Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Các sự kiện liên quan tới vụ cá chết

BBC Tiếng Việt điểm lại những diễn biến quan trọng trong vụ cá chết bí hiểm ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Tháng Tư 2016: Cá chết hàng loạt

Ngày 6: Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà). Cá chết nhiều trong các ngày 6-7/4.
Ngày 10: Hiện tượng cá chết xuất hiện tại Quảng Bình. Số lượng
Ngày 15: Cá chết lan đến Thừa Thiên – Huế.
Ngày 16: Xuất hiện cá chết tại Quảng Trị.
Ngày 21: Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói đoàn công tác không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng Áng được vì đây là khu vực có yếu tố nước ngoài, “đoàn không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra”.
Ngày 22: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hà Tĩnh “kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thông mới và tiến độ dự án Formosa”.
Một người dân lặn biển, ông Nguyễn Xuân Thành phát hiện thấy đường ống xả thải hóa chất dưới đáy biển, “nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi cảm thấy rất ngạt thở”.

Image copyrightAFP

Ngày 23: Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân nói việc báo chí “khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển”, đồng thời khẳng định “Formosa được phép xả thải” và đường ống ngầm của hãng là hoàn toàn hợp pháp.
Phó viện trưởng Viện Nguyên cứu Hải sản Nguyễn Viết Nghĩa tuyên bố cá chết bất thường là do “độc chất mạnh”, với nguồn nước biển ô nhiễm xuất phát từ khu công nghiệp Vũng Áng.
Ngày 24: Cuộc họp giữa Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Tài nguyên Môi trường nói Formosa có một số “vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống”.
Bộ Tài nguyên Môi trường nói sẽ tìm ra kết quả gây cá chết trong “5 ngày nữa”.
Ngày 26: Formosa Hà Tĩnh ra thông cáo nói họ “kinh ngạc” và “không thể hiểu nổi” tình trạng sinh vật biển chết, gây ô nhiễm trên biển với quy mô lớn. Năm thợ lặn tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình phải nhập viện sau khi lặn từ khu vực biển Vũng Áng lên.

Image copyright

Ngày 27: Có thông tin xuất hiện cá chết ở Đà Nẵng. Chính phủ ra công điện yêu cầu bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy hải sản chết bất thường.
Bộ Tài nguyên Môi trường ra kết luận ban đầu theo đó nói có hai khả năng gây ra tình trạng cá chết, gồm tác động độc tố hoá học của con người và trên biển, và là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Formosa Hà Tĩnh được xác định là "chưa thấy có mối liên hệ nào" với tình trạng cá chết hàng loạt
Ngày 28: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo trong cuộc họp Chính phủ về kết quả xét nghiệm mẫu xác định "bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ".
Ngày 29: Khu vực biển Đà Nẵng tiếp tục có tình trạng cá chết dạt bờ ồ ạt, trong đó có nhiều cá thể cỡ lớn, tới 10kg

Image copyrightHOANG DUC THU FACEBOOK

Ngày 29-30: Người dân làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình biểu tình phản đối thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung.
Tại Huế, một nhóm nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng về vụ cá chết nhưng bị công an can thiệp.
Ngày 30: bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã cùng các lãnh đạo đi tắm biển cùng người dân và ăn cá để giải tỏa lo âu cho người dân.

Image copyrightGETTY

Tháng Năm 2016: Biểu tình diễn ra ở nhiều nơi

Ngày 1: Tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối thảm họa môi trường này, yêu cầu minh bạch và tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Trong bản tin 20 giờ, Đài truyền hình Việt Nam VTV công bố bắt hai nhà hoạt động tên Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn vì đã tới khu vực Formosa vầ Kỳ Hà, Hà Tĩnh "thu thập thông tin và hình ảnh để phát tán trên mạng internet nhằm mục đích kích động người dân".
Người lao động Việt Nam tại Đài Loan xuống đường thể hiện quan điểm về sự kiện cá chết tại khu vực Hà Tĩnh.

Image copyrightOTHER

Ngày 2: Vào giờ đêm, Văn phòng Chính phủ phát đi thông cáo yêu cầu giám sát hệ thống xả thải của công ty Formosa, cấp gạo và hỗ trợ tài chính cho ngư dân, đồng thời đề nghị ngư dân đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý và hỗ trợ tiêu hủy cá chết.
Ngày 3: Bảy linh mục tại các giáo xứ trong huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh gửi kiến nghị lên thủ tướng vì vụ cá chết hàng loạt xảy ra trong khu vực này.


An ninh Việt Nam thả ông Chu Mạnh Sơn, một nhà hoạt động bị bắt tại khu vực Vũng Áng, tâm điểm của thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Ông Chu Mạnh Sơn được thả sáng ngày 3/5. Tuy nhiên, người bị bắt cùng đợt với ông là ông Trương Minh Tam hiện vẫn chưa được thả.
Ngày 5: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: "Bộ Thông tin - truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa tin trung thực, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái, kích động nhằm ổn định tình hình, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận".
Ngày 6: Lời kêu gọi tiếp tục biểu tình ngày 8/5 được phát đi trên mạng xã hội với lý do ‘Chính phủ cố tình chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết’.
Ngày 8: Hàng trăm người dân Việt Nam ở Sài Gòn và nhiều thành phố, địa phương trong cả nước đã xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt.


Ngày 14: Nhiều nhà hoạt động nói họ bị "tạm giữ" và "ngăn cản" ngay tại nhà, không thể tham gia xuống đường biểu tình trong tuần thứ ba liên tiếp vì sự kiện cá chết ở miền Trung Việt Nam.
Ngày 15: Các cuộc biểu tình tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhanh chóng bị giới chức trấn áp. Tin tức nói nhiều người biểu tình đã bị các lực lượng an ninh bắt giữ
Ngày 27: VTV phát chương trình ’60 phút mở: Bạn chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì, trong đó người dẫn chương trình Tạ Bích Loan cùng năm khách mời chất vấn Phan Anh, một MC của VTV, "Tại sao bạn lại phải chia sẻ clip hai con cá chết của Vũng Áng?" ’60 phút mở’ đã gây tranh luận gay gắt trong cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam
Ngày 29: Hàng trăm người Việt tại Nhật biểu tình đòi làm rõ nguyên nhân thảm họa cá chết tại Việt Nam.


Tháng Sáu 2016: Công bố nguyên nhân cá chết

Ngày 5: Tại Hà Nội, cuộc tuần hành nhân ngày Môi trường Thế giới và vì 'cá chết hàng loạt, bất thường' bị các lực lượng an ninh nhanh chóng giải tán. Một số người tham gia bị bắt đưa đi.

Image copyrightFB TRINH MINH HIEN

Ngày 8: Hà Tĩnh buộc Formosa Hà Tĩnh và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) lắp thiết bị tự động kiểm soát khí chất thải, bụi tại các lò cao nhiệt điện.
Ngày 11: Tôm hùm và cá chết hàng loạt ở biển Phú Yên.
Ngày 12: Hàng trăm người dân ở khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An xuống đường, tuần hành từ nhà thờ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và sau đó tuần hành trên Quốc Lộ 37.


Ngày 16: Quốc hội Đài Loan họp báo liên quan tới cáo buộc Formosa Hà Tĩnh thải chất độc gây ô nhiễm. Formosa Plastic Group bị áp lực từ các nhóm môi trường địa phương, nghị sỹ và một hội đoàn của người Việt, chất vấn về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.
Ngày 26: Một số báo Việt Nam đăng bài về phóng sự dài 60 phút ‘Việt Nam – Cái chết của cá’ phát trên kênh truyền hình PTS của Đài Loan.
Ngày 28: Formosa ký biên bản thừa nhận sai phạm, trước sự chứng kiến của đại diện nhiều bộ ngành Việt Nam, trong đó có cả Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án tối cao và đại diện bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng.

Image copyright

Ngày 29: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Nguyên Thành phát biểu, công khai thừa nhận những sự cố tại Formosa Hà Tĩnh “là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tình miền Trung của Việt Nam”, nhưng nói nguyên nhân không phải do Formosa Hà Tĩnh mà là do các nhà thầu phụ của hãng gây ra.
Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.
Ngày 30: Văn phòng Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, theo đó xác định là do sự cố xả thải và từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh. Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu'

"Tôi đã nhận trách nhiệm ngay khi thị sát tình trạng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, nhưng đó sẽ là nhận trách nhiệm suông nếu không xác định được thủ phạm", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ.

3 tiếng trước khi tiếp và ghi nhận lời xin lỗi nhân dân Việt Nam của ông Trần Nguyên Thành Chủ tịch Cty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời phỏng vấnVnExpress.
-  Sự cố xảy ra, dù được Thủ tướng giao là bộ trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc xác định nguyên nhân cá chết và tìm giải pháp xử lý, nhưng với công luận ông đã im lặng rất lâu. Tại sao vậy?
- Tôi không xuất hiện bởi tôi cần tập trung vào việc xác định nguyên nhân chính, các giải pháp để giải quyết vấn đề này một cách tổng thể.
Nhưng thực sự, ba tháng vừa qua là 84 ngày căng thẳng nhất của tôi. Trong tôi luôn nặng trĩu trách nhiệm trước đòi hỏi chính đáng của người dân: Nguyên nhân sự việc là gì?
Đây là sự việc nghiêm trọng lần đầu xảy ra đối với tôi và cả Chính phủ. Ngày 25/4 tôi từ New York (Mỹ) về, chiều hôm sau nhận quyết định của Ban Tổ chức Trung ương phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng và quyết định làm Bộ trưởng của Thủ tướng. Đó cũng là lúc sự việc xảy ra.
Tôi vào Hà Tĩnh ngay chiều 26, thị sát vùng biển cá chết hàng loạt. Vấn đề rất phức tạp, nghiêm trọng, sức ép rất lớn, đặc biệt là đòi hỏi của người dân. Là Bộ trưởng trong lĩnh vực môi trường, tôi nghĩ phải nhận trách nhiệm dù lúc đó chưa biết cơ chế gây ra thảm họa này là gì.
Khi đã nhận trách nhiệm này rồi, gánh nặng đó càng lớn hơn. Nếu không tìm ra nguyên nhân, có giải pháp xử lý thì mình chỉ là người nhận trách nhiệm suông và năng lực của mình có vấn đề.
Lúc đó tôi mới chỉ nhận công việc của Bộ trưởng chưa đầy 2 tuần.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trước lúc ban lãnh đạo Formosa xin lỗi. Ảnh: Võ Thành.
Thủ tướng chỉ đạo việc xác định nguyên nhân cá chết bất thường phải khẩn trương song cần thận trọng, có căn cứ khoa học. Ông đã thực hiện yêu cầu này như thế nào?
 - Tôi xác định phải kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở công nghiệp trong vùng với suy nghĩ khi chưa kiểm tra, chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ thì không cho phép "kết tội một ai". Lúc đó nổi lên ba cơ sở là Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh.
Tôi hiểu đây là vấn đề rất phức tạp nhưng dù khó khăn đến mấy thì quá trình giải quyết phải làm sao để người dân tin tưởng. Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra liên ngành với số lượng thành viên lên đến 70 người, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường, luyện kim, luyện cốc, xử lý chất thải.
Sự cố môi trường này đã xảy ra từ trước khi đoàn kiểm tra đến nên phải dựng lại được khởi nguồn và diễn biến của sự cố, hiểu rõ sơ đồ vận hành công nghệ, sử dụng các phòng thí nghiệm liên quan để mô hình hoá sự cố... Chúng tôi cũng dùng đến các phương pháp như kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng. Bộ khoa học và Công nghệ đã tập hợp 100 nhà khoa học cùng vào cuộc tìm nguyên nhân.
Để hỗ trợ cho việc tìm nguyên nhân và cũng để người dân tin tưởng, chúng tôi đã mời các nhà khoa học của Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Israel. Các nhà khoa học quốc tế đã khẳng định, nhà máy của Formosa được đầu tư đồng bộ, lại đang trong giai đoạn chạy thử công suất thấp nên khó gây ra sự cố môi trường nếu ở trạng thái bình thường. Khả năng cao là đã có những sự cố xảy ra.
-  Trong quá trình thu thập chứng cứ, đâu là mấu chốt để đi đến khẳng định Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết?
- Thứ nhất, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua. Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua.
Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì chúng tôi đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành. Nhưng có thể nói, mấu chốt chính là phát hiện: Từ ngày 1/4 đến ngày 5/4  lượng điện tiêu thụ giảm bất thường chỉ bằng 15% so với ngày trung bình. Điều đó khiến chúng tôi tập trung vào nghi ngờ có vấn đề trong quá trình vận hành chạy thử của Formosa Hà Tĩnh.
Sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.
-  Về nguyên tắc, nếu chỉ xảy ra sự cố chập điện dẫn đến hệ thống xử lý nước thải bị tê liệt trong 5 ngày thì lượng chất độc đổ ra biển làm sao đủ gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt ở các vùng biển khác ngoài Hà Tĩnh?
- Đúng. Dưới góc độ khoa học thì ở trạng thái bình thường, toàn bộ chất thải của nhà máy này thải xuống biển trong một vài ngày cùng lắm là ảnh hưởng cho đến hết vùng biển Hà Tĩnh. Chính chúng tôi rất đau đầu với câu hỏi: cơ chế nào đưa nguồn ô nhiễm này đi theo dòng hải lưu, ảnh hưởng tới 4 tỉnh như vậy? Sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hoá học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt. Phát hiện này chính là chìa khoá của vấn đề.
Vậy tại sao trong thông tin ban đầu Bộ đưa ra lại có giả thiết về thủy triều đỏ khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ có sự bao che, đánh lạc hướng dư luận?
 - Việc đưa ra 2 nhóm nguyên nhân, do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển và do hiện tượng thuỷ triều đỏ, là từ nghiên cứu của các nhà khoa học chứ không phải Bộ Tài nguyên và môi trường.
Lúc bấy giờ (thời điểm cuối tháng 4), nếu kết luận ngay nguyên nhân do con người và do Formosa Hà Tĩnh, trong khi chưa có cơ sở nào để khẳng định thì chúng ta phải tiên liệu đến một vụ kiện ngược từ Formosa và phải đền bù hậu quả. Đến nay, sau 3 tháng, các nhà khoa học mới xác định được đâu là nguyên nhân chính, đâu là nguyên nhân mang tính chất cá biệt, ngẫu nhiên.
Theo đó, nguyên nhân thuỷ triều đỏ chỉ mang tính chất cá biệt. Còn phenol và xyanua là nguyên nhân chính và trực tiếp gây ra cá chết hàng loạt. Chúng tôi có đầy đủ cơ sở và chứng cứ khách quan, khẳng định phenol và xyanua là từ nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh.
Như vậy việc đưa ra các nguyên nhân ở thời điểm cuối tháng 4 là ghi nhận một thực tế, đây là điều bình thường về khoa học, hoàn toàn không có ý bao che. Tôi khẳng định Chính phủ không bao che, mà làm theo trình tự một cách khoa học, đúng quy định pháp luật trong nước và quốc tế.


Ban lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Võ Thành.
- Đến nay, Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD, ông đánh giá thế nào về kết quả này?
- Bộ Chính trị, Thủ tướng, các phó thủ tướng, Bộ trưởng nhiều bộ và chính quyền địa phương đã chỉ đạo vào cuộc rất quyết liệt. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã làm việc hết mình bất kể ngày đêm. Đây là sự phối hợp chặt chẽ, bài bản, đúng luật phát và thông lệ quốc tế. Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm, cam kết bồi thường 500 triệu USD, hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường việc xử lý ô nhiễm biển, phục hồi hệ sinh thái, cam kết khắc phục tất cả những tồn tại của hệ thống xử lý chất thải cũng như nâng cấp công nghệ để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự. Formosa cũng cam kết sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường biển cho 4 tỉnh miền Trung, giúp công khai thông tin cho người dân yên tâm và đảm bảo tính minh bạch. Có thể nói với những nội dung như vậy, các bên đã đạt được mục tiêu chung.
Một giải pháp dự phòng cũng được đề cập đến là làm hồ chứa sinh học, để nếu vẫn có sự cố thì chất thải sẽ không thoát ra ngoài.
Ở đây quan trọng nhất là xử lý được vấn đề môi trường, đảm bảo lợi ích chính đáng và hợp pháp của người dân, về phía doanh nghiệp có điều kiện khắc phục sự cố để phát triển. Ngoài ra, với cách xử lý như vậy, chúng ta vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, vừa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế trong đó có nhà chức trách liên quan từ Đài Bắc.
Cơ sở nào để có con số bồi thường 500 triệu USD, thưa ông?
- Chúng tôi dựa trên nhiều yếu tố như thiệt hại trực tiếp của người dân, thiệt hại về môi trường, về du lịch… Về hệ sinh thái, cỏ biển và rừng ngập mặn không có vấn đề gì, tuy nhiên san hô bị ảnh hưởng trên 400 ha.
Con số đó đáp ứng được phần lớn mục đích, yêu cầu chúng ta đặt ra. Tất nhiên, việc lớn nhất không phải là đền bù mà môi trường biển Việt Nam được đảm bảo trong tương lai như thế nào. Ngoài khoản đền bù này, Formosa Hà Tĩnh sẽ còn phải đầu tư rất lớn nữa để cải thiện hệ thống sản xuất và đổi mới công nghệ.
- Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn xử lý sự cố, vậy khả năng an toàn của môi trường vùng biển 4 tỉnh miền Trung lúc này như thế nào?
- Hiện nay nước biển xa bờ, gần bờ, bãi tắm thường xuyên được hệ thống quan trắc môi trường đánh giá, cung cấp thông tin cho người dân. Qua so sánh đối chiếu kết quả quan trắc với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển cho thấy, chất lượng nước biển tại các bãi biển trên địa bàn 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng đang đánh giá xem lớp trầm tích dưới đáy biển còn tồn lưu chất độc không, mức độ như thế nào và sẽ sớm công bố khi kết thúc điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm, mức độ thiệt hại. Vấn đề này đang cần đánh giá thêm, các nhà hải dương học đã lấy mẫu vật trầm tích các chất tồn lưu từ hợp chất phức để phân tích. Dự kiến đến 15/7, chúng tôi sẽ kết thúc giai đoạn khảo sát lấy mẫu, sau đó phân tích các mẫu thu thập được và sớm đưa ra thông báo.
Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo sự cố tương tự không còn xảy ra trong tương lai?
Chúng ta phải có tiêu chí để lựa chọn ngành, lĩnh vực công nghiệp thân thiện môi trường và trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp đó. Đồng thời, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật từ pháp luật đầu tư cho đến pháp luật môi trường, để làm sao vấn đề môi trường luôn được coi trọng, luôn được đặt ra và giải quyết một cách hữu hiệu.
Về quy chuẩn môi trường, trước đây vì nhiều lý do nên một số ngành ô nhiễm được ưu tiên. Ví dụ trong ngành luyện kim, với những cơ sở trong nước như gang thép Thái Nguyên… nếu để tiêu chuẩn cao sẽ khó khả thi nên phải hạ thấp hơn chuẩn bình thường để ngành đó tồn tại, phát triển. Nhưng đó là trước đây. Bây giờ quan điểm phải ngược lại. Những dự án có khả năng ô nhiễm cao phải loại nó ra, không thể ưu tiên.
Chúng ta cũng phải đầu tư những trang thiết bị kỹ thuật để có thể giám sát tự động, xây dựng hệ thống quan trắc biển, quan trắc sông ở những khu vực trọng yếu, giám sát 24/24h, lâu nay chưa có hệ thống này.
Sau sự cố này, giả dụ nhận được đề xuất về việc cho phép một dự án công nghiệp với quy mô và lĩnh vực đầu tư như Formosa Hà Tĩnh, ông sẽ làm gì?
- Tôi cho rằng đã đến lúc chính sách thu hút đầu tư của chúng ta phải có lựa chọn. Chúng ra không thể để tình trạng chấp nhận ngành công nghiệp thép hay bất cứ ngành công nghiệp nào có nguy cơ ô nhiễm mà phải đánh đổi môi trường. Đó là trách nhiệm của chính quyền, không chỉ vì sinh mạng của người dân bị đe dọa mà còn vì tương lai lâu dài của cả quốc gia.



Phạm Hiếu - Võ Văn Thành

Theo VNExpress

Formosa Hà Tĩnh phải đền bù như thế nào mới thỏa đáng?

FB Chau Doan

Con số 11,000 tỷ đồng nếu là thực thì như muối bỏ biển nhưng chúng ta không cần nói kĩ về một con số được đưa ra bởi tin đồn. Đọc lướt trên mạng thì một số bạn bảo con số ấy khá lớn nhưng các bạn sẽ thấy con số này không là gì cả khi chia cho những hộ gia đình sống bằng nghề đánh cá. Điều này chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng dễ dàng. Nhưng khi đọc về con số này tôi vẫn có cảm giác lo lắng bởi biết đâu tin đồn này là thật. 

Theo ý kiến của một nhà khoa học thì tác hại của thảm hoạ này như một quả bom nguyên tử dưới biển, di chứng của nó trong thiên nhiên còn kéo dài tới gần một trăm năm sau. 


Theo Dân Trí: "Hiện nay, tại tỉnh Quảng Trị có đến 70% ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Thời gian qua, do ảnh hưởng cá chết, hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt, làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Một số bà con chuyển sang làm trang trại chăn nuôi bước đầu ổn định cuộc sống."


Qua đây chúng ta thấy tác hại là kinh khủng đến đâu. Tôi đưa thêm thông tin này để các bạn thấy con số ấy là bèo bọt đến đâu. Hiện nay đang có một vụ kiện hãng Volkswagen ở Mỹ. Hãng này sẽ phải đền số tiền chừng 10 tỷ đô la Mỹ cho 475,000 người chủ của xe này về việc dùng một phần mềm lừa hệ thống kiểm định khí thải, 2,7 tỷ đô la cho đền bù môi trường và 2 tỷ đô la nữa cho nghiên cứu dòng xe bảo vệ môi trường tốt hơn trong tương lai. 


So với thiệt hại ở Mỹ thì thảm họ môi trường của Việt Nam chắc hẳn phải lớn hơn nhiều. 


Nếu quả thực con số này là thật thì đây là một trò đùa thô bỉ của cả chính quyền và Formosa. Có thể chính quyền tưởng con số này là lớn, bởi họ không có chuyên gia kinh tế tính toán giỏi và họ không quan tâm tới những vụ bồi thường tương tự trên thế giới. Nếu thế thì đây lại là một sai lầm vô cùng đáng tiếc của chính quyền. 


Tôi xin lỗi đã sa đà vào một chủ đề tôi không dự định đi sâu khi con số chưa chính thức nhưng lòng tôi như lửa đốt vì sợ con số này là thật nên không đừng được. Ở đây có mấy điểm chính tôi muốn nói là: 


1. Khi một thảm hoạ này nảy xảy ra thì nhất định phải có quan chức chịu trách nhiệm, họ phải từ chức, phải bị truy cứu trách nhiệm tại sao để thảm hoạ xảy ra. 
Hãy bỏ đi cái kiểu xử lý chung chung không ai chịu trách nhiệm. 
Quá trình này đòi hỏi một sự đấu tranh quyết liệt ngay trong nội bộ chính quyền. Nhưng đây là một việc làm cần thiết để lấy lại được lòng tin của dân chúng. 


2. Khi có tiền đền bù, cũng giống như tiền phân bổ ngân sách về các tỉnh, sự thất thoát là rất lớn. Cần phải có một uỷ ban kiểm soát sự minh bạch trong việc phân bổ, chi tiêu. Đây cũng là một hành động cần thiết để lấy lòng tin của dân chúng. 


3. Cần huy động lực lượng báo chí trong việc kiểm soát này. Bởi báo chí vẫn có một sự độc lập nhất định đối với những cơ quan thực hiện việc đền bù cho người dân. 


4. Không phải chỉ đền bù cho người dân mà còn cần một khoản tiền để thực hiện một công việc vô cùng khó khăn và tốn kém là hút chất độc từ đáy biển lên. Việc này cần thiết để trả lại môi trường trong lành của biển. Và đây cũng là việc làm cần thiết để lấy lại lòng tin người tiêu dùng vào hải sản và cũng là củng cố niềm tin của dân chúng vào chính quyền. 
Tuy nhiên, ở đây có hai loại chất độc, phản ứng nhanh và chậm. Phản ứng nhanh thì đã một phần vào cá. Phản ứng chậm như thuỷ ngân thì tác hại của nó sẽ thể hiện trong nhiều năm nữa. Do vậy, có được thành phần hoá học của chất xả thải là rất quan trọng. 


5. Formosa phải mang ống thải nên mặt đất và có phương án xử lý chất thải trên bờ. 


6. Bất luận điều gì sẽ được công bố sau cuộc họp báo thì người dân cũng không nên có hành động dại dột trong phản ứng với Formosa. Dân ta nông nổi, rất dễ manh động, nhất là sau thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng tồi tệ đến chính cuộc sống hàng ngày thì điều này rất dễ xảy ra. Khi xảy ra hỗn loạn như năm 2014 thì lại phải tốn tiền đền bù.

Những tai tiếng của nhà máy giấy Lee & Man trên thế giới

Ngay tại Trung Quốc, quê hương của mình, nhà máy giấy Lee & Man đã từng bị Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc yêu cầu phải ngưng sản xuất vì xả thải bất hợp pháp ra sông Chanjiang (Trường Giang). Tuy nhiên nhà máy này đã biện bạch rằng họ ngưng sản xuất vì vấn đề môi trường ở công trường xây dựng và nhà máy.
 » Vụ giấy Lee & Man Hậu Giang: Trách nhiệm chính quyền và bài toán lợi ích kinh tế
Mâu thun trong báo cáo của Lee Man tại Trung Quốc
Năm 2008, theo công văn của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, nhà máy giấy Lee & Man tại Changshu bị yêu cầu ngừng hoạt động do xả thải trái phép vào lưu vực sông Changjiang.
Theo các cơ quan truyền thông địa phương, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc thực hiện khảo sát và đưa ra công văn trên.
Thời điểm đó, 10 tỉnh khác cũng cho biết họ sẽ tiếp tục được khảo sát môi trường và kết quả sẽ được báo cáo lên hội đồng chính quyền.
Tuy nhiên, đại diện của Lee & Man đã trả lời rằng không hề có tình trạng xả thải trái phép. Công ty này cho rằng họ ngưng sản xuất vì vấn đề môi trường ở công trường xây dựng và nhà máy.
Lee & Man là một trong những nhà máy sản xuất giấy lớn nhất tại Trung Quốc, thành lập năm 1994, có chi nhánh tại Hong Kong năm 2003. Nhà máy đã trở thành công ty quốc tế, sản xuất tại Guangdong, Jiangshu, Chongqing, Guangxi, California (Hoa Kỳ), và có văn phòng tại Los Angeles, New York và châu Âu.
 nhà máy giấy Lee & Man
nhà máy xử lý nước thải của nhà máy giấy Lee & Man VN - ảnh: L.Quỳnh
Nằm trong “top” không minh bạch chỉ số môi trường
Theo Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF), Lee & Man nằm trong danh sách các nhà sản xuất không chịu cung cấp số liệu liên quan đến dấu chân môi trường.
Vấn đề môi trường của các nhà máy sản xuất giấy đang ngày càng được quan tâm, các báo cáo về xử lý nước thải đang được yêu cầu rõ ràng và cụ thể hơn.
Ngoài những báo cáo rõ ràng về chính sách và chất lượng môi trường, một báo cáo đạt chuẩn cần trình bày về vấn đề về an toàn cho công nhân, phương tiện vận chuyển và sự hợp tác với cộng đồng địa phương.
WWF đưa ra chỉ số để đánh giá mức độ trong sạch của một nhà máy giấy thông qua nhiều câu hỏi như:
-        nhà máy có đạt tiêu chuẩn ISO 14001 hay tương đương cho hoạt động sản xuất?
-        các báo cáo có tuân theo tiêu chuẩn của Hướng dẫn ban đầu về báo cáo quốc tế (Global Reporting Initiative guidelines)?
-        nhà máy có công khai với cộng đồng về chính sách nguồn nguyên liệu, tỉ lệ tái chế thực tế và sử dụng chất sợi đạt chuẩn?
-        mức độ cụ thể về các dữ liệu mà nhà máy công khai về chất thải không khí và nước?
WWF khuyến cáo rằng một nhà máy sản xuất giấy cần công khai chính sách nguồn nguyên liệu, đồng thời với các dữ liệu đáng tin cậy về mục tiêu thời gian trong việc việc tái chế và nhập nguyên liệu sản xuất, lượng khí thải CO2, chất thải ra đất, chỉ số chất thải nước (AOX, BOD, COD, P, N, TSS) và không khí (CO2, SO2, NOx).
Ngoài ra, WWF khuyến cáo công ty cần báo cáo về vấn đề thí nghiệm, quyền công nhân và vấn đề xã hội theo khuyến cáo của Global Reporting Initiative guidelines.
Năm 2011, WWF đã mời các nhà máy giấy đến hội nghị EPI (Chỉ số môi trường của các nhà máy giấy), tuy nhiên có nhiều công ty không tham dự hoặc từ chối cung cấp các dữ liệu về dấu chân môi trường (các chất thải ra môi trường trong quá trình sản xuất) của họ.
Theo WWF, Lee & Man là một công ty đứng “top” trong số các công ty không công khai dữ liệu của mình.
Tuyến Trần (dịch theo WWF, Greenchinatech)

Tại VN, dự án nhà máy giấy được dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Lee & Man được cấp phép tại Hậu Giang, do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 628,7 triệu USD.
Dự án này có quy mô là lớn nhất Việt Nam, TOP 5 trên Thế giới; nằm tiếp giáp với sông Hậu và rạch Mái Dầm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo dự án này có nguy cơ gây mất trắng nguồn nước ngọt và triệt tiêu toàn bộ nguồn lợi thủy sản sông Hậu.  

 » Lo nhà máy giấy tỉ đô ‘bức tử’ sông Hậu
» Đừng để Lee & Man bức tử sông Hậu!
» Vụ giấy Lee & Man Hậu Giang: Trách nhiệm chính quyền và bài toán lợi ích kinh tế
» Thanh kiểm tra Lee & Man VN tại Hậu Giang

Người Đô Thị

Vụ Formosa: Chủ tịch OceanCare gửi thư cho Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ

Người gửi: Chủ tịch Sigrid Lueber
OceanCare, Postfach 372, CH-8820 Wädenswil
Điện thoại: +41(0)447806688; email: info@oceancare.org; PC 80-60947-3
Người nhận: TS Shin Young-soo
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Văn phòng Tây Thái Bình Dương
P.O. Box 2932, 1000 Manila, Phillipines; fax: +632-5211036 hoặc 5260279
Wädenswil ngày 29 tháng 6 năm 2016
Những quan ngại cho An toàn Thực phẩm ở Việt Nam (VN)
Kính thưa TS Shin Young-soo,
Chúng tôi đề nghị quí vị quan tâm đến những quan ngại sâu sắc của chúng tôi cho vấn đề an toàn thực phẩm nghiêm trọng ở VN.
Vào tháng trước chúng tôi nhận được một thỉnh cầu ủng hộ từ một nhóm các Tổ Chức Phi Chính Phủ  ở VN những người đã báo cáo về một lượng rất lớn cá đã chết hàng loạt dọc theo bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Huế thuộc miền Trung. Lượng cá chết khổng lồ ước tính khoảng 100 tấn. Điều đó có lẽ chỉ là phần nổi của một tảng băng. Những người thợ lặn địa phương cho biết còn có một lượng lớn cá đã chết hoặc đang ngắc ngoải sâu dưới mặt nước, khối lượng chưa được tính đến so với con số đã nêu.
Có lẽ một số kẻ vô đạo đức đã đang và sẽ buôn bán cá từ lượng cá chết nói trên; bởi vì những nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết rõ rằng cá không an toàn đó đã được thu hoạch nhằm sản xuất loại nước mắm nổi tiếng của vùng.
Mặc dù chính quyền VN đã thông báo rằng họ đang trong quá trình điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt, nêu lên vài giả thuyết trong số đó có giả thuyết từ hiện tượng tảo nở hoa hoặc do ô nhiễm từ chất thải của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, chính quyền đến nay vẫn chưa đưa ra những cảnh báo cho dân về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi tiêu thụ lượng cá chết đó.
Vì lý do đó chúng tôi liên hệ với quí vị và khích lệ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nhằm thông báo cho dân VN về các nguy cơ có thể liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Chúng tôi xin lưu ý với quí vị những thông tin sâu rộng hơn theo bốn bài báo sau đây:
  1. https://www.theguardian.com/environment/2016/apr/21/vietnam-investigates-mass-fish-deaths-pollution
  2. http://www.bbc.com/news/world-asia-36181575
  3. https://news.mongabay.com/2016/05/taiwanese-chemical-spill-thought-cause-mass-fish-die-off-vietnam/
  4. http://atimes.com/2016/05/vietnams-mass-fish-kill-isnt-simply-an-environmental-disaster/
Chúng tôi rất hân hạnh chuyển thông tin nói trên từ các Tổ Chức Phi Chính Phủ từ VN nếu quí vị vui lòng nhận lá thư này.
Xin chân thành cảm ơn thời gian cũng như các nỗ lực không mệt mỏi của quí vị cho sức khỏe của nhân loại nói chung cũng như cho nhân dân VN nói riêng.
Trân trọng,
Sigrid Lueber
Chủ tịch OceanCare đã ký

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Vụ giấy Lee & Man Hậu Giang: Trách nhiệm chính quyền và bài toán lợi ích kinh tế

Từ bài học cá chết Vũng Áng cùng những cảnh báo nguy cơ mất trắng nguồn nước ngọt và triệt tiêu toàn bộ nguồn lợi thủy sản sông Hậu do công ty giấy Lee & Man VN (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) gây ra, các chuyên gia công nghệ môi trường cho rằng: việc công ty cam kết xử lý nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn loại A, chỉ dựa trên một số chỉ số lý hóa theo quy định như hiện nay là chưa đủ!
Ngày 23.6, công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã chủ động đưa các phóng viên báo đài tham quan dự án nhà máy giấy tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sau nhiều phản biện đánh giá về dự án nhà máy giấy vừa qua.
 nhà máy giấy Lee & Man
Ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc Lee & Man VN đang thuyết trình quy trình xử lý nước thải của công ty
Từ những thông số “đẹp như mơ”...
Tại buổi họp báo vào trưa cùng ngày, ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam khẳng định, mọi công nghệ và thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất giấy đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhập về từ Châu Âu, với dây chuyền sản xuất lớn nhất VN hiện nay, là công nghệ mới nhất và lần đầu tiên được sử dụng tại VN.
“Chúng tôi có tham vọng là doanh nghiệp đóng thuế cao nhất trong tỉnh Hậu Giang”, ông Chung Wai Fu nói thêm.
Theo ông Chung, nước thải được xử lý sẽ đạt trên tiêu chuẩn loại A theo quy định. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn nước thải khi thải ra môi trường sẽ còn "sạch" hơn cả tiêu chuẩn loại A theo quy định của VN!
Cụ thể, BOD (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hoá các chất hữu cơ) < 10mg/l, COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) < 60mg/l, SS (chất rắn lơ lửng) <10mg/l, pH từ 6-8...
(Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy năm 2015 của VN, giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm BOD là 30mg/l, COD là 75mg/l với cơ sở mới, tổng chất rắn lơ lửng TSS là 50 mg/l, pH là từ 6-9 – PV)  
Ông Chung cũng khẳng định: công ty không hề dùng chất xút (NaOH) trong suốt các quá trình sản xuất.
Còn tại điểm xả thải có xây bể chứa và có ống xả thải nổi trên mặt đất, người dân, cơ quan, ban, ngành đều có thể giám sát và lấy mẫu thử về kiểm tra.
Công ty cũng đặt trạm quan trắc kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để nơi này giám sát, theo dõi,...
Đến nguy cơ mất trắng nguồn nước ngọt 
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Người Đô Thị giải thích như thế nào về báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Chính phủ ngày 17.6.2016 nêu rõ Lee & Man có sử dụng xút trong quá trình sản xuất, ông Chung đã vội giải thích lại rằng: công ty cam kết không sử dụng xút, nhưng chỉ sử dụng chất này cho xử lý nước thải dùng để trung hòa pH khi cần thiết, tức khi nước có độ pH thấp (không đạt tiêu chuẩn).
Trao đổi với Người Đô Thị, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ cho rằng: việc không sử dụng xút trong sản xuất là khó tin được. Lý do, trong dây chuyền sản xuất giấy phải sử dụng axit làm trắng giấy, làm nước thải bị chua, vì vậy phải dùng xút để trung hòa pH trong chất thải. Chưa kể, độ pH phụ thuộc vào đặc điểm thời tiết, mùa khô kéo dài thì phèn xuất hiện nhiều, khiến độ pH xuống. Trong khi đó, hiện nay mùa khô ngày càng khốc liệt hơn.
Theo PGS Tuấn, cũng với tình hình biến đổi khí hậu và tác động thủy điện trên thượng nguồn Mekong hiện nay, nước sông đang càng ít dần trong mùa khô. Một nhà máy hoạt động quanh năm sử dụng một khối lượng nước lớn (20.000 m3 nước/ngày đêm – PV) như Lee & Man VN, thì sẽ càng tăng nguy cơ nước thải của nhà máy sẽ đe dọa nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên và nuôi trồng khu vực sông Hậu.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia về công nghệ môi trường cho rằng không nên có bất cứ một nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nào ở ĐBSCL, đặc biệt là trong lưu vực sông Mekong, nhất là sông Tiền và sông Hậu, hai con sông cung cấp nước ngọt cho tất cả các nhu cầu của đồng bằng sông Mekong. Khả năng Lee & Man VN gây ô nhiễm trầm trọng không những làm mất trắng toàn bộ nguồn nước ngọt mà còn huỷ hoại toàn bộ nguồn lợi về thủy sản sông Hậu.
nhà máy giấy Lee & Man
Khu vực xử lý nước thải của nhà máy giấy Lee & Man VN
Chuyên gia này phân tích: trong quá trình sản xuất giấy, đặc biệt là bột giấy (với nguyên liệu là gỗ, tre, nứa, ...) thì phải dùng xút (NaOH) đậm đặc để tách lignin (chất keo có trong gỗ, tre nứa tự nhiên – nguyên liệu dùng trong sản xuất). Quá trình sản xuất kiềm nóng sẽ tạo thành một dung dịch đen chứa xút và lignin, rất khó xử lý bằng phương pháp sinh học. Các nhà máy giấy lớn trên thế giới thường phải đốt dung dịch này để thu hồi lại xút, tuy nhiên điều này sẽ phải tốn năng lượng rất lớn. Và nếu đốt dịch đen thu hồi xút thì lại rất đắt tiền, khó kham nổi (tốn cả triệu USD để lắp đặt hệ thống, chưa kể đốt thu hồi). Đây là lý do các nhà máy giấy và bột giấy xả thải một lượng xút rất lớn ra môi trường. Bài học nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) và Đồng Nai là những ví dụ điển hình. 
Theo vị chuyên gia, nếu trong nước có lượng lignin cao như vậy mà xử lý không hết, khi dùng clo khử trùng sẽ tạo thành hợp chất THM (Trihalomethane) là một chất gây ung thư.  
Chưa kể, lignin thải vào nguồn nước sẽ làm ung các loại trứng cá!
Tương tự, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nguy cơ từ Lee & Man VN có thể sẽ rất lớn bởi vì sản lượng cá ở ĐBSCL gấp 8 lần của đồng bằng Bắc Bộ và bằng tất cả các miền khác của VN cộng lại. Thủy sản cửa sông Hậu vào mùa khô là rất cao, tập trung ngay tại cửa sông theo báo cáo của WWF.
     
Thêm một nhà máy nhiệt điện Lee & Man VN 125 MW
Tại buổi họp báo ngày 23.6, ông Chung Wai Fu cho biết, để phục vụ cho sản xuất, dự án có một trạm điện và nhiệt với công xuất 100 MW.
Tuy nhiên, khi Người Đô Thị hỏi thêm thông tin, cũng như về việc thực hiện các bảo vệ môi trường (xử lý tro xỉ, hệ thống khí thải, nước thải, kế hoạch khắc phục sự cố, phục hồi môi trường khi dự án kết thúc vận hành,...) với nhà máy nhiệt điện này, thì ông Chung không trả lời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nằm trong dự án sản xuất giấy của Lee & Man VN, nhà máy nhiệt điện Lee & Man VN đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt ĐTM vào tháng 12.2014, gồm hai tổ máy 50 MW và 75 MW.
Cũng theo các chuyên gia, nước sông Hậu Giang dùng cấp nước cho cả một vùng. Vì vậy nếu nước thải từ sản xuất giấy xử lý không đạt chuẩn, lén lút xả thải thì nước theo triều đẩy lên theo sông Hậu, chắc chắn các nhà máy nước của các thành phố sẽ bị ảnh hưởng.
Trách nhiệm chính quyền và bài toán lợi ích kinh tế?
Dự án nhà máy giấy Lee & Man VN với diện tích 80 ha nằm tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm. Công ty này cam kết xử lý nước thải ra môi trường đạt loại A.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Chính phủ ngày 17.6.2016, do nguồn ngân sách tỉnh khó khăn, thực tế số lượng nhà đầu tư tại đây lại ít, chỉ 2 doanh nghiệp lấp đầy 100% diện tích, gồm Lee & Man VN, lại đều cam kết xử lý nước thải đạt loại A, nên tỉnh không đầu tư xây dựng hạ tầng và trạm xử lý nước thải tập trung.
Như vậy, toàn bộ nước thải của Lee & Man VN sẽ xả thải thẳng ra sông, với điều kiện xử lý đạt loại A.   
Việc không xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung mà khoán hẳn cho doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Hữu A của tỉnh Hậu Giang, xét về vai trò và trách nhiệm, thì chẳng khác gì chính quyền đang tự loại bỏ hẳn vai trò giám sát của mình! Đặc biệt là khi ô nhiễm môi trường đang là một vấn nạn lớn của đất nước.
Nhiều chuyên gia môi trường cho biết, phải khẳng định ngay rằng, trên thế giới hiện nay, nước nào cũng sợ nhà máy giấy, nguyên nhân vì nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn. Đây cũng là lý do khiến hầu hết các dự án sản xuất giấy và bột giấy thường bị đẩy đem sang các nước đang phát triển.
 nhà máy giấy Lee & Man
Dự án nhà máy giấy nằm giáp sông Hậu và rạch Mái Dầm
Trao đổi với Người Đô Thị, một chuyên gia công nghệ môi trường nhấn mạnh, xét trên thực tế hiện nay và từ bài học cá chết Vũng Ánh, cần xem Lee & Men VN là một trường hợp đặc biệt. Cam kết xử lý nước thải đại loại A chỉ dựa trên một số chỉ số lý hóa như quy định hiện nay là chưa đủ.
Theo chuyên gia, Lee & Man VN cam kết xử lý nước thải loại A, và chất lượng nước thải sau xử lý phải tương đương với nước sông trước khi có nhà máy, đặc biệt là chỉ tiêu TDS (tổng hàm lượng chất rắn hòa tan trong nước bao gồm tất cả loại muối) của VN cần được điều chỉnh lại cho phù hợp với trường hợp này, tức là phải bằng hoặc thấp hơn nước sông Hậu ở thượng nguồn trước khi có nhà máy.
Điều này cũng có nghĩa là một doanh nghiệp sản xuất giấy như Lee & Man sẽ rất khó khả thi về mặt kinh tế. Trong khi đó, việc xút bị xả ra ngoài môi trường sẽ làm tăng nồng độ natri, làm mất tính chất hóa học của nước, làm tăng nồng độ TDS.
Vì vậy, việc một doanh nghiệp cam kết xử lý nước thải ra môi trường đạt loại A không khác gì công ty này tự giết chết mình, bởi sẽ tốn chi phí xử lý rất lớn, hoạt động kinh doanh không thể có lãi được. Chưa kể, toàn bộ nguyên liệu (giấy phế thải) phục vụ cho sản xuất của Lee & Man VN là nhập khẩu.
Dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra những chất vấn và nghi ngại. Nhất là khi các thông tin dự án của Lee & Man VN chỉ được cung cấp một chiều, mà không có thông tin đã được nhà nước phê duyệt để đối chiếu, phản biện.
Ngay cả tại một buổi họp báo tưởng rằng doanh nghiệp thiện chí minh bạch thông tin, có sự tham gia của đại diện chính quyền và cơ quan chức năng (phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, phó giám đốc sở Công thương, phó giám đốc sở TNMT), nhưng khi chúng tôi đạt câu hỏi cho cơ quan chức năng thì hoàn toàn bị rơi vào im lặng.
Đại diện cơ quan chức năng lặng lẽ rời đi, còn Lee & Man VN độc chiếm toàn bộ diễn đàn.
________________________________
 Cần đánh giá lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường
 nhà máy giấy Lee & Man
Tổ hợp nhà máy xử lý nước thải, nhà máy sản xuất, nhiệt điện,... nằm trong dự án nhà máy giấy Lee & Man VN
Trước câu hỏi của Người Đô Thị và phóng viên các báo đài về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, ông Chung Wai Fu thừa nhận ĐTM đã được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt năm 2008 là đã lạc hậu, vì vậy mọi hạng mục trong dự án, từ nhà máy sản xuất, xử lý nước thải, trạm điện, cầu cảng đều đã có ĐTM riêng và cấp giấy phép xây dựng mới. Tuy nhiên, công ty này cũng thừa nhận hiện công ty đang chủ động gom từng ĐTM các hạng mục riêng lẻ thống nhất lại. Theo quy định, ĐTM sau hai năm phải được đánh giá lại.
Trao đổi thêm với Người Đô Thị, nhiều chuyên gia môi trường cũng cho rằng, rất cần đánh giá lại ĐTM từ năm 2008 của Lee & Man VN lẫn các ĐTM riêng lẻ mới đây, bởi các tiêu chuẩn về môi trường hiện nay của VN đang rơi vào tình trạng đang có nhiều sai lệch, lẫn đã quá lạc hậu so với yêu cầu bức thiết thực tế hiện nay.
Luật BVMT 2014 đã có những quy định mới về trách nhiệm của hội đồng thẩm định và người ký duyệt ĐTM.
________________________________________ 
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) có diện tích 82,8ha do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 628,7 triệu USD.
Dự án được khởi công tháng 8.2007, dự kiến hoàn thành sau 14 tháng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.
Theo ông Chung Wai Fu, kể từ khi bắt đầu quay lại khởi động dự án, Lee & Man VN chỉ mất 1,5 năm để xây dựng hoàn bộ quy mô dự án như hiện nay. Công ty đã được Bộ TNMT cấp giấy phép xả thải vào tháng 12.2015 với lưu lượng xả thải lớn nhất là 50.000 m3/ngày đêm.
Kế hoạch, nhà máy giấy sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm vào cuối tháng 7.2016, và sẽ chính thức vận hành, có sản phẩm vào tháng 8.2016; với công xuất nhà máy xử lý nước thải hiện tại là 20.000 m3/ngày đêm.
Dự án nhà máy giấy Lee & Man VN có quy mô là lớn nhất Việt Nam, TOP 5 trên Thế giới; nằm tiếp giáp với sông Hậu và rạch Mái Dầm.

 Bài & ảnh: Lê Quỳnh