Khô “vũ nữ chân dài” bắt đầu xuất ngoại
Về vùng sông nước An Giang mà nhắc đến “vũ nữ chân dài” thì ai ai cũng biết đến nó, bởi vị vừa lạ vừa ngon, là tâm điểm của nhiều dân ăn uống vùng sông nước. Tuy nhiên, ít ai biết loại khô này đang dần dần hình thành và phát triển giúp hàng chục hộ gia đình nghèo có cuộc sống tốt hơn, nhưng cũng không ít khó khăn.
Chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình anh Võ Văn Liền, (sn 1973, ấp Vĩnh Hạ - xã Vĩnh Trung – huyện Tịnh Biên). Anh được xem là người gắn bó với nghề trong nhiều năm liền ở địa phương từ khai thác đến chế biến loại đặc sản này.
Gia đình anh Liền thuộc diện hộ nghèo  nên quanh năm sống bằng nghề thuê mướn và bán bánh tráng khắp các chợ trong huyện Tịnh Biên. Trong một lần tình cờ bán hàng tại chợ Tịnh Biên, anh thấy một Việt kiều Campuchia thu mua nhái tươi nên hỏi thăm thì biết để làm khô, xuất sang Campuchia.

Chính sự dai, giòn của khô nhái đã thu hút dân nhậu tìm đến món khô độc đáo này.
Thấy vậy, anh bỏ nghề bán bánh tráng mà về nhà rủ các anh em bắt nhái để bán kiếm tiền. Sau nhiều lần thấy người chủ thu mua nhái lột nhái, chế biến rồi phơi khô nên anh Liền đã mày mò làm thử.
“Tôi phải xem lén nhiều lần lắm nên tôi về nhà làm xong thì ăn thấy giòn, ngon nên tôi mừng lắm. Từ sau lần đó, gia đình quyết định không bắt bán nữa mà tự làm ra để bán lẻ cho mọi người trong xóm” – anh Liền nhớ lại nói.
Theo anh Liền, gia đình anh đã làm nghề khô nhái này được gần 4 năm nay. Ban đầu các thành viên trong gia đình đi bắt nhái vào ban đêm rồi đến sáng ra tiếp tục lột nhái, chế biến nhái bằng cách thêm gia vị như tiêu, đường, bột ngọt, ớt, nước mắm,… sau đó thì đem phơi hai nắng (2 ngày – PV) thì có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, nếu trời không có nắng thì phải “sấy” bằng lo than để nhái khô và ngon giống như nắng, nếu không sẽ không kịp giao hàng. 
Dần dà món “mồi” này đã thu hút đông khách và ngày càng có nhiều chủ quán, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh như Cần Thơ, Long Xuyên, Đồng Tháp,… đặt mua. Vì thế nên gia đình anh đã đặt lại hàng “tươi” với khoảng 30 hộ dân trong vùng để thu mua nhái.
Người soi nhái chỉ cần có bộ đồ nghề, gồm: Chiếc bình ắcquy, đèn soi, rọng sắt và cây chụp (dài khoảng 1,5m). Nếu chịu khó thì thu nhập khá lắm. “Nghề nhái này có nhiều nhất vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, nếu người nào bắt tệ gì cũng cả chục ký. còn mùa đông như hiện giờ chỉ soi được khoảng 4kg là cao rồi.”
“Nếu lột da nhái xong thì bán lại cho tôi được 50.000đ/kg, còn không lột thì tôi mua khoảng 27.000đ/kg. Bình quân vào thời điểm nhái nhiều (tháng 7 - tháng 8 âm lịch), mỗi đêm người bắt nhái có thể kiếm từ 200.000-500.000đ/người” – anh Liền cho biết.
Theo gia đình anh cho biết, trung bình mỗi ngày thu mua khoảng 30-40kg nhái của khoảng 20 hộ dân trong vùng. Sau khi chế biến thì 1kg nhái tươi chỉ còn lại 0,4kg khô nhái. Như vậy, nếu 30kg nhái tươi sau khi thành phẩm, “vũ nữ chân dài” sẽ còn được 12kg.
Hiện nay, loại khô đặc sản này được bán với giá giao động từ 300.000-350.000 đồng/1kg.

Cả xóm rủ nhau đi săn “vũ nữ chân dài”
Thấy lợi nhuận cao, dễ làm, hút hàng nên xung quanh khu vực gia đình anh Liền cũng “bắt chước” làm nghề khô này ngày càng đông. Giờ đây, đã có gần chục hộ làm nghề này, khiến “nguồn cung” ngày càng khang hiếm hơn. Vì vậy, nhiều dân nghèo xã Vĩnh Trung đã mở rộng phạm đi săn “vũ nữ chân dài” không chỉ bó hẹp trong huyện Tịnh Biên, nhiều người còn mở rộng địa bàn soi nhái sang các huyện lân cận như Tri Tôn, Châu Phú (An Giang), Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang) v.v…
Chị Võ Thị Rỡ - em gái anh Liền - cho biết: “Các chủ nhà hàng từ Châu Đốc đến TPHCM tham quan lễ hội đua bò ở đây. Khi thấy loại khô này đã liên kết đặt hàng nhiều lắm, chỉ sợ nhái tươi không có để làm khô thôi”.
Theo khảo sát của chúng tôi, huyện Tịnh Biên chỉ có 2 nơi sản xuất loại khô này: Một điểm nằm tại khu vực chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm còn lại là khu vực nhà anh Liền. Còn tại khu vực dân nghèo ven Xẻo Sâu thuộc ấp Bình An 1, xã An Hòa, huyện Châu Thành - An Giang cũng đi soi nhái mưu sinh, nhưng chưa biết cách chế biến chuyên nghiệp như khu vực huyện Tịnh Biên.
Ông Liền đang cầm cái vợt – dụng cụ để bắt nhái.
Tuy nhiên, hầu hết người soi nhái đều là hộ nghèo, không nghề nghiệp ổn định. Họ chỉ sống vào việc soi nhái để bán làm khô và soi nhái bán cho người cắm câu nên cuộc sống phần nào cũng vất vả. Về lâu dài, nghề chế biến “vũ nữ chân dài” này cần được hình thành thương hiệu, hình thành làng nghề và được sự hỗ trợ của ngành chức năng sẽ trở thành đặc sản vùng miền biên giới An Giang.