Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Phượt và phá

Ngân Hà/SM

Ảnh bên:Một nhóm phượt mặc áo cờ đỏ sao vàng nhưng thản nhiên đi xe máy vào giữa vườn cải để chụp hình. 

Vài năm trở lại đây, đi phượt đã được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Mỗi khi đến mùa hoa cải, tam giác mạch, dã quỳ, đào rừng… những đoàn phượt từ khắp nơi cũng ùn ùn từ miền xuôi đổ lên miền ngược. Nhưng thay vì “chỉ để lại dấu chân” như tuyên ngôn của những phượt thủ chân chính nhiều bạn trẻ lại đang để lại cả rác và sự phá hoại hoa màu cho người dân bản địa.


Vô tư “dẫm nát” lên cảnh quan thiên nhiên
 
Mới đây, chính những người trong một nhóm đi phượt đã rất “hồn nhiên” chia sẻ trên mạng xã hội FB những hình ảnh cả nhóm mang cả xe máy vào giữa một vườn hoa cải tại Mộc Châu, Sơn La, rồi thoải mái tạo dáng chụp hình. Dễ thấy nhất trong tấm hình là toàn bộ phần hoa cải bị dẫm nát dưới chân của nhóm bạn trẻ vô ý thức này. Khi 3 tấm ảnh được post lên một vài diễn đàn dành cho dân phượt trên FB, ngay lập tức đã nhận được vô số “gạch, đá” từ phía cư dân mạng.
 
Một bạn trẻ bình luận: "Ở nhà, bố mẹ các bạn trồng rau rồi người ta thả trâu vào phá, các bạn có chịu được không? Hoa cải người ta trồng lấy hạt mà các bạn phi cả xe vào dẫn nát, tôi không hiểu các bạn ý thức đến đâu. Cho dù các bạn trả tiền cho phần bị dẫm nát thì thử tưởng tượng, nếu 5-6 đoàn phượt, đoàn nào cũng vào chụp, cũng ý thức như các bạn thì còn đâu hoa cải làm nền nữa chứ".
Rất nhiều hoa cải đã bị nhóm phượt này dẫm nát bươm.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối sự vô ý thức của nhóm bạn trên vẫn có những ý kiến tỏ ra thông cảm, hay bảo vệ họ và cho rằng vài ba tấm hình không thể chứng minh nhóm bạn đã phá hoại, có thể chỉ đi theo “lối mòn” để lại từ những nhóm phượt trước hay không thể chỉ đứng bên ngoài vườn cải để chụp, ảnh sẽ rất chán…
 
Điều này cũng phần nào cho thấy sự khác biệt trong suy nghĩ của những bạn trẻ về văn hóa Phượt. Đây cũng không phải lần đầu chuyện dân phượt với ý thức kém dẫn tới tình trạng phá hoại hoa màu, ảnh hưởng tới cảnh quan, xả rác bừa bãi tại các điểm đến… Những cánh đồng tam giác mạch cũng từng tan tác khi bị quá nhiều đoàn phượt thoải mái đi xe máy vào giữa ruộng để tận hưởng cảm giác “thiên nhiên” và chụp ảnh. Những vườn chè xanh ngát cũng đã từng bị gãy nát vì quá nhiều người đổ xô đến “dẫm, đè lên” để chụp ảnh tạo dáng. Mái chóp của đỉnh Fanxipang cũng từng bị khắc tên, thậm chí bê hẳn lên khỏi mặt đất bởi những nhóm đi phượt vô ý thức.  Cũng bởi vậy, hiện rất nhiều nơi tỏ ra “dị ứng” với các nhóm phượt, thậm chí họ đã phải chịu sự xua đuổi, khó chịu từ người dân bản địa.
Đi cả xe máy vào cánh đồng hoa tam giác mạch.
Phóng viên Sống Mới cũng từng chứng kiến cảnh T.A 26 tuổi, mới đi phượt từ Hà Giang về Hà Nội khoe “chiến lợi phẩm” là cả ôm hoa tam giác mạch. Khi được hỏi rằng: có ý thức được việc hái hoa sẽ ảnh hưởng tới người trồng không? T.A khá thản nhiên trả lời: “Cả cánh đồng lớn thế lấy một tẹo có sao đâu”. Nếu suốt cả mùa tam giác mạch, từng đoàn phượt lớn, nhỏ đều có suy nghĩ như T.A, ai cũng cố ngắt một ôm hoa tam giác mạch mang về làm kỷ niệm thì không bao lâu những cánh đồng hoa tam giác mạch sẽ nhanh chóng bị xóa sổ và những người đến sau sẽ chẳng còn gì để ngắm.
 
Dân phượt kỳ cựu cũng buồn chuyện phá hoại
 
Long Vũ, thành viên thường xuyên của một nhóm chuyên đi phượt tại Hà Nội chia sẻ: thực sự rất buồn và bức xúc vì thấy những cảnh trên, nó đã làm xấu đi hình ảnh của dân phượt chân chính.
 
Long chia sẻ: “Trong những chuyến đi, mọi người thường đặt nguyên tắc bảo vệ môi trường lên hàng đầu, thành viên không được vứt rác bừa bãi, không hái hoa bẻ cành. Rác cho vào túi, bỏ vào thùng rác ở điểm nào đó chứ tuyệt đối không đem vứt bừa bãi. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại đi phượt không chỉ là đam mê mà còn là “mốt” thu hút nhiều bạn trẻ. Có những chuyến đi chỉ với mục đích chụp ảnh, post lên FB khoe mẽ với bạn bè mình đã đi đây đi đó, sẵn sàng dẫm lên hoa lá, bẻ cành… để có được vài bức ảnh đẹp. Dân đi phượt cũng có người này người kia, có những người ý thức rất tốt nhưng cũng có những bạn trẻ không hiểu thấu đáo ý nghĩa của phượt nên đã có cách xử sự chỉ có thể nói là ý thức quá tồi”. Không ít lần nhóm phượt của Long đã phải chịu sự cáu giận, chửi mắng khi nhắc nhở những đoàn phượt khác có ý thức hơn.
 
Long cho biết, khá nhiều “phượt thủ” kỳ cựu luôn ghi nhớ trong mỗi chuyến đi là "Không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân" để gìn giữ cảnh quan môi trường. Thậm chí, một số nhóm phượt cũng đang có những hoạt động tích cực để dọn rác, đảm bảo môi trường hay tuyên truyền ý thức cho những nhóm bạn đi phượt tại nhiều điểm đến. Ngay chủ nhật tuần vừa rồi, một nhóm các bạn trẻ đi phượt cũng đã đến khu vực nhà hoang của Ba Vì để nhặt và dọn rác bởi nơi đó, dù được rất nhiều đoàn khách tham quan đến chụp ảnh vì cảnh đẹp nhưng cùng với đó, họ vô tư xả rác cho ngôi nhà không chỉ “hoang” mà còn bẩn, ngập ngụa trong rác thải.
 
Với nhiều hành động gây ấn tượng xấu như trên, một bộ phận người đi phượt vô ý thức đang khiến hình ảnh các “phượt thủ” trở nên xấu đi trong mắt nhiều người dân bản địa và những người yêu môi trường. Khoảng cách giữa “phượt” với “phá” khá gần nhau nhưng không phải bạn trẻ nào cũng đủ ý thức để nhận biết được điều này và có những chuyến đi có ý nghĩa. Bởi vậy, đi phượt không chỉ có “xách ba lô lên và đi” mà còn phải mang trong mình cả ý thức về văn hóa, và ứng xử hiểu biết, có giáo dục tại mỗi điểm đến.
 
  Nguồn ảnh: sưu tầm
 

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Không chỉ hai sự cố

Các vi phạm về chính sách nhà, đất của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và sự cố mất điện gây sập toàn hệ thống thiết bị điều hành bay tại Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) mới đây, thoạt nhìn chẳng có gì tương quan. Tuy nhiên, ở góc độ tổ chức nhân sự và cơ chế đảm bảo sự vận hành thực thi tốt chức trách cho các cơ quan, đơn vị thì rõ ràng hai vụ việc tưởng chứng như riêng lẻ nói trên lại có không ít điểm chung đáng quan tâm.


Một trong những ngôi nhà của ông Trần Văn Truyền

Thanh tra Chính phủ cũng như người đứng đầu tổ chức này gần như mặc nhiên được xã hội đòi hỏi khắt khe về sự liêm chính và thượng tôn pháp luật. Dân gian còn gọi đùa một cách thâm thúy họ là "Bao Công thời nay”. Đó là yêu cầu tất yếu về tính gương mẫu của một cơ quan, một lãnh đạo cấp cao được Đảng và Chính phủ giao cho trọng trách thanh tra, giám sát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đạo đức công vụ, giữ gìn kỷ cương phép nước.  Thế nhưng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền sau một thời gian nghỉ hưu nay phải đối mặt với các kết luận về những sai phạm liên quan tới chính sách nhà đất, được cho là vi phạm pháp luật, thiếu trung thực và thiếu gương mẫu.

Trung tâm điều hành không lưu Tân Sơn Nhất, TP.Hồ Chí Minh (ACC.HCM), về nguyên tắc được thiết kế để không thể xảy ra bất kỳ sự cố nào, làm tê liệt hệ thống dẫn tới mất quyền điều hành bay trong khu vực. Theo các chuyên gia về hàng không, hệ thống an toàn của ngành này mà cụ thể là của trung tâm này được yêu cầu tới mức gần như tuyệt đối chứ không thể giỡn chơi. Thế nhưng, sự cố mất điện ngày 20-11 vừa rồi tại ACC.HCM vẫn xảy ra và được xem là một sự cố cực kỳ hy hữu.

Hai đơn vị được yêu cầu cao và khắt khe nhất về tiêu chuẩn thiết kế, về tổ chức cán bộ và cơ chế đảm bào vận hành, cuối cùng đều đã xảy ra sự cố rất đáng tiếc làm rúng động dư luận xã hội. Hậu quả của các sự cố này nghiêm trọng tới đâu còn mất nhiều thời gian để lượng định, song có những bài học cần phải nhìn thấy ngay để đảm bảo loại trừ được các sự cố tương tự có thể tái diễn trong tương lai.

Theo các thông tin được công bố trên hệ thống truyền thông chính thức cho tới nay cả hai "sự cố” nói trên đều liên quan tới yếu tố con người. Nói cách khác, có vấn đề trong công tác tổ chức nhân sự nên đã dẫn tới các sai phạm của những con người cụ thể, có thẩm quyền và có trách nhiệm hàng đầu ở ngay chính những nơi lẽ ra phải đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn, phẩm chất nhân sự cũng như thiết chế bộ máy. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã rất thẳng thắn khi chỉ ra từ vụ việc ông Trần Văn Truyền, chúng ta phải nghiêm khắc rút ra các bài học về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phẩm chất cán bộ và bài học về công tác tổ chức nhân sự.  Theo ông Vũ Quốc Hùng, cán bộ lãnh đạo trước hết phải tu thân, tề gia rồi mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân là việc dứt khoát phải làm, tề gia quan trọng không kém bởi tề gia giúp cán bộ vượt qua những sức ép, đòi hỏi của người thân làm mình lung lạc. Câu cổ nhân dạy nay vẫn còn nguyên giá trị giáo dục, mang tính thời sự. Bài học thứ hai là về công tác tổ chức cán bộ, vẫn còn những quan liêu, sai lầm, những sơ sảy... Có những người không đủ phẩm chất vẫn có thể được bổ nhiệm. Có những người bản thân tốt, nhưng khi ngồi vào ghế cao lại thoái hóa biến chất. Do vậy, vai trò của công tác tổ chức là hết sức quan trọng.

Trong thực tế, công tác tổ chức nhân sự được cụ thể hóa khá chi tiềt bằng nhưng giai đoạn quy hoạch và các bước quy trình thẩm tra, bổ nhiệm. Thế nhưng, dù có áp dụng đầy đủ các quy định và quy trình công tác nhân sự vẫn không tránh khỏi sai sót cả vô tình lẫn cố ý. Do vậy, song song với công tác tổ chức nhân sự còn đòi hỏi có sự giám sát, kiểm tra của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của cán bộ công quyền.

Trường hợp sai phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền chỉ được cơ quan có thẩm quyền kết luận sau khi ông Truyền đã nghỉ hưu. Chủ yếu sau khi có sự phát hiện của dư luận xã hội và báo chí. Trước đó, ông Truyền vẫn là cán bộ, đảng viên tốt, gương mẫu trong "con mắt” của cơ quan chức năng. Điều này cho thấy, có gì đó chưa ổn trong mạng lưới các công cụ giám sát cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao, của các tổ chức Đảng và Nhà nước. Liên quan tới các sai phạm của ông Trần Văn Truyền còn xuất hiện sự tắc trách hay nể nang của một số địa phương vô tình hay cố ý hỗ trợ cho các sai phạm này được hoàn thành một cách khá dễ dàng. 

Nể nang trong thi hành công vụ là điều không thể chấp nhận khi mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật. Dùng tài sản nhà nước để "nể nang”, có lợi cho "tình riêng” càng không thể chấp nhận, vì hành vi đó là vi phạm pháp luật. Tương tự, trong một đơn vị đòi hỏi tiêu chuẩn cán bộ khắt khe, có tính quốc tế như ACC.HCM vì sao xuất hiện không ít cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn và trong thực tế đã để xảy ra sự cố nghiêm trọng một cách hết sức khó hiểu? Cách lý giải về nguyên nhân của sự cố này của các quan chức ngành hàng không cho thấy các hành vi dẫn tới sự cố nghiêm trọng nói trên là hết sức ấu trĩ tới mức không thể chấp nhận được đối với một nhân viên bình thường. Điều này đã khiến không ít chuyên gia uy tín trong lĩnh vực hàng không buộc phải nghi ngờ nguyên nhân yếu tố con người ở đây có khả năng thuộc về cấp cao hơn. Nhân sự có thẩm quyền và khả năng làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống thiết bị được coi là hiện đại nhất Đông Nam Á này. Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay lập tức có thể chỉ đạo đình chỉ hoặc cho nghỉ việc những cán bộ có liên quan trực tiếp tới sự cố, trong ca trực. Tuy nhiên, trách nhiệm cấp cao hơn, cũng cần phải đặt ra: Ai đã tạo điều kiện cho không ít nhân viên không lưu chưa đạt chuẩn có mặt trong hệ thống cần có sự vận hành an toàn gần như tuyệt đối này? 

Chưa có kết luận chính thức nào gọi các sai phạm của ông Trần Văn Truyền là hành vi tham nhũng. Song từ mối liên hệ tự nhiên của xã hội, người từng đứng đầu cơ quan có trọng trách trong công cuộc phòng chống tham nhũng lại tự mình coi thường pháp luật, vì lợi ích cá nhân để xảy ra nhiều hành vi vi phạm không khác gì các hành vi tham nhũng như vậy có gì đó thật sự không ổn. Trước khi kịp "hạ cánh an toàn”, ông Trần Văn Truyền còn "tranh thủ” ký hàng chục quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp cao trong bộ máy Thanh tra Chính phủ chỉ trong thời gian ít ỏi, mà nay những người kế nhiệm đang phải giải quyết hậu quả. Điều đó càng cho thấy rõ hơn công tác tổ chức cán bộ và công cụ giám sát hành vi công vụ của chúng ta hiện đang có không ít vấn để đáng quan ngại.

Hữu Nguyên

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Tiến thoái



Các học tăng trong thiền viện Long Hổ đang mô phỏng một bức tranh long tranh hổ đấu trên bức tường trước chùa. 

Bức tranh vẽ con rồng trên mây trong thế đang bay xuống, con hổ ở đỉnh núi trong thế chực lao lên. Tuy chỉnh sửa nhiều lần vẫn không thấy sinh động lắm. Gặp lúc thiền sư Vô Đức ở ngoài về, học tăng xin ý kiến thiền sư. Thiền sư ngắm bức họa xong nói:

- Hình dáng bên ngoài của long và hổ vẽ cũng không tệ, nhưng đặc tính của long và hổ thì các ngươi chưa miêu tả được. Các ngươi nên biết, trước khi con rồng muốn công kích, đầu nó phải rụt về phía sau; khi con hổ chuẩn bị tấn công, đầu nó phải hạ xuống thật thấp. Độ co rụt của cổ rồng càng nhiều , đầu của hổ càng thấp thì chúng lao tới càng nhanh, nhảy càng cao.

Chúng tăng hớn hở nói:

- Thiền sư nói thật chí lý. Chúng ta không chỉ vẽ đầu con rồng quá hướng về đàng trước mà đầu con hổ lại vẽ quá cao, thảo nào bức họa không có vẻ sinh động.

Thiền sư Vô Đức nhân tiện giảng giải thêm:

- Đạo lý đối nhân xử thế, tham thiền tu đạo cũng vậy. Phải thối một bước để chuẩn bị mới có thể vọt tới càng xa, khiêm tốn hạ mình mới có thể phóng lên cao hơn ...

Chúng tăng hỏi:

- Người thối lui sao có thể tiến lên, người hạ mình sao còn có thể lên cao được?

Thiền sư Vô Đức nghiêm giọng nói:

- Các người hãy nghe bài thơ thiền sau đây của ta:

"Tay cầm mạ non gieo đầy ruộng; 
cúi đầu nhìn thấy trời trong nước;
Thân tâm thanh tịnh mới là đạo, 
thối lui vốn dĩ là tiến lên."

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Thư "Gửi bác bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo" gây xôn xao trên mạng

Bỏ việc để đi vì dốt tiếng Anh

TT - Những ngày này, cư dân mạng đang lan truyền bài viết “Gửi bác bộ trưởng Bộ GD-ĐT” của Võ Thị Mỹ Linh về sự khác biệt trong sách giáo khoa tiếng Anh ở bậc tiểu học của VN và Nepal.
Bài viết xuất hiện trên mạng chiều 19-11, đến nay thu hút gần 12.000 người thích (like), hơn 5.000 lượt chia sẻ và hơn 1.300 bình luận (comment).
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Võ Thị Mỹ Linh (nick Facebook là Va Li) cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ GD-ĐT về bài viết này.
Mỹ Linh trong một lần leo núi tại Nepal - Ảnh nhân vật cung cấp
Võ Thị Mỹ Linh (25 tuổi) sống tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Linh làm phóng viên cho một tạp chí, sau đó làm nhân viên PR cho một ngân hàng trước khi nghỉ việc để đi du lịch.
Sắp tới Linh sẽ về VN và ra mắt tiểu thuyết Bên kia sườn đồi và hồi ký Sau cơn bão.
Giữa tháng 10, Linh được cộng đồng mạng biết đến, thán phục sau khi vượt qua cơn bão tuyết trong chuyến leo núi ở Nepal khiến hàng chục người thiệt mạng.
Không đổ lỗi
* Sau khi đăng lên Facebook của mình, bài viết được cộng đồng mạng chia sẻ, bình luận với tốc độ chóng mặt. Cảm giác của bạn như thế nào?
- Trong số các bạn vào bình luận, một số khen bài viết hay, một số chê bài viết dở, một số bênh vực nền giáo dục VN, còn lại phần lớn “chửi” nền giáo dục.
Tôi cũng chẳng quan tâm các bạn khen chê gì vì đó là ý kiến cá nhân của tôi nói với bác bộ trưởng. Nhưng tôi buồn khi thấy một số bạn đổ lỗi cho nền giáo dục VN đã làm hại bạn hoặc chính con em bạn.
Tôi biết nền giáo dục còn nhiều yếu kém, nhiều bất cập nên tôi nêu ra chính kiến, chỉ ra lỗi của người soạn sách để gửi tới bác bộ trưởng.
Nhưng tôi không đổ lỗi tôi dốt tiếng Anh là tại ông bộ trưởng hay tại nền giáo dục VN vì tôi không có thói quen đổ lỗi cho ai đó. Nếu có, tôi đổ lỗi cho chính mình trước.
* Mục đích của bạn viết bài này là gì?
- Vì tôi thích viết và tôi thấy mình cần phải viết. Tôi có chính kiến, tôi không giấu nó trong lòng, tôi không thỏa hiệp với bản thân rằng: ừ, kệ đi. Nếu ai cũng lên tiếng như tôi, chắc hẳn sẽ có một kết cục khác. Các bạn muốn ăn cơm thì ít nhất phải nói cho mẹ biết các bạn đói.
Đằng này các bạn cứ nghĩ rằng mẹ mình chưa nấu cơm nên chắc có nói cũng bằng thừa thì làm sao biết mẹ có cái bánh mì đang giấu trên kệ bếp?! Đừng đổ lỗi cho bất cứ ai khi chính bạn không làm chủ được cuộc đời bạn.
Tôi sống và hành động theo cách mà cha tôi đã nói khi tôi còn nhỏ: “Your life is yours, not mine! - Cuộc đời này là của bạn, chứ không phải của ai khác”.
Không muốn mình hèn
* Bỏ việc để đi du lịch Ấn Độ, Nepal và đặc biệt là câu chuyện kiên cường khi thoát nạn trong trận bão tuyết hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ Linh được nhiều người ngưỡng mộ, theo dõi. Bạn suy nghĩ gì về điều này?
- Một số bạn thần tượng tôi như anh hùng sau chuyện tôi leo núi và sống sót. Thật ra tôi đâu phải anh hùng, tôi là một cô gái bình thường leo núi với mục đích tầm thường. Năm 22 tuổi, công việc của tôi là viết báo, kiếm hợp đồng PR, viết văn viết thơ viết truyện, bán chữ để kiếm tiền. Mức thu nhập của tôi hằng tháng hơn 20 triệu đồng, với những người ở độ tuổi 22, nhiêu đó cũng gọi là bằng lòng.
Sau đó, tôi chuyển việc sang ngân hàng và rồi từ bỏ tất cả để đi vì tôi thấy mình dốt tiếng Anh. Tôi ước mơ du học nhưng mãi không được, nên cuối cùng chọn phương pháp du lịch để học.
Tôi đánh đổi số tiền tiết kiệm bao năm để đi, đánh đổi chuyện mất việc để đi, vì tôi không muốn mình hèn và tôi không muốn khi mình đứng nói chuyện với người nước ngoài thì lo lắng, sợ sệt.
Vì tôi biết nếu tôi dốt tiếng Anh thì lỗi tại tôi chưa tìm đủ mọi cách để học tiếng Anh trước chứ không phải tại nền giáo dục yếu kém.
Trước lúc bỏ việc đi du lịch, tôi có đọc bài viết về một cô gái đi du lịch rất nhiều nơi. Khi cô kể về những nơi đã đi, mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ, ai cũng ước đi được như cô. Cô gái ngạc nhiên hỏi họ muốn đi thế sao không đi.
Họ lập tức viện ra rất nhiều lý do, đổ lỗi cho rất nhiều thứ, nào là bận chồng con, nào là thiếu tiền bạc, nào là tuổi tác đã không còn phù hợp.
Cô gái buồn cười và kết luận rằng nếu bạn muốn đi mà cứ chần chừ như thế thì ai sẽ thực hiện giấc mơ chu du ấy cho bạn. Thế nên tôi cũng muốn hỏi các bạn là nếu các bạn muốn học tiếng Anh nhưng cứ đổ lỗi tại thế này thế kia thì ai sẽ học thay cho bạn?
* Bạn đang ở Nepal?
- Vâng, tôi đang ở làng Ảuchour, quận Syanja, Nepal. Tôi ở đây đã được nửa tháng. Mỗi ngày tôi đến Trường Sarbodaya chơi với học sinh ở đây, hỗ trợ thầy cô dạy tiếng Anh cho học sinh. Hết giờ ở trường thì tôi về nhà, đi ra đồng làm ruộng, cắt cỏ với bà con.
Tôi chẳng giúp được gì cho họ nhiều, chủ yếu là tôi thích cảm giác trải nghiệm, sống cùng người bản địa để hiểu cuộc sống, văn hóa của họ.
Gửi bác bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo
Cùng giới thiệu về quê hương, nhưng SGK Nepal (trái) giới thiệu một địa danh của Nepal, trong khi SGK VN giới thiệu London - Ảnh: Facebook Va Li
1 Cháu đọc sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh  lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu.
Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful (cẩn thận - PV) với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý cây cầu bị gãy. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi “What do you want?” (Bạn cần gì?) và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ổng ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ổng trồng. Thế là ổng viết thư cho con trai.
Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài tiếng Anh, họ còn có hai môn học khác là văn hóa xã hội và khoa học - sức khỏe cũng hoàn toàn được viết bằng tiếng Anh và nằm trong môn học chính của học sinh.
Cháu lập tức nhắn về VN, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5 dạy cái gì. Bác biết gì không? Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 dạy câu “Where are you from?”. Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu “How’re you?”. Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu “Where’re you from?”.
Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi ba câu “hello”, “how’re you”, “where’re you from?” mà bác bắt chúng phải học đi học lại suốt năm năm học như thế hay không? Hay là tại những người soạn sách không biết gì hơn để mà soạn? Hay tại chúng ta quan niệm năm năm học được ba câu đó là đã quá nhiều rồi?
Bác biết không, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những chuyện kiếm tiền, yêu đương. Nên cháu buồn khi thấy chúng ta bắt các em học quá nhiều thứ về toán lý hóa nhưng lại lo sợ trí nhớ của các em không đủ để học tiếng Anh. Buồn cười nhỉ.
2 Để dạy học sinh Nepal hiểu tiếng Anh, nhớ tiếng Anh, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.
Để dạy học sinh VN hiểu tiếng Anh, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt. Theo bác, việc ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ hơn hay khó hơn ghi nhớ một đoạn hội thoại dễ hơn?
3 Người Nepal soạn SGK để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hóa hằng ngày của họ. Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda...
Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn tiếng Anh vì gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào về đất nước họ. Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về VN, nhưng có bao giờ bác nhìn SGK tiếng Anh của người Việt để xem sách viết gì không?
Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry... những cái tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown (quê hương của tôi) nhưng cái Hometown ấy là London. Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giầy bánh mì thịt nướng mà là bánh pizza...
4 Đã rất lâu rồi, chúng ta, hoặc vì lười biếng, hoặc vì bảo thủ, hoặc vì không muốn tiếp cận cái mới nên luôn tự ru ngủ nhau rằng: “Là người Việt, chúng ta phải tự hào về văn hóa Việt, nên chúng ta cần học tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh”.
Đó chắc là lý do mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi tiếng Anh trở thành môn tự chọn. Nhưng cháu muốn đổi lại một chút thế này: “Là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hóa Việt, nên chúng ta cần học tiếng Anh để nói cho thế giới biết về văn hóa của chúng ta đẹp như thế nào”.
Người Nepal đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính vì họ muốn kể câu chuyện văn hóa của đất nước họ cho thế giới biết. Nên cũng đã đến lúc chúng ta cần học theo như họ rồi bác ạ...
(trích từ Facebook Va Li)

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Kết luận Kiểm tra tài sản nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền

Ngày 21.11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.


Ảnh TL
Toàn văn Thông cáo như sau: Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất đối với đồng chí Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau khi báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo:
Tại kỳ họp lần thứ 26, ngày 02-03/10/2014 và kỳ 27, ngày 29-30/10/2014 qua xem xét, thảo luận báo cáo kết quả kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Đồng chí Trần Văn Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, đồng chí đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất như sau:
1. Về thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Tháng 12-1992, đồng chí Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2). Việc đồng chí Trần Văn Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi đồng chí không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Sau khi được cấp đất, gia đình có san lấp mặt bằng, làm tường rào nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm. Đến năm 2002, khi được chính quyền địa phương thông báo nộp 16 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng chí Trần Văn Truyền làm đơn đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách với gia đình người có công và được Cục Thuế tỉnh Bến Tre quyết định miễn giảm theo Nghị định số 38/CP, ngày 23-8-2000 của Chính phủ đúng với số tiền là 16 triệu đồng.
Năm 2007, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về nhà ở, đất ở. Qua kiểm tra cho thấy, năm 1992, đồng chí Trần Văn Truyền đã nhận đất của Quân khu 9, đến năm 2003 đồng chí lại được tỉnh bán cho căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP của Chính phủ; do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu đồng chí Truyền trả lại mảnh đất trên cho Tỉnh đội Bến Tre quản lý; đồng chí Trần Văn Truyền cũng đã có đơn trả lại. Nhưng từ năm 2007 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên, do giữa gia đình đồng chí Trần Văn Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào. Trong khi chưa giải quyết dứt điểm, thì đến năm 2013, đồng chí lại có đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Như vậy, đồng chí Trần Văn Truyền biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận. Sau khi đã được mua nhà theo Nghị định số 61/CP và sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trả lại, đồng chí đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng. Việc làm trên của đồng chí Trần Văn Truyền thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với bản thân đồng chí.
Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất, để kéo dài, gây dư luận không tốt đối với lãnh đạo ở địa phương.

2. Về căn nhà tại số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre
Năm 2002, UBND tỉnh đồng ý cho gia đình đồng chí Trần Văn Truyền, được thuê căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre với diện tích: nhà chính 118,22 m2, nhà phụ 24,48 m2, khuôn viên đất 117,69 m2. Trước khi đồng chí nhận nhà, Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre đã tiến hành sửa chữa, cải tạo mới căn nhà trên với tổng chi phí là 413,385 triệu đồng.
Năm 2003, khi đã chuyển công tác ra Hà Nội, đồng chí Trần Văn Truyền có đơn xin mua căn nhà số 06 Lê Quý Đôn và đã được UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định chuyển quyền sử dụng đất và bán cho đồng chí căn nhà trên theo Nghị định 61/CP. Trong đơn xin mua nhà, đồng chí Truyền cam kết chưa được cấp đất theo chính sách nhà, đất của Nhà nước. UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định bán cho đồng chí Trần Văn Truyền căn nhà trên theo Nghị định 61/CP, với số tiền miễn giảm là 76,291 triệu đồng; số tiền còn phải nộp cho Nhà nước là 277,969 triệu đồng.
Như vậy, thời điểm mua căn nhà trên, đồng chí Trần Văn Truyền đã được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định trước đó vào năm 2002. Bản thân đồng chí Trần Văn Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong hai năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 61/CP của Chính phủ "Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...”.
Việc UBND tỉnh chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho đồng chí Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm.
3. Về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, đồng chí Trần Văn Truyền có đơn gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà tại Thành phố và đã được UBND Thành phố giải quyết cho đồng chí thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận.
Năm 2008, do thời hạn hợp đồng gần hết, đồng chí có làm đơn và được Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý chuyển tên trong hợp đồng cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ làm việc tại Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Sài Gòn, tiếp tục được thuê căn nhà trên.
Đến tháng 3-2011, đồng chí làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh bán căn nhà này cho đồng chí và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên. Sau đó các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Trần Thị Ngọc Huệ theo hình thức thu 100% tiền sử dụng đất theo đơn giá do Thành phố quy định hàng năm và thực hiện quy trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, nhưng không tính miễn, giảm các khoản được hỗ trợ theo chính sách. Vào thời điểm tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, đồng chí Trần Văn Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.
Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ đồng chí là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh là nhà được tặng; con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, đồng chí Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất; đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND Thành phố Hồ Chí Minh không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước. Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng. Việc làm trên của đồng chí là có vi phạm, làm cho uy tín cá nhân bị giảm sút, gây dư luận xấu trong xã hội.
4. Về nhà công vụ tại số 61, đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Năm 2004, đồng chí Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị Trung ương hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, Khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với diện tích 95m2...
Tháng 10-2011, đồng chí Trần Văn Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình thì đồng chí mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5-2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Như vậy, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, đồng chí Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, đồng chí có khuyết điểm khi chưa thực sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
5. Về căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre

Ảnh TL
Từ năm 2009 - 2010, con trai đồng chí Trần Văn Truyền là Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh mua gom đất của 4 hộ dân (với 08 thửa liền kề), diện tích 16.567,4m2, tổng số tiền theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng (ngoài ra còn 01 lô đất gần 8.000 m2 của con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ mua, nhưng chưa sử dụng).
Tháng 12-2012, căn cứ đơn đề nghị của ông Trần Hoàng Anh, UBND thành phố Bến Tre cấp phép xây dựng nhà cho ông Trần Hoàng Anh với diện tích xây dựng tầng trệt 441,71 m2; tổng diện tích sàn 1.226,61 m2; công trình có 03 tầng với chiều cao là 19,96m. Tháng 5/2014, UBND Thành phố Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Hoàng Anh. Đồng chí Trần Văn Truyền có báo cáo giải trình về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình trên là từ 07 tỷ đồng tiền của vợ chồng đồng chí dành dụm và 04 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú tại khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đồng chí đang ở trong căn nhà này..
Như vậy, việc mua đất và xây dựng nhà của các con đồng chí Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, đồng chí Trần Văn Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội. Việc làm trên của đồng chí thể hiện sự thiếu cân nhắc thận trọng và thiếu gương mẫu trong thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân đồng chí và tổ chức đảng; vi phạm mục C, khoản 1, Điều 1, Hướng dẫn số 03, ngày 15-3-2012 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-01-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm: “Làm những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”.
6. Về căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh Nghĩa Phạm
Nguồn gốc căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh là từ việc đồng chí Trần Văn Truyền có quen biết gia đình bà Trần Thị Lý, sinh năm 1930, trú tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Lý có nhận đồng chí Trần Văn Truyền làm con nuôi . Tháng 7-2000, bà Lý có lập di chúc để lại cho con gái là Phạm Thị Kim Anh, sinh năm 1967. Trong di chúc của bà Lý có nội dung để lại toàn bộ tài sản cho con gái là bà Kim Anh, do bà Kim Anh toàn quyền quyết định khi bà mất, trong đó đồng ý việc chia tài sản cho các con đỡ đầu và các cháu.
Sau khi bà Lý mất, bà Kim Anh đã mở di chúc để chia số tài sản thừa kế cho một số người, trong đó có đồng chí Truyền. Năm 2008, bà Kim Anh tặng cho vợ đồng chí Trần Văn Truyền là bà Phạm Thị Thủy 01 căn nhà 3 tầng, diện tích xây dựng 211,8m2, tổng diện tích sàn là 505,1m2 .tại số 465/48C khu phố Phước Hậu. Từ khi được tặng căn nhà, đồng chí Truyền chưa sử dụng, nay theo báo cáo đã giao lại cho bà Kim Anh quản lý, đồng chí nhận của bà Kim Anh 4 tỷ đồng để làm nhà biệt thự ở Bến Tre.
Tóm lại, từ 6 trường hợp cụ thể về nhà, đất nói trên, qua kiểm tra cho thấy:
Trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan Trung ương và khi đã về nghỉ hưu, đồng chí Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm: thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình; trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm và thực hiện Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những việc làm của đồng chí gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân đồng chí và tổ chức đảng;
Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre có khuyết điểm, vi phạm trong việc còn nể nang, không chỉ đạo thu hồi dứt điểm lô đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre; trong việc sửa chữa, cải tạo mới và bán cho đồng chí Trần Văn Truyền nhà số 06 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng của thành phố đồng ý bán cho con gái đồng chí Trần Văn Truyền căn nhà tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận là không đúng đối tượng, thiếu căn cứ pháp lý, có sự nể nang, vi phạm Quyết định số 118/TTg, ngày 27-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2527/BXD-VP, ngày 18-12-2008 của Bộ Xây dựng và Công văn số 76/UBND-ĐTMT, ngày 20-02-2009 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, những khuyết điểm, vi phạm của đồng chí Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã báo cáo và được Ban Bí thư đồng ý (như nêu tại Công văn số 9161-CV/VPTW, ngày 20-11-2014 của Văn phòng Trung ương Đảng), theo đó Ban Bí thư yêu cầu:
- Đối với đồng chí Trần Văn Truyền
+ Kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
+ Yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre
+ Thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đồng chí Trần Văn Truyền về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre theo quy định của pháp luật.
+ Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 06 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre.
- Đối với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo hướng đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 685/UBND-ĐTMT-M, ngày 30-9-2014.
+ Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105-Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.