Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Buồn thay cho báo Đại Đoàn Kết


Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng (Phó Trưởng ban Văn hóa - Nghệ thuật của báo Đại Đoàn Kết) tố cáo TBT báo này là ông Đinh Đức Lập trù dập, điều chuyển công tác, thay đổi vị trí làm việc của anh không phù hợp với chuyên môn, cố tình gây khó khăn cho anh Thắng. Tố cáo này của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã được nhiều trang mạng đăng tải, tôi không nói lại nữa.

Hôm nay, thấy báo Đại Đoàn Kết đưa một cái tin rất sơ sài về sự kiện TS Mai Hồng hôm qua (25/7/2012) đã chính thức trao tặng bản đồ cổ “Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Tòan Đồ” của Trung Quốc thời Nhà Thanh cho Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam sau 30 năm lưu giữ cẩn thận như của gia bảo. Tin của báo Đại Đoàn Kết không có hình ảnh của bản đồ, chẳng có hình ảnh của vị tiến sỹ đầy tâm huyết và giàu lòng yêu nước này. Cách làm báo như thế cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, vô cảm đối với dư luận xã hội và nhu cầu thông tin cũng như với tình cảm dân tộc của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Trong khi đó, bản tin của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng  gởi về tòa soạn báo Đại Đoàn Kết ngay trưa hôm qua, khi sự kiện chính thức trao tặng vừa kết thúc có đầy đủ hình ảnh, nội dung sự kiện và nguyên văn bản dịch của TS Mai Hồng về các ghi chú bằng tiếng Trung Hoa kèm theo bản đồ, cho thấy quá trình thực hiện tấm bản đồ của triều đình nhà Thanh Trung Quốc mang đầy đủ tính “quan phương” nhà nước, tính chính thống như thế nào. Điều đó càng tăng thêm giá trị lịch sử, tính chính thống và địa vị pháp lý của tấm bản đồ này, chứng minh lãnh thổ Trung Hoa cho tới năm 1904 (năm xuất bản tấm bản đồ này) chỉ tới đảo Hải Nam là hết. Hoàn tòan không có Hoàng Sa, Trường Sa (Tây Sa, Nam Sa) nào trong lãnh hải của Trung Quốc như họ yêu sách từ năm 2009.

Không biết vì sao báo Đại Đoàn Kết lại không dùng bài và hình ảnh của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng thực hiện rất công phu, đầy trách nhiệm và gởi rất sớm vế tòa soạn mà lại đi dùng một cái tin rất sơ sài, yếu kém về nghiệp vụ, vô cảm về trách nhiệm với công chúng bạn đọc, với chủ quyền quốc gia dân tộc đến như vậy.

Trưa hôm qua, khi gởi những tài liệu này cho tôi, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã có lời “tiên tri”: “Anh xem những thông tin này tôi vừa mới gởi cho tòa soạn báo Đại Đoàn Kết. Có thể ngày mai họ sẽ không sử dụng bởi vì TBT Đinh Đức Lập đang cố tình tìm mọi cách trù dập tôi, gây khó khăn cho tôi trong công tác”. Lúc đó, tôi không tin như vậy, vì báo Đại Đoàn Kết không phải của riêng cá nhân ông Đinh Đức Lập. Đó là tờ báo của MTTQVN, của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, phải lấy đại cục làm trọng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của MTTQVN và của bản thân tờ báo. Không thể vì lợi ích chủ quan, suy nghĩ đầy chất cá nhân chủ nghĩa của ông Đinh Đức Lập mà bỏ qua những thông tin quý giá và quan trọng như thế này được.

Nhưng sáng nay tôi biết là mình đã đã nhầm. Than ôi, buồn thay cho báo Đại Đoàn Kết!


Đây bản trên báo Đại Đoàn Kết:  

Bản đồ thời nhà Thanh (Trung Quốc) không có Hoàng Sa, Trường Sa (26/07/2012)
Ngày 25 -7, Tiến sĩ Mai Hồng (nguyên Trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) đã giao lại bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” Trung Quốc thời nhà Thanh cho đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội sau 30 năm gìn giữ.

Bản đồ cổ của NXB Thượng Hải in năm 1904, được in màu, bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Đây là tấm bản đồ nguyên vẹn, chiều ngang 115cm, chiều dọc 140cm. Bản đồ này được tạo nên từ hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30cm.

Bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1904 ghi rõ cực Nam nước này là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Biết chữ Hán, nên sau khi có được tấm bản đồ, ông Hồng đã dịch nghĩa lại hàng trăm chữ cổ, cắt nghĩa một cách rõ ràng xuất xứ, niên hiệu, thời gian thực hiện bản đồ. Tiến sĩ Hồng khẳng định, đây là tấm bản đồ được các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện.

Từ đó, năm 1904, NXB Thượng Hải chính thức xuất bản tấm bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh. Trong "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” không hề xuất hiện hình in, vẽ, tính toán, đo đạc tới các quần đảo ở Biển Đông. Người Trung Quốc thời đó chỉ nhận đất đai tới cực Nam là đảo Hải Nam.

TS Hồng cho biết, tấm bản đồ này là một tư liệu tốt để học giả nghiên cứu chủ quyền biển đảo, đồng thời nó cung cấp thông tin cho việc phản biện trên bàn quốc tế và là bằng chứng chứng minh đất đai của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam.

MH
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1366&Chitiet=53318&Style=1

Còn đây là bản của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng gởi về tòa soạn nhưng không được sử dụng:


Bản đồ Trung Quốc 1904:
Khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam

Sáng 25/7/2012, tại Bảo tàng Lịch sử (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra lễ tiếp nhận tấm Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do TS. Mai Hồng trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử. Trả lời câu hỏi duy nhất của phóng viên báo Đại Đoàn Kết tại cuộc họp báo về tấm bản đồ này, TS. Mai Hồng cho biết: “Tấm bản đồ 1904 chính thống của Nhà nước Trung Hoa này vẽ rõ cương vực phía Nam của Trung Hoa chỉ dừng ở đảo Hải Nam”. Trong tấm bản đồ này có ghi rõ lý do và quá trình xây dựng tấm bản đồ. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu bản dịch ra tiếng Việt phần ghi chú này.

Từ Khôi


Dịch nghĩa:               

ĐỊA DƯ TOÀN ĐỒ TỚI CÁC TỈNH CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ THANH

Lời bàn về Địa vực rằng: Tiêu Hà (giúp Cao Tổ nhà Hán định thiên hạ) thu lượm được Đồ tịch (Đồ là mô tả về hình thế đất đai; Tịch là sách chép Hộ khẩu ) của nhà Tần, nên người nhà Hán mới có cái đại quát về địa dư. Đất đai hỗn tạp, nên thiết kế dư đồ không chia tỉ lệ, lại không khảo chính theo mực thước chuẩn, hoặc có người bảo đó là  lời nói viển vông quái đản không đúng sự thực. Xem đó cũng biết thời cổ đã có địa dư đồ, nhưng không đắc dụng cho việc trắc địa thẩm hình, nên luôn áy náy không yên. Kẻ chế bản đồ đời sau không phải là người thừa kế, kinh vĩ bất tường tránh sao khỏi nhỡ lời sót nhẽ. Nhưng muốn biết sự tinh vi của miền đất rộng lớn, phi vốn học thức thông thiên văn, suy tính tam ngung (3 góc (Luận ngữ) chép lời thời thẩy Khổng dạy: “Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” (Chỉ cho một góc mà không biết suy ra ba góc kia, thì ta còn nói gì nữa đây?) thì không thể suy tưởng về trước, từ khi uy thanh của Trung Quốc truyền lan tới các giáo sĩ Thiên Chúa giáo ở Tây Hải: Lợi Mã đậu, Thang Nhược vọng, Nam Hoài nhân vượt trùng dương tới Trung Hoa truyền đạo. Năm Mậu Tý Khang Hy 47 (1708)  đời vua Thanh Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, Thánh Tổ nhà Thanh tuyển phái các giáo sĩ Bạch Tấn Lôi hiếu, Tư Đỗ Đức mỹ, chế tác Vạn lý thành đồ, sau hơn một năm (1710) thì công việc hoàn thành. Vua vui mừng, lại xuống chiếu cho (giáo sĩ) Phan Như Lôi hiếu, Tư Đỗ Đức mỹ vẽ bản đồ Mạch đại thành của Mông Cổ, Mãn Châu hợp thành (bản đồ của) hai tỉnh Trực Lệ và Sơn Đông.

Đến năm Tân Mão Khang Hy 50 (1711), vua sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh, đo lường đất đai tạo bản đồ Mạch đại “Thành Thang chuộng hiền”, đi về các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây; Phùng Bỉnh, Chính Đức, Mã Nặc đi về các tỉnh Hà Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Nam; Phí Ẩn, Hòa Phan - như đi về các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quí Châu, Hồ Quảng. Trải qua một năm bốn lần đọc duyệt, qui mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ đều được triệu tập về kinh đô để họ múa bút vẽ họa, sau hai năm công việc cáo thành với bức toàn đồ 15 tỉnh, tấu trình lên vua ngự lãm. Ngài vui khuyến khích bằng nghi lễ long trọng. Từ đấy các nhân sĩ Trung Hoa và phương tây sưu tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc. Đại để là gia cố bồi tập thêm từ các nguyên cảo của các giáo sĩ đã soạn thảo trước đây. Ta không do dự về kiến văn cô lậu nông cạn của mình để mô tả bức họa này lại không dám tự khoe rằng chỉ một mình có nhiều công hơn cả tiền nhân. Duy về cương vực của các thôn ấp quận huyện ở các tỉnh đã có thay đổi đôi chút, cho nên xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì đính chính sửa sang, làm bớt sai suyễn và làm sáng sủa hơn lên để khi nhìn vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay, tại các cửa biển ở các miền diên hải đều phỏng họa các đường thủy tầu thuyền ra khơi vào cảng. Tự hỏi nếu mắc một lỗi thì sẽ lấy gì  đề bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức tất sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với mọi người.

Mùa xuân năm Quang Tự nhà Thanh Giáp Thìn (1904), Giám đốc (Chủ biện) đài Thiên văn ở Dư Sơn Sái Thượng Chất chép.

T.S Mai Hồng dịch


TS. Mai Hồng (trái) hiến tặng tấm bản đồ Trung Hoa 1904 cho PGĐ TS. Nguyễn Đình Chiến – Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.


Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” năm 1904.


1 nhận xét:

  1. khốn nạn!Để chuyện riêng lấn át việc công như thế thì chả xứng là người phụ trách tờ báo của MTTQ!!!

    Trả lờiXóa