Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

MobiFone mua AVG: Từ “giải mật” đến công bố…

Thương vụ MobiFone mua AVG: 

Từ “giải mật” đến công bố…


Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của nhà đài truyền hình trả tiền AVG đã dần được "giải mật" dù hồ sơ thương vụ này trước đây từng được lãnh đạo MobiFone cho là "tài liệu mật". Tuy nhiên, từ "giải mật" một phần đến "giải mật" hoàn toàn là cả một vấn đề.
Rất may vừa mới đây, Thường trực Ban bí thư đã chỉ đạo khẩn trương công bố kết luận thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và xử lí vụ việc này khách quan, chính xác theo qui định.
Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG đã bị phát lệnh thanh tra toàn diện từ đầu tháng 8/2016. Đến tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra. Khi ấy, phía Thanh tra Chính phủ cho biết thời hạn thanh tra trong vòng 50 ngày. Cũng có nghĩa là, thời điểm kết thúc thanh tra là vào tháng 11/2016. Thế nhưng từ đó đến nay, đã nhiều lần dư luận cho rằng "sắp" công bố Kết luận thanh tra thương vụ này, nhưng cuối cùng đều không diễn ra.
Có thể nói, đây là một thương vụ lớn giữa một bên là doanh nghiệp nhà nước với một bên là doanh nghiệp tư nhân có một không hai về độ "bí hiểm". Bởi vào quí I/2016 khi MobiFone phát đi thông cáo mua 95% cổ phần AVG và sau đó đổi tên thành MobiTV, thì điều khiến báo giới ngạc nhiên nhất chính là giá trị thương vụ không được công bố. Và mỗi lần khi báo giới đặt câu hỏi về vấn đề này, lãnh đạo MobiFone đều từ chối trả lời và cho rằng đó là hồ sơ "mật". Có nghĩa là thương vụ này ngay từ ban đầu đã không được công khai minh bạch nếu không muốn nói là bị che đậy.
Một trong những tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy quá trình "giải mật" thương vụ bí hiểm này bắt đầu tư các chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI). Chuyên gia VAFI nhận định, MobiFone là doanh nghiệp lớn của nhà nước chứ không phải doanh nghiệp gia đình hay tư nhân, và lại đang tiến hành thủ tục cổ phần hóa, vì vậy phải công bố thông tin theo qui định. Nếu MobiFone không công bố thông tin theo qui định là vi phạm Điều 23 Nghị định 81 qui định về xử lí vi phạm trong công bố thông tin. Từ tiếng nói của giới chuyên gia VAFI, thương vụ này đã đi vào nghị trường kì họp Quốc hội.
Đến khi đó, giá trị thương vụ mới được chính thức "giải mật": MobiFone đã mua lại 95% cổ phần AVG với số tiền "khủng" lên đến 8.900 tỉ đồng. Cần biết rằng, giá trị của AVG trong những lần định giá trước đó còn được "thổi" lên mức hơn 20.000 tỉ đồng trong khi thực tế doanh nghiệp này đang hoạt động không hiệu quả, thực chất là đang thua lỗ, giá vốn được ước tính chỉ khoảng từ 1.600-2.000 tỉ đồng chưa trừ khấu hao. Một số chuyên gia cho rằng, AVG hô giá cho 95% cổ phần ở mức 1.000 tỉ đồng chưa chắc đã bán được, thế nhưng không hiểu vì sao MobiFone lại "đâm đầu" vào mua với mức giá cao gấp gần 9 lần, vậy mà không có bộ ngành chức năng nào cảnh báo, ngăn cản thương vụ gây thất thoát tiền nhà nước có một không hai trong lịch sử này.
Tất nhiên ai cũng hiểu, để thương vụ này diễn ra trót lọt sẽ phải có rất nhiều chữ kí, từ thấp đến cao, thậm chí qua tầng tầng, nấc nấc thủ tục, vậy mà vẫn hớ vẫn lọt khiến cho tiền nhà nước chảy ra "như nước sông Đà"…
Thanh tra đã xong, chí ít là quá trình "giải mật" thương vụ đã tạm kết thúc. Nhưng "giải mật" xong mà chậm trễ công bố, thì chỉ càng khiến cho dư luận nghi ngờ, đặt vấn đề thanh tra xong rồi để đó mà không được tiếp tục xử lí; hoặc là nửa vời, vô hình trung lại "vẽ đường cho hươu"… 
Dư luận người dân đã nhiều lần chờ công bố kết luận thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG trong suốt hơn một năm qua hết lần này tới lần khác. Chính vì thế, chỉ đạo sớm công bố kết luận thanh tra thương vụ này đã đáp ứng mong muốn của người dân.
MobiFone là một doanh nghiệp lớn, có thương hiệu hàng đầu quốc gia, còn có nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh, nhưng vì "vướng" vụ việc bị thanh tra chưa được công bố và xử lí, cho nên thời gian qua doanh nghiệp viễn thông di động hàng đầu Việt Nam này đang hoạt động trong sự cầm chừng, thiếu sự mạnh dạn trong đầu tư cũng như đường hướng phát triển kinh doanh. Cán bộ, nhân viên MobiFone thì còn "mệt" hơn vì hay bị "hỏi han" về thương vụ bị dư luận cho là chứa nhiều mờ ám, tiêu cực kia.
Nên nhớ rằng, MobiFone có đến vài ngàn CBCNV nhưng chỉ có một số rất ít người được tham khảo ý kiến và tham gia bàn thảo về thương vụ mua AVG. Nhưng thời gian qua, họ đang bị "khổ lây" từ nhóm người số ít kia. Vì thế, việc công bố sớm kết luận thanh tra và xử lí "đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát" cũng là một cách trả lại sự công bằng, sòng phẳng cho đa số những người "thấp cổ bé họng"; trả lại cơ hội phát triển cho một thương hiệu mạnh của quốc gia trong lĩnh vực thông tin di động đã và đang bị ảnh hưởng bởi thương vụ trên.
Thẩm Hồng Thụy


***
Calitoday
9-3-18
Từ ‘Mobifone mua AVG’, nhìn lại ‘tri ân nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’

Phạm Chí Dũng

Cali Today news – Nếu bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – sắp tới bị Bộ Công an khởi tố và tống giam liên quan vụ “Mobifone mua AVG”, đó sẽ là một lý giải rất thích đáng cho mối hoài nghi của dư luận về việc tại sao ngay trước tết nguyên đán 2018, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lại “cả gan” đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và còn “tri ân sự đóng góp” của “người tử tế”.
Chỉ 3 ngày sau thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng đi nước cờ đầu tiên trong năm âm lịch 2018 về quyết định bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư, vào ngày 8/3/2018, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 6106-CV/VPTW về việc xử lý vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Theo công văn trên: “Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban Bí thư.
Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.”
Đây là lần đầu tiên “Ban bí thư” ban hành văn bản chính thức chỉ đạo xử lý vụ “Mobifone mua AVG”, kể từ khi kết luận thanh tra vụ việc này bị “ngâm” đến hơn một năm.
Tính chất “rất nghiêm trọng” được nêu trong văn bản của trên có thể được xem là tương đương với mức độ “rất nghiêm trọng” trong kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào tháng Tư năm 2017 đối với ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng về những sai phạm của ông Thăng khi ông này còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dẫn tới vụ bắt giam ông Thăng vào tháng 12/2017.
Nếu báo cáo kết luận kiểm tra vụ Đinh La Thăng là chiến tích đầu tiên của Chủ nhiệm Ủy ban Kkểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, thì chỉ đạo xử lý vụ “Mobifone mua AVG”là biểu hiện quyền lực đầu tiên của ông Vượng trên cương vị Thường trực Ban bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh “nghỉ chữa bệnh dài hạn” – mà thực chất ông Huynh bị coi là đã “cháy”.
Vào giữa năm 2016, Văn phòng Trung ương Đảng đã có một văn bản truyền đạt chỉ đạo “việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Trọng về xử lý vụ chiếc xe hơi Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, mở đường cho chiến dịch truy buộc ông Thanh khiến Thanh phải bỏ trốn sang Đức.
Cuộc họp xử lý vụ “Mobifone mua AVG” cũng có dấu ấn rất lớn của Tổng bí thư Trọng. Có thể cho rằng tuy Trần Quốc Vượng là người “ký tên văn bản”, nhưng Nguyễn Phú Trọng mới là nhân vật quyết định về chủ trương, quan điểm và cách thức hành xử đối với “đại án quốc gia” này.
Tuy báo chí Việt Nam khi đưa tin “Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG” đã không nêu rõ văn bản truyền đạt chỉ đạo này gửi cho những cơ quan nào, và cơ quan nào là nơi nhận chính, nhưng có thể dễ dàng hình dung văn bản trên được gửi cho Bộ Công an theo quy trình chuyển hồ sơ từ cơ quan thanh tra sang cơ quan điều tra.
Hiện tượng Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư họp xử lý vụ “Mobifone mua AVG” và văn bản chỉ đạo được ban hành cùng ngày, đồng thời được cung cấp cho báo chí đăng tải rộng rãi, cho thấy văn bản này chỉ là một động tác “hợp thức hóa” cho những nội dung mà ông Trọng có thể đã chỉ đạo riêng các cơ quan thanh tra và điều tra tiến hành trước ngày 8/3/2018. Tức đã có thể diễn ra vụ “bắt trước, công bố sau” như nhiều dấu hiệu mà dư luận đã chứng kiến trong vụ “bắt và khám nhà Đinh La Thăng” vào ngày 8/12/2017.
Theo đó, có thể đã có một số nhân vật bị “nhập kho” trong thời gian gần đây.
Đó là những ai?
Chỉ 3 ngày trước cuộc họp của “Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG”, đã xuất hiện vài tin tức đáng chú ý, về “người đốt lò vĩ đại” – một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa dành tặng cho Nguyễn Phú Trọng – sẽ chỉ đạo công bố kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG vào tháng Ba này – một vụ việc thậm chí còn có thể lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Có khoảng 10 đối tượng sẽ bị khởi tố và bắt giam…
Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, kể cả Nguyễn Bắc Son cựu bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông…
Bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bị cho là “chủ mưu” trong vụ Mobifone mua AVG…
Tác giả của thông tin trên lấy bút danh là Công Lý. Trước đây, Công Lý đã viết một ít bài về vụ “Mobifone mua AVG”, không phải trên báo nhà nước mà trên mạng xã hội, mang màu sắc “tin nội bộ” và với một giọng văn có nét quen thuộc trong giới blogger ở Việt Nam.
Theo tác giả Công Lý, Nguyễn Thanh Phượng (nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt) đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực. Khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…
Giờ đây, hầu như có thể khẳng định tác giả Công Lý có “tin nội bộ’ và còn có thể mang màu sắc “phe cánh chính trị” – một cụm từ đặc thù được các cơ quan đảng và cơ quan đặc biệt thường dùng.
Nếu sắp tới bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bị Bộ Công an khởi tố và tống giam liên quan vụ “Mobifone mua AVG”, người ta có thể hiểu ra rằng việc Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trước tết nguyên đán 2018 chỉ là một động tác vỗ về an ủi, không để ông Dũng quá bức bối mà sinh “manh động”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét