Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Thầy Tư ủng hộ Thép Cà Na


Thư giãn cuối...năm:
Truyền thông đưa tin ông Chủ Lò Tôn tuyên bố bán hết tài sản để đền bù thiệt hại nếu Thép Cà Na xảy ra sự cố thảm họa môi trường; ông đồng hao là đương kim bộ trưởng có thẩm quyền quản lý nhà nước vụ này cũng tuyên theo sẽ từ chức nếu Thép Cà Na xảy ra sự cố...
Miệng nhà quan quả là có lắm tôn lắm thép!
Dân tình bức xúc đòi ông Chủ Lò Tôn công bố xem tài sản, cụ thể là lò ông có bi nhiêu tôn, mà đòi bồi với thường nếu xảy thảm họa như vụ Formosa? Còn ông bộ trường có giỏi thì sau khi cấp phép xong cho dự án cố đấm ăn xôi này thì từ chức luôn cho gọn, chứ kéo dài ông về hưu mất lấy ai mà chịu trách nhiệm với dân với nước đây?
Chẳng với lẽ lại đi cảnh cáo, phê bình trước toàn dân thêm một ông cựu bộ trưởng nữa hay sao???
Thày Tư Bảy Núi nghe vậy bèn cực lực phản đối đòi hỏi quá đáng của cư dân mạng xã hội. Thầy nói với tui rằng mi mần nghề chép nhựt trình nhớ nói là tau chỉ xin mạo muội đề nghị Chánh phủ duyệt ngay cái dự án Thép Cà Na cà khịa gì đó chỉ với 2 điều kiện nho nhỏ:
1. Ông Chủ Lò Tôn bán ngay hết tài sản của mình nộp vào ngân sách nhà nước, ủy quyền cho Quốc hội quản lý để làm tín chấp;
2. Ông bộ trưởng đồng hao từ chức một ngày trước khi dự án được phê duyệt, nhường chỗ cho người khác chịu trách nhiệm có phải khỏe hông?
Nếu 2 ổng dám mần dzậy, tau (Thày Tư) cũng dám ủng hộ cả hai chân hai tay luôn!
Bất chợt thằng cháu từ ngoài chạy vào la lớn: "Bác Tư ui, con chó nó cũng đang giơ 2 chân 2 tay lên đòi phát biểu ở ngoải kìa!". Thày Tư tỉnh rụi: "Biểu nó im cái mỗm lại, tau nói chưa hết. À mà thôi, để lần sau nói tiếp!..."
(Chép y nguyên lời Thầy Tư Bảy Núi)

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc

Vương Trí Nhàn
Hình thành trong những năm chiến tranh và để phục vụ chiến tranh, nền giáo dục miền Bắc – trong khi tự nhận là một nền giáo dục cách mạng – lại mang đặc điểm rõ nhất là sự phi chuẩn. Nền giáo dục này được làm một cách duy ý chí, bỏ qua khá nhiều những yêu cầu của mọi nền giáo dục từ xưa tới nay phải theo. Tính phi chuẩn này bộc lộ rõ nhất trong quan niệm về mục đích ý nghĩa của giáo dục và cách tổ chức bộ máy giáo dục.
Về tất cả các phương diện cơ bản nói trên, giáo dục miền Nam được làm ngược với giáo dục miền Bắc. Điều này càng thấy rõ khi phân tích ba nguyên tắc căn bản dân tộc, nhân bản và khai phóng mà giáo dục miền Nam đề ra cho mình. Giáo dục miền Bắc có cách giải thích hoàn toàn khác về ba nguyên tắc ấy, thực chất là hoàn toàn xa lạ với những tiêu chuẩn của giáo dục hiện đại.
Tôi vốn là người làm nghề nghiên cứu văn học.Trong cái nghề thuộc loại công tác tư tưởng này, những năm trước 1975, tôi chỉ được phép đọc các sách báo miền Bắc, còn sách vở miền Nam bị coi như thứ quốc cấm.
Có điều, không phải chỉ là sự tò mò, mà chính lương tâm nghề nghiệp buộc tôi không thể bằng lòng với cách làm như vậy.
Tôi cho rằng, muốn hiểu cặn kẽ văn học hiện đại, phải hiểu văn học cổ điển; muốn hiểu văn họcVN phải hiểu văn học thế giới. Thế thì để hiểu văn học miền Bắc làm sao lại lãng tránh việc nghiên cứu văn học miền Nam được.
Đối với giáo dục cũng vậy. Từ sau 30-4-75, tôi vẫn sống ở Hà Nội. Sự tiếp xúc với giáo dục miền Nam (dưới đây viết là GDMN), chỉ dừng ở mức sơ sài bề ngoài.
Tuy nhiên, do việc tìm hiểu chính nền giáo dục miền Bắc (GDMB) ở tôi lâu nay kéo dài trong bế tắc, trong khoảng mươi năm gần đây tôi tìm thấy ở GDMN một điểm đối chiếu.
Lúc cảm nhận được phần nào sự khác biệt giữa hai nền giáo dục Bắc-Nam 1954-1975 cũng là lúc tôi hiểu thêm về nền giáo dục mà từ đó tôi lớn lên và nay tìm cách xét đoán. Tôi không chỉ muốn nêu một số đặc điểm mà còn muốn xếp loại nền giáo dục tôi đã hấp thụ.
Bài viết này có thể được đọc theo chủ đề khác đi một chút: Nhận diện giáo dục Hà Nội từ 1975 về trước qua sự đối chiếu bước đầu với giáo dục Sài Gòn.
KHÁC BIỆT NGAY TỪ HOÀN CẢNH HÌNH THÀNH
Chỗ khác nhau giữa GDMN và GDMB xuất phát trước tiên từ hoàn cảnh xã hội mỗi nền giáo dục đó được đặt vào, từ đó mà nó lớn lên là cái điểm đích mà nó hướng tới phục vụ.
Ngay từ những năm 1948 – 50, nền giáo dục tự phát trước tiên đã hình thành ở các vùng hồi trước gọi là vùng tự do; không chỉ Việt Bắc, những vùng tự do này tồn tại ở cả Nam bộ, rồi nam và trung Trung bộ, rồi tập trung và có ý nghĩa nhất với tương lai giáo dục là những quan niệm, những cách hình thành, các trường sở… về sau.
Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối phát triển giáo dục trong chiến tranh. Nhờ có tinh thần yêu nước và những bài bản đã học được trong các nhà trường Pháp thuộc, nên ban đầu, nền giáo dục này có tạo được một số hiệu quả nào đó.
Việc kéo nhau lên Việt Bắc lúc đầu ai cũng nghĩ là chỉ một hai năm. Sống tạm bợ ít ngày cần gì. Nhưng rồi đường lối trường kỳ kháng chiến tiếp thu được từ Trung quốc được quán triệt khiến mọi mặt hoạt động được đặt lại trong đó có công tác giáo dục. Làm theo ý chí hơn khả năng thực tế. Quan niệm giáo dục chưa hình thành cũng phải làm.
Giáo dục chiến tranh, do dó, luôn luôn là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng
Trong khi ở khu vực kháng chiến hình thành nền giáo dục như trên thì, ngay từ trước 1954, một nền giáo dục do người Pháp mở từ trước cũng đã tồn tại ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, và rõ nhất là ở Sài Gòn, và sau này chuyển giao, phát triển trở thành giáo dục miền Nam.
Đối tượng của những so sánh đối chiếu dưới đây là hai thực thể quá khác nhau, còn phải nghiên cứu công phu, ý kiến của chúng tôi chỉ mới là những phác thảo sơ bộ.
CHUẨN VÀ PHI CHUẨN
Đáng lẽ khi hòa bình lập lại những người kháng chiến đã trở về Hà Nội cái tinh thần giáo dục phi tiêu chuẩn hôm qua cần phải vượt qua, thì — như một thói quen và kết quả của một hiểu biết thiển cận — nó lại ăn sâu vào mọi mặt, chi phối cách hình thành và những định hướng lớn của GDMB
Nói quá lên thì có thể bảo, như một cơ thể, GDMB thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng.
Phương châm ở đây là làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm — rồi để yên lòng nhau, sẽ viện ra đủ lý lẽ để chống chế, để lấp liếm và xa hơn nữa, sẵn sàng tự ca tụng.
Ví dụ một trường đại học trước tiên phải có đủ bộ phận giảng viên đảm nhiệm việc giảng dạy theo những quy định quốc tế. Ở các nước gọi là đang phát triển, một trường đại học chỉ được thành lập khi có một bộ phận nòng cốt là những giáo sư đã học tập ở những Sorbone, Oxford hoặc những trường tương tự… trở về.
Đâu người ta cũng hướng tới những yêu cầu này để noi theo, nay chưa làm được thì mai làm. GDMN cũng theo, GDMB thì không.
Trên danh nghĩa đại học VN cũng có những người gọi là giáo sư hay tiến sĩ đấy, nhưng đó là ta phong với nhau để làm việc, chứ thực tế thấp hơn hẳn chuẩn mực quốc tế “một cái đầu”.
Rộng hơn câu chuyện giáo viên là chuyện cơ sở vật chất và không khí học thuật của một trường đại học.
Rồi rộng hơn câu chuyện của riêng ngành đại học là chuyện của mọi cấp học.
Tính phi chuẩn bao trùm trong mọi lĩnh vực, từ trường sở, sách giáo khoa, cách cho điểm, cách tổ chức thi cử…, cho tới chất lượng dạy và học.
Sau mấy chục năm chiến tranh, cái sự làm lấy được làm theo ý chí đã thành chuẩn mực duy nhất, nó chi phối tất cả, khiến giáo dục VN có cách tồn tại, cách vận hành riêng chẳng giống ai. Các trường mới lập ra phải theo trường cũ, sau giải phóng (30.4.1975)thì miền Bắc buộc miền Nam phải theo.
Tạm ví một cách thô thiển: như trong khi người ta đi thì mình phải bò phải lết, vậy mà vẫn tự hào rằng mình cũng đang đi, chứ đâu có đứng yên.
KHÁC BIỆT TRONG QUAN NIỆM
Về bộ máy giáo dục
Có dịp tìm hiểu lại nền giáo dục trước 1945 và nền giáo dục ở Sài Gòn trước 1975, tôi nhận ra một sự thật — hồi đó, bản thân giáo dục là một hệ thống quyền lực. Nó có nguyên tắc tổ chức riêng và những con người riêng của nó.
Nhà thơ Chế Lan Viên có lần nói với Nguyễn Khải và Nguyễn Khải về kể lại cho tôi một nhận xét. Ông Chế bảo, ở xã hội cũ, một viên tri huyện tuy vậy vẫn phải nể nhà sư trụ trì mấy ngôi chùa lớn, hay các vị đỗ đạt cao nay không làm gì chỉ về mở trường trong vùng. 
Còn các chức danh đốc học, giáo thụ, huấn đạo – các học quan tương ứng với tỉnh, phủ, huyện — là người do triều đình cử, chứ không phải do chính quyền địa phương cử, hoặc nếu địa phương cử thì triều đình cũng phải duyệt.
Tôi cảm thấy điều này được GDMN tiếp tục. Nền giáo dục ở đây do những người thành thạo chuyên môn quyết định. Còn ở miền Bắc thì hoàn toàn ngược lại.
Nhiều vị sư do địa phương phân công vào chùa hoạt động, hoặc sau khi vào chùa, lấy việc cộng tác với chính quyền làm niềm vinh dự, nghĩa là trong hệ thống sai bảo của chính quyền theo nghĩa đen.
Còn người phụ trách giáo dục các cấp hoàn toàn do Ủy ban cử sang.
Cả những hiệu trưởng cũng vậy, phải do Ủy ban thông qua.
Bộ máy tổ chức cán bộ địa phương thường hoạt động theo nguyên tắc là ai tài giỏi cho đi phụ trách các ngành chính trị kinh tế. Còn văn hóa giáo dục sẽ phân công cho những người kém thế lực và kém năng lực.
Đánh đấm ở chiến trường hay vật lộn với sản xuất với thị trường mới khó, chứ việc quản mấy ông thầy với đám học trò ranh, ai làm chẳng được – người ta hiểu vậy.
Một người bạn già có hiểu nhiều về giáo dục ở thời Việt Nam dân chủ cộng hòa kể với tôi là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong chính phủ Liên hiệp thành lập 2-1946 là Đặng Thai Mai.
Nhưng về sau, do sinh viên trường đại học Đông dương đề xuất thắc mắc, Đặng Thai Mai chỉ tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, nên phải thay bẳng Nguyễn Văn Huyên có bằng tiến sĩ Sorbone Đại học số một của Pháp.
Việc chọn người tham gia chính phủ thời kỳ 1945-46 có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tôi tin chắc rằng thời ấy việc cử Bộ trưởng Bộ giáo dục buộc phải tuân theo nhiều chuẩn mực nghiêm khắc, chứ không phải à uôm hoặc phe cánh chạy chọt, như hiện nay.
Vả chăng vấn đề không phải chỉ riêng ông bộ trưởng, mà là mọi cấp quan chức của giáo dục.
Một trong những chuyện vui vui xảy ra với nền giáo dục hôm nay là chỉ thị của Bộ gíáo dục khoảng cuối 2013 cho các tỉnh, khuyên cơ quan chính quyền tỉnh nên cẩn thận và ráo riết trong việc kiểm soát các tin tức tiêu cực từ các cuộc thi. Nó là bằng chứng cho thấy giáo dục đã nát như thế nào và người ta cố tình che giấu như thế nào. Nhưng nó cũng tố cáo sự phụ thuộc hoàn toàn của nhà trường vào nhà cầm quyền. Giáo dục trở thành việc nhà của địa phương rồi, người ta cho biết cái gì thì dân được biết cái đó.
Một kỷ niệm nữa có liên quan tới việc giáo dục phụ thuộc chính trị một cách thô thiển. Những năm 55 – 58, tôi học cấp II Chu Văn An. Trường ở ngay cạnh Chủ tịch phủ. Hễ có các vị quan khách nước ngoài tới thăm, xe đưa từ sân bay Gia Lâm về Ba Đình, là bọn tôi được lệnh bỏ học, ra đứng đường để hoan nghênh các vị khách quý.
Ở các địa phương việc huy động thầy trò vào các công việc gọi là công ích, là công tác chính trị của địa phương, càng phổ biến.
Người ta tự coi mình đương nhiên có quyền can thiệp vào mọi việc của nhà trường. Còn những việc như thế, làm hại đến chất lượng giáo dục ra sao, thì không ai cần biết.
Những nguyên tắc căn bản của giáo dục
Mấy năm gần đây hoạt động của GDMN được nhắc nhở nhiều trên báo chí, nhất là trên mạng. Nhờ thế, bọn tôi có thêm dịp để nghĩ lại về nền giáo dục mà đến nay ít được biết tới.
Trong một bài mang tên Nền giáo dục ở miền Nam 1954-75, một nhà giáo dục đồng thời trước đây là một quan chức trong nghề (như trên đã nói, quan chức giáo dục ở miền Nam khác hẳn quan chức miền Bắc), ông Nguyễn Thanh Liêm, đã nhắc lại những nguyên tắc căn bản của nền giáo mới là dân tộc, nhân bản, khai phóng, những nguyên tắc này đã ghi trong Hiến pháp VNCH 1967.
Đối chiếu với giáo dục miền Bắc, sơ bộ tôi thấy đại khái hai nguyên tắc đầu cũng thường được Hà Nội nhắc tới, nhưng được giải thích khác đi, và nguyên tắc thứ ba thì hoàn toàn người làm GDMB không có một ý niệm gì hết.
Về tính dân tộc
Ta hãy đọc lại cách giải thích của các nhà giáo miền Nam. Ở đây, bảo đảm tính dân tộc, phát triển tinh thần quốc gia của học sinh có nghĩagiúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
Các nhà giáo miền Bắc, trên đại thể, cũng nói thế. Nhưng điểm nhấn thì khác. Trong cách giải thích của người làm giáo dục Hà Nội, tính dân tộc trước tiên là việc dân mình tự làm chủ lấy giáo dục của mình. Chúng tôi thường tự hào đây là một nền giáo dục riêng của người Việt, một nền giáo dục không có dây dưa gì nhiều với nền giáo dục mà thế kỷ trước, người Pháp đã mang lại. Chúng tôi làm lấy và đôi khi cố ý làm ngược với những bài bản thời thuộc địa.
Đây là cách hiểu về tính dân tộc mà giới văn hóa tư tưởng đề xuất và được coi là tư tưởng chỉ đạo. Thì cũng là cách hiểu trong giáo dục.
Một khía cạnh khác trong cách hiểu về tính dân tộc của miền Bắc. Không phải là những người làm giáo dục không biết chỗ yếu kém vốn có. Để tự trấn an, người ta biện hộ rằng trong cái vẻ luộm thuộm nhếch nhác, hình như GDMB đang trở lại với nền giáo dục của ông cha ta ngày xưa thời trung đại, chỉ cốt phát huy tinh thần hiếu học của con người.
Dân tộc trong trường hợp này, dân tộc đồng nghĩa với “ta về ta tắm ao ta”, từ chối những đổi mới hiện đại.
Cũng chính là những lý do được viện dẫn khi, trong đời sống văn hóa, người ta kéo nhau trở lại với các phong tục cổ hủ và khuếch trương mê tín đến một mức độ người xưa không thể tưởng tượng.
Trong khi đó, như vừa dẫn ở trên, tính dân tộc được các nhà GDMN hiểu là phải hướng về một thứ dân tộc hiện đại.
Về tính nhân bản
Trên giấy tờ văn bản, chẳng bao giờ giới văn hóa giáo dục miền Bắc phủ nhận tính nhân bản, tuy là trong thực tế người ta rất ngại nói tới.
Phần thì xã hội ở đây đã xem đấu tranh giai cấp là động lực phát triển; phần nữa thì đang trong thời chiến tranh, không thể nói nhiều đến tình người, nó xâm hại ý chí chiến đấu.
Khi cần phải nói chuyện với thế giới, các nhà tư tưởng miền Bắc cũng công nhận nhân đạo chủ nghĩa là lý tưởng tốt đẹp và giáo dục phải có nhiệm vụ hướng tới.
Nhưng trong thực tế, cách lý giải nghĩa về chủ nghĩa nhân đạo thường giản đơn và cổ lỗ. Lại thường giải nghĩa rất mới: “chủ nghĩa nhân đạo cao nhất là chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu chống lại mọi áp bức bất công”.
Trong bài Đế quốc Mỹ phải là kẻ thù riêng của mỗi trái tim ta của Chế Lan Viên, người ta còn thấy những câu thơ mà có lẽ con người ở các xã hội khác không sao hiểu nổi:
Miền Nam ta ơi
Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất
Ngọn súng trường ta ơi ngọn súng rất nhân tình
Giới giáo dục miền Bắc cũng dạy theo sự chỉ đạo đó.
Cách giải thích về nhân bản của các nhà giáo miền Nam ngược hẳn. Theo tôi hiểu , nó gần với cách hiểu của phạm trù này ở các xã hội hiện đại.
Hãy thử đọc một số sách thuộc tủ sách giáo dục của nhà xuất bản cũng tên là Trẻ, in ra ở Sài Gòn khoảng mấy năm sau 1970.
Lúc này, một nhóm các nhà giáo dục, có lẽ mới đi học Anh Mỹ về, lập nhóm và đã công bố nhiều tài liệu mới viết có, vừa được dịch có.
Khi bàn về mục đích giáo dục, Nguyễn Hòa Lạc viết:
Mục đích tối thượng của giáo dục là làm thế nào giúp con người đạt được nhân cách, các bản ngã đích thực của mình, hầu có thể sống trọn kiếp nhân sinh […] nghĩa là giúp họ thể hiện được con người của mình trong ý nghĩa “con người là một hiện hữu tại thế, một hữu thể có lý trí và tự do, vừa suy tư vừa hành động”.
(Lê Thanh Hoàng Dân- Trần Hữu Đức..Các vấn đề giáo dục nxb Trẻ,1970 tr 209)
Cách hiểu như thế này cố nhiên không bao giờ được đề lên như mục đích của GDMB. Với các nhà giáo Hà Nội, nhất là vào thời kỳ sau khi Hà Nội được tiếp quản từ tay người Pháp (10-1954), không làm gì có những con người chung chung. Mỗi con người đều thuộc về một giai cấp do đó họ phải sự chỉ đạo của các đảng phái đại diện giai cấp của họ. Cách hiểu của GDMN: chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
Trước sau, với nền GDMB, chấp nhận nhân bản theo nghĩa hiện đại, và đặt vấn đề tôn trọng cá tính của mỗi cá nhân, bao giờ cũng là một chuyện quá phiền phức, giá có công nhận là đúng nữa thì hoàn cảnh hiện thời không cho phép người ta tuân thủ và dù có được coi là đúng đi nữa, cũng không bao giờ được ứng dụng. Mà trong thực tế, lại làm ngược.
Vào khoảng những năm 1960, có cả một cuộc vận động chống chủ nghĩa cá nhân.
Thế thì làm sao có thể tính chuyện nghiên cứu về con người cá nhân, và giúp lớp trẻ thực hiện bản thể cá nhân vốn có trong họ được!
Cái luận điểm từng được thống nhất nêu ra trong các văn bản miền Nam : Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác phải được coi là xa lạ và nếu có ai nghĩ vậy thì cần phê phán.
Chúng tôi không dẫn lại đây các văn kiện có tính chỉ đạo đối với GDMB trong đó việc đào tạo con người thành những công cụ đắc lực cho cuộc chiến đấu trước mắt được nhấn mạnh. Chỉ xin lưu ý một điểm, đó không phải là phát minh của các nhà chỉ đạo GDMB nói chung mà còn là nguyên lý chỉ đạo giáo dục ở một nước mà miền Bắc lấy làm mẫu như giáo dục Nga xô viết.
Trong cuốn Các vấn đề giáo dục thuộc tủ sách giáo dục nxb Trẻ đã nói, có một phần lớn điểm sơ lược về giáo dục nước ngoài, cả phương Đông lẫn phương Tây, chắc là do kê cứu các sách nghiên cứu của Anh Mỹ và Pháp mà viết lại. Phần viết về giáo dục Nga kết lại như sau:
Xét chung thì nền giáo dục ở Nga rất thực tiễn và khoa học, nhưng nó chỉ là thứ giáo dục một chiều, nhăm biến con người thành một công cụ sản xuất [và ở VN là chiến đấu – VTN] tới mức tối đa. Một khi con người đã trở thành công cụ của guồng máy cộng sản thì mất hết nhân tính. Do đó chúng ta có thể kết luận rằng giáo dục xô viết tuy thực tiễn và hữu hiệu nhưng lại phi nhân tính. (Sđd tr. 228)Có thể mượn để nói về GDMB.
Về tính khai phóng
Trong mấy chữ gọi là nguyên tắc căn bản trong các tài liệu GDMN, đối với bọn Hà Nội chúng tôi, chữ khai phóng là hơi lạ.
Mở Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng ( Khai trí S.1975), thấy ghi khai phóng tức mở mang và buông thả, ý nói làm cho tốt đẹp hơn; không kìm giữ, mà trái lại, muốn giúp đỡ cho tiến xa hơn.
Thoạt đầu tôi thấy là trong một mức độ nào đó, khai phóng có vẻ gần với khái niệm hiện đại tiên tiến của miền Bắc, mấy chữ này thường dùng cả trong kinh tế lẫn giáo dục.
Về sau đặt khai phóng vào cái nền chung của các nguyên tắc căn bản của GDMN, tôi mới hiểu khai phóng gần với khái niệm cơ bản của nhân học hiện đại là tự do – và do đó quá mới mẻ với chúng tôi.
Trong cuốn Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới, do tổ chức Unesco bảo trợ biên soạn và chi phí xuất bản (bản dịch tiếng Việt của nxb Thế giới, H. 2004), phần viết về Thái Nguyên Bồi (1868-1940), có đoạn dẫn lại mấy ý của vị Hiệu trưởng sáng lập Đại học Bắc Kinh có liên quan tới phương hướng phát triển giáo dục của nước Trung Hoa thế kỷ XX.
Chúng ta phải được tự do tư tưởng và tự do ngôn luận và không để cho một trường phái triết học hay bất kỳ một loại hình tôn giáo nào giam hãm tư tưởng chúng ta. Trái lại chúng ta phải hướng tới những tư tưởng cao cả mang tính nhân loại, những tư tưởng sẽ tồn tại mãi, bất kể không gian và thời gian. Đó là nền giáo dục xứng đáng với tên gọi nền giáo dục toàn cầu.(sđ d tr138 )
Giáo dục giúp cho thế hệ trẻ có cơ hội phát triển trí lực và hoàn thiện tính cách cá nhân, đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Bởi vậy giáo dục không hể trở thành công cụ đặc biệt giúp cho những kẻ muốn thao túng xã hội theo đuổi những mục đích xấu xa. Việc dạy dỗ tại nhà trường phải hoàn tòan trao cho các nhà giáo độc lập không bị ảnh hưởng bởi bất cứ đảng phái chính trị hay tôn giáo nào (sđd tr 143).
Tinh thần khai phóng như vậy đã trở thành một khía cạnh chủ yếu của quan niệm nhân bản như trên đã nói.
Tinh thần khai phóng này cũng chi phối cách các nhà GDMN hiểu khác đi về tính dân tộc, so với nội dung được GDMB chấp nhận.
Các nhà GDMN từng hào hứng nói về xu thế hội nhập đến rất sớm của mình. Cách nói của Nguyễn Thanh Liêm:
Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới. Đó là theo tinh thần khai phóng vừa nói.
Với GDMB, nói dân tộc là để từ chối khai phóngCòn với GDMN, chính là cần khai phóng thì mới giải quyết vấn đề dân tộc một cách triệt để.
Nhìn theo cách nào thì khai phóng mà các nhà giáo dục ở Sài Gòn đã nói cũng bao hàm một ý nghĩa mà GDMB không thể chấp nhận được. Thậm chí phải nói là GDMB đã làm ngược lại.
Hẳn là không xa sự thật lắm nếu kết luận trong khi giáo dục thế giới và GDMN là khai phóng thì GDMB là khép kín. Trong khi GDMB chỉ hướng tới các mục đích trước mắt – một tinh thần thiển cận sát mặt đất–, thì tinh thần khai phóng mà GDMN muốn xây dựng bao giờ cũng giúp cho người ta hướng tới tương lai.
Trong cuốn Các vấn đề giáo dục đã nói, ở tr 204 tập I, tôi còn thấy các tác giả dẫn lại một câu của Kant: Mục đích của giáo dục là huấn luyện trẻ không phải chỉ nhằm vào sự thành công của chúng trong tình trạng xã hội hiện tại mà nhằm một tình trạng có thể tốt đẹp hơn, hợp với một quan niệm lý tưởng của nhân loại (sđ d tr 204).
GDMN nhằm vào những mục đích như thế mà GDMB thì không.
ĐOẠN KẾT
Giống như xã hội nơi đây, sự phát triển giáo dục ở miền Bắc đi theo một cái mạch phải nói là không bình thường.
Nếu GDMN tiếp nối cái mạch giáo dục của nhiều nước trên thế giới và trực tiếp là nền giáo dục VN trước 1945 thì GDMB, xét theo cả chặng đường dài năm sáu chục năm, trong khi cố tìm cốt cách riêng của mình, hóa ra lại chẳng tuân theo quy luật nào cả.
Nếu GDMN được triển khai theo một đường hướng khoa học của thế giới hiện đại thì GDMB lại có những khía cạnh như trở lại thời tiền hiện đại.
Cần nói thêm là trong khi phải làm giáo dục một cách mò mẫm, những người làm giáo dục ở miền Bắc trước 1975 đã luôn luôn tự nhủ rằng chúng ta đang làm một cuộc cách mạng trong giáo dục và giáo dục ta đang là một nền giáo dục tiên tiến.
Đó là một ý nguyện chính đáng.
Trong chiến tranh, Hà Nội hoàn toàn khép kín. Muốn thì cũng muốn lắm, nhưng trong hoàn cảnh đóng cửa cách ly với thế giới, làm gì có chuyện hội nhập theo đúng nghĩa của nó.
Cuộc sống trì trệ kéo dài.
Đối chiếu với những điều bọn tôi được dạy bảo từ nhà trường phổ thông và sau này từng coi là phương hướng suy nghĩ, với các tài liệu mới đọc được, càng thấy trong khi khác biệt với GDMN, thì GDMB cũng khác nhiều so với thế giới. Đủ hiểu tại sao sau khi đào tạo trong nước, ra tiếp xúc với xã hội hiện đại, cánh học sinh sinh viên miền Bắc bọn tôi thường ú ớ, lạc lõng, trong khi những người được GDMN đào tạo thì hội nhập rất tự nhiên và hiệu quả.
Mươi năm gần đây, tình hình có chút đổi khác, nhưng là chỉ đổi khác trên bề mặt. Cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiểu nước phương Tây, nhất là sang Mỹ để học. Nhưng họ chỉ lo được cho gia đình riêng của họ thôi. Ở trong nước, những bài bản của miền Bắc cũ được tân trang lại chút ít vẫn ngự trị trong toàn bộ nền giáo dục, và trong thâm tâm, nhiều người đã bắt đầu nghĩ rằng hình như có một bãi lầy đã được tạo ra và chúng ta không bao giờ ra thoát.
Bài đã đăng trên tạp chí NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN số 7-8 (114-115).2014, 
số chuyên đề GIÁO DỤC MIỀN NAM VIỆT NAM (1954- 1975)

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Người Việt Nam thế kỷ XIX qua lăng kính một sử gia Nhật Bản

Sone Toshitora.jpeg
Nguyễn Mạnh Sơn
Pháp Việt giao binh ký – Một tài liệu quý cho sự tu sử nước nhà
Pháp Việt giao binh ký là cuốn sách chép cuộc chiến tranh của nước Việt Nam với nước Pháp từ những năm đầu triều Nguyễn đến những năm 1880. Nội dung cuốn sách chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề như địa lý, phong tục, sản vật, diên cách lịch sử Việt Nam, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam cùng cách thức mà Trung Quốc và Việt Nam đối phó với Pháp.
Tác giả của Pháp Việt giao binh ký là Sone Toshitora (曾根 俊虎/ Tăng Căn Tuấn Hổ) (1847-1910), một võ sĩ thời Bakumatsu (幕末/ Mạc mạt), Đại úy Hải quân Nhật Bản, được coi là nhân vật quan trọng nhất của thuyết Liên Á trong lịch sử cận đại Nhật Bản và là một trong những người sáng lập Hưng Á hội. Sone Toshitora từng là học trò của Watanabe Hiromoto (1848-1901), Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và Yoshida Kensuke (1838-1893).
Pháp Việt giao binh ký chép bằng chữ Hán, xuất bản lần đầu tại Tokyo (Đông Kinh), Nhật Bản, năm Minh Trị thứ mười chín, tức là năm 1886. Sau này ảnh ấn của cuốn sách được in trong Cận đại Trung Quốc sử liệu tùng san, tập 62 近代中國史料叢刊第六十二輯, xuất bản năm 1966, Văn Hải xuất bản xã, tại Đài Bắc.
Về cuốn sách Pháp Việt giao binh ký, Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình trong Vãng tân nhật ký [1] cũng có ghi lại đôi dòng: “Ngày 6 tháng 12 năm 1883, Tăng Căn Khiếu Vân [2] 曾根 嘯雲 đến thăm, tôi và ông ấy ngồi ở đình Vọng Sơn, trò chuyện hồi lâu. Khiếu Vân có lấy ra hai cuốn sách cho tôi xem, một cuốn là Nam phiêu ký sự 南漂記事 trong sách đề năm Khoan Chính thứ sáu (năm thứ 59 niên hiệu Càn Long triều Thanh, năm thứ 56 niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê nước ta, tức là năm 1794)… Một cuốn nữa là Pháp Việt giao binh kỷ lược 法越交兵紀略 ghi chép rất nhiều câu chuyện, bài viết được đăng trên nhật báo, quá nửa là sai lầm, không chính xác. Nên ông ấy có nhờ tôi nhuận chính lại, tôi có rút bỏ khoảng hơn mười bài, giản lược bớt và sửa chữa…”[3]
Trong lời tựa đầu sách, Sone Toshitora cũng có trình bày đại ý việc biên soạn Pháp Việt giao binh ký vì ông thấy các cường quốc Âu châu đang xâm chiếm các nước Đông phương, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam là những nước đồng văn đồng chủng, cùng chung giáo hóa, thì lấy làm lo nên đã đứng ra lập một hội, với mục đích bênh vực các nước Đông phương, gọi là “Hưng Á hội”. Vì vậy xuyên suốt cuốn sách này, Sone Toshitora chỉ ra hết những biện pháp bóc lột của Pháp, rồi một mực kêu gọi, hô hào các chí sĩ châu Á ra tay cứu giúp một nước đang trong cảnh nguy vong là nước Việt Nam.
Thời ấy, Sone Toshitora cũng giao lưu với nhiều anh tài Trung Hoa, như Vương Thao, một nhà báo trứ danh ở Hương Cảng. Vương Thao cũng là một tay quen biết rộng nhiều, hay thư từ qua lại với một số vị đại thần nước ta như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản. Vì thế, khi Nguyễn Thuật đi sứ sang Tàu, nhờ Vương Thao giới thiệu, có được đọc qua bản cảo Pháp Việt giao binh ký của Sone Toshitora và có để ít nhiều lời bình trong sách.
Do vậy khi cuốn sách được đem in, ngoài Sone Toshitora đứng tên ra, thì trên bìa sách người ta còn thấy có đề tên Nguyễn Thuật, Hà Đình, người Việt Nam đứng hiệu duyệt kế sau Vương Thao, người Tàu đứng san toản. Và trong sách thỉnh thoảng cũng có những lời phê vắn tắt của ông Nguyễn Thuật, nhưng rất ít.
Cuốn sách bao gồm 5 quyển, với rất nhiều lời đề tựa của Taruhito (熾仁); Yokoi Tadanao (横井 忠直); Akamatsu Toriyoshi (赤松 則良); Kawada Oukou (川田 甕江); Kurimoto Joun (栗本 鋤雲); Vương Thao (王韜); Ngũ Diên Phương (伍廷芳), Sone Toshitora… Nội dung cuốn sách chủ yếu là tổng hợp thông tin về tình hình chính trị Pháp – Việt trên nhật báo Việt Nam, Hồng Kong, Trung Hoa. Tuy nhiên trong quyển đầu, Sone Toshitora cũng dành một vài trang để viết về tính cách, phong tục, ăn ở… của người Việt. Mặc dù có nhiều chi tiết ngày nay không còn chính xác nữa nhưng đó cũng được coi như tấm gương phản chiếu để người Việt nhìn lại chính mình của hơn một trăm năm về trước.
Người Việt Nam thế kỷ XIX qua mắt của Sone Toshitora[4]
 Thể chất
“Thân thể gầy còm, tinh thần suy yếu, tuy có khi sấn sướt làm mình ra mạnh mà rồi cũng trở nên biếng nhác tức thì. Có lẽ tại họ không có lòng kiên nhẫn. Bởi vậy, những việc khó nhọc lắm và phải làm lâu lai thì họ ắt không kham”.
“Người An Nam đa phần nhỏ thó, cái mặt trẹt, cái tai phẳng, cái mũi thấp, con ngươi đen, hơi giống người Tàu. Da hơi đen, có lẽ là bởi những người đó làm ruộng và dang nắng. Chứ còn như những người sang và các cô gái trẻ thì da cũng có trắng. Tuy vậy, đại để An Nam không có người đẹp. Người nào da trắng thì trắng như sáp, còn đen thì như đồng đen. Cũng có người da hơi vàng, giống người Mông Cổ. Con trai con gái hồi còn trẻ tuy cũng có vẻ đậm đà dễ coi, nhưng sau khi có vợ có chồng rồi thì tuồng mặt đổi hẳn, không còn được như trước nữa. Cũng có nhiều kẻ tốt tóc, nhưng ngoài hai mươi tuổi thì tóc đã trở nên xác xơ, không láng ngời nữa. Họ thường búi tóc. Kẻ nào ưa làm dáng thì hay búi bằng chang, con trai con gái đều như vậy. Nhiều người mặt mày xấu xí, cách đi đứng quê kệch, lại từ đỉnh đầu đến gót chân, thường lộ ra những nét cong queo nghiêng lệch. Đó là tại hồi còn nhỏ, người mẹ hoặc người vú hay để đứa trẻ chàng hảng hai chân ngồi lên trên hai chân của mình mà cho ăn cho bú, nên lâu ngày rồi nó như thế”.
Nguyễn Thuật có phê rằng: “Dân cày và đàn bà nhà quê mới có nhiều người tuồng mặt xấu xí; chứ còn các hàng quan thân văn sĩ hầu hết người nào cũng có nghi dung tuấn tú, không phải xấu xí cả đâu”.
Y phục, trang sức
“Về y phục, đồ mặc thường của họ quá chật. Nhưng, đàn ông mặc như thế thì được tiện và nhanh nhẹn. Đàn bà, áo dài hơn đàn ông, may bịt bùng hết, không có chỗ hở da. Đó là vì ngừa thói dâm của phụ nữ mà khiến họ có sự bất tiện. Lễ phục thì hai tay áo dài và rộng”.
“Đàn ông, đầu đội khăn; đàn bà dùng cái nón lớn để che nắng che mưa. Dân thường thì dùng một miếng vải nhỏ che trên đầu; khi đi ra đồng, đội nón lá; còn miếng vải nhỏ, vắt trên vai để thay khăn tay. Đó là điều không giống với nước nào hết.”
“Họ lại có dùng cái dải trắng và đỏ đeo hai cái đãy ngang lưng, đó cũng là điều khác với các nước nữa. Trong đãy chứa trầu cau, trái trám, để ăn. Khi ra ngoài, đeo hai cái đãy trên vai. Trong nhà thì trưng bày những đồ như cái hộp bằng đồng hoặc bằng bạc để đựng trầu cau cùng vật ăn được”.
Nguyễn Thuật phê rằng: “Cái tục mang đãy nay không còn có nữa”.
“Họ thường ăn trầu cau hoặc trái trám, cho nên răng đều vàng ra hay đen đi. Đàn bà họ lại ưa dùng đồ trang sức bằng ngà voi”.
Nguyễn Thuật nói rằng: “Ăn trầu thì có; còn trái trám thì là thức ăn phụ, coi như đồ gia vị, chớ không dùng để ăn thường”.
Đi đứng
“Đàn ông đàn bà đi ra ngoài đều đi chân không. Duy có ông già cùng người đàn bà làm tốt thì có mang giày, mà giày thì ngắn, khi mang vào, thường để hai gót ra ngoài, cho nên dáng đi cũng xấu xí. Từ ngày có người Pháp đến ở trong nước, người An Nam nào có thông hôn với người Pháp thì có đi giày đen và tất trắng”.
Nhà cửa
“Nhà làm nhỏ hay lớn, cao hay thấp là tùy người giàu nghèo sang hèn khác nhau. Đại khái nhà đều thấp, tối tăm và xấu xí; cột dùng gỗ, nghèo thì dùng tre. Trên nhà, lợp bằng lá dừa nước, hoặc tranh, hoặc rạ; cũng có lợp ngói, nhưng phải là giàu mới lợp ngói được. Trong nhà chia làm mấy ngăn, ngăn bằng ván hoặc phên. Bốn phía tường dùng ván, có khi dùng lá dừa, nên hay bị mất trộm lắm. Đồ vặt trong nhà không có mấy, vài ba bộ ván hoặc giường để mà ngồi nằm, lại với tủ hoặc rương để đựng quần áo. Nhà giàu sang thì có cái kỷ nhỏ, bày đồ trà để đãi khách”.
Vệ sinh, ăn uống
“Người An Nam đến sự ở nhà không sạch sẽ, mặc áo quần dơ bẩn thì thôi, khắp thế giới không nước nào bằng! Cũng có kẻ mặc đồ hàng lụa, áo kép, áo lót, nhưng vẫn như là lam lũ. Thật ra thì kiểu y phục của họ không thích hợp với mùa lạnh mùa nóng, còn nhà thì không thích hợp với sự ăn ở. Họ hay ăn mặn quá hoặc cay quá, chua quá, cũng có thể tại đó mà thể chất trở nên yếu đuối, tâm thần trở nên thất thường. Lại thêm khí hậu không tốt, làm cho người suy nhược. Người An Nam ít sống lâu, trẻ con phần nhiều không nuôi được. Họ đẻ con rất dễ dàng, nhưng vì ăn ở bẩn thỉu, không biết vệ sinh cho nên chúng hay chết non. Từ ngày biết phép chủng đậu, trẻ con cũng có bớt chết”.
Tính cách
“Người An Nam không thiếu người có tài có trí. Họ có tánh giỏi nhớ, tuy chưa thể vào sâu trong mọi sự, chứ được cái học mau biết. Người Pháp đến An Nam mới mười năm nay mà người An Nam học tiếng Pháp cũng đã đủ dùng, nói chuyện thường không đến nỗi ngập ngợ; vả lại viết bằng chữ Pháp cũng được nữa.
Họ không phải là không dũng khí. Nếu cai trị có phương pháp, lấy pháp luật mà chỉnh tề, lấy đạo nghĩa mà cố kết thì sự dũng cảm của người An Nam được việc lắm, sẽ không có người nước nào ở Đông phương này bằng họ được. Nay vì sự cai trị lỗi phương, trên dưới không noi đường chính, cho nên lòng người tàn bạo và khinh bạc thật hết chỗ nói. Coi như giữa chỗ pháp trường, người An Nam đến coi tuy thấy sự thảm khốc trước mắt mà họ vẫn đứng hút thuốc tự nhiên, không hề có vẻ thương xót. Như thế là vô tình quá lắm, chứ có phải dũng gì đâu!
Người An Nam ưa giữ theo tục cũ những mấy trăm năm về trước. Sự ấy đã thành ra thói quen, không sao chữa được. Nhưng có một điều đáng quý là biết kính người trên và giữ pháp luật. Từ khi có giao thiệp với người Pháp, họ dần dần bỏ mất cái tính vâng lời ngoan ngoãn ấy đi mà lại cho mình như thế là khai minh tiến bộ thì thật đáng tiếc. Tuy vậy, những người Pháp ở An Nam lại còn ngang ngạnh quá người bản xứ nữa, người An Nam có thế nào cũng còn là hơn họ. Đối với người Pháp, người An Nam tuy có vâng lời cũng chỉ bề ngoài thôi, chứ thật ra thì ai nấy đều “dạ trước mặt, trỏ cặc sau lưng” vậy”.
“Coi bề ngoài thì người An Nam trong các xứ đều không khác nhau lắm. Nhưng xét kỹ mới thấy tài trí và dũng lực của người Nam Kỳ thật thua xa người Bắc Kỳ. Người Nam Kỳ gặp cảnh nghèo không chịu nổi, mà đến lúc giàu cũng không biết giữ cho bền. Người nước họ hạng trung bình, không giàu mà cũng không nghèo, thì cai trị không khó mấy. Đến những kẻ siêng ăn nhác làm, ham chơi bời quá chẳng may sa sẩy, hễ mất chỗ sinh nhai là hóa ra ăn trộm. Lại có kẻ nhờ thời may làm nên phú quý thì hay khoe khoang kiêu ngạo, làm phách với người dưới mà lờn mặt với người trên. Cho nên người ta hay nói: “Người An Nam không biết xử cảnh nghèo mà cũng không biết xử cảnh giàu”. Tóm lại, những sự ấy đều bởi tại giáo hóa chưa đến nơi.”
Nguyễn Thuật phê rằng: “Nghèo khổ mà đi ăn trộm, giàu sang mà đổ ra kiêu sa, đó chẳng qua trăm ngàn người mới có một hai người như vậy. Không phải hết thảy người An Nam đều thế cả. Cái đó cũng giống như các nước”.
“Người bản xứ hay đổi nghề. Có thể bảo họ là “vô hằng tâm [5]”. Người nào thấy một việc gì trúng ý mình thì nôn nả làm liền, lúc đầu dù có nhọc nhằn mấy cũng ráng chịu. Đến vài tháng hoặc vài năm, đã thấy lộ vẻ biếng trễ rồi, rốt cuộc công việc phải bỏ dở. Khi bỏ rồi, thấy không có nghề làm, lại muốn trở lại nghề cũ. Cái thói ấy, người Pháp muốn trừ đi cho họ, nhưng vì mới đến ở, chưa có thể được.
Phụ nữ An Nam có tài gánh gồng buôn bán ở các nơi phố chợ. Còn chồng họ thì ở nhà uống rượu nói chuyện với bạn bè hàng xóm, ngồi không mà hưởng của vợ làm ra. Cái thói ấy cho đến ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn. Trẻ con mất dạy. Chúng nó cũng có học, nhưng chỉ học qua loa những sách dễ dễ của người Tàu. Người lớn không biết cách chỉ bảo trẻ con. Chúng có lỗi cũng không hay răn phạt. Bởi vậy trẻ con đều hung tánh, đến lúc lớn cha mẹ đối với chúng cũng chịu phép.
Con gái 14 tuổi trở lên, đã cho đi chợ bán hàng, ra chỗ đông người, rộn tai choáng mắt, sinh ra lắm điều tệ, thế mà cha mẹ cũng chẳng cấm ngăn, để muốn làm gì thì làm…
Người An Nam không có ý nỗ lực tấn tới, mà lại còn không biết biện biệt sự lợi hay hại, nên hay hư. Việc buôn bán trong nước, họ đều phó cho người Tàu, không ngó ngàng đến. Người Tàu ở đó hay rủ nhau hùn vốn lập công ty để buôn. Buôn có lời, họ lại chia ra và lập thêm công ty khác. Còn người bản xứ thì sẵn tánh khinh bạc, hay nghi ngờ nhau, chống báng nhau, không lập công ty được; cho nên mối lợi trong nước đành phải để cho người Tàu tóm thâu. Người trong nước ưa lấy sự trá ngụy để lừa dối nhau, không ai tin ai được cả. Rất đỗi bà con quen thuộc cũng không có thể tin cậy nhau được. Đây thử cử ra một sổ vay nợ để làm chứng: Người cho vay đặt ra quy điều để ngừa giữ rất nghiêm nhặt, nhưng thường không khỏi bị gạt. Vì họ cho vay ăn lời nặng quá, có khi số lời gấp đôi số vốn, thì dễ gì mà trả được? Té ra sự gạt nợ cũng tại chủ cho vay tự mình chuốc lấy”.
Dù nội dung sách vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn bạc lại, đánh giá lại nhưng Pháp Việt giao binh ký vẫn là một trong những tập tư liệu hữu ích, nhiều hình ảnh thú vị cho các nhà nghiên cứu về quan hệ Pháp Việt và phong tục, văn hóa, địa lý… nước ta vào cuối thế kỷ XIX.
TP.HCM, 10/8/2016
Chú thích:
[1] Về tác phẩm Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã có bài viết Lược tả về sách Vãng sứ Thiên Tân nhật ký của Phạm Thận Duật và Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (71). 2008, trang 110-117.
[2] Khiếu Vân là bút hiệu của Sone Toshitora.
[3] 阮述《往津日記》Nguyễn  Thuật  Vãng  Tân  nhật  ký, Trần  Kinh  Hòa  biên  chú,  Hương Cảng Trung Văn đại học – Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sử liệu tùng tan (tập 1), Trung Văn Đại học xuất bản xã, Hương Cảng, 1980, trang 59.
[4] Pháp Việt giao binh ký được học giả Phan Khôi trích dịch (chúng tôi có sửa vài chữ khi trích dẫn) đăng trên tạp chí Sông Hương, Huế, năm 1937.
[5] Vô hằng tâm: Không có lòng bền bỉ, kiên trì.