Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Nghĩ lại: huyền thoại và thiển cận về Biển Đông

Tác giả: Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm)
Dịch giả: Huỳnh Phan
16-10-2015
H1

Khi thế giới tập trung sự chú ý vào Biển Đông, nhiều huyền thoại về vấn đề này cũng sinh sôi nảy nở. Một số huyền thoại tồn tại là do chúng ta không đủ tri thức. Nhưng nhiều huyền thoại khác vẫn còn hiện ra là do chúng ta dùng sai kính khi nhìn sự vật. Câu hỏi hóc búa về Biển Đông là một câu chuyện đầy thách thức để giải mã bởi vì hầu hết các kính thông thường mà chúng ta sử dụng không giúp chúng ta nhìn ra được bản chất của câu chuyện này.
Chẳng hạn, suy nghĩ theo cách nhìn đối lập trắng đen là một cách hữu ích để đơn giản hóa và làm nổi bật sự vật lên, nhưng tròng kính này trở nên vô dụng để nhìn thấy những gì xảy ra ở Biển Đông, bởi vì sự vật ở đó chủ yếu xảy ra trong các vùng xám. Một cách tốt khác để hiểu các hoạt động của con người là nghĩ về chúng như việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên. Phần lớn những gì mà các nước làm là một cuộc tranh giành về tài nguyên, nhưng nếu chúng ta chú tâm vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì chúng ta sẽ đánh mất một nguồn chủ chốt ở Biển Đông: địa điểm.
Chúng ta thường dùng ván cờ như một cách ví von cho trò chơi mà các nước tiến hành, và bàn cờ là hình ảnh phổ biến về chỗ mà các nước tác động qua lại. Nhưng cách ví von này sẽ không giúp chúng ta hiểu được Trung Quốc đang bày trò chơi gì. Như David Lai và Henry Kissinger quan sát, chiến lược của Trung Quốc không giống như một cuộc cờ thường mà là một cuộc cờ khác của Trung Quốc có tên là weiqi (围棋/vi kỳ: dịch theo nghĩa đen là “cờ vây” [game of encirclement] và được biết đến trong tiếng Anh qua tên tiếng Nhật là “go”). Ý tưởng cơ bản của weiqi giống như ý tưởng trong Binh pháp của Tôn Tử. Thay vì tập trung vào các trận đánh trực diện với kẻ thù, ý tưởng là vận dụng các xu hướng của sự vật để xoay chuyển tình hình có lợi cho mình. Như tôi đã trình bày trong National Interest, những gì Trung Quốc đã và đang làm ở Biển Đông là một ví dụ điển hình của việc chơi weiqi một cách thiện nghệ như thế nào.
Trong một bài báo gần đây, Lyle Goldstein đã thực hiện công việc đáng khen trong việc vạch trần một số huyền thoại phổ biến về Biển Đông. Ông cũng mời các nhà hiện thực, đồng chí hướng, tham gia thảo luận. Với tư cách là một người quan sát Biển Đông và bản thân cũng là một người hiện thực, tôi rất vui lòng nhận lời mời của ông. Tôi sẽ trình bày một cái nhìn hiện thực khác, nhưng mục đích của tôi không phải là tạo ra một sự khác biệt. Điều tôi muốn là để hiểu cái gì đang thực sự xảy ra và những tác động của nó đối với chiến lược.
Bãi cạn Scarborough
Goldstein bác bỏ ý tưởng rằng “Chính quyền Obama đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong vụ Bãi cạn Scarborough hồi mùa xuân năm 2012, giúp hành động ‘gây hấn’ của Trung Quốc tiến xa hơn nữa”. Tuy nhiên, lời chỉ trích của ông chệch xa mục tiêu thực sự, và qua đó phát tán hai huyền thoại khác. Huyền thoại thứ nhất là tình huống chỉ hai mặt đen trắng, trong đó chiến tranh là lựa chọn duy nhất cho những gì mà chính quyền Obama đã làm. Điều đó có thể có chỗ đúng, như đã được tường thuật rộng rãi, rằng chính phủ Philippines đã tìm kiếm sự hậu thuẫn quân sự của Washington theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines. Nhưng điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ chỉ có hai lựa chọn: tiến hành chiến tranh để bảo vệ đồng minh hoặc giữ thế trung lập trong cuộc xung đột. Như Bonnie Glaser bình luận trên twitter, “Mỹ có các lựa chọn khác hơn là đi đến chiến tranh đối với vụ Bãi cạn Scarborough. Việc không hành động của Mỹ đã gây nhiều hậu quả”. Mục tiêu đã nêu trong những lời chỉ trích của Goldstein, bài báo của Ely Ratner có tiêu đề “Learning the Lessons of Scarborough Reef” (Học các bài học kinh nghiệm về Bãi cạn Scarborough) cũng vạch rõ rằng “mối đe dọa về một cuộc xung đột quy mô lớn là xa vời. Thay vào đó, sự bất ổn định trong khu vực có nhiều khả năng xuất phát từ các tranh chấp và cạnh tranh xảy ra ở một vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình”.
Sai lầm lớn nhất mà chính quyền Obama phạm phải trong việc xử lý bế tắc Scarborough là việc họ chấp nhận vai trò làm một nhà trung gian trung thực. Đây là một vai trò cao cả, nhưng Washington định vị sai về cấu trúc khi giữ vai trò đó. Sự chênh lệch lớn về khả năng giữa Trung Quốc và Philippines có nghĩa là qua việc hành xử như một nhà trung gian trung thực, Washington tiếp tay cho Trung Quốc và tiếp tục cô lập Philippines. Quả vậy, Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối đàm phán với Manila và dùng Hoa Kỳ gây sức ép để buộc Philippines lùi bước. Sự chênh lệch về tin cây (Manila tin người trung gian nhiều hơn Bắc Kinh) cũng có hậu quả. Manila dường như diễn giải thỏa thuận đạt được qua môi giới của Washington (và một thượng nghị sĩ Philippines cấp thấp tên Antonio Trillanes) như là hai bên cùng bỏ trống khu vực, nhưng trên thực tế Bắc Kinh chỉ dời một số tàu đi trong khi vẫn duy trì kiểm soát việc ra vào khu vực này.
Huyền thoại thứ hai mà Goldstein ôm ấp là giá trị của Scarborough Shoal nằm ở tài nguyên biển của khu vực xung quanh. Nếu chỉ vì dầu và cá ở đó thì một nước lớn như Trung Quốc đã không đánh liều quan hệ ngoại giao và uy tín quốc tế của mình như thế. Thay vì các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cái đáng giá cho công sức của Bắc Kinh bỏ ra để chiếm giữ rạn san hô này là vị trí của nó. Nằm gần các tuyến đường vận chuyển chính nối eo biển Malacca ở phía nam với eo biển Đài Loan và Luzon ở phía bắc, Bãi cạn Scarborough là nơi lý tưởng để từ đó quan sát và tuần tra khu vực phía đông của vùng trung tâm Biển Đông. Mặc dù rạn san hô này chủ yếu là ngập nước với chỉ một vài mỏm đá nhỏ trên mặt nước khi triều cao, nó có tiềm năng để bồi đắp lên thành một đảo nhân tạo gấp hai lần kích thước Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Cho đến nay có thể Trung Quốc chưa xây dựng bất kỳ cấu trúc nào trên Scarborough, nhưng đó không phải là lý do để nghĩ rằng một đảo nhân tạo ở đó là một ý tưởng hảo huyền. Suy cho cùng, vào năm 1995 khi Trung Quốc bắt đầu chiếm Đá Vành Khăn, có ai nghĩ rằng 20 năm sau rạn san hô ngập nước này sẽ biến thành một đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa với diện tích bề mặt gần 1.400 acre (mẫu Anh)?
Xây đắp đảo
Một “huyền thoại” khác bị Goldstein chỉ trích là “những dự án xây dựng của Trung Quốc ở Trường Sa lập ra các ‘căn cứ’ mới, đủ rộng để làm thay đổi cán cân cân quyền lực trong khu vực”. Ông lập luận rằng, các đảo nhân tạo ở đó rất dễ bị tấn công trong thời chiến và do đó chỉ có thể là các “tiền đồn mang tính biểu tượng thôi”. Tôi đồng ý với phần đầu của lập luận này, nhưng không đồng ý ở phần sau.
Tiền đồn của Trung Quốc ở giữa đại dương có thể không phải dễ bị làm tổn hại như một số người suy nghĩ. Nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc có thể tuyên bố rằng họ không có sự phân biệt giữa một cuộc tấn công vào các đảo này và một cuộc tấn công trên đất liền. Điều này sẽ làm cho tất cả mọi người phải suy nghĩ thêm nữa, trước khi tung ra một cuộc tấn công vào các đảo. Tuy nhiên, như tôi đã lưu ý trên National Interest  và chỗ khác, Trung Quốc không chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực khi xây đấp các đảo và các cơ sở trong quần đảo Trường Sa. Chiến lược tổng thể của họ ở Biển Đông theo câu châm ngôn của Tôn Tử “bất chiến tự nhiên thành”. Những đảo nhân tạo này có thể biến thành các điểm điều khiển mạnh, các trung tâm hậu cần lớn, và các căn cứ triển khai sức mạnh có hiệu quả trong thời bình và trong vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình.
Do vị trí chiến lược và năng lực hậu cần của chúng, các đảo trong tay của Trung Quốc sẽ là những căn cứ lớn mà từ đó vô số tàu thuyền đánh cá, tàu thực thi pháp luật, tàu chiến và máy bay có thể khống chế các vùng biển và bầu trời Biển Đông. Hiện giờ, mục tiêu của Bắc Kinh dường như là giành uy thế tối cao về hải quân và không quân những khi không có sự dính dáng về quân sự của Hoa Kỳ. Khả năng Việt Nam tấn công các tiền đồn của Trung Quốc là hết sức hạn chế, do dễ bị Trung Quốc trả đũa dọc theo tuyến biên giới dài 1450 km trên bộ. Bốn sân bay ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể sẽ nâng thêm khoảng từ 30 tới 40 số lượng máy bay thế hệ thứ tư mà Trung Quốc có thể hoạt động cùng một lúc ở Biển Đông. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc đạt được ưu thế trên không đối với Việt Nam và Malaysia, hai nuớc có lực lượng không quân lớn nhất trong số các đối thủ Đông Nam Á. Việt Nam có được một bờ biển dài dọc theo Biển Đông nhưng cả nước chỉ có 35 máy bay thế hệ thứ tư. Malaysia nằm xa về phía nam và cả nước có không quá 44 bốn máy bay thế hệ thứ tư. Mặc dù khí tài quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông sẽ rất dễ bị tổn hại trong thời chiến, chúng có thể rất hữu ích cho tuần tra thời bình và dọa nạt về tâm lý.
Cụm từ phổ biến “bồi tạo đất” (land reclamation) không chuyển tải hết bản chất các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông. Những gì Bắc Kinh đang làm ở quần đảo Trường Sa không chỉ đơn thuần là bồi đắp đất mà còn thay đổi địa lý. Ian Storey đã gọi nó là “hình thành đất” (terraforming). Carl Thayer lập luận rằng đó không phải là bồi đắp đất mà “thực hành trung tâm hàng hải ở Đông Nam Á. Cán cân quyền lực trong khu vực có thể không thay đổi quá nhiều, nhưng địa lý khu vực đang bị chuyển đổi. Và địa lý mới sẽ cho phép Trung Quốc đảo lộn sự cân bằng trong khu vực.
Hậu thuẫn các đồng minh và đối tác
Tôi đồng ý với Goldstein (và nhiều người khác) rằng sự ủng hộ của Washington đối với các bên Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ tạo động lực để họ cuơng quyết và mạnh mẽ hơn. Nhưng tôi không đồng ý với kết luận rằng tốt hơn Hoa Kỳ nên rút tay ra khỏi Biển Đông.
Thứ nhất, khuyến khích đến từ sự ủng hộ của Washington chỉ là một trong nhiều loại khuyến khích và gàn cản mà các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc. Một điều cản trở rất lớn là sự chênh lệch không thể vượt qua về khả năng vốn đặt Trung Quốc vào một vị thế vô cùng thuận lợi so với các nước Đông Nam Á. Nếu không có sự ủng hộ của Washington, Philippines – trang bị kém về quân sự và gắn bó lỏng lẻo về chính trị – sẽ dễ dàng chịu thua trước sự khống chế của Trung Quốc, điều đó cuối cùng đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng Scarborough.
Thứ hai, nguy cơ của một cuộc xung đột trực tiếp giữa Washington và Bắc Kinh là có thật ngay cả khi không có sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng; nằm sâu dưới bề mặt là một cuộc cạnh tranh có tính chiến lược hơn giành uy thế tối cao ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai đối thủ chính trong cuộc cạnh tranh này, mặc dù các quốc gia khác như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ cũng có vai trò quan trọng.
Không có sự hiện diện thường trực ở Biển Đông và với căn cứ ở xa xôi tận quê nhà, Hoa Kỳ phải dựa vào Việt Nam, Philippines và ở một mức độ thấp hơn vào Malaysia để giữ cán cân bằng quyền lực trong khu vực không lệch quá xa về phía Trung Quốc. Về mặt này, lợi ích của Mỹ và Đông Nam Á là bổ sung cho nhau chứ không phải mâu thuẫn nhau. Giúp các đồng minh và đối tác cũng là một cách kinh tế để phục vụ lợi ích của Mỹ trong khu vực. Đối với việc Mỹ trợ giúp các đồng minh và đối tác của mình ở Biển Đông, câu hỏi thực sự ở đây không phải có nên hay không mà là giúp như thế nào. Có nhiều lựa chọn để xem xét trong việc trả lời câu hỏi này, và một cuộc xung đột trực tiếp Trung-Mỹ là một nguy cơ phải ngăn ngừa, chứ không phải là một hệ quả logic của sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong xung đột với Trung Quốc.
Tự do hàng hải và lãnh đạo khu vực
Nhưng tại sao Hoa Kỳ phải tranh giành vị thế đứng đầu ở Tây Thái Bình Dương? Câu trả lời gần như chuẩn là nước Mỹ có lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải và vị thế đứng đầu về quân sự của Mỹ tại các vùng biển này là sự bảo đảm tốt nhất cho điều đó. Tôi nghĩ rằng câu trả lời này có sai sót, nhưng không phải vì những lý do do Goldstein đưa ra. Thứ nhất, mặc dù Hoa Kỳ có lợi ích quan trọng ở Biển Đông, tự do hàng hải không phải là từ ngữ tốt nhất dùng cho lợi ích này. Thứ hai, có một lý do khác để cho Hoa Kỳ tranh giành vị thế đứng đầu ở Tây Thái Bình Dương. Cho tôi đuợc giải thích.
Thuật ngữ “tự do hàng hải” là một lựa chọn không tồi về từ ngữ. Ý nghĩa của nó thay đổi tùy theo ta đứng ở vị trí pháp lý hoặc các quan điểm quốc gia nào. Cái đuợc mất ở đây không phải là quá nhiều về quyền tự do hàng hải như là một tình hình thực tế mà là quyền truy cập tự do tới các vùng biển và bầu trời ở khu vực đông đúc này. Có một sự khác biệt cốt yếu giữa các cam kết của Trung Quốc và Mỹ đối với “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông. Sự khác biệt này xuất phát từ thực tế cơ bản rằng trong khi Hoa Kỳ đề cao khái niệm các vùng biển chung của toàn cầu (golobal commons), còn Trung Quốc lại trân quý ý tưởng về “đường chín đoạn”. Với ý tưởng này, Bắc Kinh coi khu vực được chỉ ra bởi “đường chín đoạn” là một cái gì đó giống như một địa hạt có chủ quyền mà họ đã đánh mất vào tay người khác và họ có quyền lấy lại. Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể có chung quan điểm khi nói đến tự do hàng hải tại hầu hết các vùng biển trên trái đất, nhưng Biển Đông là một trường hợp đặc biệt vì có “đường chín đoạn”. Trong khi Washington thừa nhận quyền của mọi người, kể cả của kẻ thù của mình, được tự do tiếp cận các vùng biển và bầu trời ở khu vực này, Bắc Kinh giữ lại quyền đó cho chính họ. Khi Trung Quốc nói rằng họ bảo đảm quyền tự do đi lại ở Biển Đông thì cần ngầm hiểu rằng với tư cách một cường quốc độ lượng họ mở cửa ra cho tất cả mọi người như những người khác phải tôn trọng chủ quyền của họ.
Trung Quốc còn lâu mới có thể kiểm soát tất cả các “cửa” dọc theo “đường chín đoạn”, và thậm chí nếu họ có thể làm như vậy, họ cũng sẽ không đóng các “cửa” đó. Xét cho cùng, Trung Quốc có lợi ích rất to lớn trong việc giữ các dòng chảy thương mại xuyên qua Biển Đông không bị cản trở. Sự đe dọa của Trung Quốc đối với tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này ảnh hưởng đến các cơ sở có tính quy phạm của quyền tự do này nhiều hơn là tình hình thực tế. Nếu Hải quân Trung Quốc trở thành kẻ giám hộ quyền tự do hàng hải trong vùng biển này, hầu hết tàu thuyền, hầu như mọi lúc, vẫn có thể đi lại qua đó không bị cản trở, nhưng đó không phải là vì các nước được hưởng quyền khách quan về tự do truy cập mà vì họ được hưởng sự độ lượng chủ quan của Trung Quốc mà nhiều khi sữ độ luợng này có thể có chọn lọc và tùy tiện. Chi tiết tinh tế này có thể không quan trọng đối với các công ty bảo hiểm và vận chuyển, nhưng nó sẽ có hậu quả sâu rộng cho nền chính trị thế giới. Nó có nghĩa là trong trật tự khu vực do Trung Quốc bảo lãnh thì luật pháp quốc tế phải nhường bước cho chính sách của Trung Quốc.
Ngay cả khi Trung Quốc hành xử theo cùng cách như Hoa Kỳ, vị thế đứng đầu của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ vẫn còn đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Sự tập trung của các động mạch chính của châu Á ở khu vực này có nghĩa rằng, diễn giải lại theo cách nói của Harold Mackinder, ai kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông thì kẻ đó sẽ thống trị châu Á; và với sự trỗi dậy của châu Á, ai thống trị khu vực này thì kẻ đó sẽ điều khiển thế giới. Trong 70 năm tính từ ngày cuối của Thế chiến II, vị thế đứng đầu của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đã cho phép Washington đóng một vai trò lãnh đạo ở châu Á. Về phần mình, Trung Quốc đã ngày càng thể hiện sự tin tưởng rằng con đường của họ tới vị trí đứng đầu Châu Á cũng chạy qua vị thế đứng đầu ở vùng biển này.
Chiến tranh Mỹ-Trung
Nếu cuộc thách giữa hai đối thủ này là không thể tránh được thì ai sẽ thắng ai? Tôi đồng ý với Goldstein rằng kết quả của một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung là rất không chắc chắn. Với tất cả những lợi thế về công nghệ, Hoa Kỳ lại bị bất lợi rất lớn về địa lý.
Nếu nguy cơ bị thua của Mỹ va Trung Quốc là tương đương nhau thì Washington sẽ phải suy nghĩ lại chiến lược lớn của mình. Ngăn chặn sẽ là một trụ cột rất yếu trong chiến lược của Mỹ. Washington phải dựa trên cân bằng, chứ không ngăn chặn hoặc hòa giải, như là các đặc tính chủ yếu của chính sách ngoại giao và hoạch định chiến lược của mình. Vì chiến tranh vừa là một cái cần phải tránh vừa là cái không thể thắng, nên việc hoạch định chiến lược của Mỹ phải chuyển trọng tâm từ chiến tranh sang các vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình.
Hoa Kỳ có thể cũng không cần phải sử dụng rất nhiều công cụ công nghệ cao của mình. Điều mà họ cần phải làm nhiều hơn là khắc phục những bấr lợi về địa lý bằng cách sử dụng thế “cờ vây” một cách điêu luyện như Trung Quốc. Họ sẽ cần phải giúp các nước ven biển như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Malaysia tăng cường khả năng phòng thủ, cả quân sự lẫn phi quân sự, và góp chung lực lượng trong một liên minh mạnh mẽ. Có lẽ huyền thoại lớn nhất hơn cả liên quan đến an ninh Châu Á hiện nay là Hoa Kỳ không thể và không nên kiềm chế Trung Quốc.
Alexander L. Vuving là giáo sư tại Trung tâm Châu Á-Thái Bình Dương Nghiên cứu An ninh Daniel K. Inouye. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của DKI-APCSS, Bộ Quốc phòng, hay Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét