Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Về chuyện “Song Thanh” tại Đà Nẵng

FB Lê Hồng Hà

Năm 2000, thành phố Đà Nẵng xảy ra vụ án rút ruột Cầu Sông Hàn gây chấn động Đà Nẵng. Ngay sau khi cây cầu được khánh thành, người chủ thầu xây dựng là Phạm Minh Thông đã bị công an bắt vì tội tham nhũng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.
Mọi chuyện bắt đầu từ Công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31/10/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Lãnh đạo Viện KSNDTC và Công văn số 77/KSĐT/KT ngày 01/11/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Viện trưởng Viện KSNDTC và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn.
Cả 2 công văn 73 và 77 đều do Viện trưởng VKS Đà Nẵng Nguyễn Quốc Dũng ký. Nội dung đề nghị xử lý Nguyễn Bá Thanh về tội nhận hối lộ của Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty hợp doanh xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng, Nguyễn Hưng, Chỉ huy phó Công trình đường Bắc Nam.
Hồ sơ vụ án qua nhiều cơ quan, đã đến Ban Bí thư (NBT là Chủ tịch TP, thuộc diện BBT quản lý). Thời điểm này bố của Xuân Anh là UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Ban bảo vệ Chính tri Nội bộ TW.
Ông Lê Khả Phiêu kể lại, ngày đó tất cả đều chờ vào cái gật đầu của Tổng Bí thư để bắt NBT, nhưng ông đã không đồng ý bắt. Vì sao? Chịu. Có ai quen biết, hãy hỏi Cụ Phiêu giùm.

Vậy là Nguyễn Bá Thanh thoát.

Sau vụ án này, người chỉ đạo bắt Phạm Minh Thông là Đại tá GĐ Sở công an, Uỷ viên Thường vụ thành uỷ, Đại biểu Quốc hội. Trần Văn Thanh bị điều đi khỏi Đà Nẵng, về công tác tại Bộ Công an.
Còn Nguyễn Bá Thanh tiếp tục được bầu vào Quốc hội Khóa XI, tiếp tục làm Chủ tịch UBND thành phố rồi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Hôm ấy, lãnh đạo thành phố anh mời cơm để tiễn ông Trần Văn Thanh ra Hà Nội công tác. Trong bữa cơm đó, ông Trần Văn Thanh “tâm sự” với Nguyễn Bá Thanh:
“Thực tình tôi không muốn rời thành phố quê hương, nhưng vì anh “đánh” tôi nên tôi phải đi”.
Nguyễn Bá Thanh nhìn ông Trần Văn Thanh, cười rồi nói:
“Anh nói ngược rồi. Chính anh “đánh” tôi chứ không phải tôi “đánh” anh! Anh húc đầu vào tôi nhưng tôi né được nên đầu anh đã đập vào tường!…”.
Trần Văn Thanh lạnh cả người. Tạm biệt Đà Nẵng (nơi anh gắn bó từ 1975, tiếp quản TP với vai trò Đội trưởng An ninh chính trị Công an QN-ĐN) để ra HN nhận nhiệm vụ mới, Trần Văn Thanh có ngờ đâu 9 năm sau mình phải quay về hầu toà trên cáng cứu thương với tội danh kinh hoàng.
*

7 năm sau, “Vụ án năm 2000” được “xới” lại.
– Báo cáo số 73/BC-VPBCĐ ngày 26/10/2007 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban bí thư và Báo cáo số 38/BC-VPBCĐ ngày 07/4/2008 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng đề xuất xử lý Nguyễn Bá Thanh theo quy định của pháp luật.
– Kết luận thanh tra số 524/KLTT-BCA (V24) ngày 6/6/2008 của Bộ Công an xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và bị can đối với Nguyễn Bá Thanh và việc Công an thành phố Đà Nẵng không khởi tố để điều tra là vi phạm Điều 103, 104 BLTTHS, có dấu hiệu vi phạm Điều 294 BLHS.
Thế nhưng, Bá Thanh vẫn bình an vô sự. Nguyễn Bá Thanh lại thắng, Thông báo số 94TB/KTTW ngày25/4/2007 của Ủy ban kiểm tra trung ương do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Doan, (sau này là Phó Chủ tịch nước) ký thay Chủ nhiệm Nguyễn Văn Chi (bố của Nguyễn Xuân Anh, lúc này là UVBCT, Bí thư TW đảng) đã “vô hiệu hoá” hoàn toàn mọi tố cáo đối với ông Nguyễn Bá Thanh!
Ngược lại, ông Trần Văn Thanh phải trả giá bằng cả “sinh mạng chính trị” của cuộc đời mình.
Trần Văn Thanh được phong tướng năm 2006. Từ một Thiếu tường Chánh Thanh tra BCA đầy quyền lực và rộng mở tương lai, ông phải bị khởi tố về tội danh: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (theo Khoản 1, Điều 258, Bộ luật hình sự) chỉ vì hướng dẫn quy trình cho một thiếu tá Công an tố cáo và kêu oan.
Mặc dù, Giám đốc Bệnh viện 19.8 tại Hà Nội đã xác nhận, nguyên chánh thanh tra Bộ Công an bị tai biến mạch máu não; chảy máu vùng thái dương phải… Tuy nhiên, ngày 15/7/2009 TAND Đà Nẵng không chấp nhận đơn xin hoãn phiên tòa của bị can Thanh.
Ngày 19/7/2009 ông Thanh được chuyển viện vào Bệnh viện 19.9 của Bộ Công an tại Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ cũng kết luận thực trạng sức khỏe của ông Thanh tương tự như chuẩn đoán của Bệnh viện 19.8 Bộ Công An tại Hà nội.
Ngày 20 /7/ 2009, vị thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến tòa tại nhà hát Trưng Vương trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ô-xy và phải truyền dịch, để kiểm tra sức khỏe trước khi đưa ra toà.
Phiên toà hoãn, xử lại vào ngày 7/8/2009, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt vắng mặt ông Trần Văn Thanh 18 tháng tù treo. Sau đó phúc thẩm còn 12 tháng tù treo.
Cuộc đời lúc nào cũng có Bao Công, có quan thanh liêm bảo vệ cho công lý.
Ngay lập tức Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Anh TQV là Viện trưởng) đã kháng nghị theo hướng đình chỉ vụ án và tuyên Trần Văn Thanh vô tội.
Ngày 22/6/2012, tại phiên Giám đốc thẩm Toà Tối cao tuyên đình chỉ vụ án. Xem như Trần Văn Thanh vô tội. Ông được phục hồi tất cả và nghỉ hưu.
Nhưng tất cả quá muộn màng. Vị tướng trung kiên, 14 tuổi đã xông pha trong lửa đạn, từng bảo vệ an toàn cho các vị lãnh đạo và cơ quan đầu não của Tỉnh uỷ QN-ĐN những năm chiến tranh khốc liệt (sau này họ là những cái tên lừng lẫy: Chủ tịch nước Võ Chí Công, Bộ trưởng Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng…) đã phải xót xa với những gì mình nếm trải. Chiều Hà Nội năm ấy, một người đàn ông bước qua tuổi 60 nhưng dáng dấp phong độ, nét mặt hào hoa rảo bước bên bờ hồ, nhìn áng mây chiều trôi, anh ngửa mặt lẻn trời than: “Trời sinh Văn cớ sao lại còn sinh Bá?”
Người đó không ai khác, đó là cựu Chánh Thanh tra BCA Trần Văn Thanh.
*
Kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VKSTC-V3 ngày 29-10-2010 đối với vụ án Trần Văn Thanh phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân” có nội dung như sau: (xin trích một phần)
“Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Văn Thanh, sinh25/1/1953 tại Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; đăng ký nhân khẩu thường trú số 10 đường Nguyễn Quyền, thành phố Hà Nội, nơi ở số 7A đường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; bị bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 07/12/2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng áp dụng khoản 1 Điều 258 BLHS, điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm a khoản 1 Điều 48; Điều 60 BLHS xử phạt về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Tại bản án sơ thẩm số 16/2009/HSST ngày 07/8/2009, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã áp dụng khoản 1 Điều 258; điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm a khoản 1 Điều 48 BLH, xử phạt Trần Văn Thanh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng.
Ngày 03/9/2009 Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị phúc thẩm đối với Trần Văn Thanh theo hướng tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 7/12/2009 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã áp dụng khoản 1 Điều 258 BLHS, điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm a khoản 1 Điều 48; Điều 60 BLHS, xử phạt Trần Văn Thanh 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng.”
“Mặc dù Thông báo số 94 ngày 25/4/2007 của Uỷ ban kiểm tra Trung ương (bà Nguyễn Thị Doan ký) xác định Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không có liên quan gì với những tố cáo. Tuy nhiên, một số văn bản của các cơ quan Trung ương, điạ phương như:
-Báo cáo số 38 ngày 15/01/2001 của Đoàn công tác liên ngành (gồm Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Ban nội chính Trung ương và Viện kiểm sát nhân dân tối cao);
– Báo cáo số 268 ngày 13/5/2007 của phòng Kinh tế Công an Đà Nẵng gửi Bộ Công an.
– Công văn số 868 ngày 3/9/2008 của Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng;
– Công văn số 574 ngày 01/2/2004 của Ban nội chính Trung ương gửi Bộ chính trị;
– Công văn số 131 ngày 11/5/2009 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng gửi Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng.
Tất cả đều thể hiện một số nội dung tố cáo liên quan đến Lãnh đạo TP Đà Nẵng nêu trong đơn thư tố cáo là có cơ sở và cần được xem xét, xử lý.”
…….
Sau khi phân tích rất nhiều về cáo trạng vụ án, VKS Tối cao kết luận:
“Kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 7/12/2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm số 16/2009/HSST ngày 7/8/2009 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với Trần Văn Thanh.
Đề nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên huỷ phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm và phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đối với bị cáo Trần Văn Thanh không phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và đình chỉ vụ án đối với Trần Văn Thanh.” (hết trích)
Và kết quả như sau:
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 11/2011/HS-GĐT ngày 19/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã Quyết định:
+ Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 7/12/2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Văn Thanh và bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh.
+ Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 22.6.2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm lại vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” có liên quan đến thiếu tướng Trần Văn Thanh. Toà phán quyết một cách “hàng hai” (chắc để làm vừa lòng NBT): “Đối với trường hợp Trần Văn Thanh, không có chứng cứ vững chắc kết luận ông Thanh pham tội.Tuy nhiên so đến thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án (2009) là đã hết thời hạn hiệu lực để truy cứu tránh nhiệm hình sự theo quy định. Vì vậy, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Văn Thanh.
Với những lẽ trên, HĐXX tuyên bị cáo Trần Văn Thanh không phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” và đình chỉ vụ án đối với Trần Văn Thanh.
Tuy nhiên, HĐXX cũng có kiến nghị cơ quan chủ quản nơi ông Thanh làm việc tiến hành xử lý hành chính về những hành vi của ông có liên quan đến vụ án.” (Hết trích)
“Vụ án Thiếu tướng Trần Văn Thanh” khép lại. Anh Trần Văn Thanh – người con của quê hương Quế Sơn anh hùng – không chết trong những ngày xông pha trong mưa bom bão đạn ác liệt của chiến trường Quảng Đà (1965 – 1975) thời đánh Mỹ, mà phải “chết” dưới tay những tên “phe nhóm quyền lực”, “lũng đoạn chính trị” dám “lấy tay che Trời” khi đất nước đã thanh bình.
Đã nhiều năm đã đi qua, nhưng những phiên toà “đánh võng” với công lý, làm cho vị tướng tài ba, giàu nhân cách phải “thân bại danh liệt” ngày nào, sẽ vẫn là “vết nhơ” đáng hổ thẹn trong lịch sử ngành tố tụng Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét