Dư
luận bức xúc khi biết ngân sách phải bỏ ra 7,2 tỷ đồng để bồi
thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Bởi theo lý lẽ công bằng của
người dân, ai gây ra oan sai thì Nhà nước phải buộc người đó đền bù.
Nếu lấy tiền từ ngân sách, tức là tiền thuế của dân, có nghĩa là
chính nhân dân lại phải gánh chịu hậu quả do những cán bộ làm sai
gây ra. Bồi thường thật ra cũng chỉ là xoa dịu phần nào nỗi đau mà
người bị oan sai thiệt hại, trong khi những người làm ra oan sai lại
viện đủ lý do để không phải gánh chịu bất kỳ trách nhiệm nào thì
quả là quá bất công.
Sự bức xúc của dư
luận trong trường hợp nói trên và tương tự có thể hiểu được từ góc
độ tâm lý và tình cảm. Song, nếu xét từ góc độ pháp lý thì mọi
hành xử trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Công dân trong xã hội
pháp quyền buộc phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện
hành. Số tiền 7,2 tỷ đồng mà ngân sách phải chi ra để bồi thường
thiệt hại do oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn nói trên là theo quy
định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN). Nếu
muốn buộc các cán bộ, công chức đã trực tiếp làm nên oan sai của ông
Chấn phải bỏ tiền túi của họ ra bồi thường thì phải chứng minh lỗi
cố ý gây oan sai của họ khi thi hành công vụ. Yêu cầu đó hiện nay cơ
quan chức năng chưa làm được, trong trường hợp này.
Theo các chuyên gia,
giữa lỗi cố ý và vô ý trong tố tụng rất khó phân biệt, bởi vì
người ta luôn đổ cho năng lực hạn chế. Năng lực hạn chế hay do thiếu
trách nhiệm, do cố ý là rất khó chứng minh được trừ khi có bằng chứng
quả tang. Nhưng cũng theo quy định của Luật TNBTCNN, cho dù có chứng
minh được lỗi cố ý của cán bộ, công chức thi hành công vụ đi nữa
thì mức độ bồi hoàn thiệt hại vật chất
của công chức cũng chỉ rất nhỏ, không đáng kể so với thiệt
hại thực tế mà người bị oan sai gánh chịu và Nhà nước có trách
nhiệm phải bồi thường. Điều quan trọng ở đây chính sự lỏng lẻo của cơ chế
đã làm án oan ngày càng nhiều hơn. Người thi hành công vụ không xem trách nhiệm
bồi thường là một nghĩa vụ mà mình phải gánh vác, cho nên khi thi hành công vụ
họ đã không cẩn trọng, thậm chí biết là sai vẫn làm. Có thể nói, ví dụ
trên là một trong rất nhiều bất cập của Luật TNBTCNN năm 2009, khiến
cho các mục tiêu tốt đẹp khi ban hành luật này hiện vẫn chưa đạt yêu
cầu sau hơn 5 năm đi vào cuộc sống.
Bình quân mỗi năm
chỉ có khoảng trên dưới một trăm
vụ việc yêu cầu bồi thường trong cả nước, cho tất cả các lĩnh vực.
Con số này rõ ràng chưa phản ánh đúng thực trạng đời sống hiện còn
khá nhiều tiếng kêu oan ức của người dân.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Tố Hằng – Phó cục trưởng Cục Bồi
thường nhà nước (Bộ Tư pháp) – tính đến hết tháng 3/2015, sau hơn 5
năm thi hành Luật TNBTCNN, cơ quan nhà nước các cấp đã thụ lý 366 vụ
việc. Trong đó, giải quyết xong là 247 vụ việc (67%). Tổng số tiền
giải quyết bồi thường trên 65 tỷ đồng. Trong khi đó, việc xem xét
trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức thực hiện được 19 vụ
việc trong lĩnh vực quản lý hành
chính và thi hành án dân sự, với tổng số tiền trên 700 triệu đồng.
Kết quả này cho thấy, so với các vụ việc Nhà nước đã chi trả tiền
bồi thường, việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công
chức làm sai đạt tỷ lệ rất thấp.
Đáng lưu ý trong lĩnh vực tố tụng hình sự cho tới nay chưa có
vụ việc nào người làm sai phải hoàn trả, trong khi chính lĩnh vực
này lại phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất.
Cũng theo nhận định
của bà Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), hoạt
động phổ biến, tuyên truyên Luật
TNBTCNN chưa được tổ chức triển khai đầy đủ và toàn diện đến mọi
đối tượng trong toàn xã hội mà đặc biệt là quần chúng nhân dân và các
tổ chức xã hội. Thậm chí tại một số địa
phương do chưa hiểu đúng đắn về các quy định cũng như chưa nắm bắt
được những tinh thần đổi mới của Luật TNBTCNN so với các văn bản quy
phạm pháp luật trước đây nên phát sinh tâm lý e ngại và cho rằng nếu
tuyên truyền, phổ biến luật này đến người dân thì sẽ làm phát sinh
nhiều khiếu kiện yêu cầu bồi thường. Hệ quả của tình trạng này là
đến nay vẫn còn một bộ phận lớn người dân không biết đến Luật
TNBTCNN để thực hiện yêu cầu bồi thường của mình, hoặc đến khi biết
đến luật và thực hiện quyền của mình thì đã hết thời hiệu yêu cầu
mà luật quy định.
Theo các chuyên gia,
bản thân Luật TNBTCNN hiện hành cũng đang có nhiều nội dung bất cập,
gây khó khăn cho dân khi vận dụng trong thực tế. Để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, luật quy định cá nhân, tổ chức bị
thiệt hại trước tiên phải thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của
người thi hành công vụ. Chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền có văn bản giải quyết
khiếu nại kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mới có đủ
điều kiện tiến hành các thủ tục yêu cầu bồi thường. Công chức khi thi hành công
vụ rất ít trường hợp tự nhận mình sai, việc chứng minh hành vi trái pháp luật
của công chức trong khi thi hành công vụ gây ra thiệt hại là vấn đề khó khăn.
Bởi cơ quan, công chức nhà nước là những chủ thể thực thi quyền lực nhà nước,
có xu hướng và điều kiện che giấu, hợp pháp hoá những việc làm sai trái (nếu có)
của mình. Thậm chí, còn có thể liên kết, bảo vệ lẫn nhau hoặc đổ lỗi cho nhau
và không ai chịu nhận là phải có trách nhiệm bồi thường. Thực tiễn cho thấy
nhiều vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận là có sai sót gây
thiệt hại nhưng những chủ thể phải bồi thường cũng tìm cách dây dưa, kéo dài
không muốn thi hành quyết định bồi thường trên thực tế.
Theo ông
Nguyễn Đình Quyền – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - thời gian qua việc bồi thường thiệt
hại là quá chậm. Bởi luật quy định giao cho chính những người làm oan đi bồi
thường mà tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai là cố tình dây
dưa, trì hoãn gây khó khăn. Điều đó cho thấy đã đến lúc phải thay đổi mô hình bồi
thường oan sai, giao cho một cơ quan làm công khai minh bạch hơn. Để giải quyết bất cập này, các chuyên gia đề nghị nghiên cứu, thực hiện
theo hướng giao cho một cơ quan làm đầu mối tiếp nhận và thay mặt Nhà nước giải
quyết bồi thường cho tổ chức, công dân bị thiệt hại. Khi thay mặt Nhà nước giải
quyết, cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện giải quyết bồi thường sẽ phối hợp
với cơ quan quản lý người thi hành công vụ để giải quyết. Cần phải tạo ra cơ chế cán bộ, cơ quan
nhà nước làm sai gây thiệt hại cho dân thì Nhà nước phải chủ động
thiết lập cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm xem xét, giúp đỡ ngừoi
dân trong quá trình yêu cầu bồi thường. Nói một cách dân gian, “ông
làm oan sai cho người ta thì ông phải chủ động giải quyết bồi thường
chứ không thể ngồi đó rồi đòi hỏi người dân phải chạy vạy, cung cấp
đầy đủ giấy tờ rồi mới xử lý. Đó là ông quan liêu, cửa quyền. Đừng
vô tình vô cảm với những nỗi đau của dân!”, như ông Vũ Đức Khiển –
nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (khóa X) – từng phát biểu.
Hữu Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét