Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Nguyễn Đình Chiểu : Sáng mãi tấm gương trí thức dấn thân

Lê Phước

Thế kỷ XIX chứng kiến nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam. Suốt mấy ngàn năm thường xuyên bị giặc ngoại xâm từ phương Bắc quấy nhiễu, đến thế kỷ này, lần đầu tiên nước Việt đối mặt với nạn ngoại xâm đến từ phương Tây. Cũng vào thế kỷ này, các nhà nho Việt Nam-với tư cách là giai tầng trí thức lãnh đạo và dẫn dắt xã hội- bắt đầu tìm đủ mọi con đường để cứu lấy dân tộc.


Dù rằng họ chưa tìm ra con đường cứu nước, nhưng họ đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm của những bậc thức giả dấn thân vì nước vì dân. Trong số các bậc thức giả đó, Nguyễn Đình Chiểu nổi lên như một trong những trí thức dấn thân tiêu biểu nhất.
Nhà Nho lỡ vận
Nguyễn Đình Chiểu là một trí thức gần dân và rất được lòng dân. Người Nam Bộ gọi ông một cách thân thương là “Đồ Chiểu”, gọi bằng Cụ Đồ vì có một thời gian dài ông làm thầy dạy học chữ Nho ở trường làng. Thật ra, chữ “thầy” ở đây cũng có thể được hiểu nghĩa sâu rộng hơn vì các tác phẩm văn thơ của ông điều chứa đựng nhiều bài học quý giá, dạy cho con người sống đúng và xứng đáng với tổ tiên và đất nước.
Mộ phần của Cụ Đồ Chiểu hiện nay nằm ở huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre. Thật ra, ông không phải là người Bến Tre, mà nơi đây là điểm dừng chân đến cuối đời của ông trong bước đường ông bôn ba theo phong trào “Tỵ Địa” lúc bấy giờ.
Thân sinh của ông là cụ Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên, vào làm thư lại trong dinh tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Ở đây, Nguyễn Đình Huy đã gá nghĩa cùng bà Trương Thị Thiệt người làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Cụ Huy đã có vợ ở Thừa Thiên, và có hai con, Trương Thị Thiệt là vợ thứ. Bà Thiệt đã sinh cho ông được 7 người con (4 trai và 3 gái), trong đó Nguyễn Đình Chiểu là con trai đầu lòng. Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (ngày 1 tháng 7 năm 1822) ở quê mẹ.
Năm 1832, Lê Văn Duyệt bị bệnh mất, vua Minh Mạng vốn đã không thích ông, nên bèn bãi chức tổng trấn Gia Định thành và bắt đầu chia miền nam làm sáu tỉnh (Nam Kỳ lục tỉnh). Năm 1833, một người con nuôi của Lê Văn Duyệt tên là Lê Văn Khôi khởi binh làm phản, chiếm thành Gia Định. Triều đình Huế cử binh thảo phạt, nhưng mãi đến năm 1835 mới đánh dẹp được.
Khi Lê Văn Khôi làm loạn, cụ Nguyễn Đình Huy đưa Nguyễn Đình Chiểu ra gửi cho một người bạn làm quan ở Huế để cho ăn học. Và dĩ nhiên ở đây là học các sách vở Nho Giáo vì nền giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ chỉ có Nho Giáo mà thôi.
Năm 1840, Nguyễn Đình Chiểu trở về Nam, và đến năm 1843 thì thi đậu Tú Tài ở trường thi Hương Gia Định. Khi ấy, có một gia đình khá giả hứa gả con gái cho ông. Đến năm 1847, ông lại ra Huế để chuẩn bị thi tiếp ở kỳ thi năm 1849. Nhưng gần ngày thi thì Nguyễn Đình Chiểu hay tin mẹ ông mất ở trong Nam. Ông cấp tốc lên đường trở về Gia Định, nhưng dọc đường lâm bệnh thập tử nhất sinh, dù thoát khỏi tử thần, nhưng do thương khóc mẹ, phần bị bệnh nặng nên ông đã mù đôi mắt.
Sự nghiệp dở dang, người hứa hôn bội ước, Nguyễn Đình Chiểu đã trút hết tâm tình này vào tác phẩm Lục Vân Tiên. Số là khi trở về Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu hành nghề dạy học và bốc thuốc đông y, sống trong tình thương yêu và đùm bọc của người dân.
Đến năm 1854, ông kết hôn với bà Lê Thị Điền, người Cần Giuộc, khi ấy thuộc Gia Định (bây giờ thuộc tỉnh Long An). Bà Điền là em gái của ông Lê Tăng Quýnh, mà ông Quýnh là học trọ của Đồ Chiểu. Cảm phục thầy, nên ông Quýnh đã gả em gái cho Đồ Chiểu để ông có người nâng khăn sửa túi.
Cây bút đấu tranh không mệt mỏi
Năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định. Một số chí sĩ không chấp nhận sống chung với giặc, nên giặc chiếm nơi nào thì họ lập tức bỏ đến sinh sống ở những nơi chưa bị giặc chiếm. Làn sóng này được các sử gia gọi là gọi là phong trào «Tỵ Địa ». Nguyễn Đình Chiểu cũng là một trí thức theo phong trào này. Khi giặc chiếm quê ông, ông lập tức dọn về sống ở quê vợ là Cần Giuộc. Đến năm 1862, triều đình Huế ký với Pháp Hòa ước Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Nguyễn Đình Chiểu lập tức cùng gia đình chạy về “tỵ địa” ở Ba Tri-Bến Tre. Đến năm 1867, ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cũng mất nốt vào tay Pháp. Nguyễn Đình Chiểu hết chốn “tỵ địa”, nên mới chịu sống luôn ở Ba Tri cho đến ngày cuối đời.
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu từ khi trưởng thành đến lúc cuối đời dường như toàn gặp phong ba bão táp: Lên muời tuổi đã chứng kiến cảnh chiến loạn trong vụ Lê Văn Khôi, mới đậu Tú Tài thì mẹ mất, lâm cảnh mù lòa rồi bị người hứa hôn bội ước, quãng đời còn lại là cảnh nước nhà bị nạn ngoại xâm. Do mù lòa nên không thể trực tiếp cầm gươm giáo mà xông pha ngoài mặt trận cùng với đồng bào, nhưng tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Đình Chiểu luôn cháy bỏng. Ông không chiến đấu bằng gươm giáo, mà vũ khí lợi hại của ông là ngòi bút, một ngòi bút đấu tranh vì chính nghĩa không mệt mỏi:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
(Dương Từ-Hà Mậu)
Cái “đạo” mà ông “chở” ở đây đương nhiên là đặt nền tảng trên Nho Giáo, bởi dù muốn dù không thì ông vẫn là một người Nho Giáo, được giáo dục trong lò Nho học từ thuở nhỏ. Thế nhưng, có một điều cần nhấn mạnh là: Cái Nho của Nguyễn Đình Chiểu có khác so với cái Nho của nhiều nhà Nho bảo thủ lúc bấy giờ.
Cái khác lớn nhất ở cái Nho của Nguyễn Đình Chiểu có lẽ là ông đã góp phần tách bạch giữa “Trung quân” với “ái quốc”. Số là xưa kia, các nhà Nho thường hay đánh đồng “vua” với “nước”, bởi vậy họ mới đánh đồng “trung với nước” có nghĩa là « trung với vua”, nói cách khác « vua » là « nước » vậy. Thế nhưng đến Nguyễn Đình Chiểu thì khác. Tư tưởng trung quân của Nguyễn Ðình Chiểu là trung quân có điều kiện, trung với lẽ phải, trung với nước. Nhưng đối với những ông vua xấu, vua ác thì ông phê phán :

Quán rằng : ghét việc tầm phào 
Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm 
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm 
Ðể dân đến nỗi sa hầm sẩy hang 
Ghét đời U, Lệ đa đoan, 
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần 
Ghét đời Ngũ bá phân vân, 
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn 
Ghét đời Thúc quý phân băng, 
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng hại dân…

(Lục Vân Tiên)
Hành động tự trầm của Nguyệt Nga cũng là thái độ phản kháng đối với chữ trung quân mù quán :

Nếu ngay cùng chúa lại quên ơn chồng 
Sao sao một thác thời xong 
Lấy mình báo chúa, lấy lòng sự phu

(Lục Vân Tiên)
Đồ Chiểu thậm chí còn ủng hộ việc không “trung với vua” để mà “trung với dân” qua việc ông hết lòng ủng hộ và còn làm bài văn điếu thống thiết cho tướng quân Trương Định. Họ Trương là thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công, kháng lệnh triều đình, lãnh đạo nhân dân đánh Pháp. Cuộc kháng chiến thất bại, Trương Định tuẫn tiết. Nguyễn Đình Chiểu có làm một bài văn tế và mười hai bài thơ liên hoàn để điếu ông trong đó có đoạn :

Sớ mật lãnh binh lờ mắt giặc
Bằng son ứng nghĩa thắm lòng dân
Giúp đời dốc trọn ơn nam tử
Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần

Bên cạnh văn điếu Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu còn có nhiều bài điếu văn ca ngợi tinh thần hy sinh vì nước của người dân Việt. Số là vào đêm rằm thánh 11 năm Tân Dậu (tức ngày 16 tháng 12 năm 1861), các nghĩa sĩ nông dân tấn công đồn Pháp ở Cần Giuộc và có gần 20 nghĩa sĩ phải bỏ mình.
Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài điếu “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” để đọc trong buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh này. Hay như khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết do không giữ được thành Vĩnh Long, Nguyễn Đình Chiểu cũng có làm hai bài thơ điếu. Năm 1868, thủ lĩnh kháng Pháp ở Ba Tri là Phan Tòng (còn có tên là Phan Ngọc Tòng) hy sinh, ông làm 10 bài thơ điếu. Hay như án hùng văn bất hủ “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh” hồi năm 1883.
Các bài thơ điếu đã cho thấy rằng Nguyễn Đình Chiểu đã tách biệt hẳn với nền Nho Giáo cổ hủ là xem thường giai cấp nông dân. Nguyễn Đình Chiểu đã ca ngợi hết lời và bài tỏ lòng kính trọng không bờ bến đối với những nghĩa sĩ nông dân. Vì sao lại có lòng kính ngưỡng đến thế? Vì rằng những nông dân này đã chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc. Hay nói đúng hơn, ở đây nhà Nho Nguyễn Đình Chiểu đã đánh giá con người không qua giai cấp sang hèn, mà qua hành động, và đối với ông hành động hy sinh vì nước là một hành động anh hùng đáng kính ngưỡng.
Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người nông dân “Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, nhưng khi có giặc họ lại xông lên: “Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng, súng nổ” (Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc). Và kêu gọi quyết tâm đáng giặc tới cùng: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh…”
Hay như trong bài Điếu Phan Tòng, sự kính ngưỡng người yêu nước của Nguyễn Đình chiểu cũng rất rõ ràng:

Làm người trung nghĩa đáng bia son, 
Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn 
Cơm áo đền bồi ơn đất nước, 
Râu mày giữ vẹn phận tôi con 
Tinh thần hai chữ phau sương tuyết, 
Khí phách ngàn thu rỡ núi non...

Lòng yêu nước của nhà Nho Nguyễn Đình Chiểu đến mức mà ông đã gắn hai chữ « nhân, nghĩa » với việc yêu nước yêu nhà:

Mến nghĩa bao đành làm phản nước
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà
(Dương Từ-Hà Mậu)

Tức là theo ông, người có nhân nghĩa là người trung với nước, trọn tình nhà. Ở đây ta chú rằng, ông không dùng chữ « phản vua », mà là « phản nước », tức là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chứ không phải lợi ích của một dòng tộc nào cả. Đến đây, ta thấy rằng, với tư cách là một nhà trí thức, Nguyễn Đình Chiểu dù mù lòa vẫn dùng ngòi bút của mình đóng góp hết sức mình cho nước cho dân.
Tấm gương sáng ngời cho hậu thế
Để tìm hiểu sâu hơn về lòng yêu nước và phương pháp đấu tranh bằng ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, RFI Việt Ngữ có trao đổi cùng Giáo sư Trịnh Văn Thảo thuộc Đại học Aix-Marseille (Cộng Hòa Pháp), người có nhiều công trình khảo cứu có giá trị đã được xuất bản tại Pháp về trí thức Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
RFI : Thưa Giáo sư, cuộc đời và sự nghiệp của nhà Nho Nguyễn Đình Chiểu vô cùng phong phú và to lớn. Vậy xin Giáo sư tóm lược một số nét nổi bật nhất của ông?
Giáo sư Trịnh Văn Thảo : - Cảm tưởng đầu tiên, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn lớn trong kho tàng văn học Việt Nam. Ông biết dung hòa luân lý Khổng Mạnh với truyền thống nhân bản của người Việt Nam.
- Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương tiêu biểu cho phong thái, tính tình và tâm lý đặc biệt của người miền Nam, qua quan niệm triết học, ngôn ngữ trong sáng và giản dị.
- Nguyễn Đình Chiểu đại diện cho lớp sĩ phu miền Nam luôn luôn gắn bó với quê hương. Cũng với nhiều nhà Nho khác như Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, ông đã lựa chọn con đường đối lập với chính quyền thực dân bằng tư tưởng dùng văn hóa làm phương tiện đấu tranh. Ví dụ như tác phẩm Dương Từ-Hà Mậu, dù không có giá trị văn học bằng Lục Vân Tiên nhưng lại có tính chiến đấu và thời sự hơn.
- Nguyễn Đình Chiểu đã hun đúc, rèn luyện con cháu trong gia đình giữ vững truyền thống yêu nước. Đặc biệt là cô con gái của ông có biệt hiệu là Sương Nguyệt Anh là một nữ sĩ và nhà làm báo phụ nữ đầu tiên ở xứ ta-bà là chủ bút tờ Nữ Giới Chung (Tức tiếng chuông của phụ nữ). Người con trai của ông là Nguyễn Đình Chiêm cũng là một nhà soạn kịch có tiếng ở miền Nam. Cháu ngoại của Sương Nguyệt Anh là Mai Huỳnh Hoa là vợ của trí sĩ yêu nước Phan Văn Hùm. Phan Văn Hùm là tác giả của một tác phẩm có giá trị cả về văn học lẫn sử học tên là « Nỗi Lòng Đồ Chiểu ».
RFI : Thưa giáo sư, có người cho rằng Nguyễn Đình Chiểu viện cớ mù lòa để trốn tránh việc nước ?
Giáo sư Trịnh Văn Thảo : Theo ý tôi, đó là một dư luận mang tính xuyên tạc, không phản ánh đúng tình trạng phức tạp của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ, và của cá nhân Nguyễn Đình Chiểu. Dĩ nhiên, sau khi ông bị bệnh, mù, và sau khi ông từ chối làm trong ban tham mưu của Trương Công Định, người ta có thể nói điều đó. Nhưng ai cũng biết rằng, sự thật không phải như thế, nó phức tạp hơn nhiều.
Không phải ông mượn cớ tàn tật để không tham gia phong trào kháng chiến ở nam Bộ, nhưng tôi nghĩ, ông là người theo con đường đấu tranh bằng văn hóa. Ngay như Phan Văn Trị và Huỳnh Mẫn Đạt là những người có địa vị xã hội và chính trị cao hơn ông cũng đã lựa chọn con đường đấu tranh bằng văn hóa, bằng tư tưởng. Tôi cho rằng, khi Nguyễn Đình Chiểu tham gia phong trào tị nạn và phản đối ngoại xâm của nhà Nho Việt Nam, ông đã làm tròn được vai trò của người trí thức trong thời loạn.
RFI : Thưa Giáo sư, với tư cách là một nhà trí thức, Nguyễn Đình Chiểu có xứng đáng với nước với dân chưa ?
Giáo sư Trịnh Văn Thảo : Hoàn toàn xứng đáng. Thứ nhất, về mặt văn học, tôi xem Lục Vân Tiên là một tác phẩm quan trọng nhất ở Việt Nam, có thể so sánh với Kim Vân Kiều. Ngoài Lục Vân Tiên, ông còn để lại những tài liệu văn học và y học có giá trị. Còn nói về con người ông, thì ông tượng trưng cho lòng yêu nước và phương pháp đấu tranh yêu nước của người trí thức miền Nam.
RFI : Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho thủ cựu?
Giáo sư Trịnh Văn Thảo : Đúng là nhiều lúc ông có thái độ hơi đóng chặt lại. Chẳng hạn như đối với chữ quốc ngữ, ông cấm con cháu không cho học chữ này vì cho rằng đó là chữ của ngoại xâm, của ngoại giáo, của bá đạo, nó dùng tôn giáo để xâm chiếm Việt Nam. Thái độ này của ông đối với chữ quốc ngữ có hơi thái quá. Ông cũng tỏ ra hơi thủ cựu trong việc khích bác Phật Giáo và Công Giáo. Nhưng nếu nhìn trong phạm vi một nhà nho học cổ điển, thì thấy rằng Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn trả lời rất đúng đắn những tiêu chuẩn của một nhà Nho Việt Nam yêu nước thời đại đó.
RFI : Thưa Giáo sư, trí thức Việt Nam hiện đại cần thấy gì và làm gì trước tấm gương Nguyễn Đình Chiểu ?
Giáo sư Trịnh Văn Thảo : - Thứ nhất, đứng về mặt di sản văn học của ông, chúng ta phải tìm hiểu về ông nhiều hơn. Tôi thấy rằng, Nguyễn Đình Chiểu so với Nguyễn Du hay Đoàn Thị Điểm hoặc các nhà văn lớn miền Bắc khác, thì ông tương đối ít người biết hơn. Ngay cả những người nghiên cứu về văn học miền Nam cũng không đá động đến ông nhiều. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu và học hỏi về tư tưởng văn học và về tác phẩm của ông. Phải tìm hiểu những ảnh hưởng của ông đối với thế hệ nhà văn sau ông, nhất là các nhà văn cận-hiện đại ở miền Nam.
- Kế đến, tôi thấy rằng, Nguyễn Đình Chiểu tượng trưng cho tinh thần yêu nước, yêu dân tộc và trung thành của người miền Nam. Không phải lúc nào cũng lao đầu vào chiến đấu (tức dùng đến võ lực). Nguyễn Đình Chiểu đề nghị một đường lối đấu tranh mềm dẻo, chính trị, đặt văn hóa và tư tưởng lên trên vũ khí quân sự. Ông là người đặt ưu tiên cho đấu tranh bằng phương tiện văn hóa và văn học. Sứ mệnh đặc biệt của người trí thức là đấu tranh bằng tư tưởng trên đấu tranh bằng vũ lực. Người trí thức thì phải đặt trọng tâm cho phương tiện đấu tranh trí thức và đấu tranh văn hóa. 
Đến đây, ta có thể khẳng định rằng, nhìn trên toàn cục, Nguyễn Đình Chiểu là một trí thức dấn thân đáng kính. Ông đã mù lòa lại sống trong cảnh khổ nghèo, thế mà tiết tháo Nhà Nho ông vẫn giữ vẹn, thể hiện qua việc kiên quyết không hợp tác và không nhận lợi ích từ tay giặc. Ông đã vượt lên hoàn cảnh và tỏ ra không mệt mỏi trong việc dùng ngòi bút của mình để « chở đạo » và « trừ gian ». Còn trên văn đàn dân tộc, thì ông cũng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị về văn học lẫn tư tưởng.
Thời buổi nào cũng vậy, trí thức luôn đóng vai trò quan trọng trong sự vận hành và tiến triển của xã hội. Lê Quý Đôn từng nhấn mạnh rằng : « Phi trí bất hưng ». Nguyễn Đình Chiểu đã sống xứng đáng với nước với dân, xứng đáng là một trí thức dấn thân, một bậc thức giả yêu nước thương dân dùng ngòi bút đấu tranh không mệt mỏi. Ông là một tấm gương sáng ngời cho trí thức mọi thời đại, vì đâu phải trí thức nào cũng dám dùng ngòi bút của mình để chở đạo trừ gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét