Nguyễn Quang Dy
“Nhân lễ Giáng sinh 2015, xin kinh tặng các cựu chiến binh của cả hai phía đã thoát khỏi ngây thơ (innocence) và trưởng thành (mature) từ cuộc Chiến tranh Việt Nam, để trở thành các sứ giả của hòa bình và hòa giải” (Nguyễn Quang Dy)
Đất nước đã thống nhất nhưng dân tộc vẫn chưa hòa giải. 40 năm sau, vết thương chiến tranh vẫn chưa lành, đất nước vẫn chia rẽ và tụt hậu (trước nguy cơ Bắc thuộc), và con người đối xử với nhau (và với thiên nhiên) ngày càng vô cảm và bạo lực. Muốn hòa giải, phải xóa bỏ cực đoan trong tư duy, từ bỏ hận thù trong lòng và bạo lực trong hành động, để đất nước độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để người dân hạnh phúc và ấm no (như mong ước của cụ Hồ).
Hòa giải với Mỹ
20 năm sau chiến tranh, Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao (11/7/1995), tuy dư chấn chiến tranh vẫn chưa hết. Đến năm 2000 (thực sự là 2007) hai nước mới chính thức bình thường hóa quan hệ thương mại (PNTR). Thậm chí 40 năm sau, bóng ma chiến tranh vẫn còn ám ảnh cả hai phía, nhiều người vẫn còn là “tù binh của quá khứ”. Hòa giải khó hơn và lâu hơn bình thường hóa. Nó là một quá trình đau khổ.
Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa, nhiều người quên rằng năm 1978, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa với Mỹ (chỉ trong gang tấc) nên đã dẫn đến bi kịch “Chiến tranh Đông dương lần thứ ba” với “brother enemy” (Trung Quốc) và “đồng minh” (Khmer Đỏ) được Mỹ, Phương Tây và ASEAN ngầm ủng hộ. Chậm hòa giải và bình thường hóa với Mỹ đã dẫn đến bi kịch chiến tranh một lần nữa, “vắt kiệt máu” một dân tộc vốn đã kiệt sức.
Còn bây giờ, Viêt Nam không còn lựa chọn, phải thỏa thuận tham gia TPP để cứu vãn nền kinh tế đang khủng hoảng và lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, và để trở thành đối tác chiến lược của Mỹ nhằm cân bằng và đối trọng với Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền. Nhưng bóng ma chiến tranh vẫn còn ám ảnh, làm nhiều người sợ “diễn biến hòa bình” như sợ một “con ngoáo ộp” đối với những người mắc chứng tâm thần phân liệt (“vừa đ…vừa run”). Trong tâm thức, họ vẫn sợ Mỹ lấy mất cái “bảo bối XHCN” đã bị mối xông mục ruỗng.
Người ta nói “Chiến tranh không chấm dứt khi ngừng tiếng súng” (diễn văn của đại sứ Pete Peterson, 2001). Chiến tranh chỉ thực sự chấm dứt khi hai bên hòa giải được với nhau. Nhưng hòa giải không chỉ diễn ra trên bàn đàm phán, giữa hai chính phủ, mà nó còn diễn ra trên chiến trường xưa, giữa những người cựu chiến binh đã từng bắn giết lẫn nhau, và trong lòng những người thân của họ, ở cả hai phía. Nó đòi hỏi vươt qua thù hận.
Chính những cựu chiến binh lại ít thù hận và dễ hòa giải. Nhà văn Wayne Karlin (ở Maryland) và đạo diến Trần Văn Thủy (ở Hà Nội) là một ví dụ. Wayne từng là xạ thủ súng máy trên trực thăng, săn lùng Việt Cộng tại chiến trường Quảng Nam. Thủy là lính quay phim Việt Cộng, từng chạy trốn trực thăng và thoát chết nhiều lần tại chiến trường đó. Lúc đó họ đã có thể giết nhau (như những người khác). Nhưng họ đã sống sót, và sau chiến tranh đã tình cờ gặp nhau và trở thành bạn thân. Họ đã viết truyện, làm phim về chiến tranh, nhưng để kêu gọi hòa bình và hòa giải. Tình bạn của họ là một câu chuyện hòa giải bằng xương bằng thịt.
John Kerry, John McCain, Pete Peterson, Bobby Muller (và nhiều người khác) cũng là những cựu chiến binh, đã từng bị thương, bị tù đày, bị mất đôi chân tại chiến trường Việt Nam. Họ có quyền thù hận phía bên kia, nhưng chính họ đã dẫn đầu quá trình hòa giải. Họ khác với Robert McNamara đã từng tham chiến trong văn phòng máy lạnh, nhưng phải 20 năm sau (1995) ông ấy mới đủ dũng cảm hòa giải với chính mình, để thừa nhận sai lầm.
Thomas Vallely (một cựu chiến binh ở Massachusetts), đã nói tại Đà Nẵng năm 1985 (trong phim tài liệu của Northern Lights), “Chính tại Việt Nam tôi đã hiểu ra rằng… chúng ta không nên đưa thanh niên vào chỗ chết, chỉ vì lòng tự hào của mấy lão già” (It is in Vietnam that I have learned … We should not be in the businees of sending young men to die for old men’s pride”. Nhưng người Mỹ vẫn không học được bài học đó. Họ tiếp tục đưa thanh niên Mỹ vào chỗ chết ở Iraq và Afghanistan và bị sa lầy taị đó (như trước đây tại Việt Nam). Họ đã không tiêu diệt được khủng bố mà còn làm cho ISIS mạnh lên, trở thành hiểm họa toàn cầu.
Hòa giải thực sự phải toàn diện, không chỉ bao gồm ngoại giao, thương mại, đầu tư, mà còn cả quân sự, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục… Sau 20 năm bình thường hóa, đã có 16.500 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ (đông nhất trong số các nước Đông Nam Á). Dự án Đại học Fulbright (mà chương trình FETP là nòng cốt) cuối cùng đã được hai chính phủ chấp thuận, sau bao nhiêu năm không tiến triển được bước nào (có lẽ vì sợ “diễn biến hòa bình”). Cùng với thỏa thận TPP, Đại học Fulbright là một tin mừng. Hòa giải thực sự phải dựa trên hợp tác toàn diện, để xây dưng cả “sức mạnh mềm” lẫn “sức mạnh cứng”.
Hòa giải với Trung Quốc
Sau một thập niên coi nhau như “kẻ thù nguy hiểm nhât” trong bi kịch “Chiến tranh Đông dương lần thứ ba” (1979-1990), Việt Nam đã bình thường hóa với Trung Quốc, với thỏa thuận Thành Đô (9/1990) đi vào lịch sử, mở ra “một thời kỳ bắc thuộc mới nguy hiểm” (theo cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch). Đó là quá trình bình thường hóa “không bình thường”, dựa trên tư duy cực đoan và ấu trĩ vì ý thức hệ (chứ không phải vì lợi ích quốc gia). Họ đã nhảy từ thái cực này sang thái cực khác, từ anh em khăng khít “như môi với răng” đã trở thành “kẻ thù nguy hiểm nhất”, rồi nay lại trở thành đồng minh chiến lược, “đồng chí bốn tốt” với “16 chữ vàng”.
Quá trình bình thường hóa đó dựa trên một tầm nhìn thiển cận đầy ngộ nhận, giữa lãnh đạo hai nước cộng sản, chứ đâu phải hòa giải giữa hai dân tộc láng giềng, sau một cuộc chiến đẫm máu. Còn nhớ năm 1978-1979, gần một triệu người Hoa đã từng sinh sống tại Việt Nam suốt mấy thế hệ bỗng nhiên trở thành “nạn kiều” trong một cuộc chiến tranh mà chính họ không hiểu, nhưng là nạn nhân vô tội, bị xua đuổi khỏi Việt Nam trong một chiến dịch “bài Hoa” tàn nhẫn. Tuy không thay đổi được quá khứ, nhưng phải hòa giải với nhau để bỏ qua hận thù, mới có thể bắc nhịp cầu mới cho một tương lai tử tế hơn. Bởi vì hận thù giữa hai dân tộc láng giềng là mồi ngon cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng bá quyền.
Chỉ bình thường hóa chính thức giữa hai nhà nước (dựa trên ý thức hệ để duy trì chế độ), mà thiếu hòa giải thực sự giữa hai dân tộc (dựa trên hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau) thì không thể bền vững. Bằng chứng là chỉ sau hai thập niên, quan hệ hai nước lại rạn nứt và khủng hoảng, trước nguy cơ xung đột mới tại Biển Đông và biên giới. Những mâu thuẫn tiềm ẩn bị che đậy mà không được hóa giải, sẽ lại bộc lộ, trở thành nguy hiểm hơn.
Nếu so sánh, người ta dễ thấy có sự bất cập giữa hai quá trình hòa giải với Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đối với Mỹ, hòa giải giữa hai chính phủ chậm chạp và khó khăn như bị trầm cảm hay ma ám, thì đối với Trung Quốc, hòa giải giữa hai đảng lại hấp tấp và nông nổi như ngáo đá (uống phải “thuốc lắc”). Phải chăng là vì ý thức hệ? Trong khi đó người dân Việt Nam lại dễ hòa giải và hòa hợp với người Mỹ (tuy xa) hơn là với người Trung Quốc (tuy gần). Phải chăng là do sức mạnh mềm (như thể thao, âm nhạc, phim ảnh, giáo dục, và quyền con người) là những gia vị thiết yếu làm xúc tác cho quá trình hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc?
Trung Quốc có rất nhiều tiền và hàng hóa (là sức mạnh cứng), nhưng lại thiếu những thứ gia vị đó (là sức mạnh mềm) để hấp dẫn người dân (cả Việt Nam lẫn Trung Quốc). Tại sao nhiều người Việt Nam (và Trung Quốc) không muốn sống ở đất nước mình, mà cứ muốn di cư sang Mỹ và các nước phương Tây khác? Không phải chỉ có người dân, mà cả các quan chức trung thành với chế độ cũng đang làm như vậy (sau khi tranh thủ vơ vét làm giàu).
Có thể rút ra mấy nhận xét. Thứ nhất, một xã hội tuy giàu có về vật chất nhưng lại nghèo nàn và bất ổn về tinh thần không phải là một môi trường đáng sống. Thứ hai, không thể thực sự hòa giải với bên ngoài, nếu không thực sự hòa giải với bên trong. Thứ ba, xét cho cùng thì hòa giải với bên ngoài hay với bên trong đều dựa trên cùng một tiền đề là phải xóa bỏ hận thù và định kiến, cực đoan và bạo lực, tham lam và mù quáng (hay “tham, sân, si”).
Hòa giải dân tộc
Trong khi Việt Nam đã chính thức bình thường hóa và hòa giải (được một phần) với Mỹ và Trung Quốc, thì đáng tiếc là hai cộng đồng người Việt (trong nước và ngoài nước) vẫn chưa hòa giải được với nhau. Thậm chí trong cùng một cộng đồng, các phe nhóm khác nhau vẫn chia rẽ chống đối nhau kịch liệt như kẻ thù. Phải chăng đó là bản chất cực đoan của người Việt (do cội nguồn lịch sử) không chấp nhận trung lập (hay Trung đạo).
Xét về bản chất thì những người cộng sản cực đoan và chống cộng cực đoan đều rất giống nhau, vì cùng mắc căn bệnh tâm thần phân liệt và hoang tưởng rất khó điều trị. Câu chuyện “Terror in Little Sài Gòn” là một ví dụ (về phía “bên kia”), đến bây giờ vẫn chưa hòa giải và hóa giải được. Câu chuyện “Chân dung quyền lực” là một ví dụ khác (về phía “bên này”), phản ánh tranh chấp quyền lực liên miên hầu như không có hồi kết. Có lẽ đó là sự khác biệt căn bản giữa người Việt Nam với người Miến Điện, khi cần phải hòa giải vì lơi ích dân tộc. Trong khi họ đặt lợi ích dân tộc lên trên, thì chúng ta đặt lợi ích dân tộc xuống dưới.
Trong khi bỏ qua những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia, thì nhiều người vẫn cực đoan và cố chấp về những vấn đề cụ thể, không chịu nhân nhượng (như nguyên tắc cứng nhắc). Có lẽ sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện, giữa chiến lược và sách lược là một nguyên nhân, mà suy cho cùng đều do cái gốc cực đoan và cố chấp. Kinh tế thị trường “theo định hướng XHCN” thực chat chỉ là cái vỏ che đậy độc quyền và lợi ích nhóm.
Thật khó lý giải tại sao người Việt sẵn sàng “bỏ qua quá khứ” (dù nói miệng) để hòa giải với người Mỹ, nhưng giữa người Việt với nhau lại không thể bỏ qua quá khứ và hận thù. Đối với tội ác chiến tranh của TQ thì dễ dàng “quên” không nhắc tới (kể cả trong sách giáo khoa), nhưng lại nhớ dai nhấn mạnh tội ác chiến tranh của Mỹ trong phim ảnh và tại các bảo tàng chiến tranh. Và sau 40 năm, vẫn tiếp tục phân biệt đối xử với những người “lính ngụy”, kể cả khi họ đã chết (như đối với “nghĩa trang ngụy” tại Biên Hòa). Điều đó vừa không phù hợp với truyền thống dân tộc trong lịch sử (“lấy trí nhân để thay cường bạo”) vừa không đúng với tinh thần “hòa giải, hòa hợp dân tộc” (trong Hiệp định Paris, 1973).
Để hóa giải hố ngăn cách giữa cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước, không phải chỉ bằng điều chỉnh chủ trương đường lối (như “nghị quyết 36”) mà phải bằng hành động cụ thể có thiện chí thực sự. Tuy không thay đổi được quá khứ đau buồn (như trại cải tạo sau 1975), tuy không cần phải “đốt tráp” (đựng danh sách phản động) như vua Trần ngày xưa, nhưng cần phải hòa giải với những cựu chiến binh của “phía bên kia”, dù họ còn sống hay đã chết (tại Biên Hòa hay tại Hoàng Sa). Tại sao các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ có thể hòa giải được với nhau, mà các cựu chiến binh Việt nam của hai phía lại không làm được?
Nguyên nhân và lối thoát
Muốn hòa giải dân tộc, trước hết phải hiểu tại sao quá trình này vẫn khó khăn và thất bại, mặc dù đã có “chủ trương” (bằng văn bản). Nếu coi chủ trương đó chỉ là sách lược để lừa nhau nhằm giành lợi thế trong trò chơi quyền lực, thì đã đến lúc cả hai phía phải thực sự thành tâm với nhau. Bởi vì, hòa giải dân tộc không phải là sách lược, mà là điều kiện sống còn để thay đổi vận mệnh quốc gia. Trên thế giới có quá nhiều bài học kinh nghiệm.
Đối với Việt Nam thì việc hòa giải lại càng khó, đòi hỏi một tầm nhìn xa hơn và dân trí cao hơn. Lịch sử Viêt Nam từ thời Hậu Lê trở đi (cho đến gần đây) có nhiều bước ngoặt bất hạnh, dẫn đến chia cắt đất nươc thành hai miền, chiến tranh và xung đột liên miên, vừa với kẻ thù bên ngoài (Trung Quốc) vừa với kẻ thù bên trong (nội chiến). Trong bối cảnh bất an đó, người Việt đã bị xô đẩy theo xu hướng ngày càng cực đoan và bạo lực, luôn nghi kỵ và hận thù, xa dần tư tưởng Trung đạo và nhân đạo mà đỉnh cao là triều đại Lý và Trần. Các triều đại sau này ngày càng suy thoái, không những do bài ngoại, mà còn do chấp nội, thành hủ nho.
Trong bối cảnh lịch sử đó, các cơ hội cải cách và chấn hưng đã bị thui chột và thất bại, nên Việt Nam mới dễ dàng trở thành thuộc địa của Pháp, khác với Nhật Bản đã cải cách thành công dưới thời Minh Trị, trở thành một cường quốc mới ở Đông Á. Xu hướng cách mạng ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng cách mạng cực đoan du nhập từ Pháp, Nga, và Trung Quốc, đặc biệt là thời Stalin và Mao Trạch Đông. Đối với trí thức và người giàu thì “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Đối với kẻ thù thì “thù muôn đời muôn kiếp không tan”. Những tư tưởng cực đoan đó như thuốc độc ngấm dần vào cơ thể và tâm thức người Việt.
Vì vậy, muốn thay đổi chỉ có cách phải giải độc, giải thoát khỏi tư tưởng cực đoan và cuồng tín, lòng hận thù và nghi kỵ, thói quen bạo lực và tham lam. Cực đoan và cuồng tín là biểu hiện của tầng văn hóa sơ khai và một não trạng bệnh hoạn, là mảnh đât tốt cho hận thù và bạo lực. Vì vậy, một quốc gia văn minh không thể gồm các cộng đồng thừa hận thù nhưng thiếu nhân ái và không tôn trọng nhân cách và nhân quyền. Chừng nào con người chưa bớt cố chấp, chưa thể sống tử tế và nhân ái với nhau thì chưa thể có hòa giải thực sự. Muốn hòa giải được với người khác, thì trước hết mỗi người phải tự hóa giải chính mình.
Sắp đến đạị hôi Đảng XII, vẫn còn nhiều người muốn đóng góp ý kiến. Dù sao, đó là một dấu hiệu đáng mừng, còn hơn là không có ai quan tâm vì người dân vô cảm quay lưng lại với thời cuộc. Vấn đề là có người nói, nhưng phải có người nghe, vì vô cảm không nghe còn nguy hiểm hơn là vô cảm không nói. Quá trình phản biện về chính trị cũng phản ánh thực trạng hòa giải của đất nước. Hy vọng Viêt Nam không thua quá xa Miến Điện.
Sắp đến ngày Thiên chúa Giáng sinh, và cũng sắp hết năm Ất Mùi đầy kịch tính, thời điểm giao mùa của “thay đổi khí hậu” đang trở thành mối lo toàn cầu. Hy vọng mỗi người bớt cực đoan một chút, bớt thù hận một chút, bớt tham lam một chút và bớt chấp đi môt chút, may ra đất nước này mới có thể hòa giải và thoát khỏi kiếp nạn (karma) Bắc thuộc.
NQD. 15/12/2015
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-12-15
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét