Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

QUỲNH HẢI NGUYÊN TIÊU

Cô đơn về thân phận con người, cô đơn trong thân phận của một kẻ sĩ bất lực trước thời thế, cô đơn trong thân phận của một con dân trước một đất nước tan hoang bởi những bàn tay của những kẻ tham lam, dùng máu xương của nhân dân để xây thành quách quyền lực cho riêng dòng họ, cá nhân mình. Như vết thương trên cây gió đã thành khối trầm, tỏa hương thơm cho đời, tất cả chất liệu khổ đau đã làm thành khối tinh anh trong con người Nguyễn Du, chuyển tải thành những áng văn chương bất hủ lưu mãi muôn đời cho hậu thế, cho dân tộc.  

 瓊海元宵
                                         阮攸;


Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên, 元夜空庭月滿天
Y y bất cải cựu thiền quyên.                       依依不改舊嬋娟
Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc?            一天春興誰家落
Vạn lý Quỳnh Châu, thử dạ viên ?.                萬里瓊州此夜圓
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán .                 鴻嶺無家兄弟散
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên.                   白頭多恨歲時遷
Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến,                 窮途憐汝遙相見
 Hải giác thiên nhai tam thập niên.               海角天涯三十年

Đêm rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải
                                                        Nguyễn Du
             Đêm rằm tháng giêng, sân trống, trời đầy trăng.
Trăng không thay đổi gì, vẫn đẹp như thuở nào.
`           Một trời xuân nồng ấm,  nhà ai có người còn lưu lạc,
Khắp xứ Quỳnh Châu, đêm nay có ai về không?
(Còn ở) Hồng Lĩnh (quê tôi giờ đây) nhà tan, anh em li tán,
Bạc đầu vì hận năm tháng và thời cuộc sao đổi thay quá.
Đường cùng,  ta bạn lại gặp nhau nơi đây,
Ba mươi tuổi rồi mà cứ (góc bể chân trời) rày đây mai đó.

Dịch thơ :

Sân vắng, trăng suông, rằm tháng giêng
Trăng xưa vẫn vậy, đẹp như tiên.
Một trời xuân ấm, ai lưu lạc ?
Quỳnh Hải đêm nay, có hạnh viên?
Hồng Lĩnh nhà tan, anh chị tán,
Bạc đầu quá hận  thế thời  điên .
Cùng đường lại gặp nhau, ta bạn,
Góc bể chân trời tam thập niên.



Nguyễn Du (阮攸; 1765–1820) Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, trong gia tài văn chương của ông, ngoài tác phẩm bất hủ Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, ông còn các tập thơ chữ Hán : Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm, Thanh Hiên thi tập. Bài “ Quỳnh Hải nguyên tiêu” là bài đầu tiên trong Thanh Hiên thi tập. Bài này đã được nhiều người dịch, chú và bình. Trong bài viết này, xuất phát từ lòng ngưởng mộ của một kẻ hậu sanh đối với những nỗi niềm mà một thi hào của dân tộc trải lòng trong những con chữ, tôi cũng mạn bình ý tứ của người xưa. Về ý tứ thì chắc cũng chẳng khác gì mấy so với những văn nhân khác; tuy nhiên đối với câu thực 3,4 tôi lại nghĩ khác với rất nhiều người đã từng bình bài này. Cụ thể câu 3,4 này trước nay đa số người dịch bài này người ta hiểu rằng :
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Một trời xuân hứng không biết rơi vào nhà ai,
Muôn dặm Quỳnh Châu đêm nay (trăng) tròn .
Tôi cho rằng hiểu như vậy là không thỏa đáng, còn tôi hiểu như thế nào về câu 3,4 này, ý tứ của nó ra sao, ý tứ ấy liên quan đến cái chỉnh thể của bài thơ như thế nào ? xin trình bày tiếp sau đây :
Nguyên dạ, không đình, nguyệt mãn thiên,
Sân vắng , trăng suông ,   rằm tháng giêng.
Như ta biết, mùa xuân là mùa của đoàn tụ, yêu thương, ấy thế mà ngay từ câu đầu tiên ông đã cho chúng ta thấy cái cô quạnh, trống vắng, không chỉ là tâm hồn của ông mà cả cảnh vật chung quanh ông nữa, một con trăng cô đơn giữa khung trời mênh mông lại chiếu vào mảnh sân vắng vẽ, mà con trăng ấy lại là trăng rằm thắng giêng điều ấy lại làm cho nỗi vắng vẽ cô đơn càng nhân lên gấp bội.
Y y bất cải, cựu thiền quyên,
Trăng xưa vẫn thế, đẹp như tiên.
Cũng vẫn là con trăng thuở nào, vẫn trẻ, đẹp như chưa từng thay đổi, thiên nhiên không thay đồi, nhưng có biết đâu rằng nơi đây con người và thời thế đã đổi thay biết bao nhiêu rồi.
Nhất thiên xuân hứng, thùy gia lạc?
Một trời xuân ấm, ai lưu lạc?
Một trời xuân, một đất nước đang xuân, đáng lẽ ra phải là hạnh phúc lắm chứ, vậy mà trên quê hương nước Việt của ông và Quỳnh Hải nơi ông đang ở, xuân với người chẳng có chung một nỗi niềm, bởi vì kể từ ngày ông bắt đầu nhận thức và thấm thía được nổi đau thân phận con người (1)thì cũng là lúc mà ông bị dày xéo bởi nổi đau của một con dân trong một đất nước mà vua, chúa tranh nhau quyền bính, bao nhiêu mưu mô hiểm ác nhất được dịp đem ra thi thố, rồi Tây Sơn đem quân ra Bắc dưới danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, nhưng kẻ yếu vẫn cứ yếu, yếu mà nắm quyền thì người khác làm thay, hết kẻ dưới tay rồi lại mời cả ngoại bang vào cướp nước (2). Lại phải đem máu xương của dân Việt ra để mà lấy lại quyền tự chủ, chiến tranh lại diễn ra, mà chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc, li tán, nên trong không khí xuân nồng ấm như thế lại làm cho ông tái tê hơn, rồi tự hỏi : Xuân nồng ấm thế nhưng nhà ai còn có người lưu lạc không?
Vạn Lý Quỳnh châu thử dạ viên ?
 Quỳnh Hải đêm nay có hạnh viên?
Trong khắp xứ Quỳnh Hải đêm nay có ai lưu lạc, ra đi trong chiến tranh còn sống sót trở về đoàn viên không? Đặt câu hỏi như thế cũng có nghĩa là : Sao mà nhiều người ra đi nhưng quá ít trở về thế. Quỳnh Hải là một phần của nước Việt, là quê vợ ông, đối với ông nơi đây là đất khách quê người. Đất khách quê người mà như thế, còn quê ông thì như thế nào?
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán, (3)
Hồng Lĩnh nhà tan anh chị tán,
Câu trên là ông tự hỏi, nên không chắc lắm ai đã ra đi, bao nhiêu người trở về, nhưng ở câu này chính là câu trả lời, câu xác định, chính quê ông, nhà ông, gia đình ông là nạn nhân của thời cuộc. Quê vợ đã thế, quê mình cũng tan hoang, như thế là cả một đất nước chìm trong đói khổ, tang thương, chết chóc và ly tán.
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên.
Bạc đầu quá hận thế thời điên.
Ông giận sao mà thời gian qua nhanh quá, thoáng một cái mà ông đã bạc đầu, ông lại hận thời thế sao mà quá đảo điên, cứ thay đổi xoành xoạch. Trong vòng quay của tạo hóa (thời gian) ông dường như chẳng gặt gái được gì trong khi mà cái giá phải trả cho những ưu tư là một mái tóc bạc, còn trong vòng quay của thời cuộc, một kẻ sĩ như ông dường như chẳng có nghĩa lý gì. Có lẽ ông còn hận nhiều hơn thế, ông hận nhân gian, ông hận thời thế, rồi ông hận cả đất trời Bản vô văn tự năng tăng mệnh . Hà sự kiền khôn thác đố nhân?” Chữ nghĩa nào có ghen với mệnh, mà sao trời đất lại ghét nhầm người?.Chính đây là khởi nguồn cho cái định đề tài mệnh tương đố về sau.
 Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến.
Đường cùng lại gặp nhau, ta bạn.
Có thể xem đây là lúc Nguyễn Du tuyệt vọng nhất. Bởi vì nơi đây ông đã từng được gia đình bạn cha ông nuôi dưởng bảo bọc, rồi lại gả con gái cho ông, cũng từ nơi đây ông đã đèn sách nghiên bút đi thi, tuy không đổ cao nhưng cũng được tập ấm một chức quan nhỏ từ cha nuôi họ Hà của ông. Ít ra như thế cũng có nghĩa là ông đã có một đường đi riêng cho bản thân và gia đình mình, nhưng mọi thứ đều bị xóa sạch trước những đổi thay nhanh chóng của một đất nước đầy biến động. Trong lúc tuyệt vọng, cùng đường như thế ông lại gặp người bạn củ, người bạn tri âm đã bao lần lắng nghe tâm sự thầm kín của ông mà chưa từng phản đối hay tiết lộ, một người bạn mà trải qua bao đổi thay của nhân thế trong lúc ông đã già đi mà khuôn mặt người ấy vẫn cứ rạng ngời khi gặp lại ông, đặc biệt người bạn ấy từ ngàn xưa đến nay vẫn một mình cô đơn giữa một khung trời lồng lộng. Hai kẻ cô đơn gặp nhau, như hai người đồng bịnh đến với nhau, an ủi nhau. Trong câu này ông dùng chữ “lân” là có ý đó “ đồng bịnh tương lân” mà.
Hải giác thiên nhai tam thập niên.
Góc bể chân trời tam thập niên.
Lúc này ông đã 30 tuổi rồi, ngày xưa tam thập nhi lập, ba mươi tuổi mà chưa có sự nghiệp là xem như thất bại. ấy vậy mà ở cái tuổi này ông vẫn còn nương thân nơi quê vợ. Ông hận cho năm tháng qua mau, thời cuộc đổi thay như chong chóng, tóc đã bạc rồi mà dường như mọi thứ vẫn chưa có lối ra phía trước, hận mình bất lực trước những gì diễn ra trong tư cách của một kẻ sĩ trước vận mệnh của dân tộc “ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Trong hoàn cảnh bản thân như thế mà lại vào lúc đầu xuân nữa, tất cả điều đó đã làm cho Nguyễn Du càng cảm thấy cô đơn hơn. Cô đơn về thân phận con người, cô đơn trong thân phận của một kẻ sĩ bất lực trước thời thế, cô đơn trong thân phận của một con dân trước một đất nước tan hoang bởi những bàn tay của những kẻ tham lam, dùng máu xương của nhân dân để xây thành quách quyền lực cho riêng dòng họ, cá nhân mình. Như vết thương trên cây gió đã thành khối trầm, tỏa hương thơm cho đời, tất cả chất liệu khổ đau đã làm thành khối tinh anh trong con người ông, chuyển tải thành những áng văn chương bất hủ lưu mãi muôn đời cho hậu thế, cho dân tộc.
Tinh anh phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa./.

             Đà Lạt  23/3/2012

                                                                                            Viên Như

1 – 10 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mồ côi mẹ, bắt đầu kiếp ăn nhờ ở đậu.
2 – 1787 Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu viện quân Thanh, hậu quả là dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị quân Thanh đã sang xâm lược nước ta.

3 – 1791 Nguyễn Quýnh, anh cùng cha khác mẹ của ND bị Tây Sơn giết, phá bỏ dinh cơ của họ Nguyễn  ở Tiên Điền, Hà Tỉnh.

Bài do tác giả gởi cho blog Hữu Nguyên

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Xung quanh vụ cháy phòng làm việc của ông Vũ Trọng Kim ở MTTQ Việt Nam

chay-uy-ban-trung-uong-mat-tran-to-quoc-viet-nam-1

Như tin báo Nhân Dân đã đưa và vội gỡ xuống, vào khoảng 11 giờ 30 ngày 23/1, tức 23 tháng chạp, một đám cháy lớn đã bùng phát tại một phòng làm việc trên tầng 2 tòa nhà chính của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Phòng làm việc đó chính là của ông Vũ Trọng Kim – Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Đến nay, nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa được làm rõ. Thiệt hại cũng chưa tính và lường hết được. Ghi nhận lại nhiều đồn đoán xung quanh vụ việc, chúng tôi thống kê lại như sau:

1. Do chập điện

Đây là nguyên nhân dễ đưa ra, nhưng lại khó thuyết phục đa số cán bộ, nhân viên làm việc tại Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Vì lẽ, hệ thống đường điện, nước, vệ sinh của Mặt trận tổ quốc rất xịn. Nhất là trang bị tại phòng làm việc của Ủy viên Trung ương Vũ Trọng Kim và của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân trên tầng 2 của tòa nhà chính. Tòa nhà này do Pháp thiết kế, vách tường rộng đến 40cm. Hệ thống an toàn cũng rất tốt, nếu xảy ra chập điện thì hệ thống tự động sẽ tự ngắt.

2. Do thắp hương cầu cúng

Khả năng này có thể xảy ra. Vì trùng với dịp lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Hơn nữa, ông Vũ Trọng Kim và ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết có tiếng là mê tín. Sinh năm Quý Tỵ, nên năm Quý Tỵ 2013 là năm hạn của ông Kim. Trong năm, ông bị nhiều cán bộ, nhân viên, nhà báo tố cáo nhiều nội dung sai phạm. Ủy Ban Kiểm tra trung ương đã có kết luận về những nội dung này. Có thể ông Kim đã thắp hương rồi lên xe đi công tác Quảng Ninh nên mới xảy ra cháy lớn, cháy toàn bộ phòng làm việc như vậy. Nếu không được dập tắt kịp thời thì không biết sự thể sẽ ra sao?. Hay ông Kim nhờ người thắp hương hộ nhưng do bất cẩn để xảy ra hỏa hoạn?.

3. Do tự đốt

Nguyên nhân tưởng như “vớ vẩn” này hóa ra lại được khá nhiều người đồn đoán. Vì lẽ, nếu chập điện thì sao hệ thống báo cháy của Mặt trận lại không phát tín hiệu?. Hệ thống báo cháy của mặt trận rất xịn, chưa nói lại trang bị cho tầng chính của một Ủy viên Bộ Chính trị – Chủ tịch Mặt trận là ông Nguyễn Thiện Nhân và một Ủy viên Trung ương – Thủ trưởng cơ quan là ông Vũ Trọng Trọng Kim. Hơn nữa ông Kim lại có chân trong Ban Phòng chống tham nhũng trung ương. Khi ngọn lửa đã cháy to, khói tỏa ra thì cán bộ, nhân viên mặt trận mới phát hiện ra và báo cháy. Như vậy, có lẽ có sự can thiệp để hệ thống này không báo cháy ngay từ đầu.

Nhưng nếu tự đốt thì do chính ông Kim hay do người khác?

Nếu là ông Kim thì vì nguyên nhân và động cơ gì?. Theo đồn đoán thì ông Kim giữ trong tay rất nhiều tài liệu giấy tờ quan trọng, không chỉ của riêng Mặt trận tổ quốc mà cả Ban Phòng chống tham nhũng trung ương. Thật là nguy hại nếu ông Kim giữ tài liệu hoặc bằng chứng “độc bản” liên quan đến lãnh đạo đang trong diện bị Bộ Chính trị xem xét. Liệu đây có phải là một vụ dựng lên để tiêu hủy bằng chứng?.

Hiện tại, dù là Ủy viên Ban Phòng chống tham nhũng trung ương, nhưng chính bản thân ông Kim cũng đang bị Ủy Ban Kiểm tra trung ương xem xét, xử lý, rút kinh nghiệm về một số sai phạm. Liệu vụ cháy này có là điều kiện để những bằng chứng bất lợi cho ông Kim, hay cho ai đó bay biến đi không? Lại có những đồn đoán khác tỏ ra thông cảm cho ông Kim khi cho rằng ông Kim mất khá nhiều tài sản trong vụ cháy này; và không nên truy bức ông Kim khi ông đã bị thiệt hại.

Nếu là do người khác đốt thì vì nguyên nhân gì? Ông Kim đã gây thù chuốc oán với ai để đến mức bị như vậy? Đồn đoán này không thuyết phục vì có là gan trời mới dám đốt phòng làm việc của lãnh đạo mặt trận, cơ quan an ninh sẽ tìm ra và kẻ đốt sẽ tù mọt gông.

Tóm lại, dù vì nguyên nhân gì thì thiệt hại do vụ cháy gây ra, xét về mặt tiền thì ông Vũ Trọng Kim có thể tính đếm được, nhưng thiệt hại về mặt pháp lý, về mặt tài liệu, bảo mật thì chưa thể lường hết hậu quả. Chưa biết cơ quan an ninh sẽ điều tra ra sao?. Ban Phòng chống tham nhũng trung ương, Đảng đoàn, Đảng ủy và Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc sẽ xử lý ra sao về vụ để cháy phòng làm việc một cách bất thường như thế này.

P.V

MTTQ-CHAY



Xem thêm 

Cháy ở trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - 46 Tràng Thi - Hà Nội


Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Không có cái gọi là "từ Hán Việt"

Hà Văn Thùy
Trên trang mạng Bách Việt, ông Trần Kinh Nghị có bài “Di sản Hán Việt”*. Sau khi nhận định: quãng trên dưới 70-80 % từ vựng tiếng Việt có thành tố Hán-Việt, ông cho rằng “nếu vì một lý do nào đó mà để ngôn ngữ nước mình bị một ngôn ngữ khác lấn át và tình trạng lấn át kéo dài chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ bị đồng hóa hoặc thoái hóa.” Kết thúc bài viết, ông đề nghị Nhà nước có biện pháp hạn chế việc dùng từ Hán Việt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đồng cảm với nỗi bức thúc của ông nhưng nhận thấy đây là vấn đề lớn và không hề đơn giản, chúng tôi xin thưa lại đôi lời.
I. Có đúng tiếng Việt vay mượn từ ngôn ngữ Hán?
Muốn giải quyết thỏa đáng chuyện này, không còn cách nào khác là phải đi tới tận cùng cội nguồn ngôn ngữ, không chỉ của người Việt mà cả của người Trung Hoa.
Nửa sau thế kỷ XIX, ngay khi chưa đặt xong ách đô hộ trên toàn cõi Vệt Nam, những học giả người Pháp đã có mặt để nghiên cứu thiên nhiên, con người, văn hóa, xã hội xứ Annam. Từ kết quả nghiên cứu, năm 1898, nhà nước bảo hộ Pháp cho thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội. Đứng đầu lĩnh vực khoa học nhân văn là những nhà Hán học như E. Aymonier, L. Maspéro… Là học giả phương Tây, họ mang quan niệm Âu trung: châu Âu là trung tâm của văn minh nhân loại. Là nhà Hán học, họ theo thuyết Hoa tâm: Trung Hoa là trung tâm của châu Á. Họ cũng chịu ảnh hưởng của tri thức sai lầm đương thời cho rằng, con người từ Tây Tạng xâm nhập Trung Quốc rồi sau đó xuống Việt Nam và Đông Nam Á nên ánh sáng văn minh cũng từ Trung Hoa lan tỏa tới phương Nam. Khi nghiên cứu tiếng nói của người Việt Nam, họ có trong tay những bộ từ điển Trung Hoa đồ sộ như Từ Hải, Tứ khố toàn thư, Khang Hy… Trong khi đó, tiếng Việt chỉ có Từ điển Việt-Bồ-La của Alexander de Rhodes cùng Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, hai cuốn sách nhỏ, tập hợp từ ngữ Việt chữ Latinh mới có khoảng 300 tuổi. Bằng thao tác đơn giản là thống kê, so sánh những từ được cho là gốc Hán có trong tiếng Việt, họ eureka: “Tiếng Việt mượn khoảng 70% từ Hán ngữ!”
Sự thật có đúng như vậy không?
Vào năm 1898, H. Frey, một đại tá người Pháp, từng công tác ở Tây Phi sau đó có mặt ở Việt Nam, đã xuất bản cuốn Tiếng Annam, mẹ của các ngữ (L’Annamite, mère des langues): Tiếng Annam, xuất xứ của các ngôn ngữ: Cộng đồng các chủng tộc Xentơ, Xémit, Xuđăng và Đông DươngBằng kinh nghiệm ở Châu lục đen, nhà ngữ học chân thực này cho rằng tiếng Việt gần gũi với tiếng các sắc dân châu Phi và là nguồn cội của mọi ngôn ngữ phương Đông. Tiếp đó ông còn cho ra hai cuốn khác khẳng định quan điểm của mình. Tuy nhiên, các viện sĩ của Viễn Đông Bác Cổ “không thèm chấp” gã tay ngang võ biền. Không chỉ vậy, vào năm 1937-1938 còn có cuộc tranh luận giữa nhà ngữ học trẻ người Ba Lan Prilusky với viện sĩ Maspéro. Từ khảo cứu của mình, Prilusky phát triển quan điểm của H. Frey nhưng kết cục phần thắng thuộc về bậc lão làng!
Kết luận của Viện Viễn Đông Bác Cổ dáng đòn hủy diệt không chỉ vào văn hóa mà cả vào tương lai dân tộc Việt Nam! Do ngón đòn ác hiểm này mà sau đó, khi phân loại ngôn ngữ phương Đông, đề xuất một họ ngôn ngữ Annam bị bãi bỏ do “không xứng đáng vì vay mượn quá nhiều từ nước ngoài!” Thay vào đó là họ ngôn ngữ mang cái tên không tiêu biểu: ngôn ngữ Mon-Khmer. Kết quả là cho đến nay, trong sách giao khoa ngôn ngữ của nhiều đại học hàng đầu thế giới vẫn viết “Tiếng Việt vay mượn khoảng 60% từ ngôn ngữ Trung Hoa (!)” Dù sao thì cũng được an ủi phần nào vì 60% ít hơn con số chúng ta tự nhận!
Điều khủng khiếp nhất là, vào thập niên 1920, các học giả tiên phong người Việt như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố… tiếp nhận tri thức sai lầm đó, dạy cho con dân Việt. Ý tưởng tiếng Việt vay mượn tiếng Hán như cỏ dại lan rộng trên cánh đồng tư tưởng, thấm tới toàn bộ người có học Việt Nam hiện nay! Gần suốt thế kỷ, học giả Việt không một lời cãi lại. Ở thập niên 80, trong công trình ngữ học công phuNguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nguyễn Tài Cẩn “khám phá”: ngoài cái gọi là “từ Hán Việt”, trong tiếng Việt còn lớptừ Hán cổ và lớp từ Hán Việt Việt hóa (1). Không đưa ra con số thống kê nhưng với hai lớp từ được bổ sung đó, có lẽ tỷ trọng vay mượn của tiếng Việt còn tăng lên gấp bội!
Nhưng dù sao, đấy chỉ là tính toán của nhà bác học, còn với người dân Việt, ít người tin, chỉ vì lý do đơn giản: một dân tộc vay mượn đến bằng nấy tiếng nước ngoài không thể là dân tộc trưởng thành, chắc chắn đã bị đồng hóa sau nghìn năm nô lệ!
Năm 2006, từ nghiên cứu của mình, chúng tôi công bố bài viết Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa (2). Rất may là ý tưởng “điên rồ” đó chẳng những không bị ném đá mà còn không rơi vào im lặng. Ít lâu sau, từ Sacramento nước Mỹ, nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành gửi cho chúng tôi những bài viết chấn động: Phát hiện lại Việt Nhân ca, Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn, Đi tìm nguồn gốc chữ Nôm…(3) trong đó dẫn ra hàng nghìn bằng chứng không thể phản bác cho thấy, tiếng nói nguyên thủy của người Trung Hoa là tiếng Việt. Người bạn Việt Triều Châu của tôi khẳng định: “Tất cả các chữ tượng hình được làm ra là để ký âm tiếng Việt. Vì vậy, mọi chữ vuông chỉ khi đọc và giải nghĩa bằng tiếng Việt mới chính xác!” Một sự ủng hộ vô giá! Càng may hơn là đầu năm 2012, chúng tôi nhận được tin: Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt tỉnh Quảng Tây Trung Quốc phát hiện chữ Việt cổ khắc trên xẻng đá, giống với chữ Giáp cốt (4)! Từ những nguồn tư liệu phong phú và vững chắc, chúng tôi nhanh chóng hoàn thành bài viết: Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa (5)!
Như vậy, sang thế kỷ này, nhờ tiến bộ của khoa học thế giới, nhờ tấm lòng và công sức của cộng đồng người Việt, không những chúng ta xác định được người Việt có đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á, có nghĩa, Việt Nam là cái nôi của các dân tộc phương Đông mà còn chứng minh được, tổ tiên ta để lại trên đất Trung Hoa không chỉ tiếng nói mà c chữ viết.
Chúng tôi hình dung quá trình hình thành tiếng nói và chữ viết trên đất Trung Hoa như sau:
Nhiều dữ liệu khoa học cho thấy, 40.000 năm trước, người Việt cổ đã từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Tới 4000 năm TCN, người Việt đã xây dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do Hiên Viên dẫn đầu, vượt Hoàng Hà vào chiếm đất Việt, dựng vương triều Hoàng Đế. Trong vương quốc Hoàng Đế, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ. Người Hoa Hạ bú sữa mẹ Việt, học tiếng nói Việt. Do ngôn ngữ Mông Cổ nghèo nên tiếng Việt thành chủ thể của tiếng nói vương triều. Cùng với thời gian, người Hoa Hạ thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, đã áp đặt dân chúng nói theo cách nói Mông Cổ (Mongol parlance: tính từ đứng trước danh từ, hay như ta vẫn gọi là cách nói ngược.) Trên thực tế, ngôn ngữ của dân cư vương triều Hoàng Đế là tiếng Việt được nói theo văn phạm Mông Cổ. Sau này, nhà Tần, nhà Hán mở rộng lãnh thổ, ngôn ngữ tại các vùng bị kiêm tính cũng chuyển hóa theo cách tương tự. Do người Việt sống trên địa bàn rộng với thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, nên ngôn ngữ bị phân ly thành nhiều phương ngữ. Trong đó, tiếng nói vùng Quảng Đông (Việt Đông), Phúc Kiến (Mân Việt) là chuẩn mực nên được gọi là Nhã ngữ với ý nghĩa ngôn ngữ thanh nhã. Đời nhà Chu, rồi nhà Hán, triều đình khuyến khích nói theo Nhã ngữ.
Vấn đề khác cũng cần minh định là ảnh hưởng của chữ viết tới sự hình thành ngôn ngữ phương Đông. Chữ tượng hình được phát hiện sớm nhất ở văn hóa Giả Hồ 9000 năm rồi ở văn hóa Bán Pha tỉnh Sơn Tây 6000 năm trước. Khảo cổ học cũng cho thấy, khoảng 4000-6000 năm cách nay, chữ tượng hình được khắc trên xẻng đá ở di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây. Chữ Lạc Việt sau đó được đưa lên đồng bằng Trong Nguồn, bây giờ là Trung Nguyên, vốn là một trung tâm lớn của người Dương Việt, để khắc lên xương thú và yếm rùa, về sau được gọi là văn Giáp cốt.
Chữ viết trên yếm rùa và xương thú là chữ đơn lập, không thể ghép vần. Tiếng Việt cổ vốn đa âm nên muốn được ký âm buộc phải đơn âm hóa. Do đó, tại trung tâm đầu não của người Việt, ít nhất là từ Quý Châu Quảng Tây tới Hà Nam, tiếng nói chuyển dần thành đơn âm. Một vấn đề khác nảy sinh: tiếng nói thì nhiều nhưng số chữ chế ra có hạn nên chỉ có những tiếng tiêu biểu mới được ký tự. Do vậy, chữ tượng hình tập hợp được những tiếng nói tiêu biểu nhất của người Việt. Đây là quá trình độc lập, diễn ra trong cộng đồng Việt mà người Hoa Hạ từ thời Hoàng Đế tới giữa đời Thương không biết. Khi vua Bàn Canh chiếm đất Hà Nam, lập nhà Ân (1384 TCN), mới biết chữ Giáp cốt của người Dương Việt. Với nhà nước được tổ chức tốt, Bàn Canh đã tiếp thu và cải tiến chữ của người Việt để ghi việc bói toán, cúng tế cùng địa lý, lịch sử (5). Trong triều đình nhà Ân, những “họa sư”- người vẽ chữ, “bốc sư”- thày bói, người Việt, được “lưu dụng” làm công việc này. Thay nhà Thương, nhà Chu chuyển sang viết chữ trên thẻ tre, trên lụa, cũng sử dụng nhiều ông thầy người Việt. Nhà Tần vốn là bộ lạc người Việt, khi dựng nước đã thể chế chữ Giáp cốt thành chữ Triện tồn tại tới nay. Như vây, có thể nói, không chỉ sáng tạo ra chữ Giáp cốt mà người Việt còn tích cực góp phần cải tiến, hoàn thiện chữ viết. Do đó quá trình đơn âm hóa tiếng nói được đẩy mạnh.
Sau đời Hán, Trung Quốc loạn lạc, nhiều triệu người thiểu số phía Tây thâm nhập, khiến cho tiếng nói bị pha tạp, theo hướng tăng cường giọng điệu du mục. Tiếng nói của cư dân trong vương triều thay đổi, dẫn tới việc người trong nước không hiểu được nhau. Để khắc phục, các vương triều dùng tiếng nói của kinh đô làm chuẩn mực giao tiếp của triều đình: quan thoại ra đời. Nhà Đường lấy tiếng nói của kinh đô Tràng An làm tiếng nói chính thức, được gọi là Đường âm. Đường âm là tiếng Việt được người Tràng An nói thời nhà Đường. Đấy là bộ phận tinh hoa của tiếng Việt được ký tự bằng chữ vuông. Đường âm được mang sang dạy và giao dịch ở Việt Nam. Khi giành được quyền tự chủ, nước ta thoát ách đô hộ của phương Bắc về chính trị, kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, văn tự tượng hình vẫn là chữ viết chính thống và Đường âm được duy trì dưới tên gọi là chữ Nho, chữ Thánh hiền. Trong khi đó, quan thoại của Trung Hoa biến cải theo sự thay đổi của vương triều và kinh đô. Tới giữa thế kỷ trước, tiếng Bắc Kinh là tiếng nói chính thống của Trung Hoa, chỉ được số lượng nhỏ người dùng. Nhà Mãn Thanh rồi chính quyền Quốc dân đảng không làm nổi việc thống nhất ngôn ngữ. Chỉ tới năm 1958, sau gần 20 năm nhà nước Trung Hoa nỗ lực thực hiện cuộc đồng hóa khốc liệt, tiếng Bặc Kinh mới được phủ sóng trên phần lớn lãnh thổ. Tuy nhiên, tới nay trong vùng Nam Dương Tử vẫn có khoảng 20% từ địa phương, truyền miệng trong dân gian mà không được ký tự.
Một vấn đề từ lâu được đặt ra: chữ Nho xuất hiện ở nước ta từ bao giờ? Chưa ai xác định được ! Chúng tôi không biết, hàng nghìn năm trong nước Văn Lang, vùng đất bây giờ là Việt Nam, chỉ cách Cảm Tang, Quý Châu khoảng 150 km, có sử dụng chữ tượng hình? Nhưng biết chắc, bộ lạc Thủy, di duệ của người Lạc Việt ở Quảng Tây, từ thời Tần Hán trốn vào rừng, bị thiểu số hóa, vẫn giữ được sách cổ ghi bằng chữ Thủy, tương tự Giáp cốt văn của tổ tiên Bách Việt, gọi là Thủy thư (5). Nay được coi là văn tự hóa thạch sống, một bảo vật văn hóa nhân loại. Một điều chắc chắn khác là, muộn nhất, chữ Nho có mặt ở nước ta thời Triệu Vũ Đế. Việc khám phá lăng mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu với rất nhiều di vật khắc chữ Nho chứng tỏ điều này. Chắc chắn rằng, trong 100 năm xây dựng và bảo vệ Nam Việt,  nhà Triệu đã dùng chữ Nho trong hành chính, luật pháp và dạy học. Vì vậy, khi sang nước ta, Mã Viện phát hiện “Luật Giao Chỉ có tới 10 điều khác luật nhà Hán”(6). Có phần chắc là luật Việt được viết bằng chữ Nho. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, muộn nhất, tiếng Việt vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ, được đơn âm hóa từ thời nhà Triệu. Và cùng với việc phổ biến chữ Nho, tiếng Kinh ngày càng trở nên đơn âm.
Một câu hỏi: khi sang nước ta, người của Triệu Đà rồi quan quân nhà Hán nói tiếng gi? Sử ký viết, “Đà giết trưởng lại người Tần rồi đưa người của mình lên thay.” Triệu là một tiểu quốc của người Việt, nên Triệu Đà và tâm phúc của ông là người Việt (7). Xuống Giang Nam, người của ông gặp tiếng Việt Quảng Đông, Mân Việt, thứ tiếng Việt thanh nhã chuẩn mực. Thời Hán cũng tương tự, vì ngoài một số không nhiều quan cao cấp người phương Bắc thì tới nước ta phần lớn là người Giang Nam. Họ là người Việt, cho dù có nói ngược theo cách nói Hoa Hạ thì vẫn là tiếng Việt. Vì lẽ đó, rất có thể hai bên gần như hiểu được nhau. Vì vậy, việc học chữ Nho khá dễ dàng.
Về sau, qua mỗi thời đại, tiếng của quan quân phương Bắc lại khác đi. Đến thời Đường, tiếng nói của kinh đô Tràng An được dùng làm quan thoại. Thực chất, đó là tiếng Việt ở kinh đô Tràng An thời nhà Đường. Điều này cho thấy một bộ phận tiếng Việt trải qua quá trình biến đổi dài từ đa âm, không thanh điệu, tới đây đã thành đơn âm và sáu thanh. Có lẽ, tiếng nói của bộ phận cư dân mà sau này là người Kinh cũng được chuyển hóa như vậy?
Sau thời Đường, nước ta độc lập, chữ Nho trở thành quốc ngữ. Theo dòng thời cuộc, tiếng nói của người Trung Hoa thay đổi, ngày càng xa gốc Việt. Chẳng những người Việt không hiểu tiếng người phương Bắc mà người Trung Quốc cũng không còn nói được Đường âm. Di sản vô giá thơ Đường chỉ còn người Việt Nam thưởng thức trong âm điệu tuyệt vời.
Từ phân tích trên chứng tỏ rằng, tiếng Việt không những không vay mượn mà trái lại, còn là gốc gác, là mẹ đẻ của ngôn ngữ Trung Hoa. Cái mà nay người ta quen gọi là “từ Hán Việt” là sự lầm lẫn lớn bởi chưa hiểu cội nguồn sinh học cũng như văn hóa dân tộc, trong đó có quá trình hình thành tiếng nói và chữ viết.
IIVai trò của lớp từ Việt cổ trong văn hóa dân tộc
Như đã nói ở trên, tiếng thì nhiều nhưng chữ làm ra quá ít nên tổ tiên ta bắt buộc phải chọn thật kỹ những tiếng cần ký tự. Đó là những tiếng có nội dung sâu sắc, hàm chứa ý nghĩa uyên thâm, mà sau này được gọi là ngôn ngữ hàn lâm. Dù có áp dụng cách tạo từ đồng âm dị nghĩa thì cũng còn vô số tiếng không được ký âm vì không đủ chữ. Ở phía bắc Trung Hoa, dần dần những tiếng không được ký tự bị mai một.
Trong khi đó, ở miền nam, chúng trở thành từ địa phương, được truyền miệng trong dân gian. Ở Việt Nam tình hình tương tự. Khi làm chủ đất nước, người Việt thấy quá nhiều tiếng không có chữ, nên vào đời Trần đã mô phỏng chữ Nho để tạo ra chữ Nôm. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ, chữ Nôm không được coi là văn tự chính thức. Mọi giao dịch hành chính đều phải dùng chữ Nho, nên nhiều địa danh phải chuyển sang chữ Nho, việc làm bất khả kháng ngày xưa khiến nay nhiều người bức thúc.
Một vấn đề cũng cần bàn cho ra lẽ, đó là tìm tên gọi xác đáng cho lớp từ đặc biệt này. Thoạt kỳ thủy, nó là Đường âm. Tới lúc nào đó được gọi là chữ Nho. Ở miền Nam cho tới năm 1975, gọi là cổ văn. Vào thập niên 1960, các học giả miền Bắc gọi là “từ Hán Việt”. Một thời gian dài nửa thế kỷ ta chấp nhận tên gọi đó vì tưởng rằng hợp lý. Nhưng bản thân khái niệm “từ Hán Việt” lại mâu thuẫn và vô nghĩa. Thuật ngữ này hàm ý: chữ của Hán, còn cách đọc của Việt, ghép lại thành “từ Hán Việt.” Nhưng như phát hiện của Nguyễn Tài Cẩn, cách đọc đó chính là tiếng nói ở kinh đô Tràng An thời nhà Đường! Như vậy, theo cách hiểu hiện nay, cả chữ viết và cách đọc đều của người Hán, nên không thể là “từ Hán Việt!”. Nay ta thấy không thể tiếp tục dùng thuật ngữ sai lầm cũ. Nhưng dùng tên nào thích hợp hơn?
Đường âm là đúng nhưng bây giờ không thể trở lại tên gọi này vì đó là sản phẩm của một thời điểm lịch sử. Tiếng Hán không đúng vì đó không phải là tiếng nói thời nhà Hán, càng không phải tiếng nói của người Trung Hoa hôm nay. Có lẽ tên gọi chữ Nho phù hợp hơn cả, vì nó có nghĩa là chữ của nhà nho, sâu xa hơn, như phát hiện của triết gia Kim Định, là sản phẩm của văn hóa Việt nho nguồn cội. Sở dĩ gọi là “từ Hán Việt” vì người ta lầm tưởng đó là sản phẩm vừa của Hán vừa của Việt. Tuy nhiên cách hiểu như thế vừa không chính xác vừa gây phản cảm, đè nặng lên tâm trí chúng ta một cảm giác lệ thuộc bên ngoài. Thực chất, đó không phải “từ Hán Việt” mà là tiếng Việt cổ. Khác với nhiều ngữ khác, tiếng cổ là tử ngữ, thì trong ngôn ngữ Việt, tiếng Việt cổ vô cùng sống động. Lý do nó trở thành cổ ngữ là vì lịch sử dân tộc có biến động lớn, chữ Nho bị bãi bỏ để thay bằng thứ chữ viết khác. Mấy trăm năm trước, khi chuyển giao chữ La Tinh quốc ngữ cho chúng ta, một học giả phương Tây từng nói đại ý: Chúng ta trao cho người Annam một thứ chữ dễ học, giúp họ nhanh chóng bắt kịp đà văn minh. Nhưng chắc chắn nó sẽ làm cho thế hệ tương lai của họ cắt đứt với nguồn cội. Hôm nay, lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực với toàn bộ nền văn hóa Việt. Về ngôn ngữ thì đó là lớp lớp người Việt không hiểu tiếng nói của tổ tiên, như tác giả Trần Kinh Nghị than phiền. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần nhìn nhận lại gia sản quý giá này để sử dụng tốt nhất.
III. Kết luận
Hàng ngàn năm nay do ngộ nhận nên ta cho rằng, bộ phận tinh hoa, quan trọng nhất của tiếng Việt là đồ vay mượn! Sự lầm lẫn này đã tạo nên nỗi đau ngàn năm khi ta vừa căm ghét một công cụ mà trong quá khứ kẻ thù dùng để đồng hóa, nô lệ mình lại vừa không thể chối bỏ! Không thể không dùng nhưng rồi mỗi khi dùng lại day dứt nỗi niềm cay đắng mặc cảm vay mượn!
Nay chúng ta phát hiện ra sự thật: không hề có cái gọi là “Từ Hán Việt”! Đó chính là chữ Việt, tiếng Việt được tổ tiên ta sáng tạo trong quá khứ. Việc khẳng định bản quyền tiếng Việt cổ là khám phá có ý nghĩa đặc biệt, nó giúp ta tự tin, làm chủ tài sản vô giá của dân tộc. Vấn đề hiện nay là tuyên truyền để mọi người cùng hiểu. Công việc quan trọng khác là nghiên cứu sử dụng vốn tài sản này, làm phong phú ngôn ngữ, góp phần xây dựng văn hóa dân tộc.
Cái to nhất ngăn trở ta dám nhận lại tài sản vô giá này là thói nô lệ, thói tự kỷ ám thị nặng nề khiến ta vô thức đẩy nhiều di sản quý báu của tổ tiên cho người ngoài để rồi cúc cung làm chú học trò ngu ngơ, bị đè bẹp dưới cái bóng hoang tưởng!
Một khi nhận ra chủ quyền, ta sẽ làm gì với tài sản vô giá này?
Nhiều người đã hiểu cơ sự nên kiến nghị khôi phục việc học chữ Nho. Đấy là việc không thể không làm. Trước hết vì giá trị lớn lao của chữ Nho. Tính triết lý sâu xa, ý nghĩa thâm thúy của nó khác với bất cứ chữ viết nào, giúp người học rèn trí thông minh, luyện tư duy… Chỉ điều này mới giúp chúng ta tiếp nối với truyền thống, tránh được mối nguy mất gốc như học giả nước ngoài cảnh báo mấy trăm năm trước. Đó là việc cần chủ trương và kế hoạch lớn. Trước mắt, việc có thể làm ngay là, trong chương trình tiếng Việt phổ thông, nên bổ sung một số tiết giảng tiếng Việt cổ, nhằm giải nghĩa những từ thường dùng để học sinh hiểu và sử dụng đúng, đồng thời tập cho họ cách tra Từ điển tiếng Việt.
Chúng tôi xin mạo muội đề nghị, cần một cuộc cách mạng loại bỏ thuật ngữ “từ Hán Việt” khỏi ngôn ngữ Việt để thay vào đó tên gọi đúng: tiếng Việt cổ! Đồng thời dùng lại thuật ngữ chữ Nho để gọi văn tự của tổ tiên mà xưa nay vẫn lầm tưởng là chữ nước ngoài.
Madrak, 1. 12. 2013
Tài liệu tham khảo: 
1. Nguyễn Tài Cẩn – Nguồn gốc và quá trình     hình thành cách đọc Hán Việt. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1979
2. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.
3. Đỗ Ngọc Thành. Nhannamphi.com
4. Hà Văn Thùy. Chữ Việt chủ thể sáng tạo chữ viết Trung Hoa  http://huc.edu.vn/chi-tiet/1868/Chu-Viet-la-chu-the-sang-tao-chu-viet-Trung-Hoa.html
6. Hậu Hán thư- Mã Viện truyện
7. Hà Văn Thùy – Nỗi bất an của lịch sử http://trannhuong.com/tin-tuc-15551/noi-bat-an-cua-lich-su.vhtm

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Hồn ở đâu bây giờ?

Hồi còn đi học ở quê nhà tôi vẫn thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách. Không chỉ là loại sách dành cho trẻ con mà phần lớn là sách dành cho dân chuyên nghiệp.

Còn nhớ, một lần nọ, vô tình tôi mang vài cuốn sách vào lớp học và thầy tôi nhìn thấy. Ông cầm lên xem một hồi lâu rồi trả lại tôi, không nói gì, nhưng trước khi tôi ra trường, trong buổi gặp nhau cuối cùng để chia tay, thầy có một đề nghị với tôi. Thầy nói, nếu tôi vui lòng thì để lại kỷ niệm cho thầy bộ sách về chuyên môn mà thầy đang là giáo viên của bộ môn đó. Tôi thật sự vui mừng đáp ứng lời đề nghị đó của thầy. Vì bộ sách đó thật sự sẽ cần cho thầy hơn là tôi với tư cách là sinh viên mới của một bộ môn khác. Hơn nữa, nhu cầu cập nhật kiến thức của người thầy trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn cúa đất nước lúc bấy giờ làm tôi không kìm được xúc động.

Những ngày đó, thầy cô giáo bỏ nghề hàng loạt vì lương không đủ sống, vì nghề thầy bị khinh bạc là chuyện thường ngày ở đất nước ta. Thầy tôi vẫn giữ nghề cho tới những năm gần đây, sau hơn 30 năm tôi ra trường và vẫn không ngừng tự trao dồi, nâng cao kiến thức của mình vì sự tận tâm với các thế hệ học trò.

Tết này tình cờ đọc được bài viết mới của GS Ngô Bảo Châu, chợt nhớ lại một vài kỷ niệm xưa cũ như vậy. Những bộ sách mà tôi mua được thời trung học từ tiền ăn sáng ngày xưa đã giúp tôi rất nhiều không thể nói hết ở đây. Điều tôi muốn nhắc lại là kỷ niệm về những nhà sách tư nhân của cái thời khó khăn đó. Tại cái thị xã nhỏ bé quê tôi, trên con đường đi học hàng ngày ngang qua một con đường được coi là đại lộ lớn nhất của thị xã có tới vài nhà sách nho nhỏ do chính chủ nhân điều hành. Họ cũng là những nhà giáo, những trí thức không gặp thời và lui về với cái nghề mà bản thân mình khả dĩ chấp nhập được mở hiệu sách. Trước năm 1975, đó là những hiệu sách làm ăn khá sầm uất, sau đó một thời gian khá dài tuy đất nước có khó khăn song họ vẫn trụ được.

Bẵng đi một thời gian khá dài xa quê hương. Một ngày nọ tôi về và dành cho mình một buổi chiều đi lang thang trên những con đường cũ. Chợt nhận ra khu phố quen thuộc của hơn 30 năm về trước. Vẫn những ngôi nhà đó, mái ngói đó dù có rêu phong hơn. Con đường nhỏ ngày xưa giờ mang tên là Đại lộ ĐK… nhìn có vẻ khang trang hơn, xe cộ đông đúc hơn. Nhưng các hiệu sách ngày xưa đã biến mất. Vẫn còn đó các bảng tên, bảng hiệu quen thuộc, vẫn còn các thế hệ tiếp theo của các hiệu sách ngày xưa đang kinh doanh tấp nập. Nhưng lại là những mặt hàng khác, không còn là hiệu sách nữa.

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Tôi tự hỏi. Mặc cho ký ức về một cậu học trò thận trong lựa chọn từng quyển sách trong lúc người chủ hiệu sách cũng từ tốn giới thiệu với người khách quen nhỏ tuổi những cuốn sách mới, hay, có giá trị mà bản thân người bán cũng rất chọn lọc khi mang về cho cửa hàng nhà mình.

Tôi bất chợt tự thấy mình trong những câu chữ của GS Ngô Bảo Châu: “Con người cần có cái gì đó cao cả mà bám vào, để đu người lên để có thể nhìn về quá khứ và tương lai mà không nuối tiếc, không sợ hãi. Bạn có thể tìm thấy cả sự tuyệt vọng, cả sự cao cả của tâm hồn con người trong những trang sách. Vì thế mà bạn muốn có một tiệm sách cũ không quá xa nơi bạn sống”.
Nhưng tiếc rằng,  giờ đây, để có thể tìm được những hiệu sách cũ quen thuộc, người ta đôi khi phải đi rất xa, rất xa tưởng như sẽ không bao giờ tới được nữa.




Những tiệm sách ấy, bây giờ ở đâu

Cuối tháng mười, tôi quay lại Paris mấy hôm vì chút công việc. Để tiết kiệm thời gian, ngay hôm đầu tiên tôi đã hẹn mấy người đồng nghiệp đến viện IHES cùng làm việc. Tám năm trước, tôi đã từng làm việc ở đây trong một thời gian dài. Dạo ấy, hàng sáng tôi lấy tàu B đi xuống bến Bures cách viện IHES khoảng mười phút đi bộ. Lần này, tôi quyết định đi sớm hơn thường lệ để có thời gian qua tiệm sách gần nhà ga Bures mua quyển Ký sự Algerie của Camus mới xuất bản. Tiệm sách nằm ngay trên đường đi từ nhà ga đến viện, đúng ở chỗ góc phố nơi phải rẽ trái. Tôi còn nhớ bà chủ tiệm luôn nhìn bạn qua cặp kính để trễ xuống mũi, luôn ở trong tư thế sẵn sàng tư vấn sách vở cho bạn với thái độ nghiêm túc và đầy tự hào nghề nghiệp. Không biết làm sao mà lần này tôi tìm mãi không thấy tiệm sách đâu và có lẽ vì thế mà cảm thấy thực sự hoang mang như một người đi lạc đường. Mất tới gần mười phút tôi mới hiểu ra rằng tiệm sách Bures đã đóng cửa. Nơi xưa là một tiệm sách sáng sủa, ngăn nắp và sạch sẽ, nay là một gian nhà tối om, trên cửa kính dán xô lệch những tờ quảng cáo loè loẹt.
Dịp hè vừa rồi, Trương Quý có cho tôi một quyển tản văn của Nguyễn Việt Hà. Văn anh Hà hóm hỉnh, đọc thỉnh thoảng muốn tủm tỉm cười, nhưng cười xong thì thấy buồn nhiều hơn là vui. Có một đoạn về những tiệm sách cũ của Hà Nội hơi thê lương, nhưng đọc đoạn này tôi lại cảm thấy vui. Anh Hà nhắc đến một tiệm sách cũ ở phố Hàng Bài, ngay phía bên trái rạp Tháng Tám.  Vào cuối những năm bảy mươi, chiều nào tôi cũng đi qua, rồi đứng tần ngần nhìn qua cửa kính, dù biết mình không có tiền để mua sách và dù có mua thì đọc cũng không hiểu vì ở đấy không bán sách cho trẻ con. Nhưng đây là nơi ông ngoại mua cho tôi quyển sách đầu tiên, một quyển sách về ngành khoa học chăn nuôi. Tôi mê mẩn quyển sách ấy chỉ vì ngoài bìa có vẽ mấy con lợn rất đẹp. Tiệm sách này đã đóng cửa từ rất lâu. Ông ngoại tôi cũng đã mất. Những người thân và háng xóm của tôi không hiểu tại sao không hề nhớ về sự tồn tại của nó. Đọc sách Trương Quý cho, tôi phát hiện ra rằng có một người nữa là Nguyễn Việt Hà vẫn còn nhớ về nó. Không quen, chưa gặp bao giờ, vậy mà tự nhiên tôi cảm thấy quý anh ấy. Nhưng có một chi tiết mà có lẽ anh Hà chưa biết. Ở phía trong tiệm sách phố Hàng bài là nhà của ông bà Dực. Ông Dực là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi ngờ rằng tiệm sách có một mối liên hệ nào đó với học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Một số người hỏi tôi tại sao trong nhiều lựa chọn tôi lại chọn về dạy học ở Chicago, một trong những nơi lạnh nhất nước Mỹ. (Khi tôi viết mấy dòng này, nhiệt độ ngoài trời đã xuống dưới -10 độ C.) Tôi có sẵn một số lý do để tuỳ hoàn cảnh mà trả lời câu hỏi này. Một trong những câu trả lời rất thật mà không mấy người tin là xung quanh đại học Chicago có nhiều tiệm sách. Lớn nhất là tiệm sách Seminary Coop. Tiệm này có hai chi nhánh. Chi nhánh lớn có thể nói là thiên đường của sách hàn lâm. Mỗi khi có ít phút sau giờ ăn trưa, tôi lại rẽ qua đó để đắm đuối. Có rất nhiều đầu sách nhân văn có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết nếu không nhìn thấy ở Seminary Coop. Chi nhánh nhỏ chủ yếu bán sách hư cấu và sách cho trẻ con. Đây là địa điểm vui chơi ưa thích của bé Nguyên và bé An và cũng là nơi tôi đưa các bé đến mỗi khi có việc gì cần phải lấy lòng hai bé. Đối với tôi, địa điểm vui chơi ưa thích lại là hiệu sách cũ Powell. Không lần nào qua Powell mà tôi không hoan hỉ ra về với vài ba quyển sách cũ, dĩ nhiên theo tôi là quý hiếm, và dĩ nhiên giá cả lại rất phải chăng. Trước đây, trong khu vực xung quanh đại học còn một tiệm nữa là Borders nhưng đã đóng cửa từ hai năm nay. Đây là một trong hai chuỗi tiệm sách lớn nhất ở Mỹ, với cửa hàng với diện tích kinh doanh rộng, vừa bán sách vừa bán bánh ngọt và cà phê, một mô hình kinh doanh một thời đã rất thịnh hành. Buổi chiều sau giờ đi học, trẻ con ngồi đọc sách lốc nhốc khắp cửa hàng. Tiếc là mô hình kinh doanh của Borders không sống sót được trong kỷ nguyên kinh doanh qua mạng và nó đã là một trong những nạn nhân đầu tiên của đế chế Amazon. Ngay sát nách trường vẫn còn một tiệm Barnes and Nobles hoạt động theo mô hình tương tự, hiện tại vẫn thoi thóp sống.
Tôi thành thật tin rằng cuộc sống ở một nơi nào đó sẽ dễ chịu hơn, nhân văn hơn nếu nơi đó có nhiều tiệm sách. Hà Nội bây giờ còn ít tiệm sách quá. Mật độ tiệm sách đạt cực điểm ở phố Đinh lễ, nơi sách mới được bán với chiết khấu cao nhất có thể. Nếu bạn phải tìm một quyển sách xuất bản chỉ một năm trước đây thôi, có đi dọc cả phố Đinh Lễ bạn cũng không tìm thấy. Đinh Lễ giống cái chợ hơn là một tiệm sách. Bạn đến đó để mua sách giá rẻ chứ không phải để nhẩn nha tìm một đầu sách mà bạn chưa biết. Tuy thế, ra Đinh Lễ vẫn thích, bạn bất chợt nhận ra rằng xung quanh bạn vẫn còn khá nhiều người thích đọc sách.
Trên phố Tràng Tiền còn sống sót hai tiệm sách mậu dịch. Gần kem bô đê ga là tiệm sách ngày xưa vẫn gọi là ngoại văn vì ngay ngoài cửa có cột chữ tiếng nga kniga. Ở trong đó lúc nào cũng tối om như tiền đồ chị Dậu. Bên đường bên kia, gần nhà in báo nhân dân cũ, bây giờ là trung tâm văn hoá Pháp, là toà nhà sáu tầng của tổng công ty sách. Ở đây sáng sủa hơn, nhưng phong cách kinh doanh thì vẫn kiên định với lý tưởng quốc doanh. Tuy diện tích kinh doanh lớn nhưng số đầu sách không hơn mấy sạp sách ngoài phố Đinh Lễ và vì dĩ nhiên là không có chiết khấu nên tôi ngờ rằng doanh thu của cửa hàng không hơn mấy doanh thu của sạp chị Hoa. Chục năm trước, khi xin nhà nước kinh phí để xây toà nhà này, tôi tin rằng mong muốn sâu thẳm của lãnh đạo tổng công ty sách vẫn là đem ánh sáng văn hoá đến cho nhân dân. Tuy nhiên môi trường kinh doanh khắc nghiệt đã không cho phép giấc mơ của họ trở thành hiện thực. Sắp tới, tổng công ty sách sẽ chuyển đổi một phần mục đich sử dụng của toà sang thành trung tâm thể hình thẩm mỹ. Tuy khác với mục tiêu đặt ra ban đầu, nhưng vẫn là một cách phục vụ nhân dân, tất nhiên chủ yếu là nhân dân có tiền.
Hoàng tử bé của Saint-Exupéry rất ít tin tưởng vào khả năng tư duy của người lớn. Người lớn thích làm ra kế hoạch kinh doanh, rồi phấn đầu bền bỉ để đảm bảo tiến độ của kế hoạch mà mình đặt ra, rồi thường xuyên cập nhật bảng cân đối thu chi để có thể theo dõi lợi nhuận. Phần lớn thời gian chúng ta cũng làm thế trong công việc hàng ngày của mình, và vì thế chúng ta dễ thông cảm với những người lớn hơn. Nhưng nỗi tuyệt vọng của con người rất ít khi liên quan đến kế hoạch kinh doanh hay bản cân đối thu chi. Gần đây, người ta hay nói về hiện sinh một cách khá là nôm na, rằng chúng ta không cần quan tâm đến cái gì khác ngoài chính cái khoảnh khắc mà ta đang sống. Triết lý vậy nghe cũng hay, cũng phảng phất chất thiền, nhưng mà sai. Nỗi tuyệt vọng của con người có nguồn gốc từ quá khứ và tương lai, nó là sự nuối tiếc về quá khứ và sự sợ hãi về tương lai. Sống hoàn toàn trong hiện tại sẽ làm dịu đi nỗi tuyệt vọng trong chốc lát, nhưng nỗi tuyệt vọng sẽ như cái bu mơ răng bay lộn ngược lại đập vào mặt ta với sức tàn phá gấp hai. Con người cần có cái gì đó cao cả mà bám vào, để đu người lên để có thể nhìn về quá khứ và tương lai mà không nuối tiếc, không sợ hãi.
Bạn có thể tìm thấy cả sự tuyệt vọng, cả sự cao cả của tâm hồn con người trong những trang sách. Vì thế mà bạn muốn có một tiệm sách cũ không quá xa nơi bạn sống.
Ngô Bảo Châu