Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Tuệ Sỹ: Ngày Mai Tìm Bóng Tử Thần Mà Yêu

Bỏ con đường cái quan, rồi vượt qua một cánh đồng dài khoảng một cây số, một bãi tha ma nằm ngay dưới chân những dãy núi đá. Càng đi sâu vào, cây cối càng rậm rạp. Trên những dãy núi đá này, rải rác có vài hồ nước nhỏ. Cứ mỗi buổi chiều, bọn trẻ con trong làng rủ nhau lên đấy quần thảo. Mộ và những thân cây lớn với những sợi dây hồng quấn quít, là những chỗ trốn kín đáo. Người lớn ít khi lai vãng nơi này. Mười mấy năm sau, lịnh chính phủ di tản bãi tha ma vào tận miền núi, xa thêm khoảng trên hai mươi cây số. Bọn trẻ con bây giờ đã lớn cả. Tự tay chúng khai phá mảnh đất âm u ấy, nơi đã từng là cõi rong chơi của chúng. Một vài đứa trong bọn trẻ con trước kia không dự vào cuộc di tản này. Chúng đi tìm đất sống ở những nơi khác. Chúng đi không phải vì nhân nhượng với người khuất mặt, hay vì ngại phản trắc một quá khứ rong chơi. Dòng suối nào mà không mơ tưởng đến lòng sông mở rộng để mang tất cả màu xanh của núi rừng dâng cho mặt biển của trời. Nhưng những con thú trên ngàn thì phải ở lại. Chúng ở lại để đêm đêm, trong bóng tối của rừng sâu, nghe thác nước kể chuyện những lần đổ xuống các mỏm đá. Khúc hát hòa điệu của thác nước của thú rừng càng lúc càng thấp xuống qua các làng mạc. Khúc hát này sẽ chấm dứt như một ngôi sao rụng xuống lòng biển:
Lời ra cửa biển tìm sao rụng(Màu Xương Lĩnh Giác)
Sự chết mênh mông như đại dương. Mộng về đâu?
Em mộng về đâu?Em mất về đâu?Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu,Đấy màu hương khói là mầu mắt xưa.(Gửi Người Dưới Mộ)
Từ sự sống đến sự chết như từ bóng tối âm u của núi rừng man rợ đến bóng sao lấp lánh của bầu trời trên mặt biển, tiếng nói của con người bồng bềnh giữa một hư vô phản trắc. Phản trắc vì là hư ảnh. Trong hư ảnh của chiêm bao, dòng nước trong trở thành dòng máu đỏ:
Ôi hư vô! đừng gọi lòng ta nữa,Ta phá tan hư ảnh lại điên cuồng.Mộng hoàng vương đâu?hỡi mộng hoàng vương!Đêm phản trắc đầy chiêm baolưu huyết(MÊ HỒN CA I)
Bị bóng tối ám ảnh thì không còn sức lực nào mà tự chủ được nữa. Những sự vật lầm lì bất động, trong phút chốc chúng biến thành hồn lệ quỉ hết. Tự mình trở nên sỏi đá, rồi lăn lóc theo tiếng cười man rợ của ma quỉ. Khi nghe ra tiếng cười rung chuyển theo tiết điệu lửng lơ của bóng tối, mới hay đấy lại là tiết nhịp của những bài ca man rợ.
Tiếng nói của ma quỉ là tiếng của hư vô: như thể chở quỉ một xe, theo cách nói của Kinh Dịch. Chở quỉ một xe tức là lấy cái không làm có, lấy hư ảnh của mộng tưởng làm sự thực. Chỉ có kẻ làm thơ mới hay làm những chuyện dị thường như vậy (lời của Nietzche). Người đọc thơ ý hẳn cũng phải nhắm mắt lại mới nghe ra tiếng nói ấy là dị thường. Ai để ý rằng những cơn gió nóng bức hay đẫm mưa thì có căn nguyên nào mà lại mang theo âm hưởng của tiết điệu trầm buồn? Đấy cũng lại là lời của Nietzche.
Vì ám ảnh của bóng tối, không tự chủ, nên sực thấy hư vô hiện hình qua tiếng gọi tác động trên sự sống và sự chết. Phải chết đi một lần trong tiếng gọi ấy, để trông lên một bàn tay trơ trụi đang đưa ra. Bàn tay của tình yêu hay bàn tay của chính sự chết (ý thơ của Aragon, Roman Inacchevé). Rồi thì, trong dáng điệu miệt mài với những sợi tóc, người ta sống lại và thấy lại một thế giới tràn đầy tiếng hát.
Trong thơ của Đinh Hùng, tiếng hát ấy lại là tiếng kêu gào kinh dị của những loài quỉ lang thang:
Lạc âm cung, ngẩn ngơ hồn lệ quỉ.
Ta nắm trong di tích cuộc tang thương 
Khóc thâu đêm cho thấy lại
thiên đường.
Thưa hưng phục 
– ôi, cõi lòng hoang phế!
Hồn hỡi hồn xưa chết chìm dưới bể,
Hãy vùng lên, cười một tiếng bi ai,
Máu ta say không chảy thoát hình hài, 
Hằng kinh động chốn ăn nằm vĩnh viễn.
(MỀ HỔN CA I)
Thế giới vô hình đã âm thầm nổi loạn. Một ngôi sao lẻ loi: Cuối trời loạn. thương một vùng sao mọc. Qua câu thơ này của MÊ HỒN CA I, chúng ta nghe thấy âm hưởng trầm buồn của Bài Ca Man Rợ. Bởi vì tình yêu cũng cô đơn như sự chết. Tình yêu cũng như sự chết là một vùng sao mọc ở ngoài xa kia. Nơi này là trời loạn:
Cuối trời loạn,thương một vùng sao mọc.
Cô đơn ở cuối trời loạn, ở mãi bên kia, ở trong giấc ngủ thiên thu của màu xanh vĩnh cửu. Bỏ đồng ruộng, bỏ cả dòng sông, vượt thác băng nguồn, đi vào tận núi thẳm rừng sâu, cũng không mong gặp được. Vì phải sống nên tạo hóa không ban cho đặc quyền nói chuyện với sự chết: Trăng vĩnh viễn khóc thời gian tình tự:
Ta nhớ xưa: đêm thu rụng tiếng gà,Trăng vĩnh viễn khóc thời gian tình tự.(Trời Ảo Diệu)
Một giấc ngủ thiên thu, một ly rượu trường sinh, một hình bóng cô đơn và một giấc mộng:
Đi vào mộng những Sơn thần yên ngủĐôi hồn người tưởng gặpbóng cô đơn.Rượu trường sinh:ta uống mắt em buồn.Sầu mấy kiếp giấc ngủ say bừng đỏ?(Trời Ảo Diệu)
 Thơ Đinh Hùng tràn đầy những hình ảnh kinh dị. Không hẳn chỉ vì bản tính của kẻ làm thơ phải làm những việc dị thường, nên càng lạ thì càng thơ. Người làm thơ thường bị tác động bởi một thế lực vô hình, sức thu hút của ngôn ngữ. Nhà thơ cũng như người thường, không ai có thể làm được cái gì kinh dị như hình bóng của ma quỉ trong đời sống thường nhật này; một chút mộng tưởng cũng không chắc làm nổi. Nhưng qua ngôn ngữ của thơ, người ta thấy mở ra một thế giới lẫn lộn cả sơ khai và mạt thế. Sự cuồng nộ hay dáng điệu miệt mài không tạo được lời thơ, mà chính lời thơ dệt nên một thế giới cuồng nộ, vẽ ra một dáng diệu miệt mài.
Xuyên qua lời thơ, nhà thơ bỗng trở thành một tay tạo hóa không hình hài, không đến cả bản tính. Có cái gì như là phản trắc trong sự bình chú về thơ. Người bình thơ thường có ý đồ vẽ lại hình ảnh của nhà thơ theo một cung cách nào đó. Thay nhà thơ vẽ lại thế giới của ông, rồi đúc kết lại thành một hình ảnh nghĩa là thành một bản tính nào đó của ông, đấy không phải phản trắc là gì?
Trong thơ của Đinh Hùng, chúng ta thường thấy có chữ “phản trắc” này. Đoạn viết “ngoài đề” trên đây không cố tình tìm hiểu ông đã dùng chữ “phản trắc” đến mức độ nào. Nhưng chỉ cần chữ ấy được lặp lại đôi lần cũng khiến cho người đọc có một vài ấn tượng: “Lòng tín ngưỡng cả núi hương phản trắc”. Trông ra xa mù, người sống đã phản trắc với người chết. Vì sự phản trắc này mà đêm đêm hồn kẻ chết lầm lũi tìm lại sự sống đã đánh mất. Họ đi đến đâu, gây nên cảnh man rơ, rừng rú ở đó: .
Rồi những đêm sâu bỗng hiện vềVượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya.Đâu đây u uất hồn sơ cổ,Từng bóng ma rừng theo bước đi.(Những Hướng Sao Rơi)
Người chết thì đi tìm lại sự sống. Những người sống thì tìm về sự chết. Đâu đây có một cảnh vực thân thiết nhất với con người-người sống và người chết- mà không một tìm thấy. Ta đặt tên cho cảnh vực ấy là “vùng sao mọc của tình yêu”; cảnh vực lơ lửng trên; trời xanh vĩnh viễn cô liêu. Ít nhất là một lần trong khoảnh khắc, ta phải tập yêu bóng dáng của tử thần; cái bóng dáng bơ vơ ngoài cõi sống và chết. Như thế để giữ lại một chút mộng tưởng cho thơ. Chúng ta đọc suốt bài Tìm Bóng Tử Thần:
Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt, 
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao. 
Xa nấm mộ, chúng ta cuồng dại hết, 
Để yêu tà về khóc dưới non cao.
Hồn Vệ Nữ lạc loài bên cửa huyệt, 
Xuân bi thương – ôi má thắm, môi đào!
Bốn mùa trăng vào một hội chiêm bao, 
Trong giấc ngủ đẫm mùi hương phân lạ
Xa tục phố, đây bức tranh thần họa, 
Lẫn sầu vui, ai nhớ tuổi sông hồ?
Ta biến hình, thoát khỏi trái tim xưa, 
Quên tâm sự, chắc đau lòng cõi Đất? 
Đêm huyền diệu mênh mông hồi thể chất, 
Dựng Mê Cung, ta bắc dịp phù kiều. 
Lửa tinh cầu bừng cặp mắt cô liêu, 
Nhịp máu đọng kiếp vô thường hiu hắt. 
Này Biển Giác: mấy trời nghiêm nét mặt. 
Cây Từ Bi hiện đóa Ác hoa đầu,
Hồi gặp hồn ai biết thiện căn đâu? 
Xuân Phương Thảo
cũng như Xuân Tùng bách.
Xin Thần Nữ tin lòng tôi trinh bạch,
Đốt kỳ thư còn mộng nét văn khôi. 
Giữa hư không tìm lại vết chân người, 
Ôi xứ Đạo có bao mùa tình tự?
Trong bản hát thiêng 
Của bầy Thánh Nữ,
Có ai về ngự
Giữa lòng thuyền quyên:
Trong một trần duyên 
Của hồn thiên cổ,
Có ai vào ngủ 
Một giấc cô miên?
Trời ơi! đây nguyệt vô biên
Trong lòng thiếu nữ nằm quên dưới mồ!
Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.
Giáng Tiên đâu? Thế kỷ gian tà,
Dạo chơi bình địa tưởng qua hải tần.
Đi đi, cho hết dương trần,
Ngày mai tìm bóng Tử Thần mà yêu. 
Để hồn anh lang thang “cho hết dương trần” hay để cho nhà thơ “cười suốt một trang thơ”, tôi không ngắt đoạn để thêm những nét chấm phá cho linh động theo thể thức thông thường. Và có lẽ cũng không ai muốn nói ý thơ thay lời thơ, dù luôn luôn người sống thay lời cho kẻ chết. Ấy vì kẻ sống phải lấn đất của kẻ chết để sống. Nhưng kẻ đọc thơ thì biết tìm đâu ra đất của nhà thơ để mà lấn?
Gởi tình yêu cho hình bóng tử thần, ở ngoài cõi chết; gởi một giải sa mạc; gởi cho một vùng sao mọc; chúng ta còn phải phấn đấu cho sự sống của riêng mình, phấn đấu cho sự tiến bộ của nhân loại. Núi rừng, thác nước, tha ma mộ địa; những lối mòn của thú rừng lang thang; những nơi yên nghỉ của kẻ đã để cho ngôi sao rụng xuống lòng biển; những chỗ rong chơi của bọn trẻ; cả đến những hồ nước nhỏ trên các núi đá; mười năm sau tất cả đều được xây dựng lại thành phố phường đông đúc. Một buổi chiều, con nít cả khu phố này kéo nhau về phía Tây hát Bài Ca Man Rợ:
Lòng đã khác ta trở về Đô thị;Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa
vân vân…
Khi tất cả chúng quay mặt về phía Đông, người ta thấy lưng của chúng đã đẫm máu của mặt trời.
Tuệ Sỹ
(Trích Khởi Hành, Năm Thư IV, số 46. Tháng 8.2000 – Số Chiêu Niệm Nhà Thơ Ðinh Hùng)

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

TUỆ SỸ VIẾT VỀ NGUYỄN ĐỨC SƠN



1. Sinh ra để làm thơ, đó là Định mệnh? Hay lịch sử? Hay cái gì nữa? Có bao nhiêu câu hỏi tương tợ như vậy, nghĩa và vô nghĩa, để chắp cánh cho ta đi tìm một bóng dáng huyền thoại của một nhà thơ chỉ một mà thôi?
Không; không có câu hỏi nào cả. Neti, neti, Tatt vam asi.
Không có gì cả.
Chỉ có tiếng hú, và huyền thoại của tiếng hú, trong cơn lốc quằn quại của con vượn biết mình đang tan vào lượn sóng, chồm lên hung hãn đòi hỏi phẩm chất làm người. Sóng gào thét với gió ngàn bạt đỉnh, nhận chìm tiếng hú xuống dòng xoáy của hư vô. Từ đó, loài người xuất hiện, lầm lũi bước đi trong bóng đêm u tịch, nghe sau mình tiếng vọng đuổi theo; tiếng vọng của những quá khứ đã chết, những tháng ngày bay vèo theo xác lá khô. Đâu đó, nghe ngân dài: Ôi tình Yêu! Ôi Vĩnh Cửu? Tiếng ngân ấy, rung lên giai điệu nhẹ nhàng, thướt tha, và cũng tha thiết. Tiếng thơ của ai? Hay của con người, chỉ một con người, đứng ôm mặt trời nóng bỏng trên đỉnh Trường Sơn. Thế rồi, thiên địa bất nhân, coi vạn vật như chó rơm, cho sinh thêm một con người nữa, để có thể hỏi: Thơ là gì, là tình yêu hay tội lỗi?
Thêm một người nữa, để cho ta biết yêu, biết hận, và biết làm thơ. Ta biết làm thơ, vì ta đã phụ bạc, đã ruồng rẫy; chôn tình người xuống hố sâu tội lỗi; dựng lời thơ thành cung điện huy hoàng. Đêm đêm rừng sao mênh mông tuôn xuống lớp lớp cơn mưa châu ngọc. Giữa cơn mê sảng của giàu sang, ảo ảnh hiện hình làm quỷ sứ, gọi nhà thơ dậy, hỏi dồn và thách thức: đâu tình yêu? đâu vĩnh cửu? Nhà thơ nhìn lại trong lòng tay; chỉ còn một hạt cát Trong cơn mê sảng, nó thét lên : Hột Thì le Vì người đã sống, và đã đi suốt chiều dài tiến hóa; nên Thơ đã chết. Chỉ còn giai điệu lăn lóc của sỏi và cát: Hột Thì le. Vô nghĩa, và vô ngôn. Chỉ có sự sống trần truồng, vật vã trong nắng bức và gió rát của sa mạc. Của đam mê và hủy diệt. Của tình yêu và phản bội. Của vĩnh cửu và hư vô. Hai mươi lăm năm rồi, từ khi tôi biết yêu; từ khi nhìn thấy ngọn cỏ gầy gục đầu dưới lớp bụi nặng trĩu ven đường, mà bỗng thấy rạo rực với những ảo ảnh chập chờn, nghe đâu đó có tiếng thì thầm: Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao. Khi chợt tỉnh, chung quanh khói lửa ngập trời. Rồi mặt trời đỏ rực màu máu. Rồi Thái Bình Dương dậy sóng. Đi đâu hết rồi, những người tôi yêu và những người yêu tôi? Trong bóng tối của tử tù, từng khoảnh khắc tôi nghe đồng vọng tình yêu trên cao. Tình yêu đến gần, đang tô điểm phấn son, chờ phút giây hội ngộ trong yến tiệc linh đình của pháp trường cát. Tình u phía trước, ngân vang giai điệu Prélude chậm buồn trong tay những xạ thủ: Mai sau tắt lửa mặt trời Tình yêu để lại phía sau, dãy hành lang hun hút, dồn đập tiết tấu Rhapsodie: Chuyện linh hồn với luân hồi có không Rồi lật sang chương ba của bản hòa tấu, Marchefunnebre: Thái hư chừng sắp chuyển vòng Đại dương tràn kéo núi đồng tan đi Chúng ta giờ ước mong gì Văn minh gởi cát bụi về mai kia...
......
2. Sa mạc lớn dần... Thượng đế đã chết... Bởi vì con người đã chết. Một thế hệ được sinh ra, được nuôi lớn, để làm chứng cho sự sụp đổ, hoang tàn. Thần linh bỗng nhiên biến mất. Và hình ảnh mầu nhiệm, kết tinh từ Thánh thể, cũng biến mất. Sự sụp đổ của một nền văn minh, và hoàng hôn của những thần tượng. Tôi đi tìm đâu đó hoài niệm về một quá khứ mà mình chưa từng có mặt. Bóng ma của cái quá khứ vô tri, xa lạ ấy, đã một thời ám ảnh. Sa mạc lớn dần... Thượng đế đã chết...
Từ lâu, tôi không còn nghe những âm hưởng một thời xao xuyến ấy. Không chỉ là xao xuyến, mà là sóng gió, là giông bão. Đó là những âm hưởng rung động, chấn động đầu đời. Tôi chẳng hiểu tại sao thế. Quả thật, còn nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu. Tôi muốn nói những ẩn ngữ của thơ. Cũng như tôi không hiểu tất cả sự huyền bí, mầu nhiệm, sự hiện hữu của một quả nho. Nhưng tôi đã từng nếm vị ngọt của nó. Nói cho thật nghịch lý, tôi chưa bao giờ biết, chưa bao giờ hiểu tôi là ai. Nhưng tôi vẫn là tôi. Một nghịch lý không thể tránh; một nghịch lý ám ảnh không cùng, là tôi vẫn luôn tự hỏi, mỗi khi đối diện với anh: Sơn là ai nhỉ? Con người này là ai?
Anh là ai?
......
Là một nhà thơ hiện sinh, nổi loạn "quậy phá"? Dưới ngòi bút phê bình, anh không thể khác đi được: hiện sinh, nổi loạn, quậy phá, du côn. Tôi cũng không nghĩ khác hơn những ảnh tượng, và những ấn tượng, mà ngòi bút có thể vẽ, có thể miêu tả. Một gã du côn, một tên phạm thánh. Và còn nhiều từ khác nữa. Nhưng làm sao có thể biết được, và cũng khó mà làm quen được, một người không đến với ta từ con đường trước mặt, hay bằng tiếng gọi từ sau lưng, mà là một một cái gì đó, ở đâu đó, bỗng nhiên rơi xuống đó: Tôi đang rơi xuống kêu cái bịch Trên rong rêu tịch mịch Từ muôn đời nay Cái đó không phải là một hiện sinh; không phải là một hữu thể hay thực thể, bị ném vào đời một cách phi lý, vô nghĩa. Nó đến như là tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng có phải vì vậy mà nó phi lý, nó làm cho buồn nôn? Tuy thế, cái ngòi bút phê bình quả là cái gậy thần. Gõ vào những trang sách dày cộm của Satre, những từ ngữ triết học bí hiểm nhưng lại mang nhiều ưu tư khắc khoải của Heidegger, từ những cơn thịnh nộ bốc đồng của Nietzsche; gõ vào đó và làm cho xuất hiện một hiện sinh, một con người hiện sinh biết làm thơ. Rồi người ta cảm thấy buồn nôn vì cái hiện sinh phi lý ấy, hay vì cái ngòi bút đầy quyền uy siêu nhiên ấy ? Dù sao, thì một thời, người ta nói, Sơn vẫn là nhà thơ hiện sinh. Người ta nói như thế. Cũng như người ta nói "Chú Sỹ hiện sinh". Bởi vì chú thích leo cửa sổ vào buồng ngủ của Thầy hơn là đi vào bằng ngõ chính. Có điều, chú không... rơi xuống kêu cái bịch Trên rong rêu tịch mịch. Anh là ai?
......
Lần đầu tiên tôi gặp anh. Đó là sao trên rừng. Tôi không cảm thấy ba chữ này phải viết hoa. Trông có vẻ một thư sinh. Cũng hiền lành như những thư sinh khác. Hiền lành, nhưng cũng rất quậy. Một thứ quậy phá của học trò. Anh nói thơ, theo kiểu nói "sùi bọt mép". Anh cãi lý Phật pháp với sư huynh tôi, học chung một lớp. Anh cãi rất hỗn. Nhưng không hiểu sao, cho tới bây giờ, sư huynh tôi vẫn quý anh. Hình như ông không biết đến một "Sơn quậy" ông đã không đọc đoạn giữa của bài thơ, mà chỉ nhìn thấy câu đầu và mấy câu cuối: Nhờ hồng phúc > Tôi vẫn đang ngủ trên am mây Với những bậc thầy Muôn thuở trước Đoạn giữa, là một đoạn đời, hay một cuộc đời "hiện sinh": mà nay Mà nay Mặc dù đã có gia đình bậy bạ rồi Rồi 35 năm sau, vật đổi sao dời; tôi từ trong bóng tối tử tù bước ra, anh tử trên núi lăn xuống. Gặp nhau giữa đống rác Saigon chết. Không thấy gì khác lạ. Tất nhiên là có nhiều thay đổi. Trời đất còn phải đổi thay, non sông còn phải đổi chủ, huống gì là một con người, một gã du sỹ. Cái đổi thay này thì thật là kinh khiếp. Hàng vạn tấn bom không làm cho Thái Bình Dương dậy sóng. Nhưng những bài thơ cóc ngâm, ca tụng thiên đường hạ giới, đã gây những cơn địa chấn làm sập đáy biển, đã nhuộm đỏ biển Đông, đã làm cho cây rừng gục ngã, đã làm cho mồ hôi, nước mắt tuôn ào ạt thành những cơn lũ kinh hoàng. Tôi tìm đâu một trời thơ, sau những ngày tháng đong đưa trên vực thẳm sống chết? Ta còn giỡn nữa hay thôi Khói bay mờ tỏa luân hồi vòng vo Gửi về đâu một chút tro Kèn vang lộn mửa tiếng o í e.
......
......
3. Một cuộc đời mà ta biết; một con người mà ta quen, thủy chung, vỏn vẹn chỉ có thế. Nhưng khi người ấy làm thơ, thì khi ấy, con người thơ, và cõi mộng của thơ, là ẩn ngữ huyền nhiệm. Tôi biết, và cũng có thể chỉ là biết một cách tưởng tượng, rất nhiều người, những người làm thơ, đọc thơ, và cả những người nguyền rủa thơ; có rất nhiều người nhìn anh với cái nhìn ngạc nhiên, tò mò, như đang nhìn một vật thể rất lạ, rất quái lạ. Tôi nhìn anh cũng thấy rất lạ. Nhưng không lạ hơn khi tôi nhìn chính khuôn mặt mình. Cho nên, tôi thấy mình quen biết anh nhiều hơn là quen biết chính mình. Người ta hỏi tôi, Sơn là ai? Làm sao tôi trả lời được. Tôi vẫn chưa biết mình là ai. ất quá, tôi mượn những ý tưởng có sẵn trong kho ngữ vựng triết học đông tây kim cổ, để tự giới thiệu và tự mô tả. Những ý ấy, và lời ấy, tôi biết thật sự là vô nghĩa. Dù sao, cũng vẫn cần một câu trả lời, để khẳng định hiện hữu của mình giữa cái thế giới lầm lì, hiu quạnh này. Thử hỏi: Ta là ai?
......
......
Thì ra Ta vốn là ma Vẽ ma dễ hơn vẽ người. Mỗi người tuy là mỗi cá thể độc lập, biệt lập; không ai giống ai. Nhưng tất cả loài người, bất kể da vàng da trắng, đều có chung những quy ước phổ quát. Không tuân thủ những quy ước, không làm sao vẽ được một hình người mà mọi người đều nhận ra đó là người. Dù vẽ theo ấn tượng, hay siêu thức, hay lập thể; vẫn có những quy ước phổ quát. Ngoài đó ra, là vẽ hình ma quái. Ấy thế, cái người mà mọi người cho là quái dị, kỳ cục; nhưng ai cũng cảm thấy mình có thể vẽ được con người ấy; vì nó là ma. Người ta nó i nó là ma . Cái bóng ma ấy chập chờn trên sa mạc. Quả vậy, tôi đang đi trên sa mạc.
......
......
Đang quờ quạng trong bóng đêm rét buốt của sa mạc. Mới ban ngày đây thôi, mặt trời nóng cháy. Vì loài người đang thù ghét nhau. Thù nhau từ những phương trời mộng tưởng; đến đây để thanh toán nhau những món nợ oan cừu lịch sử gì đó. Bạn bè tôi, lớp lớp ra đi; theo nhịp bước lịch sử oai hùng. Nhưng thảy đều đi mất biệt. Không có trời đông, hay trời tây, để cho sao mọc hay sao lặn. Thế thì, sao trên rừng là cái quái gì ? Cho nên, đại bác và hỏa châu rượt đuổi anh hàng ngày. Anh trốn trong hủ gạo. Trốn xuống gầm xe. Trốn vào nhà chùa. Anh chạy trốn, tất nhiên vì anh muốn sống. Ai lại chẳng muốn sống? Sống như bóng ma của thời đại trong cái huyễn mộng phù sinh; trong cái chập chờn ma quái; đôi khi lồ lộ một con người chân thật; một hình ảnh con người chưa từng sống, mà cũng như chưa từng chết. Xuyên bức màn trăng, mênh mông vô hình, ta nghe một con người đang than thở :Ô hồn ta Sao quá mỏng. Ngoài vườn trăng. Trong sa mạc đêm lạnh lẽo này, trong cái bóng tối uy hiếp của bốn vách đá của bức màn sắt rờn rợn này, trong đây không dễ gì tìm ra một ma nào đang thở. Nhưng ngoài kia, ngoài vườn trăng kia, một hồn người sung mãn. Hồn người chứ không thể là hồn ma được. Đó là hồn người, cho nên nó biết khóc khi nhìn trong lòng tay, những giọt trăng đang đông lại thành những giọt máu. Máu của những oan hồn đang đòi quyền sống. Có muộn quá đi chăng?> Trong những đêm trăng Có một nỗi gì thấy quá muộn màng Làm ta muôn đời muốn khóc Sớm hay muộn, nơi đó vẫn có một nắm đất nhân từ, có bóng tối thân thương: Hỡi U Minh Giáo Chủ Trăm năm mần chi đủ Con hát hoài không thôi Lướt trên mồ cỏ phủ Đọc những câu thơ như thế, tôi muốn chui xuống mộ mà nằm, để còn được nghe tiếng hát.
......
......
4. Ôi trăng ngàn. Vừa tan Còn lại đó, một khoảng không tịch mặc của trời thơ. Và những lời không nói. Ngàn sau Phơ phất gò bông lau.

TUỆ SỸ

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

NGHE “XUÂN HÀNH” CỦA PHẠM DUY, SUY NGHĨ VỀ “NGƯỜI LÀ AI”



Nguyện Giác

Nhạc sĩ Phạm Duy là một thiên tài. Rất hiếm hoi để có một tài năng như thế. Tôi đã nghe nhạc Phạm Duy từthời mới lớn, qua nhiều thể loại nhạc, phần lớn thời xa xưa là nghe qua các làn sóng phát thanh tại Sài Gòn, và rồi nghe qua băng Cassette – đó là những năm chưa có máy truyền hình màu, và dĩ nhiên là rất xa với kỷ nguyên Internet bây giờ. Chỉ gần đây, nghe được ca khúc “Xuân Hành” qua CD Phạm Duy Hát Vào Đời trong đó gồm 10 ca khúc do ca sĩ Bích Liên chọn và hát. Tôi không biết rằng việc mưu sinh bằng nghề bác sĩ của chị Bích Liên có ảnh hưởng gì tới việc chọn lựa nhóm ca khúc này từ cả ngàn ca khúc của Phạm Duy hay không, nhưng tự nhiên một bài trong CD lưu mãi một câu hỏi trong tôi, và nhiều ngày đầu mới nghe, tôi cứ nghĩ rằng ca khúc đó có tên là “Người Là Ai” – nhưng đó là nhớ nhầm, nhan đề đúng của ca khúc đó là “Xuân Hành”…

Ngay từ dòng nhạc đầu tiên, sức mạnh của chữ “ai” đã chụp lấy suy nghĩ của tôi:

Người là ai, từ đâu tới
và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?

Tôi đã sống với chữ “ai” nhiều năm từ thời mới lớn ở Việt Nam. Mở bất kỳ Kinh Phật nào ra, trong nhóm chữ đầu tiên luôn luôn có chữ “vô ngã” – tức là, không hề có cái gì gọi là ta, người, hay ai đó; tức là, sự thật hãy thấy rằng không ta, không người, không ai. Trong các công án thường gặp cũng là những câu hỏi: Ai niệm Phật đây? Ai lôi cái xác sống này đây? Trước khi cha mẹ sinh ra, ngươi là ai? Và tương tự… Nhưng lần đầu khi nghe ca khúc Xuân Hành của Phạm Duy, tôi kinh ngạc khi câu hỏi này được nêu trong âm nhạc như thế.

Kho tàng âm nhạc Phạm Duy là một ngọn núi khổng lồ, với bóng mát trải dài trên nhiều lối đi. Các nhạc sĩ đi sau sẽ có một hành trình gian nan, khi phải sáng tác nhạc khác đi và phải bước chệch ra khỏi bóng mát của Phạm Duy. Nhưng để bước ra khỏi bóng mát Phạm Duy, không thể không học từ ông. Cũng y hệt như các nhà thơ sau Nguyễn Du, phải học từ họ Nguyễn và rồi phải tìm cách bước đi những lối ngõ khác.

Trong cương vị nhà báo, tôi có cơ duyên phỏng vấn, kết thân, quen biết với nhiều nhạc sĩ trong vùng Nam California. Một lần được tới nhà Phạm Duy ở Midway City để phỏng vấn, khoảng hai thập niên trước, tôi biết thêm một phương diện ít người khác so bằng ông: Nhạc sĩ Phạm Duy đưa tay chỉ về dàn máy điện toán, và dàn âm thanh kềnh càng lúc đó, ông nói là của hãng Apple. Tôi chưa bao giờ giỏi về máy móc, cho nên chỉ gật gù, lòng rất mực thán phục khi thấy nhạc sĩ họ Phạm rất giỏi về sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới. Trong khi đó, bản thân mình cũng không biết gì về âm nhạc, và thâm tâm vẫn xem họ Phạm như một nghệ sĩ lớn, nhưng tự nghĩ là không bao giờ có đủ trình độ thẩm âm để đánh giáchính xác ảnh hưởng về nghệ thuật của ông.

Thêm nữa, thật sự là rất nhiều trường hợp tôi tránh né âm nhạc. Vì từ thơ ấu đã mê chữ hơn âm thanh, về sau lại tự nhủ lòng mình phải dè dặt, chớ để đắm say cõi thanh và sắc, trong khi âm nhạc vốn ru lòng người, và các ca sĩ luôn luôn là những giọng ca ngọt ngào đi kèm với nhan sắc tuyệt vời. Mỗi khi nhìn một nữ ca sĩ hát, lòng tôi vẫn tự nhủ rằng ráng đứng cho vững, không thì sẽ tan xương nát thịt. Đó là lý do có những ngày mệt mỏi vì đọc, vì viết… tôi mở YouTube ra xem, chỉ ưa tìm xem các hình ảnh phố chợ quê nhà, hay tìm xem các kỹ năng bóng đá thế giới, và tương tự. Do vậy, bản thân không dám nghe nhạc nhiều, cũng không dám xem phim lãng mạn, vì sợ thấy người đẹp, sợ nghe nhạc hay. Có những bạn đạo nói với tôi rằng họ thích nghe thượng tọa này giảng, ưa nghe ni sư kia giảng. Tôi không dám hỏi về ngờ vực của mình, dựa vào phân tích của một nhạc sĩ: có phải cô này ưa nghe giọng đầy nam tính của thầy kia, và có phải anh này ưa nghe giọng đầy nữ tính của vị ni kia… Đặc biệt là âm nhạc, tôi sợ là mình sẽ rơi vào say đắm cõi sắc thanh… bất kể là trong nghề báo, mình ngồi giữa những người đẹp nhất và hát hay nhất, và cứ phải viết về các hoạt động âm nhạc, ca múa. Kể cả, khi nhạc sĩ Trần Chí Phúc yêu cầu, tôi đã làm thơ thiền cho bạn này phổ nhạc, và lòng vẫn tự nhủ là phải cố gắng trong từng chữ một, không để ai rời chánh pháp.

Nhưng đối với CD Phạm Duy Hát Vào Đời do ca sĩ Bích Liên thực hiện, tôi đã nghe đi, nghe lại ca khúc Xuân Hành nhiều lần. Trong trí nhớ của mình, tự nhiên cứ nghĩ ca khúc này có tên là “Người là ai”… và rồi khi ráng nhớ, mới nhận ra mình nhớ lầm, tên đúng nguyên thủy là ca khúc “Xuân Hành”… Đây là một bài hát kỳ dị, mang đầy sức mạnh, lôi kéo tôi tức khắc vào từng chữ, từng câu, từng âm thanh. Khi thoạt nghe CD, tới ca khúc này (đặt theo thứ tự thứ 10 trong 10 ca khúc của Phạm Duy), tôi muốn bật lên lời nói rằng, bác Phạm Duy tuyệt vời, và tự hỏi sao tới năm 2019 mình mới nghe ca khúc này. Thêm nữa, giọng ca của ca sĩ Bích Liên rất mực hiếm hoi, có thể thích nghi với ca khúc đầy những câu hỏi về Thiền này của Phạm Duy.

Một lời nằm giữa ca khúc “Xuân Hành” thoạt nghe có vẻ kinh dị, nhưng là sức mạnh ngàn cân của sự thật Khổ đế:

Trưa hôm qua còn là người
Đêm hôm nay hồn lạc loài,
thành vị thần hay lũ ma lẻ loi…

Nhạc sĩ Phạm Duy giải thích ra sao về ca khúc này? Trên trang mạng phamduy.com, bài viết “Những Xuân Ca Trong Đời Tôi” ghi lời của nhạc sĩ, trích:

“Mùa Xuân bao giờ cũng làm cho lòng tôi xáo động. Sau bài Lữ Hành có tính chất siêu hình, vào mùa Xuân năm 1959, tôi có soạn một bài hát cũng mang tính chất tâm linh là XUÂN HÀNH. Với bài này tôi muốn trả lời câu hỏi muôn đời: qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? Cũng là câu hỏi mà tôi luôn luôn tự hỏi.

Tôi cho rằng: Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là người, vừa là thần thánhvà ma quỷ, biết thương yêu dai và cũng biết hận thù dài, rất là đắm say ... Nhưng trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, phải biết vui biết buồn ngay trong một cơn tim đập, tim ngưng...” (ngưng trích) (1)

Hóa ra, nhạc sĩ Phạm Duy luôn luôn tự hỏi rằng người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Đó cũng là một bất ngờ, khi người sáng tác cả ngàn ca khúc, nhiều thể loại, nhiều chủ đề, nhưng vẫn giữ trong lòng các câu hỏi cốt tủy nhất của đời người.

Tôi không biết rõ nhạc sĩ Phạm Duy khi viết dòng nhạc trên có nghĩ tới sáu nẻo luân hồi trong cái nhìn nhà Phật, và rằng “thành vị thần” có phải là chỉ cho cõi A tu la hay cõi chư thiên, và “lũ ma lẻ loi” là chỉ cho cõi ngạ quỷ… Nhạc sĩ dĩ nhiên không lý luận, nhưng tôi biết rằng Phạm Duy là một người rất uyên bác, đọc nhiều và đọc kỹ. Tôi nghe CD tới câu nhạc “thuyền theo lái về kiếp cũ” và cảm nhận như đang tràn ngập toàn thân giữa vô lượng làn sóng vô thường của cõi này… Làm sao chiếc thuyền có thể chống cự muôn ngàn lượn sóng để không bao giờ trở về kiếp cũ nữa… Thiên tài âm nhạc Phạm Duy đã đẩy người nghe tới nơi những câu hỏi cốt tủy lắng sâu hơn vào lòng người, vào cõi của băn khoăn, của xao xuyến…

Tới đây, xin mời nghe trực tiếp lời nói của nhạc sĩ Phạm Duy trên mạng

https://youtu.be/oGV8AHpFrjc và được người viết chép lại như sau:

“Nhân nhà văn Phạm Xuân Đài có viết một bài nghiên cứu nhan đề "Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy" đăng trên Tập San Thế Kỷ 21, tôi xin được đóng góp vào sự soi sáng của nhà văn đó bằng một audio CD gồm một số bài hát của tôi nói tới toàn bộ cuộc nhân sinh và nói về cái chết là một hình thái biểu hiện sự sống. Ở VN cũng có nhiều nhạc sĩ của nền tân nhạc cũng đã đề cập tới cái chết, dường như họ đã xem như một chấm hết, một giải thoát, ví dụ như ý “sống để chờ xem có chết không” của Nguyễn Đình Toàn, hoặc “ô hay tại sao ta sống chốn này quay cuồng mãi hoài” của Vũ Thành An, tôi thì nhìn cái chết hơi khác các bạn đó, nhìn nó dưới nhiều góc độ và thấy rằng sự chết đến từ sự sống, cho nên cần nhìn cái chết thật đẹp để mong mỏi tìm được ý nghĩa sự sống. Ngay khi còn trẻ, tuy tôi nói nhiều tới sự sống, như trong Tâm Ca có bài Giọt Mưa Trên Lá đem lại sự sống: một cành củi khô, một tờ lá úa... hay một ngọn gió may... đã tạo nên cuộc đời chung quanh. Nhìn vào cả hai cõi tử sinh, tôi cũng không muốn nhìn vào chuyện eo sèo trước mắt, tôi quan tâm tới cái đẹp của cả hai cõi đó, cái chết đang chờ nơi đầu kia của mỗi người, nào có xa xôi gì trong chớp mắt của thời gian, cái chết đã tới để bắt đầu một chuyển hóa mới, cuộc du hành mới. Trước hết tôi xin mời quý bạn nghe một bài tôi soạn năm 1959 nói tới toàn bộ cuộc nhân sinh, đó là bài Xuân Hành. Nó là sự trả lời câu hỏi muôn đời Người Là ai, từ đâu tới, đi về đâu -- qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? -- ba câu hỏi từ muôn đời của lòai người, nhưng không bao giờ cũ cả. Vì ngày nào con người không đặt ra những câu hỏi đó về thân phận mình, nghĩa là con người đã dừng lại trên con đường hoàn thiện chính mình. Trong bài Xuân Hành tôi cho rằng người từ lòng người đi ra, rồi sẽ trở về lòng người, người vừa là người, là thần thánh và là ma quỷ. Làm người thì phải biết thương yêu dai và cũng phải biết hận thù dài. Yêu hay ghét cái gì cũng phải rất là đắm say, như trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, phải biết vui, biết buồn, ngay cả trong một cơn tim đập, tim ngưng (tới đây, nhạc sĩ Phạm Duy hát để kết thúc audio).”


Cũng nên ghi nhận rằng, thói quen “thương yêu dai và hận thù dài” của chúng sinh luôn luôn là cội nguồn sinh tử luân hồi, nhưng để “hoàn thiện chính mình” trước tiên cần nhìn ra sự thực đó, cội nguồn dẫn tới Khổ đế.

Nơi đây, xin chép lại toàn văn lời ca khúc “Xuân Hành” do nhạc sĩ Phạm Duy hát trong link trên:

XUÂN HÀNH

Người là ai, từ đâu tới và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?
Người vì sao mà chớm nở, rồi sớm tối, cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa.
Người là chi? Là cơn gió, là giọt mưa, là cát trắng hay bụi xanh lơ?
Người từ xưa, thuyền theo lái về kiếp cũ.
Người lên xe đi từ hư vô qua hư vô
Ta ra đi từ lòng người, với tiếng khóc và nụ cười, thương yêu dai, hận thù dài, nuôi đắm say
Trưa hôm qua còn là người, đêm hôm nay hồn lạc loài, thành vị thần hay lũ ma lẻ loi
Mỗi chớp mắt nhìn toàn đời, nuốt thế giới vào lòng rồi
Muôn năm vui ở nửa vời câu hát đôi
Nghe con tim chạy miệt mài, khi tim ngơi nhịp từng hồi
Buồn nghìn đời len giữa cơn đập vui.
Người là ta, một mùa Xuân toả ánh nắng mai
Bước lên đời mang một đôi tình duyên mới
Người là ta, đường nhân ái còn đi mãi mãi
Hết bước Xuân, ta gọi nhau về trong người
về trong người… (hết ca khúc)

Nhà văn Phạm Xuân Đài đã viết gì, để nhạc sĩ Phạm Duy lên YouTube giải thích thêm ở audio trên? Tôi tìm đọc và nhận ra: đó là, viết về cái chết. Trên mạng phamduy.com đăng lại từ Thế Kỷ 21 bài viết “Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy” của Phạm Xuân Đài, trong đó có nói về “Xuân Hành” với cách nhìn của Phạm Duy rằng trong chớp mắt là cả sống và chết, trích:

“Khi chúng ta còn nhỏ, sự chết đối với chúng ta là chuyện... của người lớn. Khi vào đời ở tuổi thanh niên thì đó là chuyện của... người già. Chính mình thì chối hết. Nhưng khi bắt đầu vào tuổi già thì như một khả năng tự nhiên, càng ngày ta càng cảm nhận được trong thân tâm mình cái "khả năng chết" một rõ hơn, mãi đến một lúc, hết chối nữa, đành nhận nó là của mình. Nó dần dà, tự nhiên biến thành một phần của sự sống. Phạm Duy là một người hiếm hoi "biết" cái chết, "sống" với cái chết ngay từ tuổi thanh niên. Tại sao? Để làm gì? Trong nhân loại, thỉnh thoảng nẩy ra một người có khả năng trình bày hộ cho mọi người khác ý nghĩa toàn bộ cuộc nhân sinh mà thông thường người phàm mắt thịt chỉ thấy rất ngắn, toàn là chuyện eo sèo trước mắt. Chứ sao, phải nói về cái chết chứ, làm sao có sự sống nếu không có sự chết? Cái chết chờ bên đầu kia cuộc đời mỗi người, nào có xa xôi gì, trong chớp mắt của thời gian đã tới nơi, để bắt đầu một chuyển hóa mới, một cuộc du hành mới.” (hết trích) (2)

Minh bạch như thế: cảm nhận về sự chết đã ẩn tàng trong sự sống… Trong khi đó, ca sĩ Quỳnh Giao, cũng là một nhà phê bình nghệ thuật uyên bác, nhận định rằng nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại một thông điệp tôn giáo.

Ca sĩ Quỳnh Giao viết trên Diễn Đàn Thế Kỷ vào năm 2013, bài nhan đề “Ngày Xuân, Nghe Lại Ca Khúc"Xuân Hành" Của Phạm Duy” – bài này cũng đăng lại trên mạng phamduy.com trong đó có ý:

“...Phạm Duy đã dẫn chúng ta vào tác phẩm với lời giới thiệu về câu hỏi muôn đời là người từ đâu tới và đi về đâu. Nhưng trong ca khúc mà cũng là một đời người từ thuở là mầm non chớm nở đến khi trở thành lá úa, ông còn diễn tả nhiều điều khác nữa. Nổi bật trong đó là chữ nhân, hay tinh thần nhân ái là chữ mà ông dùng. Chúng ta sinh ra là từ lòng người với tiếng khóc và nụ cười, với thương yêu và hận thù lẫn đắm say. Nhưng chân lý muôn đời là trưa hôm qua có thể còn là người, đêm hôm sau thì đã thác, có khi là vị thần hoặc một lũ ma lẻ loi....

…Khi liên lạc với chú Phạm Duy - người viết vẫn gọi ông như vậy với sự tôn kính - về bài Xuân Hành, tôi đã lẩm nhẩm hát lại và ngẫm lại rồi nghĩ đến một thông điệp tôn giáo.

Đó là lẽ tử sinh của luân hồi, là ngũ uẩn gồm có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhờ sự suy ngẫm đó mình tìm ra một chữ "hành" trong kinh sách nhà Phật. Đấy là ý khác của "hành" trong bài Xuân Hành. Rất đơn giản thì hành động tốt sẽ tạo ra thiện nghiệp để có ngày vượt khỏi lẽ tử sinh. Phải chăng, câu "Đường nhân ái còn đi mãi mãi" của ca khúc nói về một cách sống bất tử? Nếu quả như vậy thì thông điệp này còn sâu xa hơn lời ca trong bài "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy...”(hết trích) (3)

Tới đây, người viết xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn ca sĩ Bích Liên, người đã bỏ ra 2 năm để thực hiệnCD Phạm Duy Hát Vào Đời. Nghĩa là, chọn ra 10 ca khúc từ cả ngàn ca khúc, và thực hiện thu âm là một hành trình rất gian nan của chị.

Nhà báo Doãn Hưng trong bài viết trên Việt Báo vào tháng 6/2019, nhan đề “Bích Liên - Người Cầu Toàn Đối Với Âm Nhạc Phạm Duy” kể về CD nhạc này, trích:

“…với CD Phạm Duy Hát Vào Đời. Bạn bè đều biết chị Bích Liên là một người cầu toàn, từ trong lĩnh vực chuyên môn y khoa đến niềm đam mê âm nhạc. Có một lần chị đã nói với tôi rằng hát nhạc Phạm Duy “toàn bích” giống như Thái Thanh là một điều không tưởng. Mà chị cũng chẳng muốn làm điều này. Chị yêu mến, hiểu nhạc Phạm Duy theo cách riêng của mình, và muốn diễn đạt nó bằng tâm tình và giọng hát của chính mình…

…Chị Bích Liên cho biết chị đã hoàn thành 10 bài hát trong CD Phạm Duy Hát Vào Đời trong vòng gần 2 năm. Tôi tưởng tượng ra rằng, trong suốt thời gian đó, chị đã nghiền ngẫm ý nghĩa của từng bài, chọn cách diễn đạt cảm xúc cho từng câu hát, thử cách ngân nga cho từng nốt nhạc, phát âm từng lời ca sao cho phù hợp nhất. Mỗi bài có lẽ chị phải thâu đi thâu lại đến hàng chục lần mới vừa ý. Đành rằng kỹ thuật phòng thâu sẽ giúp cho chị hoàn thiện bài hát theo đúng ý mình. Nhưng nếu không có niềm đam mê âm nhạc, không có tinh thần “tri kỷ” đối với các ca khúc Phạm Duy, sẽ rất khó cho một người không phải là ca sĩ chuyên nghiệp có thể thực hiện được “sự cầu toàn” này.

…Xuân Hành là một trong những ca khúc tuyệt diệu nhất của Phạm Duy trong chủ đề thân phận con người, nhưng ít được phổ biến. Có lẽ chị Bích Liên cảm nhận ca khúc này sâu sắc lắm, cho nên trong CD chị đã hát Xuân Hành thật khoan thai, thênh thang, sâu thẳm. Hành trình tử sinh “từ hư vô qua hư vô” là không thể tránh khỏi. Và vô thường. Chỉ trong khoảnh khắc, một kiếp người đã trở thành “một vị thần hay lũ ma lẻ loi”. Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta đều có thể tự chọn cho mình cách đi riêng của mình trong kiếp lữ hành đó. Và Phạm Duy đã chọn cho mình một con đường đầy nhân ái…

Trong cuộc sống thường nhật, tôi vẫn đang cố hướng về mục tiêu vượt thoát vòng tử sinh. Nhưng khi nghe CD Phạm Duy Hát Vào Đời của chị Bích Liên, tôi chợt thoáng nghĩ: nếu có một niềm đam mê nào đó kéo tôi trở lại với kiếp người, thì đó có lẽ là niềm đam mê âm nhạc…”(ngưng trích) (4)

Cũng nên ghi nhận rằng nhà báo Doãn Hưng cũng là một người thiền tập hàng ngày, và là một trong những Phật tử góp sức thành lập nhóm Giới Trẻ Mây Từ. Khi anh viết rằng anh đang cố gắng vượt thoát vòng tử sinh và sau khi nghe chị Bích Liên hát CD Phạm Duy Hát Vào Đời, anh viết “nếu trở lại với kiếp người” thì sẽ giữ mãi niềm đam mê âm nhạc, nghĩa là một lời ca ngợi các nghệ sĩ đã nêu lên được ý thức mạnh mẽ về pháp ấn vô thường. Doãn Hưng cũng ghi rằng các độc giả có thể tìm CD Phạm Duy Hát Vào Đời qua điện thoại: 714-894-2500.

Một điều tôi suy nghĩ là: nhạc sĩ Phạm Duy có CD Thiền Ca (10 ca khúc), CD Tâm Ca (10 ca khúc), CD Đạo Ca (10 ca khúc), CD Hương Ca (10 ca khúc)... nhưng ca khúc Xuân Hành lại nằm riêng trong nhóm 6 ca khúc về Xuân.

Không rõ vì sao. Nhưng có thể nhạc sĩ Phạm Duy khi nói về cái chết và đã nghĩ về mùa xuân, như trong bài thơ của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), viết về mùa xuân và cành mai: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua – sân trước – một cành mai.”

Điều chắc chắn rằng, nhạc sĩ Phạm Duy đã ý thức về vô thường rất mạnh mẽ, đã ghi lại với dòng nhạc nêu bật được pháp ấn này. Và qua giọng ca trong vắt của ca sĩ Bích Liên với CD Phạm Duy Hát Vào Đời, ca khúc “Xuân Hành” của Phạm Duy đã tự động trở thành ca khúc “Người Là Ai” trong tâm thức tôi. Từng âm thanh một vang lên, từng nốt nhạc được trình diễn, từng lời ca được nghe trong tôi, và cũng là khi cảm nhận lạnh buốt rằng không hề có ai nghe, không hề có ai hát, không hề có ai viết nhạc… Tất cả chỉ là ngọn gió vô thường chảy xiết, không ngừng nghỉ… nơi các âm thanh biến tức khắc vào tịch lặng.
Nguyên Giác

GHI CHÚ:

(1) Những Xuân Ca Trong Đời Tôi: https://phamduy.com/en/am-nhac/chu-de/tinh-ca/5856-nhung-xuan-ca-trong-doi-toi

(2) Phạm Xuân Đài. Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy: https://phamduy.com/vi/viet-ve-pham-duy/phe-binh/5594-cai-chet-trong-ca-khuc-pham-duy

(3) Quỳnh Giao. Ngày Xuân, Nghe Lại Ca Khúc "Xuân Hành" Của Phạm Duy. https://phamduy.com/vi/viet-ve-pham-duy/phe-binh/5115-ngay-xuan-nghe-lai-ca-khuc-qxuan-hanhq-cua-pham-duy

(4) Doãn Hưng, Việt Báo. “Bích Liên - Người Cầu Toàn Đối Với Âm Nhạc Phạm Duy”

https://vietbao.com/a295528/bich-lien-nguoi-cau-toan-doi-voi-am-nhac-pham-duy

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Tuệ Sỹ: Tâm Ý Thức



Tuệ Sỹ

Trước hết chúng ta phải hiểu Tâm là gì? Trong tiếng Hán, Tâm là trái tim. Từ cái nghĩa tâm là trái tim, rồi sau mới suy diễn ra tâm là tấm lòng, cho rằng tâm là tấm lòng suy nghĩ. Một bài thơ chữ Hán nói về tâm theo nghĩa này như sau:

三點如星像
橫鉤似月斜
披毛從此得
做佛也由他

“Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà.
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật dã do tha”

Bài thơ này ví von cũng rất hay. Chữ Tâm 心 trong chữ Hán được mô tả có ba chấm như ba ngôi sao (Tam điểm như tinh tượng), còn móc câu nằm ngang như ánh trăng nghiêng (Hoành câu tợ nguyệt tà). Phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha: Mang lông đội sừng tức làm thân trâu, ngựa… là do tâm này, mà Phật cũng từ nó.

Định nghĩa tâm xét theo nghĩa tiếng Phạn thì có khác. Theo tiếng Phạn, tâm (citta) có nghĩa là tích tập. Định nghĩa này được thấy trong kinh Hoa Nghiêm, bản dịch chữ Hán của Bát-nhã (quyển 6): tích tập danh tâm 積集名心. Nó do gốc động từ là CI (cinoti): tích chứa, tích lũy, tăng trưởng và cũng có nghĩa là quán sát, tri nhận, cảm nhận. Đây là định nghĩa đặc biệt trong thuật ngữ Phật giáo, đặc biệt là Đại thừa. Nghĩa thông thường của nó, được nói là do gốc động từ cit hay cint (cintayati): tư duy, suy tưởng. Tâm là cái tư duy.

Nói tâm là cái tích tập: tích tập gì?

Một cách tổng quát, đó là kinh nghiệm hay nhận thức được tích lũy. Vậy tâm là kinh nghiệm đời sống; tất cả những gì đã từng trải, bằng hành động và nhận thức, tích lũy lại thành tâm. Nếu diễn tả ra trong cuộc đời con người, từ khi bắt đầu biết suy nghĩ, biết hành động và có ghi nhớ, cho đến khi chết; tất cả những ghi nhớ trong óc não còn lại đó gọi là tâm. Chính những ghi nhớ đó tác thành một con ngườihoặc thiện hoặc ác tùy theo kinh nghiệm môi trường, hoàn cảnh. Vì thế, ta nói tâm hướng dẫn đời sốngcon người.

Như vậy, tâm đó chính là nghiệp, là hành vi của con người, vì những năng lực tạo ra hành vi của con người không bao giờ mất. Chúng ta không nói tới luật bảo tồn năng lượng, nhưng phải biết rằng không có cái gì mất đi trong hành động của chúng ta.

Kinh nói: bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm. Thế giới này không sanh cũng không diệt, không có cái gì xuất hiện hoàn toàn mới mẻ cũng không có cái gì biến mất đi hoàn toàn. Chúng sanh luân hồi vô thủy, chỉ là sự biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, như gạo biến thành cơm, cơm biến thànhnhững dưỡng chất trong dạ dày, tiêu hóa, rồi thải ra, thành da, máu thịt,… khi chết, da máu thịt này biến thành phân tro, phân tro này đem bón trở thành cây trái, rau cỏ…, trở lại làm thực phẩm cho người và vật, theo một quá trình sanh diệt, sống chết nữa nữa. Như vậy, chúng ta thấy rằng, thân này chết nhưng nó không mất mà trở thành những cái khác, biến thành phân tro, đất…, những cái này cũng không mất mà trở thành máu thịt của con người, tức là không có cái gì sanh và cũng không có cái gì hủy diệt mà chỉ có sự biến thái.

Tâm cũng vậy, nó tích lũy. Những gì được làm, được nói năng, suy nghĩ, hoặc thiện, hoặc bất thiện, thảy đều không mất; mà tự chúng là sự biến thái của tâm từ một trạng thái này sang trạng khác. Nghiệp là nguồn năng lượng được tích chứa trong kho chứa gọi là tâm, phát hiện ra ngoài thành hành vi của thân, khẩu; hướng thân, khẩu đến mục tiêu, theo hướng được định bởi lực đẩy ban đầu từ tâm. Kho chứa ấy không phải nằm im lìm bất động, vì nguồn năng lượng trong nó, mà Duy thức gọi là chủng tử(hạt giống, tức hạt năng lượng; cũng gọi là tập khí hay công năng sai biệt, tức một loại công năng hay năng lượng có thế lực đặc biệt tác thành những hiện tượng sai biệt mà ta biết đó là thân, tâm, thế giới), những hạt giống năng lượng này tồn tại trong trạng thái sanh và diệt trong từng sát- na, tạo thành hìnhảnh như một dòng thác chảy liên tục. Kinh nói: Nhất thiết chủng tử như bộc lưu.

Những hành vi của thân và khẩu chỉ là những vận động tự nhiên của thân và khẩu, do tác động hỗ tương giữa trong và ngoài, không mang giá trị đạo đức, không xác định thiện hay ác gì. Nhưng khi có nguồn lực từ tâm điều khiển nó theo hướng thiện hay bất thiện, bấy giờ hành vi của thân hay khẩu bị nhuốm màu hoặc thiện, hoặc bất thiện, ta gọi là nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Hành vi ấy huân tậptrở lại tâm, nghĩa là tác động trở lại tâm và biến đổi nó. Đó là sự tích lũy nghiệp. Theo ý nghĩa này mà ta hiểu câu kinh sau đây: “Tam giới duy tâm”, ba cõi duy chỉ là một tâm. Ý nghĩa ấy cũng phù hợp với điều mà Phật nói trong các kinh điển Nguyên thủy: “Chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp” tức hành vi của chính nó. Nói cách khác, thế giới được thành hình tốt hay xấu, thảy đều là sự biến thái của những gì, của tất cả hành vi, được tích lũy bởi tâm, chứa đựng trong tâm.

Chúng ta nhớ rằng, khi được phân tích, tâm có ba tầng. Tầng trong cùng, ta hãy gọi là tầng đáy; thứ đến, tầng hoạt động luôn luôn là chấp ngã và một tầng khác hoạt động bên ngoài, là các hoạt động của ý thức cùng với các giác quan. Chúng ta không nhận thức được tâm như là thấy sắc, nghe tiếng, nắm bắt ảnh tượng ý niệm, tư duy; chỉ biết rằng nó tồn tại qua những hoạt động của nó gọi là tâm sở.

Điều đó có nghĩa, tuy rằng gọi tâm là cái tích tập, nó cụ thể, nó tồn tại đó nhưng không thể nhận thứcđược nó mà phải từ những hoạt động của nó thì mới biết nó là cái gì.

Ba tầng tâm thức có khi được gọi chung thành một là tâm-ý-thức. Như trong kinh Trung A-hàm (kinh số 17), Phật nói: “Người mà tâm-ý-thức luôn luôn được huân tập bởi tín, tinh tấn, đa văn, bố thí, trí tuệ; người ấy do nhân duyên này tự nhiên thác sinh lên cõi trên, sinh vào thiện xứ…”; hoặc Tạp A-hàm (kinh số 289): “Tâm-ý-thức, trong một ngày đêm, từng thời khắc, thoáng chốc sinh, thoáng chốc diệt, biến đổi không ngừng…”; hoặc như kinh Hoa Nghiêm (Phật-đà-bạt-đà-la, quyển 23): “Các dòng nước dục, hữu, kiến, vô minh, tiếp nối chảy liên tục, làm nảy sinh hạt giống của tâm-ý-thức trên mảnh đất ba cõi…” Luận Câu-xá (quyển 4) nói: “Nó tập khởi nên được gọi là tâm. Nó tư duy trù lượng nên được gọi là ý. Nó phân biệt nhận thức nên được gọi là thức… Tâm, ý và thức, ba tên gọi cùng chỉ một nội hàm. Nghĩa tuy khác nhau nhưng thể là một.”

Trong đó, về tầng đáy, Thượng tọa bộ Nam phương gọi là thức Hữu phần hay Hữu chi (bhavaṅga); các nhà Du-già hành hay Duy thức luận, gọi nó là thức A-lại-da (ālaya) hay thức thứ tám. Không thể nhận thức được tự thể của nó đã đành, cho đến các hình thái hoạt động của nó cũng không thể dễ dàng nhận biết. Duy chỉ có thể biết rằng nó tồn tại là do quan sát sự tồn tại của thiên nhiên, của vũ trụ, của thân và tâm. Khi nhìn cây, lá cây, mọi người đều biết rằng lá cây đó là do nhiều phân tử hợp thành, nhưng cái gì kết các phân tử đó lại với nhau được? Phải có một lực nào đó kết dính lại. Vậy, lá cây đó tồn tại và lay động như một toàn thể do bởi một năng lực nào đó. Lực đó, trong Phật giáo nói chung, được hiểu là tâm, tức kho chứa tích lũy nhiều đời nhiều kiếp của vô số hạt giống năng lực của nghiệp, để rồi đến khichín muồi, nghĩa là sau một quá trình đã được xử lý, các hạt giống năng lực hay năng lượng ấy biến chuyển, và biến thái thành thân, tâm và thế giới; chúng được duy trì do lực tương tác, tức hỗ tương tác dụng theo quy luật duyên khởi.

Chính qua hoạt động của lá cây và sự tồn tại của lá cây mà chúng ta biết rằng có một cái tâm. Đây là cái nghĩa mà chúng ta đã nói nhiều lần; chính cái nghĩa đó gọi là duy tâm, là do tâm. Tâm như vậy gọi là tâm biến, nhưng nghĩa này chưa tận cùng.

Thân thể chúng ta, trong điều kiện nào đó thì những cái như ngón tay, sợi tóc… gắn kết lại với nhau, nhưng tới một lúc nào đó thì nó rã ra, cho dù có lấy keo dán nó cũng không dính lại, như khi chết chẳng hạn. Vậy khi nào rã ra và sau khi rã ra thì nó trở thành đất, thành bụi… vẫn còn đó nhưng qua trạng tháikhác.

Tóm lại, có mấy vấn đề, chúng ta đi từ từ: tâm là sự tích tập, tích lũy kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm là hoạt động của nghiệp, nghiệp tạo ra thế gian, nhưng cái tâm thì chúng ta không thể hiểu được, không thể biết được, vì không thấy được mà phải nhìn qua những hiệu quả của nó, tức là những công dụng, tác dụng mà nó gây ra trên mọi thứ tồn tại trong đời. Tác dụng của nó là duy trì sự tồn tại, duy trì mối quan hệ của các sự vật, tồn tại của các pháp.

Muốn biết rõ tâm và tại sao gọi nó là tâm thì phải qua một tầng nữa, tức là tại sao gọi là nó kho chứa của nghiệp?

Nên biết, đó là tầng thứ hai, gọi tên là ý. Tâm, có nghĩa là là tích tập; còn ý thì có nghĩa là gì? Nói vắn tắt, ý là cái hoạt động tư lương. Tư lương là gì? Những cái mà ta gọi là tư duy, tư tưởng… những hoạt động của tâm lý, nói chung là suy lường, đắn đo ước lượng, phán đoán, v.v., gọi là tư lương; đây là nói theo nghĩa rộng nên hơi mơ hồ, không xác định. Thu gọn lại, tư lương là hoạt động của một cái tôi.

Chúng ta biết mình đang tồn tại, đang hiện hữu, vì biết rằng có một cái tôi: Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi… Từ cái tâm tích lũy này, rõ ràng có thêm một tầng nữa, khiến nó lộ lên mặt biểu hiện một chút, đó là cái (chủ thể) chấp ngã. Trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo, cái ngã hay tự ngã này được hiểu là linh hồn nằm trong thân, hoặc nó lớn bằng thân, hoặc nhỏ như hạt cát. Lớn bằng cái thân cho nên nếu vừa bứt một sợi tóc, vừa chích kim dưới bàn chân thì cả hai nơi đều cảm giác đau cùng một lúc. Có cảm giác đó, là do có linh hồn. Khi hồn lìa khỏi xác, xác chết nằm trơ không hay biết gì. Hoặc là linh hồn giống như hạt cát, như một nguyên tử trong thân có vận tốc thật nhanh. Cả hai nơi lại cùng đau một lúc, đó là do linh hồnvận chuyển rất nhanh. Trong Phật giáo không có linh hồn như vậy được thừa nhận.

Bây giờ sang tầng thứ ba để sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động của thức. Nhưng tầng thứ ba này nếu khôngcó hai tầng đầu thì cũng không thể hiểu nó được, vì tất cả đều phải quan hệ với nhau. Như do quan hệ với toàn thể xe mà cái khoanh tròn kia được gọi là bánh xe.

Gọi nó là thức, vì nó nhận biết đối tượng. Điều này ta có thể kinh nghiệm và chứng minh được bằng hoạt động của sáu thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là tầng ngoài cùng của cơ cấu tâm thức, gọi là thức thường nghiệm tức là những hoạt động nhận thức mà ta có thể kinh nghiệm được bằng giác quan thường nhật. Tầng này được gọi chung là thức. Tầng thứ hai trung gian, như đã biết, gọi là ý, hay là thức thứ bảy. Nó cũng được gọi là thức, vì nhận thức về sự tồn tại của một tự ngã, một cái tôi. Tầng trong cùng, gọi là thức thứ tám, mà nhận thức của nó là duy trì mối quan hệ tồn tại của thân, tâm và thế giới. Hai tầng sau này thuộc về thức siêu nghiệm, tức không thể nhận biết được bằng kinh nghiệm giác quan thường nhật. Chính yếu thường chỉ là dựa trên chính hoạt động của sáu thức tầng ngoài để khám phá ra hai tầng kia.

Đứng trước một cái gì đó mà biết rằng, cái trước mắt mình là một cái cây hay một đóa hoa, nghĩa là đóa hoa xuất hiện trong con mắt rồi cái biết khởi lên, cái biết qua con mắt thì cái biết này gọi là nhãn thức, còn nghe những âm thanh trầm bỗng đô, rê, mi, fa… mà biết âm thanh này cao thấp, hay dỡ thì cái biết qua lỗ tai này gọi là nhĩ thức. Còn cái biết trong cùng như đọc sách mà biết rằng đây là Nguyễn Huệ đánh Nam dẹp Bắc, đây là vua Lê Chiêu Thống chạy trốn sang Tàu, thì đó cũng là cái biết. Cái biết này dựa trên ấn tượng quá khứ; ấn tượng này do từ sách vở gợi lên hay do kinh nghiệm mà mình đã từng trải. Cái biết này không do mắt thấy tai nghe mà là do sự ráp nối của thức bên trong, gọi là ý thức. Tức là qua cái biết của con mắt, của lỗ tai, để lại; tất cả những cái biết này ghi dấu trong tâm, được tích lũylại, rồi dựa trên đó mà ráp lại, thì cái biết đó gọi là cái biết của ý.

Thành ra, cái biết của ý thức phải dựa trên nền tảng, là kinh nghiệm tích lũy; tức dựa trên cái tâm, là thức thứ tám. Nhưng nó cũng phải y trên một cơ quan ráp nối, có thể gọi là trung tâm xử lý dữ liệu, để ráp nối cái này với cái kia. Con bò ráp nối dữ liệu tích lũy theo kiểu nó; con chuột ráp nối cảnh theo cách của nó, để nó nhìn và hiểu thực tại theo cái cách khác nhau của mỗi loài; mặc dù mắt tai mũi lưỡi giống nhau nhưng sự ráp nối khác nhau.

Ta hãy lấy thí dụ về máy vi tính. Các dữ liệu được nhập thông qua bàn phím và con chuột là sáu thức. Chúng được lưu trữ như là các chủng tử được tích chứa trong kho chứa thức thứ tám (thức a-lại-da). Tại đó, chúng được đưa vào trung tâm xử lý để chờ xuất. Trung tâm xử lý dữ liệu đó là thức thứ bảy. Từ đó, cũng thông qua bàn phím và con chuột là sáu thức bên ngoài mà chúng được xuất, để cho ra trên màn hình nhiều thứ khác nhau, tức là toàn thể thế giới, thân và tâm của mọi loại chúng sanh.

Như vậy, ta hãy hỏi thêm lần nữa: thức là gì? Thức là nhận thức, là nhận biết. Ban đầu, chỉ như là sự thấy biết của con mắt: chỉ nhìn và thấy biết, nhưng không phân biệt cái được thấy ấy là gì. Ta thường gọi đó là cái biết trực giác; thuật ngữ Phật học gọi là thức hiện lượng vô phân biệt. Nhưng khi nói: “Tôi biết tôi đang nhìn/ hay đang thấy” thì lúc đó rõ ràng có một cái tôi đang chủ trì sự thấy. Song, tất cả mọi cái thấy và biết đều phải thấy, biết về một cái gì. Con mắt thấy, tất phải có cái gì để mà thấy.

Theo cách hiểu thông thường, cái thấy hay biết nào cũng là sự tích hợp của hai yếu tố: thức và cảnh, tức chủ thể nhận thức và đối tượng tương ứng của nó. Nhưng chúng ta biết rằng, thức không tự biết nó là cái gì cả, như lưỡi dao bén không thể tự cắt đứt chính nó. Chỉ khi nào tự ngã hay cái tôi xuất hiện như là chủ thể nhận thức, bấy giờ thức mới nhận biết được nó và đồng thời đối tượng của nó. Thêm bước nữa, ta cũng không biết cái tôi ấy là gì, tồn tại như thế nào. Nhưng do thấy kết quả, rồi suy luận ra có thức đang thấy, đang biết; từ những kinh nghiệm được tích lũy bởi thức, người ta suy nghĩ ra có cái linh hồn, như là chủ thể của sinh mạng và nhận thức. Thật ra đây là một quá trình, một chuỗi quan hệ.

Cho nên, chúng ta nói rằng có một cái thức để biết, và nghĩ nó là linh hồn, thì thật sự không bao giờ có cái linh hồn thường hằng bất biến như được quan niệm trong nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Ta biết có một cái tôi tồn tại, ấy là do quan hệ; quan hệ giữa trong và ngoài, nội giới và ngoại giới; nói gọn, thức và cảnh, chủ thể và đối tượng của nó. Nhưng nếu chỉ y nơi sự quan hệ của hai cái thôi thì cũng không đủ để hiểu được hoạt động của nhận thức và quá trình hình thành, xuất hiện cái tôi.

Cái mà ta gọi là cái biết thì thực sự ta không biết nó là cái gì cả vì nó vô hình và không bao giờ chúng takinh nghiệm được, mà chỉ biết được qua hành vi của nó. Vậy cái mà chúng ta kinh nghiệm được, nắm bắt cụ thể được như nắm viên bi trong tay, và soi vào trong gương mà thấy được, cái đó gọi là con mắt, tức là căn. Con mắt mà ta thấy được, nắm được, đó là phù trần căn, tức khối thịt và các mô, cùng thủy tinh thể, tạo thành nhãn cầu, con ngươi. Phù trần căn mà hỏng, bấy giờ nhận thức con mắt không thể khởi lên vì khuyết duyên. Phù trần căn chưa hư, sắc ngoại cảnh xuất hiện và được phản chiếu lên đó, thuật ngữ duy thức gọi là đới bỉ tướng. Nhưng phù trần căn thì không bị biến đổi theo cảnh sắc; do đó, đới bỉ tướng là ảnh tượng được ghi dấu lên một loại sắc vi tế, minh tịnh, nhạy cảm, thuật ngữ gọi là tịnh sắc. Chính loại tịnh sắc này mới có thể bị kích thích bởi ngoại cảnh. Như vậy, khi cảnh phản chiếu lên phù trần căn, ghi ấn tượng lên tịnh sắc căn, bấy giờ thức xuất hiện. Không có căn, không có cảnh, thì cũng không có thức.

Căn, cảnh và thức, ba cái hòa hiệp thành một tổ hợp ba, gọi là xúc. Giống như 2 O2 và 1 H liên kếtthành một phân tử nước H2O; Nếu thiếu một nguyên tử, thì cũng không thành phân tử nước được. Từ xúc khởi lên thọ, cảm giác thích ý hay không thích ý. Tiếp theo thọ là tưởng; các ấn tượng nhận thứcđược cấu trúc lại thành khái niệm, thành ý tưởng, làm cơ sở cho tư duy và ngôn ngữ; rồi từ đó khởi lên phán đoán, và nhận thức. Đó là quá trình nhận thức một đối tượng, được phân chia thành nhiều giai đoạn.

Ba cái: căn, cảnh, thức hợp lại, quan hệ tổng hợp với nhau, mới thành ra hiệu quả nhận thức. Khi chúng ta chia ra thì đây là thức, đây là căn, đây là cảnh; còn nếu trong tựthể tồn tại, chúng thảy đều là chủng tử như những dữ liệu được lưu trong bộ nhớ của máy vi tính. Tự bản chất, chúng là những dạng xung điện có và không, 1 và 0, nhưng do kết cấu của hệ thống vi mạch để nhận xung điện; rồi tùy theo lập trình mà chúng được đưa vào bộ vi xử lý để xử lý, cho ra kết quả với nhiều hình thái khác nhau trên màn hình: núi, sông, nhân vật; khóc, cười, yêu, ghét… đủ mọi cảnh đời.

Tất cả đều là do sự ghép nối. Thuật ngữ Phật học gọi sự ghép nối ấy là phân biệt. Đôi khi nói thêm là phân biệt vọng tưởng. Phân biệt, nghĩa là cấu trúc lại thực tại. Như ta gõ bàn phím để nạp dữ liệu, đưa vào xử lý, rồi cho ra kết quả trên màn hình. Trên đó, chỉ là hệ thống kết cấu của những cột đèn vi tính sắp thành hàng ngang và dọc, mà mật độ được tính trên từng phần vuông. Mỗi cọc có ba bóng đèn nhỏ bật sang ba màu căn bản. Tùy theo lệnh từ bàn phím, sau khi đã được xử lý, các dữ liệu được bố trí theo một cấu trúc xác định, theo đó, bóng đèn nào có xung điện để được thắp sáng. Mật độ xung điện có và không tạo thành sự chớp nháy liên tục thay nhau của các bóng đèn, với các màu được thắp sáng pha trộn, phản chiếu lẫn nhau, tạo thành vô số hình ảnh và âm thanh. Như vòng hào quang sau tượng Phật tại các chùa. Do sự chớp nháy liên tục thay nhau của các bóng đèn được bố trí thành vòng tròn, ta thấy vòng hào quang sau tượng Phật đang xoay, mà thực tế thì tất cả đều đứng im tại vị trí cố định của nó.

Như vậy, mối quan hệ kết cấu của căn, cảnh và thức hiện hành từ chủng tử riêng biệt của chúng, hòa hiệp với nhau tạo thành hình ảnh thế giới mà ta thấy, ta nghe, v.v… Thế giới xuất hiện theo sự cấu trúc của căn, cảnh thức ấy là thế giới tồn tại do bởi phân biệt. Tất cả tồn tại do phân biệt kết cấu đều có thể nói là vọng tưởng, vì nó không phản ảnh trung thực tồn tại, nó như là nó.

Chúng ta học để hiểu được bản chất của thực tại cũng giống như người kỹ sư hiểu rõ cấu tạo của vi tính, cơ bản là hiểu rõ, trong một giới hạn nào đó, quy luật vật lý, nguyên tắc nhị phân, nguyên tắc xung điện như thế nào… thì có thể xử lý công việc theo ý của mình. Đó là do trình độ hiểu biết những nguyên tắc của tồn tại, của quan hệ các hình ảnh như quan hệ của ánh sáng với những xung điện.

Tóm lại, nếu nhận thức được thực tại, thấy được thực tại, hiểu rõ được chân lý thì có thể biến đổi đượcthế gian này, làm cho nó tồn tại hay làm cho nó hủy diệt; đó chính là nói rằng Ma hay Phật cũng đều do tâm, ba cõi duy chỉ một tâm, là nói theo ý nghĩa này.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Tuyên ngôn về một nền khoa học Hậu duy vật


“Sự chuyển đổi từ Khoa học Duy vật sang Khoa học Hậu duy vật có thể có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nó có thể còn quan trọng hơn sự chuyển đổi từ thuyết địa tâm sang thuyết nhật tâm.”
Từ “khoa học” (Science) bắt nguồn từ trong chữ La tinh, nghĩa nguyên gốc là “học vấn”, căn bản là chuyện khác với chân lý. Nói rộng ra, khoa học chính là không ngừng tìm kiếm những phương pháp để tiếp cận với quy luật của vũ trụ và thể hệ kiến thức được hình thành từ đó. Khoa học hiện đại là một bộ những hệ thống và thể hệ tri thức, dùng hình thức logic và phương pháp chứng thực làm cơ sở để nhận thức và tìm kiếm quy luật của thế giới vật chất, ở đây chúng ta gọi nó là khoa học thực chứng.

Nền khoa học hiện đại đương thời được coi là bắt đầu hình thành từ thế kỷ 16, với sự kiện Nicolaus Copernicus đưa ra lý thuyết rằng Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ (chứ không phải Trái Đất), trái ngược hoàn toàn với giáo lý của Giáo hội lúc bấy giờ.

Trải qua hơn 4 thế kỷ, khoa học hiện đại đã có những bước phát triển lớn, có thể kể ra như: giải mã được bản đồ gen người, chế tạo ra robot có trí tuệ nhân tạo đánh bại được kiện tướng cờ vua và cờ vây, tạo ra các vật liệu carbon nhẹ hơn và cứng hơn thép gấp nhiều lần, phát hiện ra sóng hấp dẫn từ vũ trụ cách đây hơn 1,3 tỷ năm, chế tạo ra máy tính lượng tử…

Nền Khoa học Duy vật
Cơ sở triết học của khoa học hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây đã phân chia thế giới hoàn chỉnh thành hai phạm trù độc lập: vật chất và tinh thần, do đó quan niệm về tự nhiên được thiết lập đã phân tách con người và tự nhiên, con người và thế giới, tâm và vật. Khởi đầu từ thế kỷ 19, hệ tư tưởng của chủ nghĩa duy vật khoa học đã thống trị trong giới học thuật trong thế kỷ 20. Sự thống trị này thể hiện rằng đa số các nhà khoa học bắt đầu tin rằng khoa học duy vật dựa trên các bằng chứng thực nghiệm đã được xác minh là đại diện cho quan điểm hợp lý duy nhất về thế giới.

Tuy vậy, mặc dù đã đạt được những thành tựu vô cùng lớn, khoa học duy vật hiện đại vẫn không thể giải thích được một các thấu đáo vô số vấn đề xung quanh chúng ta, như: nguồn gốc của các hoạt động tinh thần, mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, nguồn gốc của vụ trụ và Trái Đất, hiện tượng luân hồi – chuyển sinh, vì sao môi trường sống ngày càng bị hủy hoại mặc dù khoa học và công nghệ đang phát triển, sự tồn tại và xác suất của cái gọi là “tự nhiên”…

Ngày nay, có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới tin rằng, đã đến lúc loài người cần phát triển một nền khoa học khác so với nền Khoa học Duy vật, họ gọi đó là Khoa học Hậu Duy vật. Tháng 2/2014, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tham gia hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khoa học hậu duy vật (post-materialist science). Kết thúc hội nghị, các nhà khoa học đã công bố Tuyên ngôn về Khoa học Hậu duy vật(Manifesto for a Post-Materialist Science). Tuyên ngôn này đã được soạn bởi 8 nhà khoa học – những học giả có uy tín và nổi tiếng và nó cũng đã được công nhận và ký bởi hơn 300 nhà khoa học uy tín khác trên thế giới. Dưới đây là nguyên văn của tuyên ngôn này:
Tuyên ngôn về Khoa học Hậu duy vật
Chúng tôi là một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau (sinh học, khoa học thần kinh, tâm lý học, y học, tâm thần học), tham gia hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khoa học hậu duy vật, tâm linh và xã hội. Hội nghị thượng đỉnh được đồng tổ chức bởi Tiến sĩ Gary E. Schwartz, Tiến sĩ Mario Beauregard, Đại học Arizona, và Tiến sĩ Lisa Miller, Đại học Columbia. Hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức tại Canyon Ranch, Tucson, Arizona, Hoa Kỳ vào ngày 7-9/2/2014.

Mục đích của chúng tôi là thảo luận về tác động của hệ tư tưởng duy vật trong khoa học (materialist ideology on science) và sự xuất hiện của mô hình hậu duy vật (post-materialist paradigm) cho khoa học, tâm linh và xã hội. Chúng tôi đã đi đến các kết luận sau:

1. Thế giới quan của khoa học hiện đại chủ yếu dựa trên các giả định có liên quan chặt chẽ với vật lý cổ điển. Chủ nghĩa Duy vật (materialism) – quan niệm rằng vật chất là thực tại duy nhất – là một trong những giả định này. Một giả định liên quan là giản hóa luận (reductionism), quan niệm rằng có thể hiểu những điều phức tạp bằng cách đơn giản hóa chúng thành tương tác của các bộ phận, hoặc với những thứ đơn giản hoặc cơ bản hơn như các hạt vật chất nhỏ.

2. Trong thế kỷ 19, những giả định này thu hẹp lại, biến thành các giáo điều, và kết hợp thành một hệ thống niềm tin tư tưởng được gọi là “chủ nghĩa duy vật khoa học” (scientific materialism). Hệ thống niềm tin này cho rằng tinh thần không là gì ngoài hoạt động thể chất của bộ não, và rằng những suy nghĩ của chúng ta không thể tác động gì đến bộ não và cơ thể, đến hành động của chúng ta và thế giới vật chất.

3. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa duy vật khoa học đã trở thành sự thống trị trong giới học thuật thế kỷ 20. Sự thống trị này mạnh đến nỗi đa số các nhà khoa học bắt đầu tin rằng khoa học duy vật đã dựa trên các bằng chứng thực nghiệm, và đại diện cho quan điểm hợp lý duy nhất về thế giới.

4. Các phương pháp khoa học dựa trên triết học duy vật đã thành công cao trong việc không chỉ nâng cao hiểu biết của chúng ta về tự nhiên mà còn mang lại sự kiểm soát và tự do lớn hơn thông qua những tiến bộ trong công nghệ.

5. Tuy nhiên, sự thống trị gần như tuyệt đối của chủ nghĩa duy vật trong thế giới học thuật đã hạn chế các môn khoa học và cản trở sự phát triển của nghiên cứu khoa học về tinh thần và tâm linh. Niềm tin vào hệ tư tưởng này, như là một cái khung độc nhất giải thích về thực tại, đã buộc các nhà khoa học bỏ qua chiều trải nghiệm chủ quan của con người. Điều này đã dẫn đến sự bóp méo nghiêm trọng và làm nghèo nàn hiểu biết của chúng ta về bản thân và vị trí của con người trong tự nhiên.

6. Khoa học, trước nhất, là một phương pháp không giáo điều, cởi mở để thu nhận kiến thức về tự nhiên – qua quan sát, khảo sát thực nghiệm và đưa ra giải thích lý thuyết về hiện tượng. Phương pháp luận của nó không đồng nghĩa với chủ nghĩa duy vật và không nên gắn với bất kỳ niềm tin, giáo điều hay ý thức hệ nào.

7. Vào cuối thế kỷ 19, các nhà vật lý đã khám phá ra các hiện tượng thực nghiệm mà vật lý cổ điển không thể giải thích. Điều này dẫn đến sự phát triển của một ngành vật lý mới mang tính cách mạng được gọi là cơ học lượng tử trong những năm 1920 và đầu những năm 1930. Cơ học lượng tử đã đặt câu hỏi về cơ sở vật chất của thế giới bằng cách chỉ ra rằng các nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử không thực sự là các vật thể rắn – chúng không tồn tại chắc chắn ở những vị trí không gian xác định và thời gian xác định. Quan trọng nhất, cơ học lượng tử đã đưa tinh thần vào cấu trúc mang tính khái niệm cơ bản, vì người ta đã phát hiện rằng các vi hạt được quan sát và người quan sát – nhà vật lý và phương pháp được sử dụng để quan sát – có liên hệ với nhau. Theo một giải thích của cơ học lượng tử, hiện tượng này cho thấy ý thức của người quan sát là rất quan trọng cho sự tồn tại của các sự kiện vật lý được quan sát, và các sự kiện tinh thần có thể ảnh hưởng đến thế giới vật chất. Kết quả của các thí nghiệm gần đây đã ủng hộ giải thích này. Những kết quả này cho thấy rằng thế giới vật chất không còn là thành phần chính hoặc duy nhất của thực tại, và nó không thể được hiểu đầy đủ mà không tham chiếu đến ý thức.

8. Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, hoạt động tinh thần có ý thức có thể ảnh hưởng đến hành vi; ngoài ra, sự giải thích và giá trị dự đoán của các yếu tố chủ đạo (như niềm tin, mục đích, mong muốn và kỳ vọng) là rất cao. Hơn nữa, theo nghiên cứu trong bộ môn psychoneuroimmunology (tạm dịch: tâm lý – thần kinh – miễn dịch học), những suy nghĩ và cảm xúc có thể ảnh hưởng rõ rệt đến hành vi của hệ thống sinh lý kết nối đến bộ não (ví dụ: miễn dịch, nội tiết, tim mạch). Ở các khía cạnh khác, các nghiên cứu hoạt động của thần kinh (neuroimaging) về tự điều chỉnh cảm xúc, tâm lý trị liệu và hiệu ứng giả dược, chứng minh rằng các sự kiện tâm thần ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của não bộ.

9. Các nghiên cứu về cái gọi là “hiện tượng cận tâm lý” (psi) chỉ ra rằng đôi khi chúng ta có thể nhận được các thông tin có ý nghĩa mà không thông qua giác quan thông thường, và vượt qua các hạn chế về thời gian và không gian hiện hữu. Hơn nữa, các nghiên cứu cận tâm lý chứng minh rằng về mặt tâm thần, chúng ta có thể làm ảnh hưởng từ xa lên các thiết bị vật lý và các tổ chức sống (bao gồm cả con người). Nghiên cứu cận tâm lý cũng cho thấy rằng tinh thần của những người ở xa nhau vẫn có thể tương quan một cách vô định xứ (nonlocal), tức là sự tương quan giữa ý thức từ xa được giả thiết là không có trung gian (chúng không liên kết với bất kỳ tín hiệu năng lượng nào đã biết), không bị suy giảm (chúng không suy giảm khi khoảng cách tăng), và ngay lập tức (chúng xuất hiện đồng thời). Những sự kiện này phổ biến đến nỗi chúng không thể được coi là dị thường hay ngoại lệ đối với các định luật tự nhiên, mà cho thấy cần có một khung giải thích rộng hơn chủ nghĩa duy vật.

10. Người ta có thể trải nghiệm hoạt động tâm thần có ý thức trong cái chết lâm sàng khi tim ngừng đập (đây là cái được gọi là “trải nghiệm cận tử“). Một số người từng có trải nghiệm cận tử đã báo cáo về sự nhận thức ngoài-cơ-thể (ví dụ, nhận thức có thể được chứng minh trùng với thực tế) xảy ra trong khi tim ngừng hoạt động. Người có trải nghiệm cận tử cũng báo cáo những kinh nghiệm tâm linh sâu sắc trong thời gian trải nghiệm cận tử sau khi tim ngừng đập. Đáng chú ý là khi tim ngừng đập, hoạt động điện của não đã ngừng hẳn chỉ sau đó vài giây.

11. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm được kiểm soát đã ghi nhận rằng những nhà ngoại cảm dày dặn (người tuyên bố có thể giao tiếp với ý thức của những người đã khuất) đôi khi có thể lấy được thông tin chính xác cao về những người đã qua đời. Điều này tiếp tục hỗ trợ kết luận rằng ý thức có thể tồn tại độc lập với não bộ.

12. Một số nhà khoa học và triết học có khuynh hướng duy vật từ ​​chối thừa nhận những hiện tượng này bởi vì chúng không nhất quán với quan niệm cố hữu của họ về thế giới. Từ chối việc tìm hiểu hậu duy vật về tự nhiên, hoặc từ chối công bố những phát hiện khoa học hỗ trợ mạnh mẽ một khung nhận thức hậu duy vật, là phản đối tinh thần thực sự của nghiên cứu khoa học, trong đó dữ liệu thực nghiệm luôn cần được xử lý thỏa đáng. Dữ liệu không phù hợp với lý thuyết và niềm tin ưa thích không thể bị loại bỏ theo kiểu tiên nghiệm (suy diễn). Sự loại bỏ này là xuất phát từ hệ tư tưởng, chứ không phải khoa học.

13. Điều quan trọng là nhận ra rằng hiện tượng cận tâm lý (spi), trải nghiệm cận tử khi tim ngừng đập, và các chứng cứ lặp lại từ những nhà nghiên cứu có uy tín, chỉ trở nên bất thường khi bị nhìn qua thấu kính duy vật.

14. Hơn nữa, lý thuyết duy vật không thể làm sáng tỏ cách bộ não tạo ra ý thức, và chúng không thể giải thích các bằng chứng thực nghiệm đề cập đến trong bản tuyên ngôn này. Thất bại này cho chúng ta biết rằng bây giờ là lúc chúng ta giải thoát khỏi xiềng xích và sự mù quáng của tư tưởng duy vật cũ kỹ, để mở rộng khái niệm về thế giới tự nhiên của chúng ta, và đi theo mô hình hậu duy vật.

15. Theo mô hình hậu duy vật:

a) Ý thức đại diện cho một khía cạnh của thực tại và nó cũng căn bản như thế giới vật chất. Ý thức là nền tảng trong vũ trụ, tức là nó không thể bắt nguồn từ vật chất và giảm xuống bất cứ điều gì cơ bản hơn.

b) Có sự liên kết sâu sắc giữa tâm trí và thế giới vật chất.

c) Ý thức (ý chí/ ý định) có thể ảnh hưởng đến trạng thái của thế giới vật chất, và vận hành theo kiểu không xác định vị trí (hoặc mở rộng), nghĩa là nó không bị giới hạn ở các điểm cụ thể trong không gian, chẳng hạn như bộ não và cơ thể, cũng như các điểm cụ thể thời gian, chẳng hạn như hiện tại. Vì ý thức có thể ảnh hưởng theo cách phi định xứ (nonlocally) đến thế giới vật chất, ý định, cảm xúc và mong muốn của một người thực hiện thí nghiệm có thể không hoàn toàn cách ly với kết quả thí nghiệm, ngay cả trong các thí nghiệm được kiểm soát và giấu kín (blinded experiment).

d) Ý thức dường như không bị ràng buộc, và có thể kết hợp thành một thể hợp nhất – Một Ý thức bao gồm ý thức đơn lẻ của tất cả các cá nhân.

e) Các trải nghiệm cận tử khi tim ngừng hoạt động cho thấy bộ não vận hành như một bộ thu phát các hoạt động tâm thần, tức là ý thức có thể hoạt động thông qua não, nhưng không được tạo ra bởi não. Trải nghiệm cận tử xảy ra khi tim ngừng hoạt động, kết hợp với bằng chứng từ các nhà ngoại cảm, tiếp tục cho thấy sự tồn tại của ý thức sau cái chết của cơ thể, và sự tồn tại của các cảnh giới thực tại (reality level) khác không phải vật lý.

f) Các nhà khoa học không nên e ngại các điều tra tâm linh và trải nghiệm tâm linh vì chúng đại diện cho một khía cạnh trung tâm của sự tồn tại của con người.

16. Khoa học hậu duy vật không từ chối các quan sát thực nghiệm và giá trị lớn của những thành tựu khoa học đạt được cho đến bây giờ. Nó tìm cách mở rộng khả năng của con người để hiểu rõ hơn về những điều kỳ diệu của tự nhiên, và nó đang trong quá trình tái khám phá tầm quan trọng của tâm trí và tinh thần như là một phần kết cấu cơ bản của vũ trụ. Hậu duy vật cũng bao gồm vật chất, thứ được xem như là một thành phần cơ bản của vũ trụ.

17. Mô hình hậu duy vật có những hàm nghĩa sâu rộng. Nó làm thay đổi cơ bản tầm nhìn của chúng ta về bản thân, lấy lại cho chúng ta phẩm giá và sức mạnh, như những con người và như các nhà khoa học. Mô hình này nuôi dưỡng những giá trị tích cực như sự từ bi, tôn trọng và hòa bình. Bằng cách nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa bản thân chúng ta và thiên nhiên, mô hình hậu duy vật cũng thúc đẩy nhận thức về môi trường và bảo tồn sinh quyển của chúng ta. Thêm nữa, nó cũng không phải là điều gì mới, mà chỉ bị lãng quên trong 400 năm, rằng sự hiểu biết về vật chất sinh mệnh (lived transmaterial) có thể là nền tảng của sức khỏe và thể chất, vì nó đã được tạo dựng và bảo tồn trong các phương pháp tập luyện tâm trí – thân thể – tinh thần, các truyền thống tôn giáo và các phương pháp tu hành.

18. Sự chuyển đổi từ khoa học duy vật sang khoa học hậu duy vật có thể mang tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nó có thể còn quan trọng hơn sự chuyển đổi từ thuyết địa tâm (trái đất là trung tâm) sang thuyết nhật tâm (mặt trời là trung tâm).

Bản tuyên ngôn cho khoa học hậu duy vật được soạn bởi Tiến sĩ Mario Beauregard (Đại học Arizona), Tiến sĩ Gary E. Schwartz (Đại học Arizona), và Tiến sĩ Lisa Miller (Đại học Columbia), phối hợp với Bác sĩ Larry Dossey, Bác sĩ, Tiến sĩ Alexander Moreira-Almeida, Tiến sĩ Marilyn Schlitz, Tiến sĩ Rupert Sheldrake, và Tiến sĩ Charles Tart.

Ngoài ra, tuyên ngôn được công nhận và ký bởi 300 nhà khoa học uy tín khác trên thế giới. Chi tiết xem tại đây.

Theo opensciences.org,
Thiện Tâm biên dịch

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Khoa học có thể chứng minh Thần tồn tại không? P1: Thí nghiệm G.O.D



Nhiều người tin rằng vũ trụ cũng như vạn sự vạn vật trong vũ trụ được hình thành một cách ngẫu nhiên với một xác suất nào đó. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học uy tín lại không lại cho rằng vũ trụ không hình thành ngẫu nhiên, mà được tạo ra bởi một sinh mệnh có trí huệ vĩ đại, toàn năng và siêu việt hết thảy – Thiên Chúa – Sáng thế chủ vĩ đại của vũ trụ. Không chỉ dừng lại ở đức tin, nhiều nhà khoa học hiện nay đã chứng minh sự tồn tại của trí huệ vĩ đại này bằng những thí nghiệm khoa học hết sức thực tại.

Gary E. Schwartz là một cái tên nổi tiếng trong giới nghiên cứu về các hiện tượng siêu thường. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard và là giáo sư tâm thần học và tâm lý học tại Đại học Yale, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Tâm lý học Yale và đồng giám đốc của Phòng khám Y học Hành vi Yale từ năm 1976-1988. Ông hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm vì những tiến bộ về ý thức và sức khỏe (LACH) tại Đại học Arizona.

Gary là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như “Các thí nghiệm [về cuộc sống] sau khi chết”, “Các thí nghiệm về chữa bệnh bằng năng lượng”, “Đồng phương tương tính và Một Tâm trí”, “Các thí nghiệm về Thiên Chúa”… Ông cũng nằm trong danh sách các nhà khoa học đã soạn thảo Tuyên ngôn về một nền Khoa học hậu duy vật.Gary E. Schwartz và cuốn sách Các thí nghiệm về Thiên Chúa (nguồn: Internet)

Trong cuốn sách “Các thí nghiệm về Thiên Chúa – The G.O.D Experiments”, Gary và đồng tác giả Bill Simon có cách tiếp cận rất khác khi giải thích Thiên Chúa. Vì có nhiều nhà khoa học không muốn đề cập đến từ Thiên Chúa theo diễn giải truyền thống của tôn giáo xưa nay, nên từ Thiên Chúa – God – được Gary diễn giải riêng trong cuốn sách theo cách của ông là “quá trình G.O.D” – G.O.D process: Guiding – Organizing – Designing process – tức là quá trình Hướng dẫn – Tổ chức – Thiết kế.

Gary tin rằng khoa học thực sự có thể đưa chúng ta đến với Thiên Chúa không chỉ đơn thuần về mặt lý thuyết mà còn về mặt thực nghiệm. Ông nói: “Hãy tưởng tượng rằng khoa học có thể giúp chúng ta khám phá cách một quá trình G.O.D. hoạt động không chỉ trong việc tạo ra và tiến hóa của các phân tử, sinh vật, hành tinh, ngôi sao và thiên hà, mà còn trong sự biểu hiện của các mối quan hệ cá nhân quan trọng nhất của chúng ta. Hãy tưởng tượng rằng khái niệm Thiên Chúa theo nền tảng khoa học này (science-based G.O.D.) đang ở cùng với bạn khi bạn đọc cuốn sách này, đóng một vai trò phía sau hậu trường trong những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc nhất của bạn.” [1]
Vũ trụ không thể xuất hiện ngẫu nhiên

Gary rất thích những bức tranh cát được tạo ra bởi người dân da đỏ. Để tạo ra các bức tranh này, các nghệ nhân cần chuẩn bị nguyên liệu màu vẽ – các hạt cát được nghiền ra từ đá tự nhiên nhiều màu sắc ở Mỹ, sau đó phác thảo bức tranh trên giấy bằng bút chì, bôi một lớp keo dính lên các hình vẽ, rắc các hạt cát nhiều màu lên các chỗ đã được bôi keo để “tô màu” cho bức tranh theo ý muốn.Các nghệ dân da đỏ đang tạo ra các bức tranh cát từ những hạt cát nhiều màu (nguồn: pinimg.com)

Gary cho rằng vạn nếu vũ trụ và vạn sự vật được tạo ra bởi tự sự ngẫu nhiên và với một xác suất nào đó thì giống như việc chúng ta thí nghiệm bằng cách cho cát vào trong một cái chảo lớn rồi lắc nó thật nhiều, sớm hay muộn thì việc lắc này sẽ tạo ra một bức tranh cát có ý nghĩa. Hay cũng tương tự, nếu vũ trụ được tạo ra bởi sự ngẫu nhiên với một xác suất thì các con sóng đánh vào bờ hay các cơn gió thổi cát bay trong ở sa mạc cũng có thể tạo ra các bức tranh có ý nghĩa trên cát với một xác suất nào đó.

Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có thể thấy các bức tranh cát của người dân da đỏ có thể được tạo ra bởi việc lắc các hạt cát trong một cái chảo lớn hay thấy các bức tranh có ý nghĩa được tạo ra một cách tự nhiên trên bãi biển hoặc trên sa mạc. Điều này chứng tỏ rằng vũ trụ và vạn vật không thể tạo ra một cách ngẫu nhiên theo một xác suất nào đó.

“Nếu xác suất [ngẫu nhiên] không thể tạo ra những bức tranh cát đơn giản, thì làm sao xác suất có thể tạo ra cả một vũ trụ được tổ chức và có tiến hoá?… Nếu bạn tình cờ bắt gặp một bức tranh cát nhiều màu, chi tiết tương tự như bức tranh cát mà tôi đã mua rất nhiều năm trước trong một cửa hàng, bạn sẽ biết chắc chắn rằng có một quá trình Hướng dẫn – Tổ chức – Thiết kế. (G.O.D process) – hay một trí tuệ cấp cao nào đó – như một nghệ nhân da đỏ – được đặt ở đó”, Gary lập luận.
10 ngày thí nghiệm cùng Thám tử Giấc mơ

Tháng 4/2001, Gary nhận được cuộc gọi từ một người Anh có tên là Christopher Robinson.

Christopher Robinson (còn gọi là Chris) là một người kỳ lạ, ông có những giấc mơ tiên tri sau một trải nghiệm cận tử vào năm 1988. Các giấc mơ của ông luôn chỉ cho ông biết trước rằng ông sẽ làm gì, gặp ai hoặc điều gì sẽ xảy ra, kể cả một vụ án ở một khu vực nào đó trong tương lai với tỷ lệ chính xác 100%. Điều này khiến cho Chris có thể giúp cảnh sát Anh truy bắt được rất nhiều tội phạm quan trọng nhờ những chi tiết thấy được trong các giấc mơ tiên tri về các vụ án. Vì vậy, Chris được gọi là Thám tử Giấc mơ (Dream Detective).Christopher Robinson và cuốn sách Thám tử Giấc mơ (nguồn: Amazon và psychicworld.net)

Chris muốn bay từ Anh sang Arizona để Gary có thể làm thí nghiệm về những trải nghiệm của mình. Thoạt đầu, Gary không tin những điều này, nhưng sau khi đọc cuốn sách Thám tử Giấc mơ mà Chris gửi, đồng thời được biết rằng Chris muốn tự bỏ tiền túi của mình cho vé máy bay và chi phí ăn ở và trao đổi với Chris qua điện thoại, Gary thực sự hy vọng rằng hợp tác giữa ông và Chris sẽ là thí nghiệm đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử cận tâm lý học đương đại, thậm chí là trong khoa học nói chung.
Thiết kế thí nghiệm

Là một giáo sư Đại học, Gary thiết kế thí nghiệm rất nghiêm ngặt theo phương pháp khoa học:

Đầu tháng 8/2001, Chris bay đến từ nước Anh, ở trong một khách sạn ở Tucson, Arizona. Trước khi Chris đến, Gary chọn 20 địa điểm khác nhau của vùng phía nam bang Arizona. 10 trong 20 địa điểm này sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên cho thí nghiệm. Gary viết tên 20 địa điểm ra giấy và cho mỗi tờ giấy ghi địa điểm vào một phong bì, niêm phong lại. Sau đó ông xáo trộn thứ tự các phong bì, cho vào 1 gói hàng rồi gửi tất cả đến Bill Simon (đồng tác giả của cuốn sách) ở phía nam bang California. Bill nhận được gói hàng gồm có 20 phong bì, ông đưa cho một người thứ 3 (Gary không biết họ là ai).

Người thứ 3 mở gói hàng, xáo trộn thứ tự các phong bì vẫn còn niêm phong, sau đó đánh số thứ tự các các phong bì từ 1 đến 20 ở ngoài vỏ phong bì, rồi đưa lại cho Bill. Sự việc này được ghi hình lại bằng video camera.

Trong 3 tháng 5, 6, 7 trước khi đến Mỹ và mỗi đêm ở khách sạn tại Mỹ, Chris được yêu cầu mơ về 10 địa điểm mà ông sẽ tới cùng Gary trong 10 ngày liên tục mà ông không biết trước tên địa điểm, ghi lại các đặc điểm của địa điểm và các sự việc liên quan vào cuốn nhật ký giấc mơ. Việc này được ghi hình bằng video camera.

Cứ đầu mỗi buổi sáng trong 10 ngày thí nghiệm, Gary đến phòng khách sạn nơi Chris ở, Chris sẽ nói cho ông biết những đặc điểm hoặc những sự việc sẽ xảy ra tại địa điểm mà hai người sẽ ghé thăm hôm đó. Ngay sau đó, Gary gọi điện thoại cho Bill, yêu cầu người thứ 3 bóc các phong bì đã đánh thứ tự từ 1 đến 10 tương ứng với ngày thí nghiệm và đọc cho ông biết tên địa điểm ông và Chris sẽ phải đến trong ngày hôm đó. Sự việc này được ghi hình lại bằng video camera.

Sau đó, Gary và Chris sẽ cùng nhau đến địa điểm được thông báo bởi Bill để xác định những đặc điểm, sự việc mà Chris mơ thấy và ghi lại trong nhật ký đó có đúng với những gì diễn ra trong thực tế hay không. Thật là kỳ lạ, tất cả những đặc điểm và sự việc diễn ra tại địa điểm mà Chris mơ thấy trước và ghi chép lại đều tồn tại và trùng khớp với các đặc điểm và sự việc mà Gary và Chris nhìn thấy khi ghé thăm 10 địa điểm trong 10 ngày thí nghiệm. Toàn bộ sự việc này cũng được ghi hình lại bằng video camera. Ví dụ:
Ngày thứ nhất của thí nghiệm

Ngày thí nghiệm thứ nhất, 2/8/2001, Chris nói rằng địa điểm hai người hôm đó sẽ đến mà ông mơ được có “rất nhiều hố, những cái hố xuyên xuống lòng đất và một cái vũng nước cạn khô”. Trong thực tế, địa điểm mà họ đến thăm (được người thứ 3 lựa chọn) là Bảo tàng sa mạc Sonora tại Tucson, Arizona. Ở đó có rất nhiều hố lớn bao gồm hang động do con người và do các loài động vật như chó thảo nguyên tạo ra. Bản thân bảo tàng nằm trên một vũng biển lớn đã cạn khô từ lâu. Những điều này trùng khớp với mô tả về giấc mơ của Chris (xem chi tiết ở video cuối bài).Tại bảo tàng sa mạc Sonora tại Tucson, có vô số hang do các con chó thảo nguyên (prairie dog) tạo nên (Ảnh: Shutterstock)
Ngày thứ tư của thí nghiệm

Vào ngày 4, Christopher nói rằng các chủ đề chính trong giấc mơ của ông là “mặt trời, các tấm gương, màn hình LCD, kính viễn vọng, giá gắn ống kính, máy bay, nhà chứa máy bay, một cánh quạt.”

Địa điểm của ngày hôm đó là Đài quan sát thiên văn quốc gia nằm trên đỉnh núi và chứa chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới được ghép bởi những tấm gương lớn, có thể quan sát mặt trời, các màn hình LCD lớn để giám sát và điều khiển chiếc gương. Khi quay trở về, họ dừng chân ở một địa điểm duy nhất trên đường đi – một sân bay, ở đó họ thấy các máy bay, nhà chứa máy bay và một quán ăn trong sân bay được trang trí bởi một chiếc cánh quạt lớn ở đằng trước. Tất cả đều trùng khớp với giấc mơ mà Chris đã tiên đoán (xem chi tiết ở video cuối bài).Đài quan sát thiên văn quốc gia (Kitt Peak National Observatory) là địa điểm của thí nghiệm thứ 4 (ảnh: sciencespring)

Gary chấn động vì kết quả thí nghiệm từ những ngày đầu tiên, ông cho biết: “Những phát hiện được từ thí nghiệm mười ngày này là những điều phi thường. Kết quả mỗi ngày chứng tỏ sự phi thường, nhưng có một số ngày còn vượt xa so với những điều phi thường.”
Ngày thứ chín của thí nghiệm

Ngày thứ 9, Chris mơ thấy chiếc đồng hồ tính thời gian gửi xe tự động, rất nhiều ăng-ten chảo vệ tinh, những chiếc máy bay trông giống như những mũi tên, 3 người đàn ông lái xe rời sân bay, và một vụ giết người lúc cuối ngày tại vị trí không xa nơi họ ghé thăm, nạn nhân là một phụ nữ.

Trong thực tế, ngày hôm đó, địa điểm được lựa chọn là trung tâm thành phố Tucson, nơi đó Gary phải gửi xe và cho tiền xu vào chiếc đồng hồ tính thời gian tự động, họ cũng gặp một toà nhà lớn có rất nhiều ăng-ten vệ tinh. Sau đó chính Gary và Chris cùng ra sân bay quân sự nơi có những chiếc máy bay phản lực hình dáng giống như những mũi tên để đón Bill Simon đến từ California và 3 người lái xe rời sân bay. Sáng hôm sau, tờ báo Tucson Citizen đăng tin một người phụ nữ 74 tuổi bị đã bị giết tại địa điểm cách nơi Chris và Gary có mặt khoảng 3km vào chiều hôm trước. Thông tin từ giấc mơ tiên tri của Chris hoàn toàn khớp với thực tế.

Kết luận?

Kết quả 10 ngày thí nghiệm quả thực gây sốc cho Gary và Bill, nó vượt quá tưởng tượng của các nhà khoa học này.


Gary kết luận rằng rõ ràng có một sức mạnh và trí thông minh siêu thường và vô hình trong vũ trụ đã sắp xếp toàn bộ 10 ngày thí nghiệm tưởng như ngẫu nhiên của ông theo một lịch trình rất tinh tế.

Ngay từ việc xáo trộn các phong bì thư, lấy ra các địa điểm ngẫu nhiên cũng như lịch trình của các cá nhân tham gia thí nghiệm cũng đã được sức mạnh và trí thông minh siêu thường kia sắp xếp một cách hài hoà.

Gary cho biết, ngay từ đầu thí nghiệm, Chris đã khẳng định với ông rằng: “Thí nghiệm này không chỉ liên quan đến việc tiên tri về tương lai, mà nó còn có khả năng tiết lộ sự tồn tại của một trí thông minh và sức mạnh phi thường vô hình trong vũ trụ, đóng vai trò cơ bản trong cuộc sống của chúng ta.”

Kết luận thí nghiệm này, Gary thốt lên: “Thực tế, các bằng chứng của thí nghiệm đã ngụ ý mạnh mẽ rằng quá trình siêu thông minh [G.O.D process] này đã đóng vai trò hướng dẫn có chủ ý trong việc thiết kế và thực hiện thí nghiệm trong 10 ngày.”

Gary cũng chỉ ra rằng, các bằng chứng của thí nghiệm đã chỉ ra sự tồn tại của một quá trình G.O.D thông minh đang chi phối sự hình thành, vận hành của mọi vật trong vũ trụ cũng như đời sống của mỗi cá nhân. Hay nói một cách khác, vũ trụ không hình thành ngẫu nhiên, Thiên Chúa thực sự tồn tại và là thực thể sản sinh, thiết kế, hướng dẫn, tổ chức vạn sự vạn vật trong vũ trụ này.

“Thí nghiệm Thiên Chúa” của Gary và Chris có ý nghĩa gì?

Trong các pháp môn tu luyện phương Đông, khả năng tiên tri của Chris có thể được coi như một phần của công năng đặc dị “túc mệnh thông”. Những người có công năng túc mệnh thông được coi là có khả năng nhìn ngược về quá khứ và nhìn trước tương lai với mức chuẩn xác và chi tiết phi thường.

Người Trung Hoa có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh.” Các pháp môn tu luyện cũng như văn hoá truyền thống phương Đông cũng cho rằng mỗi người đều tồn tại số mệnh của mình, đường đời của mỗi người cũng như mọi sự việc trong vũ trụ đều được Thần – các sinh mệnh cao cấp – an bài, mọi việc đều có nhân duyên, không có điều gì là ngẫu nhiên.

Như vậy, các thí nghiệm mang tính khoa học của Gary E. Schwartz và Christopher Robinson trình bày bên trên là dẫn chứng khẳng định rằng những quan điểm của các pháp môn tu luyện và văn hoá truyền thống phương Đông nêu trên là hoàn toàn chính xác.