Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Ghi chép ở Thư viện

Sáng nay (19/6/2013) tới dự buổi khai mạc triển lãm bộ sưu tập của anh Trần Thanh Phương tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM lòng thấy xôn xao lạ lùng, nhận ra nhiều cảm xúc chợt tràn về cùng một lúc.


Thư viên Khoa học Tổng hợp TP.HCM (trước 1975 là Thư viện Quốc Gia) 

Sự trân trọng và kính phục tâm huyết và công sức của anh chị Trần Thanh Phương – Phan Thu Hương vốn đã có từ lâu trong lòng tôi vì cả hai đều là những người thân quen hàng chục năm qua. Công việc và tâm tư của cả hai anh chị với nghề báo, với nghiệp văn và đặc biệt với chuyện làm tư liệu không chỉ làm cho tôi kính phục mà còn tạo ra sự kính nễ của biết bao bạn bè, đồng nghiệp khác.

Vượt qua tất cả những khó khăn đời thường đôi khi vô cùng nghiệt ngả, anh chị đã xây dựng được một gia tài đồ sộ tới mức kỷ lục về công việc sưu tập và viết báo, viết sách. Cái chết tức tưởi vì tai nạn giao thông của đứa cháu được anh chị nuôi nấng, chăm sóc như con đẻ từ lúc vài tuổi tới nay đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học đi làm được vài năm, tương lai đang rộng mở và cũng là niềm vui, hy vọng cuối đời của anh chị ngay trước cuộc triển lãm mấy ngày quả thật là cú sốc không nhỏ. Chính đứa cháu vắn số của anh chị cũng là một thành viên tích cực đóng góp đáng kể cho bộ sưu tập và công việc chuẩn trị cho cuộc triển lãm này.

Triển lãm chưa khai mạc, thành viên nhỏ tuối nhất đã lại đi xa... Hạnh phúc và khổ đau hình như luôn đồng hành và quyện lẫn vào nhau như hình với bóng. Anh Trần Thanh Phương ngậm ngùi nói trong buổi giao lưu: “Cuộc đời này sòng phẳng đến nghiệt ngã. Tháng 6 này chúng tôi có khá nhiều niềm vui song tất cả những niềm vui đó như lặng xuống bởi sự ra đi quá tức tưởi, quá đột ngột của đứa cháu mà chúng tôi vô cùng yêu thương...”.

Khoảng hơn 100 người đã tới tham dự buổi lễ khai mạc. Ngoài một số người là quan chức, một số là đồng nghiệp, bàn bè của anh chị Trần Thanh Phương, một số đông chiếm khoảng hơn 2/3 cử tọa lại là những gương mặt rất trẻ trung vào độ tuổi sinh viên. Đặc biệt là chính các em sinh viên này lại là những người ngồi tận phút cuối cùng của buổi giao lưu đầy ý nghĩa, súc tích và cảm động với anh chị Trần Thanh Phương.

Một cảm xúc khác cũng làm cho lòng tôi  không ít xao động và phải dành hẳn một khoảng thời gian sau buổi khai mạc để một mình lặng lẽ dạo bước trong khuôn viên Thư viện. Một mình lặng lẽ cảm nhận lại cái không gian của 30 năm về trước, trở về với cái thời sinh viên đại học với cái cảm giác quen thuộc trong giảng đường và thư viện.

Thời ấy chưa có máy vi tính. Phương tiện để nghiên cứu và học tập hầu hết phải dựa vào sách, báo, tạp chí... nói chung là các ấn phẩm in. Những loại tài liệu như vậy hầu hết đều nằm trong các thư viện.

Những năm tháng đại học của tôi tại Sài Gòn gắn liền với khá nhiều thư viện trong thành phố này, nhưng có lẽ nhiều thời gian nhất là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (trước 1975 có tên là Thư viện Quốc gia) và Thư viện Đại học Vạn Hạnh.


Thư viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn 

Thời đó tôi không thể hình dung ra được nếu không có các thư viện như thế này thì chẳng biết các sự học hành của tôi sẽ ra làm sao nữa. Nói vậy để thấy thư viện thật là quan trọng với tôi trong thời gian đại học. Tiêu rất nhiều thời gian trong thư viện để khám phá những điều thật mới mẻ đối với bản thân mình nhưng thật ra những điều đó chính là tri thức của nhân loại, là các giá trị tinh hoa đã được thẩm định và kể cả những giá trị còn đang tranh cãi... Tôi cũng bắt đầu học được từ những giá trị còn đang tranh cãi trong các thư viện này. Đáng nói là những điều đó lại được tôi mau chóng đưa vào các bài luận văn nhằm phản bác hoặc làm khác đi nhiều ý kiến, nhận định của một số giảng viên đang giảng dạy trên lớp của tôi.

Rất ít giáo sự chấp nhận sự phản biện, mặc dù hầu hết họ không muốn tranh luận tuy nhiên phần lớn trong số họ chấm cho tôi cái điểm vô thưởng vô phạt vào khoảng 6-7 /10 cho xong chuyện. Chỉ có hai giáo sư tỏ vẻ khoái chí trước các ý kiến khác biệt của tôi trong suốt thời gian học đại học và họ là những người thường cho tôi điểm 10/10 (trong khi những vị giáo sư này nổi tiếng là rất khắc khe trong việc cho điểm).

Và những điều mà tôi học được nhiều nhất trong thời đại học chính là những thời gian tự nghiên cứu,  phản biện và nhận được sự chia sẻ, đồng cảm với một ít vị giáo sư có tầm nhìn khoa học và có tư duy chấp nhận sự khác biệt, trên cơ sở tôn trọng các logich khoa học của vấn đề. Hoàn toàn không quan tâm người trình bày là ai, cấp trên hay cấp dưới, là giáo sư hay sinh viên, là lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình hay từ bất kỳ mối quan hệ ngoài học thuật nào khác.


Tư duy phản biện hình như đã thấm vào máu của tôi như vậy và có sự hỗ trợ đáng kể của hai thư viện mà tôi vừa nhắc tới ở trên cùng các vị giáo sư đáng kính mà tôi luôn ngưỡng mộ cho đến hết cuộc đời mình. Đáng tiếc, những vị giáo sư như vậy ngày nay còn quá ít ỏi.

4 nhận xét:

  1. Tri thức không phân biệt biên giới và lãnh thổ. Nhưng vì quan điểm chính trị mà nhiều khi tri thức bị hạn chế vùng miền, quốc gia.

    Trả lờiXóa
  2. Cũng vẫn là nhà báo của báo Đại Đoàn Kết. Nhưng bác Trần Thanh Phương để lại những giá trị còn Đinh Đức Lập bây giờ để lại một đống rác to lù

    Trả lờiXóa
  3. Qua blog Huu Nguyen, xin chia buồn cùng bác Trần Thanh Phương và gia đình.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bài Ghi chép ở Thư viện của anh Hữu Nguyên mới biết chuyện buồn của anh chị Trần Thanh Phương. Qua Blog Hữu Nguyên xin chia buồn cùng anh chị Trần Thanh Phương và gia đình.

    Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM là nơi tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Năm 1980, khi còn là một cán bộ nghiên cứu khoa học thuộc Viện Hóa học quân sự, tôi đã từng sống và làm việc tại Sài Gòn một năm, và trong khoảng thời gian đó, tôi thường xuyên đến đọc sách tại thư viện này. Đó là một tòa nhà có kiến trúc đẹp với không gian yên bình, thoáng mát, rất thích hợp với những người thích đọc sách. Cảm ơn anh Hữu Nguyên về bài viết này vì nó khiến tôi nhớ lại một thời đã xa.

    Lương Duyên Tâm.
    http://luongduyentam.blogspot.com/

    Trả lờiXóa