Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

“Cây tỷ đô”?



Ít có loại cây nào khi vào Việt Nam lại tạo ra ý kiến đa chiều, tranh luận sôi nổi như mắc-ca (macadamia). Chủ trương thay đổi cây trồng phù hợp, năng động hóa tư duy làm ăn của nông dân, giúp họ thoát nghèo và từng bước vươn lên giàu có trên chính đất đai của mình là hoàn toàn đúng đắn. Tranh luận đa chiều về cây mắc-ca càng cho thấy nhận thức và tư duy kinh tế của nông dân cũng như của chính các cơ quan chức năng đang chuyển biến tích cực.

Dù muộn vẫn còn hơn không, khi mà các phong trào trồng “cây mũi nhọn, nuôi con mũi nhọn” trong nhiều thập niên qua thiếu sự kiểm soát, giám sát, khiến cho người ta buộc phải nhận lấy những bài học đắt giá. Một trong các bài học đắt giá là việc cung cấp thông tin minh bạch cho nông dân trong hệ thống còn hạn chế, hoặc chưa được quan tâm đã dẫn tới nhiều thảm cảnh. Chúng ta từng chứng kiến nhiều phong trào “bốc lên” rất nhanh nhưng cũng mau chóng “lụi tàn” vì thiếu thông tin, nhắm mắt làm bừa.

Gần đây nhất là phong trào phát triển “thần tốc” cây cao su, khi giá mủ lên cao ngất trời xanh. Bất chấp cảnh báo của nhiều chuyên gia người ta đã đổ xô nhau phát triển cây cao su ngay trên những vùng mà khoa học đã chứng minh là hoàn toàn không thích hợp với loại cây này. Thảm kịch, “giấc mơ cao su” hiện vẫn còn chưa kết thúc.

Tất nhiên, không loại trừ những kế hoạch chủ quan có mục tiêu rõ ràng của một số các nhà đầu tư có khả năng điều khiển được “phong trào”. Họ bất kể hậu quả cho xã hội, cho số đông tham gia, chỉ nhằm mang lại lợi nhuận cho chính họ và nhóm lợi ích theo kiểu “thương trường là chiến trường”.

Mắc-ca khi du nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ này vô tình hay cố ý được gọi với nhiều cái tên mỹ miều như là “hạt nữ hoàng” hay “nữ hoàng của các loại hạt”…  theo bản dịch từ cách gọi của thế giới. Rồi bổng dưng lại xuất hiện thêm một cái tên “nội địa” khác cho mắc-ca, nhưng nghe qua thì cực kỳ hấp dẫn: “cây tỷ đô”.

Những người vận động cho “cây tỷ đô” thì ra sức truyền thông mọi cách rằng đây là cây sẽ nhanh chóng giúp nông dân Việt Nam làm giàu, thật dễ dàng, thật đơn giản. Thậm chí, nếu không ai chịu làm, chịu trồng “cây tỷ đô” thì họ sẽ tự bỏ tiền ra hàng chục nghìn tỷ đồng để tự trồng, tự phát triển “cây tỷ đô”. Đơn giản, bởi vì khả năng sinh lợi của loại cây này có thể tính lên tới nhiều… “tỷ đô” (dollar). Xuất hiện không ít lần trên báo chí các thông tin cam kết về việc ngân hàng sẽ tài trợ, sẽ có các chương trình cho vay ưu đãi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho những ai tham gia vào việc phát triển “cây tỷ đô”.

Trong vòng hơn một thập niên qua, không ít nông dân và kể cả một số chủ trang trại lớn, nhỏ ở các vùng đất được cho là có tiềm năng với “cây tỷ đô” đã ào ạt “thử nghiệm” loại cây này một cách tự phát. Kết quả của việc thử nghiệm “giấc mơ tỷ đô” tự phát này đã đưa tới nhiều câu chuyện trái ngược nhau và trở thành đề tài gây tranh cãi nhiều năm qua trên truyền thông và cả trong các hội thảo về đề tài mắc-ca.

Một số ít nông dân trồng tự phát đã thành công còn phần lớn thì kết quả không như mong muốn. Một mô hình trồng mắc-ca quy mô gia đình cỡ nhỏ được đánh giá là thành công ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đó là gia đình ông Nguyễn Đức Ba, với chưa đầy một hec-ta  mắc-ca trồng từ đầu năm 2.000. Theo ông Ba, ông may mắn tìm được giống mắc-ca chất lượng tốt và với kinh nghiệm của một lão nông ông đã ương giống và chăm sóc thành công loại cây trồng mới lạ này trên vùng đất chưa từng có tiền lệ.  Nhờ chất lượng của hạy mắc-ca của ông khá tốt nên thị trường đã chấp nhận. Hiện ông còn tổ chức chế biến khép kín để có hạt mắc-ca thành phẩm, qua một công ty gia đình thương hiệu “Maca Ông Ba” đang có mặt trên nhiều thị trường. Giờ đây, mỗi năm gia đình ông kiếm được “tiền tỷ” (đồng) từ vườn mắc-ca chưa tới một hec-ta.

Khảo sát thêm tại khu vực Tây Nguyên cho thấy không ít nông dân trồng mắc-ca theo lý thuyết đã đến tuỏi thu hoạch nhưng cây vẫn chưa có trái hoặc trái nhỏ, số lượng ít. Ông Chu Văn Trịnh, một nông dân trồng mắc-ca ở Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng cho hay, nếu trồng từ các loại giống trôi nổi thì rất may rủi. Phần lớn là không ra trái hoặc ra trái nhất nhỏ, chất lượng thấp. Tuy nhiên, điều mà ông Trịnh băn khoăn nhất chính là đầu ra của hạt mắc-ca. Nhiều khảo sát khác tại các khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc… cũng có kết quả tương tự. Đáng lưu ý, một số địa phương đã chính thức khuyến cáo nông dân thận trọng khi đầu tư phát triển “cây tỷ đô”.

Từ 2002, Bộ NN&PTNN đã tiến hành nhập giống và trồng thử nghiệm mắc-ca  ở nhiều địa phương trong cả nước. Ở các khu vực thử nghiệm của Bộ NN&PTNT, cây mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển nhưng tỷ lệ đậu trái, sản lượng trái rất khác nhau. Sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 đạt 17,5-21,5kg/cây, tương đương 8-10 kg hạt khô/cây, thấp nhất đạt 9,4-12,4kg/cây, tương đương 4-5 kg hạt khô/cây. Ở một số nơi cây không có trái. Tây Nguyên được cho là khu vực có điều kiện thích hợp nhất với kế hoạch phát triển mắc-ca.

Tuy nhiên, điều mà các nhà hoạch định chính sách vẫn băn khoăn giống như lo lắng của một nông dân ở Đà Lạt, chính là đầu ra cho mắc-ca. Theo các chuyên gia, giá cả hạt mắc-ca thành phẩm tại thị trường Việt Nam mấy năm gần đây “sốt cao” là hiện tượng cục bộ, bất thường. Mức giá ảo này không phản ánh đúng tình hình thị trường mắc-ca thế giới. Do đó, nếu căn cứ vào hiện tượng “sốt ảo” để đánh giá tiềm năng “cây tỷ đô”  thì rất dễ đi vào vết bánh xe đã đổ của nhiều loại cây trồng khác trước đây.

Do vậy, Bộ NN&PTNT mới đây công bố Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030 với diện tích khá khiêm tốn: 9.940 hec-ta cho năm 2020 và 34.500 hec-ta cho năm 2030. Trong đó chủ yếu là trồng xen vào cây cà phê đang thoái hóa để dần dần thay thế bớt loại cây này. Bộ NN&PTNT nhấn mạnh phải xây dựng và đảm bảo các cơ sở để có một thị trường ổn định cho đầu ra của mắc-ca.

Sự thận trọng lần này của ngành chức năng, của các nhà khoa học và bản thân người nông dân với “cây tỷ đô” có lẽ chính là sự cần thiết để không phải trả thêm những bài học đắt giá khác nữa.

Hữu Nguyên





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét