Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Đức Long Gia Lai cãi chày cãi cối với báo cáo sai lệch

Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A báo cáo sai lệch thực tếThứ tư, 05/06/2013, 06:36 (GMT+7)
2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên sông Đồng Nai đã âm ỉ từ lâu bởi tính hiệu quả và tác động môi trường khôn lường. Để làm rõ số liệu về sự tác động nhiều mặt khi triển khai 2 dự án này - mà Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đơn vị xin lập dự án đầu tư báo cáo, PV Báo SGGP đã đi thực tế khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng).
Bảng xác định vùng lõi VQG Cát Tiên.
Báo cáo một đường, thực tế một nẻo
Mặc dù đến lần thứ 3 Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long) lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt nhưng vẫn có những sai biệt không thể chấp nhận được. Cụ thể, báo cáo nêu: “Vị trí hai bậc thang thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm ở rìa phía Bắc khu Cát Lộc của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu phụ trợ phục vụ thi công đều nằm ngoài phạm vi VQG Cát Tiên, thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyền Đồng Nai…”. Trên thực tế lại hoàn toàn khác.
Từ thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) men theo những triền dốc trơn trượt, rồi băng qua những vạt rẫy, chúng tôi đến một cánh rừng tiếp giáp với vùng lõi của VQG Cát Tiên. Xe địa hình (xe gắn máy bọc xích 2 bánh) không thể đi tiếp vì đường dốc đứng, lầy lội, nhiều cây rừng rậm rạp chắn lối. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa, VQG Cát Tiên Nguyễn Trọng Hiếu quyết định: “Bỏ xe lại, cắt rừng”. Theo anh Hiếu, để đến được vị trí dự kiến xây dựng đập và nhà máy của thủy điện Đồng Nai 6 phải mất 1 giờ băng rừng, trượt dốc.
Rừng âm u, ướt sũng, dốc thẳng đứng phủ lá cây rừng không phân biệt được đâu là lối mòn, đâu là hố sâu trước mặt. Dò từng bước chân, nắm chặt nhánh cây rừng, chúng tôi bám theo con dốc thẳng đứng 2 bên là những thân cây cổ thụ 2 - 3 người ôm. Vừa đến khúc quanh thứ 3, chúng tôi bắt gặp tấm bảng màu xanh ghi dòng chữ: “VQG Cát Tiên, cấm xâm nhập vào rừng trái phép…”. Trưởng trạm Nguyễn Trọng Hiếu nói: “Từ vị trí này là vùng lõi của VQG Cát Tiên, thuộc tiểu khu 506. Theo quy định, không ai được phép vào đây, ngoài lực lượng kiểm lâm. Thế nhưng, thời gian qua các đoàn khảo sát do Công ty Đức Long tổ chức nhiều lần thâm nhập vào đều không xin phép”. Đi thêm một đoạn dốc đứng nữa, chúng tôi gặp một đường mòn thoai thoải dẫn xuống bờ sông. Khung cảnh thật hùng vĩ, những tán rừng che khuất tầm nhìn, chỉ thấy lờ mờ dòng nước đục ngầu của sông Đồng Nai hiện ra phía trước. “Đây chính là vị trí dự kiến xây đập và nhà máy” - anh Hiếu khẳng định.
Như vậy, vị trí xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc vùng lõi của VQG Cát Tiên với hệ sinh thái rừng đa tầng, trái ngược với báo cáo của Công ty Đức Long khi cho rằng: “Diện tích rừng phạm vi dự án đã được các Sở NN-PTNT thông tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước phúc tra, thẩm định. Trong số 372,23ha diện tích sử dụng của các dự án này, hiện trạng 4,32ha (1,16%) là rừng giàu, còn lại trên 98% (một báo cáo khác nói 95% - PV) là rừng nghèo, lồ ô, hỗn giao và đất trống, bãi đá…”. Báo cáo còn khẳng định: “UBND tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước đã chấp thuận cho Công ty Đức Long xây dựng các nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A, cho phép chuyển đổi các phần diện tích sử dụng đất tương ứng từ đất lâm nghiệp sang xây dựng các công trình thủy điện…”.
Một chi tiết khác trong báo cáo đánh giá tác động môi trường ghi: “Có hơn 2.000 người dân sống trong vùng lõi, phần lớn là đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng…”. Thực tế, không người dân nào sống trong vùng lõi nơi dự kiến xây dựng 2 nhà máy vì địa hình rừng núi hiểm trở không có đường đi. Theo báo cáo của UBND xã Đồng Nai Thượng, thôn Bù Gia Rá chỉ có hơn 40 nóc nhà với gần 60 hộ dân. Thôn nằm ngoài vùng đệm và cách xa vùng lõi dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6.
Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học
khẳng định của Công ty Đức Long từ kết quả khảo sát của đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, viết: “Kết quả cho thấy hệ động thực vật khu vực dự án là các loài phổ biến, có vùng phân bổ rộng, dễ thấy ở nhiều nơi, chúng thường phân bổ ở các sinh cảnh có phổ biến ở VQG Cát Tiên. Tác động của dự án chỉ làm giảm số lượng cá thể động thực vật, nhưng không làm mất đi hoàn toàn gen, không làm giảm sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên hay suy giảm tính đa dạng sinh học…”. Báo cáo còn khẳng định, 2 dự án thủy điện không ảnh hưởng đến Bàu Sấu vì khu vực này nằm ngoài vùng tác động hơn 50km…
Trong khi đó, 13 báo cáo tham luận và 12 ý kiến của các nhà khoa học tại 3 hội thảo nói về tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6, 6A đều nói đến 6 tác động tiêu cực, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống của hơn 10 triệu dân phía hạ du, trong đó có TPHCM. Các nhà khoa học khẳng định cái mất lớn nhất là môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên mất đi sẽ không thể phục hồi được. Chưa kể, 2 dự án thủy điện này còn tác động đến chế độ thủy văn và chất lượng nước sông Đồng Nai; gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô cho hạ du và ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa vùng hạ lưu…
HOÀI NAM


Về dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí: Cần cơ quan độc lập đánh giá lại tác động môi trườngThứ năm, 06/06/2013, 06:30 (GMT+7)
Từ thông tin trong bài viết “Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A - Báo cáo sai lệch thực tế” đăng tải trên Báo SGGP số ra ngày 5-6, chúng tôi đã nhận được ý kiến đồng tình của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về những điều còn khuất tất, chưa rõ ràng trong quá trình triển khai 2 dự án thủy điện này. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thành Trí (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển tỉnh, cho biết:

Ngày 9-5, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Đồng Nai có Công văn số 41/BC-BQLKDTSQDN gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội và các bộ ngành liên quan, nêu các tác động tiêu cực của dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Sau đó, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long - PV) có Công văn 204/ĐLGL-TĐ ngày 25-5-2013 gửi UBND tỉnh Đồng Nai phúc đáp các ý kiến về dự án này. Nội dung văn bản này đưa ra nhiều số liệu không đúng với thực tế và có nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

* PV:
 Cụ thể là gì, thưa ông?

* Ông NGUYỄN THÀNH TRÍ: 
Đúng như nội dung Báo SGGP đã nêu, Công ty Đức Long vẫn khẳng định dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A đều nằm ngoài phạm vi Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Điều này không đúng. Trên sơ đồ vị trí thủy điện Đồng Nai 6, 6A thể hiện đều nằm trong vùng lõi của VQG Cát Tiên. Trong đó, Thủy điện Đồng Nai 6 thuộc tiểu khu 506, còn thủy điện Đồng Nai 6A thuộc tiểu khu 497, do VQG Cát Tiên quản lý. Theo Luật Di sản văn hóa, vùng lõi là khu vực bảo vệ 1 được nhiều văn bản pháp luật quy định là khu bất khả xâm phạm. 137ha của 2 dự án này dự kiến xây dựng đều nằm trong vùng lõi - khu vực bảo vệ 1 của VQG Cát Tiên.

* Thế nhưng, trong nhiều văn bản, Công ty Đức Long khẳng định có đầy đủ tính pháp lý của 2 dự án này?
* Trước tiên, chúng tôi xin khẳng định Công ty Đức Long không phải là chủ đầu tư 2 dự án này, vì tới thời điểm hiện nay chưa có cơ quan thẩm quyền nào phê duyệt đầu tư 2 dự án này. Công ty Đức Long căn cứ theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quy hoạch Điện VII) để thuê đơn vị chức năng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua nhiều lần chỉnh sửa, làm đi làm lại nhiều lần, đến nay bản báo cáo này còn nhiều sai sót, chưa được Bộ TN-MT phê duyệt trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Mặt khác tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng loại 2 dự án này ra khỏi Quy hoạch Điện VII.

* Như vậy, Công ty Đức Long chưa có pháp lý đối với 2 dự án này?* Đúng vậy. 2 dự án này đã được phê duyệt đâu mà Công ty Đức Long cứ nói mình là chủ đầu tư. Ngay cả việc Công ty Đức Long nhiều lần tổ chức các đoàn khảo sát đưa các đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào vị trí dự kiến xây dựng 2 nhà máy thuộc quyền quản lý của VQG Cát Tiên khi chưa được phép, theo quy định là đã xâm nhập trái phép vào vườn. Chưa kể, các đoàn khảo sát này mỗi lần vào vườn đã mở đường, chặt cây, lấy mẫu là đã có hành vi xâm hại di tích.
Vị trí đánh dấu sao trong bản đồ thuộc vùng lõi VQG Cát Tiên được dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
* Ông có nhận xét gì về tính chính xác của số liệu đánh giá tác động môi trường mà Công ty Đức Long đưa ra?* Quá trình triển khai 2 dự án này có quá nhiều nội dung chưa được làm rõ, thiếu tính minh bạch từ khâu lập dự án đầu tư, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, đến công khai, làm rõ những vấn đề vướng mắc mà dư luận đặt ra. Ngay như diện tích rừng bị mất để xây dựng 2 công trình này, Công ty Đức Long nói chỉ có 372ha là chưa chính xác, chưa xét đến diện tích rừng và đất rừng để làm đường thi công, đường vận hành nhà máy; thiết lập hiện trường thi công gồm các công trình phụ trợ, nhà làm việc, nhà ở của chủ đầu tư, tổng thầu, các đơn vị thi công, kho, bãi tập kết hàng triệu mét khối cát, đá, vật liệu xây dựng… Một vấn đề khác nữa, 2 công trình này đều có thiết kế nhà máy phát điện nằm ngay dưới chân đập, phía hạ du, hệ thống truyền tải điện từ nhà máy đến điểm đấu nối điện lưới quốc gia sẽ đi qua hàng chục kilômét băng qua những cánh rừng nguyên sinh của VQG Cát Tiên. Như vậy, diện tích rừng và đất rừng sẽ bị mất gấp nhiều lần so với số liệu mà Công ty Đức Long đưa ra.

* Tỉnh Đồng Nai có kiến nghị gì về 2 dự án này thưa ông?
* Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai được thể hiện rất rõ trong các văn bản của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh gửi Ban Bí thư, Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị dừng triển khai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Việc dừng triển khai 2 dự án trên phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có văn bản kiến nghị một số nội dung cụ thể gồm: Xem xét lại tính pháp lý của 2 dự án; rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai một cách hợp lý; đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể, khách quan thông qua một cơ quan tư vấn độc lập không phụ thuộc vào đơn vị lập dự án đầu tư; tham vấn một cách chính xác, đầy đủ cộng đồng vùng hạ du và nghiên cứu về động đất kích thích, không để lập lại bài học của Thủy điện Sông Tranh 2 và Thủy điện Đắc Krông 3.
HOÀI NAM (thực hiện)


Xem xét kỹ lợi ích Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6AThứ tư, 12/06/2013, 06:15 (GMT+7)
(SGGP). – Giám đốc Sở Công thương TPHCM vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND TP về tổng hợp ý kiến của các sở ngành và các tổ chức, nhà khoa học về Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên sông Đồng Nai. Nhiều ý kiến cho rằng 2 hồ chứa của các nhà máy này chỉ có dung tích hơn 200 triệu m³ nên ít ảnh hưởng đến việc tham gia xả lũ, chống hạn, chống ngập mặn cho hạ lưu sông Đồng Nai. Về lợi ích kinh tế mang lại, cụm thủy điện này cung cấp cho hệ thống một lượng công suất 241 MVA và sản lượng điện hàng năm khoảng 929,16 triệu kW/h. Thế nhưng, những tác động tiêu cực của 2 dự án trên lại quá lớn.

Cụ thể, việc xây dựng quá nhiều công trình thủy điện (theo quy hoạch là 8 nhà máy) có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực sông Đồng Nai như nguồn nước bị ô nhiễm, làm suy giảm diện tích rừng do việc phá rừng đầu nguồn để tạo mặt bằng thi công công trình, cũng như quá trình tích nước, xả nước trong việc vận hành nhà máy điện là nguyên nhân gây ra lũ lớn trong mùa mưa bão và cạn kiệt nước trong mùa khô hạn cho vùng hạ du các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. 

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, việc xây dựng 2 dự án này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên.

Do 2 dự án trên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nên cần thiết phải có những đánh giá thật chính xác, khoa học và khách quan những lợi ích và sự tác động không tốt đến môi trường. Sở Công thương TP kiến nghị UBND TPHCM giao cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc hội thảo quốc tế và mời các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghe ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về mức độ tác động môi trường của 2 dự án trên; giao Liên hiệp Các hội KHKT TPHCM phối hợp với các nhà khoa học trên địa bàn tổ chức khảo nghiệm thực tế, thu thập số liệu, tham gia phản biện về 2 dự án này.
HOÀI NAM

Nguồn SGGP


Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: TP.HCM ủng hộ quan điểm Đồng Nai


TTO - Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - phó GĐ thường trực ĐHQG TP.HCM - khẳng định ủng hộ ý kiến của Đảng bộ, chính quyền, các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là cần xem xét thật kỹ lợi ích và tác hại khi xây dựng thủy điện 6 và 6A.
Ông Đạt đã thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 (TP.HCM) trả lời ý kiến của cử tri về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận 10 chiều 14-5.
Theo ông Đạt, suốt thời gian qua có nhiều ý kiến quan ngại về dự án nói trên sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực, đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, trong đó có TP.HCM.  
Liên quan đến dự án nói trên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, suốt thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vẫn giữ quan điểm đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tỉnh Đồng Nai liên tục lên tiếng về dự án thủy điện này vì nó ảnh hưởng đến 3 triệu dân của tỉnh.
Đồng thời một số ý kiến quan ngại ngoài Đồng Nai, hàng chục triệu dân ở TP.HCM và các tỉnh hạ lưu sẽ bị mất rất nhiều. Quanh dự án này, một trong những câu hỏi luôn luôn được đặt ra: phát triển nhưng đánh đổi rừng, đánh đổi sự thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai thì hệ lụy sẽ ra sao?
Cùng tiếp xúc với cử tri quận 10 có đại biểu Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; đại biểu Nguyễn Phước Lộc - vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân Ban Dân vận trung ương.
Trước đó sáng cùng ngày, tổ đại biểu đơn vị 4 đã tiếp xúc cử tri quận 5. Phát biểu tại đây, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh nhiều bức xúc được nêu ra không phải vì bản thân của mỗi cử tri mà liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, uy tín của các cấp ủy và niềm tin của người dân, cán bộ, đảng viên… Theo ông Lê Thanh Hải, đây là những ý kiến xác đáng, có tinh thần trách nhiệm với cái chung, mang tính xây dựng, chỉ rõ bức xúc trước những mặt trái, tiêu cực trong nội bộ Đảng và xã hội.
Ông Hải cũng trả lời chất vấn của cử tri về tình trạng dân xin trả lại sổ đỏ do không đủ tiền để đóng tiền sử dụng đất khi làm thủ tục này; tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra, gây chết chóc nhiều quá, biện pháp nào để giảm bớt đau thương…
QUỐC THANH

7 nhận xét:

  1. TS. Nguyễn Thị Hải Yến, Germanylúc 20:03 12 tháng 6, 2013

    Tôi, TS sinh thái môi trường, Nguyễn Thị Hải Yến, xin gửi những nhận xét của tôi về BC ĐTM cho 2 dự án thủy điện ĐN6và 6A của tập đoàn ĐLGL.
    Những hạn chế của báo cáo đánh giá tác động môi trường việc thực thi xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 (DN 6)
    A) Tổng thể
    Báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) của dự án thủy điện Đồng Nai 6 (TĐĐN 6) mới chỉ thể hiện phần đánh giá ảnh hưởng môi trường NỘI VÙNG TRONG KHU VỰC DỰ ÁN của quá trình khai hoang, xây dựng, và vận hành của TĐĐN 6, mà chưa hề có thông tin nào đánh giá ảnh hưởng NGOẠI VÙNG ĐẶC BIỆT VÙNG HẠ LƯU nơi mà mội trường và hệ sinh thái bị ảnh hưởng do việc can thiệp điều tiết chế độ dòng chảy theo cơ chế phát điện của thủy điện.
    Nếu đánh giá tác động ảnh hưởng môi trường do thủy điện chỉ cần đánh giá ảnh hưởng nội vùng thì Việt Nam, Camphuchia và thế giới đã không cần phải phản ứng với việc xây dựng thủy điện Xayrabury của Lào và Thái Lan trên dòng sông Mekong.

    Trả lờiXóa
  2. TS. Nguyễn Thị Hải Yến, Germanylúc 20:04 12 tháng 6, 2013

    B) Cụ thể cho từng phần

    1) Đánh giá cân bằng nước qua mô hình thủy văn
    - Tại sao kết quả mô hình thủy văn lại chỉ thể hiện kết quả cân bằng nước và dòng chảy từ thượng nguôn đến đập TĐĐN 8?
    - Kết quả tính toán cân bằng nước với công trình dự kiến chi tiết “nước đến” và “lưu lượng phát điện” ở các bảng 3-55 – 3-57, và kết luận ĐTM: “Tại bậc thang Đồng Nai 8, lưu lượng nước đến trung bình bị suy giảm vào năm nhiều nước và vào năm ít nước có sự chênh lệch không đáng kể (0,21 m3/s và 0,19 m3/s tương ứng với năm nhiều nước và năm ít nước). Sự thay đổi này bị gây bởi thất thoát do bốc hơi nước bề mặt và thấm đáy của hai hồ chứa Đồng Nai 6 – 6A. Tỉ lệ lưu lượng suy giảm cho cả hai trường hợp khá thấp: 0,05% và 0,09%, chưa tới 0,1%, nên tác động thay đổi dòng chảy không đáng kể.”. TUY NHIÊN, có một vấn đề cần làm rõ: việc tính toán lưu lượng TRUNG BÌNH NĂM từ việc tính toán lưu lượng TRUNG BÌNH THÁNG có thể công bằng cho thực tế việc điều tiết dòng chảy không đều theo chế độ ngày đêm trong ngày? Sự thay đôi lưu lượng dòng chảy TRUNG BÌNH có thể không nhiều, nhưng sự thay đổi mực nước sông giữa ngày và đêm (timing and time lag) và ảnh hưởng của việc quá cạn và bị phơi nắng trong ngày trong khi đó thì lại qua ngập vì xả nước ban đêm lên hệ sinh thái phía dưới hạ lưu đập mới là vấn đề phải làm rõ.
    - Kết quả mô hình thủy văn chưa thấy thể hiện sự ảnh hưởng cộng dồn/ tương tác của chế độ thủy triều. TĐĐN 6 là thủy điện nằm trên dòng chính của song Đồng Nai, trong quá trình vận hành thủy điện, do không xả nước, mực nước sông phía dưới hạ lưu đập sẽ rất thấp (như đã trình bày trong báo cáo: có nơi cạn thấy đáy làm thuyền bè không di chuyển được), và hạ lưu sông Đồng Nai từ Sai Gòn trở ra biển chắc chắn sẽ bị nước biển xâm thực, và tất nhiên thủy triều thì không thể chờ lúc thủy điện xả nước mới dâng.
    - MIKE BASIN rất hiệu ích sử dụng trong cân bằng tính toán tài nguyên nước của lưu vực, và cũng giúp để cải thiện chính sách hồ chứa và vận hành thủy điện hồ chứa, Tuy nhiên, TĐĐN 6 là thủy điện trên dòng sông. Các chuyên gia mô hình về water engineering cần làm rõ việc sử dụng MIKE BASIN có thực sự phù hợp trong việc đánh giá thay đổi dòng chảy sông do anh hưởng thủy điện?

    Trả lờiXóa
  3. TS. Nguyễn Thị Hải Yến, Germanylúc 20:04 12 tháng 6, 2013

    2) Đánh giá ảnh hưởng chất lượng nước
    - Việc ước tính tổng lượng oxy hòa tan (DO) cho cả hồ chứa/đập (khi đã tích nước) bằng cách lấy giá trị ước tính chuẩn hàm lượng oxy hòa tan của một khối nước nhân với tổng thể tích khôi nước của hồ chứa. Trong khi đó hàm lượng oxy hòa tan là rất khác biệt theo cột nước và vùng. Càng xuống sâu cột nước hàm lượng oxy càng thấp, và việc phân tầng/stratification cột nước ở các thủy vực nhiệt đới là tương đối bền vững. Hàm lượng oxy cao ở tầng nước mặt rất khó khăn được đảo xuống tầng nước sâu. Việc để lại các sản phẩm hưu cơ/cây xanh từ việc khai hoang trong hồ nhờ qua trình phân hủy tự nhiên sẽ rất dễ dàng làm sụt giảm hàm lượng oxy ở tầng đáy cột nước và theo vùng, và sẽ ảnh hưởng đến sinh vật ở những nơi này. Vì thế, cần phải có mô hình GIS base thể hiện hàm lượng oxy hòa tan tự nhiên theo độ sâu và vùng từ đó sẽ giúp nhà đâu tư xác định vị trí trong long hồ để phân hủy sản phẩm thừa từ cây xanh.
    - Việc đánh giá trầm tích (bao gồm cả bed load và TSS) cũng cần phải đánh giá sự ảnh hưởng của đập làm giảm thiểu lượng phù xa xuống dưới khu vực hạ lưu của đập. Việc giảm thiểu phù xa sẽ làm giảm thiểu năng suất sơ cấp, năng suất thứ cấp của hệ sinh thái phía dưới đập do thíếu chất dinh dưỡng (N va P). Mô hình ước tính nutrient load and transportation cần thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của đập.

    Trả lờiXóa
  4. TS. Nguyễn Thị Hải Yến, Germanylúc 20:05 12 tháng 6, 2013

    3) Đánh giá ảnh hưởng lên sinh vật
    - Phần đánh giá tác động này còn rất hạn chế và chưa thể hiện được việc ảnh hưởng của đập TĐDN 6 lên sinh vật. Phần trình bày đánh giá tác động môi trường của đập thủy điện lên sinh vật hầu như mới chỉ lặp lại phần trình bày điều kiện tự nhiên.
    - Báo cáo đã đưa ra được các indications về sự tồn tại của một số loài quí hiếm và nằm trong danh sách đỏ, hoặ loài đặc hữu trong vùng dự án. Điều này cho thấy khu vực dụ định phát triển dự án rất quan trọng và cần phải được bảo vệ bảo tồn.
    - Việc đánh giá đa dạng sinh học mới chỉ dừng lại ở những chỉ thị mang tính định tính, liệt kê số loài. Ngay cả việc đánh giá định tính đa dạng sinh học cũng chưa thể hiện được tính đầy đủ của khoa học, số liệu chưa cho chúng ta thấy da dạng sinh học của vùng nghiên cứu đang ở mức độ nào, trừ phần đa dạng sinh học các loài chim được trình bày ở Hình 2 3: Biểu đồ đường cong tích lũy các loài chim đã được ghi nhận. Mặc dù bị hạn chế về thới gian, nguồn nhân lực, năng lực và có thể ngân sách, nhưng số liệu điều tra đa dạnh sinh học, thành phần loài cần phải được thể hiện như Hình 2-3, có thế mới đảm bảo tính khách quan về mặt khoa học.
    - Báo cáo đã cố gắng so sánh mức độ đa dạng sinh học cùa vùng dụ án với một số vùng khác, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc so sánh số lượng loài. Việc đánh giá đa dạng sinh học cần phải có các chỉ số Shannon-wiener index (H’) cho câp độ quần xã và chỉ số Rarely index (R) cho cấp độ loài. Các chỉ số này sẽ phần nào thể hiện định lượng đa dạng sinh học, và có thế thì mới có các indication cụ thể để đánh giá ảnh hưởng và giám sát mức độ ảnh hưởng sau này.
    - Riêng với nguồn lợi thủy sản, việc ghi nhận có cá chình hoa, là loài di cư sinh sản bắt buộc trong vòng đời là điều rất quan để xem xét việc xây hay dừng, hoạc xây thì phải làm thế nào để đảm bảo việc di cư sinh sản của loài cá này. Ngoài ra cần có việc đánh giá sản lượng khai thác, và hơn nữa là cần phải đánh giá trữ lượng (stock assessment) của một số loài quan trọng về mặt sinh thái.
    - Việc đánh giá và xây dựng bản đồ habitat/ecoregion cho những loài, quí hiếm, loài thuộc danh sách sách đỏ, loài đặc hữu là cần thiết từ đó mới đánh giá được mức độ ảnh hưởng của dự án. Có thể chỉ 70-80 ha VQG Cát Tiên thuộc dự án TĐĐN 6 cũng đã làm mất đi toàn bộ sinh cảnh sống của một số loài.
    - Chính vì thiếu những chỉ số định lượng này mà phần đánh giá tác động môi trường cũng như phần khắc phục giảm thiểu ảnh hưởng lên đa dạng sinh học chưa thể hiện được.
    - Báo cáo khẳng định là đa dạng sinh học thủy vực trong hồ thủy điện sẽ tang là chưa có cơ sở. Cấu trúc quần xả và số lượng quần thể của các loài sẽ thay đổi rất hiếu khi chuyên từ mội trường dòng chảy sang môi trường tĩnh. Một số loài ưa môi trường tĩnh sẽ thuận lợi phát triển và sẽ dominant hệ sinh thái, trong khi đó một số loài ưa dòng chảy sẽ bị mất đi.hệ sinh thái sẽ thay đổi nhiều.
    - Đánh giá ảnh hưởng lên thực vật, báo cáo chưa cung cấp bản đồ phân bố của các loài thực vật.
    - Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa hề đề cập đến ảnh hưởng của thủy điện lên hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái quan trọng và nhạy cảm. Khi chứa nước, toàn bộ hệ sinh thái ngập nược ven sông trong vùng dự án sẽ bị xóa sổ. Số loài thực vật bậc cao của hệ sinh thái ngập nước rất ít (<5%) trong tổng thể số loài thực vật, nhưng rất quan trọng cho cả sinh vật trên cạn và dười nước.
    - Trong phần các biện pháp khắc phục ảnh hưởng lên sinh vật, báo cáo có đề cập, sinh vật sẽ tự di chuyển lên vùng khác sinh sống, hoặc chủ đầu tư sẽ phối hợp với BQL VQG Cát Tiên để đem nuôi trồng trong khu lưu trữ bào tồn. Điều này quá mơ hồvà mù mờ cả về mặt khoa học và thực tiễn. Thử hỏi san hô se tự phát triển lên vùng trên nếu mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu?.

    Trả lờiXóa
  5. TS. Nguyễn Thị Hải Yến, Germanylúc 20:05 12 tháng 6, 2013

    4) Đánh giá về mặt kinh tế xã hội
    - Báo cáo đã cung cấp tính toán lọi ích mang lại từ thủy điện, tuy nhiên chưa thấy đánh giá những giá trị kinh tế và sinh thái của tài nguyên cái mà phải đánh đổi cho thủy điện. Để công bằng việc đánh giá lợi ích của thủy điện, tính toán việc mất rừng, mất tài nguyên và sự quay vòng tái sinh của tài nguyên rừng cho 100 hay 200 năm hạn sử dụng đập.
    - Hiện nay Việt Nam đã ban hành các luật/qui chế về environment fee/tax, ecosystem service payment, việc xây dựng TĐĐN 6 sẽ gây ản hưởng đến môi trường và hệ sinh thái và đa dạng sinh học phía dưới hạ lưu do thay đổi dòng chảy, do ảnh hưởng nhiễm mặn, vì thế cần tính toán để yêu cầu chủ đâu tư chi trả những thiệt hại này cho công đồng người dân vùng hạ lưu.


    Một câu hỏi khác: có phải một loại các bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai là nguyên nhân để gần đây nước mặn đã xâm nhập rất sâu vào đất liền, và Sai Gòn luôn hứng chịu triều cường khủng khiếp?

    Trả lờiXóa
  6. Tôi là 1 KS, chưa đọc bài này. Nhưng xin nói thêm về ảnh hưởng của việc làm đường, đập khi làm thủy điện:
    1. Địa hình ở đây rất dốc vì vậy khi làm đường vào thì một khối lượng đất đá phải đào, đắp.
    => Khối lượng đất đá dư này đổ đi đâu ?
    Việc này được nhìn nhận trên thực tế các tuyến đường đã làm.
    2. Đường truyền tải điện định chạy theo hướng nào => tàn phá bao nhiều rừng ?
    3. Quá trình nổ mìn, phá đá tác động như nào đến vườn quốc gia ? lưu ý đây là vùng lõi VQG.

    Trả lờiXóa
  7. Thủy điện là bài toán hiệu quả thấp và lỗi thời.
    Nước Đức chỉ với điện năng lượng mặt trời mà công suất gấp mấy lần Hoa Kỳ. Hiện nay cũng đã có công nghệ sử dụng năng lượng nhiệt hạch từ Plasma sản xuât điện an toàn hơn lò phản ứng hạt nhân.

    http://forum.keshefoundation.org/showthread.php?222-Sale-of-Keshe-Foundation-3-4-KW-power-generator

    Trả lờiXóa