Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Nhân nhượng hay chiến tranh tại Biển Đông

Nguyễn Quang Dy
 “Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhãthì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh” (Winston Churchill).
Nhân nhượng Trung Quốc hay chiến tranh tại Biển Đông? Đó là cách nhìn bàn cờ Biển Đông bằng lăng kính trắng đen của một số học giả và chính khách phương Tây (và phương Đông). Về cơ bản, họ cho rằng đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc là “diều hâu”, sẽ dẫn đến chiến tranh, vì vậy phải nhân nhượng Trung Quốc. Đó là quan điểm nhầm lẫn của một số học giả như Hugh White (Lowy Institute) hay Lyle Goldstein (Naval War College).

Hệ quả của nhân nhượng

Thực tế bàn cờ Biển Đông vốn phức tạp với nhiều ẩn số và biến số, cũng như Châu Á là một bức tranh mosaic nhiều màu sắc đa dạng. Không thể thay đổi được bức tranh đó, nhưng cần thay đổi cách nhìn về nó, mới có thể tìm được giải pháp hiệu quả. Không nhất thiết phải nhân nhượng hay chiến tranh với Trung Quốc như trò chơi một mất một còn (zero sum). Một đường lối cứng rắn không nhất thiết dẫn đến chiến tranh, mà có khi ngược lại.
Trong tám năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã nhân nhượng Trung Quốc, tuy ông và ngoại trưởng Hillary Clinton đề xướng chủ trương xoay trục sang Châu Á (hay tái cân bằng) và thúc đẩy Hiệp định TPP làm chỗ dựa để Mỹ và đồng minh kiềm chế Trung Quốc. Đó là một chủ trương đúng, nhưng thực hiện thiếu quyết liệt, vì nhân nhượng Trung Quốc. Tuần tra biển Đông (FONOPs) cũng làm chiếu lệ vì “đi qua vô hại” (innocent passage) như “tiếng kèn ngập ngừng” do Obama “lãnh đạo từ phía sau”. Một chính sách nhân nhượng như vậy (với lý do để tránh né chiến tranh) là phản tác dụng và có thể gây nguy hiểm cho khu vực.  
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ hiểu sự nhân nhượng đó là dấu hiệu nhu nhược, nên họ càng làm già, thậm chí còn tạo ra khủng hoảng để hù dọa chiến tranh (brinkmanship). Lãnh đạo Trung Quốc đã nắn gân Obama tuy có tư tưởng đúng nhưng thiếu quyết liệt nên họ không sợ, thậm chí coi thường. Vì vậy Trung Quốc đã tranh thủ chiếm bãi cạn Scarborough của Manila (2012). Trung Quốc biết Hạm đội 7 tuy rất mạnh, có nhiều tàu chiến và máy bay hiện đại, nhưng Nhà Trắng lại “non gan” (no balls). Lịch sử đã lặp lại từ năm 1974 khi Trung Quốc chiếm Hòang Sa, và năm 1988 khi họ chiếm một phần Trường Sa, nhưng Mỹ không phản ứng.
Thứ hai, các nước Đông Nam Á cũng hiểu Mỹ nhân nhượng Trung Quốc là dấu hiệu nhu nhược, có thể bỏ rơi họ vì “nước Mỹ trước tiên” (America first), nên một số nước đã xoay trục ngả theo Trung Quốc. Các nước đồng minh của Mỹ (có căn cứ quân sự) như Philippines và Thailand đã xoay trục trước, bỏ Mỹ theo Tàu. Đó là một nghịch lý, do chính sách của Mỹ xô đẩy họ chứ thực sự họ không muốn thế. Các nước khác độc lập hơn, có truyền thống chống Tàu (như Việt Nam và Indonesia) cũng buộc phải ứng xử nước đôi bằng cách “đu dây”.  
Thứ ba, Trung Quốc đã tranh thủ “cơ hội vàng” này để bành trướng và quân sự hóa Biển Đông, nhằm từng bước biến nó thành cái ao riêng của họ. Trung Quốc không chỉ muốn kiểm soát Biển Đông, mà còn độc chiếm luôn nguồn tài nguyên (dầu khí và đánh cá). Vì vậy, họ đã ráo riết thay đổi thực địa và áp đặt chủ quyền theo “đường lưỡi bò” (đã bị phán quyết của tòa PCA bác bỏ). Nếu Mỹ tiếp tục nhân nhượng thì đến năm 2030, Biển Đông sẽ trở thành cái ao của Trung Quốc (Asia-Pacific Rebalance 2025 report, CSIS, January 19, 2016).
Những dấu hiệu mới
Chính quyền Obama (và các chính quyền Mỹ trước đó) đã “có công” giúp Trung Quốc trỗi dậy bằng chính sách “Constructive Engagement”, nên họ đã trở thành “quái vật Frankenstein” (theo lời cựu Tổng thống Richard Nixon). Trung Quốc còn tham vọng muốn thâu tóm Biển Đông làm bàn đạp để giúp họ thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, với quốc sách “Một vành đai, Một con đường”, nhằm vượt Mỹ để trở thành siêu cường đứng đầu thế giới. Đến lúc đó, nếu Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc thì chắc đã quá muộn (too little too late).

Một số học giả theo trường phái realism, nhưng lại thiếu thực tế về khu vực, vì họ chỉ quan tâm đến cân bằng lực lượng giữa các nước lớn (như megapowers), mà không thực sự quan tâm đến lợi ích các nước nhỏ trong khu vực (như micropowers). Họ không quan tâm (hoặc vô cảm) trước một thế giới mới với bản chất quyền lực đã thay đổi, và cấu trúc quyền lực đã chuyển dịch. Trong khi các megapowers bị suy tàn (decay) và mất dần quyền lực, thì các micropowers có vai trò ngày càng lớn hơn, không chỉ tại nước Mỹ mà còn khắp thế giới.

Trong khi hệ thống quyền lực chính thống (mainstream) bị suy tàn (như Moises Naim lập luận trong cuốn sách “the End of Power”), thì Trumpism (và Brexitism) là hiện tượng mới bất thường, đang làm đảo lộn thế giới. An ninh quốc tế ngày càng bất ổn, đặc biệt là tại Biển Đông, trước nguy cơ Trung Quốc trỗi dậy, bắt nạt các nước láng giềng yếu hơn và đòi thay đổi trật tự thế giới. Liệu “Trục người lớn” (Axis of Adults) có ngăn được Trump trở thành “Chump” (như Tom Friedman cảnh báo) có thể làm Trung Quốc (chứ không phải Mỹ) vĩ đại trở lại (making China great again). Theo Richard Haass (Council on Foreign Relations president), chính sách đối ngoại của Trump là tạm bợ (adhocracy), dựa trên ứng phó (improvisations).   

Nói cách khác, liệu James Mattis, HR McMaster, Rex Tillerson… có đủ khôn ngoan và thực tế để không trở thành những chính khách realist ngộ nhân, lăp lại những sai lầm tai hại, nhân nhượng Trung Quốc quá đà, như chính phủ Chamberlain của Anh đã nhân nhượng Hitler bằng chính sách appeasement đầy tai tiếng trong lịch sử. Rốt cuộc, nhân nhượng kiểu Chamberlain không ngăn được nước Đức Phát xít thôn tính Châu Âu. Gần đây, phát biểu của James Mattis và Malcom Turnbull tại Shangri-La Dialogue (3/6/2017) là một dấu hiệu mới tích cưc là Mỹ và đồng minh bắt đầu cứng rắn hơn với Trung Quốc, không để Trump bị ngộ nhận mắc mưu Tập Cận bình, trao đổi vấn đề Biển Đông với vấn đề Bắc Triều Tiên.

Điều đáng chú ý là những dấu hiệu điều chỉnh thái độ của Mỹ và đồng minh (như Nhật, Úc, Ấn) trùng hợp với điều chỉnh thái độ của Việt Nam đang xích lại gần Mỹ và Nhật, qua hai chuyến đi Mỹ và Nhật gần đây của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thái độ của Hà Nội đã cứng rắn hơn về chủ quyền và thăm dò dầu khí tại Biển Đông, bất chấp đe dọa của Trung Quốc, muốn ép Hà Nội dừng hoạt động thăm dò dầu khí tại hai dự án nhạy cảm là Cá Voi Xanh (Blue whale) tại lô 118 (hợp tác với Exxon Mobil của Mỹ) và Cá Rồng Đỏ (Red Dragon Fish) tại lô 136-3 (hợp tác với Talisman của Úc/nay là Repsol của Tây Ban Nha).

Thay lời kết

Thái độ cứng rắn hơn của Hà Nội phản ánh kết quả của những hoạt động ngoại giao gần đây giúp tăng cường cam kết và hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt và Nhật-Việt, không chỉ liên quan đến chủ trương khai thác tài nguyên dầu khí tại Biển Đông (oil politics) mà còn liên quan đến trò chơi cân bằng quyền lực (power politics) trong tam giác Mỹ-Trung-Nhật. Một liên minh khu vực vì an ninh tập thể (a regional coalition for collective security) dựa trên nền tảng TPP, là một sự răn đe hiệu quả để duy trì hòa bình. Lời Mở đầu (Preamble) của Hiến chương UNESCO đã khẳng định, “Vì chiến tranh bắt đầu từ trong tâm thức con người, nên phải xây dựng phòng tuyến hòa bình ngay trong tâm thức con người” (Since wars begin in the minds of men, it is in the minds of men that the defenses of peace must be constructed).

Nếu Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Mỹ và Nhật, thì quy chế đặc biệt về Cam Ranh giành cho đồng minh là tất yếu, làm bàn cờ Biển Đông thay đổi. Thời gian không còn nhiều để tiếp tục trò chơi bập bênh và đu dây, trong khi Biển Đông đang trở thành cái ao của Trung Quốc. Khi Alexander Vuving viết “Ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới.” thì chắc chắn anh ấy nghĩ tới Trung Quốc. Chống lại nguy cơ đó, Mỹ không nhất thiết sa vào bẫy Thucydides như Graham Allison cảnh báo, mà ngược lại nhân nhượng Trung Quốc quá đà sẽ làm tăng thêm nguy cơ chiến tranh. Trong khi người Trung Quốc đánh ván cờ Biển Đông theo lối cờ vây, vận dụng binh pháp Tôn Tử (Sun Tzu) thì người Mỹ và phương Tây không nên chỉ chấp vào học thuyết Clausewitz. 

Tham khảo
Ely Ratner, “The false choice of war or accommodation in the South China Sea”, Lowy Institute, 30 June 2017;
Hugh White, “South China Sea US policy must begin at home”, Lowy Institute, 26 June 2017
Ely Ratner, “Course Correction: How to Stop China’s Maritime Advance”, Foreign Affairs, July/August 2017)
Tom Friedman, “Trump Is China’s Chump, New York Times, June 28, 2017
Doug Bandow, “Who Is Making U.S. Foreign Policy?”, National Interest, June 26, 2017
Lyle Goldstein, “The Main Problem with America’s Abundant South China Sea Hawks”, National Interest, October 28, 2015.
Alexander Vuving, “Think again: Myths and Myopia about the South China Sea”, National Interest, October 16, 2015;  
Lyle Goldstein, “The South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths, National Interest, September 29, 2015;
Alexander Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?”, Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016.
Nguyễn Quang Dy, “Trung Quốc CÓ THỂ làm gì ở Biển Đông? Viet-studies, 26/2/2016

NQD. 1/7/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét