Ngày càng
nhiều loại nông sản Việt Nam rơi vào thảm cảnh “tới mùa rớt giá”, bất kể được
hay mất mùa, cùng với hiện tượng liên tục bị ùn tắc tại cửa khẩu càng làm cho
người nông dân lâm vào tình thế bế tắc. Cung không tới được cầu, không chỉ xảy
ra nhất thời mà gần như đã trở thành “quy luật” diễn đi diễn lại trong thời
gian dài không chỉ đẩy người nông dân Việt Nam luôn phải đối mặt với rủi ro, bất
trắc mà còn khiến cho một phần nguồn lực quốc gia bị lãng phí. Về sâu xa, còn
cho thấy sự bất cập của một nền nông nghiệp manh mún và một hệ thống thương mại
có vấn đề.
Một quan chức ở Bộ Công Thương khi được hỏi
về vai trò quản lý nhà nước của bộ này ở đâu mà liên tục để điễn ra tình trạng
dưa hấu bị ép giá đã cho biết: “nguyên nhân chính là do người nông dân chưa sản
xuất theo tín hiệu của thị trường”. Vị quan chức này còn cảnh cáo: “Nếu không từ
bỏ tư duy tự phát, manh mún và sản xuất không có kế hoạch, không chỉ vụ này mà
nhiều vụ khác nữa dưa hấu cũng sẽ rớt giá”. Trên thực tế, không chỉ dưa hấu mà
hàng loạt mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như thanh long Bình Thuận, nhãn lồng
Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang, cà phê Tây Nguyên, rau củ Đà Lạt, hành tím Sóc
Trăng, chôm chôm miền Đông-Tây Nam bộ, lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long… cũng
liên tục rơi vào tình cảnh tương tự trong hàng chục Năm qua. Nếu nông dân cả nước
đều tư duy manh mún, sản xuất tự phát, cung không gặp cầu trong một thời gian
dài như vậy, thiết tưởng việc đầu tiên cần
xem xét phải là trách nhiệm của các ngành nông nghiệp, thương mại cùng nhiều cơ
quan chức năng khác của Nhà nước có liên quan. Người nông dân xét cho cùng cũng
chỉ là nạn nhân của các chính sách bất cập cùng sự thiếu trách nhiệm của cán bộ
công chức được giao trách nhiệm hoạch định chính sách, quy hoạch và điều tiết
vĩ mô lĩnh vực sản xuất và cung cầu nông sản.
Có thể nói cho tới nay, hiếm có người nông
dân nào tiếp cận được các dữ liệu về quy
hoạch, về nhu cầu của thị trường với từng loại nông sản để có thể tự lên kế hoạch
cho mình. Việc nông dân phải sản xuất tự phát, chạy theo phong trào trong một
thời gian dài tới hàng chục năm qua là kết quả tất yếu của thực trạng “mù thông
tin” mà lẽ ra các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương có trách nhiệm
phải nắm bắt, tổng hợp, phổ cập và tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân
tiếp cận. Chưa kể, các kho dữ liệu và tính cập nhật sát với thực tế có liên
quan tới thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu của các ngành chức năng trong
từng thời điểm hay dài hạn không hẳn đã được thực hiện đầy đủ chức trách. Chẳng
hạn như trong lĩnh vực thương mại, Bộ Công Thương có vai trò chủ yếu trong việc
xúc tiến thương mại để mở rộng thị rường xuất khầu lẫn nội địa. Để làm được
điều đó, một yêu cầu hết sức quan trọng là phải nắm bắt được thông tin
chính xác về nhu cầu của thị trường và khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong
nước để làm cơ sở cho việc tổ chức sản xuất nội địa. Bộ Công Thương cần xây dựng
cơ chế để liên tục có những cuộc điều tra, nghiên cứu nắm bắt thông tin kịp thời
về nhu cầu của những thị trường quan trọng liên quan tới các mặt hàng thế mạnh
nội địa, có các tổng hợp dữ liệu cùng các dự báo hàng năm. Chẳng hạn như cần phải
biết rõ nhu cầu thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc hay một số thị trường điểm
khác về các loại ông sản chủ yếu… Và cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa
phương có nhu cầu trong cả nước một cách nhanh chóng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN-PTNT), phối hợp bằng cách tham khảo các thông tin dự báo thị trường từ Bộ Công Thương để xác định diện tích canh
tác cho từng loại mặt hàng. Qua hệ thống ngành dọc của mình, Bộ NN-PTNT cần có
những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương tới tận các
huyện, xã khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng. Đến lượt mình, chính
quyền địa phương các cấp không chỉ làm quy hoạch trên giấy mà cần có trách nhiệm
thật sự với cuộc sống của người nông dân trong việc thường xuyên cung cấp các
thông tin khuyến cáo, chỉ dẫn kịp thời về mùa vụ và thị trường cho họ. Một
thành phần khác cũng có vai trò không kém quan trọng chính là các hệ thống tổ
chức từ trung ương tới địa phương của hội nông dân, hiệp hội ngành nghề, các hợp
tác xã… Các tổ chức này nếu thực thi đầy đủ chức trách sẽ phải kịp thời sát
sao, đồng hành cùng nông dân trong định hướng mùa vụ, cây trồng cũng như thông
tin về thị trường.
Đáng tiếc là cho tới nay,
sau hàng chục năm tham gia vào thị trường xuất khẩu lẫn nội địa, người nông dân
Việt Nam vẫn còn đang trong tình trạng “mù thông tin”. Không thể bắt nông dân sản
xuất có kế hoạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường nếu còn cơ chế “mù thông tin”,
còn những cơ quan chức năng của Nhà nước, cán bộ công chức chưa làm tròn trách
nhiệm của mình trong việc quy hoạch, cung cấp kịp thời thông tin định hướng cho
họ. Ngay khâu quy hoạch cấp tỉnh, huyện trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở
việc phát động trồng bao hiêu héc-ta, bao thầu mua bán giống ở đâu. Còn khâu
thu hoạch, chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức tiêu thụ ra sao thì cũng
chung chung, chủ yếu phó mặc cho thị trường trôi nổi. Đó là chưa kể, từng có những
phong trào chuyển đổi cơ cấu “trồng cây gì nuôi còn gì” là do chính quyền địa
phương “sốt ruột” quyết nhanh trên cơ sở “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác
mai đi đào”. Chưa hề có phân tích thị trường, điều tra thổ nhưỡng, khí hậu địa
phương và luận chứng khoa học nên phong trào sớm chết yểu, sản phẩm chất lượng
thấp, giá rớt thê thảm, nông dân nợ nần chồng chất, kinh tế địa phương lao đao.
Không ít người thắc mắc,
nước ta ngoài hệ thống các ngành chức năng, hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực có liên quan tới chuỗi sản
xuất nông nghiệp còn có hàng loạt viện nghiên cứu, trường đại học liên quan đến
khoa học nông ngiệp và thương mại, chưa kể ở mỗi tỉnh cũng có các cơ quan chức
năng tương tự, sở khoa học, công nghệ…. Hàng năm ngốn rất nhiều kinh phí từ
ngân sách nhà nước. Song, người nông dân hầu như không được sự hỗ trợ đáng kể
nào của những tổ chức này trong suốt quá trình sản xuất và vẫn đang phải tự
bơi, tự phát.
Tuy nhiên, người nông dân
trong khi chờ đợi sự chuyển động của các chính sách cũng cần phải tư duy năng động
hơn để tự cứu lấy mình. Một trong những giải pháp hữu hiệu để có thể tự cứu mình là cần làm gia tăng sức
mạnh của người sản xuất lên trong chuỗi sản xuất nông nghiệp bằng cách liên kết
lại để tăng cường năng lực sản xuất cũng như tiếp cận thông tin thị trường. Người
nông dân cần tạo ra vị thế cân bằng trong mối quan hệ với các thành phần khác
trong chuỗi sản xuất. Mô hình hợp tác xã kiểu mới (HTX) được các chuyên gia xem
là một trong các giải pháp hiệu quả cho bài toán này. Theo GS-TS Nguyễn Thiện
Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép mạnh mẽ để tạo đột phá
phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có vị thế của người nông
dân. Vì, nó vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực sáng tạo cao nhất của từng hộ nông
dân với vai trò ngưới chủ đầy đủ của chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời cũng
vừa thông qua HTX các hộ nông dân sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ
hiệu quả của nhà nước, phát huy mạnh mẽ hơn trong việc liên kết với các doanh
nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ.
Khi tham gia HTX kiểu mới, người nông dân không chỉ gia tăng được sức mạnh trong chuỗi sản xuất nông nghiệp mà còn có điều kiện thay đổi tập quán canh tác, hướng tới các tiêu chuẩn phổ quát của thị trường nên dễ dàng tiêu thụ sản phẩm hơn. Mặt khác, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX kiểu mới không manh mún, đơn lẻ, bằng các hợp đồng không chính thức, hợp đồng miệng như với từng hộ nông dân theo tập quán nên không dễ bị thương lái ép giá. Kinh nghiệm cho thấy, “mù thông tin”, canh tác không tuân theo tiêu chuẩn thị trường và thiếu liên kết trong cân đối cung – cầu bằng các hợp đồng chính ngạch đã khiến nông dân luôn trở thành bên yếu thế và rơi vào tình trạng bế tắc triền miên do bị chèn ép.
Khi tham gia HTX kiểu mới, người nông dân không chỉ gia tăng được sức mạnh trong chuỗi sản xuất nông nghiệp mà còn có điều kiện thay đổi tập quán canh tác, hướng tới các tiêu chuẩn phổ quát của thị trường nên dễ dàng tiêu thụ sản phẩm hơn. Mặt khác, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX kiểu mới không manh mún, đơn lẻ, bằng các hợp đồng không chính thức, hợp đồng miệng như với từng hộ nông dân theo tập quán nên không dễ bị thương lái ép giá. Kinh nghiệm cho thấy, “mù thông tin”, canh tác không tuân theo tiêu chuẩn thị trường và thiếu liên kết trong cân đối cung – cầu bằng các hợp đồng chính ngạch đã khiến nông dân luôn trở thành bên yếu thế và rơi vào tình trạng bế tắc triền miên do bị chèn ép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét