Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

18 CẢNH GIỚI

Truyền Bình
Lục căn, lục trần, lục thức là bộ phận quan trọng của thuyết Thập nhị nhân duyên Phật giáo nhằm giải thích thực tướng của thế giới. Căn bản nhất là vô minh, đó là nhân duyên đầu tiên của chuổi 12 nhân duyên. Vô thủy vô minh và Nhất niệm vô minh là hai chìa khóa mở ra vũ trụ vạn vật, thế giới, con người…
Khoa học giải thích vũ trụ bắt đầu từ Big Bang. Trước Big Bang là một vũ trụ khác. Sau Big Bang là vũ trụ mà ta đang sống. Theo Phật giáo, Big Bang và những gì diễn ra sau đó đều là vô thủy vô minh. Vô thủy là không có bắt đầu. Vô minh là không sáng tỏ, là mê mờ, đó chính là nhân duyên số một làm phát sinh vũ trụ vạn vật. Thuật ngữ vô thủy vô minh là ý nói tất cả chỉ là hiện tượng tâm lý, là không có thật. Vì không có thật nên không có bắt đầu, không có kết thúc, không có sinh diệt. Vì vô minh nên thấy có vũ trụ vật chất, có sinh diệt, vì vậy mới có sinh tử luân hồi, mới có khổ sướng. Đức Phật dựa trên tâm lý mê muội của chúng sinh mà tiêu biểu là con người, thuyết giảng 12 nhân duyên để chúng hiểu đại khái vì sao từ Không, không có gì cả mà thành ra có Tam giới. Tam giới là 3 cõi giới :
– Dục giới chính là cõi giới của Con Người thế gian nhiều ham muốn, cõi vật chất có khối lượng, có trọng lượng. Trên cõi Người là cõi trời Lục Dục Thiên, chúng sinh cõi này có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian. Thấp hơn cõi Người là cõi của A-tu-la (阿修羅; asura, có 3 loại : ác thần, quỷ, quái vật), Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục.
– Sắc giới là cõi có hình tướng mà không có khối lượng, không có trọng lượng, vật chất của cõi này chỉ còn là hào quang, ánh sáng, thông tin, sóng, năng lượng. Chúng sinh cõi này ít ham muốn, không còn xác thân vật chất, nhưng còn hình dáng, có thể thấy và nghe được.
– Vô Sắc giới là cõi không còn hình tướng, chỉ còn thông tin mà thôi, kinh điển có đề cập tới Cõi Trời gọi là Phi tưởng phi Phi tưởng xứ là một cõi Vô Sắc. Chúng sinh cõi này giao tiếp với nhau trực tiếp qua ý niệm, cá thể này khởi niệm thì cá thể kia đã hiểu, không cần ngôn ngữ lời nói.
Thuyết Thập nhị nhân duyên chủ yếu tập trung hướng về con người để thuyết giảng. (Xin xem bài Thập nhị nhân duyên). Bốn nhân duyên đầu (Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc) là sự vận động tự thân của cấu trúc ảo vật chất, (nói theo khoa học là quark hình thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, rồi phối hợp với electron tạo ra nguyên tử của các nguyên tố, một số nguyên tử kết hợp thành phân tử vô cơ như H2 O2, N2,  một số nguyên tử khác kết hợp với các phân tử này thành thành một phân tử rất cơ bản cho sự sống là nước H2O và thành các phân tử hữu cơ như acid amin, tiêu biểu là glycine, một acid amin đơn giản nhất C2H5NO2    còn được viết dưới dạng NH2CH2COOH
Rồi các phân tử hữu cơ hình thành nên tế bào sinh vật, kết hợp với nhiều nguyên tố khác tạo ra cơ thể sinh vật, rồi tiến hóa dần thành ra sinh vật, con người.)
Phật giáo gọi chung sự kết hợp vô cùng phức tạp đó là trùng trùng duyên khởi. Tại sao có thể cấu trúc được những vật vô cùng phức tạp và tinh tế như vậy ? Vì cái nền hay cơ bản của nó là Phật tánh, tánh giác ngộ, tánh biết, thuật ngữ Phật giáo gọi là Chánh biến tri, tức cái biết bất nhị (không có năng tri và sở tri) cùng khắp không gian và thời gian, không có hạn lượng. Cái biết đó tạo ra vũ trụ, thiên hà, mặt trời, hành tinh, vạn vật, con người. Đúng ra vạn vật ban đầu chỉ có Sắc (vật chất) mà chưa có Danh (tên gọi) chỉ khi có con người xuất hiện, có ý niệm mới có tên gọi.
Tánh thấy tạo ra nhãn căn (mắt). Tánh nghe tạo ra nhĩ căn (tai). Tánh ngửi tạo ra tị căn (mũi). Tánh nếm tạo ra vị căn (lưỡi). Tánh sờ mó tiếp xúc tạo ra thân thể (thân căn), thân thể có nhiều cơ quan nội tạng giúp cơ thể hoạt động và tăng trưởng theo một chương trình thông tin di truyền chứa trong nhân tế bào gọi là nhiễm sắc thể (DNA DeoxyriboNucleic Acid). Tánh biết tạo ra ý căn (não bộ) là trung tâm tổng hợp và điều khiển mọi hoạt động của cơ thể và từ đó có khả năng suy nghĩ trừu tượng nhờ vào khả năng ghi nhớ của các tế bào thần kinh.
Trên đây là sự hình thành lục căn.
Đồng thời với sự hình thành lục căn là sự giao tiếp với lục trần.
-Những gì thuộc về màu sắc, hình dáng, trở thành đối tượng của mắt. Mắt là cơ quan tiếp nhận thông tin của đối tượng qua trung gian là ánh sáng. Ánh sáng mặt trời có 7 màu, màu sắc chỉ là cảm nhận của ý thức, phân biệt bằng độ dài sóng của từng ánh sáng đơn sắc như bảng sau :
Ánh sángĐộ dài sóng (nm)Năng lượng sóng (eV)
Tia tử ngoạingắn hơn 380lớn hơn  3,3
Tím3803,3
Xanh dương4502,8
Xanh lá cây5302,3
Vàng5802,1
Đỏ7201,7
Tia hồng ngoạidài hơn 720nhỏ hơn 1,7
Bảng 1Độ dài sóng và năng lượng sóng.
Con người dựa vào kiến thức này để chế tạo máy chụp hình và quay phim. Ngày xưa người ta dùng phim có tráng hóa chất để ghi nhận hình ảnh. Ngày nay người ta không dùng phim nữa mà dùng thẻ nhớ kỹ thuật số để ghi nhớ, tiện lợi hơn rất nhiều. Bây giờ tất cả điện thoại di động thông minh (smartphone) đều có camera để quay phim chụp ảnh.
-Âm thanh, tiếng động trở thành đối tượng của tai. Âm thanh hay tiếng động có bản chất là sóng, truyền đi qua không khí. Tai người có thể nghe được dao động của sóng âm trong khoảng tần số từ 20 Hertz đến 20 Kilohertz. Sóng điện từ có tần số dao động cao hơn, tai người không nghe được, nhưng những thiết bị như radio thu được và biến trở lại thành âm thanh mà tai người nghe được qua loa (speaker). Radio sử dụng tính chất cộng hưởng giữa sóng và máy thu để dò đài, khi dò trúng đài thì sự cộng hưởng làm cho biên độ dao động được khuếch đại rất nhiều khiến tai nghe rõ. Sóng điện từ có độ dài bước sóng từ 380 nm đến 720 nm (nanometre = 1 phần tỉ metre) thì mắt người nhìn thấy được, đó chính là ánh sáng. Tính chất cộng hưởng còn được sử dụng trong lò vi ba, khi tần số của vi ba trùng với tần số cộng hưởng của các phân tử hữu cơ trong thức ăn thì thức ăn hấp thụ mạnh năng lượng của vi ba nên nóng lên rất nhanh, rất tiện để hâm nóng lại thức ăn đã nguội.
Mùi thơm hay hôi trở thành đối tượng của mũi. Bản chất của mùi là phản ứng hóa học giữa tế bào khứu giác và các phân tử của một số chất khuếch tán trong không khí. Tế bào mũi nhận ra các phân tử đó khi so sánh chúng với dữ liệu chứa sẵn trong ký ức, đánh giá thơm hay hôi có thể là chủ quan của từng cá thể. Ví dụ mùi sầu riêng có thể là thơm đối với một số người, nhưng là hôi đối với một số người khác. Mùi hôi tanh của súc vật hay cá tép là cảm giác của người chớ đối với chúng là bình thường.
Vị ngọt, mặn, cay, nồng, chua, đắng, chát…trở thành đối tượng của lưỡi. Tế bào lưỡi nhận ra vị của thức ăn, nước uống, qua các phân tử, thông tin truyền vào não, ký ức so sánh và nhận ra, ví dụ muối thì mặn, đường thì ngọt, chanh thì chua, cà phê thì đắng, ớt thì cay, chuối sống thì chát, mỡ thì béo v.v…
Cảm giác trơn, láng, nhám, sần, khô, ướt, sướng, đau, rát, bỏng, ngứa…trở thành đối tượng của thân thể. Các tế bào thần kinh trên da, trên một số vùng của cơ thể thu nhận thông tin qua tiếp xúc. Ví dụ cầm ly nước nóng 70 độ có cảm giác nóng, nếu là ly nước đá thì có cảm giác lạnh. Tay sờ vào lụa có cảm giác trơn láng, sờ vào nền xi măng cho cảm giác nhám. Khi bị đánh thì có cảm giác đau. Xúc giác là cảm giác quan trọng trong sinh hoạt tính dục nam nữ. Loại cảm giác này quan trọng đến mức nó trở thành đặc trưng của cõi giới. Cõi giới của con người được gọi là dục giới. Dục là ham muốn, một trong những ham muốn chủ yếu của cõi này là tính dục. Tính dục là để sinh con đẻ cái, lưu truyền nòi giống, nhưng đối với con người, tính dục còn đem lại cảm giác khoái lạc, sung sướng hạnh phúc, cảm giác này ngày càng trở nên quan trọng hơn sự truyền giống. Trên cơ thể con người có những điểm nhạy cảm, như điểm G chẳng hạn, khi bị kích thích thì có cảm giác khoái lạc, kích thích liên tục thì dẫn đến cực khoái (orgasm). Trong giao hợp, cực khoái dẫn đến phóng thích tinh dịch từ người nam vào người nữ, có thể đưa đến sự thụ thai khi tinh trùng gặp được trứng. Chính vì ham muốn về tính dục là một nhu cầu rất mạnh, nên một trong 5 giới cấm căn bản trong giới luật Phật giáo là bất tà dâm (không tính giao ngoài quan hệ vợ chồng) đối với Phật tử thọ ngũ giới [bất sát sinh, bất thâu đạo (không trộm cắp), bất tà dâm, bất vọng ngữ (không nói dối), bất ẩm tửu (không uống rượu)]
Các pháp (dharma, pháp là thuật ngữ Phật giáo có nghĩa rất rộng, chỉ chung tất cả mọi sự vật là vật chất, kể cả những vật không hiện hữu như lông rùa, sừng thỏ, và mọi khái niệm của tinh thần, lý trí, tình cảm…đều được gọi là pháp) trở thành đối tượng của ý căn. Như vậy đối tượng của ý căn rất rộng lớn, bao gồm mọi lĩnh vực, từ vật chất tới tinh thần. Mọi hoạt động của xã hội loài người từ sản xuất vật chất đến văn hóa, nghệ thuật, triết học, văn học, khoa học, lịch sử, luật pháp đều thuộc về ý thức.
Sự giao tiếp giữa lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phát sinh lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức). Phật giáo gọi chung lục căn, lục trần và lục thức là 18 giới hay nói rõ hơn là 18 cảnh giới. Tất cả 18 cảnh giới đều là tâm cảnh chứ không phải vật cảnh, vì vật xét cho cùng là không có thật, mặc dù lục căn và lục trần phần lớn là vật chất, chỉ có pháp trần có thể một phần là tinh thần, bởi vì não phải nhận thông tin từ các giác quan, so sánh với dữ liệu lưu trữ trong ký ức mới có được nhận thức. Nếu ký ức không có dữ liệu, ví dụ đứa trẻ sơ sinh, không có gì để so sánh, thì nó không hiểu không biết gì cả. Có những đứa trẻ chưa học mà biết, đó là do ký ức của nó còn lưu lại những dữ liệu của kiếp trước. Đối với người giác ngộ, đã mở được a-lại-da thức thì biết cả quá khứ vị lai, vì bản chất đích thực của pháp giới là vô thủy vô chung, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng.
Lục thức là cái biết của nhất niệm vô minh, khi bộ máy hoạt động, từng ý niệm được phát sinh liên tục không ngừng nghỉ, tạo thành một dòng ý thức. Dòng ý thức này được mạt-na thức nhận là của nó, hình thành bản ngã, thông tin của ý thức được tích lũy trong a-lại-da thức. Khi một người chết đi, xác thân tan rã, lục căn không còn, nhưng thông tin vẫn còn nguyên trong a-lại-da thức. Như vậy khi một người chết, vong linh vẫn còn, một số nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng có thể tiếp xúc với vong linh, thấy được hình tướng của họ. Họ không còn ở trong Dục giới mà đã qua Sắc giới. Phật giáo không gọi đó là vong linh hay linh hồn mà gọi là thần thức là năng lực chuyển tiếp trước khi đầu thai vào một kiếp sống mới, tùy theo nghiệp chướng mà sẽ đi vào một trong lục đạo (sáu đường) từ cao xuống thấp như sau, 3 đường trên là thiện đạo có phước báo, 3 đường dưới là ác đạo bị quả báo, lục đạo là :
1 Trời . Cõi trời thuộc Dục giới gồm 6 tầng gọi là Lục Dục Thiên bao gồm : Tứ thiên vương (四天王, sa. cāturmahārājika)), Đao lợi (忉利 hay Tam thập tam thiên 三十三天, sa. trayastriṃśa tức 33 cõi trời ), Tu Dạ Ma Thiên (須夜摩天, sa. suyāma), Ðâu Suất Thiên ((兜率天, sa. tuṣita), Hóa Lạc Thiên (化樂天, sa. nirmāṇarati), Tha Hóa Tự Tại Thiên (他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti). Nói chung chúng sinh ở cõi trời có nhiều phước báo nên có thọ mạng lâu dài, hưởng nhiều lạc thú.
Cõi trời thuộc Sắc giới có 4 cảnh giới là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, mỗi cảnh giới có 3 loại cõi trời khác nhau,  riêng Tứ thiền có tới 7 loại khác nhau.
Cõi trời thuộc Vô Sắc giới có 4 cảnh giới :
a. Phi tưởng, phi phi tưởng thiên (Devas of Sphere of Neither-perception nor non-perception; Nevasaññā-nasaññā-yatanūpagā devā)
b. Vô sở hữu thiên (Devas of Sphere of No-thingness; Ākiñcañña-yatanūpagā devā)
c. Thức vô biên thiên (Devas of Sphere of Infinite Consciousness; Viññānañca-yatanūpagā devā)
d. Không vô biên thiên (Devas of Sphere of Infinite Space; Ākāsānañca-yatanūpā devā)
2 Người . Người và súc sinh ở chung trong 4 châu lục là Đông Thắng Thần Châu, Bắc Câu Lư Châu, Nam Thiệm Bộ Châu (còn gọi là Diêm Phù Đề hay Ta Bà) và Tây Ngưu Hóa Châu. Ở giữa các châu là núi Tu di. Đó là đại khái quan niệm về địa lý thế giới của thời Đức Phật. Đông Thắng Thần Châu là Trung Quốc; Bắc Câu Lư Châu là Tây Tạng, Bắc Trung Á; Nam Thiệm Bộ Châu là Nam Á ; Tây Ngưu Hóa Châu là Tây Á, Ả Rập. Núi Tu Di là dãy Hy Mã Lạp Sơn.
 3 A-tu-la : có 3 loại. A-tu-la thiên đạo có phước báo nhưng hình dung xấu xí thuộc loại ác thần chứ không được đẹp đẽ như thiên thần. A-tu-la quỷ đạo giống như quỷ nhưng không phải ngạ quỷ. A-tu-la súc đạo giống như thú nhưng là quái vật chứ không phải thú bình thường.
4  Súc sinh. Tức các loại thú, cầm, thủy tộc và các chủng loại như bò sát, côn trùng có cánh bay được, hay chỉ cựa quậy như sâu bọ, giòi.
5 Ngạ quỷ. Loài quỷ đói lúc nào cũng đói khát nhưng không thể ăn được vì cấu tạo cơ thể quái dị, cổ nhỏ bằng cây kim, không nuốt được thức ăn.
6 Địa ngục. Là nơi giam giữ chúng sanh có nhiều ác nghiệp, có thể bị treo ngược và đói khát triền miên nhưng không thể ăn được, thức ăn đưa đến miệng thì hóa thành lửa. Kinh điển có nêu trường hợp của Bà Thanh Đề, mẹ của Mục Kiền Liên, chịu khổ ở địa ngục.
Tất cả các cảnh giới trên đều là do tâm tạo, tùy theo nghiệp thiện ác mà cảnh hiện ra lành thanh tịnh, vững bền, hay dữ, ô uế, khổ sở, nhiều biến cố như thiên tai khủng khiếp, nước, gió , lửa hoành hành. Chúng sinh trong tam giới có 4 kiểu sinh sản hay xuất hiện :
a. Noãn sinh (Andajayoni): loài sinh ra từ trứng, như loài chim, ngỗng, khổng tước, gà, rắn, cá, côn trùng…
b. Thai sinh (Jalabuja, còn gọi Phúc sinh): loài sinh ra từ thai mẹ, như người, voi, ngựa, trâu, bò, heo, dê, lừa…
c. Thấp sinh (Samsedaja, còn gọi nhân duyên, hàn nhiệt hòa hợp sinh): loài sinh ra từ nơi ẩm ướt, hay có điều kiện thuận lợi như vi trùng, vi khuẩn.
d. Hóa sinh (Opapatika): Là cách xuất hiện không cần có cha mẹ, do nghiệp lực mà hiện sinh, gọi là hóa sinh, như : chư thiên, địa ngục, trung ấm, đều do nghiệp lực đời quá khứ khi tới hạn thì sinh ra.
Tuy tóm gọn trong 18 cảnh giới của căn, trần, thức, nhưng thực tế là bao trùm cả vũ trụ vạn vật, bởi vì tiền ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân)  nhận biết những đối tượng căn bản nhất, còn não bộ có khả năng lý luận và tư duy trừu tượng tức không cần có đối tượng ngay hiện tiền mà chỉ cần có ký hiệu để thay thế hiện vật. Ký hiệu bao gồm hình ảnh, ngôn ngữ, chữ viết, các ký hiệu đặc biệt khác như ký hiệu toán học, vật lý học, hình học…Những hiện tượng phức tạp còn được khái quát hóa thành mô hình, như mô hình nguyên tử vật chất, mô hình kinh tế, những sự vật cụ thể phức tạp có thể được vẽ thành sơ đồ…Do đó cái biết của bộ óc ngày càng nhiều và tinh vi. Nhiều sự vật trong thiên nhiên không có, nhưng bộ óc thông minh của con người sáng tạo ra để sử dụng như tàu thủy, xe hơi, máy bay, máy vi tính, sóng điện từ dùng trong radio, tivi; bluetooth, wi-fi, 3G, 4G dùng trong điện thoại di động và internet. Vô số phát minh sáng chế trong tất cả mọi ngành hoạt động khiến cho khả năng sản xuất vật chất và phi vật chất của con người tăng lên rất nhiều so với thời xưa. Bộ óc với tư duy trừu tượng có thể hiểu được nhiều điều kỳ diệu vượt rất xa so với những cái thấy nghe hay biết thông thường. Do đó Pháp trần, đối tượng của não bộ, tức ý căn, bao trùm cả Tam giới mênh mông, từ thiên thể vĩ mô cho tới thế giới vi mô hạ nguyên tử (subatomic), ý thức đều có thể đạt tới.
Chẳng hạn, thông thường thấy con trâu, con ngựa, heo gà, cá tôm, sông núi, nhà cửa, xe cộ, cơm nước là vật chất và cho rằng chúng có thật 100% vì mắt thấy, tai nghe, thân thể tiếp xúc, ngửi thấy mùi, nếm thấy vị, ăn no, tiêu hóa được, có tăng trọng, đâu còn chỗ nào để nghi ngờ rằng chúng không có thật ? Nhưng trí óc tư duy chặt chẽ biết vật chất cấu tạo bởi những hạt ảo như quark, electron, những hạt này nếu bị cô lập thì chúng không tồn tại, chúng chỉ hiện hữu khi được kết hợp, ví dụ 2 quark up kết hợp với 1 quark down thì xuất hiện hạt proton; 1 quark up kết hợp với 2 quark down thì xuất hiện hạt neutron. Proton và neutron là những hạt vô cùng bền vững tạo thành hạt nhân của nguyên tử. Hạt nhân kết hợp với electron thì tạo thành nguyên tử vật chất. Như vậy nguyên tử chỉ là sự kết hợp nhân duyên của các hạt ảo, nguyên tử không phải là vật. Vậy tại sao ta lại thấy nguyên tử là vật, là đơn vị đầu tiên của vật chất ? Đó là vì ta có lục căn, đó là một bộ máy ảo hóa có khả năng phát sinh nhất niệm vô minh, nói vô minh là vì mê mờ, không thấy rõ, không biết rõ, bị lầm lạc, nên tưởng tượng ra vật. Cũng giống như máy vi tính, mỗi dao động của con chip tương ứng với một niệm của con người. Con chip dao động hàng tỉ lần trong một giây, biến những dãy số nhị phân 0 và 1 có cấu trúc thiên hình vạn trạng, thành chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video mà ta nhìn thấy trên màn hình. Cũng tương tự, cấu trúc ảo của nguyên tử, của các loại vật chất khác nhau (Phật giáo gọi là vô thủy vô minh) chỉ hiện hữu trên cái phông của tâm thức hình thành từ vô số nhất niệm vô minh liên tục. Không có cái đơn vị tư tưởng là nhất niệm vô minh thì cũng không có vật gì cả, bởi vì tất cả mọi cấu trúc của vật chất đều là ảo, là không có thật, nên cần có nhất niệm vô minh để tưởng tượng ra. Vì lẽ đó thuyết Thập nhị nhân duyên của Phật giáo lấy Vô minh làm nhân duyên cơ bản.
Vậy lý trí của ta hiểu rõ vật chất chỉ là thế lưu bố tưởng chứ không phải thật, song ta không thể tự mình chứng tỏ được điều đó, vì đã từ bao nhiêu kiếp ta đã chấp thật cho là vật chất có thật. Chính tâm chấp thật kiên cố đã làm cho các hạt quark dính chặt vào nhau trong cấu trúc proton và neutron tạo thành hiện tượng mà khoa học gọi là sự giam hãm (confinement) tức là 3 hạt quark bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt proton không cách nào phá vỡ được. Dù khoa học có thể bắn phá làm vỡ hạt nhân nguyên tử, tạo thành nguyên tố khác và phát sinh năng lượng nhưng hạt proton và hạt neutron vẫn còn nguyên không bị phá vỡ. Cho dù ngày nay người ta có chế tạo được chiếc máy gia tốc khổng lồ LHC (Large Hadron Collider), gia tốc chùm hạt proton đạt tới vận tốc gần bằng ánh sáng, cho hai chùm hạt đi ngược chiều, va đập vào nhau, cũng không đủ sức phá vỡ hạt proton.
Chỉ khi nào hoàn toàn bỏ được tâm cố chấp, kiến tánh, vận dụng được sức mạnh tâm linh của Phật tánh thì mới phá vỡ được hạt proton, đạt tới Sự Sự vô ngại, tức có thể đi xuyên qua tường, một điều mà Trương Bảo Thắng đã từng biểu diễn đi xuyên tường của Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh năm 1982.
Bộ óc con người có khả năng rất lớn, làm được rất nhiều việc, nhưng lợi cũng nhiều mà hại cũng lắm. Cái lợi thì trong cuộc sống hàng ngày ai cũng thấy rồi, ta không thể sống mà thiếu điện, thiếu các phương tiện như xe cộ, máy bay, tàu thủy để đi lại, nhà cửa để ở, quần áo để mặc, tivi, máy vi tính, điện thoại di động để làm việc và giải trí. Nhưng cái hại cũng rất nhiều, hóa chất độc hại trong thực phẩm, môi trường ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính, ùn tắc giao thông, vũ khí giết người hàng loạt, thảm họa hạt nhân…
Bộ óc cũng không có khả năng giúp con người đem lại thái bình an lạc cho thế giới, cũng không thể giúp con người thoát được đau khổ sinh lão bệnh tử và luân hồi. Vì vậy con người mới cần tới một đạo lý giải thoát như Phật giáo, học cách vận dụng sức mạnh tâm linh của Phật tánh, đây là một loại sức mạnh vô biên mà tôi có đề cập trong Lực học Thích Ca, có thể giúp con người an lạc trong hiện tại và những ai quyết chí thì có thể thực hành tham thiền để tự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt được tự do tự tại hoàn toàn, không có gì trói buộc được, dù đó là thiên nhiên hung hãn, hay láng giềng cường bạo, hay nhà nước độc tài phi dân chủ.



Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

TRUNG QUỐC: MỘT SỰ SỤP ĐỔ CÓ THỂ LÀ MỘT TAI HỌA TOÀN CẦU

Nguyễn Gia Kiểng
Trước hết là một cảnh giác. Phải rất thận trọng với những con số về kinh tế Trung Quốc. Chúng có thể rất khác nhau và khiến cuộc thảo luận bế tắc ngay từ đầu.
Thí dụ như tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc. Con số này có thể là 23.000 tỷ, hay 12.000 tỷ hay 7.000 tỷ USD tùy theo nguồn gốc của nó và cách nhìn của mỗi người. Một con số mơ hồ như vậy có giá trị gì trong một cuộc thảo luận ? Tuy vậy chúng ta vẫn cần đến nó để theo dõi tỷ lệ tăng trưởng, một chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng kinh tế của một quốc gia.
Phải loại con số 23.000 tỷ USD. Đây là "GDP tính theo mãi lực" của Trung Quốc do Ngân Hàng Thế Giới ước lượng. Nó có nghĩa là "nếu so với vật giá ở Mỹ thì phải coi như GDP của Trung Quốc là 23.000 tỷ USD" và chỉ có mục đích giúp ta có một ý niệm về mức sống tại Trung Quốc chứ hoàn toàn không có một giá trị nào trong quan hệ kinh tế quốc tế. Còn lại là GDP danh nghĩa (GDP nominal). Sau nhiều bàn cãi con số được phần lớn các định chế tài chính và cơ quan truyền thông ghi nhận là 12.000 tỷ USD. Các ước lượng về mức tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên con số này.
Tuy nhiên đặc tính chung của các số liệu của Trung Quốc là rất không chính xác, nhiều chuyên gia nói rằng GDP của Trung Quốc nếu tính lại một cách nghiêm chỉnh chỉ vào khoảng 7.000 tỷ USD. Họ cũng có lý nếu loại khỏi GDP những "sản lượng" vô ích chỉ được làm ra để nâng GDP lên và sẽ hư hao với thời gian, thí dụ như những thành phố ma.
Số nợ của Trung Quốc được biết rõ hơn. Hầu như mọi định chế tài chính đều đồng ý rằng khối nợ của Trung Quốc cuối năm 2017 là trên 31.000 tỷ, nghĩa là 260% GDP nếu dùng con số GDP 12.000 tỷ USD, trong đó chính phủ nợ 5.500 tỷ, các công ty quốc doanh nợ 19.000 tỷ, các gia đình nợ 6.000 tỷ, phần còn lại là nợ của các ngân hàng. Như vậy khối nợ công của nhà nước Trung Quốc (nợ chính phủ và nợ của các công ty nhà nước) là khoảng 25.000 tỷ USD, nghĩa là hơn hai lần GDP. Ngoài ra, các chính quyền tỉnh còn nợ còn nợ khoảng 6.000 tỷ USD. Không hiểu vì sao khối nợ này ít khi được kể vào khối nợ công. Có thể chỉ vì nó chưa đầy đủ, nghĩa là chưa bao gồm tất cả các khoản nợ của tất cả các tỉnh ? Nếu như thế thì khối nợ công của Trung Quốc phải ít nhất là 31.000 tỷ USD, nghĩa là hơn hai lần rưỡi con số GDP 12.000 tỷ USD mà Trung Quốc chưa chắc đã có.
Nhưng chưa hết, các ngân hàng Trung Quốc còn một thủ thuật khác mà họ học được từ các ngân hàng Mỹ để giấu nợ. Họ lập những công ty tài chính ma để cho vay, rồi kể tài sản của các công ty này (trong đó có các khoản cho vay) như là đầu tư thay vì nợ. Đây không phải là một nghi ngờ của các quan sát viên mà là một phát hiện của Ủy Ban Kiểm Tra Ngân Hàng của Trung Quốc, do chính ông chủ tịch Shang Fu-lin công bố. Các khoản tín dụng trá hình này được ước lượng là ở mức ít nhất 2.000 tỷ USD.
Tóm lại, tuy các con số của Trung Quốc rất thiếu chính xác nhưng chúng ta có thể khẳng định là mức nợ công của Trung Quốc rất cao, cao hơn tất cả những gì được công bố, cao một cách nguy ngập. Chính vì nhận định khối nợ công của Trung Quốc thực sự đã quá nguy ngập mà ngày 23/05/2017 cơ quan thẩm định Moody's đã hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc khiến cho lãi suất công trái của Trung Quốc đã dần dần leo lên tới 3,2% cho các công trái hai năm và chắc chắn sẽ còn leo lên nữa. Với lãi suất này, Trung Quốc từ nay sẽ phải trả 1.000 tỷ USD mỗi năm cho tiền lãi của nợ công. Để so sánh, lãi suất công trái hai năm của Mỹ là 0,5%, chính phủ Mỹ phải trả khoảng 100 tỷ USD cho tiền lãi nợ công, nghĩa là bằng 1/10 số tiền lãi mà Trung Quốc phải trả.
Sở dĩ nhiều người vẫn còn tin là kinh tế Trung Quốc chưa thực sự lâm nguy là vì khối ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc vẫn còn khá lớn, dù đã giảm từ 4.000 tỷ USD xuống còn 3.000 tỷ USD. Nhưng nếu nhìn sát hơn thì trong khối dự trữ này 1.000 tỷ USD không còn động viên nhanh chóng được nữa vì đã được sử dụng trong các quỹ đầu tư, 2.000 tỷ USD còn lại chủ yếu để cấp cứu các ngân hàng, thị trường chứng khoán và đồng Nhân Dân Tệ.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 20%, Thẩm Quyến sụt gần 30% mặc dù chính quyền Trung Quốc không ngừng cứu giúp - Ảnh minh họa (zonebourse.com)
Khi tôi viết các dòng này thì từ đầu năm 2018 đồng Nhân Dân Tệ đã mất giá 9% so với đồng Đôla Mỹ, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 20%, Thẩm Quyến sụt gần 30% mặc dù chính quyền Trung Quốc không ngừng cứu giúp, trong khi các thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật và Châu Âu hoặc thăng bằng hoặc chỉ sụt từ 5% tới 10%. Dự trữ của Trung Quốc tuy lớn nhưng vẫn thiếu.
Bàn về tình hình kinh tế Trung Quốc cũng sẽ thiếu sót nếu bỏ qua những nét đặc thù có ảnh hưởng quan trọng, nhất là trong tình trạng khó khăn hiện nay. Ngoài hàng trăm tỷ USD đào thoát ra nước ngoài hàng năm còn có ít nhất hai hiện tượng cần được lưu ý.
Một là loại "tín dụng tay đôi" (crowd lending, hay peer to peer, viết tắt là P2P). Loại tín dụng này có ở hầu như mọi nước nhưng không đâu mạnh như ở Trung Quốc. Tầm vóc của nó tại Trung Quốc lớn hơn hẳn tất cả phần còn lại của thế giới. Một cách vắn tắt, đó là những công ty được thành lập chung quanh một trang Web và dùng trang Web này kêu gọi quần chúng trực tiếp cho các công ty vay. Các công ty P2P này đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa tư nhân cho vay và các công ty cần vay tiền để kinh doanh, thường thường là những công ty không đủ tiêu chuẩn để vay tiền tại các ngân hàng. Sự hấp dẫn của công thức này là lãi suất rất cao, có thể đến 15% mỗi năm, cao gấp 4 hoặc 5 lần lãi suất tiết kiệm. Ngược lại rủi ro rất cao và lừa bịp cũng rất nhiều. Chính quyền Trung Quốc trong cố gắng kích thích tăng trưởng để thoát hiểm sau cuộc khủng hoảng 2008 đã để mặc cho các công ty P2P này phát triển, thậm chí còn khuyến khích. Đã có hàng chục ngàn công ty P2P ra đời, lôi kéo hơn 50 triệu người ghi danh cho vay, huy động trên 10.000 tỷ USD. Gần đây chúng ồ ạt phá sản, nhiều chủ công ty P2P ôm tiền của khách hàng trốn ra nước ngoài. Những người cho vay mất trắng. Theo tờ Hoa Nam Tảo Báo (South China Morning Post) thì tới nay đã có hơn 4.500 công ty P2P phá sản, với 225 vụ phá sản riêng trong tháng 7/2018 vừa qua. Vụ phá sản được nói tới nhiều trên báo chí Trung Quốc là công ty eZubao làm mất 6,7 tỷ USD. Sự phá sản của phong trào P2P này, sau khủng hoảng của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến năm 2015 đã làm cạn kiệt khối tiền tiết kiệm tư nhân, khiến chính quyền Trung Quốc không còn nguồn vốn trong nước để động viên nữa.
Các công ty P2P này đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa tư nhân cho vay và các công ty cần vay tiền để kinh doanh, thường thường là những công ty không đủ tiêu chuẩn để vay tiền tại các ngân hàng - Ảnh minh họa (P2P Construction-The Star)
Một hiện tượng khác mà báo chí Trung Quốc nói đến là các công ty quốc doanh sau khi vay được tiền ở các ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp đem cho các công ty tư nhân vay lại với lãi suất cao hơn để lấy lời. Càng làm gia tăng nguy cơ sụp đổ dây chuyền.
Chúng ta sẽ không thể hiểu vì đâu Trung Quốc đến nông nỗi này nếu không ý thức được sự hốt hoảng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khi kinh tế thế giới sụp đổ vì hai bong bóng địa ốc và chứng khoán bể tại Mỹ. Cuộc khủng hoảng này sau hơn mười năm vẫn chưa chấm dứt vì đa số các chính quyền vẫn còn đang phải gánh những khối nợ công ngang với GDP.
Trước năm 2008 mô hình kinh tế Trung Quốc có thể gọi tắt một cách chính xác là "mô hình tăng trưởng dã man". Đó là mô hình tăng trưởng bất chấp cả con người lẫn môi trường, chỉ nhắm sản xuất thật nhiều với giá thành thật rẻ để xuất khẩu tối đa. Nói cách khác, chính quyền cộng sản Trung Quốc xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân. Mô hình này đã khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục trên 10% mỗi năm trong gần 30 năm, với cao điểm là 14% năm 2007 ngay trước cuộc khủng hoảng.
Người ta nói tới một phép mầu Trung Quốc mà không tìm hiểu tại sao các cấp lãnh đạo tuyệt đối không có một sự hiểu biết nào về kinh tế, hơn nữa còn suốt đời được đào tạo để phủ nhận kinh tế thị trường, lại có thể tạo ra một phép mầu như vậy. Trong cơn choáng váng người ta đã quên rằng mọi sự kiện đều có logic của chúng. Trung Quốc thật ra đã trả một giá kinh khủng cho sự tăng trưởng này. Môi trường đã bị tàn phá một cách triệt để và không thể phục hồi. Một phần lớn của miền Bắc Trung Quốc đã trở thành khô cằn ; hơn một nửa các dòng sông không còn nước, các con sông còn lại ô nhiễm tới mức mọi sự sống gần như biến mất.
Cuối năm 2007 tôi đã tham quan Trung Quốc và nhận xét rằng các thành tựu hoành tráng của Trung Quốc thực ra chỉ là những Vạn Lý Trường Thành mới tuy bề ngoài hào nhoáng nhưng chỉ làm Trung Quốc kiệt quệ về lâu về dài. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó.
Cũng không phải chỉ có thế, lý tưởng công bằng xã hội mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đề cao để biện minh cho việc gây ra cái chết của hàng trăm triệu người Trung Quốc trong nội chiến cũng như trong các chiến dịch Bước Nhảy Vọt và Đại Cách Mạng Văn Hóa đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho một chênh lệch giầu nghèo chưa từng có, không chỉ giữa những con người mà còn cả giữa các vùng.
Tăng trưởng kinh tế chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Kinh và vùng bờ biển phía Đông, tổng cộng vào khoảng 1/5 lãnh thổ, nhưng ngay trong các vùng này bất công xã hội cũng cực kỳ thách đố. Hàng trăm triệu người đổ về Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải và các thành phố duyên hải để bán sức lao động, họ sống chen chúc trong những khu nhà chật hẹp và dơ bẩn.
Vào cuối năm 2007 tôi đã thấy một đám đông mà tôi chưa bao giờ thấy. Tại quảng trường trước nhà ga Bắc Kinh hàng triệu người chen chúc nhau. Họ đứng, ngồi và nằm bên cạnh những bao hành lý lớn. Đó là các công nhân từ các tỉnh chờ xe lửa để về quê thăm gia đình. Họ chỉ là một thiểu số trong số những người tha hương cầu thực bởi vì những người này trung bình chỉ về quê thăm gia đình mỗi năm một lần.
Trên thực tế phải nói Trung Quốc không phải là một nước với 1.400 triệu dân như cách nhìn bình thường. Đó là một nước với khoảng 300 triệu dân và một khối nô lệ hơn một tỷ người bị bóc lột thẳng tay.
Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã hốt hoảng khi cuộc khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra vì ít nhất hai lý do. Một là kinh tế Trung Quốc lúc đó chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khi xuất khẩu chắc chắn sẽ sút giảm rất nặng. Hai là, quan trọng hơn, chế độ Trung Quốc dựa trên một hợp đồng bất thành văn, theo đó chính quyền được quyền mặc sức hủy hoại môi trường và khai thác sức lao động của quần chúng cũng như của các tỉnh phía Tây, nhân danh một tỷ lệ tăng trưởng cao hứa hẹn một ngày mai tươi sáng ; hợp đồng này nếu không được tôn trọng sẽ đưa tới bạo loạn và ly khai.
Kết luận của Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc mà Ôn Gia Bảo đã là người đầu tiên nói ra là phải giữ tỷ lệ tăng trưởng ở mức 8%. Trong một bài trước tôi đã trình bày là họ đã tìm đủ mọi cách để giữ tỷ lệ tăng trưởng này, dù là một cách giả tạo. Họ đã cố phát triển thị trường nội địa, nhưng cố gắng này đã không thành công mà còn có kết quả ngược lại là khiến hoạt động xuất khẩu trở thành khó khăn hơn. Họ đã dồn tiền vào các thị trường chứng khoán với mơ ước biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính lớn như New York, Tokyo hay London để có thể huy động các nguồn tài chính thế giới ; dự án này không chỉ thất bại mà còn là một thảm họa đến nay vẫn còn tiếp tục tàn phá một nền tài chính vốn đã rất nguy ngập. Cố gắng chuyển hóa từ một nền kinh tế dựa trên khối lượng sang một nền kinh tế phẩm chất cao là đúng nhưng đòi hỏi thời gian và những yếu tố khác mà các chế độ độc tài không có : tự do, ý kiến và sáng kiến.
Giải pháp cứu nguy còn lại là xây dựng, xây dựng trong nước rồi xây dựng ngoài nước khi không còn xây dựng thả cửa ở trong nước được nữa.
Như tôi đã viết trong một bài trước (2), giải pháp này, được gọi là "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (Belt and Road Initiative), thực ra chẳng có gì là độc đáo để đáng được gọi là một sáng kiến. Nó chỉ là một giải pháp dễ dãi. Ai cũng biết ngành xây dựng có tác dụng lôi kéo rất nhiều ngành khác. Người Pháp có câu "Khi xây dựng lên thì tất cả đêu lên" (Quand le bâtiment va, tout va).
Ngành xây dựng dễ tăng cường vì không đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp lại có hiệu ứng lôi kéo lớn nên nó luôn luôn là cám dỗ của các chính quyền hoặc muốn tăng trưởng nhanh hoặc muốn thoát hiểm trong một bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều mà một số người không lưu ý đúng mức là ngược lại khi ngành xây dựng bế tắc nó cũng khiến rất nhiều ngành khác bế tắc theo và gây khủng hoảng lớn. Đó là điều đã xảy ra tại Mỹ năm 2008 khi chiếc bong bóng địa ốc xì hơi. Đó cũng là lý do khiến Espana và Hy Lạp khốn đốn từ mười năm nay. Xây dựng có hiệu quả tức khắc nhưng nguy hiểm về lâu về dài. Nó như một thứ thuốc kích thích phải được sử dụng một cách rất thận trọng. Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc chắc chắn phải biết điều này vì nó quá sơ đẳng nhưng họ không còn chọn lựa nào khác.
Vấn đề của Bắc Kinh là họ không thể giảm bớt các hoạt động xây dựng vì ngành này và những ngành gắn bó chặt chẽ với nó đang nuôi sống hàng trăm triệu gia đình. Giảm xây dựng là dồn họ vào thế tuyệt vọng và chắc chắn sẽ có bạo loạn.
Khó khăn của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Ngoài đe dọa kinh tế Trung Quốc còn phải đương đầu một cách tuyệt vọng với một tai họa còn to lớn hơn nhiều : môi trường. Một phần lớn của đất nước Trung Quốc gần như đã bị hy sinh trên bàn thờ thần Tăng Trưởng.
Năm 2007, khi bầu trời Bắc Kinh và Hà Bắc đã đen nghịt khói, tôi đọc được nhiều tài liệu cho biết là Trung Quốc dự định xây thêm mỗi năm hơn một ngàn nhà máy nhiệt điện than và nhiều ngàn nhà máy chạy bằng than khác như thép, phân bón, giấy v.v. Trong suốt một tháng đi đâu trên khắp Trung Quốc (xin nhấn mạnh là trên khắp Trung Quốc !), tôi cũng gặp những đoàn du lịch của Tổng Công Ty Than Khoáng Sản Việt Nam. Trung Quốc mua tất cả khối lượng than mà Việt Nam có thể bán. Đó là thời vàng son của than. Rồi đùng một cái các nhà lãnh đạo Trung Quốc khám phá ra là thời đại của than đã chấm dứt và thời đại của dầu khí cũng sắp chấm dứt nhường chỗ cho năng lượng tái tạo được, chủ yếu là năng lượng mặt trời. Họ không biết phải làm gì với những thiết bị đã chế tạo ra cho những nhà máy chạy bằng than được dự định thành lập nhưng sẽ không thành lập nữa. Chỉ còn một giải pháp là xuất khẩu chúng bằng mọi giá.
Để có thể xuất khẩu Trung Quốc đề nghị với tất cả các nước những hợp đồng xây dựng và lắp ráp các kết cấu hạ tầng cũng như các nhà máy với những điều kiện thật dễ dãi. Các ngân hàng của Trung Quốc, hoặc do Trung Quốc tài trợ như AIIB, cho các nước đối tác vay để trả tiền các công trình do các công ty quốc doanh Trung Quốc đấu thầu thực hiện. "Vành đai và Con đường" là một cụm từ mơ hồ bao gồm tất cả những công trình mà Trung Quốc thi công ở nước ngoài. Để thực hiện những công trình này, Trung Quốc cho vay để khách hàng thanh toán cho mình, và cho vay bất chấp cả khả năng hoàn trả của khách hàng. Những món nợ này dĩ nhiên là mất không trong đa số các trường hợp.
Nhưng Trung Quốc lấy tiền đâu để cho vay ? Câu trả lời giản dị là họ đi vay, chủ yếu của các quỹ đầu tư đủ loại trên thế giới. Từ vài năm nay tình hình kinh tế Trung Quốc có thể tóm tắt như sau : Trung Quốc nợ ngập đầu, phải vay nợ mới để trả nợ cũ, phải vay thêm để tiếp tục cho vay, và cho vay những con nợ ít khả năng hoàn trả. Tình trạng điên loạn này dĩ nhiên không thể kéo dài.
Bao giờ và phải như thế nào ?
Nhưng bao giờ nó phải chấm dứt ?
Cho tới nay nhiều chuyên gia đã dự đoán sự sụp đổ nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc. Các dự đoán này đều hợp lý nhưng đã không thành sự thực vì ít nhất ba lý do :
Một là, các chuyên gia này đã phạm sai lầm là lý luận về Trung Quốc như là một nước trong khi Trung Quốc là một đế quốc và một đế quốc -hiểu theo nghĩa nhiều nước phục tùng một trung tâm- sụp đổ một cách khác, phức tạp hơn và lâu hơn.
Hai là, trong tình trạng của Trung Quốc hiện nay sự sụp đổ kinh tế có mọi triển vọng sẽ kéo theo cả sự sụp đổ của chế độ cộng sản và sự tan vỡ của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh vì vậy phải tìm mọi cách để trì hoãn nó bằng mọi giá. Họ kháng cự tới cùng vì không còn gì để mất và để sợ.
Ba là, các ngân hàng và các quỹ đầu tư đã cho Trung Quốc vay quá nhiều tiền cho nên mắc kẹt và dù muốn hay không cũng vẫn bắt buộc phải tiếp tục cho Trung Quốc vay vì sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc rất có thể sẽ kéo theo sự khủng hoảng, thậm chí sự sụp đổ, của chính họ và do đó một khủng hoảng lớn cho thế giới.
Tuy vậy, vào lúc này, ta có thể nói là khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc không còn xa vì những dấu hiệu chắc chắn của khủng hoảng đã rõ ràng và ngày càng nhiều. Khối nợ kinh hoàng của Trung Quốc là điều mà cả thế giới đã biết và chỉ có thể tăng lên chứ không thể giảm đi, dự trữ của Trung Quốc rất mỏng manh, thị trường chứng khoán của Trung Quốc liên tục xuống nhanh chóng dù ngân hàng trung ương phải không ngừng cứu trợ, lãi suất của các trái phiếu Trung Quốc đã vượt quá 3% và còn đang tiếp tục lên. Các tin xấu đến hầu như hàng tuần.
Chúng ta không biết ngày nào nhưng chúng ta có thể biết khi nào Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế. Đó là lúc Trung Quốc không còn vay nợ được nữa và lúc đó không còn xa bởi vì các cơ quan giám định, như Moody's, đã đánh giá các món nợ Trung Quốc là rủi ro. Lãi suất các trái phiếu Trung Quốc hiện nay đã ở mức 3,2%. Nó sẽ tiếp tục tăng lên ngày càng nhanh và khi nó đạt tới mức 6% hay 7% thì không còn quỹ đầu tư nào dám chối bỏ sự thực để tiếp tục cho Trung Quốc vay nữa ; lúc đó kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ với những hậu quả rất nghiêm trọng cho Trung Quốc và cho cả thế giới nếu sự sụp đổ đến một cách đột ngột.
Tháng trước tôi có nói chuyện với hai người bạn chuyên gia cao cấp. Chúng tôi chia sẻ cùng một phân tích về tình hình Trung Quốc, kể cả nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ vì những sai lầm của chính nó chứ hoàn toàn không phải vì cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Nhưng khi tôi nói rằng Trung Quốc có thể lâm vào khủng hoảng trong vòng hai năm nữa thì họ dè dặt. Theo họ kinh tế Trung Quốc đáng lẽ đã phải khủng hoảng lâu rồi nhưng nó vẫn còn đứng được chừng nào vẫn còn nhiều định chế tín dụng, dù tự nguyện hay miễn cưỡng, tiếp tục cho Trung Quốc vay và những định chế này vẫn còn khá nhiều.
Năm 2013, khi chính thức lên làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã long trọng công bố "Sáng kiến Một vành đai Một con đường".
Tập Cận Bình được bầu làm phó chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ đầu năm 2008 để chuẩn bị thay thế Hồ Cẩm Đào. Như vậy ông đã có vai trò quyết định trong chính sách kinh tế ngay khi cuộc khủng hoảng 2008 nổ ra. Năm 2013 khi chính thức lên làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nước ông đã long trọng công bố "Sáng kiến Một vành đai Một con đường". Năm 2017 cũng ông đặt cho nó một tên mới : "Vành đai và Con đường". Ông có thể được coi như là cha đẻ của chính sách kinh tế của Trung Quốc trong hơn mười năm qua, một chính sách nhắm trước hết cứu nguy đảng và chế độ cộng sản Trung Quốc. Chính vì thế mà ông đã được Đảng Cộng Sản Trung Quốc dành cho mọi vinh dự và quyền lực. Tuy vậy có mọi triển vọng chính sách này sẽ làm kinh tế Trung Quốc sụp đổ, làm chấn động thế giới, làm sụp đổ chế độ cộng sản và làm Trung Quốc sau đó tan vỡ làm nhiều khối. Có triển vọng cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra ngay trong nhiệm kỳ thứ hai này của ông. Tại sao không ai tranh giành quyền lực với ông ? Có thể vì không ai muốn chịu trách nhiệm về một thảm bại chắc chắn sẽ đến.
Người ta có lý do chính đáng để ghét chế độ cộng sản Trung Quốc và mong nó sụp đổ nhưng không phải vì thế mà mong nó sụp đổ ngay tức khắc. Đừng quên là cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 đã nổ ra khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản. Lần này một sự phá sản đột ngột của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo theo sự phá sản không chỉ của một mà nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư lớn. Chấn động sẽ dữ dội gấp nhiều lần và không chỉ nhân dân Trung Quốc khốn khổ mà nhiều nước, kể cả Việt Nam, cũng sẽ phá sản theo với những bi kịch không lường được.
Khủng hoảng của kinh tế sắp tới của Trung Quốc vì thế phải được chuẩn bị và quản lý với tất cả thận trọng. Giải pháp đương nhiên là phải để các công ty quốc doanh Trung Quốc lần lượt phá sản theo một nhịp độ mà các định chế đầu tư có thể tiêu hóa được. Muốn như thế thì không thể đột ngột ngừng cho vay hàng loạt các công ty lớn của Trung Quốc. Chắc chắn thế giới đã rút được bài học Lehman Brothers.
Ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ như thế nào ?
Nếu như thế thì ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ không quá nghiêm trọng. Các đế quốc khác với các quốc gia ở chỗ chúng không hung hăng gây hấn với nước ngoài khi bị khủng hoảng nội bộ. Chúng ta sẽ không sợ những hành động liều lĩnh của Trung Quốc, kể cả trên Biển Đông. Tuy vậy cuộc khủng hoảng sắp tới tại Trung Quốc sẽ rất lớn và Việt Nam sẽ như sống bên cạnh một núi lửa đang phun trong một thời gian dài. Việt Nam cần những người lãnh đạo có kiến thức và tầm nhìn để tránh những tai họa đáng lẽ có thể tránh được. Cho đến nay những người kế tiếp nhau lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đều không chứng tỏ khả năng đó.
Một bằng chứng là họ rập khuôn theo Trung Quốc mà không nhìn thấy sự khác biệt căn bản giữa hai nước. Việt Nam có thể chuyển hóa về dân chủ mà vẫn nguyên vẹn với cùng một lãnh thổ và dân số trong khi đó không phải là trường hợp của Trung Quốc.
Nguyễn Gia Kiểng
(12/12/2018)

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Mỹ gốc Hoa có liên quan đến “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc

Thu Thủy



VietTimes -- Đúng vào hôm “Công chúa Huawei” Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada cũng xảy ra vụ việc Trương Thủ Thịnh (Shou Cheng Zhang), nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng là “Người Hoa gần với giải Nobel vật lý nhất”, đồng thời là nhà đầu tư mạo hiểm bất ngờ nhảy lầu tự sát tại Mỹ ở tuổi 55. Việc ông Thịnh trước đây tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc và tin đồn tiếp xúc với công ty Huawei. Thông tin ông chết lại được công bố cùng ngày với việc Mạnh Vãn Chu bị bắt đã phủ bóng mây nghi vấn lên cái chết bất thường này.
Ngày 6.12, trường Đại học Stanford và người thân của Trương Thủ Thịnh đều đã xác nhận tin ông qua đời. Người nhà ông nói trong một văn bản tuyên bố, Trương Thủ Thịnh đã bất ngờ qua đời hôm 1.12 sau một thời gian chống chọi với chứng trầm cảm.
Trương Thủ Thịnh sinh năm 1963 tại Thượng Hải, 15 tuổi đã vào học tại khoa Vật lý, Đại học Phục Đán; 17 tuổi được cử sang CHLB Đức học, cùng năm qua Mỹ học nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại phân hiệu Stony Brook University trực thuộc Đại học bang New York; người trực tiếp hướng dẫn là Giáo sư Dương Chấn Ninh, người đã đoạt giải Nobel về Vật lý. Năm 1987 ông lấy được bằng Tiến sĩ, năm 1993 ông được Đại học Stanford mời giảng dạy tại khoa Vật lý, hai năm sau thì trở thành Giáo sư suốt đời của khoa này ở tuổi 32.
Những thành tựu xuất sắc của Trương Thủ Thịnh về Vật lý Lượng tử đã đưa ông trở thành người nổi tiếng trên quốc tế, Năm 2007, Tạp chí “Science” của Mỹ coi thành quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp là một trong “10 thành tựu lớn mang tính đột phá quan trọng toàn cầu”. Đó là chứng minh được giả thiết về hạt fermion của nhà vật lý Ettore Majorana mà các nhà vật lý vất vả tìm kiếm trong suốt 80 năm trước đó. Trương Thủ Thịnh đã đặt tên cho loại hạt bí ẩn mà ông tìm thấy là “Hạt Thiên sứ”.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, Trương Thủ Thịnh đã được nhận tất cả các giải thưởng lớn về Vật lý, chỉ ngoại trừ giải Nobel. Trương Thủ Thịnh là Viện sỹ Viện Mỹ thuật và Khoa học Mỹ (American Academy of Arts and Sciences), Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (United States National Academy of Sciences, NAS), Viện sỹ quốc tich nước ngoài Viện Khoa học Trung Quốc. Giáo sư Dương Chấn Ninh, người đã nhận giải Nobel Vật lý từng nhận xét về người học trò của ông: “Đối với cậu ấy, việc được nhận giải Nobel chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Những thành tựu của ông Trương Thủ Thịnh được chính phủ Trung Quốc chú ý, năm 2009 ông được lựa chọn tham gia “Kế hoạch ngàn người” – tức kế hoạch du nhập nhân tài từ nước ngoài về của Trung Quốc. Ông được Đại học Thanh Hoa mời về làm đồng Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ Lượng tử, nhiều lần được các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp và biểu dương. Tháng 1.2018, Trương Thủ Thịnh đã được trao Giải thưởng Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2017 với sự có mặt của các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường...


Năm 2012, phát biểu tại Diễn đàn thế kỷ của Đại học Thanh Hoa, Trương Thủ Thịnh nhớ lại chặng đường phát triển của ông: “Năm 2008, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy “Kế hoạch ngàn người”, cá nhân tôi rất vinh hạnh khi gặp được cơ hội như thế. Nhớ lại năm 1978, hồi đó bắt đầu khôi phục thi đại học, thực hiện Cải cách mở cửa; tôi chưa học Cao trung (tức Trung học Phổ thông) vẫn thử tham gia dự thi và đã đỗ ngay. Sau đó, Trung Quốc bắt đầu cử lưu học sinh đi du học, tôi chọn được đào tạo dài hạn tại Đại học Berlin. Sau đó tôi giảng dạy tại Đại học Stanford, vẫn luôn nhớ đến sự phát triển của đất nước. Khi mà Trung Quốc cần dùng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy phát triển thì “Kế hoạch ngàn người” được triển khai, đã cho tôi một cơ hội mới; sự giao lưu học thuật của tôi với các đồng nghiệp trong nước ngày càng rộng mở và dày hơn”.
Gần đây, “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc gây nên sự chú ý và lo ngại của các giới quốc phòng, tình báo và học thuật Mỹ. Họ chỉ trích đây là bộ phận quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm chuyển nhượng, sao chép để   cuối cùng đuổi kịp và vượt Mỹ về quân sự, công nghệ...Mục tiêu của họ là thúc đẩy việc di chuyển công nghệ và bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ tới Trung Quốc một cách hợp pháp và cả phi pháp.



Năm 2013, Trương Thủ Thịnh và nhà Vật lý người Anh Stephen Hawking đã được trao Giải thưởng Vật lý cơ sở. Sau khi được nhận giải, ông đã phát biểu trên đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV): “Tôi cũng là người đặc biệt tán thành tư tưởng Giấc mộng Trung Hoa do Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra”. Ông đã cho các phóng viên xem bức ảnh ông và một học giả trẻ người Trung Quốc chụp chung với Giáo sư Dương Chấn Ninh. Ông nói, 3 thế hệ học giả có bối cảnh và cuộc sống khác nhau, “nhưng chúng tôi đều có chung một giấc mộng”.
Trương Thủ Thịnh không nói rõ thêm “giấc mộng chung” đó là gì, nhưng mọi người đều hiểu đó chính là “Giấc mộng Trung Hoa”, thực hiện “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” mà ông Tập Cận Bình đã không ngần ngại nói ra. “Giấc mộng” đó bị các học giả phương Tây giải thích là “Chiến lược bí mật để Trung Quốc thay thế Mỹ bá chủ toàn cầu”.
Cũng năm 2013, Trương Thủ Thịnh và Cốc An Giai – một học trò của ông ở Đại học Stanford cùng nhau sáng lập ra quỹ đầu tư mang tên Danhua Capital. Công ty đầu tư mạo hiểm này đặt ở Silicon Valley, có số vốn ban đầu là 434,5 triệu USD, đầu tư cho hơn 100 công ty startup có tiềm năng nhất ở Mỹ, phần lớn trong các lĩnh vực nhạy cảm trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, số liệu và blockchain.
Báo chí Trung Quốc công khai đưa tin, đứng sau quỹ Danhua Capital là Tập đoàn phát triển Trung Quan Thôn của Trung Quốc – một công ty quốc doanh được chính quyền thành phố Bắc Kinh tài trợ. Năm 2006, một Trung tâm sáng tạo Trung Quan Thôn - Silicon Valley diện tích 7 ngàn mét vuông đã được khánh thành tại thành phố Santa Clara, tiểu bang California.
Sự thâm nhập của Trung Quốc vào Silicon Valley đã khiến các giới ở Mỹ chú ý. Hồi tháng 6.2018, hãng Reuters đưa tin, hơn 20 công ty đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley đã có mối quan hệ mật thiết với các quỹ của chính phủ hoặc công ty quốc doanh của Trung Quốc. Hồi tháng 11, bản ‘Báo cáo điều tra Khoản 301 cập nhật” của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nói, có chứng cứ cho thấy chính phủ Trung Quốc đã lợi dụng  một loạt công ty đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) ở Silicon Valley và một số trung tâm công nghệ để tạo thành một mạng lưới. Đầu tư và các hoạt động liên quan của họ nhằm thúc đẩy thêm mục tiêu chính sách của chính phủ Trung Quốc trong giới doanh nhân. Báo cáo đã nêu đích danh tên Danhua Capital là một trong số các công ty lợi dụng đầu tư mạo hiểm để giúp chính phủ Trung Quốc có được các công nghệ mũi nhọn và bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan của Mỹ.
Tiến sĩ Điền Nguyên, một bình luận viên thời sự người Hoa cho rằng, “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc gắn kết các nhà khoa học gốc Hoa với Bắc Kinh, đương nhiên bị người Mỹ chú ý. Một ví dụ điển hình là Trung tâm Y học Tây Nam của Đại học University of Texas: có ít nhất 4 giáo sư gốc Hoa tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã bị điều tra, bị sa thải thoặc bị buộc từ chức.
Ông Điền Nguyên nói, Danhua Capital của Trương Thủ Thịnh bị chính phủ Mỹ điều tra, thậm chí “Báo cáo 301” còn trực tiếp điểm tên, nói quỹ đầu tư này là “lô cốt đầu cầu” của Trung Quốc ở Đại học Stanford và Silicon Valley, chuyên thu thập những công nghệ mà Trung Quốc đang cần. Ông nhấn mạnh, “Kế hoạch ngàn người” bị coi là sự xâm thực các nhà khoa học người Hoa ở nước ngoài; chỉ cần có tên trong “Kế hoạch ngàn người” là về cơ bản đã trở thành đối tượng điều tra hàng đầu của FBI.
Ông nói: “Chỉ cần người nào tham gia “Kế hoạch ngàn người” là về cơ bản đã đối mặt với áp lực từ hai phía:một là từ phía chính phủ Mỹ và một đến từ phía Trung Quốc. Họ biệt đãi anh và quyết không để anh không có sự báo đáp lại”.
Ngày 6.12, nhiều báo chí Trung Quốc khi đưa tin Trương Thủ Thịnh qua đời đều thống nhất nói là do “mắc chứng trầm cảm”; tuy nhiên trên các diễn đàn mạng xã hội ở bên trong Trung Quốc và hải ngoại lại lan truyền các thông tin khác hẳn.

Có tin nói ông Trương Thủ Thịnh do đầu tư thất bại, đã tự sát vì không chịu nổi trách nhiệm. Lại có tin nói do ông đang bị FBI điều tra. Nhiều người chú ý đến sự trùng hợp: hôm ông Trương Thủ Thịnh tự sát cũng chính là ngày bà Mạnh Vãn Chu – Phó chủ tịch, CFO của Huawei bị bắt giữ tại Canada. Có nguồn tin nói, 1 ngày trước đó hai người còn tham dự hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại Buenos Aires. Lại có tin nói, năm ngoái ông Trương Thủ Thịnh đã tiếp xúc với giới chức lãnh đạo Huawei tại Thâm Quyến để thương lượng chuyện hợp tác với nhau...Về vụ này, tin công khai trên báo chí cho biết, ngày 1.4.2017, trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao IT tại Thâm Quyến, Trương Thủ Thịnh đã gặp gỡ Dư Thừa Đông, Chủ tịch Công ty Trung Đoan trực thuộc Tập đoàn Huawei. Vụ này được coi là hai bên bàn chuyện hợp tác chế tạo chip bán dẫn.
Đủ mọi tin đồn xung quanh Trương Thủ Thịnh chưa được xác nhận; có lẽ chúng sẽ mãi mãi trở thành điều bí ẩn không thể được làm sáng tỏ đi theo cái chết đột ngột của ông.