Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Sự thực về thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45


Trọng Nghĩa (RFI)
Cam Bốt là nước duy nhất chống lại việc nêu các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông trong tuyên bố chung của ASEAN. Sự thực này vừa được giáo sư Carlyle Thayer nêu rõ trong một bài đăng trên báo mạng Asia Times ngày 27/07/2012, tựa đề “Trong hậu trường của sự cố tại ASEAN / Behind the scenes of ASEAN's breakdown”, dựa theo một tài liệu “nội bộ” ghi lại cụ thể diễn tiến cuộc họp kín (Retreat) ngày 09/07/2012 của các Ngoại trưởng ASEAN nhân Hội nghị thường niên AMM 45 tại Phnom Penh.

Tài liệu này xác định rõ các yêu cầu cụ thể của Việt Nam và Philippines trong cuộc họp, cũng như vai trò chủ chốt của Cam Bốt trong việc phá vỡ đồng thuận trong ASEAN về hồ sơ Biển Đông. RFI xin giới thiệu cùng quý vị bài phân tích của giáo sư Thayer : 

Mới đây, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã tiến hành một chuyến ngoại giao con thoi căng thẳng (24-25/07/2012), đến Cam Bốt, Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia để bảo đảm được một thỏa thuận của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Sáu Nguyên tắc về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Khi được đài truyền hình Úc ABC yêu cầu tóm lược kết quả của những nỗ lực của ông, ông trả lời rằng ASEAN đã “trở lại hoạt động như bình thường”.

Ông Natalegawa hàm ý rằng ông đã khắc phục được khó khăn nẩy sinh từ việc ASEAN đã phô bày tình trạng xáo trộn khi các ngoại trưởng của nhóm đã không thể đạt thỏa thuận về bốn đoạn liên quan đến Biển Đông trong một dự thảo thông cáo chung để tóm tắt kết quả cuộc họp của họ. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) do Cam Bốt là chủ nhà đã không đồng ý được về một tuyên bố chung.

Sau vòng công du chớp nhoáng của Ngoại trưởng Indonesia, ngày 20/07/2012, ASEAN đã công bố bản Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông. Thế nhưng, theo ghi nhận của Giáo sư Thayer, Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Nam Hong đã không nhịn được việc quy tội cho Việt Nam và Philippines là đã làm hội nghị ASEAN thất bại trong việc đưa ra thông cáo chung. Ông Thayer viết tiếp :

(…) Diễn tiến cuộc họp kín Retreat của Ngoại trưởng ASEAN (AMM), tuy nhiên, đã kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo các ghi chú về những gì được thảo luận do một người tham gia cuộc họp thực hiện mà tác giả bài viết này đã xem xét, thì Cam Bốt đã hai lần bác bỏ cố gắng của Philippines, Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN, muốn đưa vào văn kiện một điều nhắc đến những diễn biến gần đây ở Biển Đông). Lần nào cững vậy, Cam Bốt đều đe dọa rằng họ không ra thông cáo chung.

Có 5 nước trực tiếp đòi đề cập đến các diễn biến tại Biển Đông

Vấn đề Biển Đông đã được thảo luận trong phiên họp toàn thể của cuộc họp kín AMM Retreat. Philippines phát biểu đầu tiên, tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Lào, Miến Điện, Singapore và Cam Bốt.

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã mô tả một số ví dụ trong quá khứ và hiện tại về hành động “bành trướng và gây hấn” của Trung Quốc, ngăn không cho “Philippines thực thi pháp luật và buộc Philippines phải rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chính mình”.

Ông Del Rosario nêu lên một câu hỏi mang tính chất tu từ : “Giá trị thực thụ của các Quy tắc Ứng xử (COC) sẽ là gì nếu chúng ta không thể duy trì được bản DOC [Tuyên bố về ứng xử của các bên] ?”, đạt được lần đầu tiên với Trung Quốc vào năm 2002. Ông Del Rosario đã kết thúc bài phát biểu của ông bằng nhận định : “Điều quan trọng là cam kết chung của ASEAN tôn trọng bản [DOC] được phản ánh trong thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.

Bốn quốc gia khác cũng đã trực tiếp đề cập đến điểm này. Việt Nam đã mô tả việc Trung Quốc gần đây đã thiết lập thành phố Tam Sa, bao trùm các đảo tranh chấp tại Biển Đông và việc Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC mời ngoại quốc đấu thầu thăm dò các vùng biển đang tranh chấp khác như là những hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (của mình)”. Việt Nam cho rằng thông cáo chung nên phản ánh điều này.

Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ASEAN có chung một tiếng nói và cho rằng những diễn biến gần đây là mối quan ngại chung của tất cả các nước ASEAN. Indonesia tán đồng việc đúc kết một bộ Quy tắc Ứng xử và hứa sẽ “lưu hành một văn kiện để thảo luận không chính thức (non-paper) về các yếu tố có thể có và có thể bổ sung vào bản COC”.
Malaysia tán đồng ý kiến của Indonesia và nhấn mạnh : “Chúng ta phải nói một tiếng nói duy nhất; ASEAN phải cho thấy là mình có một tiếng nói thống nhất, (nếu không) uy tín của chúng ta sẽ bị xói mòn”.

Malaysia kết luận, “Chúng ta phải đề cập đến tình hình Biển Đông, đặc biệt là đến bất kỳ hành động nào đi ngược lại luật pháp quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hoàn toàn không thể chấp nhận việc chúng ta không ghi vấn đề này vào thông cáo chung. Điều quan trọng là ASEAN phải thể hiện rõ ràng trong thông cáo chung mối quan ngại của chúng ta về vấn đề Biển Đông.

Singapore ghi nhận rằng “các diễn biến gần đây đặc biệt đáng quan ngại” vì làm dấy lên “những cách giải thích lạ kỳ về luật pháp quốc tế có thể làm suy yếu toàn bộ cơ chế của UNCLOS” (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ). Singapore kết luận bằng lập luận : “Điều quan trọng là ASEAN phải thể hiện rõ ràng trong thông cáo chung mối quan ngại của chúng ta về Biển Đông… [Sẽ] tai hại cho chúng ta nếu chúng ta không nói gì”.

Đồng thuận của 9 nước ASEAN bị một mình Cam Bốt phá vỡ

Trước lúc Cam Bốt lên tiếng, không một nước nào lấy làm lạ về các phát biểu của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore.

Khi đến phiên Cam Bốt, Ngoại trưởng nước này thắc mắc là tại sao lại cần phải đề cập đến bãi cạn Scarborough Shoal, nơi Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau trong hai tháng trời.
Sau đó ông đột ngột tuyên bố, "Tôi cần phải nói thẳng với quý vị : Trong trường hợp chúng ta không tìm ra lối thoát, Cam Bốt sẽ không còn phương cách nào khác để xử lý vấn đề này. Và do đó, sẽ không có văn bản nào cả. Chúng ta không nên áp đặt quan điểm quốc gia, chúng ta nên cố gắng phản ánh quan điểm chung trên tinh thần thỏa hiệp với nhau”.

Đến lúc đó, các cuộc thảo luận đã trở thành nóng bỏng, với cả Philippines lẫn Việt Nam tiếp tục tranh luận về lập trường của mình. Malaysia, Indonesia và Singapore đã can thiệp bổ sung.
Cuộc họp kín AMM Retreat đã kết thúc với tuyên bố của Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Nam Hong: “Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được [thỏa thuận] dù có ngồi lại đây thêm bốn hoặc năm tiếng nữa... Nếu quý vị không thể đồng ý về nội dung của thông cáo chung, (thì) chúng tôi không còn cách nào khác để xử lý vấn đề trong tư cách Chủ tịch ASEAN.”

Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa đã hoàn toàn đúng khi nói rằng mặc dù không có thông cáo chung, nhưng các Ngoại trưởng ASEAN đã đạt được thỏa thuận về "các yếu tố then chốt" của một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Theo ông, vòng ngoại giao con thoi của ông đã có kết quả là các ngoại trưởng ASEAN đã đồng ý để “sớm đúc kết một bộ Quy tắc Ưng xử Khu vực ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”.

Cam Bốt, trong tư cách là Chủ tịch ASEAN, đã chủ trì hai cuộc họp không chính thức các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc để thảo luận về bước tiến tới bộ COC. Trung Quốc công khai thông báo rằng họ sẵn sàng để tham gia vào các cuộc thảo luận chính thức với ASEAN “khi điều kiện chín muồi”

Nếu mọi sự diễn tiến theo kế hoạch, quan chức cao cấp của ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận về các thủ tục thảo luận sắp tới. Họ vẫn cần phải xác định xem sẽ gặp nhau ở cấp nào, theo nhịp độ nào, và báo cáo cho ai. Các cuộc thảo luận chính thức được lên kế hoạch vào tháng Chín và các quan chức ASEAN hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán vào tháng Mười Một.

Sự can thiệp của Indonesia là lời cảnh cáo Cam Bốt

Vòng ngoại giao con thoi của ông Natalegawa đã mang lại nhuệ khí cần thiết cho ASEAN. Nỗ lực của ông cũng đã giúp xua tan những suy nghĩ bên ngoài khu vực Đông Nam Á rằng đã có mất đoàn kết giữa các thành viên ASEAN về việc làm thế nào để xử lý vấn đề Biển Đông.

Quan trọng hơn, sự can thiệp của Indonesia là lời cảnh cáo đối với Cam Bốt rằng dù là chủ tịch ASEAN năm 2012, họ không thể đơn phương kiểm soát chương trình nghị sự của ASEAN.

Quyết định can thiệp của ông Natalegawa là điều chưa từng thấy vì ông thực hiện vai trò lãnh đạo vốn thường do chủ tich ASEAN đảm trách. Điều này còn là tín hiệu cho thấy là Indonesia sẵn sàng đóng một vai trò chủ động hơn trong các vấn đề khu vực. Điều đó trái ngược hẳn với những năm Suharto khi Indonesia, dù được xem là nhà lãnh đạo tự nhiên của khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn thường đóng một vai trò kín đáo “mềm mỏng, nhẹ nhàng” hơn.

Trung Quốc sẽ vẫn vừa đàm phán COC với ASEAN vừa thúc ép Việt Nam và Philippines

Tuy nhiên, câu nói của ông Natalegawa rằng ASEAN đã “trở lại hoạt động như bình thường” có thể có một ý nghĩa khác. Ý nghĩa thứ hai này liên can ít nhiều đến các hành động quyết đoán mới của Trung Quốc nhằm áp đặt quyền tài phán của họ trên Biển Đông.

Điều đó đã được thực hiện dưới ba hình thức : Một là, Trung Quốc nâng Tam Sa từ cấp quận đến cấp thành phố và trao cho đơn vị này trách nhiệm quản lý hành chính trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Macclesfield Bank (Trung Sa). Chính quyền tỉnh Hải Nam đã vội vã bổ nhiệm các quan chức địa phương cho đơn vị mới này, và cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân được tổ chức.

Hai là, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã cử ngay 30 chiếc tàu thuyền đánh cá và bốn tàu hộ tống xuống đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Đội tàu thoạt đầu đánh bắt ngoài khơi đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trước khi chuyển sang Bãi Gạc Ma (Johnson South Reef), cả hai nơi này đều là khu vực có tranh chấp.

Điểm thứ ba, và quan trọng nhất, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ban hành một chỉ thị thành lập một đơn vị quân sự đồn trú quân sự ở thành phố Tam Sa. Đơn vị đồn trú này, với trụ sở chính đặt tại đảo Phú Lâm (Woody Island), sẽ có trách nhiệm về quốc phòng trên một vùng biển rộng hai triệu dặm vuông.

Trở lại như bình thường, theo cách hiểu thứ hai đó, có thể có nghĩa rằng trong khi ASEAN đàm phán về COC với Bắc Kinh, Trung Quốc được cho là sẽ có thể cùng lúc tiếp tục gây áp lực và hăm dọa cả Philippines lẫn Việt Nam, và tìm kiếm những cách khác để gieo mầm bất hòa giữa 10 thành viên của nhóm.

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Thủ khoa đạt điểm tuyệt đối đầu tiên của cả nước


Cô gái “thủ khoa tuyệt đối” kỳ thi vào đại học 2012 (30 điểm/3 môn) này là học sinh của một trường THPT TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nơi mà tôi đang bắt đầu cho con gái yêu của mình theo học những lớp đầu tiên trong đời.

Khi quyết định điều này, nhiều bạn bè, người thân đều băn khoăn hỏi sao  tôi không cho cháu về Sài Gòn học sẽ tốt hơn nhiều chứ. Tôi chỉ cười, tự nhủ: “Có thể tốt thật, nhưng ở Sài Gòn cũng còn có nhiều điều không tốt khiến cho những cái tốt đôi khi không còn hiệu quả trên thực tế nữa”.

Nhìn góc học tập của em Kim Phượng, tôi nhận ra căn nhà giản dị, khiêm tốn. Điều quan trọng của sự học là niềm đam mê, sự hứng thú và khát vọng  khám phá, vượt qua thử thách. Không có bất kỳ sự ép buộc hay ngoại lực,  thậm chí cả sự đầu tư thiếu hiểu biết về tiền bạc (dù có là vô tận) có thể thay thế được.

Kết quả của Kim Phượng càng củng cố quan niệm của tôi về giáo dục, về sự học và dạy học từ lâu nay. Giáo dục, dạy và học phải được thực hiện như một chuỗi hoạt động đánh thức những tiềm năng có sẵn trong mỗi con người và giúp họ tự mình nắm lấy thế giới của mình cũng như các cơ hội của chính bản thân mình bằng chính nội lực của họ. Cái xã hội mà con người ta chỉ có thể tiến thân bằng "ngoại viện" như là tiền bạc, thần thế, quyền hành, nịnh bợ, ton hót, tròn trịa như hòn bi đen... chỉ là một xã hội "phồn hoa" bên bờ vực thẩm, không biết ngày nào đó sẽ rơi tự do như một con diều dứt dây.

Tôi vẫn thường nghĩ tới điều mà em Phượng chia sẻ trong bài viết dưới đây: “Em không bao giờ quá gò bó việc học, chỉ cần học chắc và nắm vững kiến thức căn bản. Em thường tìm cách thư giãn bằng những sở thích của mình mỗi khi việc học bị căng thẳng. Ba mẹ và gia đình không bao giờ ép em học, việc học của em do tự mình sắp xếp”.

Xin giới thiệu với quý bà con vài nét về chân dung của cô gái “thủ khoa tuyệt đối” kỳ thi đại học 2012 trong bài viết dưới đây của Nguyễn Tiến, một đồng nghiệp của tôi tại Đà Lạt.

Xin cảm ơn anh Nguyễn Tiến.


Nguyễn Thị Kim Phượng – học sinh trường THPT Thăng Long (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng):

Thủ khoa đạt điểm tuyệt đối đầu tiên của cả nước

Khác với mọi hôm, mấy hôm nay căn nhà số 28/5 Trần Hưng Đạo, P.10, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng bỗng nhộn nhịp hơn hẳn. Rất đông người thân, thầy cô, bạn bè đã có mặt để chúc mừng cho cô học trò Nguyễn Kim Phượng, học sinh trường THPT Chuyên Thăng Long (TP. Đà Lạt) là người đầu tiên trong cả nước xuất sắc đạt 30 điểm ở kỳ thi đại học vừa qua.


Cô thủ khoa bên góc học tập giản dị của mình

Nghe thầy giáo của mình thông báo Phượng đã đạt thủ khoa với ba con mười tròn trịa em vẫn không dám tin cho đến khi tận mắt nhìn thấy bảng điểm của mình trên mạng. Khi chúng tôi đến nhà,  cô Nguyễn Thị Kim Tuyên, mẹ của Phượng tươi cười cho biết: “Cô cũng không thể tin được Phượng đã mang lại niềm hãnh diện lớn cho cả gia đình. Phượng cũng ham chơi lắm, nhưng từ bé đến lớn cháu luôn là niềm tự hào của cả gia đình”.

Em Nguyễn Kim Phượng dự thi khối B, ngành bác sĩ Răng-Hàm-Mặt vào trường ĐH Y Dược TP.HCM với kết qủa 3 môn: toán, hóa, sinh đều đạt điểm tối đa 10 điểm/môn. Ngoài việc trở thành thủ khoa đạt điểm tuyệt đối của trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phượng còn dự thi khối A, ngành Sư phạm toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đã đạt được số điểm rất cao là 25 điểm. Chia sẻ vì lý do chọn dự thi vào trường Y, Phượng cho biết: “Đây là ước mơ từ bé của em, một phần nữa là cũng được cha mẹ động viên em rất nhiều. Hy vọng sau khi học xong ngành Răng-Hàm-Mặt em có thể giúp đỡ được nhiều trẻ em bất hạnh gặp hoàn cảnh khó khăn”.

Khi được hỏi về bí quyết giúp em học giỏi, Phượng chia sẻ: “Em không bao giờ quá gò bó việc học, chỉ cần học chắc và nắm vững kiến thức căn bản. Em thường tìm cách thư giãn bằng những sở thích của mình mỗi khi việc học bị căng thẳng. Ba mẹ và gia đình không bao giờ ép em học, việc học của em do tự mình sắp xếp”. Bật mí về sở thích của mình, Phương cho biết là em rất thích chơi game, nhưng không bao giờ bị những trò chơi ấy làm ảnh hưởng đến việc học.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm của Phượng hãnh diện cho biết: “Trong lớp Phượng không phải qúa nổi trội, nhưng Phương học đều ở tất cả các môn, liên tục 12 năm liền em đều là học sinh giỏi. Phượng luôn là học sinh chăm ngoan, tham gia năng nổ vào các hoạt động đoàn thể của trường và lớp. Khi nghe tin Phương đạt điểm tối đa tôi đã rất vui mừng và cảm thấy hãnh diện về cô học trò của mình”. Còn cô Phùng Thị Thảo, giáo viên dạy thêm môn hóa cho Phương khẳng định: “Phượng có khả năng tiếp thu bài rất nhanh, em luôn thích những thử thách, thích những bài tập có tính suy luận cao. Vì vậy, có lẽ đây là cách khiến Phượng chưa bao giờ là học sinh giỏi nhất nhưng lại là học sinh đặc biệt khiến bạn bè nể phục”.

Khi được hỏi, là người đầu tiên của cả nước đạt điểm tuyệt đối ở cả ba môn thi thì Phương có suy nghĩ gì? Cô thủ khoa lém lỉnh Nguyễn Kim Phượng cười ngượng ngùng rồi nói: “Giờ em cũng không nói được gì cả, nhưng em sẽ vẫn cố gắng, nỗ lực hết sức mình để trở thành một bác sĩ giỏi để không phụ sự quan tâm của mọi người”.

Nguyễn Tiến

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Bài của GS Carl Thayer bị Global Times cắt xén

GS Carl Thayer: Việt Nam muốn độc lập với cả Mỹ và Trung Quốc 






LTS: Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc, thường được báo chí quốc tế phỏng vấn và đề nghị viết bài bình luận thời sự. Ngày 25 tháng 7, 2012, tờ Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo), phụ bản Anh ngữ của Nhân Dân Nhật Báo (cơ quan tuyên truyền của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc) đăng tải một bài viết của ông Thayer với tựa đề “Vietnam looking to play pivotal role with both China and US” (Việt Nam muốn đóng vai trò then chốt trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ).

Khi được báo Người Việt hỏi đó có phải nguyên văn hay đã bị cắt xén? Ông cho hay tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã bỏ bớt 2 đoạn. Cái tựa do ông đặt là “Vietnam is the Real Pivot” (Việt Nam là mấu chốt thật sự).

Ðầu tiên Global Times gửi cho ông một số câu hỏi về tương lai mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu qua quyết định chuyển 60% lực lượng sang khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Ông đã viết với số chữ do họ hạn định. Sau đó, họ lại yêu cầu ông bình luận thêm về việc Việt Nam làm sao hóa giải các nguy hiểm (do hậu quả) của mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Ông Thayer giả định rằng họ thiếu chỗ để đăng trọn cả bài. Thật ra, nếu họ muốn đăng hết, chỉ cần thu nhỏ tấm hình minh họa, co kéo bớt thì thế nào cũng đủ chỗ. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, những ngày gần đây có những bài viết rất hung hăng, đe dọa cả Việt Nam và Philippines. Nhiều người Việt Nam đã gửi lời phản bác với từ ngữ rất nặng nhưng vẫn được báo này đăng trong phần bình luận (comments) ngay dưới các bài viết của họ. Có người còn gửi cả bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Nam quốc sơn hà nam đế cư” của anh hùng Lý Thường Kiệt kèm theo lời bình luận vẫn được Hoàn Cầu Thời Báo đăng.

Dưới đây, báo Người Việt đăng bản dịch bài viết của ông Thayer trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, có luôn cả hai đoạn bị cắt bỏ (phần chữ in nghiêng, đậm), trong mối quan hệ tay ba Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bài viết dưới đây hoàn toàn là quan điểm của Giáo Sư Carl Thayer, một người từ bên ngoài nhìn vào vấn đề Việt Nam.


Việt Nam là cái trục thật sự

Carlyle A. Thayer

Không một nhà phân tích nào ở cái nước từng đã đánh nhau với Việt Nam có thể hoài nghi quyết tâm duy trì nền độc lập của Việt Nam. Việt Nam cũng đã học từ lịch sử rằng tùy thuộc quá đáng vào một cường quốc có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực.



Giáo Sư Carl Thayer trong một buổi hội thảo về Biển Ðông tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2011. Ðối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hãn trong việc tranh giành lãnh thổ, Việt Nam tìm cách gia tăng sức mạnh hải quân. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Bối cảnh lịch sử này là một nhắc nhở cần thiết để độc giả biết rằng Việt Nam không liên minh với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Từ năm 1991 Việt Nam đã theo đuổi một chính sách đối ngoại đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ và đã trở thành đối tác đáng tin cậy của tất cả mọi nước. Việt Nam đã đạt thành công. Cả khối Á Châu đã đồng ý chọn Việt Nam làm đại diện cho cái ghế đại biểu không thường trực tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Việt Nam đã tiến đến đối tác chiến lược với Nga, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nam Hàn, Tây Ban Nha, Anh quốc và Ðức.

Việt Nam muốn đóng vai trò then chốt trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Nói một cách khác, Việt Nam muốn phát triển quan hệ sâu xa với mỗi nước và làm mỗi quan hệ song phương tự nó là một quan hệ quan trọng. Là một mấu chốt, Việt Nam muốn Trung Quốc và Hoa Kỳ chấp nhận Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy. Việt Nam muốn định hướng các quan hệ để họ không là đồng minh của bên này chống lại bên kia.

Năm 2003, Ðảng CSVN dùng các từ “hợp tác” và “đấu tranh” để làm kim chỉ nam cho mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Công thức này khắc phục được sự đối chọi trong ý thức hệ của CSVN: Làm thế nào giải thích được va chạm và xung đột với Trung Quốc xã hội chủ nghĩa và làm sao giải thích được những lợi ích chung với “đế quốc” Mỹ. Việt Nam quyết định hợp tác với cả hai nhưng vẫn đấu tranh khi các lợi ích cốt lõi của Việt Nam bị thử thách.

Hoa Kỳ đã loan báo chính sách tái cân bằng sự hiện diện quân sự ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Một vài nhà phân tích Trung Quốc và trong khu vực kết luận rằng Hoa Kỳ đang mưu toan kềm chế Trung Quốc. Một phần trong chính sách quân bằng đó, Hoa Kỳ muốn cải thiện mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh nhưng chỉ tới một mức độ. Thí dụ, ba năm vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ có một số hoạt động hải quân phối hợp. Những hoạt động này không có tính cách tập luyện quân sự liên quan đến trao đổi kỹ năng chiến đấu.

Cách tốt nhất để nhìn mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là so sánh nó với mối quan hệ quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam trao đổi các cuộc thăm viếng cấp cao với cả hai nước. Việt Nam thực hiện đối thoại chiến lược với cả hai nước và gần đây nâng tầm đối thoại lên cấp thứ trưởng quốc phòng với cả hai nước.

Việt Nam cho phép tàu chiến cả hai nước thăm cảng Việt Nam nhưng giới hạn chỉ một chuyến mỗi năm, kể cả Mỹ. Năm 2010, thí dụ, khu trục hạm John McCain của Mỹ đến thăm cảng Ðà Nẵng thì mấy tháng sau, khu trục hạm trang bị hỏa tiễn tối tân nhất của Trung Quốc cũng đến Việt Nam.
Hoa Kỳ rất muốn tiếp cận cảng của Việt Nam nhiều hơn. Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta nói rõ điều này khi ông đến Cam Ranh gần đây. Nhưng nó nổi rõ lên rằng, nhiều phần, chiến hạm Mỹ sẽ khó lòng đến đây được trong thời gian sắp tới. Việt Nam mở cơ sở sửa chữa tàu thương mại ở Cam Ranh cho hải quân mọi nước. Hoa Kỳ là nước đầu tiên nhận lời mời này bằng cách gửi 3 chiếc tàu tiếp liệu đến để sửa chữa. Các tàu này là các tàu vận chuyển hàng hóa tiếp liệu cho Hải Quân Hoa Kỳ, không phải tàu chiến và do một thủy thủ đoàn dân sự điều hành.

Trong chuyến viếng thăm Hà Nội của Bộ Trưởng Panetta, cả bộ trưởng Quốc Phòng và thủ tướng CSVN đều yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận bán trang bị quân sự ghi trong nghị định về Vận chuyển Võ khí Quốc tế (International Trafficking in Arms Regulations). Nên lưu ý rằng Trung Quốc được kể là một trong 3 trở ngại để phát triển sự hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, bị cấm theo đạo luật Thẩm Quyền An Ninh Quốc Phòng có từ năm 2000 'The US National Defense Authorization Act'.

Sách Trắng Quốc Phòng của Việt Nam năm 2009 tóm tắt chính sách gìn giữ độc lập. Tôi gọi đó là “chính sách 3 không”: Không cho ngoại quốc đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không liên minh quân sự và không dùng một nước thứ ba để chống lại nước khác.
Hoa Kỳ có thể muốn gia tăng sự tiếp cận cảng Việt Nam cho hải quân nhưng Việt Nam chống lại sự hiện diện của Hải Quân Mỹ để bảo vệ sự độc lập.

Năm 2009 gia tăng căng thẳng Biển Ðông, Việt Nam phản ứng bằng cách báo hiệu rằng họ hậu thuẫn sự hiện diện của Hải Quân Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Việt Nam chứng minh điều này qua cử chỉ tượng trưng là (cho một số sĩ quan, viên chức) bay lên một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ quan sát hoạt động lên xuống của các phi cơ. Nói cách khác, Việt Nam đang đóng vai trò của một cái trục quay. Họ nâng sự hợp tác với Mỹ nhưng không đồng minh với Mỹ để chống Trung Quốc.

Cuối cùng, có một lý do khác tại sao Việt Nam lại tự giới hạn quan hệ quốc phòng với Mỹ. Một bài bình luận gần đây của Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh (ngày 11/7/2012) nhận ra điều này một cách khéo léo. Bài viết này nói “Hà Nội dựa vào Trung Quốc để khẳng định sự lựa chọn chính trị của mình (theo gương Trung Quốc, đạt phát triển nhanh chóng bằng con đường cải cách từ từ) nhưng cũng muốn chống lại Trung Quốc bằng cách sử dụng sức mạnh của Hoa Kỳ.” Bài bình luận lưu ý rằng Việt Nam phải đánh đu giữa các mối quan hệ đối ngoại với các thế lực chính trị nội bộ.



Trang báo của tờ Global Times có bài của ông Carl Thayer đã bị bỏ bớt 2 đoạn. (Chụp lại từ Globaltimes.com)


Có nhiều lãnh tụ chính trị ở Việt Nam sợ Mỹ có chủ đích trên hết là thay đổi thể chế xuyên qua diễn biến hòa bình. Các lãnh tụ Việt Nam không đồng thuận quan điểm với nhau trên vấn đề này nên Việt Nam thường theo đuổi những chủ trương đối chọi nhau. Thí dụ, Việt Nam vận động để Mỹ bỏ cấm vận bán võ khí trong khi vẫn đàn áp các bloggers dù Mỹ đặt điều kiện (cải thiện) nhân quyền là một điều tiên quyết.

Việt Nam cố làm giảm nhẹ các sự nguy hiểm vì đến gần Mỹ quá bằng cách ngưng một số dự án. Việt Nam cũng đàn áp các người vận động dân chủ hóa và bloggers đặc biệt là những người có quan hệ với người Việt hải ngoại. Và đảng CSVN, Bộ Công An và Tổng Cục Chính Trị của quân đội CSVN chia xẻ kinh nghiệm với các đối tác Trung Quốc.

Giải pháp cho thế khó xử của Việt Nam, không phải như tờ Nhân Dân Nhật Báo cổ võ “hợp tác với Trung Quốc để giới hạn vai trò then chốt của Mỹ ở Á Châu” mà duy trì nền độc lập của Việt Nam bằng cách đóng vai trò then chốt giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn. Nếu những cường quốc này tôn trọng các lợi ích cốt lõi và nền độc lập của Việt Nam, thì sự hợp tác sẽ át đấu tranh.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Trí thức Trung Quốc phản đối “đường lưỡi bò” và “thành phố Tam Sa”


Dấn thân vì chính nghĩa – đức quân tử của người trí thức

SGTT.VN - Những ngày gần đây, người Việt Nam quan tâm đến Biển Đông không thể không nghe đến hai cái tên Chu Phương, Lý Lệnh Hoa.

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Nhà báo Chu Phương 

Chu Phương là thạc sĩ báo chí, cựu biên tập viên đối ngoại của Tân Hoa Xã, đã đăng trên blog cá nhân hai bài báo phê phán Chính phủ Trung Quốc “đi ngược lại luật pháp quốc tế và thể hiện sự vô trách nhiệm”, bác bỏ “đường lưỡi bò”, cho việc lập “thành phố Tam Sa” là “trò hề quốc tế”, “cần dẹp bỏ ngay”. Nhiều báo mạng đã đăng lại hai bài báo này.

Lý Lệnh Hoa là nghiên cứu viên trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển đăng trên các báo chí Trung Quốc. Tại cuộc hội thảo “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” được viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức tại Bắc Kinh hôm 14.6.2012, Lý Lệnh Hoa đã bác bỏ “đường lưỡi bò” và “thành phố Tam Sa” cũng như chủ trương “động binh” của Chính phủ Trung Quốc, ủng hộ Công ước luật Biển (UNCLOS) của Liên hiệp quốc, bác bỏ việc công kích Việt Nam ban hành luật Biển.

Hai người trí thức trên đây đã chịu nhiều áp lực sau hành động của mình, thậm chí bị gọi là Hán gian, nhưng không vì vậy mà họ thay đổi quan điểm. Và điều đáng mừng là Lý Lệnh Hoa và Chu Phương không đơn độc, vì ngay tại đất nước Trung Quốc vẫn có những tiếng nói chia sẻ, đồng tình với họ.

Có người cho rằng việc làm đúng đắn của hai người trí thức này là nối tiếp truyền thống “kẻ sĩ”, và “quân tử” Trung Hoa, “kiến nghĩa bất vi vô dũng giả – thấy việc nghĩa mà không làm không phải là người dũng”. Cũng có người nói, Chu Phương và Lý Lệnh Hoa hành động không phải vì lợi ích của Việt Nam, mà là vì chính lợi ích của đất nước họ. Bởi vì can gián chính phủ làm sai là để khỏi gây hại cho đất nước. Cả hai nhận xét trên đều đúng cả, nhưng có lẽ chưa đủ.

Thấy việc nghĩa thì phải làm, theo sách vở xưa, đúng là truyền thống của người quân tử Trung Hoa, nhưng không chỉ riêng người Trung Hoa có truyền thống này. Người Việt Nam từ ngàn xưa cũng có truyền thống dấn thân vì việc nghĩa, bênh vực người ngay, chống cường quyền vô đạo, chống ngoại xâm cứu nước, chấp nhận hy sinh cả thân thể, tính mạng. Cứ cho là trí thức Việt Nam bị ảnh hưởng Nho giáo của Trung Hoa, nhưng xét rộng ra thế giới, tâm thế “kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi” (thấy việc nghĩa không cam tâm không làm – Hồ Huấn Nghiệp) ở châu lục nào cũng có. Riêng với Việt Nam, luật sư người Anh Loseby bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc trước toà án Hong Kong năm 1931, phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam những năm 1966 – 1973, với sự tham gia của rất nhiều trí thức Mỹ và Tây Âu – như nhà triết học Bertrand Russel hay André Menras Hồ Cương Quyết – là những ví dụ điển hình. Những ai học sử phương Tây đều không quên câu nói của Galileo Galilei, nhà khoa học Ý rất sùng đạo, sau khi bị buộc thừa nhận “trái đất không quay” trước toà án Dị giáo, nhưng sau đó vẫn thốt lên: “Nó (trái đất) vẫn quay” để rồi bị quản thúc tại gia cho đến chết.
Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa

Nhưng dấn thân vì chính nghĩa có phải là đặc điểm chung của giới trí thức? Ngay từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Khổng Tử đã phân biệt hai loại kẻ sĩ: Đạt và Văn. Theo Khổng Tử, kẻ sĩ Văn là “người có tiếng tăm, ngoài mặt ra vẻ giữ nhân đức mà hành động trái nhân đức, nhưng cách xử sự không để ai nghi ngờ”; còn kẻ sĩ Đạt là “chính trực, ngay thẳng, khí khái, ham làm điều nghĩa”. Ở phương Tây, người ta gọi những trí thức không dấn thân là “trùm chăn” hay “tháp ngà”. Như vậy, dấn thân vì việc nghĩa không phải là đặc điểm chung của trí thức, mà là sự lựa chọn hay hành động của họ trong đời sống và công việc. Tuy nhiên, từ sự lựa chọn hay hành động này mà từ cổ chí kim người ta vẫn chia trí thức ra làm hai loại “quân tử” và “tiểu nhân”, “cao thượng” và “tầm thường”, “vị tha” và “ích kỷ”, “trung thần” và “nịnh thần”, “dấn thân” và “cầu an”.

Nói đi phải nói lại: suy cho cùng, tấm lòng và động cơ thực chất mới là quyết định. Kẻ trí thức cơ hội có khi dấn thân chỉ vì Văn; người trí thức có tấm lòng nghĩa, không dấn thân, nhưng không nói, không làm và không ủng hộ cái xấu, làm việc nghĩa theo điều kiện của mình, cũng là Đạt. Lại còn cái Đạt và Văn xen lẫn trong mỗi người, tuỳ từng thời, từng chuyện.

Tôi không biết gì khác về Chu Phương và Lý Lệnh Hoa, ngoài việc họ đã dám phê phán Chính phủ Trung Quốc trong việc công bố “đường lưỡi bò” và “thành lập thành phố Tam Sa”. Nhưng chỉ cần nhìn riêng hành động trên đây, tôi cũng có thể cảm nhận rằng hai con người này đã hành động như là những “trí thức quân tử”. Trung Hoa là một dân tộc vĩ đại, nên tôi tin rằng đang còn rất nhiều người quân tử, dù là trí thức, nông dân, doanh nhân hay binh lính. Nếu được thông tin đầy đủ và trung thực, họ cũng sẽ ủng hộ Chu Phương và Lý Lệnh Hoa, trước hết vì tôn trọng sự thật là điều cần phải làm, sau nữa là vì lợi ích của chính đất nước mình và vì tình hữu nghị với lân bang.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam – một dân tộc có truyền thống trí thức “dấn thân vì việc nghĩa”. Là một nước nhỏ yếu, nhưng Việt Nam là một nước văn hiến, yêu văn hoá, trọng trí tuệ, và đó chính là bí quyết để dân tộc này tồn tại và phát triển. Vào những thời đất nước lâm nguy vì ngoại xâm hay nội suy, đều có những trí thức “dấn thân vì việc nghĩa”, không sợ dâng Thất trảm sớ như Chu Văn An, treo ấn từ quan như Nguyễn Trãi, hoặc tuẫn tiết để thủ thành hoặc vì lỡ để mất thành như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương. Trong hai cuộc kháng chiến, biết bao trí thức thành đạt đã từ bỏ công danh, sản nghiệp, rời bỏ Paris, London, Washington hay Sài Gòn hoa lệ để “vào Việt Bắc”, “nhảy núi”, “lên R”. Sau năm 1975, mọi bề khốn khó, nhiều người đã ở lại, chịu đựng và vượt qua, chỉ vì tấm lòng với quê hương, đất nước.

Gần đây hơn cả, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có nhiều diễn biến phức tạp, đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, nhiều trí thức Việt Nam, không cần chờ đợi bất cứ chỉ đạo nào, từ rất sớm đã bày tỏ quan điểm, chính kiến trên cơ sở các sưu tầm, nghiên cứu khoa học của bản thân và đồng nghiệp trong, ngoài nước. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Nhã, Nguyễn Hồng Thao, Ngô Vĩnh Long, Hoàng Việt, Từ Thị Minh Thu, Trần Đức Anh Sơn, và nhiều người khác nữa không chỉ công bố các bài nghiên cứu nhằm bảo vệ chủ quyền Việt Nam một cách có cơ sở khoa học, mà còn sớm đề xuất các biện pháp tích cực để nhanh chóng củng cố và nâng cao tri thức của người dân về chủ quyền. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đề nghị: “Những tư liệu thể hiện rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử (như tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904 và được tiến sĩ Mai Hồng bàn giao cho bảo tàng Lịch sử Việt Nam sáng 25.7.2012, và hàng chục tấm bản đồ khác có giá trị khoa học cao thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông) cần được đưa vào sách giáo khoa. Hiện nay, học sinh đã kém về môn lịch sử, môn địa lý – lịch sử lại càng kém”.

Trong khi nỗ lực tìm kiếm, đề xuất hay thực hiện những giải pháp đấu tranh cho chủ quyền đất nước, không phải các trí thức Việt Nam trong giai đoạn hiện nay lúc này lúc khác không gặp những khó khăn – vô hình và hữu hình – do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Nhưng không vì vậy mà họ từ bỏ quan điểm đã lựa chọn, từ bỏ bảo vệ sự thật lịch sử.

Với cảm nhận của tôi, sự lựa chọn đó của các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam chính là biểu hiện dấn thân đầy chất quân tử của người trí thức.

Quan hệ Việt-Trung ra khỏi vòng tranh tối tranh sáng


Trần Kinh Nghị

Tháo bỏ lá bùa "4 tốt" và "16 chữ vàng" 

Có 4 sự kiện kế tiếp nhau gần đây tác động trực tiếp đến sự thay đổi trạng thái quan hệ Việt-Trung  từ tranh tối tranh sáng ra ánh sáng. Đó là việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển; việc Bắc Kinh công bố mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN đồng thời thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên Biển Đông; và việc ASEAN không ra được tuyên bố chung về COC. Cuối cùng là hàng loạt hoạt động khiêu khích quân sự của phía TQ bắt đầu bằng việc phái những đoàn tàu đánh cá với  sự yểm trợ của tàu vũ trang tràn vào vùng biển Đông, trong đó có đoàn 30 chiếc xuống tận vùng Trường Sa để "đánh bắt cá dài ngày"....Chưa hết, sẽ diễn ra một cuộc tập trận lớn có bắn đạn thật tại đây nay mai !!!

Từ kinh nghiệm của các thời kỳ chiến tranh biên giới năm 1979 và Trường Sa năm1988, trước khi muốn phát động chiến tranh phía TQ thường giở trò " vu oan gián họa". Giờ đây họ dường như đang lặp lại điều này. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi chúng "miệng nói hòa bình tay vung binh hỏa" bằng hàng loạt các hoạt động khiêu khích trắng trợn như vây. Họ muốn gì nếu không phải để gây sự và kiếm cớ phát động một đợt chiến tranh lấn chiếm biển đảo (?) Đúng như một vị giáo sư Philipine nhận định: "TQ chỉ chờ chúng ta bắn phát súng đầu tiên là hùng hổ trấn áp và tuyên bố họ chỉ tự vệ" (1)

Thế giới không thể lại mất cảnh giác trước những động thái quá lộ liễu của Bắc Kinh . Và hơn ai hết, người Việt Nam cần nhận rõ các thế lực hiếu chiến ở TQ đang đẩy trạng thái quan hệ Trung -Việt sang thời kỳ mấp mé bờ vực chiến tranh. Giờ đây hãy bớt suy nghĩ về TQ theo lô-gíc thông thường, mà hãy nghĩ đến thứ lo-gíc của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán; nó không đại diện cho nhân dân TQ mà chỉ đại diện cho bộ phận hiếu chiến của đất nước đông dân nhất thế giới này. Nó nhắc  nhớ  đến chủ nghĩa phát xít Hít le đã một thời gây bao tại họa cho nhân loại như thế nào. Qua cái cách mà Đặng Tiểu Bình đã "thiết kế" cuộc chiến tranh đẫm máu chống VN năm 1979, thì chiến tranh đối với TQ chỉ là một trò "diễn tập" của một đội quân đang ngứa ngáy chân tay và thừa súng đạn .

Đối với Việt Nam trước bối cảnh hiện nay, khẩu hiệu "4 tốt" và "16 chữ vàng" chỉ là một thứ bùa mê khiến một số kẽ cuồng tín mất cảnh giác và do đó bị bất ngờ khi chiến sự nổ ra. Nó cần phải được lột bỏ khong thương tiếc. Sự nghiệp bảo vệ tổ quốc không phải của một số ít người đứng ra làm việc riêng với đối phương; đó phải là sự nghiệp công khai của toàn dân tộc.  Vậy hãy coi đây là thời cơ để dân tộc Việt Nam có thể thoái mái rũ bỏ tâm lý cả nễ nhập nhằng giữa bạn/thù, đồng chí/anh/em mà trong đó phần lợi bao giờ cũng thuộc về phía nước lớn khi họ có thể bịt miệng, trói tay chân nạn nhân để tha hồ đám đá mà người ngoài không hay biết . Đã đến lúc phải gọi đích danh "Trung Quốc" thay cho "nước lạ", "tàu lạ"....Từ điển không có từ "bạn xâm lược" mà chỉ có "kẻ thù xâm lược". Những ai không dám gọi đích danh kẻ thù thì không có đủ tư cách để lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm. Tại sao khi kháng Pháp chống Mỹ thì kêu goị dân chúng xuống đường, giờ chống TQ thì cấm dân biểu tình? Tại sao thành phần ưu tú (elit) của xã hội  lại đi sau quần chúng ? Và tại sao có sự lẫn lộn trong quan niệm về yêu nước và phản động? Đây là những vấn đề cần sớm được giải tỏa để đưa  đất nước vào trạng thái sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.        

Đem đại nghiã thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo (2)

Liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và biển đảo tại Biển Đông, cần nhắc lại rằng Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo và yếu so với Mỹ và TQ. Nhưng Việt Nam đã thắng (nếu không muốn dùng từ "đánh bại") Mỹ trong cuộc chiến tranh vệ quốc và hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, thì không có lý gì Việt Nam không làm được điều tương tự đối với TQ. Nguyên nhân đơn giản vì VN có chính nghĩa với tư cách người tự vệ chân chính. Nói vậy hoàn toàn không phải tuyên truyền mà là một quy luật của cuộc sống, quy luật của chiến tranh và hòa bình, quy luật của công lý. Chiến tích vẫn còn đó với nhiều đoàn quân xâm lược phương bắc.

Những diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy một phần sự tái hiện của quy luật nói trên. Bằng  những hành động hiếu chiến và trắng trợn trên Biển Đông, các thế lực hiếu chiến bành trướng bá quyền đang gây nỗi khốn khổ cho dân chài Việt Nam,  nhưng  cũng đang tự phô bày chân tướng của chúng trước  ánh sáng của công luận trong nước và quốc tế. Những ngày qua dư luận quốc tế đang chuyển mạnh từ chỗ chưa nhận rõ chân tướng và ý đồ bành trướng bá quyền Trung Hoa hoặc đánh lộn sòng "các bên tranh chấp" sang chỗ ủng hộ VN, Philipine và ASEAN. Thượng nghi sĩ Mỹ John. Mc Cain đã lên tiếng cảnh báo đó là hành động "khiêu khích thái quá đối với Việt Nam " trong khi Thượng nghị sĩ Jim Webb vừa đề nghị Bộ Ngoai giao Mỹ điều tra về sự vi phạm luật pháp quốc tế của TQ tại Biển Đông (3).  Về phần mình, dư luận  ASEAN đã trở nên cảnh giác hơn trước âm mưu "chia để trị" của Bắc Kinh. Đặc biệt bên trong nội bộ TQ đã xuất hiện  trào lưu phản đối chủ trương độc chiếm Biển Đông từ những ý kiến cá biệt đến tiếng nói chung trong giới trí thức, nhà báo và cả quan chức TQ. Giáo sư Hà Quang Hộ cho rằng “Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải (Biển Đông) được vẽ thành “biển nhà” (của Trung Quốc) như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi”. Biên tập viên THX Chu Phương lên tiếng phản bác cái gọi là thành phố Tam Sa "không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà cũng trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình phù hợp mà Trung Quốc cần có”, v.v... (4)


Những biểu hiện trên đây báo hiệu xu thế hình thành một phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, công lý giữa nhân dân các nước Trung Quốc,Việt Nam, ASEAN và thế giới trong một ngày không xa. Đó là điều tương tự đã xảy ra trong quá trình chiến tranh chống Mỹ của nhân dân VN giữa thế kỷ trước. Nó cho thấy Việt Nam không bao giờ đơn độc trong các cuộc kháng chiến cứu quốc của mình. Và đó là yếu tố quyết định giúp người Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng. Dân tộc Việt Nam không mong muốn chiến tranh, nhưng không bao giờ khuất phục trước các thế lực hiếu chiến xâm lược. Đó là thông điệp của người Việt Nam muốn chuyển đến tất cả các bên liên quan và thế giới./. 

Chú thích:
(1) Báo TT ngày 25/7/2012
(2) Trích Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi sau chiếnthắng quân Minh năm 1427
(3)http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/2012-07-25-03.cfm
(4) Theo VNTTX 

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Buồn thay cho báo Đại Đoàn Kết


Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng (Phó Trưởng ban Văn hóa - Nghệ thuật của báo Đại Đoàn Kết) tố cáo TBT báo này là ông Đinh Đức Lập trù dập, điều chuyển công tác, thay đổi vị trí làm việc của anh không phù hợp với chuyên môn, cố tình gây khó khăn cho anh Thắng. Tố cáo này của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã được nhiều trang mạng đăng tải, tôi không nói lại nữa.

Hôm nay, thấy báo Đại Đoàn Kết đưa một cái tin rất sơ sài về sự kiện TS Mai Hồng hôm qua (25/7/2012) đã chính thức trao tặng bản đồ cổ “Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Tòan Đồ” của Trung Quốc thời Nhà Thanh cho Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam sau 30 năm lưu giữ cẩn thận như của gia bảo. Tin của báo Đại Đoàn Kết không có hình ảnh của bản đồ, chẳng có hình ảnh của vị tiến sỹ đầy tâm huyết và giàu lòng yêu nước này. Cách làm báo như thế cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, vô cảm đối với dư luận xã hội và nhu cầu thông tin cũng như với tình cảm dân tộc của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Trong khi đó, bản tin của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng  gởi về tòa soạn báo Đại Đoàn Kết ngay trưa hôm qua, khi sự kiện chính thức trao tặng vừa kết thúc có đầy đủ hình ảnh, nội dung sự kiện và nguyên văn bản dịch của TS Mai Hồng về các ghi chú bằng tiếng Trung Hoa kèm theo bản đồ, cho thấy quá trình thực hiện tấm bản đồ của triều đình nhà Thanh Trung Quốc mang đầy đủ tính “quan phương” nhà nước, tính chính thống như thế nào. Điều đó càng tăng thêm giá trị lịch sử, tính chính thống và địa vị pháp lý của tấm bản đồ này, chứng minh lãnh thổ Trung Hoa cho tới năm 1904 (năm xuất bản tấm bản đồ này) chỉ tới đảo Hải Nam là hết. Hoàn tòan không có Hoàng Sa, Trường Sa (Tây Sa, Nam Sa) nào trong lãnh hải của Trung Quốc như họ yêu sách từ năm 2009.

Không biết vì sao báo Đại Đoàn Kết lại không dùng bài và hình ảnh của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng thực hiện rất công phu, đầy trách nhiệm và gởi rất sớm vế tòa soạn mà lại đi dùng một cái tin rất sơ sài, yếu kém về nghiệp vụ, vô cảm về trách nhiệm với công chúng bạn đọc, với chủ quyền quốc gia dân tộc đến như vậy.

Trưa hôm qua, khi gởi những tài liệu này cho tôi, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã có lời “tiên tri”: “Anh xem những thông tin này tôi vừa mới gởi cho tòa soạn báo Đại Đoàn Kết. Có thể ngày mai họ sẽ không sử dụng bởi vì TBT Đinh Đức Lập đang cố tình tìm mọi cách trù dập tôi, gây khó khăn cho tôi trong công tác”. Lúc đó, tôi không tin như vậy, vì báo Đại Đoàn Kết không phải của riêng cá nhân ông Đinh Đức Lập. Đó là tờ báo của MTTQVN, của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, phải lấy đại cục làm trọng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của MTTQVN và của bản thân tờ báo. Không thể vì lợi ích chủ quan, suy nghĩ đầy chất cá nhân chủ nghĩa của ông Đinh Đức Lập mà bỏ qua những thông tin quý giá và quan trọng như thế này được.

Nhưng sáng nay tôi biết là mình đã đã nhầm. Than ôi, buồn thay cho báo Đại Đoàn Kết!


Đây bản trên báo Đại Đoàn Kết:  

Bản đồ thời nhà Thanh (Trung Quốc) không có Hoàng Sa, Trường Sa (26/07/2012)
Ngày 25 -7, Tiến sĩ Mai Hồng (nguyên Trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) đã giao lại bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” Trung Quốc thời nhà Thanh cho đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội sau 30 năm gìn giữ.

Bản đồ cổ của NXB Thượng Hải in năm 1904, được in màu, bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Đây là tấm bản đồ nguyên vẹn, chiều ngang 115cm, chiều dọc 140cm. Bản đồ này được tạo nên từ hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30cm.

Bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1904 ghi rõ cực Nam nước này là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Biết chữ Hán, nên sau khi có được tấm bản đồ, ông Hồng đã dịch nghĩa lại hàng trăm chữ cổ, cắt nghĩa một cách rõ ràng xuất xứ, niên hiệu, thời gian thực hiện bản đồ. Tiến sĩ Hồng khẳng định, đây là tấm bản đồ được các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện.

Từ đó, năm 1904, NXB Thượng Hải chính thức xuất bản tấm bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh. Trong "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” không hề xuất hiện hình in, vẽ, tính toán, đo đạc tới các quần đảo ở Biển Đông. Người Trung Quốc thời đó chỉ nhận đất đai tới cực Nam là đảo Hải Nam.

TS Hồng cho biết, tấm bản đồ này là một tư liệu tốt để học giả nghiên cứu chủ quyền biển đảo, đồng thời nó cung cấp thông tin cho việc phản biện trên bàn quốc tế và là bằng chứng chứng minh đất đai của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam.

MH
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1366&Chitiet=53318&Style=1

Còn đây là bản của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng gởi về tòa soạn nhưng không được sử dụng:


Bản đồ Trung Quốc 1904:
Khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam

Sáng 25/7/2012, tại Bảo tàng Lịch sử (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra lễ tiếp nhận tấm Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do TS. Mai Hồng trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử. Trả lời câu hỏi duy nhất của phóng viên báo Đại Đoàn Kết tại cuộc họp báo về tấm bản đồ này, TS. Mai Hồng cho biết: “Tấm bản đồ 1904 chính thống của Nhà nước Trung Hoa này vẽ rõ cương vực phía Nam của Trung Hoa chỉ dừng ở đảo Hải Nam”. Trong tấm bản đồ này có ghi rõ lý do và quá trình xây dựng tấm bản đồ. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu bản dịch ra tiếng Việt phần ghi chú này.

Từ Khôi


Dịch nghĩa:               

ĐỊA DƯ TOÀN ĐỒ TỚI CÁC TỈNH CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ THANH

Lời bàn về Địa vực rằng: Tiêu Hà (giúp Cao Tổ nhà Hán định thiên hạ) thu lượm được Đồ tịch (Đồ là mô tả về hình thế đất đai; Tịch là sách chép Hộ khẩu ) của nhà Tần, nên người nhà Hán mới có cái đại quát về địa dư. Đất đai hỗn tạp, nên thiết kế dư đồ không chia tỉ lệ, lại không khảo chính theo mực thước chuẩn, hoặc có người bảo đó là  lời nói viển vông quái đản không đúng sự thực. Xem đó cũng biết thời cổ đã có địa dư đồ, nhưng không đắc dụng cho việc trắc địa thẩm hình, nên luôn áy náy không yên. Kẻ chế bản đồ đời sau không phải là người thừa kế, kinh vĩ bất tường tránh sao khỏi nhỡ lời sót nhẽ. Nhưng muốn biết sự tinh vi của miền đất rộng lớn, phi vốn học thức thông thiên văn, suy tính tam ngung (3 góc (Luận ngữ) chép lời thời thẩy Khổng dạy: “Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” (Chỉ cho một góc mà không biết suy ra ba góc kia, thì ta còn nói gì nữa đây?) thì không thể suy tưởng về trước, từ khi uy thanh của Trung Quốc truyền lan tới các giáo sĩ Thiên Chúa giáo ở Tây Hải: Lợi Mã đậu, Thang Nhược vọng, Nam Hoài nhân vượt trùng dương tới Trung Hoa truyền đạo. Năm Mậu Tý Khang Hy 47 (1708)  đời vua Thanh Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, Thánh Tổ nhà Thanh tuyển phái các giáo sĩ Bạch Tấn Lôi hiếu, Tư Đỗ Đức mỹ, chế tác Vạn lý thành đồ, sau hơn một năm (1710) thì công việc hoàn thành. Vua vui mừng, lại xuống chiếu cho (giáo sĩ) Phan Như Lôi hiếu, Tư Đỗ Đức mỹ vẽ bản đồ Mạch đại thành của Mông Cổ, Mãn Châu hợp thành (bản đồ của) hai tỉnh Trực Lệ và Sơn Đông.

Đến năm Tân Mão Khang Hy 50 (1711), vua sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh, đo lường đất đai tạo bản đồ Mạch đại “Thành Thang chuộng hiền”, đi về các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây; Phùng Bỉnh, Chính Đức, Mã Nặc đi về các tỉnh Hà Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Nam; Phí Ẩn, Hòa Phan - như đi về các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quí Châu, Hồ Quảng. Trải qua một năm bốn lần đọc duyệt, qui mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ đều được triệu tập về kinh đô để họ múa bút vẽ họa, sau hai năm công việc cáo thành với bức toàn đồ 15 tỉnh, tấu trình lên vua ngự lãm. Ngài vui khuyến khích bằng nghi lễ long trọng. Từ đấy các nhân sĩ Trung Hoa và phương tây sưu tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc. Đại để là gia cố bồi tập thêm từ các nguyên cảo của các giáo sĩ đã soạn thảo trước đây. Ta không do dự về kiến văn cô lậu nông cạn của mình để mô tả bức họa này lại không dám tự khoe rằng chỉ một mình có nhiều công hơn cả tiền nhân. Duy về cương vực của các thôn ấp quận huyện ở các tỉnh đã có thay đổi đôi chút, cho nên xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì đính chính sửa sang, làm bớt sai suyễn và làm sáng sủa hơn lên để khi nhìn vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay, tại các cửa biển ở các miền diên hải đều phỏng họa các đường thủy tầu thuyền ra khơi vào cảng. Tự hỏi nếu mắc một lỗi thì sẽ lấy gì  đề bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức tất sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với mọi người.

Mùa xuân năm Quang Tự nhà Thanh Giáp Thìn (1904), Giám đốc (Chủ biện) đài Thiên văn ở Dư Sơn Sái Thượng Chất chép.

T.S Mai Hồng dịch


TS. Mai Hồng (trái) hiến tặng tấm bản đồ Trung Hoa 1904 cho PGĐ TS. Nguyễn Đình Chiến – Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.


Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” năm 1904.


Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Trung Quốc “làm luật” trên Biển Đông và thái độ của Việt Nam


Những hành động ngang ngược của Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền các quốc gia ven Biển Đông trong thời gian gần đây cùng với những luận điệu xuyên tạc về việc như thế nào là tuân thủ luật pháp quốc tế cho thấy họ đang tự cho mình cái quyền “làm luật” trên Biển Đông nhằm phục vụ lợi ích dân tộc cực đoan, bất chấp công pháp quốc tế cũng như lợi ích của nhiều quốc gia trên thế giới trong khu vực này.

Mặc dù đồng ý đàm phán với ASEAN để tiến tới xây dựng một Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC), nhưng Trung Quốc luôn ra sức kéo giãn thời gian thực hiện cam kết này bằng mọi cách. Mới đây, nước này còn tuyên bố thẳng thừng rằng “COC không đóng vai trò giải quyết vấn đề Biển Đông, chỉ là biện pháp để xây dựng lòng tin”. Tuyên bố này không làm cho các chuyên gia về Biển Đông ngạc nhiên, bởi từ lâu Trung Quốc dù đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng cũng luôn cho rằng UNCLOS “không phải là hiệp ước quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, cũng không thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho việc giải quyết các tranh chấp”. Điều đáng nói là trong khi tuyên bố “một đàng” nhưng khi cần thiết họ vẫn sử dụng UNCLOS “một nẽo” như là căn cứ, cơ sở pháp lý cho các yêu sách về chủ quyền, cho các vùng đặc quyền kinh tế của họ trên Biển Đông, mà đặc biệt là cho yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.

Hành xử theo phương châm “nói một đàng làm một nẽo” của Trung Quốc trong quá trình áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề trên biển đang làm gia tăng sự lo ngại của thế giới về mục tiêu thật sự của nước này. Có vẻ như Bắc Kinh chỉ muốn diễn giải luật pháp theo kiểu có lợi nhất cho họ và dùng các biện pháp thực tiễn để thi hành luật pháp theo phương thức thực sự lấy được, hoặc có mặt được trên Biển Đông càng nhiều càng tốt dưới mọi hình thức. Đặc biệt nghiêm trọng là quá trình xuyên tạc, cải biến cách hiểu luật pháp quốc tế của Trung Quốc được tiến hành bài bản, song song với các chiêu thức “làm luật” thực sự trên thực tế. Đó là sự đồng loạt gia tăng các hoạt động từ dân sự tới hành chính, từ bán quân sự tới quân sự trên Biển Đông trong thời gian gần đây đe doạ nghiêm trọng an ninh và an toàn hàng hải quốc tế cũng như xâm phạm chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, chính những hành động “làm luật” bất chấp lẽ phải và luật pháp quốc tế đó của Trung Quốc trên Biển Đông lại đang tạo ra hiệu ứng ngược với mong muốn của họ. Sự chia rẻ của ASEAN trong Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 45 tại Phnom Penh vừa qua có thể hiểu theo một góc độ tích cực hơn đó chính là sự thức tỉnh của các dân tộc trong khu vực  với quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình một cách không khoan nhượng. Bởi lẽ, qua cách hành xử, can thiệp thô bạo vào biệc điều hành của nước chủ nhà để nhằm tách khối ASEAN ra thành từng chiếc đũa, Trung Quốc đã lộ lá bài tẩy trong âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng mọi thủ đoạn. Điều này càng khiến cho các quốc gia có quyền lợi liên quan thêm cảnh giác. Cộng đồng thế giới qua diễn đàn khu vực và truyền thông quốc tế càng nhận thấy rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh cho dù họ đang cố diễn xuất trò chơi “trỗi dậy hòa bình” đồng thời với việc tăng cường sức mạnh quân sự trên biển nói chung cũng như lực lượng quân sự đồn trú trên  Biển Đông nói riêng.

Cuối cùng thì thế giới cũng đang chứng kiến một  ASEAN đang gượng đứng dậy sau cú vấp ngã ở Phnom Penh vừa qua. “Đàn dê” tan tác trước “con hổ đói” bám theo săn đuổi suốt 45 năm qua nay đã ý thức được nhu cầu cần phải trở thành một khối đoàn kết là quan trọng như thế nào. Bởi lẽ, “con hổ đói” vẫn đang sẵn sàng tiếp tục săn mồi một cách hết sức hiệu quả với chiến thuật tách từng “con dê” ra khỏi đàn để thịt.  ASEAN ngay sau đó đã “đạt lập trường chung về Biển Đông” cho thấy những thông điệp mang ý nghĩa nhất định về sự gượng dậy này. Theo truyền thông trong nước, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong những nỗ lực hàn gắn nói trên. Lập trường của Việt Nam rất nhất quán và được cả quốc tế lẫn ASEAN đánh giá cao. Tất cả 6 nguyên tắc mà Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa đưa ra cũng là những nguyên tắc “nền”,  là những nguyên tắc căn bản mà Việt Nam đã, đang theo đuổi bao lâu nay. Bản thân Ngoại trưởng Natalegawa đã cám ơn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về sự đóng góp tích cực của Việt Nam sau các cuộc tham vấn tại Hà Nội.

Trước tình hình trên Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp do những động thái càng lúc càng ngang ngược hơn, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, sự bình tĩnh của Việt Nam là hết sức cần thiết. Thế nhưng, sự bình tĩnh đó cần đồng hành với lập trường cương quyết, sử dụng khéo léo những biện pháp hòa bình theo đúng tinh thần của luật pháp quốc và Luật Biển Việt Nam vừa mới ra đời để tạo ra “sức mạnh mềm”. Việt Nam phải dựa vào sức mạnh của lẽ phải, của công lý  để đấu tranh không khoan nhượng trên mọi diễn đàn quốc tế, trừ phi bị tấn công bằng vũ lực và có bằng chứng hiển nhiên.

Một việc quan trọng mà Việt Nam cần làm lâu dài và kiên nhẫn là phải tìm cách chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật của đối phương với các hồ sơ bằng chứng cụ thể. Đồng thời với các biện pháp truyền thông tương xứng lên án, vạch trần âm mưu và sự xảo quyệt của đối phương ra trước công luận quốc tế cũng như trình các hồ sơ này lên các tổ chức có liên quan trên thế giới. Mục tiêu mà Việt Nam cần đạt được là phải cho thế giới thấy rõ tính chính đáng của mình trong bối cảnh bất chấp pháp luật của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Để có cơ sở thực hiện những mục tiêu đó, Việt Nam cần xây dựng và củng cố các cơ quan chấp pháp trên biển, theo tinh thần của Luật Biển Việt Nam và công pháp quốc tế để có đủ khả năng quản lý chặt chẽ và chủ động xử lý các tình huống xung đột, va chạm, cũng như đảm bảo cho việc hành nghề hợp pháp của ngư dân trên biển trở nên thuận lợi và an toàn hơn. Trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý theo đúng các qui định của Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế. Điều 73, Khoản 1 của Công ước LHQ về Luật Biển ghi rõ: “Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước”.

Đối với các hành động xâm phạm mang tính chất kinh tế, dân sự và bán dân sự của Trung Quốc, Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp pháp lý như truy đuổi, yêu cầu ngừng hành vi, phạt hành chính, khám xét, bắt giữ, lập biên bản, dẫn độ và khởi tố theo các điều khoản của Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế. Đáng tiếc là, từ trước tới nay Việt Nam hầu như rất hạn chế sử dụng các công cụ chấp pháp chính đáng này. Với thái độ ngày một hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc, đây là lúc Việt Nam cần kiên quyết và dứt khoát thực hiện các biện pháp trong khuôn khổ luật pháp cho phép để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong khuôn khổ hòa bình. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đơn phương kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) khi có đầy đủ cơ sở và bằng chứng về việc nước này xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Chủ nghĩa dân tộc trong thời đại ngày nay vẫn còn là một sức mạnh. Song chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ chỉ dẫn đến những kết cục không tốt đẹp cho cả những nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan và cả cộng đồng bị dẫn dắt đi vào con đường đầy ảo vọng này. Sức mạnh của truyền thông hiện đại sẽ mở tầm mắt cho nhân dân các nước trên thế giới, kể cả nhân dân của nước đối phương và tạo ra cho họ khả năng nhận chân sự thật về nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề thuộc về lương tri, thành quả của nhân loại văn minh trải qua hàng ngàn năm lịch sử phát triển mới có được. Đó là phải loại trừ tư tưởng bành trướng, hành động bạo lực theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” vốn đã không còn phù hợp trong quan niệm cùng tồn tại, cùng phát triển trong thế giới văn minh ngày nay.

Việt Nam có thể tận dụng loại hình sức mạnh này để bảo vệ và khôi phục chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các vùng biển khác của mình trên Biển Đông. Tuy nhiên sức mạnh đó của Việt Nam cũng chỉ có thể đạt được như mong muốn một khi bộ máy nhà nước có được sự đồng lòng của đa số người dân. Kinh nghiệm ngàn đời của nhân loại cho thấy muốn thắng kẻ thù trước hết phải chiến thắng chính mình. Trong phạm vi dân tộc cũng thế, trước khi chiến thắng ngoại xâm, một dân tộc phải biết vượt qua mọi bất đồng, biết hy sinh, biết đoàn kết thành một khối. Nếu cần, thế hệ hiện tại của dân tộc đó phải biết “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cho các thế hệ tương lai của dân tộc được sống còn.