Mỗi khi có dịp anh
em ngồi lại với nhau uống vài ly rượu, trước sau gì Lý Tiến Dũng
cũng tìm ra được một cây guitar thùng. Khi anh tự đánh đàn và bắt
đầu hát thì hầu như những cuộc tranh cãi nảy lửa trước đó trong bàn
theo kiểu chẳng ai chịu ai, bắt đầu chìm xuống rồi từ từ biến mất.
Tiếng đàn, ca từ và ý nghĩa những bài anh hát lôi kéo mọi người
lại với nhau biến “chiến trường” thành những “bữa tiệc” âm nhạc ngon lành, thịnh soạn, tự nhiên như
không, với sự tham gia nồng nàn hầu như của tất cả những ai có mặt.
Anh có một sê-ri bài
ca về Hà Nội cực hay, luôn gây bất ngờ vì nó thật sự đa dạng và
khiến cho người ta cảm nhận được từng ngóc ngách của thành phố này
qua từng giai đoạn, từng cảm xúc rất khác biệt. Hà Nội mùa thu, rồi
Hà Nội mùa đông; Hà Nội trước chiến tranh và Hà Nội trong khói lửa;
Hà Nội lãng mạn trong tình yêu mà kiêu hùng trong kháng chiến… Nhiều
cung bậc cảm xúc, cho tới mức tôi nhận ra anh phải là người yêu Hà
Nội lắm lắm mới có thể diễn đạt bằng tiếng đàn, lời ca của mình
về tình yêu đó một cách hồn nhiên, tự tin, thoải mái như vậy. Tương
tự, khi hát về tình yêu, về thân phận con người, về chiến tranh và
thời cuộc, kể cả với những lời nhạc tự chế… anh cũng luôn cho thấy
sự hiểu biết tinh tế, đầy cảm xúc chia sẻ với mọi số phận khốn
khổ và tính khinh bạc với cái xấu, cái ác, cái phần tăm tối của
con người.
Mỗi khi có một
người bạn ra đi, hay phải chia tay ai đó, Lý Tiến Dũng thường nhắc
tới những ca từ của Trịnh Công Sơn, “những hẹn hò từ nay khép lại,
thân nhẹ nhàng như mây”… Giờ tới lượt anh, “chút nắng vàng giờ đây
cũng vội, khép lại từng đêm vui”. Anh ra đi nhanh quá, vội quá. Dẫu
biết trước, nhưng anh vẫn luôn bình thản khi nói về bệnh tình của
mình, cố gắng kiềm chế, chịu đựng sự đau đớn của mình, khiến bạn
bè luôn có cái cảm giác một ngày nào đó anh bình phục rồi sẽ còn
nhiều dịp du ca với nhau nữa, hết sức bàng hoàng. Vẫn đúng cái tính
cách đó, anh luôn sợ làm phiền mọi người, mình làm mình chịu, luôn
tự quyết định cuộc đời mình từ công việc cho tới cái chết.
Nhà báo lão thành Thái Duy (thứ hai từ trái qua) và nhà báo Lý Tiến Dũng (thứ ba từ trái qua) tại tòa soạn báo Đại Đoàn Kết Hà Nội - 2014
Vậy là căn bệnh ung
thư không chừa một ai. Nguồn gốc của căn bệnh quái ác này chính là
thực phẩm bẩn, môi trường sống ô nhiễm mà thủ phạm cuối cùng chính
là sự vô trách nhiệm, thiếu đạo đức cộng với lòng tham không đáy
của con người. Trớ trêu thay, anh lại chính là người luôn chiến đấu
chống lại cái ác, cái xấu, những
trò ăn bẩn với thái độ gần như là không thể “đội trời chung” với
chúng. Xét cho cùng, những trò bẩn
trong hành xử công việc của con người, của từng thực thể quản trị, rõ nhất
là vấn nạn thực phẩm dẫn tới các hậu quả trong cuộc sống hàng ngày mà
căn bệnh ung thư đang ngày càng phát triển, hoành hành hung hãn trong
xã hội chúng ta đang sống chính là một phần của hệ lụy đó.
Có một dạo vào đầu
những năm 2000, cứ mỗi lần gặp nhau Lý Tiến Dũng lại bức xúc về sự
trở lại của một doanh nghiệp nước ngoài mà theo anh chính là một
trong các thủ phạm của chất độc màu da cam hiện diện ở Việt Nam
cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Điều làm anh phẫn nộ là: “Họ,
với những hậu quả sinh thái hủy diệt giống loài chưa bị lôi ra trước
tòa án quốc tế, đã được cứu rỗi ra khỏi cơn ác mộng của chiến
tranh, sơn phết các lớp sơn hào nhoáng rồi được tung vào một kịch
bản mới, giới truyền thông Tây phương gọi là “ám ảnh mới của ma
quỷ”. Anh cảm thấy kỳ lạ, nhận được
sự giúp sức hết sức ưu ái của các “địa chỉ” có trách nhiệm, “âm thầm
trong 5 năm qua, họ đã đặt được một mạng lưới trên toàn cõi Việt Nam”
(Monsanto & Dow Chemical - Nỗi ám ảnh mới trên đồng ruộng – Báo Đại
Đoàn Kết 20/6/2001)… Khi viết những dòng chữ này của mười mấy năm về
trước, chắc Lý Tiến Dũng chưa hình dung ra hết cái cảnh mà người
Việt Nam phải chịu đựng ngày hôm nay, trung bình mỗi ngày có hơn 200
người chết vì bệnh ung thư. Nhưng với sự nhạy cảm và trách nhiệm
của người làm báo chân chính, anh đã gióng lên tiếng chuông báo động
cho cộng đồng từ rất sớm. Thế nhưng cuối cùng, chính anh lại là một
nạn nhân của căn bệnh quái ác có nguồn gốc từ sự tắc trách, vô đạo
đức của con người.
Lý Tiến Dũng mà tôi
biết là một người không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, với những
trò ăn bẩn của “một bộ phận không nhỏ” và hành xử bất công của kẻ có
quyền với người dân lương thiện. Xuất thân trong một gia đình trí
thức, bản thân được trui rèn trong quân đội, tiếp thu tính cách Nam bộ
cương trực, khí khái đôi khi tới mức nóng nảy đã hình thành nên một phong
cách rất đặc biệt, bộc trực, nhưng sắc bén và bản lĩnh của một
nhà báo điều tra chống tiêu cực từ thời anh còn là phóng viên của tờ
Phụ Nữ TP.HCM. Tính khí cương trực theo kiểu Nam bộ ảnh hưởng không
nhỏ tới phong cách làm báo, viết báo của Lý Tiến Dũng. Nó khiến
cho những bài viết của anh như có thêm lửa, bừng bừng cảm xúc bên
cạnh những sự kiện, chi tiết và con số cụ thể, rành mạch khó lòng
bắt bẻ.
Không ít bài viết
của anh thực sự gây sốc cho những nhân vật có liên quan. Và anh luôn
phải trả giá cho điều đó vì phần lớn các nhân vật mà anh phê phán
hay có thái độ chê trách đều thuộc dạng “có gang có thép” cả. Tuy
nhiên, sự trả giá đó chỉ làm cho anh ngày càng thêm sắc bén và mạnh
mẽ hơn, anh đã vượt qua hầu như rất nhiều thời điểm “ngàn cân treo
sợi tóc” liên quan tới số phận chính trị, sự thăng tiến nghề nghiệp,
có khả năng quật ngã con người cương trực, một nhà báo chân chính,
coi trọng sự thật và nói ra sự thật một cách thẳng tuột bất cứ
lúc nào.
Anh vượt qua được vì
thật sự anh không cô đơn. Ai đó nhìn từ bên ngoài có thể chỉ thấy
hình ảnh của một nhà báo đơn độc, theo kiểu “một mình chống mafia”.
Nhưng tôi tin Lý Tiến Dũng luôn tự tin và luôn lựa chọn con đường bảo
vệ lẽ phải, các giá trị chân chính, vì anh tin vào sự đúng đắn của
lý tưởng mà anh lựa chọn. Sự đúng đắn đó được minh chứng bởi sự
đồng cảm và chia sẻ của không ít những con người có tiếng tăm, có
địa vị chính trị, xã hội, của tầng lớp trí thức tinh hoa và nhất
là rất đông đảo bạn đọc và bạn bè đồng nghiệp của anh.
Có một điều quan trọng
mà tôi nghĩ là anh luôn hướng tới mỗi khi cân nhắc tham gia tác nghiệp,
thực thi sứ mệnh của một nhà báo chân chính là luôn đứng về phía
nhân dân. Anh ý thức rất rõ về trách nhiệm của người cầm bút trước
các giá trị của lòng dân và sức mạnh của nhân dân. “Dẫu sao, với
nhiều dũng khí và nhiệt huyết, quần chúng nhân dân thông qua công luận,
cùng với những cán bộ tích cực và có trách nhiệm trong bộ máy
quản lý Nhà nước, cuối cùng cũng đã lần lượt đưa được những ổ tham
nhũng ra ánh sáng”. Mặc dù anh luôn biết rằng “để giành lại được
ánh sáng thực sự của công lý, cuộc đấu tranh ấy vẫn còn phải tiếp
tục một cách kiên trì”. Cuộc đấu tranh ấy ngày nay vẫn đang tiếp
diễn và ngày càng gay gắt, đúng như anh nói, Lý Tiến Dũng!
Đáng mừng là ngày
càng nhiều người hiểu và làm như những gì anh đã nói và làm. Giờ
đây, có thể anh tạm thời chia tay với cuộc đấu tranh này một cách
bất đắc dĩ, nhưng trong thực tế chính anh đã là người góp phần không
nhỏ nhen nhóm ngọn lửa của lòng nhiệt huyết, của lòng yêu nghề và
trách nhiệm chân chính của người làm báo cho nhiều thế hệ làm nghề
mà anh đã đào tạo, đã gầy dựng và có ảnh hưởng.
Chỉ nói riêng ở báo
Đại Đoàn Kết, hiệu ứng Lý Tiến Dũng để lại cho tập thể làm nghề
ở đây là không nhỏ một chút nào. Bản thân tôi, nếu không vì sự yêu
quý Lý Tiến Dũng thì đã lựa chọn một con đường khác, chắc chắn là
không có mặt ở Đại Đoàn Kết cho tới hôm nay. Khi trở thành Tổng biên
tập, người đứng đầu của tờ Đại Đoàn Kết, Lý Tiến Dũng đã thực sự
thổi vào tập thể làm nghề của tờ báo này một luồng sinh khí mạnh
mẽ với khát vọng vươn lên, đóng góp cho xã hội, cho bạn đọc, cho
những người yêu quý tờ báo này chưa từng có.
Anh đã mang cái khí
chất Nam bộ, bộc trực, thẳng thắn, cởi mở, thiên về hành động ra
tận tòa soạn Hà Nội, làm thay đổi mạnh mẽ công tác tòa soạn, sự
vận hành của tờ báo từ Bắc chí Nam. Cho tới nay, nhiều trang mục có
sức chiến đấu mạnh mẽ, hấp dẫn và lan tỏa rộng trong xã hội của
báo Đại Đoàn Kết hầu như đều có sự góp sức đáng kể của Lý Tiến
Dũng trong nhiều giai đoạn, với nhiều vị trí khác nhau. Ví dụ như
mục Thời Luận, trang Tiếng Dân, trang Tham vấn và Phản biện, trang Dân
Chủ và Pháp Luật…
Không ít loạt bài,
phóng sự điều tra do anh trực tiếp thực hiện hoặc tham gia chỉ đạo
đã gây tiếng vang lớn trong xã hội, được nhiều giới nhiều cấp quan
tâm và mang lại các hiệu ứng rất tích tích cực. Tôi còn nhớ, loạt
bài điều tra về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP.HCM ban đầu duy nhất chỉ
có một mình báo Đại Đoàn Kết thực hiện, trong khi nhiều tờ báo có
trụ sở chính ở ngay trên địa bàn này phải im lặng. Hiệu quả là
lãnh đạo thành phố này đã nhìn nhận được những điều cơ bản nhất vì cuộc sống
của người dân, phải xem xét lại mức đển bù, tăng thêm hơn 22.000 tỷ
đồng cho hàng ngàn hộ dân trong khu vực ảnh hưởng. Đồng thời xúc
tiến nhanh chóng việc xây dựng các khu tái định cư đảm bảo chất lượng
để đáp ứng nhu cầu của người dân bị giải tỏa… Hàng đoàn người dân
Thủ Thiêm đã mang hoa tới Ban đại diện miền Nam báo Đại Đoàn Kết (thời
điểm 2007) cảm ơn và bày tỏ lòng tin cậy của mình với báo.
Ngoài các phẩm chất
về nghề nghiệp khiến đồng nghiệp kính trọng, quý mến, Lý Tiến Dũng -
như đã nói, còn rất “nghệ sỹ”, la cà và gần gũi mọi người với tiếng
đàn và những bài ca luôn thích ứng với mọi cung bậc tình cảm và
thời sự, tạo ra sự gắn kết dễ dàng, hết sức tự nhiên mọi người lại
với nhau. Một tập thể gắn kết, đồng lòng rõ ràng là một điều kiện
tuyệt vời của sự phát triển. Không ít nhà báo tên tuổi, các bạn
phóng viên tập sự tìm được nơi Tổng biên tập Lý Tiến Dũng sự tin
cậy, yêu mến và họ tìm về với tờ báo Đại Đoàn Kết, để được trở
thành cộng sự của anh.
Một kế hoạch phát
triển báo Đại Đoàn Kết đầy tham vọng đã từng được Lý Tiến Dũng
chuẩn bị công phu trước khi anh ra Hà Nội nhận trách nhiệm tổng biên
tập. Toàn bộ kế hoạch đó, có thể nói tóm lại trong cái slogan mà
khi triển khai trên thực tế nó đã được trân trọng treo cao ở nhiều nơi
tại tòa soạn, các văn phòng của báo, tại các hội thảo phát triển
báo và trên các con phố chính ở Hà Nội và TP.HCM: “Muốn hiểu lòng
dân hãy đọc báo Đại Đoàn Kết”.
Dường như Lý Tiến Dũng đã kế thừa bằng hành động rất cụ thể
suy nghĩ của GS Lý Chánh Trung, một nhà trí thức yêu nước, đồng thời
cũng là thân phụ của anh: “Báo chí, tự nó không bao
giờ là một sức mạnh. Sức mạnh báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám
nói sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân.”.
Lý Tiến Dũng cũng
chính là tổng biên tập đặt nền tảng cho ý tưởng phát triển báo Đại
Đoàn Kết trở thành báo hàng ngày và trên thực tế đã làm được gần
như 90% chặng đường này cho tới khi anh rời khỏi nhiệm vụ cũng đầy
bất ngờ.
“Lăn lộn với những
mảng sự kiện không lạc quan, suốt 10 năm cầm bút, cũng như nhiều đồng
nghiệp, đồng đội, có lúc hiện diện trong tôi như một ám thị: thật ra
cuộc đời chỉ toàn là sự chấp nối những vở kịch lố bịch, không đầu
không đuôi. Và nó sẽ là một bi kịch nếu như không có những lần rất
hiếm hoi trong đời, tôi được đối diện thật sự với bức chân dung của
những con người đáng kính trọng, ngay bên cạnh những hình tượng tương
phản, méo mó, dị dạng. Đó là những con người dám sống cả đời cho
một lý tưởng. Đó là những tấm gương lung linh, muôn màu, của một thế
giới trong sáng, được hun đúc từ những chất liệu trong sáng” (Lý
Tiến Dũng, Những khoảnh khắc thời cuộc – trang 250, NXB Thông Tấn, năm
2003).
May mắn cho tôi, cho
nhiều bạn bè của chúng ta và nhiều đàn em trong nghề của anh là
chúng tôi đã có một bức chân dung bên cạnh mình từ nhiều năm qua để
mà còn nhận ra sự trong sáng cụ thể là như thế nào, để mà còn
hiểu được cuộc đời này không chỉ có những bi kịch, những vỡ diễn
lố bịch. Xin mượn những lời tâm sự của chính anh để nói về anh –
nhà báo chân chính Lý Tiến Dũng – như một lời chia tay thật nhẹ
nhàng với anh vậy!
Hữu
Nguyên
Bản đăng trên báo Đại Đoàn Kết đã bị biên tập, cắt bỏ nhiều đoạn:
http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/ly-tien-dung-nha-bao-hieu-long-dan/139145
http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/ly-tien-dung-nha-bao-hieu-long-dan/139145
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét