Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Số liệu sản lượng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã được thổi phồng

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, sản lượng hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất đã được thổi phồng để tuyên truyền về tình trạng “quá tải” của nó...

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống


Dự báo sản lượng hàng không cho sân bay Long Thành đến năm 2050 chỉ dựa vào số liệu 15 năm phát triển ban đầu của sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 1995 đến 2009 mà độ chính xác và tin cậy rất đáng ngờ.
Sản lượng hàng không của Tân Sơn Nhất năm 2013 không thể trên 20 triệu khách như số liệu của ACV. Nguồn ảnh minh họa: vnas.vn
Những phân tích sau dựa vào số liệu trong niên giám Thống kê (NGTK) của cục Thống kê TP.HCM và số liệu 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 có thể dẫn đến kết luận rằng số liệu về sản lượng hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã được thổi phồng để tuyên truyền về tình trạng “quá tải” của nó và dự báo “nhu cầu ảo” rất lớn trong tương lai cho sân bay Long Thành.

Sai số giữa cục Thống kê TP.HCM và của ACV

Số liệu về sản lượng hàng không của TSN trong NGTK của cục Thống kê TP.HCM từ 2005 đến 2012 khác xa số liệu của tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) được sử dụng trong Báo cáo đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: ebay.vn
NGTK cho số liệu về số lượng chuyến bay (cất/hạ cánh), số lượng hành khách và trọng lượng hàng hóa qua TSN mà chúng được phân chia làm hai loại theo hãng hàng không quốc tế và theo hãng hàng không Việt Nam, rồi ở mỗi loại lại chia ra theo chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa. Từ số liệu này số lượng chuyến bay quốc tế của hãng hàng không quốc tế được cộng với số lượng chuyến bay quốc tế của hãng hàng không Việt Nam để có tổng số chuyến bay quốc tế. Số lượng chuyến bay nội địa của hãng hàng không quốc tế được cộng với số lượng chuyến bay nội địa của hãng hàng không Việt Nam để có tổng số chuyến bay nội địa.
Tương tự như vậy, số lượng hành khách bay quốc tế của hãng hàng không quốc tế được cộng với số lượng hành khách bay quốc tế của hãng hàng không Việt Nam để có tổng số lượng hành khách bay quốc tế. Số lượng hành khách bay nội địa của hãng hàng không quốc tế được cộng với số lượng hành khách bay nội địa của hãng hàng không Việt Nam để có tổng số lượng hành khách bay nội địa. Tổng số lượng hàng hóa bay quốc tế và tổng số lượng hàng hóa bay nội địa cũng được tính toán tương tự.

Tính toán dự báo theo số liệu về sản lượng hàng không của TSN trong NGTK từ 2005 đến 2012 thì năm 2015 số chuyến bay sẽ là 89.800, số hành khách sẽ là 11,5 triệu lượt người và số lượng hàng hóa sẽ là 301.900 tấn. Như thế TSN không “quá tải” như ACV - chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành - tuyên truyền.
Dự án sân bay Long Thành đã được manh nha vào khoảng năm 2000 khi mà sản lượng hàng không của TSN chỉ là 3,9 triệu khách/năm. Đến năm 2004, ông Nguyễn Nguyên Hùng, tổng giám đốc cụm cảng hàng không Miền Nam lúc ấy cho biết rằng sân bay Long Thành sẽ được xây dựng trên diện tích 5.000 ha, vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, năng suất 80 triệu lượt khách/năm và năm 2015 sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác từng phần song song với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Kể từ 2005 đến nay số liệu về sản lượng hàng không của TSN của ACV càng ngày càng khác xa số liệu trong NGTK của cục Thống kê TP.HCM.

Trong Báo cáo đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảng số liệu chỉ cung cấp số hành khách, số lượng hàng hóa thực tế cho các năm 1995, 2000, 2007, 2008, 2009 mà số liệu năm 2009 là ước tính vì báo cáo đầu tư dự án đang được soạn thảo trong năm đó. Sau đây là số liệu trích lại từ báo cáo đầu tư dự án với số liệu cho năm 2010 và 2015 là dự báo.   
Đến nay số liệu sản lượng hàng không của TSN của ACV có thể tìm được cho các năm 2011, 2012, 2013 để lập bảng sau:
Khi so sánh số liệu của ACV với số liệu từ NGTK thì chúng khác biệt rất lớn. Năm 2000, sự khác biệt về tổng hành khách chỉ 1%, năm 2007 số liệu của ACV lớn gấp 1,24 lần so với NGTK và tỷ lệ này tăng nhanh đến năm 2012 là 1,82 lần. Về hành khách bay quốc tế, năm 2007 số liệu của ACV lớn gấp 1,22 lần của NGTK và tăng nhanh đến năm 2012 là 2,23 lần.

Sự khác biệt quá lớn này chỉ có thể được giải thích bằng cách xác định ai đúng ai sai mà thôi.

Số liệu về sản lượng hàng không của TSN trong NGTK đáng tin cậy hơn vì chúng được công bố trên 20 năm qua và được cục Thống kê TP.HCM thực hiện một cách chuyên nghiệp và khách quan. Còn số liệu của ACV lại rất đáng nghi ngờ, nhất là vì động cơ ACV muốn ngụy tạo tình trạng “quá tải” của TSN và dự báo nhu cầu lớn trong tương lai cho Long Thành.
Điều đáng lưu ý là trong tháng 11/2013, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về kiến nghị của cử tri thành phố muốn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chưa xây sân bay Long Thành, trong đó có nêu: “Cử tri cho rằng, số liệu thống kê về sản lượng sân bay Tân Sơn Nhất của thống kê thành phố thấp hơn số liệu của bộ Giao thông vận tải, và nếu số liệu (của bộ) quá cao mà không chính xác thì khả năng lỗ rất cao và hoàn vốn chậm. Cử tri đề nghị cần có một cơ quan thống kê độc lập tính toán hệ số tăng trưởng thật chính xác, nhằm tránh lãng phí lớn khi xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành”.
Đường băng tại cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.L
Nghi vấn rất quan trọng này chẳng những không được Bộ Giao thông vận tải làm sáng tỏ mà cục Thống kê TP.HCM còn bị áp lực để công bố số liệu về sản lượng hàng không TSN trong NGTK năm 2013 giống như của ACV.
Số liệu mới này trong NGTK 2013 chỉ có 9 dòng so với 21 dòng trong NGTK TP.HCM ở các năm trước. Trong bảng số liệu mới này, số liệu cho các năm 2005, 2010, 2011, 2012 cũng được điều chỉnh cho giống như của ACV mà chúng khác hẳn với các số liệu cũ đầy đủ thông tin hơn trong các NGTK trước của cục Thống kê TP.HCM.

Sản lượng hàng không năm 2011: Không thể đến 16,7 triệu khách


Trong danh sách 100 sân bay đống khách nhất thế giới năm 2011 do hiệp hội Cảng hàng không quốc tế (Airports Council International) công bố mà sân bay thứ 100 có sản lượng hành khách là 14 triệu khách, không có tên sân bay Tân Sơn Nhất.

Danh sách 10 sân bay cuối trong 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011:
Theo NGTK sản lượng TSN năm 2011 là 9,4 triệu khách nên TSN không có trong danh sách đó là hợp lý. Nhưng theo ACV sản lượng hàng không của TSN năm 2011 là 16,7 triệu khách, một con số rất lớn, lớn hơn sản lượng của 10 sân bay cuối trong danh sách 100 sân bay đông khách nhất đó.
Rõ ràng là TSN không thể nào đông khách hơn những sân bay như Sao Paulo và Rio de Janeiro ở Brasil, Fukuoka ở Nhật Bản, Helsinki ở Phần Lan, Lisbon ở Bồ Đào Nha, Athens ở Hy Lạp, Auckland ở New Zealand.

Như thế sản lượng hàng không của TSN năm 2011 không thể lớn đến mức 16,7 triệu khách như số liệu của ACV, mà phải ít hơn mức 14 triệu khách của sân bay Auckland.

Sản lượng hàng không năm 2013: Không thể trên 20 triệu khách


Tính toán từ số liệu về sản lượng hàng không của TSN của ACV cho thấy tốc độ gia tăng trung bình số hành khách trong 6 năm từ 2007 đến 2013 là 11,8%, tương đối lớn khi so với tốc độ gia tăng của các sân bay Hồng Kông là 4%, Singapore là 6,5%, Bangkok là 2,3%, Kuala Lumpur là 10,2%.

Tính toán từ số liệu về sản lượng hàng không của TSN trong NGTK từ 2005 đến 2012 cho thấy thấy tốc độ gia tăng trung bình số hành khách là 4,9% mỗi năm, tương đối vừa phải so với mức trung bình chung là 6% của các sân bay trong khu vực trong cùng thời gian.

Khi số liệu về sản lượng của TSN trong NGTK từ 1995 đến 2012 là đúng thì số hành khách năm 2011 chỉ là 9,4 triệu khách và với tốc độ gia tăng trung bình hàng năm là 5% thì năm 2013 số hành khách chỉ trên 10 triệu khách thôi chứ không thể trên 20 triệu khách như số liệu của ACV.

PGS.TS Nguyễn Thiện TốngTS kỹ thuật hàng không đại học Sydney - Úc (1974); thạc sĩ quản trị hành chánh công đại học Harvard - Mỹ (1994); nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không đại học Bách khoa TP.HCM.

Nguồn GDVN


Vẫn có cách mở rộng Tân Sơn Nhất

MINH PHONG

(PL)- Vị trí dự định làm sân golf rất thích hợp để xây một nhà ga mới, giúp phân tán luồng khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thay vì chỉ dồn vào một cổng ở đường Trường Sơn như hiện nay.
Khi thảo luận về dự án Xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề cập đến việc trước tiên nên mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Vậy việc mở rộng sân bay này có khả thi không?
Sẽ không tốn quá nhiều chi phí
Sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 850 ha được sử dụng cho hàng không dân dụng. Phần còn lại gần 520 ha (trong đó có khoảng 160 ha được lấy làm sân golf) do quốc phòng quản lý. Trong sân bay này có hai nhà ga nội địa và quốc tế với tổng công suất thiết kế 25 triệu khách/năm (tính luôn phần mở rộng đang thực hiện).
“Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 100% công suất vào năm 2016 và sau đấy sẽ xảy ra cảnh quá tải nếu không có giải pháp đầu tư, xây sân bay mới thay thế. Nếu muốn nâng công suất Tân Sơn Nhất đạt mức 40-50 triệu hành khách/năm thì phải xây thêm nhà ga công suất 15-25 triệu khách/năm. Phương án này cần hơn 9 tỉ USD do phải giải tỏa, di dời khoảng 140.000 hộ dân” - Bộ GTVT thông tin.
Tuy vậy, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (TS kỹ thuật hàng không ĐH Sydney - Úc; ThS quản trị hành chính công ĐH Harvard; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng: Nói mở rộng Tân Sơn Nhất tốn kém hơn xây dựng sân bay Long Thành là chưa đúng. Kết quả tính toán đó chỉ nhằm minh họa cho chủ trương xây sân bay Long Thành chứ không phải là kết quả nghiên cứu khách quan.
“Tổng diện tích của Tân Sơn Nhất gần 1.500 ha nên việc mở rộng sân bay không thể tốn quá nhiều tiền bồi thường, giải tỏa cho phần đất ngoài sân bay. Nếu có thì chỉ cần một phần nhỏ cho việc kéo dài một đường băng (từ 3.800 m thành 4.000 m)” - PGS-TS Tống nói.


Vị trí dự kiến xây sân golf được nhiều người đánh giá rất phù hợp cho việc xây nhà ga mới nhằm tăng công suất cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: MP - TQ
Xây mới nhà ga, tăng số chuyến bay
Theo PGS-TS Tống, nếu tính toán đúng trong việc kết hợp nhiều biện pháp (xây thêm sân đỗ máy bay, nhà ga, nâng cấp đường băng và tăng số chuyến bay…) thì chỉ cần mở rộng Tân Sơn Nhất với diện tích hợp lý, vừa phải ở mức 1.200-1.500 ha là hoàn toàn có thể tăng năng suất lên đến 60 triệu khách/năm, đáp ứng nhu cầu vài chục năm nữa. Chắc chắn việc mở rộng này sẽ ít tốn kém hơn so với việc xây sân bay Long Thành rộng 5.000 ha.
“Nhiều ý kiến cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đang thiếu diện tích để mở rộng thêm nhà ga và sân đỗ máy bay. Theo tôi, có thể tận dụng khoảng 160 ha đất đang dự định cho doanh nghiệp tư nhân làm sân golf vào việc này. Vị trí định xây sân golf nằm ở khu tam giác rìa sân bay, vì thế không thể kéo dài hoặc xây mới đường băng vào phần đất này. Nhưng đó là vị trí thích hợp để xây một nhà ga mới, giúp phân tán luồng khách ra vào sân bay thay vì chỉ dồn vào một cổng ở đường Trường Sơn hiện nay” - PGS-TS Tống nêu quan điểm.
Một TS quản lý kinh tế (đề nghị không nêu tên) tính toán, với diện tích hiện hữu của Tân Sơn Nhất thì thừa sức xây thêm một nhà ga mới để tăng công suất lên hơn 35 triệu khách/năm với chi phí đầu tư khoảng 400-500 triệu USD. “Sân bay Changi (Singapore) rộng khoảng 1.300 ha nhưng có công suất thiết kế 68 triệu khách/năm. Sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể nâng cao khả năng tiếp nhận hành khách tương đương Changi nếu kế hoạch xây sân golf 160 ha được điều chỉnh. Theo tôi, sử dụng Tân Sơn Nhất với công suất 35 triệu khách/năm và vẫn để dành đất cho sân bay Long Thành sau này nên là lựa chọn hàng đầu” - vị này nói.
Sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá còn nhiều tiềm năng mở rộng với chi phí hợp lý. Ảnh: ACV
Liên kết các sân bay khác
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cho rằng: Trước mắt nên mở rộng tối đa Tân Sơn Nhất, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ của các sân bay quốc tế từ miền Trung đến Tây Nam Bộ như sân bay Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Biên Hòa (Đồng Nai), Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Đà Lạt). Tổng công suất của các sân bay này có thể đạt hơn 40 triệu khách/năm, giúp giảm rất nhiều áp lực cho Tân Sơn Nhất.
“Cần phải tính toán lại nhu cầu của hành khách để tổ chức các chuyến bay phù hợp, tránh việc dồn tất cả vào Tân Sơn Nhất như hiện nay. Đơn cử, Cần Thơ là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long nhưng sân bay ở đây mỗi năm chỉ có vài chuyến bay quốc tế, không bằng cả sân bay Cam Ranh. Điều này đã hợp lý chưa?” - ông Sành thắc mắc.
Đồng tình, PGS-TS Tống cho rằng tờ trình đề xuất chủ trương nghiên cứu xây sân bay Long Thành chưa có những nghiên cứu về lượng hành khách đi qua Tân Sơn Nhất nhưng điểm đến có thể là những tỉnh, thành ngoài TP.HCM, như về Cần Thơ, miền Tây hoặc đi Đà Lạt… “Điều đó cho thấy báo cáo về dự án Long Thành hiện nay chưa đưa ra đầy đủ các phương án so sánh để lựa chọn, trong đó có phương án tăng năng lực Tân Sơn Nhất cũng như có sự kết hợp giữa các sân bay ở khu vực miền Nam. Điều này rất quan trọng bởi nó vừa chia sẻ áp lực cho Tân Sơn Nhất, vừa tạo thuận tiện cho hành khách (được đi đúng điểm đến mà không qua trung chuyển bằng phương tiện khác)” - PGS-TS Tống nhận xét.
… Bộ KH&ĐT chưa từng đồng ý xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Về nguyên tắc, muốn làm sân golf sẽ phải xin ý kiến Bộ KH&ĐT.
Ông NGUYỄN XUÂN TỰ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thẩm định đầu tư,
Bộ KH-ĐT 
(trả lời trên Tuổi Trẻ ngày 15-10)
Nói rằng xây sân bay Long Thành với lý do Tân Sơn Nhất quá tải tôi xin thưa là bất bình, bức xúc lắm. Tôi đề nghị hủy dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đi vì hiệu quả không bao nhiêu mà mất lòng tin. Tại sao không mở rộng sân bay mà mở sân golf? Tôi đề nghị Chính phủ xem xét vấn đề này. Nếu cấn thiết, Chính phủ giao Bộ GTVT lấy ý kiến chuyên gia để khách quan hơn.
ĐB VÕ THỊ DUNG, Đoàn ĐBQH TP.HCM
Làm sân golf trong sân bay là không phù hợp. Nói thiếu diện tích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sao lại để sân golf trong đó. Mất niềm tin vô cùng!
ĐB HUỲNH MINH THIỆN, Đoàn ĐBQH TP.HCM
Cử tri Tân Bình nói rằng việc làm sân golf không chỉ lấn đất sân bay mà còn gây ô nhiễm môi trường. Cần hủy dự án sân golf để lấy đất tăng bãi đậu, phát triển nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất. Nâng cấp sân bay này có cơ sở, nói không có quỹ đất là người ta không tin.
ĐB ĐỖ VĂN ĐƯƠNG, Đoàn ĐBQH TP.HCM
(Những ý kiến trên được các ĐBQH trình bày tại phiên thảo luận tổ về dự án Sân bay Long Thành ngày 4-11)
MINH PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét