Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Đọc lại “Trại Súc vật” của George Orwell


FB Nguyễn Chính


“Animal Farm: A Fairy Story” (Trại súc vật: Một truyện cổ tích) là một truyện thuộc loại khôi hài, giả tưởng (hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là “trào phúng, hư cấu”). Truyện được George Orwell viết năm 1945 tại Anh Quốc và một năm sau xuất bản tại Hoa Kỳ với tiêu đề ngắn gọn hơn: “The Animal Farm”.
Tạp chí Time ca tụng tác giả hết lời: “Không ai thay thế được George Orwell, cũng như không ai thay thế được Bernard Shaw hay Mark Twain”. Time đã chọn cuốn sách này là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến tới 2005. Hơn thế nữa, “The Animal Farm” còn đứng ở vị trí thứ 31 trong Danh sách Tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.
Dĩ nhiên là tác phẩm nổi tiếng được người đọc bằng các ngôn ngữ khác tìm cách tiếp cận qua các bản dịch. Truyện của Orwell đã được dịch sang 68 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Phần tựa đề tiếng Việt cũng không hoàn toàn thống nhất, có dịch giả lấy tên là “Trại súc vật” (Phạm Minh Ngọc, Phạm Nguyên Trường…) nhưng cũng có người lại gắn cho truyện cái nhãn “Chuyện ở nông trại” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn).
Bản thân George Orwell cũng đã có lần đề nghị dịch bản dịch tiếng Pháp cho cuốn truyện này nên lấy tên là “Union des républiques socialistes animales”, một lối chơi chữ bởi những từ ngữ này viết tắt là URSA, có nghĩa "con gấu" hay “Đại hùng tinh” trong tiếng Latin. Phải nói đây là một lối chơi chữ thâm thúy vì con gấu trượng trưng cho Liên Xô mà ngày nay gọi là nước Nga.
Trong lời tựa của cuốn truyện dịch sang tiếng Ukraine năm 1946 cho những người xứ này chạy trốn chế độ Xô Viết và sống trong các trại tạm cư do quân đội Anh và Mỹ thiết lập trên đất Đức, tác giả cho biết:
“Tôi chưa đến thăm Nga bao giờ và hiểu biết của tôi về nước Nga chỉ là kiến thức do thu lượm được từ báo chí, sách vở. Ngay cả nếu có đủ sức, tôi cũng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô: tôi sẽ không kết án Stalin và các cộng sự của ông ta vì những phương pháp dã man và phi dân chủ của họ. Có thể là trong những điều kiện như thế, dù có muốn, họ cũng không thể hành động khác được”. (Bản dịch của Phạm Minh Ngọc)
Theo Orwell, giới công nhân và trí thức phe tư bản không hiểu rằng Liên Xô năm 1947 khác hẳn với Liên Xô năm 1917 sau Cách mạng tháng 10. Một phần có lẽ vì họ không chịu hiểu có một nước Xã hội Chủ nghĩa đang tồn tại, phần khác vì họ quen với cuộc sống tự do và ôn hoà, họ không biết gì về Chủ nghĩa Toàn trị.
Cũng vì thế, người ta không thể nào hiểu được những hiện tượng như trại tập trung cải tạo, cưỡng ép di cư hàng lọat, bỏ tù không cần xét xử, kiểm duyệt báo chí... tại nước này.


George Orwell (1903-1950)


Trở lại “The Animal Farm”. Truyện xảy ra tại một trang trại tại Anh của Ông John, trại có tên “The Manor Farm”, người dịch dùng tên “Điền Trang” trong bản tiếng Việt. Mr John là một “con người” với đủ các tính xấu cố hữu: đã rượu chè be bét mà lại không ngó ngàng gì đến cuộc sống của những súc vật trong trang trại. Ông chỉ coi chúng là những nô lệ, phục vụ cho bản thân mình.
Trong đám súc vật đó có Old Major (“Thiếu tá Già”, trong bản dịch tiếng Việt mang tên Thủ Lĩnh). Đó là một con heo đực với 12 tuổi đời, đã có thành tích góp phần sản xuất ra hơn 400 heo con. Như cái tên súc vật trong trại đặt cho Old Major, hắn thuộc loại cao niên nhất nhưng quan trọng hơn cả là cái hồn của cuộc “cách mạng” trong trại.
Bằng một giọng khàn khàn, Thủ Lĩnh tâm sự với đám súc vật, gồm đủ các thành phần như ngựa, lừa, bò, cừu, chim, chó, mèo, gà, vịt… và cả những con chuột. Hắn gọi tất cả súc vật hiện diện trong đêm “họp kín” sau khi lão John đã tắt đèn trên nhà bằng một danh từ chung: “các đồng chí” (comrades):
ʺThưa các đồng chí! Như các đồng chí đã biết, đêm qua tôi có một giấc mơ kỳ lạ. Nhưng tôi sẽ nói chuyện đó sau. Đầu tiên tôi muốn nói với các đồng chí một số việc hoàn toàn khác.
“Thưa các đồng chí, tôi nghĩ rằng tôi không ở lại với các đồng chí được bao lâu nữa, vì vậy tôi cho rằng trước khi chết mình phải có trách nhiệm chia sẻ với các đồng chí những kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong suốt cuộc đời mình.
“Tôi đã có một cuộc đời phải nói là dài và tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi nằm một mình trong chuồng, tôi nghĩ rằng tôi có thể nói là tôi hiểu đời không thua bất kì con vật nào trên thế gian này. Đó là điều tôi muốn nói với các đồng chí.”
(Hết trích)
Old Major nói về cuộc đời của súc vật trong trại với các từ ngữ rất kêu, rất thống thiết và rất chính xác như cơ cực, khổ sai, khốn nạn… Phải công nhận tài ăn nói của Thủ Lĩnh thuộc loại hùng biện và súc vật đứng, nằm, ngồi nghe một cách say mê, thậm chí có con còn rớm lệ:
“Chúng ta sinh ra, chúng ta được một khẩu phần vừa đủ để khỏi chết vì đói, những con nào có thể làm thì phải làm đến kiệt sức và khi không làm được nữa thì chúng ta bị giết một cách vô cùng dã man, tàn bạo. Không có con vật nào ở nước Anh này biết đến hạnh phúc và niềm vui ngay khi vừa tròn một tuổi. Không có con vật nào ở nước Anh này được tự do. Cuộc sống của loài vật là cuộc sống nghèo khổ và nô lệ: sự thật trần trụi là như thế đấy”.
Thủ Lĩnh cũng phê phán con người. Hắn nói họ là giống vật duy nhất “chỉ ăn mà không làm”. Người không làm ra sữa, không đẻ ra trứng, người không thể kéo cày, không chạy nhanh bằng thỏ. Nhưng họ lại là chủ của tất cả súc vật.
“Nó bắt chúng ta làm việc, cướp lấy mọi thành quả lao động của chúng ta, chỉ cho chúng ta ăn vừa đủ để không chết đói. Chúng ta phải cày bừa, phân chúng ta bón ruộng, thế mà chúng ta có gì? Chẳng có gì ngoài da bọc xương.
“Các đồng chí bò đang ngồi trước mặt tôi đây, năm vừa qua các đồng chí cho bao nhiêu lít sữa? Thế số sữa mà đáng lẽ dùng để nuôi các chú bò con ấy đi đâu? Kẻ thù của chúng ta đã uống đến giọt sữa cuối cùng. Còn các bạn gà, năm vừa qua các bạn đã đẻ bao nhiêu trứng, trong đó có bao nhiêu quả nở thành gà con? Lão Jones và gia nhân đã mang ra chợ bán lấy tiền hết rồi.”
(hết trích)
Bài “diễn văn” của Old Major trong giai đoạn “tiền khởi nghĩa” là nức lòng cả trại súc vật. Con nào cũng bị kích động vì giọng nói hùng hồn, có tình có lý của Thủ Lĩnh và đạt được sự “nhất trí” cao về một cuộc lật đổ của giai cấp thống trị là con người. Chỉ tiếc một điều, ba ngày sau Old Major qua đời, để lại sau lưng bầu không khí hừng hực của một cuộc cách mạng “đổi đời”.



“Animal Farm: A Fairy Story”, ấn bản đầu tiên tại Anh

Trong một hoạt động ngấm ngầm kéo dài suốt 3 tháng, công tác chuẩn bị tư tưởng được giao cho những con heo thông minh nhất trại, đó là 2 con heo trẻ tên là Snowball và Napoleon. Snowball rất hoạt bát và nhiều sáng kiến còn Napoleon trông hung dữ, ít nói nhưng bù lại hắn rất kiên trì. Ngoài ra còn có “phụ tá” Squealer, một con heo béo nhưng lanh lợi với đôi mắt cú vọ và giọng nói dẻo quẹo có thể biến đen thành trắng.
Ủng hộ bộ ba cầm đầu này là hai con ngựa kéo xe, Boxer và Clover. Giống ngựa được cái to xác nhưng đầu óc rỗng tuếch, thế cho nên chúng rất ngưỡng mộ sự thông minh của những con heo.
Tuy nhiên, trong trại cũng có một phần tử “phản động” là con quạ Moses, vốn là thú cưng của ông chủ. Quạ có hành tung rất bí hiểm của một kẻ luôn rình mò nhưng lại lẻo mép và hay kể chuyện… cổ tích. Có lần hắn kể mọi thú vật sau khi chết đều về “vương quốc thần thoại”, nơi một tuần có 7 ngày Chủ Nhật, cỏ ba lá xanh quanh năm và bánh kẹo thì ngay trong tầm tay!
Cuộc “khởi nghĩa” xảy ra sớm hơn và dễ dàng hơn bọn súc vật mong đợi. Công việc làm ăn của ông John ngày càng xuống dốc, ông ngày càng đắm mình trong rượu bia còn gia nhân thì biếng nhác, súc vật thường xuyên bị bỏ đói.
Thế là thời cơ đã đến. Một con bò cái húc đổ cửa nhà kho thực phẩm và lũ súc vật đồng lòng ùa vào vì chúng đang đói. Ông chủ bị bò húc, ngựa đá và chỉ trong vòng vài phút lũ người phải chạy toán loạn trước cơn thịnh nộ của súc vật. Cuộc cách mạng thành công ngoài sức tưởng tượng của những kẻ nổi loạn.
Chúng ùa vào tòa nhà chính, công cụ trong nông trại bị đập phá và bị nổi lửa đốt sạch. Heo Napoleon dẫn đoàn súc vật vào kho thực phẩm và chia cho chúng khẩu phần nhiều gấp đôi ngày thường.
Hai con heo nói rằng nhờ những cuốn sách vỡ lòng của con ông Jones tìm được trong đống rác mà suốt ba tháng qua chúng đã học và nay chúng đã biết đọc, biết viết.
Napoleon sai đi lấy một lọ sơn đỏ, một lọ sơn trắng rồi dẫn cả bọn đi ra cổng lớn. Snowball là con heo viết chữ đẹp nhất xóa tên “The Manor Farm” trên cổng trại và thay vào đó là hàng chữ “Trại Súc Vật”.
Tuy Snowball và Napoleon đều là heo nhưng giữa hai con hình như có sự “tương phản”, có nghĩa là con này bảo trắng thì con kia lại nói là đen. Dù bất đồng nhưng chúng cũng đã soạn ra “bảy điều răn cơ bản” cho súc vật trong trại với nội dung như sau:
1. Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù
2. Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè.
3. Không con vật nào được mặc quần áo.
5. Không con vật nào được uống rượu.
4. Không con vật nào được ngủ trên giường.
7. Tất cả các loài vật là bình đẳng.
6. Không con vật nào được giết bất kỳ con vật nào khác.
Đôi khi chúng cũng gặp một số khó khăn vì tất cả công cụ đều được làm để dành cho người chứ không phải cho súc vật, mà muốn sử dụng công cụ đó thì phải đứng được trên hai chân sau. Nhưng phải nói, bọn heo là một giống thông minh, khó đến đâu chúng cũng có cách. Chúng không làm mà chỉ hướng dẫn và kiểm tra các con khác và với kiến thức như thế thì việc chúng nắm vai trò lãnh đạo là chuyện đương nhiên.
Duy nhất chỉ có con lừa già Benjamin vẫn làm công việc một cách chậm chạp cố hữu như thời còn ông Jones, không bao giờ trốn việc nhưng cũng chẳng bao giờ làm hơn. Nó không nói gì về cuộc “Khởi nghĩa” cũng như những đổi thay sau đó. Nếu được hỏi có cảm thấy vui hơn thời còn ông Jones không, thì nó bảo: ʺĐời lừa dài lắm. Các vị chưa thấy lừa chết bao giờ cơ màʺ.
Bọn heo dành cái kho dụng cụ làm “tổng hành dinh”, tức là cơ quan đầu não của “chính phủ mới”. Buổi tối chúng học nghề mộc, nghề rèn và những nghề khác qua những cuốn sách nhặt được trong toà nhà chính để bổ xung những kiến thức của con người.
Snowball còn đưa những con khác vào các tổ chức mà nó gọi là “Ủy ban Súc vật” (Animal Committees). Nó đã thành lập “Ủy ban Trứng” (Egg Production Committee) cho lũ gà mái, “Hội Chăm sóc Đuôi” (Clean Tails League) cho lũ bò, “Hiệp hội Cải tạo các Đồng chí thú hoang” (Wild Comrades’ Re-education Committee) để cải tạo bọn chuột và thỏ rừng; “Phong trào giữ lông thật trắng” (Whiter Wool Movement) cho bọn cừu…
Tuy nhiên các hội này đều không có kết quả. Việc cải tạo lũ thú hoang thất bại gần như ngay từ đầu vì thái độ của súc vật chẳng thay đổi tí nào. Con mèo cũng có chân trong Hiệp hội này và đã họat động rất tích cực trong mấy ngày đầu. Có lần nó lên tận mái nhà nói chuyện với mấy con chim sẻ đậu ngoài tầm với của nó. Nó bảo rằng bây giờ mọi loài đều là “đồng chí” và nếu con chim sẻ nào muốn thì có thể đậu ngay lên chân trước của nó… nhưng bọn sẻ vẫn không dám lại gần!




“Animal Farm” xuất bản tại Hoa Kỳ


Cuộc sống trong trại vẫn diễn ra bình thường. Ngày Chủ nhật được nghỉ lao động nên bữa sáng ăn muộn hơn một tiếng và sau đó bao giờ cũng có một cuộc họp mặt long trọng. Trước hết là lễ kéo cờ. Snowball tìm được trong kho dụng cụ một tấm khăn trải bàn cũ màu xanh của bà Jones rồi vẽ một cái móng và một cái sừng màu trắng lên trên.
Và thế là buổi sáng chủ nhật nào chiếc khăn trải bàn cũng tung bay trên cột cờ. Snowball giải thích rằng màu xanh tượng trưng cho đồng ruộng Anh quốc, còn sừng và móng là biểu tượng của nước “Cộng hòa Súc vật” (Republic of the Animals).
Trong các phiên họp, chúng lập kế họach cho tuần sau, đồng thời thảo luận và ra nghị quyết về các kiến nghị khác. Chỉ có bọn heo đưa ra kiến nghị, những con khác chỉ biết biểu quyết chứ không kiến nghị gì bao giờ.
Các lớp “bổ túc văn hóa” cũng có những kết quả. Đa số các con vật trong trại đều đã thoát nạn mù chữ. Bọn heo đọc thông viết thạo, lũ chó cũng biết đọc, nhưng chúng chỉ đọc mỗi “Bảy Điều Răn” (the Seven Commandments) mà thôi. Snowball giải thích thêm, nếu bảy điều răn khó nhớ thì có thể rút gọn thành một cách ngôn: ʺBốn chân tốt, hai chân xấuʺ. Hắn giải thích:
ʺCánh chim, cánh gà… thưa các đồng chí, là cơ quan để vận động chứ không phải để cầm nắm. Cánh cũng là chân thôi. Đặc trưng để phân biệt với Giống Người là bàn tay, mọi việc xấu xa đều do đôi bàn tay của chúng làm hết.ʺ
Con dê Muriel đọc thông hơn lũ chó nên buổi tối nó thường đọc cho những con khác nghe các mẩu báo chí lượm được ở thùng rác. Lừa Benjamin đọc nhanh không kém gì lũ heo, nhưng nó chẳng đọc cái gì bao giờ vì nó bảo chẳng thấy có gì đáng đọc.
Napoleon không quan tâm đến việc dạy văn hóa. Nó chủ trương giáo dục thế hệ trẻ quan trọng hơn công tác vận động những con đã trưởng thành. Thế cho nên, hắn chọn chín con chó con khoẻ mạnh nuôi nấng và dạy dỗ riêng và sau này lũ chó trở thành những “cận vệ” trung thành của hắn.


“Truyện ở nông trại” - NXB Hội nhà văn


Lão John và một số gia nhân đã có lần tấn công trại để giành lại những gì đã mất nhưng cuộc “xâm lăng” này đã hoàn toàn thất bại trước sự “bảo vệ ngoan cường” của trại súc vật. Chiến thắng đó cũng được ăn mừng và có cả huy chương “Anh hùng Súc vật” dành cho Snowball bị thương vì đạn của lão John.
Thế nhưng, trại súc vật luôn phải đương đầu với cả “thù trong” lẫn “giặc ngoài”. Giặc ngoài là con người và thù trong lại là chính những con vật sống trong trại. Chẳng hạn như chị ngựa Mollie đã âm thần rời trại để về sống với xã hội loài người.
Tin “tình báo” từ bầy bồ câu sau khi ra thị trấn báo cáo là Mollie hiện đang kéo một chiếc xe nhỏ, sơn hai màu đen-đỏ lộng lẫy. Bờm nó mới được cắt chải cẩn thận, lại còn được thắt một dải ruy băng đỏ tươi. Bồ câu còn cho biết chị ta trông nó có vẻ thoả mãn với cuộc sống mới.
Quan trọng nhất trong chuyện “thù trong” là việc nội bộ lủng củng giữa Snowball và Napoleon. Hai con heo lãnh đạo thường xuyên chống đối nhau và bất đồng với nhau về mọi vấn đề. Nếu một con nói cánh đồng nào đó hợp với bắp cải thì con kia nhất định sẽ bảo vùng đó chỉ có thể trồng củ cải chẳng hạn.
Con nào cũng có một số ủng hộ viên cho nên các cuộc tranh luận thường diễn ra rất quyết liệt. Do biết ăn nói nên Snowball thường giành được đa số trong các cuộc họp, còn ở bên ngoài thì đa số lại ủng hộ Napoleon.
Trung thành nhất với Napoleon là bầy cừu. Lũ cừu thường có câu ca tụng "Bốn chân tốt, hai chân xấu" và các cuộc họp cũng thường bị gián đoạn vì chúng. Cứ đến những đoạn quan trọng nhất trong các bài phát biểu của Snowball thì y như rằng lũ cừu lại gào lên "Bốn chân tốt, hai chân xấu" để phá bĩnh.
Snowball có cả một mớ kế hoạch cải cách và hiện đại hóa việc sản xuất. Nó kể về hệ thống thoát nước cho đồng ruộng, lò ủ chua, phân phốt phát, cho cả trại nghe. Nó còn soạn ra một sơ đồ đi vệ sinh, sao cho từng con "đi" mỗi lần ở một nơi khác nhau cho đỡ tốn công vận chuyển sau này.
Napoleon thì ngược lại, không soạn gì cả, nhưng lại rỉ tai những con khác rằng những “sáng kiến” của Snowball chỉ là nhảm nhí và có vẻ như đang đợi thời cơ để ra tay. Cuộc tranh chấp “quyền lực” dữ dội nhất giữa hai con là về việc xây dựng cối xay gió.
Sau khi đã khảo sát địa điểm, Snowball tuyên bố rằng trại sẽ xây dựng một chiếc cối xay gió, chúng sẽ lắp lên đó một máy phát điện để cung cấp điện cho toàn trại. Các chuồng rồi sẽ có đèn điện, mùa đông thì sẽ có lò sưởi, chưa nói đến việc sẽ dùng điện để chạy máy cưa, máy thái cỏ, máy thái củ cải đỏ, máy vắt sữa nữa.
Ngược lại, Napoleon cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sản xuất lương thực, nếu chúng phí thì giờ vào việc xây dựng cối xay gió thì chúng sẽ bị chết đói. Lũ súc vật chia thành hai phe; một phe đưa ra khẩu hiệu: "Ủng hộ Snowball và ba ngày làm việc một tuần"; phe kia đưa ra khẩu hiệu: "Ủng hộ Napoleon và no bụng".
Chỉ có lừa Benjamin là không tham gia phe nào. Nó không tin là rồi đây thức ăn sẽ dư thừa nhưng cũng chẳng tin là cối xay gió sẽ giúp giảm công việc chân tay. Có cối xay hay không cối xay thì cũng thế thôi, chúng đã sống thế nào thì rồi cũng sẽ sống như vậy, nghĩa là còn khổ dài dài!


“Bộ sậu” trong Trại Súc Vật


Ngoài chuyện cối xay gió thì cả hai còn tranh cãi về việc “quốc phòng”. Tất cả đều hiểu rằng tuy con người bị thua trong chiến dịch lấy lại trang trại nhưng chắc chắn “giặc hai chân” sẽ đánh lại một trận nữa khốc liệt hơn.
Cũng như mọi khi, Snowball và Napoleon không tìm được tiếng nói chung. Theo Napoleon thì việc cần làm trước hết là tìm mua và tập sử dụng các loại vũ khí. Theo Snowball thì việc cấp bách hiện nay là cử những đàn bồ câu đến các trang trại khác để kêu gọi khởi nghĩa ở đó.
Napoleon cho rằng nếu súc vật không tự phòng vệ được thì chúng nhất định sẽ bị con người chinh phục, Snowball lại nghĩ nếu khởi nghĩa nổ ra khắp nơi thì không cần phòng vệ nữa. Lũ súc vật đều gật gù khi nghe cả hai nói nhưng lại không quyết định được ý kiến nào xác đáng hơn!
Trong cuộc tranh chấp này, Napoleon cuối cùng là người chiến thắng và Snowball phải âm thầm rút lui. Súc vật không còn xưng hô với Napoleon đơn giản như trước nữa. Tên hắn luôn đi kèm với những từ như "Lãnh tụ của chúng ta, Đồng chí Napoleon", bọn heo còn cố gắng phát minh ra các tên mới như: “Cha của các loài vật”, “Nỗi khiếp sợ của giống người”, “Người bảo vệ của loài cừu”, “Bạn của loài vịt” v.v...
Trước mắt, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc đời vẫn đáng sống hơn xưa rất nhiều ở trại. Chưa bao giờ súc vật được hát, được nghe nói chuyện, được đi mít tinh, biểu tình nhiều như bây giờ. Napoleon ra lệnh mỗi tuần phải có một cuộc “Diễu hành” mà nó gọi là “Tự phát”. Mục đích là để ngợi ca cuộc đấu tranh và những thành quả của Trại Súc Vật.
Trại Súc Vật tự tuyên bố là “Nước Cộng Hòa”, cần phải bầu Tổng Thống. Chỉ có một ứng cử viên duy nhất. Napoleon trúng cử một trăm phần trăm.


Những nhân vật tai to mặt lớn trong Trại Gia Súc


Đọc đến đây người ta tự hỏi tương lai của Trại Súc Vật ra sao? Ở đoạn cuối truyện (Chương 10) tác giả George Orwell tiết lộ:
“Cuộc sống của súc vật vẫn như xưa. Ngày chúng thường bị đói, đêm chúng ngủ trên ổ rơm, nước thì uống ngay ở dưới ao, làm việc ngoài đồng trống, mùa đông thì mất ngủ vì rét, mùa hè thì khổ vì ruồi.
“Thỉnh thoảng những con có tuổi cố nhớ lại xem nay đời sống của chúng có khá hơn ngay sau Khởi Nghĩa, khi chúng vừa đuổi lão Jones đi, hay không. Nhưng chúng không nhớ nổi. Không có gì cho chúng so sánh: trong đầu chúng chỉ có mỗi những số liệu của những con số luôn luôn chứng tỏ rằng mọi thứ đều được cải thiện, đều tốt thêm một bước mỗi ngày.
“Thôi thì đành vậy vả lại chúng cũng chẳng có nhiều thời gian để mà suy nghĩ lung tung. Chỉ có Benjamin già nua là khẳng định rằng nó nhớ hết, nhớ đến từng chi tiết mọi việc đã qua và biết rõ rằng chúng chưa bao giờ khổ hơn cũng chẳng bao giờ được sướng hơn, vẫn là đói, là bán mặt cho đất bán lưng cho trời, là bị loè bịp; qui luật cuộc đời vốn là như thế, nó thường bảo như vậy.

Đây là lần đầu tiên Benjamin từ bỏ thói quen cố hữu kiệm lời của nó và khẽ đọc khẩu hiệu viết rên bức tường giớ chỉ còn ghi Một Điều Răn duy nhất:
“Tất cả mọi con vật đều bình đẳng nhưng… có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác.”
(hết trích)
***
* Tham khảo thêm về tác giả George Owell và tác phẩm “1984”: https://www.facebook.com/notes/nguyen-chinh/t%E1%BB%AB-t%C6%B0%C6%A1ng-lai-tr%E1%BB%9F-v%E1%BB%81-hi%E1%BB%87n-t%E1%BA%A1i/10206810707264498/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét