Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

“Kinh tế ngầm”

Sai lệch về số liệu thống kê cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014 lên đến 20 tỷ USD mới đây làm nóng nghị trường Quốc hội chưa kịp lắng xuống thì sự khác biệt về số liệu thống kê số hộ kinh doanh cá thể của các cơ quan chức năng cũng đang làm xôn xao dư luận. Những con số và kết quả của các nghiên cứu mới đây cho thấy có một loại hình  “kinh tế ngầm” đang vận hành ngày càng mạnh mẽ. Và nếu như không có giải pháp kịp thời thì nền kinh tế quốc gia sẽ phải đối mặt với các hệ lụy khó lường.

Câu chuyện về chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2014 mới đây đã làm nóng nghị trường Quốc hội và làm xôn xao dư luận. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng Cục Thống Kê Việt Nam và Viện Nghiên cứu của tập đoàn HKTDC Hồng Kông, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 14.93 tỷ USD (số liệu của Việt Nam); 19,9 tỷ USD (số liệu của Trung Quốc), chênh lệch 4,97 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 43,71 tỷ USD (số liệu của Việt Nam); 63,736 tỷ USD (số liệu của Trung Quốc), chênh lệch 20,026 tỷ USD. Mặc dù sự chênh lệch về số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước giao thương luôn là “chuyện thường ngày” của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Song số liệu thống kê chênh lệch năm 2014 giữa Việt Nam và Trung Quốc trong xuất nhập khẩu đột nhiên vụt lên cao tới mức không còn bình thường. Trong suốt giai đoạn 2001-2012, số liệu về cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn rất khác nhau với mức công bố cao hơn luôn thuộc về phía Trung Quốc. Cao nhất là hai năm 2010 (3,6 tỷ USD), và năm  2011 (4,7 tỷ USD). Tuy nhiên, số liệu năm 2014 chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước lên đến 20 tỷ USD, theo các chuyên gia là hiện tượng bất thường cần phải có sự lý giải.

Nhiều kịch bản đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm giải thích nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt các con số thống kê cán cân thương mại của hai quốc gia nói trên. Trong đó đáng chú ý nhất là hai nguyên nhân chính: thương mại tiểu ngạch và buôn lậu. Tổng cục Thống kê Việt Nam mới đây cũng thừa nhận chênh lệch thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014 có nguyên nhân từ “hoạt động kinh tế ngầm” và gian lận thương mại. Theo Tổng cục Thống kê, sự chênh lệch số liệu nói trên do hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Phía Trung Quốc kiểm soát tốt họat động này nên hàng hóa được tính khá đầy đủ trong xuất khẩu của họ. Trong khi Việt Nam không kiểm soát được nguồn hàng nhập lậu này vì thế không thống kê được đầy đủ con số nhập khẩu. Mặt khác, số liệu khác nhau còn có nguyên nhân từ gian lận thương mại, khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu (đặc biệt với hàng chịu thuế) đã thông đồng với doanh nghiệp đối tác khai giá rẻ hơn giá trị thật để hưởng mức thuế thấp. Trong khi, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể khai trị giá xuất khẩu cao để hưởng thuế khấu trừ lớn. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận chắc chắn Việt Nam có “kinh tế ngầm”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Duy Nghĩa cho rằng, nếu quả thực con số chênh lệch 20 tỷ USD từ thống kê thương mại năm 2014 giữa hai nước như trên, thì mức nhập khẩu “bổ sung” từ Trung Quốc này gần bằng con số mà Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ (22,3 tỷ USD), hơn xuất siêu sang EU (18,9 USD) trong năm 2014. Và để cân đối được con số nhập siêu “bổ sung” này thì Việt Nam phải đánh đổi gần như là toàn bộ hàng hóa nông sản xuất khẩu trong năm 2014 như gạo, cà phê, cao su, tôm ngon, cá chọn… (22,2 tỷ USD). Ông Nghĩa nhấn mạnh, nếu con số chênh lệch 20 tỷ USD là sự thật thì Việt Nam sẽ càng chìm đắm trong nhập siêu với Trung Quốc, rất nguy hại. Song nếu cho rằng con số này không đúng mà không rà soát lại mình từ phương pháp thống kê, đến công tác chống buôn lậu, cứ theo báo cáo của mình và bình chân như vại thì còn nguy hại hơn.

Câu chuyện chênh lệch “khủng” số liệu thống kê cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc còn chưa lắng xuống thì mới đây con số chênh lệch không nhỏ về số lượng hộ kinh doanh cá thể trong nước giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê lại bùng lên. Theo Tổng cục Thuế, tổng thu từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh chỉ vào khoảng 12.362 tỉ đồng trong năm 2014. Ngành thuế đã cấp mã số thuế cho 3,018 triệu hộ kinh doanh, trong đó số hộ kinh doanh đang hoạt động là 1,612 triệu hộ, còn lại là các hộ kinh doanh được cấp mã số thuế nhưng không hoạt động kinh doanh. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với 4,6 triệu hộ, theo Tổng cục Thống kê. Chênh lệch giữa hai con số của hai đơn vị chức năng Việt Nam lên đến 3 triệu hộ kinh doanh, không phải là con số nhỏ. Cũng theo Tổng cục Thống kê, số hộ kinh doanh gia đình trong cả nước đang đóng góp tới 33% GDP cho Việt Nam. Thế nhưng theo Tổng cục Thuế, toàn bộ các hộ kinh doanh gia đình này chỉ đóng góp vỏn vẹn có 2% cho tổng thu ngân sách nhà nước qua thuế.

Một nghiên cứu của tổ chức CECODES do TS. Đặng Hoàng Giang chủ trì, thực hiện một khảo sát với 500 doanh nghiệp gia đình cho thấy những kết quả đáng lo ngại. Theo đó, với thuế môn bài, loại thuế dựa vào doanh thu, từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, có tới 30% hộ kinh doanh khai doanh thu thấp đi để hưởng mức thuế thấp hơn. Có 6% số hộ thừa nhận hối lộ để trả mức thuế thấp hơn. Với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (từ 0,5-5% doanh thu hàng năm), 14% số hộ thừa nhận hối lộ để có mức thuế thấp hơn. Có tới 63% số hộ khẳng định “luôn xảy ra” khi được hỏi cảm nhận về mức độ thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế. Nếu nhận được lời đề nghị hai bên cùng bắt tay để cùng có lợi thì một nửa số hộ sẵn sàng chấp nhận, nếu cái giá phải trả hợp lý. Chỉ ra những phát hiện trong báo cáo, ông Giang nói: “Mức độ thỏa thuận ngầm lớn. Chúng tôi không có bức tranh rõ ràng, ai là thủ phạm, ai là nạn nhân. Hộ kinh doanh cũng là thủ phạm vì cùng trốn thuế. Vì thế, thiệt thòi là của chung xã hội”.

Rõ ràng, nếu không ngăn chận được “kinh tế ngầm” xuyên biên giới lẫn “những thỏa thuận ngầm” trong nước thì thiệt hại cho xã hội sẽ là không thể lường hết được.

Hữu Nguyên




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét