Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Khả năng kỳ diệu của một thổ dân

Thư giãn cuối tuần

Vừa rồi sắp xếp chút thời gian để đi lang thang. Mục tiêu là thử nghiệm khả năng chịu đựng tự nhiên của bản thân trong môi trường gần như hoang dã.

Những ngày lang thang dọc đường gió bụi, từ chốn rừng hoang, núi cao cho tới miền hải đảo … tôi gặp được nhiều nhân vật kỳ bí. Cuộc đời của những con người này nếu kể ra có thể trở thành những trường thiên tiểu thuyết đầy kịch tính.

Một ngày nọ, lạc bước tới chân núi Ngọc Linh. Có một ngôi làng nhỏ với dăm mái nhà trên một dãi đất cằn cỗi, gần như không còn cây cối. Tôi dừng chân trước một căn nhà gỗ khá bề thế trông giống như một cái kho hàng. Đây chính là cửa tiệm bách hóa to nhất và duy nhất của làng bán từ cây kim, sợi chỉ cho tới xăng dầu, dụng cụ lao động, vật tư nông nghiệp và cả một vài loại thuốc tây chữa bệnh.

Một cô gái xinh xắn bất ngờ hiện ra sau khung cửa gỗ làm mát rượi cái không gian nóng rực giữa trưa trên con đường đầy cát và đá sỏi.

Cô gái nhỏ nhìn tôi đăm đăm nhưng không nói năng gì. Trông tôi chắc không giống với những người mà cô vẫn thường gặp trong nhiều tháng năm sống trong  vùng đất hoang vu này thì phải. Tôi đành phải đóng vai “thượng đế” bất đắc dĩ để bắt chuyện với cô gái có đôi mắt hoang dại của loài mèo rừng, bằng cách hỏi mua một chai nước uống. Cô gái từ tốn lục lọi một hồi khá lâu rồi lôi ra một chai nước có cái nhãn hiệu lạ hoắc mà tôi chưa từng bao giờ thấy. Với cái giá đắt gấp đôi chai Lavie tôi vẫn thường mua ở Sài Gòn.

Bù lại, cô "miêu nữ" bắt đầu thân thiện hơn và tỏ ra khá thích thú trò chuyện. Khi biết tôi định leo lên đỉnh núi Ngọc Linh cô  vội vàng can rằng không thể đi ngay bây giờ được. Cô khuyên tôi nên chờ đến sáng mai và tốt nhất là bây giờ nên đi tìm gặp những người dân làng có nhiều kinh nghiệm đi núi để nhờ họ giúp dẫn đường.

Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của cô gái mà tôi tìm được nhà của già làng A Khưn. Một ngôi nhà mộc mạc nhưng  nhìn kỹ thì toàn là gỗ quý, không hề có dấu vết của dầu bóng hay sơn phết gì cả, toàn là gỗ mộc. Thế nhưng gỗ vẫn lên nước bóng loáng, đúng là tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Nằm cạnh bờ suối và cách xa rừng tới mức cái nóng ban trưa cứ hừng hực lên mặt tôi khi đứng trước cửa ngôi nhà để gọi hỏi thăm người chủ nhà cao niên và uy tín nhất làng.

Già A Khưn qua lời giới thiệu của cô gái hết sức cởi mở và không hề rào đón, già nói ngay rằng sẽ rất sẵn sàng dẫn đường cho tôi lên núi ngay khi thời tiết tốt hơn. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe già nói về chuyện chờ cho thời tiết tốt hơn bời vì trời đang nắng chang chang. Cái nắng nóng hừng hực như thiêu đốt cái làng nhỏ bé thiếu vắng cây xanh ngay chân núi Ngọc Linh này chắc sẽ còn kéo dài lâu lắm.

Thế nhưng già A Khưn cứ khăng khăng bảo rằng mai chưa đi được đâu và tôi nên chuẩn bị tinh thần để ở lại làng vài ba hôm nữa rồi mới khởi hành được.

Tôi định cãi, nhưng cố dằn lại vì “nhập gia thì phải tùy tục”. Gia làng đã phán thì đứng có cố mà cãi, trong khi mình  đang nhờ người ta giúp. Tuy nhiên tôi bày tỏ băn khoăn rằng không biết phải ở đâu trong những ngày chờ đơi này, tôi cũng cố gắng tỏ ra mình rất dễ thích nghi, rằng tôi chỉ cần có chỗ để mắc cái võng là ngủ được rồi…

Chưa kịp để già làng có ý kiến cô gái nhỏ đã chen ngang nói ngay rằng tôi có thể mắc cái võng ở ngay trong cửa hàng nhà cô vài ngày không có vấn đề phiền hà gì đâu. Cô còn cố gắng nói vài điều gì đó nữa mà tôi quên mất nhằm để cho tôi đừng có quá ái ngại về chuyện phải ở đâu trong cái làng này trong những ngày chờ đợi lên núi.

Già làng chỉ ngồi cười và phì phà cái tẩu thuốc lá trong lúc cô gái nói chuyện với tôi. Câu chuyện với cô gái vừa kết thúc thì già nói thêm rằng nếu tôi không thích mắc cái võng ở cửa hàng cô gái thì có thể ở nhà của già. Chuyện ăn uống càng đơn giản hơn, ai ăn gì tôi ăn đó. Cuối cùng thì tôi đã chọn mắc cái võng ở cửa hàng cô gái tới hơn 3 ngày liền rồi mới có thể theo gìa làng lên núi được.

Bởi vì ngay cái đêm đầu tiên đó, trời đất đột ngột chuyển động ần ầm và mưa tuôn như trút nước. Cơn mưa rừng mưa núi này kéo dài tới hơn ba ngày sau mới dứt hạt.

Kế hoạch leo núi cuối cùng cũng thực hiện được nhờ sự kiên trì và nhất là sự giúp đỡ rất tận tình của già làng và cô gái nhỏ.

Ngày chia tay rồi cũng tới. Khác hẳn với ngày găp nhau đầu tiên, "miêu nữ"  giờ đây đã có ánh mắt của loài nai... mất rừng khi nhìn tôi, trở nên thân tình hơn nên cuộc chia tay cũng có phần khá là bịn rịn. Riêng với già làng, sau khi cảm ơn và nói lời từ biệt tôi cố tình hỏi già một câu mà suốt những ngày qua tôi không bao giờ có thể hiểu được.

Tôi vẫn thường nghe những người dân bản địa, sống gần gũi thiên nhiên có những khả năng rất kỳ diệu đến mức trở thành kỳ lạ. Tôi muốn biết cái khả năng dự báo thời tiết cực kỳ chuẩn xác của già làng A Khưn là nhờ vào đâu. Và có thể biết đâu già làng sẽ bày cho mình một ít kinh nghiệm nhận biết giúp mình càng tăng thêm khả năng tồn tại ở những vùng hoang dã, tự nhiên hơn.

Già A Khưn tỉnh queo khi nghe tôi hỏi và trả lời ngay không cần suy nghĩ rằng ông nghe dự báo thời tiết hàng ngày từ đài truyền hình của nhà nước. Tôi hết sức sững sờ khi nghe ông nói ra điều đó. Vậy mà tôi cứ tưởng….

Nhưng, cái câu sau cùng mà tôi chưa nghe kịp mới càng làm tôi bàng hoàng và càng kính nể ông hơn. Rằng già A Khưn sau khi nghe đầy đủ các thông tin dự báo trên đài nhà nước rồi thì ông phải điều chỉnh một chút bằng cách hiểu … ngược lại. Xác suất đúng từ 80 đến 100 phần trăm, Trời ạ!

Giờ đây, mỗi lần nghe dự báo thời tiết từ đài nhà nước, tôi không khỏi bồi hồi nhớ tới già làng A Khưn và nàng "miêu nữ" có ánh mắt của loài nai mất rừng.



4 nhận xét:

  1. Tôi không nghĩ tác giả đang cho mọi người thấy khả năng "phát minh" ra từ mới của mình, khi viết : Thư giãn cưới tuần. Chắc lỗi "thằng" ngón tay đánh máy ? Hìhì...
    Nếu bảo chuyện cảm nhận thời tiết là khả năng kỳ diệu, thì một kẻ bị huyết áp cao như tôi cũng... kỳ diệu lắm nhé - Dù đang nắng chang chang mấy ngày liền mà tôi lên cơn nhức đầu dữ dội là y như rằng ngay chiều hôm ấy, hoặc trễ lắm là ngày hôm sau, ông trời sẽ sụt sùi mưa. Giỡn chút thôi, chứ tài quan sát rồi đúc rút nên kết luận, có từ kinh nghiệm cả đời người gắn bó với rừng núi của mấy già làng Tây Nguyên là rất đáng nể. Mấy ông khí tượng học nước nhà mà đọc được bài này của Hữu Nguyên ắt sẽ nguýt nguấy anh dữ lắm đây...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã góp ý. Đúng là do lỗi của thằng ... ngón tay (hi hi). Nhưng mà nó là bà con của thằng bàn tay mà thằng bàn tay lại là bà con của mình, nên không thể xử lý thằng ngón tay được bạn ạ!

      Xóa
  2. Câu chuyện cứ cuốn tôi đến phút trót và..".Nhưng, cái câu sau cùng mà tôi chưa nghe kịp mới càng làm tôi bàng hoàng và càng kính nể ông hơn. Rằng già A Khưn sau khi nghe đầy đủ các thông tin dự báo trên đài nhà nước rồi thỉ ông phải điều chỉnh một chút bằng cách hiểu … ngược lại Xác suất đúng từ 80 đến 100 phần trăm, Trời ạ!.."
    Đoạn kết làm tôi nhớ lại lời thoại cuar5 bộ phim Việt Nam " Cánh đồng hoang" Khi người cháu cắp sách đi học.Người ông bảo cháu sao đi sớm thế .Cháu bảo đài tít rồi.Ông bảo cháu tít láo đấy....!

    Trả lờiXóa
  3. Trời ạ! đúng từ 80 đến 100 phần trăm, một sự thật chua chát.

    Trả lờiXóa