Ngân Hà/SM
Ảnh bên:Một nhóm phượt mặc áo cờ đỏ sao vàng nhưng thản nhiên đi xe máy vào giữa vườn cải để chụp hình.
Vài năm trở lại đây, đi phượt đã được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Mỗi khi đến mùa hoa cải, tam giác mạch, dã quỳ, đào rừng… những đoàn phượt từ khắp nơi cũng ùn ùn từ miền xuôi đổ lên miền ngược. Nhưng thay vì “chỉ để lại dấu chân” như tuyên ngôn của những phượt thủ chân chính nhiều bạn trẻ lại đang để lại cả rác và sự phá hoại hoa màu cho người dân bản địa.
Vô tư “dẫm nát” lên cảnh quan thiên nhiên
Mới đây, chính những người trong một nhóm đi phượt đã rất “hồn nhiên” chia sẻ trên mạng xã hội FB những hình ảnh cả nhóm mang cả xe máy vào giữa một vườn hoa cải tại Mộc Châu, Sơn La, rồi thoải mái tạo dáng chụp hình. Dễ thấy nhất trong tấm hình là toàn bộ phần hoa cải bị dẫm nát dưới chân của nhóm bạn trẻ vô ý thức này. Khi 3 tấm ảnh được post lên một vài diễn đàn dành cho dân phượt trên FB, ngay lập tức đã nhận được vô số “gạch, đá” từ phía cư dân mạng.
Một bạn trẻ bình luận: "Ở nhà, bố mẹ các bạn trồng rau rồi người ta thả trâu vào phá, các bạn có chịu được không? Hoa cải người ta trồng lấy hạt mà các bạn phi cả xe vào dẫn nát, tôi không hiểu các bạn ý thức đến đâu. Cho dù các bạn trả tiền cho phần bị dẫm nát thì thử tưởng tượng, nếu 5-6 đoàn phượt, đoàn nào cũng vào chụp, cũng ý thức như các bạn thì còn đâu hoa cải làm nền nữa chứ".
Rất nhiều hoa cải đã bị nhóm phượt này dẫm nát bươm.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối sự vô ý thức của nhóm bạn trên vẫn có những ý kiến tỏ ra thông cảm, hay bảo vệ họ và cho rằng vài ba tấm hình không thể chứng minh nhóm bạn đã phá hoại, có thể chỉ đi theo “lối mòn” để lại từ những nhóm phượt trước hay không thể chỉ đứng bên ngoài vườn cải để chụp, ảnh sẽ rất chán…
Điều này cũng phần nào cho thấy sự khác biệt trong suy nghĩ của những bạn trẻ về văn hóa Phượt. Đây cũng không phải lần đầu chuyện dân phượt với ý thức kém dẫn tới tình trạng phá hoại hoa màu, ảnh hưởng tới cảnh quan, xả rác bừa bãi tại các điểm đến… Những cánh đồng tam giác mạch cũng từng tan tác khi bị quá nhiều đoàn phượt thoải mái đi xe máy vào giữa ruộng để tận hưởng cảm giác “thiên nhiên” và chụp ảnh. Những vườn chè xanh ngát cũng đã từng bị gãy nát vì quá nhiều người đổ xô đến “dẫm, đè lên” để chụp ảnh tạo dáng. Mái chóp của đỉnh Fanxipang cũng từng bị khắc tên, thậm chí bê hẳn lên khỏi mặt đất bởi những nhóm đi phượt vô ý thức. Cũng bởi vậy, hiện rất nhiều nơi tỏ ra “dị ứng” với các nhóm phượt, thậm chí họ đã phải chịu sự xua đuổi, khó chịu từ người dân bản địa.
Đi cả xe máy vào cánh đồng hoa tam giác mạch.
Phóng viên Sống Mới cũng từng chứng kiến cảnh T.A 26 tuổi, mới đi phượt từ Hà Giang về Hà Nội khoe “chiến lợi phẩm” là cả ôm hoa tam giác mạch. Khi được hỏi rằng: có ý thức được việc hái hoa sẽ ảnh hưởng tới người trồng không? T.A khá thản nhiên trả lời: “Cả cánh đồng lớn thế lấy một tẹo có sao đâu”. Nếu suốt cả mùa tam giác mạch, từng đoàn phượt lớn, nhỏ đều có suy nghĩ như T.A, ai cũng cố ngắt một ôm hoa tam giác mạch mang về làm kỷ niệm thì không bao lâu những cánh đồng hoa tam giác mạch sẽ nhanh chóng bị xóa sổ và những người đến sau sẽ chẳng còn gì để ngắm.
Dân phượt kỳ cựu cũng buồn chuyện phá hoại
Long Vũ, thành viên thường xuyên của một nhóm chuyên đi phượt tại Hà Nội chia sẻ: thực sự rất buồn và bức xúc vì thấy những cảnh trên, nó đã làm xấu đi hình ảnh của dân phượt chân chính.
Long chia sẻ: “Trong những chuyến đi, mọi người thường đặt nguyên tắc bảo vệ môi trường lên hàng đầu, thành viên không được vứt rác bừa bãi, không hái hoa bẻ cành. Rác cho vào túi, bỏ vào thùng rác ở điểm nào đó chứ tuyệt đối không đem vứt bừa bãi. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại đi phượt không chỉ là đam mê mà còn là “mốt” thu hút nhiều bạn trẻ. Có những chuyến đi chỉ với mục đích chụp ảnh, post lên FB khoe mẽ với bạn bè mình đã đi đây đi đó, sẵn sàng dẫm lên hoa lá, bẻ cành… để có được vài bức ảnh đẹp. Dân đi phượt cũng có người này người kia, có những người ý thức rất tốt nhưng cũng có những bạn trẻ không hiểu thấu đáo ý nghĩa của phượt nên đã có cách xử sự chỉ có thể nói là ý thức quá tồi”. Không ít lần nhóm phượt của Long đã phải chịu sự cáu giận, chửi mắng khi nhắc nhở những đoàn phượt khác có ý thức hơn.
Long cho biết, khá nhiều “phượt thủ” kỳ cựu luôn ghi nhớ trong mỗi chuyến đi là "Không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân" để gìn giữ cảnh quan môi trường. Thậm chí, một số nhóm phượt cũng đang có những hoạt động tích cực để dọn rác, đảm bảo môi trường hay tuyên truyền ý thức cho những nhóm bạn đi phượt tại nhiều điểm đến. Ngay chủ nhật tuần vừa rồi, một nhóm các bạn trẻ đi phượt cũng đã đến khu vực nhà hoang của Ba Vì để nhặt và dọn rác bởi nơi đó, dù được rất nhiều đoàn khách tham quan đến chụp ảnh vì cảnh đẹp nhưng cùng với đó, họ vô tư xả rác cho ngôi nhà không chỉ “hoang” mà còn bẩn, ngập ngụa trong rác thải.
Với nhiều hành động gây ấn tượng xấu như trên, một bộ phận người đi phượt vô ý thức đang khiến hình ảnh các “phượt thủ” trở nên xấu đi trong mắt nhiều người dân bản địa và những người yêu môi trường. Khoảng cách giữa “phượt” với “phá” khá gần nhau nhưng không phải bạn trẻ nào cũng đủ ý thức để nhận biết được điều này và có những chuyến đi có ý nghĩa. Bởi vậy, đi phượt không chỉ có “xách ba lô lên và đi” mà còn phải mang trong mình cả ý thức về văn hóa, và ứng xử hiểu biết, có giáo dục tại mỗi điểm đến.
Nguồn ảnh: sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét