Theo Mặc Lâm RFA – 19/7/2014
Từ nhiều năm qua báo chí thường xuyên nhắc nhở tới cách ứng xử của người dân qua những hành xử thông thường nơi công cộng hoặc các hành động mang tính văn hóa giữa cộng đồng.
Những bài viết này luôn nhận được phản hồi tích cực từ người đọc nhất là nơi bị chỉ trích tuy nhiên sau khi tờ báo được cất hay cũ đi, tất cả mọi thứ trở về với trạng thái cũ, tức là cảnh gấu ó ngoài đường, tranh giành nhau một chỗ đứng, sẵn sàng buông ra lời tục tĩu nếu một người nào đó vô ý đụng chạm tới thân thể hay tài sản của mình. Tất cả những thứ ấy được gói gọn vào bốn chữ văn hóa ứng xử, cụm từ mà trước đây vài chục năm không ai cảm thấy cần phải bàn tới.
Một nếp gấp lớn
Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng một Việt kiều Bỉ không ngạc nhiên khi báo chí đặt vấn đề sự khác nhau trong văn hóa ứng xử giữa Sài Gòn và Hà Nội. Có một nếp gấp rất lớn giữa hai thành phố mặc dù cùng là người Việt như nhau:
“Tôi thấy những nhận xét ấy không sai đâu. Chính bản thân tôi khi về Việt Nam thì tôi cũng có lớp đào tạo tại Hà Nội cũng như trung tâm đào tạo tại Sài Gòn. Hai mươi năm gần đây thường thường mỗi năm tôi về Việt Nam ở Hà Nội thì hai lần mỗi lần ba tuần. Ở Sài Gòn tôi cũng về hai lần mỗi lần một tháng. Quê tôi ở miền Trung nên toàn bộ nước Việt Nam tôi đều không những bước chân tới mà còn hào mình với nhân dân các vùng.
Phải nói rằng cái văn hóa thanh lịch của Tràng An phải thừa nhận rằng tại Hà Nội chính bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên vì không như mình đã tưởng tượng mà nó đã mất đi cái sắc thái chốn kinh kỳ, văn hóa Tràng An của dân tộc Việt nó mất đi bản sắc rất nhiều.”
Lý do tại vì cái văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống bị phai nhạt bởi chính sách, cơ chế của nhà nước nó bài bác nó coi những văn hóa đó là sản phẩm của thời kỳ phong kiến, thời kỳ tiểu tư sản.
-GS Nguyễn Đăng Hưng
Tại miền Nam, nền văn hóa phương Tây đã vào theo cùng với bước chân thực dân Pháp. Cung cách đi đứng, ăn nói cũng như đối xử với người khác dần dần ăn sâu vào tính cách người Việt qua sự chung đụng với nhau trong xã hội. Trẻ em tới trường được thầy cô giáo dạy dỗ trước tiên là sự kính trên nhường dưới rồi sau đó mới tới việc tiếp thu các bài học vỡ lòng. Học sinh được cấy vào tâm hồn trong trắng thứ giáo dục nhân bản và sau nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường, cách ứng xử phải phép đã hình thành một cách tự nhiên trong đời sống hàng ngày và cả xã hội làm theo một cách vô thức. Người miền Nam có cái may mắn ấy và Sài Gòn là nơi bộc lộ tính cách văn minh rõ rệt nhất.
Trong khi đó miền Bắc lại không may mắn như thế. Suốt nhiều năm sống trong chiến tranh, mọi tinh hoa từ thời Pháp để lại đều bị triệt hạ. Mọi cung cách trang nhã đều bị lên án, mọi cử chỉ trịnh trọng được xem là bắt chước bọn sen đầm. Cả xã hội quay cuồng với chủ nghĩa cộng sản vốn thù hằn gay gắt trí thức tiểu tư sản. Giai cấp tiều tư sản chính là thành phần thu nhận văn hóa tây phương một cách triệt để và ảnh hưởng của nền văn hóa ấy đã tạo nên một tầng lớp tinh hoa hay ít nhất cũng đáng được gọi là có văn hóa theo nghĩa rộng nhất.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận xét về điều mà ông gọi là nền văn hóa bị thế chấp:
“Lý do tại vì cái văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống bị phai nhạt bởi chính sách, cơ chế của nhà nước nó bài bác nó coi những văn hóa đó là sản phẩm của thời kỳ phong kiến, thời kỳ tiểu tư sản. Thời kỳ văn hóa du nhập từ Tây phương cho nên họ bài bác và họ lại đem những văn hóa khác để thế chấp. Những văn hóa này hơi thô kệch, giản dị vê những quan niệm ứng xử nó phát xuất từ Trung Quốc và có thề phần nào ở Liên Xô thời trước.”
Nếu các nước trong khu vực tỏ ra ngày một gần hơn với văn hóa ứng xử Tây phương thì Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử lại chọn Trung Quốc và Liên xô cũ để làm điểm tựa. Nếu nhiều ngàn năm sống trong không khí Khổng Mạnh người Việt không hề bị đồng hóa thì chỉ chưa đầy 80 năm sống gần với văn hóa “lợi ích cốt lõi” của người Tàu, không ít người Việt tại miền Bắc đã bị biến dạng. Họ không nói hay viết tiếng Tàu nhưng cách đi lại nói năng hầu như không khác mấy với phim Tàu chiếu thường trực trên các kênh truyền hình lớn nhỏ của miền Bắc.
Cung cách lễ lạc tại miền Bắc bị ảnh hưởng rõ rệt văn hóa mê tín dị đoan du nhập từ Trung Quốc. Những hình thức cúng tế xin xỏ điều lợi lộc được nhà nước công khai cổ vũ, thúc đẩy và tạo cơ hội cho dân chúng tiếp cận mà khai ấn đền Trần hàng năm là một ví dụ.
Phim Tàu, mê tín cũng tràn ngập miền Nam nhưng có lẽ nhờ chút miễn nhiễm từ một nền văn hóa do Pháp để lại, cộng với khí chất sông nước phương Nam đã khiến cho số lớn người dân miễn nhiễm với nền văn hóa ô hợp phương Bắc.
Vào Sài Gòn người ta khó gặp cảnh người ăn xin bị xua đuổi một cách tệ hại như tại Hà Nội. Tại Hà Nội người ta có thể kéo áo nhau giữa đường để đòi nợ nhưng ở Sài Gòn thì con nợ chủ động than thở với chủ nợ và chờ đợi sự cảm thông.
Một gánh rau bán ế có thể được người mua thông cảm tại Sài Gòn nhưng khó mà tìm một cái chắt lưỡi của người Hà Nội. Tất cả những khác biệt khó nhận ra ấy đã hình thành hai nền văn hóa ứng xử trái ngược. Không phải giai cấp xã hội hình thành cách ứng xử ấy mà chính là nền văn hóa ngoại nhập đã xô đẩy người dân vào quỹ đạo của những tật nguyền văn hóa.
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, một Việt kiều sống và làm việc nhiều năm tại Hà Nộ có cơ hội quan sát và sống cùng với người dân thủ đô đưa ra nhận xét của một người gốc gác miền Nam như sau:
“Trong Nam thì đất rộng người thưa, bao nhiêu năm nay cuộc sống rất là thoải mái khác với miền Bắc đất hẹp người đông cho nên việc tranh giành nhau nó có lẽ khác biệt hơn trong Nam.
Ở ngoài Hà Nội thì một cái nhà ngang 3-4 mét bề sâu thì 5-10 mét đó là nhà phố cổ như vậy từ bao nhiêu lâu nay rồi. Trong Nam thì đất rộng hơn nhà thì 5-7 mét chiều ngang, hai ba chục mét chiều sâu… vì vậy cho nên cái không gian trời đất cho mình nó ảnh hưởng không gian trong đầu óc của mình nên nó thoáng hơn.”
Trừng phạt người vi phạm?
Không riêng chốn công cộng mới có chuyện gây gỗ, thóa mạ hay tấn công lẫn nhau mà nơi công sở cũng đầy dẫy hiện trạng bê bối của cách hành xử. Có lẽ do cảm nhận được sự nguy hiểm khi danh tiếng Tràng An bị đánh mất, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã soạn thảo một thông tư có nội dung “khung hệ thống các quy tắc ứng xử tại nơi làm việc, nơi công cộng”
Theo báo Lao Động thì quy tắc này đặt ra các biện pháp trừng phạt người vi phạm nhằm thiết lập dần lối sống chuẩn mực của một xã hội văn minh lịch sự.
Nếu hình thức chỉ xử phạt để dẫn dắt người dân trở về con đường văn minh lịch sự như tờ báo mô tả thì chắc chắn sẽ không tiến tới một kết quả nào dù nhỏ nhất, mà trái lại có thể gây thêm hố chia rẽ giữa người có và người không có văn hóa ứng xử.
Chúng ta cứ ngẫm nghĩ chậm rãi, từ từ chúng ta sẽ thấy nó như thế nào. Đó là hàng chục năm nay chúng ta mơ ước xây dựng thành công con người mới xã hội chủ nghĩa và khủng khiếp thay chúng ta đã thành công.
-Đỗ Trung Quân
Làm sao có thể viết giấy phạt khi một người không biết nói cám ơn? Mặc dù ai cũng biết hai tiếng cám ơn và xin lỗi là căn bản nhất cho bất cứ nền văn hóa nào trong cung cách ứng xử, thế nhưng muốn cả xã hội ý thức được điều ấy thì không một sự trừng phạt nào có thể được chấp nhận ngoại trừ giáo dục người dân ý thức và thực hành nó trong trạng thái phản xạ bình thường.
Xử phạt người không nói cảm ơn là vi phạm hiến pháp bởi không một luật lệ nào dù của một bộ lạc sơ khai lại mang một người không hề vi phạm pháp luật ra để mà xử phạt. Cám ơn hay không cám ơn không hình thành bộ mặt văn hóa, nó chỉ là một góc của toàn cảnh và thiếu nó trong một bối cảnh nào đó người ta chỉ có thể cảm thấy bị xúc phạm một cách lặng lẽ chứ không bao giờ gây ra hậu quả nào có hại cho cộng đồng.
Cũng giống như câu chuyện bún mắng cháo chửi chỉ xảy ra tại Hà Nội. Người mua hàng không cần biết tự trọng khi chấp nhận thái độ khinh người của chủ quán để ăn một bát bún có thể ngon hơn nơi khác nhưng sự mất mát sau bát bún ấy không ai có thể tính toán một cách chính xác nó như thế nào.
Những ngôn từ thô lỗ có làm cho khách cảm thấy bị sỉ nhục hay không chính là thước đo lòng tự trọng của họ. Khi lòng tự trọng bị đánh đổi chỉ với một bát bún thì nhân phẩm của người ngồi nghe chửi để được ăn ấy chắc không hơn giá trị một bát bún 20 ngàn tiền Việt Nam.
Văn hóa ứng xử đến từ nhân cách của mỗi con người trong tập thể xã hội. Nỗ lực cải cách nhân cách bằng hình thức xử phạt chỉ nói lên sự bất lực lớn lao của nền giáo dục và chính sách gìn giữ bảo tồn văn hóa của nhà nước. Nếu xét kỹ từng sự kiện rời rạc thì sẽ không khó để nhận ra rằng chính những cán bộ trong hệ thống cầm quyền lại là những cá nhân cần điều chỉnh lại nhân cách nhất.
Những yếu tố khiến dân chúng vô tình bị ảnh hưởng đó là cung cách sống, phát ngôn, hành xử và ban bố luật pháp tùy tiện của cán bộ cao cấp của hai thành phố.
Nếu Sài Gòn ít bị than phiền về thói xấu có tính hệ thống ấy thì Hà Nội lại dày đặc các mẩu tin về phát ngôn trái khoáy khiến dân chúng lâu dần không cảm thấy lạ lùng nữa. Đã không lạ lùng mà còn được xem là bình thường và từ đó ăn sâu vào tiềm thức hình thành nên thói quen xem thường người khác như quan cán bộ xem thường dân chúng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tầng lớp di dân vào thành phố đã biến dạng văn hóa ứng xử của người dân thủ đô. Thật ra di dân các tỉnh kéo về Sài Gòn đông hơn Hà Nội vậy mà nó vẫn dung chứa và sống cùng với những con người khốn khổ ấy gây mối tương quan xã hội trên cách hành xử đậm tình người hơn cách mà người dân Hà Nội đã làm.
Người ta còn nhớ câu chuyện cướp hoa của người dân Hà Nội chung quanh Hồ Gươm vào đầu năm nay. Trong khi người dân Sài Gòn hằng năm vẫn tổ chức những chợ hoa khổng lồ mà không hề xảy ra sự đáng tiếc nào thì tại Hà Nội người dân hành xử hoàn toàn khác hẳn. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ điều mà theo ông cốt lõi vấn đề bắt đầu từ sự kiện cải cách ruộng đất:
“Ngay cả ông Tô Hoài cũng đã viết rất nhiều sách về cái cảnh con tố cha vợ tố chồng thời kỳ cải cách ruộng đất. Đây là điều làm suy sụp văn hóa truyền thống. Cái văn hóa dở hơi này nó xuất hiện rất sớm ở miền Bắc và ở miền Nam sau năm 75 cho nên cái bề dày ảnh hưởng văn hóa ở miền Bắc nó nặng nề hơn miền Bắc tệ hơn miền Nam về vấn đề thanh lịch, lễ phép và lịch sự.
Bằng chứng là ở Sài Gòn này chợ hoa Nguyễn Huệ đã có từ trước năm 75 rồi sau này sau năm 75 mỗi năm đều có chợ hoa. Chợ hoa được dân chúng thưởng lãm trân trọng tron ba ngày tết không có vấn đề gì. Trong khi đó ở Hà Nội có một lần tổ chức chợ hoa, nhập vê một số hoa anh đào của Nhật thì bị người dân Hà thành tới khuân về, chỉ một đêm là không còn cái hoa nào cả.
Đó mới thấy sự tôn trọng thẩm mỹ, tôn trọng thủ công tôn trọng nền văn hóa không được thấm nhuần nữa. Người ta muốn chiếm đoạt, người ta muốn đem về cho mình. Cái văn hóa kiểu ấy nó đã xuất hiện rất lâu tại miền Bắc và còn tác hại cho tới bây giờ.”
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đưa ra một ý tưởng lý thú mà ông cho rằng gói gọn trong một câu chuyện có vẻ tiếu lâm nhưng hoàn toàn có thể áp dụng cho xã hội ngày nay khi mà nhà nước muốn đào tạo những tầng lớp thanh niên hoàn toàn tránh xa chuẩn mực của văn hóa ứng xử:
“Tôi chỉ xin tổng kết bằng một câu, có thể rất hài hước nhưng hoàn toàn chính xác. Chúng ta cứ ngẫm nghĩ chậm rãi, từ từ chúng ta sẽ thấy nó như thế nào. Đó là hàng chục năm nay chúng ta mơ ước xây dựng thành công con người mới xã hội chủ nghĩa và khủng khiếp thay chúng ta đã thành công. Một câu nói hài hước có vẻ chỉ là đùa chơi thôi nhưng nó cho thấy toàn bộ câu hỏi của anh, và đó cũng là câu trả lời của tôi thưa anh.”
Dĩ nhiên không phải ai sống tại Hà Nội cũng đều thiếu văn hóa ứng xử hay tại Sài Gòn thì sẽ thành hòn ngọc Viễn Đông nhưng câu nói “con sâu làm rầu nồi canh” vẫn làm cho cả nước xót xa cho một nền văn hóa không đáng bị xem thường như thế.
Nền văn hóa ứng xử thiếu xương sống ấy vẫn đang lan rộng trong từng giai tầng Việt Nam. Nó như căn bệnh hoại thư, không thể chữa lành nếu người bệnh không cảm giác bị đau đớn nơi vết thương trên cơ thể của họ.
Cắt bỏ một ung nhọt là việc làm quá dễ trong khi không cho ung nhọt xuất hiện cần một nỗ lực hàng trăm năm, nhất là ung nhọt của một nền văn hóa còi cọc và chấp vá bởi nhiều nền văn hóa khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét