Trong cái thế giới mọi thứ đều tương đối này “dĩ bất biến ứng vạn biến” thực sự cũng chính là một dạng biến dịch. Khi mọi sự đều biến dịch, duy ta không biến, cũng có nghĩa là ta đang biến.
Thế nhưng, cổ nhân cũng từng có câu “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Khi đã vào đường cùng, tức mọi sự vây quanh đều đang biến thành một dạng cấp đông cứng ngắt, không còn xoay trở được nữa. Nếu cứ theo thói quen, thụ động, ứng xử máy móc theo quy trình thì ắt sẽ bế tắc. Mà bế tắc là vong mạng.
Khi đó lại cần biến. Vì biến tắc thông.
Nhưng làm sao để có khả năng biến dịch trong khi toàn thể cổ súy cho sự yên vị, gọi một cách thời thường là “sự ổn định”. Nhiều lực cản trong và ngoài đang bủa vây những ai, những tư tưởng muốn thoát ra để biến dịch.
Khi đó cần phải xuất hiện cái dũng của thánh nhân. Không phải là cái dũng tầm thường manh động.
Cái dũng của thánh nhân thì có sách đã nói rồi, chỉ xin dẫn lại vắn tắt. Ai cần thì tìm sách để tham khảo sâu.
“Điềm đạm tức là cái tính “như như bất động”, thản nhiên bình tĩnh, “không để cho ngoại vật động đến tâm mình”. Người điềm đạm, tức là người đã làm chủ cả Tình dục và Ý chí của mình. Nói một cách khác, người điềm đạm, tức người “tự động” không “bị động” vì những vật không tùng mình nữa.
“… Khổng Tử bị vây ở đất Khuông, không còn phương thế nào thoát ra được, bèn lấy đờn, đờn và ca. Tử Lộ hỏi: “Phu Tử làm sao vui được thế?...” Khổng Tử nói: “Ngươi lại đây ta nói cho mà nghe… Ta đã làm hết sức ta, để tránh cái chuyện nầy, thế mà không được, đó không phải còn tại ta nữa, mà là tại Trời. Xưa Nghiêu, Thuấn không bị cực cùng như ta ngày nay đâu, chẳng phải do nơi cái tài thận trọng của các ông ấy hơn ta mà được, mà là tại cái Mạng của họ không như của ta. Kiệt, Trụ, không phải tại họ tài ba ít hơn Nghiêu, Thuấn mà họ bị hại chỉ vì cái Mạng của họ không giống như hai người kia. Lặn xuống đáy biển, mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của bọn chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của bọn thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mạng và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái DŨNG của Thánh nhân…”.
Cái Dũng của Thánh nhân tức là chỗ cùng cực của Điềm Đạm”.
[Trích “Cái Dũng của Thánh nhân” tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần]
Xem ra, khi cần thiết thì vô chiêu luôn hóa giải dễ dàng kính thưa các loại hữu chiêu rầm rầm rộ rộ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét