“Trên thực tế toàn bộ phương pháp luận trong giáo dục thực sự không nhiều hơn – bắt người học phải muốn học. Một khi họ muốn học, họ sẽ học.” - Noam Chomsky .
Dương Trọng Tấn
Sau khi cho cô con gái nhỏ ngủ xong xuôi, Đới – một giảng viên các môn lập trình của Đại học FPT – bắt đầu bật chiếc laptop Asus đời cũ lên, cắm tai nghe và bắt đầu ghi âm tạo clip bài học mới cho những ngày tiếp theo. Anh sẽ tải video clip ngắn về một kĩ thuật lập trình Java nâng cao này lên YouTube. Học trò của anh sẽ xem bài giảng trước khi đến lớp để có thể tích cực tham gia các thảo luận sôi nổi trong lớp học, để có nhiều ý tưởng hỏi thầy, và để sớm hoàn thành dự án mà thầy đã giao từ đầu khóa học. Trong khi thu âm, Đới phải hết sức nhẹ nhàng để tránh làm mất giấc ngủ ngon của con gái. Đôi khi tiếng chó sủa từ bên nhà hàng xóm lẫn cả vào clip.
Một giờ học của thầy Đới bắt đầu bằng ít phút ôn lại nội dung của video clip mà sinh viên đã xem trước ở nhà. Những sinh viên đã xem được khuyến khích tóm tắt lại các nội dung chính được ghi trong một tài liệu Google Docs, hoặc vẽ ra những bản đồ tư duy do chính họ tạo lập sau khi xem các clip từ kênh riêng của thầy Đới trên YouTube. Những sinh viên chưa kịp xem video clip thì tranh thủ xem qua để chút nữa có thể bắt kịp các thảo luận và bài thực hành ngay sau đó.
Tiếp theo, thầy Đới dẫn học trò của mình qua các hoạt động, khi thì thảo luận, khi thì làm bài tập nhóm, khi thì thực hành trên laptop. Phần lớn giờ học, sinh viên không ngồi yên mà luôn chân, luôn tay, luôn miệng. Thầy Đới cũng không còn thuyết trình nhiều, trừ khi thật cần thiết. Thầy tập trung tư vấn riêng cho các bạn học chậm, gỡ rối những khúc mắc hoặc gợi mở và giao thêm các nhiệm vụ nâng cao cho những bạn học nhanh hơn. Các bạn hoàn thành công việc trước được khuyến khích giúp đỡ các bạn xung quanh để hoàn thành công việc được giao. Kết thúc giờ học, thầy dẫn dắt cả lớp vào hoạt động mà thầy gọi là “Retrospective” để sinh viên có thời gian nghĩ về những gì được học, cái gì thích cái gì không, và có những khó khăn nào cần được giải quyết.
Toàn bộ “kế hoạch làm việc” của khóa học, thầy Đới đã thiết kế chi tiết và chia sẻ cho cả lớp trên một thư mục Google Drive chung. Các tài liệu học tập chính quy và tham khảo cũng được đặt hết tại đây. Bên cạnh một bảng theo dõi tiến độ học tập, tiến độ hoàn thành công việc và tình hình giao nộp các “sản phẩm” của từng sinh viên (thầy gọi riêng công cụ do mình sáng chế này là Progress Tracking, tạo ra từ Google Spreadsheet). Thầy Đới còn dùng chế độ lưu vết hoạt động (Activity history) của Google Apps để theo dõi các hoạt động của từng sinh viên trên lớp. Ngoài giờ trao đổi trực tiếp, sinh viên được khuyến khích trao đổi thêm trên mạng xã hội (một Group trên Facebook với đầy đủ các thành viên trong lớp) và qua email.
Cách dạy học mang tên Dạy học Đảo ngược (Flipped Teaching) của thầy Đới đang là một trong những trào lưu thu hút rất nhiều nhà giáo thử nghiệm và sử dụng như là phương pháp dạy chính thức trong nhà trường. Đặc trưng rất dễ nhận biết của lối dạy học này là đảo ngược cách làm truyền thống: thay vì để sinh viên “lên lớp nghe giảng, sau đó về nhà làm bài tập”, giờ đây sinh viên tự học lí thuyết ở nhà (qua các bài giảng trong video, hoặc sách tương tác, hoặc phần mềm học tập), khi tới lớp làm bài tập ứng dụng và đào sâu các lí thuyết đã học, cùng với phản hồi đa dạng của giáo viên và các bạn cùng lớp. Những nhà giáo cổ súy cho các lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) lý luận rằng “thời giờ quý giá ở trên lớp nên để dành cho các hoạt động tương tác và hoạt động, chúng mang lại nhiều giá trị hơn cho sinh viên, thay vì ép họ phải ngồi hàng tiếng đồng hồ nghe những bài giảng chán ngắt”. Với sự phát triển vượt trội của công nghệ, giờ đây giáo viên có thể dễ dàng biến những mong ước đó thành hiện thực mà không tốn kém. Họ ghi lại bài giảng và phân phối qua mạng để quẳng đi gánh nặng phải “nói cho hết bài giảng” trong những giờ học ít ỏi ở trên lớp, mở rộng không gian lớp học với sự trợ giúp đắc lực của các ứng dụng trên Internet và mạng xã hội. Họ đang thực sự “đảo ngược” những cách dạy học truyền thống bấy lâu nay. Giống như phần lớn trong gần 22.000 nhà giáo thuộc Mạng lưới Học tập Đảo ngược (Flipped Learning Network: http://flippedclassroom.org/) và nhiều nhà giáo khác chưa tham gia mạng lưới này, thầy Đới bắt đầu nghĩ rằng mình không thể dạy học theo một cách nào khác ngoài Dạy học Đảo ngược. Lý do căn bản nhất gây nghiện những nhà giáo như thầy Đới đó là thông qua việc sử dụng khéo léo công nghệ vào lớp học, họ có rất nhiều “đất” để sử dụng nhiều phương pháp học tập hiện đại và tích cực mà trước đây họ chỉ có thể đọc trong sách sư phạm, mà không biết cách nào dùng cho thật tự nhiên và dễ dàng (như các phương pháp học tập tích cực – active learning, học tập cộng tác – collaborative learning, học tập phân hóa – differentiated learning, hay học tập hướng giải quyết vấn đề – problem-based learning… ). Các giảng viên có nhiều thời gian làm việc trực tiếp với sinh viên hơn, giúp họ nhiều hơn trong việc cá nhân hóa học tập. Đối với những giảng viên này, công nghệ thực sự đã nối dài cánh tay, mở rộng không gian và kéo dài thời gian hơn. Họ có thể làm được nhiều việc ý nghĩa hơn trong một thời gian và nguồn lực hạn hẹp.
Nói về ấn tượng của mình khi đảo ngược lớp học, thầy Đới cho biết: “Đến học sinh lười nhất trong lớp cũng học”. Với dạy học đảo ngược, anh có được cảm giác rõ ràng hơn về điều giản dị mà nhà tư tưởng lớn đương đại Noam Chomsky nhắn gửi các nhà giáo: “Trên thực tế toàn bộ phương pháp luận trong giáo dục thực sự không nhiều hơn – bắt người học phải muốn học. Một khi họ muốn học, họ sẽ học.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét