, đình Đốc Trại và lịch sử hình thànhcác trại ở An Sinh. tạp chí Khảo cổ học, số 5/2011, tr 48-52.
làng Đốc Trại đã tổ chức xây dựng một số công trình mới để làm nơi thờ cúng. Tại vị trí trước đây là Nhà Tổ, dân làng đã cho xây dựng một kiến trúc để thờ Phật và thờ Tam tổ (Nhà Tổ). Nhà Tổ có mặt bằng hình chữ nhật có diện tích 50m2 (dài Đông - Tây 7,3m, rộng Bắc - Nam 6,4m), 3 gian lợp ngói, tường xây bằng đá, trước năm 2000 Nhà Tổ cũng bị đổ nát, năm 2000 Nhà Tổ được sửa chữa, lợp lại mái, đặt tượng,...Nhà Tổ trở thành chùa chính của Ngọa Vân như hiện nay.


+ Am thờ Sơn Thần: nằm ở phía đông của cấp nền hai, cách Nhà Tổ khoảng 10mvề phía Đông. Nhà tổ là một kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 9,2m2 (dài Bắc - Nam 3,46m, rộng Đông - Tây 2,67m) mái cuốn vòm bằng gạch, hồi phíaNam mở 1 cửa, trên cửa đắp nổi 1 cuốn thư trong đắp nổi ba chữ Hán “Thiên Sơn Từ” (千山祠)

tức là nơi thờ các vị thần. Hai cột bên có đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi vùngđất nơi cảnh Phật cõi tiên bốn mùa cảnh sắc tươi tốt. “Tứ thời cảnh sắc tân; Vạn cổ anh linh tự” - (Muôn thuở chùa linh ứng; Bốn mùa cảnh sắc tươi).

+ Am Ngọa Vân: nằm ở phía tây của cấp nền hai, hơi lui về phía bắc, cao hơn cấp nền 2 khoảng 3m. Am xây bằng gạch, mái cuốn vòm bằng gạch giống như am Sơn Thần. Hồi phía Nam mở một cửa ra vào, trên đề 3 chữ Hán Ngoạ Vân Am (卧雲庵) tức là am Ngọa Vân. Theo truyền thuyết, khi Phật Hoàng nhập niết bàn, Ngài nằm ở tư thế sư tử nằm trên một tảng đá lớn. Theo mô tả của sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ thì tảng đá nơi Phật Hoàng nhập niết bàn được gọi là Đá Niết bàn, nó nằm cách tháp Phật Hoàng 23,5m; Đá Niết bàn có chiều dài 4,40m; chiều rộng 3,65m và cao 2,44m.

Am Ngọa Vân, kiến trúc đầu thế kỷ XX Ảnh: Nguyễn Văn Anh


Điều đáng lưu ý là, bản vẽ mặt bằng chùa Ngọa Vân trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ có vẽ hình tảng Niết bàn, chùa Ngọa Vân, hai tòa tháp, bia đá với kích thước cụ thể nhưng không có Am Ngọa Vân. Chi tiết này cho phép chúng ta suy đoán rằng, đến đầu thế kỷ XX, người ta đã xây dựng am Ngọa Vân lên vị trí vốn là tảng đá mà tương truyền là nơi Phật Hoàng nhập niết bàn.


Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Những di tích hiện còn lại ở Ngọa Vân

Như trên đã trình bày, am Ngọa Vân ban đầu chỉ là một am nhỏ được xây dựng trên đỉnh Ngọa Vân. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái Trúc Lâm, khu vực am Ngọa Vân được xây dựng và mở rộng với nhiều điểm chùa am khác nhau, biến Ngọa Vân thành một quần thể chùa tháp trên núi Bảo Đài. 

Đến thời Lê Trung hưng, khi Phật giáo được phục hưng, nhờ sự phát tâm công đức của phật tử và triều đình, các sư tăng của Thiền phái Trúc Lâm đã cho trùng tu, tôn tạo và xây dựng mở rộng Ngọa Vân, nhiều chùa tháp được mở rộng và xây mới về phía Đông. Nhưng trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và những biến thiên của xã hội, quần thể chùa tháp Ngọa Vân phần lớn đã bị đổ nát và dần chìm vào quên lãng, số di tích còn lại chủ yếu là các di tích được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn, các di tích thời Trần đã bị phá hủy hoàn toàn.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học từ năm 2007, đến nay (2013) đã phát hiện được tổng cộng 15 điểm di tích, chia thành 4 khu, các di tích đều đã bị phá hủy nên tên gọi của di tích phần lớn được gọi theo tên dân gian hiện đang sử dụng hoặc được đặt theo thứ tự phát hiện, những di tích nào sau khi nghiên cứu và định danh được thì gọi theo kết quả nghiên cứu.

Đi theo con đường hành hương từ đền An Sinh, qua khu vực lăng tẩm nhà Trần, men theo suối Phủ Am Trà qua khu Tàn Lọng đến Phủ Am Trà đến dốc Đô Kiệu qua Thông Đàn, đến chùa, am Ngọa Vân rồi vòng tiếp về phía Đông, đến Ngọa Vân 1, Ngọa Vân 2 ra Đá Chồng và đến khu Ba Bậc là chúng ta đã đi một vòng từ phía Tây về phía Đông của toàn bộ quần thể di tích Ngọa Vân. Để tiện theo dõi cũng như nắm bắt những thông tin cơ bản về di tích ở đây, xin giới thiệu một cách khái quát vị trí, tên gọi, lịch sử hình thành và các dấu vết hiện còn của từng điểm di tích trong quần thể di tích Ngọa Vân.

1. Tàn Lọng

theo câu chuyện dân gian kể về việc tu hành, đắc đạo của vua Phật Trần Nhân Tông hiện còn được kể tại một số làng trong khu vực An Sinh, Tràng An thì, trước khi đến Cửa Phủ phải qua khu vực gọi là khu Tàn Lọng. Tàn Lọng có nghĩa là thu lọng lại. Tàn Lọng là vị trí nằm trên đường lên am Ngọa Vân, đến đây là bắt đầu đi vào rừng già, đường hẹp vì thế không cần và không thể che lọng được nữa và cũng bởi “rừng già che bóng mát, lọng vua không cần che” do vậy phải thu lọng lại.

Trên thực tế thật khó để xác định vị trí chính xác của Tàn Lọng là ở đâu vì việc hạ lọng cũng hoàn toàn không cố định và không bắt buộc. Theo truyền thuyết thì Tàn Lọng là vị trí bãi xe trâu của người Hoa sau này, nó cách Phủ Am Trà khoảng 250-300m về phía hạ nguồn suối Phủ Am Trà. Mặc dù chỉ là truyền thuyết song có thể thấy nó cũng phản ánh ít nhiều sự thật lịch sử. Quan sát bước tranh Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn chi đồ, bức vẽ mô tả Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuống núi chúng ta thấy Phật Hoàng ngồi trên võng, phía sau có người che lọng. Như vậy, việc tồn tại một địa danh gọi là Tàn Lọng cũng có thể hiểu và tin được.

2. Phủ Am Trà
 Phủ Am Trà

Phủ Am Trà hay còn gọi là Cửa Phủ nằm cách Đô Kiệu khoảng 1000m về phía hạ nguồn của suối Phủ Am Trà, cách Tàn Lọng khoảng 250-300m. Đó là một khu đất hẹp tương đối bằng phẳng nằm cao hơn suối khoảng 5m. Dấu vết còn lại ở khu vực Cửa Phủ là nền móng của một kiến trúc nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Cửa Phủ hiện là nơi thờ thần rừng, thần núi với tư cách như người cai quản khu rừng này, do vậy trước khi vào rừng mọi người phải qua đây thắp hương với ý để xin phép hay trình báo và cầu mong được các vị thần rừng, núi che chở vào bảo vệ. Về mặt tự nhiên, hiện nay, bắt đầu từ khu vực này là phạm vi rừng già, tuy nhiên vào thời Trần hẳn nó phải nằm sâu trong rừng, tức là cửa rừng phải ở xa phía ngoài hơn nữa.

Một điều đáng lưu ý nữa là tên địa danh “Phủ Am Trà”. Phủ và Am là hai khái niệm để chỉ công trình có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, Phủ là nơi thờ nhân thần hoặc thiên thần, còn Am là nơi các tu sĩ Phật giáo tu học. Do vậy, có lẽ trước khi là phủ thì ở đây có một am nói cách khác vị trí của Cửa Phủ vốn trước đó là vị trí của Am có tên gọi là Am Trà nên khi xây dựng phủ người ta đã lấy luôn tên của am để đặt tên cho phủ, vì vậy Phủ được gọi là Phủ Am Trà. Dòng suối chính ở đây cũng được gọi theo tên gọi của phủ này, nó được gọi là suối Phủ Am Trà là vì thế.

3. Đô Kiệu
 Đ/c Vũ Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều khảo sát di tích Ngọa Vân. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

Đô Kiệu nằm cách Cửa Phủ khoảng 1000m về phía thượng nguồn suối Phủ Am Trà. Đô Kiệu nằm ở vị trí ngã ba của hai dòng suối dồn nước vào suối Phủ Am Trà, tới đây cũng là nơi kết thúc đoạn đường tương đối bằng phẳng, từ đây để lên am Ngọa Vân là phải leo dốc, dốc cao và dài, hai bên là vực sâu. Theo truyền thuyết, Đô Kiệu là nơi dừng kiệu. Trên thực tế với địa hình như dốc này không thể nào đi kiệu được vì thế, xét về mặt ngữ âm, Đô Kiệu chính là cách đọc chệch của Đỗ Kiệu.

Tại Đô Kiệu còn lại nhiều điểm di tích nhỏ, chúng phân bố thành hai khu. Khu vực thứ nhất phân bố trên vị trí đất tương đối bằng phẳng đối diện với khu vực thứ hai qua ngã ba suối Phủ Am Trà tại dốc Đô Kiệu. Khu vực thứ nhất còn một số bó nền kiến trúc, đặc biệt khu này có nhiều loại cây ăn quả như bòng (bưởi), nhãn, vải,.. Chính vì vậy, khu vực này còn được gọi là khu bạt bòng, bạt vải. Trong phạm vi các nền kiến trúc chưa tìm thấy dấu vết của gạch ngói hay các tảng kê chân cột.

Khu vực thứ hai nằm trên sườn phía nam chân núi khu vực Thông Đàn 1, nơi được gọi là dốc Đô Kiệu. Tại đây có 2 cấp nền chính, cấp thứ nhất cao hơn suối khoảng 3m, cấp thứ hai cao hơn cấp thứ nhất nhất khoảng 2m. 
Ngói mũi sen in nổi hai chữ Vân Phong tìm thấy tại Đô Kiệu Ảnh: Giang Vĩnh Thịnh

Hai cấp nền được hình thành bằng việc bạt núi, kè nền để tạo mặt bằng. Trên hai cấp nền này hiện còn một số loại hình vật liệu kiến trúc của thời Trần và thời Lê Trung hưng, trong đó ngói mũi sen thời Lê Trung hưng rất phổ biến. Đặc biệt tại đây cũng đã tìm thấy loại ngói cánh sen trên lưng in nổi hai chữ Vân Phong (雲 夆) là tên khác của chùa Ngọa Vân. Việc tìm thấy loại ngói này ở Đô Kiệu đã chứng minh Đô Kiệu là một phần trong quần thể của Ngọa Vân. Với vị trí và các dấu vết hiện còn tại hai khu vực Đô Kiệu có thể suy đoán chức năng khu vực thứ nhất là khu sinh hoạt với các kiến trúc nhỏ, vườn cây,... và khu vực thứ hai là khu thờ tự.

4. Thông Đàn
 Di tích Thông Đàn 1 sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

Thông Đàn là một cụm gồm 3 điểm di tích (được các nhà khảo cổ học gọi là Thông Đàn 1, Thông Đàn 2 và Thông Đàn 3) phân bố trên ba sườn núi kéo dài về phía Tây Nam của núi Vây Rồng, trên độ cao trung bình 430 đến 480m so với mặt nước biển. Có nhiều cách giải thích về địa danh Thông Đàn. Có ý kiến cho rằng do ở đây có nhiều cây thông cổ nên gọi là Thông Đàn; ý kiến khác thì cho rằng do có nhiều cây thông cổ, thân và tán cây lớn, ngồi dưới tán cây mỗi khi gió thổi các âm thanh nhiều cung bậc giống như một dàn nhạc mà mỗi cây thông là một nhạc công vì thế nên gọi là Thông Đàn, ý kiến này nghe có vẻ hợp lý hơn cả (!).

Cả ba điểm di tích tại Thông Đàn đều tìm thấy các dấu vết kiến trúc từ thời Trần cho đến thời Lê, Nguyễn, trong đó Thông Đàn 1 ở giữa và nằm trên con đường chính lên am Ngọa Vân đóng vai trò như trục chính của cả khu Thông Đàn. Tại đây, từ năm 2007 đến 2009 các nhà khảo cổ học đã tiến hành các cuộc điều tra và nghiên cứu khảo cổ học. Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học đã cho thấy từ thời Trần tại Thông Đàn 1 đã có các công trình kiến trúc bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen được xây dựng để làm nơi thờ tự, các thời sau tiếp tục tôn tạo, xây dựng và phát triển. Thời Lê Trung hưng, cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là giai đoạn phục hưng mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm, quần thể di tích Ngọa Vân được trùng tu, tôn tạo và mở rộng, Thông Đàn 1 cũng được trùng tu tôn tạo. Dưới thời Lê Trung hưng, tại đây có 2 tòa tháp bằng đá, tháp thứ nhất được xây dựng ở cấp nền trên là tháp Thờ Phật (Phụng Phật tháp - 奉佛塔); Tháp thứ hai được xây dựng ở cấp nền dưới là tháp mộ của một vị Thiền sư mà theo bài vị đặt trong lòng tháp thì thiền sư này thuộc Thiền phái Trúc Lâm, có tên chữ là Viên Mãn Chân Giác vì thế tháp này còn được gọi là tháp Viên Mãn Chân Giác thiền sư. Hai tòa tháp này tồn tại cho đến khoảng những năm 80 của thế kỷ 20 thì bị sập đổ. Năm 2012, với sự hỗ trợ về tài chính của Tập Đoàn An Viên, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Triều và các Phòng ban chức năng của huyện cùng sự tham gia của cán bộ, nhân dân hai xã An Sinh, Bình Khê đã trùng tu phục dựng thành công hai tòa tháp và xây dựng lại toàn bộ khuôn viên di tích Thông Đàn 1, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền, nhân dân địa phương, đồng thời mở đầu cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Ngọa Vân.

Đ/c Nguyễn Văn Lương, Nguyên PCT UBND huyện cùng các nhà khảo cổ học khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Bùi Minh Trí
Đ/c Nguyễn Thị Huân - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Lê Đình Ngọc

Những khảo sát mới đây đã tìm thấy ở phía trên của tháp Phụng Phật, nơi có một mặt bằng rộng khoảng 40m2, nằm cao hơn so với khu vực tháp khoảng 50m có một nền kiến trúc, nền kiến trúc này có thể là một Tịnh thất, nơi dành cho việc tu thiền. Các Tịnh thất kiểu này cũng được tìm thấy ở cụm chùa Ngọa Vân và ở khu Đá Chồng. Ở chùa Hồ Thiên tịnh thất cũng được xây dựng ở trên đỉnh núi phía sau chùa, đây chính là đặc trưng về cấu trúc mặt bằng của một cụm chùa của Thiền phái Trúc Lâm.

Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013