Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Về hay ở: Lựa chọn của '3 ông Anh'

Về hay ở: Lựa chọn của '3 ông Anh'
Từ trái qua phải: Ông Vũ Thành Tự Anh, Ông Đỗ Quốc Anh, Ông Trần Ngọc Anh


HUỲNH THẾ DU

(VNF) - Cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề nhân tài nên "về hay ở" đã làm nóng công luận trong tuần qua. Được sự đồng ý của tác giả, VietnamFinance trân trọng giới thiệu góc nhìn của Tiến sỹ Huỳnh Thế Du về vấn đề này.


Nhân chuyện về hay ở của du học sinh đang được bàn luận, tôi xin kể những câu chuyện của ba người  tên Anh rất nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh nói riêng, Việt Nam nói chung. Đó là các anh Trần Ngọc Anh, Đỗ Quốc Anh và Vũ Thành Tự Anh.

Cả ba đã theo học chương trình tiến sỹ kinh tế hoặc trên nền tảng kinh tế ở các trường hàng đầu tại Mỹ. Họ có những lựa chọn khác nhau, nhưng đều rất thành công. Có thể nói đây là ba hình mẫu rất đáng để nhiều người học hỏi hay lấy đó làm niềm cảm hứng vươn lên.

Lựa chọn của ba anh, thực tình, rất đơn giản. 

Anh Vũ Thành Tự Anh học đại học trong nước, sau đó dạy ở Đại học Thương mại Hà Nội trước khi sang Mỹ học chương trình thạc sỹ và tiến sỹ ở Boston College. 

Trong thời gian du học, anh đã tham gia các hoạt động của du học sinh rất tích cực, nhất là trong vai trò một người sáng lập US Guide - chương trình hỗ trợ du học rất nổi tiếng trong hơn chục năm qua.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp anh đã về nước làm việc tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright với vị trí giám đốc nghiên cứu cho đến giờ.

FETP rất nhỏ và không nằm trong hệ thống học hàm của Việt Nam và anh Tự Anh cũng không theo đuổi con đường nghiên cứu hàn lâm với các xuất bản quốc tế. 


Tuy nhiên, anh đã rất thành công và đã khẳng định được tên tuổi của mình khi theo đuổi việc nghiên cứu, giảng dạy và thảo luận chính sách công ở Việt Nam. 

Không chỉ những người trong giới mà rất nhiều lãnh đạo cao cấp cũng như đông đảo công chúng thường xuyên dõi theo những phân tích sắc sảo của anh với một sự bình tâm trên tinh thần xây dựng và tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của Việt Nam.

Anh Đỗ Quốc Anh học đại học ở Pháp và đã được nhận vào Chương trình tiến sỹ thuộc Khoa Kinh tế học, Đại học Harvard khi còn rất trẻ. 

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, anh làm giáo sư phụ tá (assistant professor - nấc đầu tiên của con đường giảng dạy và nghiên cứu) ở Đại học Quản lý Singapore một thời gian trước khi chuyển sang Pháp với vị trí phó giáo sư Khoa Kinh tế, Đại học Sciences Pro.

Anh Quốc Anh theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật và đã có bài đăng trên các tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới như: American Economic Review và Quarterly Journal of Economics mà rất ít người có được vinh dự này. Đối với người Việt Nam trên khắp thế giới, tôi không chắc con số quá số đầu ngón tay có bài trên các tạp chí như vậy.

Bên cạnh công việc chính, anh cũng tham gia vào các hoạt động đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam như: Nhóm Đối thoại giáo dục Việt Nam với anh Ngô Bảo Châu và nhiều người khác hay Sáng kiến Việt Nam do anh Trần Ngọc Anh khởi xướng.

Chỉ riêng việc theo đuổi con đường chinh phục đỉnh cao học thuật cũng đáng để cho nhiều người dõi theo và hướng tới. Những đóng góp của anh cho sự phát triển của Việt Nam cũng rất đáng kể.

Người cuối cùng là anh Trần Ngọc Anh,  học đại học trong nước và đã từng làm ở Vietnam Airlines và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. 

Anh đã đi học thạc sỹ ở Úc rồi sang Mỹ học chương trình thạc sỹ chính sách công một năm rồi chuyển tiếp lên chương trình tiến sỹ ở Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy. 
Trong thời gian học anh cũng rất tích cực trong các hoạt động của du học sinh, nhất là đầu mối kết nối du học sinh ở vùng Boston.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp, anh đã được Đại học Indiana - một trong những trường hàng đầu về chuyên ngành quản lý và chính sách công nhận vào vị trí giáo sư phụ tá.


Giai đoạn giáo sư phụ tá còn căng thẳng hơn giai đoạn làm tiến sỹ vì nếu không có các bài xuất bản ở những tạp chí hàng đầu trong ngành sẽ rất khó vào được biên chế (tenure). Do vậy, hầu hết mọi người thường dẹp mọi thứ sang một bên để tập trung cho việc rất quan trọng này.

Tuy nhiên, anh Ngọc Anh vẫn đều đặn làm những việc thiết thực đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Đáng kể nhất là Chương trình học bổng dành cho các lãnh đạo trẻ Việt Nam (Vietnam Young Leader Awards - VYLA) và Sáng kiến Việt Nam. 

VYLA được tổ chức tại Đại học Indiana bắt đầu từ năm 2010, dành cho khoảng 20 ứng viên có tiềm năng đang làm ở Việt Nam hàng năm theo học chương trình thạc sỹ về quản lý công. 

Chỉ tính riêng phần tài chính mà Đại học Indiana tài trợ cho chương trình này đã là hàng triệu USD.  Giá trị tổng thể của chương trình này đương nhiên là lớn hơn nhiều.

Sáng kiến Việt Nam là chương trình kết nối cộng đồng trí thức Việt Nam ở hải ngoại cùng có những việc làm thiết thực cho sự phát triển của Việt Nam. 

Công việc chính của anh cũng rất hanh thông. Năm 2014 anh được giải thưởng bài nghiên cứu xuất sắc nhất của Hiệp hội Khoa học Chính trị vùng Trung Tây, Hoa Kỳ và được vinh danh là giảng viên trẻ xuất sắc của Đại học Indiana. 

Từ đầu năm 2015, anh đã trở thành phó giáo sư ở Đại học Indiana - một công việc làm ổn định cả đời ở một đại học rất danh tiếng.

Rõ ràng là “3 ông Anh” này đã chọn những con đường rất khác nhau nhưng đều đang rất thành công và có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển Việt Nam. Hiện tại họ vẫn đang chung tay trong nhiều hoạt động khác nhau, nhất là ở nhóm Đối thoại giáo dục Việt Nam.

Mỗi lựa chọn đều có vẻ đẹp và ý nghĩa riêng. Ví dụ, việc theo đuổi con đường vươn đến đỉnh cao học thuật của anh Quốc Anh hay việc tập trung vào Việt Nam của anh Tự Anh đều rất đáng trân trọng và là con đường mơ ước của nhiều người.

Những đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam của các anh là rất rõ ràng, nhưng nói đến hy sinh, tôi cho rằng, không anh nào đặt ra (thậm chí là chí nghĩ đến) cả.

Ba anh đều nghiên cứu về kinh tế học ở bậc tiến sỹ và hiện tại đang giảng dạy môn này. Do vậy, theo logic thông thường các anh là những “con người kinh tế” - con người vì mình và tối đa hóa lợi ích của bản thân (Ở đây tôi muốn làm rõ là vì mình hay tối đa hóa lợi của bản thân không mang ý nghĩa tiêu cực như một số người nghĩ mà ngược lại, nó chính là động lực cho sự phát triển mà ba ông anh này là những ví dụ thuyết phục nhất).  

Lựa chọn của những con người duy lý đơn giản chỉ là như vậy chứ đâu cần đặt ra hay gán cho những điều to tát là gì. Trên thực tế, hầu hết những người sống trên trái đất này đều là những người duy lý trong hầu hết các tình huống.

Do đó, tôi cho rằng đối với du học sinh hay bất kỳ ai, hợp lý là chọn cái tốt nhất cho mình chứ không cần nói đến cống hiến cho cái chung và phải hy sinh cái riêng - điều có thể xảy ra ở những bối cảnh đặc biệt như chiến tranh một mất một còn chẳng hạn, chứ thời bình ai lại đặt ra vấn đề không tưởng này.

Đối với việc đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam lại càng không nên lý tưởng hóa hay phải thế này phải thế kia. Thực tế, mỗi người đều muốn khẳng định mình và muốn được nhiều người biết đến với những việc làm có ý nghĩa cho xã hội. 

Cộng đồng, đất nước, quê hương là những nơi thân thuộc của mỗi người và nhiều người biết nên thường là dễ có những đóng góp hay được công nhận nhất. Vinh quy ai cũng muốn bái tổ theo các nghĩa khác nhau.

Nói tóm lại, làm gì ở đâu theo tôi là lựa chọn tự do và vì lợi ích riêng của mỗi cá nhân và mỗi người thường biết họ muốn gì và cần gì chứ không nhất thiết phải nâng quan điểm ở hay về hoặc bên này hay bên kia, chung hay riêng. Gần như tất cả chúng ta đang như vậy mà.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng đối với Việt Nam là nếu có nhiều người trở về hoặc muốn chung tay đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì chúng ta có thể sớm trở nên phát triển. Ngược lại, nếu Việt Nam cứ muốn nằm trong nhóm quán quân kiều hối thì tương lai phía trước có khả năng cao là sẽ rất u ám. 

Với ý nghĩa này, dư chấn không hay của việc anh Doãn Minh Đăng bị đẩy đi làm việc không đúng chuyên môn (một dạng bị cho ngồi chơi xơi nước) và việc thiếu vắng những cán bộ trẻ không có gốc gác được đề bạt vào những vị trí quan trong trọng thời gian qua sẽ rất lớn.

* Tiến sỹ Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Lĩnh vực nghiên và giảng dạy chính của ông gồm: kinh tế đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính ngân hàng. Ông đã học các ngành xây dựng dân dụng, quản trị kinh doanh, kinh tế học ứng dụng và chính sách công, kinh tế phát triển, và quản lý công ở bậc đại học và cao học. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ  tại Trường Kiến trúc Harvard năm 2013. 

1 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ đây là quyền tự do của từng cá nhân. Thôi chúng ta đừng nên bàn thảo nữa.

    Trả lờiXóa